PHÍA SAU NGHI CAN X - HY SINH VÌ TÌNH YÊU, CÓ ĐÁNG?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tác phẩm: Phía sau nghi can X

Tác giả: Hinogashi Keigo

NPH: Nhã Nam

Thể loại: Trinh thám, văn học Nhật

Phía sau nghi can X là cuốn sách đầu tiên tôi đọc của Keigo, sau lời khuyến khích đây là quyển sách nên đọc cho những người nhập môn trinh thám. Và thật vậy, nó khá thích hợp với những người cần vài món khai vị kích thích cho sự hứng thú với thể loại này.

Khi thiên tài đối đầu thiên tài

Cả câu chuyện là cuộc đối đầu nảy lửa giữa Ishigami – thiên tài toán học cô độc với Yugawa – nhà vật lý đã nhiều phen giúp đỡ cảnh sát phá những vụ án khó bằng tài suy luận của mình. Một bên che giấu sự thật, một bên đi tìm sự thật, liệu cái “sự thật” đó có nên được khơi mào ra? Cuộc đời của Ishigami có hai lần đảo lộn: lần đầu tiên khi nhìn thấy Yasuki cùng con gái của mình dọn đến căn hộ bên cạnh anh ta, lần thứ hai là nhìn thấy cô bị quấy rối bởi gã chồng cũ bạo lực.

Còn đối với Yugawa, cuộc đối đầu cùng Ishigami cũng là một ấn tượng mạnh mẽ trong suốt cuộc đời của anh. Ngay từ lúc đầu, tác giả đã khẳng định hung thủ và tòng phạm gây ra cái chết của gã đàn ông vũ phu Togashi, một cách khơi mào rất kinh điển. Nhưng mọi việc từ đây mới bắt đầu rối rắm, giữa vô vàn các chi tiết tưởng dư thừa nhưng vô cùng chặt chẽ, Ishigami đã tận dụng từ neuron trong bộ não thiên tài của mình đã đánh lạc hướng cảnh sát, nhằm che giấu sự thật về cái chết của một gã bất nhân. Ở chiều ngược lại, bằng niềm tin vào công lý kẻ thủ ác phải cần đền tội, Yugawa liên tục đưa ra các phán đoán bác bỏ từng lớp hỏa mù được tung ra bởi một thiên tài. Niềm tin công lý thuộc về ai: “thám tử vật lý” Yugawa hay “thiên tài toán học” Ishigami? Điều này sẽ khiến độc giả phải hồi hộp theo dõi đến từng kí tự một xuyên suốt hơn 300 trang sách.

Thế nào mới là tội ác?

Ngay từ khi bắt đầu, Keigo đã phô bày cho mọi độc giả của mình thấy cuộc chiến gay cấn giữa hai thiên tài. Thông qua cuộc đối đầu nảy lửa, ông cũng đưa vào bên trong câu chuyện những câu hỏi riêng về hai từ “tội ác”. Yasuki bắt đầu tội ác của mình bởi gã chồng vũ phu luôn chèn ép, bóc lột cô; Ishigami bắt đầu tội ác của anh ta bởi tình yêu mù quáng mà anh trót trao đi đơn phương thầm kín; vậy thì nếu xét trên cái nhìn từ trái tim của một con người, ai đã thực sự phạm “tội ác” khi tội ác thật sự bắt đầu từ một kẻ đã chết? Hay tội ác đã bắt đầu từ lúc Yasuki lựa chọn kết hôn với Togashi, để rồi phải chịu sự bạo hành và đe dọa ngay cả khi đã dắt díu con gái mình bỏ chạy khỏi quá khứ? Những điều đó có được gọi là tội ác không, tôi không thể xác định được. Nhìn về mặt lý trí, Yasuki đã phạm phải một tội lỗi tày trời, việc cướp đi sinh mạng của một người khi họ không mong muốn đã trở thành điều ghê sợ, nhưng trong trường hợp của Yasuki liệu tôi, hay bạn, sẽ làm được gì hơn nữa?

Điều mà Yasuki đã làm trong cơn bộc phát, là để bảo vệ hiện tại của mình và con gái mà không hề hay biết rằng hành động đó sẽ hủy hoại cả tương lai của hai mẹ con, thậm chí là còn liên lụy đến một người khác nữa. Ishigami, vừa lo lắng vừa khấp khởi bước vào cuộc đời của người đàn bà mà anh đem lòng đơn phương, trong tình cảnh vô cùng oái ăm tréo nguẩy. Bằng cái đầu lạnh và thói quen của một nhà toán học, Ishigami như một vị cứu tinh đối với mẹ con Yasuki, nhanh chóng lập ra vô vạn bẫy ngầm để cảnh sát không thể tìm đến sự thật mà anh thề với lòng sẽ trút hồn mình canh giữ. Thế nhưng hành vi này của Ishigami liệu là đúng, hay sai? Dựa trên tính chất đạo đức xã hội lẫn pháp luật thừa hành, thì việc Ishigami đang làm chính là tiếp tay cho kẻ thủ ác, đứng dưới vai trò là một con người, liệu có ai tự nguyện che dấu cho kẻ sát nhân nếu trong tâm hồn người ấy đã không mục ruỗng sẵn? Nhưng cũng chính trên vai trò làm người đó, chẳng ai có thể mở lời trách móc mẹ con Yasuki và Ishigami là kẻ độc ác, tàn bạo giết chết một người rồi hèn hạ cuống cuồng tìm cách thoát tội. Sự dằn vặt của Yasuki về hành động của mình cùng nỗi lo sợ sự thật bị phanh phui trở thành điểm nhấn, đối lập với nét lạnh lùng điềm tĩnh của Ishigami luôn hướng đến mục đích sau cùng là bảo vệ người phụ nữ mình yêu, hai thứ cảm xúc này quyện vào nhau làm nổi bật lên câu hỏi được đặt ra xuyên suốt về tội lỗi và hình phạt: Tội lỗi dù bắt đầu từ nguyên cớ gì cũng sẽ luôn là tội lỗi và cần phải sử dụng hình phạt chăng?

Ngoài việc luôn bị cuốn hút vào cuộc đối đầu giữa nhà vật lý và toán học gia, thì xuyên suốt câu chuyện đều xoay quanh những chi tiết ẩn dẫn dắt người đọc bằng giọng văn đều đặn và hấp dẫn, cũng như đặt tiền đề cho sự suy ngẫm về tội ác thực sự đã diễn ra khi nào trong cuốn sách này. Không quá nhiều thông tin như Bạch dạ hành, cũng chẳng đi sâu vào tâm lý như Bí mật của Naoko, Phía sau nghi can X chỉ đơn giản với nhịp điệu dồn dập, những tình tiết bất ngờ và cú ngược dòng suy nghĩ độc đáo ở kết truyện. Tất cả đã được sắp xếp tỉ mỉ và liên kết chặt chẽ để tạo thành một tác phẩm cuốn hút và đáng được đặt vào hàng kinh điển.

Nếu có điều gì khiến tôi cảm thấy không hài lòng ở Phía sau nghi can X, thì có lẽ là việc tác giả đã bỏ qua khá nhiều chi tiết miêu tả tình cảm của Ishigami với người đàn bà một con Yasuki. Chính vì tình cảm của Ishigami được tác giả “chôn giấu” quá lâu nên ở phần kết truyện, người đọc dễ bị hụt hẫng khi biết được động cơ cho việc ngăn cản người thi hành công vụ của Ishigami. Dầu vậy, ngoài chi tiết thiếu sót đó thì cái kết của Phía sau nghi can X khá mãn nhãn và là câu trả lời phù hợp nhất với câu hỏi mà tác giả đã đặt ra ngay từ đầu. Xét tổng thể nội dung cuốn sách, mặc dù vẫn còn có nhiều tranh cãi về chất lượng nhưng Phía sau nghi can X xứng đáng với lời giới thiệu “cuốn sách cần đọc khi nhập môn trinh thám”. Chính tác phẩm này đã dẫn đường cho người viết cũng như vô vàn những người đọc khác trở nên yêu thích dòng văn trinh thám Nhật Bản, và chắc hẳn rằng Bạn cũng sẽ không là ngoại lệ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro