Đóng đinh cái, hái cưa to

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gia đình ba người bọn Phúc, Đông và Trinh nghe Ba Túc nói như thế thì ngẩng đầu lên nhìn ông, nước mắt nước mũi lòng thòng vừa đáng thương và buồn cười. Ba Túc từ trước đến nay là người kiệm lời, chỉ nói những gì cần nói, không thêm không bớt, sống trong làng xóm thì luôn hòa đồng, bao dung, hay giúp đỡ người hoạn nạn. Vì thế mà được mọi người hết mực kính trọng, những lời Ba Túc nói ra rất có cân lượng. Cho nên, khi ba anh em nghe chú Ba nói như thế thì trong tròng mắt liền lóe lên những tia hy vọng, biết rằng thứ Còng Chỉ kia chính xác có thể cứu ba mình khỏi tình cảnh thi biến, hóa cương thi, bị thầy diệt ma đánh cho hồn bay phách lạc.

Phúc vái lạy Ba Túc liên hồi: "Chú Ba gáng giúp con! Chú Ba gáng giúp con! Bao nhiêu con cũng trả!"

Ba Túc thấy vậy thì chạy đến đỡ, kêu cả ba người con của Năm Dóng đứng lên bình thường đi, đừng có quỳ lạy nữa, tổn thọ. Trần Lục sau khi ổn định bà con, nghe vậy thì chạy lại nói: "Chú Phúc đúng là bậc hảo hán trượng phu, lại một mực hiếu thảo. Nghe chú nói như thế làm sao Thiết Công tụi con nỡ từ chối cho đặng? Còn chuyện tiền nong mình thỏa thuận như thế nào chú nhỉ?"

Phúc chạy đến cặp kè Lục, nói: "Lục mày biết chú tiền thì không thiếu, muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Chỉ cần tìm cho bằng được gỗ cây Còng Chỉ thì muốn sống sung sướng cả đời cũng được."

Trần Lục từ nhỏ đã sống ngoài chợ, bản tính lém lỉnh, đặc biệt nghe đến tiền mắt sáng rực, hắn xoa xoa cái bông tai đen như đang hỏi ý nó, định cho cái giá trên trời thì đã bị Ba Túc ngăn lại. Ba Túc nói: "Quan tài được đặt làm giá bao nhiêu thì phải đợi "đếm mùn cưa" xong mới biết. Thằng Lục không được làm càng." Trần Lục nghe Ba Túc mắng thì lủi thủi ra đằng sau đứng cạnh Ngọc Mỹ, bị cô cười cho một trận. Ba Túc quay sang Phúc, nói: "Thôi thì... Đã nói huỵch toẹt ra như thế thì tao đành nhận. Tối nay thằng Phúc sang nhà tao đóng đinh cái, mai tao lên đường."

Phúc tròn mắt: "Đóng... đinh cái? Là cái gì vậy chú Ba?"

Ngọc Mỹ đứng sau nói: "Dạ, là làm cái giao kèo đó chú, tối nay khoảng nửa đêm chú qua là đúng luôn. Nhớ ăn mặc chỉnh tề nghe chú."

Lúc Ngọc Mỹ nói xong câu đó, Ba Túc cũng đã chắp tay sau lưng, lửng thửng đi về, Trần Lục và Ngọc Mỹ theo sau. Khi vừa ra khỏi khuôn viên nhà Năm Dóng, Ngọc Mỹ mới nói bằng giọng điệu nghiêm túc: "Nội ơi, Còng Chỉ là gỗ quý, hai trăm năm mới đốn được, lại phải dùng đến Cưa Ông Năm, đấy là còn chưa nói đến chuyện Thất Sơn huyền bí, không biết có thứ gì đến tìm cây gỗ ấy để hút Dương Khí. E rằng..."

Trần Lục bảo: "Muội lại sợ với công sức mình bỏ ra, cái gia đình này không có tiền trả à? Theo kinh nghiệm của huynh, chỉ sợ mình đem bao tải sang cũng đựng không hết số vàng của họ, đem về không đủ thôi chứ làm gì thiếu."

Ngọc Mỹ quát: "Huynh á, bớt bớt cái miệng."

Ba Túc nói: "Con Mỹ nói đúng, e rằng lấy gỗ cây Còng Chỉ đóng quan tài chỉ để trấn yểm, không cho thi biến thì quá là phí của, như thế thì có lỗi với Tổ phụ. Nhưng thấy người hoạn nạn mà không ra tay tương trợ còn có lỗi hơn gấp bội. Các con đừng vì chuyện này mà tiếc gỗ, cứu một mạng người sống hơn xây bảy tháp phù đồ, cứu một người chết không thành thứ cõi âm là xây đường cho nhân gian hướng thiện."

Cả hai nghe Ba Túc dặn thì đồng thanh: "Dạ, nghĩa phụ!" Mặc dù Trần Lục trong lòng cảm thấy khó chịu khi Ba Túc không nhắc gì đến chuyện tiền nong.

- o -

Nghĩa địa nằm ở rìa làng, cạnh con sông, bên kia sông là ruộng đồng vào mùa gặt, bên đây sông ngày xưa là một bãi đất trống, cạnh bờ sông là một lớp đá, ngăn cho nước bớt thấm vào bên trong. Cho nên, bên trong đất rất mềm, dễ đào, từ đó mà trở thành nghĩa địa. Ngộ cái, từ khi chôn những người đầu tiên, xung quanh bãi đất lại mọc lên rất nhiều sậy, không phải sậy thường, sậy này rất cao, che phần lớn diện tích của nghĩa địa. Nghĩa địa vì thế mà nằm tách biệt hoàn toàn với cuộc sống sinh hoạt thường nhật của dân làng. Người dân ai nấy cũng lấy làm khó hiểu, nhưng họ không biết được, người làm điều này chính là Ba Túc. Vì thấy thổ nhưỡng tốt, có thể xây được thông đạo, Ba Túc đã chủ động tách nghĩa địa ra, đào một cái hang rất lớn bên dưới, điều này tất nhiên huy động rất nhiều Thiết Công. Hang này nghiễm nhiên trở thành đền thờ Tổ phụ Quan Thiết, trước mỗi chuyến đi, nghi lễ "huyết hợp" - uống máu, cùng gọi nhau là gia đình sẽ được làm ở đây.

Thiết Công phàm mỗi lần đi thiết quan đều phải làm lễ, bản thân họ cũng rất coi trọng việc này. Việc huynh đệ thề sống thề chết với nhau nhưng khi gặp hiểm nguy thì mạnh ai nấy chạy trên đời này không thiếu; huynh đệ ngồi chung bàn, trà dư tửu hậu không biết bao nhiêu bận nhưng sau lưng lại đâm chọt nói xấu lẫn nhau cũng không phải là chuyện có thể kể hết. Căn bản vì đó chỉ là những lời nói cửa miệng, nói cho có, men hộ thể, tinh thần nhất định có chút sảng khoái nên cuồng ngôn. Thiết Công thì khác, lấy máu ra hòa lại với nhau, miệng đọc khẩu quyết, lại cùng nhau kinh qua vô số hiểm nguy, từ đó cái không ruột thịt lại hóa thành máu mủ. Hoặc giả có chuyện kẻ hèn, đã uống chung dòng máu mà vẫn vụ lợi, lúc ấy Ba Túc hoặc những người đứng đầu gia tộc khác sẽ đích thân thay mặt Tổ phụ mà trừng phạt chúng.

Mười một giờ đêm, con đường làng vắng vẻ lâu lâu vang lên tiếng chó sủa ma, tiếng con nít khóc, tiếng chim heo kêu, gió lùa qua kẽ tay lạnh ngắt, có chín người đang bước đi về hướng nghĩa địa, dẫn đầu họ chính là Ba Túc. Con đường làng dẫn vào một con đường nhỏ, con đường nhỏ lại có một cây sậy buộc dây đỏ, nhóm người rẽ vào đó, đi được hai mét thì rẽ trái. Sậy mọc cao trước mặt, tưởng chừng như không có đường đi nhưng Ba Túc dẫn nhóm người đó đi băng băng, khoảng hai mươi mét nữa thì dừng lại. Sậy chỗ này không mọc, để lộ một phần đất hình tròn, chính giữa là một ngôi mộ đất. Ba Túc nói: "Sửu Anh, lên đốt nhang với huynh."

Người tên Sửu Anh nghe gọi thì bước ra, ông này cao to, cơ bắp cuồn cuộn, mắt trái hình như bị chém nên không còn mở lên được nữa, bởi vậy khuôn mặt hết sức dữ tợn. Sửu Anh năm nay sáu mươi ba tuổi, dẫn đầu nhóm Thiết Công, tạm gọi là Đội số 2 trong chuyến đi tìm Còng Chỉ lần này, Ba Túc biết được tính chất nguy hiểm, cam go nên đã nhanh trí nghĩ đến phương án chia làm hai đội để dễ bề hành động. Trong nhóm của Sửu Anh còn có người em sinh đôi tên Sửu Em, bị câm nhưng là tay võ công cái thế, khinh công tuyệt đỉnh, leo cây năm mươi mét mà như cưỡi ngựa xem hoa, thoáng cái đã thấy đứng trên đỉnh. Dưới trướng hai anh em là bốn vị hảo hán khác, được chính tay Sửu Anh tuyển chọn, lần này xuống dưới cũng là để huyết hợp với bốn vị này, kèm theo đó là lấy cây cưa Ông Năm huyền thoại.

Sửu Anh nói với Ba Túc, giọng điệu rất cung kính: "Lâu rồi không về diện kiến Tổ phụ, đệ cũng thấy hổ thẹn."

Ba Túc nói: "Đệ đừng nói vậy, Tổ phụ theo ta lên núi, xẻ gỗ cùng ta, phù hộ con cháu Thiết Quan bình an trở về. Nhang đèn đã có huynh lo, chỉ mong con cháu đừng bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc, lúc đó làm quan cho nhau thật chua xót."

"Huynh nói đúng." Sửu Anh nói đến đó thì lấy ra hai ngọn đèn dầu, đưa cho Ba Túc một ngọn, mình giữ một ngọn, cả hai chăm lửa đốt, đám con cháu đứng phía sau liền lùi lại mấy bước. Hai người đọc rì rầm gì đó trong miệng, mắt nhắm nghiền, một lúc sau thì hô lên "Hây da!" rồi ném ngọn đèn dầu về phía cái mả đất, tưởng rằng đèn dầu sẽ vỡ, thế nhưng trên mả đất có cắm sẵn hai cây tràm, mỗi cây tràm đều có đóng đinh, hai người Sửu Anh và Ba Túc chính xác là ném đèn dầu điệu nghệ làm sao cho chúng bị treo vào đinh, xoay mòng mòng trong không khí. Đèn dầu xoay, dầu đèn chảy ra, bắt lửa, lan xuống dưới, phần đất trống hình tròn bỗng nhiên vụt cháy. Thì ra dưới lớp đất mả có cơ quan, lửa cháy thành hình hai cái hòm, trong mỗi hòm đều có một bộ xương, tất cả được vẽ cách điệu. Sửu Anh chìa tay ra nói: "Mời huynh mở cổng!"

Ba Túc vỗ vai người huynh đệ của mình, đoạn tiến đến cái mả, chụp tay vào hai cánh tay xương xẩu trong mỗi cái hòm rồi kéo mạnh, thì ra là hai cánh cửa dẫn xuống một thông đạo. Ba Túc đốt đuốc, bước xuống, tám người phía sau cũng đi theo, Sửu Anh đi cuối cùng, sau khi đảm bảo tất cả đều xuống hết thì đóng cửa thông đạo. Ngọn lửa trên mả đất và trong hai cây đèn dầu không hiểu vì sao cũng tắt ngắm.

Thông đạo hẹp chỉ đủ một người bước đi, bậc thang cao, càng xuống dưới thì không khí càng lạnh. Nhóm chín người cứ bước đi, không ai nói tiếng nào, cuối thông đạo không gian rộng hơn một chút, Ba Túc cầm đuốc châm vào hai cái chảo lớn, lửa phừng lên soi sáng mọi thứ. Trước mặt nhóm chính người là một cánh cổng đá được tạc từ một tảng đá khổng lồ. Cổng này dẫn vào đâu thì không biết, chỉ thấy đen ngòm ngòm, hai cột đá, một bên khắc hình Ngưu Đầu, một bên khắc hình Mã Diện, bên trên là tấm bảng bằng đá khắc ba chữ Hán: "Thiết Quan Môn."

Kiến trúc này đứng gần rất khó phát hiện nhưng khi nhìn toàn cảnh có thể thấy nó là một chiếc quan tài khổng lồ, cánh cổng kia chính là cửa dẫn vào bên trong lòng quan tài, nơi đầy là điện thờ Tổ nghiệp của Thiết Quan Công - những người đi rừng xẻ gỗ đóng hòm. Ba Túc quan sát xung quanh, thấy mọi thứ đâu vào đấy thì quay lại nói với nhóm người: "Huynh đệ, hôm nay là ngày đặc biệt, Thiết Quan thu nhận thêm bốn vị hảo hán, Túc tôi rất vui mừng. Bốn vị huynh đệ, xin mời bước lên phía trước."

Bốn người nọ nghe gọi thì làm theo, Ba Túc nhìn một lượt thấy ai cũng mang vẻ dặm trường, đôi mắt rất sáng thì gật đầu tỏ ý hài lòng. Ông đi về phía góc phòng, lát sau trở về, đem theo chín cái áo liệm màu vàng, bên trên thêu hình phượng hoàng ngậm ngọc, rồng đạp mây uốn lượn rất đẹp, đoạn phát cho từng người. Ông nhìn một lượt, cầm áo đưa lên trước mặt, nói: "Để đi qua Thiết Quan Môn, xin mời các vị khoác áo liệm." Vừa dứt lời, ông tự mặc áo, Sửu Anh, Sửu Em, Trần Lục và Ngọc Mỹ cũng làm theo. Bốn người mới đến mặc dù đã chuẩn bị tinh thần từ trước, thế nhưng nghe bảo mặc áo liệm không khỏi áy náy.

Một người đầu đinh, da trắng, khuôn mặt dữ tợn bước lên nói: "Dạ, thưa chú Ba, con biết là truyền thống của bổn nghề, nhưng không phải mặc áo liệm trước chuyến đi là điềm xấu sao? Con mới đến, còn chưa biết nhiều, nhưng từ trước đến giờ làm việc cũng phải rõ ngọn ngành, xin chú Ba đừng trách. Sự việc này hết sức kỳ lạ!"

Ba Túc khua tay, ý bảo không sao, ông nói: "Hiền điệt, hiện giờ chúng ta đang ở nghĩa địa, chui xuống thông đạo thì thấy cái quan tài khổng lồ. Như vậy chưa đủ kỳ lạ sao? Hiền điệt nói đúng, mặc áo liệm là điều cấm kỵ, nhưng đó là khi chúng ta ở trên, giờ đây, khi sắp đi vào Điện thờ Tổ phụ nằm trong quan tài, chúng ta khoác trên người quần áo bình thường mới lạ trái với đạo lý. Trước khi nhập quan, thi thể đều phải được khâm liệm, mặc đủ quần áo liệm, ấy là lẽ trời, Thiết Công chúng ta khi đi vào Điện thờ cũng phải theo. Hiền điệt có hiểu chưa?"

Bốn người mới đến nghe Ba Túc giải thích xong, mặc dù thấy hợp lý nhưng khi cầm áo liệm trên tay mặc vào, động tác vẫn còn hết sức do dự. Trần Lục thấy vậy thì nói: "Mấy huynh đừng lo, lúc đầu đệ cũng thấy ớn ớn, sau này cũng quen thôi. Mấy huynh thấy đệ vẫn còn sống nhăn răng đây nè, có bị gì đâu." Lục nói xong thì tiện tay khoác luôn cái áo liệm lên người, bước đi về phía Ba Túc, Ngọc Mỹ, Sửu Anh, Sửu Em cũng đã theo sau. Bốn người mới thấy vậy thì nhìn nhau, nhún vai rồi làm theo, khi vừa khoác áo liệm, họ mới hốt hoảng nhận ra không gian tối om om bên trong quan tài khổng lồ ban nãy thật ra được phủ bởi ánh sáng lân tinh màu xanh lục, trông vừa huyền diệu vừa ma mị, khi không khoác áo liệm thì lại không thấy gì cả. Chẳng lẽ đây là "lẽ trời" mà Ba Túc muốn nhắc đến?"

Ba Túc dẫn đoàn người bước qua Thiết Quan Môn, không gian bên trong quan tài đá khổng lồ cực kỳ rộng rãi. Bên trái có ba phiến đá lớn, trên viết chi chít Hán tự, bên phải là một dãy tượng đất nung, đầu tượng đeo mặt nạ hát tuồng. Cuối phòng quan tài có một cái hòm gỗ khác, bên trên để lư hương, phía sau mọc lên rất nhiều chuối. Tán lá của chúng có màu đỏ như máu. Chính giữa gian phòng quan tài có kê một cái nồi đất, đường kính khoảng nửa mét. Trần Lục và Ngọc Mỹ đã nhanh tay đốt nhang, phát cho mỗi người mười một cây, Ba Túc nhân lúc đó thì chỉ tay về cái quan tài ở cuối phòng, nói: "Cấm ba cây cho Tổ phụ." Đoạn, xoay sang chỉ tám bức tượng đeo mặt nạ cải lương: "Cấm một cây nhang cho mỗi tiền bối." Ba Túc chỉ nói ngắn gọn nhiêu đó, đoạn tiến về quan tài, quỳ xuống, dập đầu ba cái hết sức cung kính, ở mỗi bức tượng tiền bối thì ông dập đầu hai cái. Đoàn người cứ noi gương Ba Túc mà làm theo, lúc xong thì đồng hồ điểm giờ Tý một khắc.

Lát sau, toàn thể chín người đã ngồi quây quần xung quanh cái nồi đất ở giữa phòng, Ba Túc quay sang hỏi Sửu Anh: "Đệ có dặn anh em chưa?"

Sửu Anh gật đầu cung kính, đoạn nói với bốn người mới đến: "Xin mời huynh đệ lấy dao găm."

Tiếng "xoẹt, xoẹt, xoẹt" của dao găm tướt khỏi bao vang lên, vọng vào bốn bức tường của quan tài đá nghe hết sức ghê tai. Chín người, mỗi người một con dao găm, dẫn đầu là Ba Túc, ông giơ tay, nắm lấy lưỡi dao, tiến về phía chiếc nồi đất, bằng một động tác nhẹ nhàng, cắt đứt lòng bàn tay một đường nhỏ. Ông siết chặt nắm đấm, một giọt máu rất lớn rớt xuống, chạm vào nước trong nồi đất làm nó lăn tăn gợn sóng. Tiếp đến là Sửu Anh, Sửu Em, Trần Lục, Ngọc Mỹ và bốn người mới đến, thoáng cái nước trong nồi đất đã chuyển thành màu đỏ, Ba Túc múc cho mỗi người một chén thật đầy, vừa múc vừa ngâm nga một điệu vè.

"Thiết Công cắt máu. Con cháu keo sơn. Thiết Công uống máu. Hổ báo tránh xa. Thiết Công ngâm nga. Khúc ca xẻ gỗ. Thiết Công xuống lỗ. Đóng chặt nắp quan."

Trần Lục mỗi lần nghe Ba Túc đọc bài vè này đều phải nhịn một cơn cười, trong không khí trang nghiêm này, hắn ta dù gì cũng phải biết giữ mặt mũi, không thôi thì khó mà yên thân với Ngọc Mỹ. Ba Túc múc xong thì ngồi xếp bằng, tay nâng chén, bắt đầu khấn, tám người còn lại đều đọc theo: "Lạy Quan Thiết Công Tổ phụ chứng giám, thề từ này tận trung với Thiết Công, có đi nguyện vịn vai nhau, có về nguyện nâng đỡ nhau, có chết nguyện đóng quan cho nhau." Xong thì ực hết cả chén.

Ba Túc nhìn sang Sửu Anh, ông ta hiểu ý, vì bốn người mới đến này sẽ đi theo Sửu Anh nên ông ta nói: "Huynh đệ, huyết hợp đã xong, từ giờ chúng ta coi nhau như người một nhà. Chuyến đi lần này vô cùng nguy hiểm, mỗ biết huynh đệ có người vì mưu sinh, có người vì tình cảnh bắt buộc, có người lại đi vì đơn giản là muốn đi. Cho dù mục đích của chúng ta là gì, nguyện từ nay không bao giờ bỏ mặc nhau trong hiểm nghèo." Ai nấy đều chấp tay, khuôn mặt tuy có phần căng thẳng nhưng đều cho lời Sửu Anh nói là đúng.

Sửu Anh quay sang Ba Túc: "Huynh chắc còn phải ở lại để đóng đinh cái?" Ba Túc gật đầu, Sửu Anh nói tiếp: "Vậy đệ sẽ đi trước, đệ không phải huynh, chắc phải cần nhiều thời gian hơn."

Ba Túc bảo: "Đệ đừng có khách sáo như vậy. Chuyện thám thính chắc phải nhờ đến đệ. Huynh đóng đinh cái xong sẽ xuất phát ngay sau đó. Bảo trọng!"

Sửu Anh chắp tay: "Túc huynh bảo trọng." Nói xong thì dẫn anh em rời khỏi quan tài đá.

- o -

"Thôi, trời ơi, giờ mà kỳ vậy, bắt mặc áo liệm rồi còn kêu đi vô trong. Ép nhau vừa vừa thôi." Là tiếng nói của người con trai trưởng tên Phúc, một người con của Ba Túc vừa dẫn anh ta tới. Ba Túc nghe vậy thì phải chạy ra, thuyết phục gãy cả lưỡi Phúc ta mới chịu đi vào trong, khuôn mặt ban đầu có vẻ căng thẳng, nhưng khi thấy hai người Trần Lục và Ngọc Mỹ cũng có mặt thì mới giãn ra được chút ít. Phúc nói: "Chú Ba, con biết biết chú hành tung bí ẩn, nhưng như vầy thì đúng là quá sức tưởng tượng rồi..."

Trần Lục cười bảo: "Tính chất công việc cả thôi chú Phúc. Sao, chú có đem theo tí gì gọi là "lộ phí đi đường" như con nói không?"

Ba Túc liếc sang Trần Lục, bụng nghĩ chẳng lẽ thằng này thừa cơ mình không để ý đã đi vòi tiền người ta, Ba Túc liền nói: "Tên láu cá nhà ngươi lại bày trò gì nữa rồi? Ngồi yên nghe lời không được hay sao?"

Phúc nói: "Thôi mà chú Ba, làm gì cũng phải có động lực, ai lại cho không ai cái gì, đạo lý đó chú Ba rành hơn con nhiều mà. Đây." Nói đoạn, Phúc lấy ra một xấp tiền, nói: "Con gửi mọi người vài đồng làm lộ phí, thuốc than. Đây chỉ là lòng thành chứ tuyệt nhiên chẳng liên quan gì đến chi phí sau này, chú Ba yên tâm." Phúc chưa kịp nói xong thì Trần Lục đã vội nhận tiền, Ba Túc thấy vậy, tuy có khó chịu nhưng ngẫm lại thấy có một tí lộ phí cũng đỡ một mối lo, dễ dàng tập trung vào công việc hơn nên thôi không nói gì cả.

Ba Túc nói: "Chú Phúc, bây giờ chúng ta sẽ đóng đinh cái. Chú theo lão qua đây." Ba Túc dẫn Phúc đến bức tường chỗ có trưng mấy pho tượng đeo mặt nạ cải lương, lại gần mới thấy trên mỗi pho tượng đều có treo một thứ công cụ. Chỗ pho tượng thứ bảy là một cái cưa dài khoảng một thước, rộng một gang tay, lưỡi cưa màu trắng, nhìn kỹ lại thì biết được làm từ răng cá sấu. Ba Túc tiếp: "Vị này là Lương Ngân Đạt, thủ lĩnh đời thứ bảy của Thiết Quan Công. Ngân Đạt tiền bối dành ngót hai mươi năm để thu thập răng cá sấu khổng lồ đi hoang trên sông nước miền Tây, cuối đời để lại cho hậu thế cây cưa Ông Năm, được đặt tên theo ông Năm Chèo trong truyền thuyết. Lưỡi cưa sắc bén, cưa cây như cưa bùn." Ba Túc nói đến đó thì lấy trong túi áo bà ba bốn cây đinh, ba cây đinh nhỏ nhọn vô cùng, một cây to thì đã bị cà cho tà đầu.

Phúc vẫn chưa hiểu gì cả, Ngọc Mỹ lúc này mới đem đến một tấm ván hòm, đặt xuống chân tượng rồi nói với anh ta: "Chú đứng bên này, nội con đóng một búa thì chú đóng một búa. Đây là xin Ngân Đạt lão tiền bối cho chúng ta mượn cưa Ông Năm." Phúc nhìn xuống, thấy ngoài miếng ván Ngọc Mỹ vừa mang tới, bên dưới còn có bốn năm miếng ván khác, là những lần đi quan thiết trước. Phúc nhận búa, ngồi chồm hổm, đợi Ba Túc khấn gì đó với pho tượng.

Lát sau, Ba Túc ngồi đối diện với Phúc, đặt cây đinh thứ nhất xuống, trước khi đóng không quên nói: "Chú cứ dùng hết sức, chớ nên nương tay, như thế là không thể hiện được lòng thành." Ba Túc vừa dứt lời, một tay vung búa lên cao bổ xuống đánh "choang" một tiếng, cây đinh lút hết phân nửa. Phúc thấy vậy cũng dùng hết sức bình sinh mà ra búa. Tuy nhiên, cây đinh chỉ lút xuống được chút ít. Ba Túc lại nói: "Mạnh lên nữa đi chú, đàn ông đàn ang gì yếu vậy!"

Phúc tức đỏ mặt, khi Ba Túc vừa đóng xong cây đinh thứ hai, Phúc ta liền cầm búa bằng cả hai tay, vung tay hết mình. Cây đinh vẫn chỉ lút xuống chưa tới hai li. Cây đinh thứ ba cũng không khá hơn là bao. Chỉ mới đóng có ba búa mà Phúc đã thở hổn hển, Ba Túc thấy vậy, bằng ba búa của mình, đóng ba cây đinh ngập vào mảnh gỗ. Cây đinh cuối cùng được Ba Túc lấy ra, khi thấy đầu nhọn đã bị cà cho tà, Phúc liền than khổ, đinh như thế này thì làm sao mà đóng. Ba Túc phì cười, quay cây búa trong không trung trông rất đẹp mắt, đánh xuống một nhát búa như trời giáng. Kỳ lạ thay, cây đinh không lún vào trong gỗ mà lại đứng thẳng, như thế có một thế lực vô hình nào giữ nó lại vậy. Phúc được một phen kinh hãi, khi nhìn lên Ba Túc thấy ông ta ra hiệu thì cũng vung búa mà đóng. Choang.

Cây đinh gãy làm hai mảnh, vừa đứt ra co tròn lại thành hình thù hai chiếc nhẫn.

Ba Túc lấy dây nhợ xỏ qua một chiếc nhẫn, đeo lên cổ Phúc rồi nói: "Đây là giao kèo của chúng ta. Thiết Công lên rừng tìm gỗ đóng quan tài giữ một chiếc, người đặt quan giữ chiếc còn lại làm tín. Tuyệt đối không được tháo ra, khi xong việc thì dây nhợ tự đứt. Tiền quan được định đoạt sau khi đếm mùn cưa. Lục con!"

Trần Lục nghe gọi tên thì dùng một chiếc chiếu hoa quấn lấy cưa Ông Năm, gói lại rất gọn gàng rồi đeo lên vai. Lục ta nói: "Lâu lâu mới được dùng đồ ngon."

Ngọc Mỹ trách: "Ráng mà giữ cho cẩn thận, không thôi Ngân Đạt lão tiền bối về quật huynh chết không kịp ngáp!" Trần Lục nghe xong thì trề môi.

Ba Túc lúc này vỗ vai Phúc, nói: "Mọi thủ tục đã được chuẩn bị xong. Chú cứ về, nhớ giữ kỹ chiếc nhẫn, thêm vào đó là nhang đèn đều đặn cho lệnh phụ. Ngày mai Thiết Công đến Bảy Núi tìm Còng Chỉ. Nội trong vòng bảy ngày trở về trình báo với Tổ phụ."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdi