Hòm lội sình

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Phần 11
Hòm lội sình
Lâm Gia Thái Bảo
Một rừng không thể có hai hổ.
Tiếu Thiên đã nghe câu nói này cả trăm lần, nghe riết thành ra không để ý, hiểu được câu nói nhưng chỉ là hiểu bề ngoài. Giờ đây, khi được tận mắt chứng kiến cảnh "hai hổ" đối đầu với nhau kinh khủng như thế nào, nó mới bắt đầu nghiệm ra được ý nghĩa thật sự của câu nói đó. Hổ Trành gầm lên, người này cũng mở miệng, bên trong phát ra tiếng gầm còn uy dũng hơn gấp bội, Hổ Trành cào móng làm lớp đất bên dưới văng lên tung tóe, người này ưỡn ngực, lá khô xung quanh bay lên xào xạc.
Người mới xuất hiện là một thanh niên, thân thể anh ta được một luồng pháp khí trắng đỏ bao bọc, cuồn cuộn như những dòng thác mãnh liệt nhất, mắt anh ta phát ra ánh sáng vàng, giữa con ngươi có một đường đen tuyền trông như mắt hổ. Con Hổ Trành vừa thấy người thanh niên liền gầm lên, thân hình đồ sộ của nó liên tục phập phồng, ánh mắt đảo qua đảo lại, chứng tỏ nó biết nó đã gặp đối thủ. Đám âm binh của Hổ Trành đã bị người thanh niên giết sạch, chúng tan đi thành tro, tiếng hét ai oán vẫn lấp đầy không trung. Người thanh niên đứng hiên ngang, không hề nao núng trước một quái vật đáng sợ như Hổ Trành.
Tiếu Thiên lúc này gạt tay Sửu Em, chạy đến bên Ngọc Mỹ, kiểm tra xem cô có bị thương thế gì không, thằng nhóc thở phào nhẹ nhõm khi Ngọc Mỹ chỉ bị trầy sơ sơ chỗ cùi chỏ. Ngọc Mỹ nhìn về phía chiến trận, cô nuốt nước bọt, khẽ rùng mình: "Thiên à, đây cũng là một thứ thuộc giới của em đúng không?" Ngọc Mỹ chỉ về phía người thanh niên nọ.
Tiếu Thiên nhắm mắt, lắc đầu, không phải nó đang phủ nhận việc Ngọc Mỹ vừa nói, đơn giản là nó không biết mà thôi. Tiếu Thiên định mở miệng, chưa kịp trả lời thì con Hổ Trành đã gào lên, nhào tới chỗ người thanh niên, anh ta khẽ cúi người, vuốt của Hổ Trành vung về sau, nhấm thẳng hướng người thanh niên mà tát, những tưởng người thanh niên sẽ né tránh, ai ngờ anh ta cũng vung tay, luồng pháp khí lại cuồn cuộn điên cuồng, hóa thành một cái vuốt hổ, tát ngược lại. Va chạm vang lên "choang" một tiếng như chuông đồng đụng vào nhau, bụi cát bị hất tung, cả hai bị đánh bật về sau, Hổ Trành loạng choạng suýt ngã nhào, người thanh niên vẫn đứng vững vàng.
Sửu Em lúc này chạy đến chỗ chị em Ngọc Mỹ và Tiếu Thiên, lôi cả hai về sau, ông biết rõ trận chiến này Thiết Công không nên tham gia. Tiếu Thiên thở hổn hển, tìm một chỗ gò đá nhô ra, quan sát trận chiến. Lúc này tầm bốn giờ sáng, hừng đông như một tấm vải ren che mặt cô dâu là bầu trời phía sau, tuy vậy bên dưới vẫn còn nhá nhem tối. Thân thể khổng lồ của Hổ Trành liên tục nhảy tới nhảy lui, quần thảo với luồng pháp khí trắng đỏ của người thanh niên lạ mặt. Tiếu Thiên quan sát kỹ càng, liên tục chậc lưỡi, tấm tắc khen, đơn giản vì người thanh niên hết sức bá khí, Hổ Trành bên kia hoàn toàn thất thế.
Mỗi đòn tát của cặp vuốt pháp khí hình tay hổ quét ngang, lá cây bên dưới cũng bị thổi cuốn theo, Hổ Trành nhảy sang trái thì vuốt đã ở trước mặt, nhảy về sau thì vuốt bên hông đâm thẳng tới, thoáng cái thân mình nó đã rớm một thứ máu có màu xanh. Mắt của người thanh niên như hai đốm lửa hoa đăng, lượn lờ nhảy múa, lâu lâu lại bừng sáng rực rỡ, mắt hổ trông như hai ánh mắt trời thu nhỏ giữa rừng núi bao la. Hổ Trành có vẻ biết chuyện nó không phải đối thủ của người thanh niên thì toan bỏ chạy, vừa quay đầu phóng về phía bìa rừng, người thanh niên đã nhanh chóng nhún người, nhảy một phát xa hơn mười mấy thước, đón đầu Hổ Trành. Hổ Trành lại quay đầu, chạy về phái Còng Chỉ, toan hút linh khí, kiếm đường lật ngược thế cờ, người thanh niên dĩ nhiên làm gì cho nó toại nguyện, anh lại nhún người, nhảy chặn đầu nó. Cả hai người sau đó khuất trong đêm tối, Tiếu Thiên chỉ còn thấy một chút pháp khí và đôi mắt hổ rực sáng, khoảng nửa giây sau, nó nghe tiếng hét của người thanh niên: "Chết đi, súc sinh!"
Một tiếng gầm đầy tuyệt vọng vang vọng khắp trái núi, Tiếu Thiên căng mắt nhìn về phía đó thì thấy một đốm lửa khẽ bừng lên, lửa sau đó ngoạm lấy thân thể của Hổ Trành, đốt nó ra làm tro. Trong làn khói mờ ảo đó, người thanh niên nọ từ từ bước ra. Lớp pháp khí vây quanh anh đã không còn, mắt hổ cũng biến mất, trước mặt Tiếu Thiên giờ chỉ là một con người bình thường, khuôn mặt góc cạnh, tuy vậy vẫn toát lên vẻ đỉnh đạc anh tuấn, tóc dài, không buộc về sau mà để phồng phềnh hai bên, trông cứ như một vị tướng lĩnh đang bước ra từ trận mạc.
Người thanh niên lúc chiến đấu tuy đáng sợ là vậy, nhưng xong rồi thì lại cho thấy là người ân cần, chưa kịp để ai lên tiếng, anh đã mở lời: "Vị cô nương này, Văn Giỏi tới trễ, suýt nữa đã để Hổ Trành lấy mạng cô nương, thật là ngại quá! Còn cậu nhóc này, chẳng phải cũng là..."
Văn Giỏi chưa kịp nói hết câu, Tiếu Thiên đã nhảy cẫng lên, như muốn ôm Văn Giỏi mà vật xuống đất. Ngọc Mỹ chẳng hiểu gì cả, Tiếu Thiên đứng dậy, gãi đầu nói: "Em... Em xin lỗi anh Giỏi, nãy giờ em chóng mặt quá. Em họ Võ, tên là Tiếu Thiên. Mong anh chỉ giáo."
Tiếu Thiên nói đến đó thì chắp tay, liếc nhìn Văn Giỏi rồi hành lễ rất lễ phép, những tưởng Văn Giỏi sẽ buông một lời khen nhưng chỉ thấy ánh mắt anh đanh lại, tựa như phát hiện được gì đó rất nghiêm trọng.
Sửu Em lúc này liên nhảy lên cành cây cao, quả nhiên khinh công của người Thiết Công bị câm này không thể coi thường, bốn bước đã đến được vị trí của Sửu Anh. Sửu Em cõng Sửu Anh xuống, thương thế coi bộ không nghiêm trọng nhưng máu vẫn cứ rỉ ra, không cầm được. Văn Giỏi thấy vậy liền lấy ra một cuộn vải đen, bên trong có rất nhiều kim, từng ngón tay anh uyển chuyển chăm kim xung quanh vết thương, thoáng cái máu đã ngừng chảy!
Sửu Em thấy vậy thì trợn mắt, chạy đến chỗ Văn Giỏi, dập đầu liên tục, miệng kêu lên ú ớ. Văn Giỏi vội đến đỡ dậy, nói: "Chú... Chú... Không cần phải làm vậy! Tiện đường giúp người thôi mà! Đâu cần phải xúc động như vậy." Thì ra Văn Giỏi tưởng những tiếng ú ớ đó là do Sửu Em đang khóc.
Sửu Anh được cầm máu, dần tỉnh lại, ông ho vài cái, Sửu Em thấy vậy liền chạy tới đỡ người anh, cho ông ta dựa vào gốc cây. Sửu Anh khó nhọc nói: "Huynh đệ thông cảm... Sư đệ lão bị câm từ nhỏ... Thấy vậy nhưng sống tình cảm lắm... Mà, không biết phải xưng hô với huynh đệ như thế nào... Cơ duyên gì mà gặp... Dù gì cũng là ân nhân cứu mạng..."
Văn Giỏi chắp tay, lễ phép thưa: "Dạ thưa bác, con họ Nguyễn, tên Văn Giỏi. Khoảng một tuần trước, con nghe lời sư phụ, tìm tới Thất Sơn để diệt Hổ Trành. Nghe nói miền Tây có biến, mộ thất bị đảo lộn, Hổ Trành vì thế mà ra khỏi nơi trú ẩn, nhưng vì nó trốn quá kỹ nên đi mấy ngày nay vẫn không tìm ra. Cũng may... Gặp nó ở đây!"
Cả đám người Quan Thiết bên này đều có chung suy nghĩ, Văn Giỏi là người đi mây về gió, trèo núi băng rừng như cơm bữa, có thể thoải mái ra vẻ ta đây nhưng anh không hề làm vậy, trái lại ăn nói lại có đầu có đuôi, xứng đáng là bậc trượng phu hiếm gặp. Sửu Anh không thể kìm được cơn cười, Văn Giỏi tròn mắt, hỏi sao thế, Sửu Anh liền xua tay, nói không có gì, đoạn ông kêu từng người xưng tên họ, cảm tạ Văn Giỏi sao cho đàng hoàng, Văn Giỏi cũng đáp lễ hết sức chỉnh chu. Lát sau, Văn Giỏi như không kìm được sự tò mò, bèn hỏi: "Mà... Tại sao mọi người lại lên Phụng Hoàng Sơn vào giờ này?"
Ngọc Mỹ thừa biết Văn Giỏi đã nghi ngờ gì đó, giờ này trên núi ma cười quỷ khóc, chó sủa ma, mèo gọi quỷ, nếu là người thường chẳng ai chui lên đây cả. Ngọc Mỹ thấy Văn Giỏi không phải hạng người hai mặt nên cũng nói thật, sau khi nghe về Quan Thiết, Văn Giỏi không giấu nổi vẻ ngạc nhiên, vẻ mặt đầy tư lự: "Quan Thiết? Là nhóm người chuyên đóng hòm cho người chết không chịu mình chết đúng không? Sư phụ tôi quả là có nhắc..."
Sửu Anh nói: "Sư phụ của huynh đệ đây chắc cũng là cao nhân thâm tàng bất lộ, không thì cũng là trưởng thượng mai danh ẩn tích. Không biết ổng tên gì he? Có khi Sửu tôi biết."
Văn Giỏi nghe đến đó thì xua tay, gãi đầu, kiếm cớ khước từ, có gặng hỏi cách mấy cũng không chịu nói tên sư phụ mình ra. Ngọc Mỹ nhíu mày, thấy danh tánh người này có phần giống Tiếu Thiên, đều là những anh tài xuất chúng, nhưng rất kín miệng khi hỏi về nguồn gốc. Văn Giỏi sau một hồi phân bua bèn chuyển đề tài: "Vị Thiết Công tên là Ba Túc này coi bộ tình hình khá nguy kịch, chi bằng đem ông ta xuống núi cái rồi tính gì tính. Hổ Trành không phải có một con, vùng này lại đang nhiễu loạn âm dương, nếu không thì tôi đã tìm ra Hổ Trành từ sớm rồi."
Ngọc Mỹ không chịu, nói: "Giỏi huynh thông cảm, Thiết Công một khi đã đóng đinh cái... À nhầm... Đã có giao kèo thì sẽ hoàn thành. Hôm nay không đốn được Còng Chỉ, mặt mũi đầu mà về nhìn Tổ phụ!"
Văn Giỏi nói: "Còng Chỉ đằng kia không thể mọc chân mà chạy được, ngày xưa tôi có học cách phân kim định huyệt, xác định phương hướng bằng sao trời, nếu Ngọc Mỹ cô nương muốn, sau này tôi lại lên đây dẫn cô tới đúng chỗ này."
"Nhưng mà..."
"Thôi... Thôi..." Sửu Anh chen ngang, không cho Ngọc Mỹ nói, ông bảo: "Huynh đệ này nói đúng. Bây giờ thằng Lục không biết sống chết ra sau, anh Túc thì nằm lạnh dưới thông đạo, trở về như vậy mới không nhìn mặt được Tổ phụ. Chuyện của Năm Dóng để tao lo. Vả lại, giờ đây có hai chuyện phải lo trước."
Ngọc Mỹ tròn mắt: "Sao vậy chú?"
Sửu Anh ngồi ngay ngắn lại, kêu cả đám cũng ngồi theo, lấy lương khô ra lót dạ. Hừng đông phía xa đã dần lộ diện, Sửu Anh chỉ tay về phía đó, kêu Ngọc Mỹ nhìn rồi ông giải thích. Thứ nhất, để đốn được Còng Chỉ cần phải chia ra công đoạn đàng hoàng, buộc dây kéo cây, chọn phương hướng kéo, cưa cây rồi xẻ gỗ, nói chung là thời gian là yếu tố quan trọng, và hơn hết, trước khi ánh nắng đầu tiên chiếu xuống, phải xẻ gỗ cho xong, nếu không Còng Chỉ sẽ mất hết linh lực. Giờ trời sắp sáng, nhân lực lại thiếu, và hơn hết, cưa Ông Năm thì Trần Lục vẫn đang giữ, cơ bản là không đốn giờ này được. Thứ hai, xác Ba Túc đặt dưới thông đạo, do tính chất Thất Sơn âm dương lẫn lộn, nếu để xác trong núi, sơn thần sẽ giữ hồn và phách lại để canh cửa, không thể cứu vãn được nữa.
Văn Giỏi nghe đến hai chữ "cứu vãn" thì giật mình: "Người chết rồi... Chẳng lẽ Thiết Công có thể cứu được sao?"
Sửu Anh ho vài cái, trở mình rồi nói: "Lão không biết... Chỉ nghe Tổ phụ có giữ một cuốn sách, ghi lại cách đóng quan, nhưng đó chỉ là lời đồn, dù sao cũng nên thử. Tuy vậy, Thiết Công vẫn còn bí thuật đóng hồn – giữ xác, tìm thời điểm nhập thể sau cũng chưa muộn."
Ngọc Mỹ nghe đến đó thì mắt sáng rỡ: "Vậy bây giờ mình chỉ cần tìm gỗ U Đàm đúng không bác Sửu?"
Sửu Anh gật đầu: "Đúng vậy, tìm gỗ U Đàm, đóng hai cái hòm, đặt anh Túc trong một cái, cái kia đem về để tạm xác của Năm Dóng." Sửu Anh nói đến đó thì thở dài, kêu Sửu Em đỡ mình dậy, đoạn nhìn một lượt rồi nói: "Lần này đi quả thật bất cẩn, tám người mà chết hết bốn, mất tích một. Thiết Công mấy đời đóng hòm, đâu hề biết Thất Sơn còn ẩn chứa nhiều thứ hung hiểm... Cũng may gặp được Văn Giỏi huynh đệ, nếu không xuống âm phủ chắc không dám nhìn mặt tiền bối..."
Sửu Anh nói xong thì bảo Sửu Em kè mình đi, không quên nhờ Văn Giỏi hộ tống một đoạn, Văn Giỏi tất nhiên đồng ý, trước khi đi còn nhìn Ngọc Mỹ với ánh mắt sáng rỡ, tựa như đang nhìn vào người mình thương lâu ngày không được gặp. Ngọc Mỹ tuy còn nhiều điều khúc mắt nhưng cô biết Sửu Anh nói đúng, ông ta dù gì cũng là người lớn tuổi và trải đời nhất. Nghĩ đến đó, cô bèn cùng Tiếu Thiên nối đuôi đoàn người. Lần đi Quan Thiết này với cô là một thất bại thảm hại.
Đoàn Quan Thiết phải đi cho kịp gà gáy, tìm ra gỗ U Đàm trước khi mặt trời chiếu rọi khắp Phụng Hoàng Sơn, nếu không Ba Túc sẽ vĩnh viễn không được siêu sinh. Từ đây đến chỗ thông đạo của Cáp Lị Thành không xa, tuy vậy ai cũng đã thấm mệt, Sửu Anh thì bị thương, tốc độ vì thế suy giảm đi rất nhiều. Trời nhá nhem pha chút bụi màu, chim bắt đầu hót, gió bắt đầu thổi, tuy có chút vui tươi nhưng không khí bại trận lại bao phủ một màu xám xịt lên đoàn người. Đường về, Tiếu Thiên và Ngọc Mỹ mới có dịp nhìn kỹ hơn xung quanh, lúc thấy pháo hiệu họ cầm đầu cấm cổ chạy chứ có nhìn được gì nhiều đâu, giờ mới biết, hai bên đường có rất nhiều hố. Hố nhỏ như cái thau có, to bằng chiếc xe bò cũng có, thậm chí có hố khổng lồ như con voi, trong hố ngập nước, một thứ nước đen kịt, bốc lên mùi hăng, giữa đó là những mảnh gỗ bị đứt gãy đủ kiểu.
Văn Giỏi lúc này đã kè Sửu Anh để cho Sửu Em nghỉ ngơi, vừa đi vừa thấy mấy cái hố, Giỏi không giấu được vẻ lo lắng: "Hình như... Đây là huyệt mà?!"
Sửu Anh chưa kịp trả lời, bên kia đã nghe tiếng Tiếu Thiên: "Coi chừng!"
Đứng sừng sững trước mặt cả bọn là một cái quan tài dựng đứng, quan tài gỗ đen, viên sơn vàng, vết sơn cũ kỹ, lem luốc, phần trên của nó nhô ra bụi cây trông nó như đang đứng chứ quan tài làm gì... có chân? Nhìn kỹ hơn, giữa những đường sơn màu vàng còn có rất nhiều hoa văn, nào là chim muông, hoa lá, cánh sen, thế nhưng đa số những hoa văn nào đều đã dính đầy sình, cảm giác sình nhơn nhớt như hòa với máu tươi, còn bốc ra một mùi tanh tươi khói ngửi. Đột nhiên, cái quan tài rung lên bần bật, nắp quan lay động rồi nó chui tọt vào bụi cây, mất dạng, tiếng đạp lá chạy xành xạch vang lên nghe nổi cả da gà. Tiếu Thiên phóng đến, vạch lá ra xem thì chỉ thấy thêm một cái hố nước khác, và quả nhiên bên dưới có dấu chân, to bằng chân trâu!
Sửu Anh lúc này tím tái mặt mày, Ngọc Mỹ thì chưng hửng. Văn Giỏi thấy không ổn, định đặt Sửu Anh xuống, hỏi xem sự tình ra sao, ông liền xua tay, nói: "Thôi... Không... Không có gì đâu. Đi tiếp..." Chất giọng của Sửu Anh khô khốc như cả năm trời chưa uống nước, tròng mắt thì căng ra, nhìn vào cứ tưởng ông vừa thấy Diêm Vương. Ngay thời điểm ấy, tiếng gà gáy sáng đột nhiên vang lên, không phải một con mà chính xác tứ bề Phụng Hoàng Sơn đều nghe tiếng gà.
Thời gian trở nên vô cùng gấp rút, gà gáy đồng loạt như vậy nghĩa là trời sắp sáng đến nơi, đoán chừng một nén nhang nửa là mặt trời sẽ ló dạng. May thay, thông đạo dẫn xuống Cáp Lị Thành đã ở trước mắt, đường leo xuống không có gì gì nhiều để kể, núi đá bị nổ ra mặc dù hiểm trở thế nhưng đoàn người ai nấy đều một bụng khinh công, di chuyển nhẹ nhàng, gấp rút. Sửu Anh ở trên, dặn dò đủ điều mới cho Ngọc Mỹ xuống dưới, đơn giản vì ông lo rằng cô bé này vẫn chưa sẵn sàng đối mặt với thất bại. Xác Ba Túc được đưa ra không lâu sau đó, xuyên suốt đoạn đường Ngọc Mỹ liên tục gọi Trần Lục nhưng dường như hắn đã tan vào không khí.
Sửu Anh chỉ đạo, ai nấy đều im lặng làm việc. Họ đào một cái huyệt, trải một tấm chiếu manh, lập tức để Ba Túc vào trong, Sửu Anh lấy đạo bùa, vẽ bốn miếng rồi cấm về bốn phương, không quên khấn vái với trời đất và Tổ phụ Thiết Công. Sửu Em bên dưới, nghe tiếng Sửu Anh khấn liền quấn Ba Túc bằng vải, ông cắn ngón tay, lấy máu quẹt ngang tráng, môi và các đầu ngón tay, ngón chân. Mục đích quẹt máu như vậy là vì trong thời khắc giao thoa âm dương, chút ít dương khí của máu tươi sẽ giúp quỷ núi tránh xa cái xác được khâm liệm không có quan tài của Ba Túc. Văn Giỏi nãy giờ đứng dựa vào cây sao gần đó mà quan sát, tuyệt nhiên chẳng nói một lời, lâu lâu anh lại đặt tay lên cằm, suy nghĩ giờ đó rất lung.
Chôn Ba Túc xong, gánh người bắt đầu xuống núi, những tưởng đường đi sẽ thuận lợi, ai ngờ đi thêm một chút, họ thấy giấy tiền vàng bạc bay tứ tán. Ngọc Mỹ thầm rủa trong bụng, chẳng biết lại gặp phải loài yêu ma quỷ quái gì nữa, chuyến đi này đối với cô chẳng khác gì một giấc mơ tệ hại kéo dài đăng đẳng. Tiếu Thiên tất nhiên cảm nhận được chuyện chẳng lành, nó liền thủ thế, đứng che chắn phía trước, bỗng nó thấy Văn Giỏi bước lên đứng ngang mặt nó, sau đó nó thấy cặp mắt anh sáng rực, là cặp mắt hổ đầy mê hoặc kia. Tiếu Thiên mở miệng hỏi Văn Giỏi làm gì vậy, khoảng vài giây sau, Văn Giỏi khép mắt, mắt hổ biến mất, anh nói: "Phía trước có một đoàn người mặc đồ trắng, trông rất giống đang đưa tang. Thế nhưng..."
Văn Giỏi đứng trầm ngâm không khỏi khiến đoàn người sốt ruột, lo lắng, Sửu Anh giục: "Sao vậy huynh đệ?"
Văn Giỏi bảo: "Đồ tang của họ có vẽ hoa văn gì đó ngộ lắm bác Sửu, con chưa thấy qua bao giờ. Trông họ như người Thổ Phồn, họ vừa nhảy lỗ sá vừa rải giấy tiền vàng bạc..."
Thổ Phồn là một vương quốc từng thống trị Tây Tạng xưa, còn lỗ sá là điệu múa truyền thống của họ dùng để chào mừng ngày tết Losar. Trong tiếng Tây Tạng, "lo" nghĩa là năm, "sar" nghĩa là mới, cũng giống như ngày Tết ở Việt Nam. Nhưng tại sao đám người xưa này lại có mặt ở triền núi Phụng Hoàng Sơn, hỏi Văn Giỏi thì anh cũng lắc đầu. Đám người mặc đồ trắng như đưa tang, trước ngực vẽ một vòng tròn nhuộm đỏ màu máu, bên dưới quấn chiếc quần vắt ngang trông như áo cà sa, và hơn hết, ai cũng đeo mặt nạ thú. Người dẫn đầu đoàn múa hết nhảy kiễng chân thì bắt chéo chân qua lại, người đó cầm theo một cây cờ nguyện nhuộm màu đỏ, trắng, xanh dương và xanh lá, treo thành các băng dài, đoạn cuối là người nhảy chốt đoàn. Người dẫn đoàn vừa bước đi vừa nhảy múa, đoàn người ở giữa ai nấy cũng nhảy theo, khỏi phải nói cũng biết, giữa cảnh núi rừng như thế này trông ma mị và u ám như thế nào.
Đoàn người này đi lướt ngang Tiếu Thiên, Ngọc Mỹ và anh em nhà Sửu mà vẫn không ngừng nhảy múa, giống như bốn người bọn họ đã tàng hình. Đột nhiên, người chốt đoàn bắt gặp ánh mắt của Văn Giỏi, anh ta rú lên một tiếng khiến đám người phía trước quay phắt lại nhìn, đoạn cũng la lên bằng thứ ngôn ngữ gì đó rồi bỏ chạy tứ tán, bỏ lại gánh của Thiết Công đứng chưng hửng, chẳng hiểu gì chuyện gì đang xảy ra. Họ chỉ biết nhìn nhau, nhún vai, trề môi rồi tiếp tục lên đường.
Chân núi cuối cùng cũng hiện ra trước mắt, ai nấy cũng thở phào nhẹ nhõm, giờ chỉ việc đi tìm gỗ U Đàm rồi quay trở lên rước Ba Túc về là được. Đột nhiên, Văn Giỏi ngơ ngác, nói: "Đây là đâu?"
Cả bọn ai nấy cũng giật mình nhìn lại, trước mặt họ là một đồng cỏ kỳ lạ, bao bọc bởi mấy ngọn núi, trông thì rất giống với cảnh vật của Thất Sơn, thế nhưng Thất Sơn làm gì có đồng cỏ?
Ngọc Mỹ chợt rùng mình, nhớ lại đám người múa lỗ sá lúc nãy chính xác là đến từ Tây Tạng, chẳng phải Tây Tạng có rất nhiều đồng cỏ sao? Ngọc Mỹ nói: "Mọi người.. Cũng thấy không đúng phải không?"
Cả bọn dụi mắt, đứng ngơ ngác, kể cả người đã lớn tuổi là Sửu Anh cũng không khỏi bàng hoàng, địa hình đồng cỏ như vầy chỉ nghe trong sách vở, chưa từng được thấy qua, rõ ràng cảnh vật này không còn là Thất Sơn hay miền Tây mà bọn người này biết nữa. Ông nói: "Là phúc không phải họa, là họa không tránh được... Đi tới đi."
Chưa kịp hết kinh ngạc, trong ánh nắng đầu ngày đang len lỏi qua những bụi cỏ cao ngang lưng người, một thôn xóm hiện ra rõ mồn một, đầu thôn đang treo cờ tang. Lá cờ đen hoa văn trắng bay phần phật trong gió báo hiệu một điềm hung khó tránh.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#kinhdi