Làm sao khỏi bị Tàu thôn tính?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Làm sao khỏi bị Tàu thôn tính?

Tôn Thất Thiện

Để đương đầu với nguy cơ đó, phải thực hiện Hoà Giải Tập Hợp Dân Tộc Và Sửa đổi Văn hóa

1. Một sai lầm chiến lược vĩ đại

Trong hơn nửa thế kỷ nay, Dân tộc Việt Nam đã trải qua bao nhiêu điêu đứng thay vì được hưởng một đời sống hạnh phúc - an bình, vui tươi, tự do, sung túc --, mà họ ước mong. Căn do của tình trạng này là các nhà lãnh đạo Việt Nam đã lấy những quyết định chiến lược sai lầm về địa lý chính trị trong những năm sau khi Thế Giới Chiến thứ Hai (TGC-II) kết thúc.

Thời cơ hồi đó dã đặt quyền hành vào tay Ông Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. Họ ở trong thế lấy những quyết định chiến lược, nghĩa là những quyết định có tính cách nền tảng và định hướng dài hạn cho Việt Nam. Họ đã lấy những quyết định sai lầm tai hại vĩ đại. Những gì xảy ra cho Việt Nam từ 1945, và nhất là từ 1975, là bằng chúng không thể phản bác được của tính cách vĩ đại của những sự sai lầm tai hại này.

Sai lầm tai hại nhất là sai lầm về nhận định nguy cơ lớn nhất đe dọa sự tồn tại của Dân tộc Việt Nam. Ông Hồ và đồ đệ của ông không thấy, hay không chịu chấp nhận, những điều mà khoa học xã hội học coi như quy luật chi phối các sinh vật: ưu tư số một của mọi sinh vật là sinh tồn; ưu tư sinh tồn này khiến các sinh vật phải tranh dành nhau; trong sự tranh dành này, mọi sinh vật đều tìm cách bành trướng, lấn áp, tiêu diệt nhau, và mạnh được yếu thua. Quốc gia cũng là một sinh vật, và cũng bị các quy luật trên đây chi phối. Trung Quốc là một quốc gia lớn, tất nhiên bị thôi thúc bành trướng mạnh hơn các quốc gia khác.

Một cuộc phân tách sơ lược về địa lý chính trị cho thấy ngay là nạn nhân đầu tuyến của sự bành trướng của Trung Quốc là Việt Nam, một quốc gia nhỏ bé so với Trung Quốc khổng lồ, mà lại nằm sát ngay Trung Quốc. Sự kiện này đã được minh chứng qua hai ngàn năm lịch sử. Và ngày nay, tấn tuồng bành trướng lại đang được tái diễn ngay dưới mắt chúng ta.

Nguy cơ bị Trung Quốc thôn tính rất rõ ràng, qua các vụ xâm chiếm các đảo Trường Sa, Hoàng Sa, lãnh thổ và hải phận Việt Nam, xâm nhập Cao nguyên, cách đối xử bất chấp luật pháp và đạo lý với ngư dân Việt Nam, cùng những bình luận trên báo chí Trung Quốc bàn về chiến lược chiến thuật xâm chiếm Việt Nam, và quy chế dành cho một Việt Nam sáp nhập vào Trung Quốc -- tỉnh, hay vùng tự trị ...

Một yếu tố điạ lý chính trị quan trọng thứ hai đặt Việt Nam vào hàng đầu trong danh sách các vùng Trung Quốc cần xâm chiếm hiện nay, là Trung Quốc có tham vọng trở thành một đại cường quốc không những ở Á đông, mà trên toàn thế giới. Trong mấy năm qua, Trung Quốc đang tìm cách mở rộng thế lực ở Châu Phi, Nam Mỹ, và tăng cường Không quân và nhất là Hải quân. Còn lâu Trung Quốc mới bắt kịp Hoa Kỳ về hai ngành này. Tuy nhiên, Trung Quốc cần liên lạc được với Châu Phi qua Ấn Độ Dương. Điều này buộc Trung Quốc phải có căn cứ ở bờ biển Ấn Độ Dương, đặc biệt là Singapore-Mã Lai Á. Di chuyển bằng đường biển từ Hải Nam xuống Singapore-Mã Lai Á dễ bị Hải quân Mỹ cản trở. Cho nên Trung Quốc bắt buộc phải làm như Nhật Bản trong thời TGC-II: dùng đường bộ dọc Việt Nam để di chuyển xuống miền Nam. Nghĩa là Trung Quốc phải chiếm Việt Nam... Hay là chi phối được Miền Nam một cách êm thấm.

Trong trường hợp thứ nhất, tất nhiên sẽ có sự đụng độ với Việt Nam, vì dân Việt Nam sẽ chống đối. Chống đối được hay không và thế nào? Điểm này sẽ được bàn ở đoạn dưới.

2. Hồ Chí Minh và Trung Quốc

Trong trường hợp thứ hai, Trung Quốc sẽ không gặp trở ngại gì cả, vì sự lựa chọn của Ông Hồ và ĐCSVN là một sự dọn đường cho Trung Quốc thôn tính Việt Nam, nhân danh "anh em" trong "gia đình xã hội chủ nghĩa" và thành phần của Đệ Tam Quốc Tế. Trong sự mà chúng ta có thể gọi là "hiến Việt Nam cho Trung Quốc", Ông Hồ có một vai trò đặc biệt, và công lao của Ông đối với Trung Quốc rất lớn, qua sự gắn bó của Ông với Đệ Tam Quốc Tế (ĐTQT).

Trong các giới cộng sản Ông Hồ đã được công nhận là "con người cách mạng chính cống", "cán bộ đặc hạn của Đệ Tam Quốc Tế" (Kominternshik). Và ông đã không ngớt hô hào cổ võ đồ đệ ông làm như ông. Ngay cả trong Di Chúc của ông, ông cũng không quên nhắc nhở đảng viên phải bám chặt vào Nga Sô, phải giữ gìn đoàn kết của khối xã hội chủ nghĩa.

Trong các bài viết của ông, ông thường nhắc đi nhắc lại là tuy rằng ban đầu ông đến với Lê-nin vì lòng yêu nước, nhưng dần dần hiểu thêm về chủ nghĩa Lê-nin thì ông thành một người cộng sản thuần túy, và đã tin tưởng chủ nghĩa Lê-nin một cách tuyệt đối. Ông cũng thường nhắc đi nhắc lại là chủ đích của ông là "cách mạng thế giới", Đảng cộng sản Việt Nam là một bộ phận của Đệ Tam Quốc Tế, và Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa là "tiền đồn" của khối xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, "em út" của đại gia đình xã hội chủ nghĩa, coi Hoa Kỳ là "kẻ thù số một của nhân dân Việt Nam". Đệ Tam Quốc Tế là một tổ chức đòi hỏi kỷ luật sắt, "em" phải tuân lời "anh". Khi "anh cả," Liên xô, không còn nữa, thì "anh hai", Trung Cọng, kế vị. Dù sao, "anh" bảo, là "em" phải nghe. Kỹ luật cộng sản là vậy. Khỏi cần tranh cãi gì lôi thôi.

Ở đây nên hỏi tại sao có nhiều người không cộng sản, và ngay cả nhiều người chống cộng sản, lại theo Ông Hồ và ĐCSVN . Vấn đề này liên quan với vấn đề não trạng của dân Việt trong những năm 1945-1954. Phần đông, nếu không nói là hầu hết, dân Việt, đặc biệt là các lớp trung lưu và thượng lưu, đều chỉ chú tâm vào một mục tiêu: Độc Lập. "Độc lập", trong trí đại đa số, không phải là chỉ chấm dứt chế độ bảo hộ Pháp, mà là "đánh Tây", "đuổi Tây" để trả thù bao nhiêu năm bị làm nhục. Điều này làm cho họ hầu như mù quáng, không thấy gì khác. Ít ai nghĩ đến vấn đề: sau độc lập rồi gì nữa? Cũng rất ít người biết rõ thực chất của cộng sản.

Hồi đó ,"Độc lập" là một giá trị tiêu chuẩn tối thượng. "Độc lập" cũng là một tín hiệu tụ hội dân chúng rất ăn khách, hữu hiệu 100%. Ai phất cờ độc lập là dân chúng ùa theo. Mà, lúc đó, Cựu Hoàng Bảo Đại, thay vì dùng tín hiệu "Độc lập" làm lá cờ để để tụ hội dân chúng quanh mình, lại giao nó cho Ông Hồ. Ai muốn tranh đấu "đánh Tây", "đuổi Tây", thấy Việt Nam độc lập thì tụ hội quanh ông Hồ và Việt Minh. Một khi đã dính với Việt Minh thì mắc kẹt luôn với nó, và dần dần, bị mắc kẹt luôn với ĐCSVN và hậu quả của đường lối "cách mạng" của nó: chiến tranh, đất nước bị chia cắt, dân chúng bị phân ly, sinh lực của Dân tộc bị xử dụng vào công cuộc giết chóc chống phá nhau, tài sản của đất nước bị tiêu hao phung phí , xứ sở lạc hậu, tham nhũng hoành hành, xã hội băng loạn...

Ở đây, tất nhiên các cán bộ đảng viên ĐCSVN, những giới phản chiến ngoại quốc, và không ít người Việt chia sẻ quan điểm của giới này, sẽ tức tối hỏi: "Thế là phủ nhận công lao vĩ đại của Bác và Đảng đã sáng suốt lãnh đạo các cuộc chiến tranh thần thánh chống Pháp, chống Mỹ giải phóng nhân dân Việt Nam sao? Và cũng phủ nhận rằng chiến thắng đã đạt được một phần không nhỏ nhờ có sự ủng hộ, yểm trợ to lớn của Trung Quốc? Làm sao có thể phủ nhận rằng nhân dân Việt Nam mang ơn rất nặng với Bác, Đảng và Trung Quốc?"

Trong một thời gian dài, lối lý luận trên đây rất khó phản bác, vì tình hình Việt Nam và quốc tế thuận lợi cho phe phản chiến, và người phản bác ở vào thế yếu của phe bại trận. Nhưng ngày nay, sự thực đã rõ, và không chối cãi được. Đó là Trung Quốc đã dùng Việt Nam để quét sạch những lực lượng đe dọa miền Nam Trung Quôc, thường được gọi là "the soft belly of China" (cái bụng mềm của Trung Quốc/ yếu điểm của Trung Quốc về quốc phòng). Trung Quốc đã tán thành, khuyến khích Ông Hồ và ĐCSVN đi sâu vào con đường chiến tranh, làm cho hàng triệu người Việt bị hy sinh, đất nước Việt Nam bị tàn phá, sinh lực Việt Nam bị tiêu hao, để quét các lực lượng ngoại lai và dọn sạch Việt Nam thay cho Trung Quốc, rốt cuộc tạo điều kiện cho Trung Quốc ung dung vào chiếm, không bị ai cản trở...!! Chính Hà Nội đã tố cáo Trung Quốc trong Bạch Thư công bố năm 1979, vào dịp tranh chấp Việt-Trung về Kampuchea, rằng Trung Quốc muốn "đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng" ("fight America to the last Vietnamese").

Tình trạng trình bày trên đây là tình trạng chính trị và tâm lý căn bản chi phối tình hình Việt Nam suốt mấy thập niên qua. Nó là căn do của những gì đã xảy ra trong thời gian gần đây, và của nguy cơ mà nhân dân Việt Nam phải đương đầu hiện nay: nguy cơ bị Tàu thôn tính, dân chủ hoá trì trệ vì đất nuớc bị lệ thuộc Trung Quốc nặng nề sâu đậm, nhất là về văn hóa, đang bị biến thành một "tiểu Trung Quốc".

Chắc rằng, trong thời gian qua, ngoài và trong nước, có người tự an ủi với ý nghĩ: "Tình trạng không lẽ vô phương cứu chữa. Có thể nào như thế được? Ai biết ít nhiều lịch sử Việt Nam đều biết rằng, trong quá khứ, dân Việt Nam đã mấy lần vùng dậy anh dũng chiến đấu và giải toả được đất nước khỏi nạn xâm lăng từ Phương Bắc; vậy tình hình có tuyệt vọng đâu?" Đúng! Với điều kiện là chúng ta thực hiện được hai nhiệm tác:

1 - Thành thực Hoà giải và Tập hợp Dân tộc,

2 - Không do dự chấp nhận một số sửa đổi cần thiết về Văn hoá.

3. Hoà giải Hoà hợp Dân Tộc

Trong tình trạng hiện tại, và căn cứ trên kinh nghiệm của những thập niên qua, phải công nhận rằng cả hai điều trên đây rất khó thực hiện. Khó không phải là không thể làm được, và không cố gắng làm. Tuy nhiên, chúng ta cần phải gặp may lắm...

Thế nào là "thành thực Hoà giải Dân tộc"?

Nhiều người trong giới tỵ nạn ở Mỹ hay nơi khác phản ứng rất mạnh khi nghe nói đến "hoà giải". Điều này cũng dễ hiểu: đối với họ, "Hoà giải Dân tộc" chỉ là một mánh khoé cộng sản, và chấp nhận "Hoà giải" là mắc mưu cộng sản. Điều này đúng, nhưng chỉ đúng trong bối cảnh của những năm 1970. Ngày nay, tình hình đã khác nhiều. "Hoà giải Dân tộc" ngày nay bao gồm toàn thể Dân tộc Việt Nam, ở ngoài và trong nước, thuộc mọi thành phần, mọi phe phái. Ngày nay, nói đến Hoà giải Dân Tộc là nói đến hoà giải trước là trong nội bộ, giữa những thành phần thuộc mỗi phía Quốc gia và cộng sản, và, sau đó, giữa hai phía - "Quốc" và "Cộng" -- . Đây là điều kiện tiên quyết để Tập hợp Dân tộc thành một khối rộng lớn, vững chắc, và hùng mạnh để ngăn chận ý đồ thôn tính Việt Nam của Trung Quốc. Trong quá khứ, dưới các Triều Lý, Trần, Lê, Việt Nam, tuy nhỏ bé, nhưng đã đẩy lui được quân xâm lăng Trung Quốc lớn hơn gấp bội nhờ có một sự Tập hợp Dân tộc thực sự: trong hàng ngũ lãnh đạo, cũng như giữa lãnh đạo và dân, có một sự đồng thuận, nhất trí, quyết tâm chống kẻ xâm lăng.

Về phía Quốc gia, mấy lâu nay, moi móc quá khứ để tố cáo, mạ lỵ, chống đối nhau giữa các đoàn thể và các cá nhân tự nhận là tranh đấu cho dân chủ là việc xảy ra hằng ngày. Nhưng, ngày nay, ai có chút thiện chí cũng phải công nhận rằng ưu tiên trước mắt trong các hoạt động tranh đấu của tất cả cá nhân hay đoàn thể Việt Nam nay phải là: ngăn chận không cho Trung Quốc thôn tính và diệt tiêu Việt Nam. Đây là ưu tiên tuyệt đối của mọi người dân Việt. Và việc này đòi hỏi các cá nhân, các đoàn thể Việt Nam phải chấm dứt những loại hoạt động moi móc nói trên.

Về phía cộng sản, ngày nay cũng có vấn đề phân ly, chia rẽ, trong hàng ngũ của đảng cũng như trong hàng ngũ của những giới chống chế độ. Sự kiện nổi bật là càng ngày Đảng càng bị dân chúng công khai chống đối, và chính quyền càng bị cô lập. Trong tình trạng này, chính quyền Việt Nam không có điều kiện để cưỡng lại áp lực, khước từ những đòi hỏi, lấn áp của Trung Quốc. Chỉ có một chính quyền được sự tin cậy và ủng hộ mạnh của dân chúng mới làm cho Trung Quốc nương tay trong việc xâm lăng, lấn áp Việt Nam, và nếu có một cuộc đụng độ giữa hai quốc gia, Việt Nam mới có thể cầm cự được một thời gian và kêu gọi sự can thiệp của quốc tế. Đây là một điều hết sức quan trọng, cần xét kỹ thêm, vì nó liên quan đến vai trò hậu cần thiết yếu của Miền Nam trong một cuộc kháng chiến trường kỳ.

Cuộc tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam có thể kéo dài âm ỷ, nhưng cũng có thể một lúc nào đó nó sẽ thành một sự đụng độ binh đao. Trong trường hợp thứ nhất tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN hiện tại không chịu nổi chống đối của dân, và ớn mang tiếng "bán nước", triển gân chống lại đòi hỏi của Đảng "bạn", buộc Trung Quốc phải dùng đến binh lực. Trong trường hợp này tập đoàn lãnh đạo ĐCSVN đương nhiên bị đẩy vào thế thành một chính phủ "kháng chiến". Họ phải có một hậu cần. Và hậu cần chắc chắn - an toàn, đầy đủ tiếp tế -- chỉ có thể là Miền Nam, vì Miền Bắc, gần Trung Quốc, dễ bị chiếm và khó bảo vệ, khó kháng chiến trường kỳ.

Trong trường hợp thứ hai, một số cán bộ, quân nhân không chịu nổi cảnh Việt Nam bị ức hiếp nhục mạ nữa, nổi lên đảo chính. Nếu thành công, họ lập lên một chính phủ kháng chiến; nếu thất bại, họ rút vào bưng và lập chính phủ giải phóng. Trong trường hợp này họ cũng cần một hậu cần vững chắc - an toàn và đầy đủ tiếp tế --, và hậu cần này cũng chỉ có thể là Miền Nam, vì Miền Nam dễ bảo vệ và tiếp tế hơn, nhất là với vụ bốc xít, Việt Nam sẽ bị cắt thành hai và từ Qui Nhơn ra Bắc không thể tiếp tế được.

Về phần quân Tàu, từ Đà Nẵng trở vào Nam, tiếp tế sẽ khó khăn vì đường xa và khí hậu không thích hợp cho họ. Tưởng ở đây cũng nên nhắc rằng Việt Nam chỉ có thể áp dụng chiến tranh du kích với Trung Quốc, vì Hải Quân Việt Nam không thế nào đương đầu với Hải Quân Trung Quốc được.

Những điều trên đây cho thấy rằng sự hiện hữu của Miền Nam như là một hậu cần an toàn và vững chắc là một điều kiện thiết yếu để bảo đảm sự tồn tại của Việt Nam, Nam lẫn Bắc. Và thất bại hay thành công của kháng chiến tùy thuộc một vào sự yểm trợ của Miền Nam, và đặc biệt, sự sốt sắng của dân Miền Nam đối với chính phủ kháng chiến.

Mong rằng điều trên đây sẽ được chính quyền Hà Nội và những cán bộ cao cấp của ĐCSVN hiểu thấu để họ thay đổi đường lối, chính sách, cách đối xử với dân Miền Nam, mở đường cho một sự Hoà giải và Tập hợp Dân tộc thực sự, tạo điều kiện bảo vệ sự tồn tại của Việt Nam trước nguy cơ bị Trung Quốc xâm chiếm và tiêu diệt. Trong hiện tại, làm thế nào đạt được tình trạng nói trên là công việc của những người trong nước, và đặc biệt, trong Đảng. Hy vọng rằng họ sẽ để Nước lên trên Đảng, và, bằng cách này hay cách khác, thực hiện được những điều nêu trên. Quan niệm: "Đảng còn, chúng ta còn" đúng, nhưng chỉ đúng có 2/3. Phải nghĩ rằng: "Nước còn thì Đảng và chúng ta mới còn" mới đúng hoàn toàn!!!

Chỉ sau khi cả hai phía đều đạt được Hoà giải mới có thể bàn đến vấn đề Hoà giải ở cấp Dân tộc -- Hoà giải giữa tất cả các thành phần, phe phái, xu huớng -- để đi đến một sự Tập hợp Dân tộc mạnh mẽ có đủ điều kiện để yểm trợ chính quyền Việt Nam chống lại áp lực hay xâm lăng của Trung Quốc. Đây là nhiệm vụ của của các đoàn thể tranh đấu mấy lâu nay. Mong rằng trong các giới này có những người lãnh đạo xứng danh - có đủ uy tín, khả năng, thấu triệt vấn đề -- có thể thực hiện được việc rất tế nhị, rất phức tạp này. Một Tập hợp như vậy chỉ có thể thực hiện được nếu những điều kiện tối thiểu sau đây được mọi người chấp nhận:

1/ Lợi ích của Nước Việt Nam phải được đặt trên lợi ích của mọi đảng phái, mọi tổ chức;

2/ Không chấp nhận độc tài, độc đảng, độc tôn;

3/ Thể chế phải xây trên nguyên tắc Phân quyền và Pháp trị;

4/ Sinh hoạt chính trị phải theo nguyên tắc Dân chủ;

5/ Tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp phải được tuyệt đối bảo đảm.

Cuộc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc hiện nay có hai khía cạnh, một khía cạnh nổi và một khía cạnh chìm. Khía cạnh nổi là tranh chấp về lãnh thổ và hải phận. Nó là một vấn đề thời sự, dễ nhận chân và đối phó. Khía cạnh chìm là khả năng tự tồn và phát triển của Việt Nam trong dài hạn trong viễn ảnh bị áp lực lệ thuộc hoá không ngừng từ Trung Quốc. Vấn đề này là một vấn đề khó nhận chân, dài hạn, và phức tạp, khó đối phó. Nó liên quan đến vấn đề Việt Nam cần phát triển thế nào để thành một quốc gia hiện đại hoá, thích hợp với văn minh thời đại, giàu mạnh, dân chủ, có đủ sức tự vệ, độc lập về mọi mặt, đặc biệt là về văn hoá. Nó đòi hỏi một sự xét lại sâu rộng, hoàn toàn vô tư, lâm thời đưa đến sự nhận ra được những giá trị tiêu chuẩn và những tín hiệu tụ hội cần thiết, hay có hại, cho việc hiện đại hoá. Nó là vấn đề Sửa đổi Văn hoá, đòi hỏi nhiều thì giờ và công phu. Nó sẽ được bàn đến trong một dịp khác.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro