Hồi I

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

- Mợ vào nhà đã được ba năm rồi. Tôi hỏi mợ, đã ngần ấy năm đến một cái tin mừng cũng không có. Mợ có xứng đáng làm dâu nhà này hay không? Không phải mợ không biết, lấy chồng mà không sinh được con thì đó chính là tội đó mợ à.

Mợ Hạnh ghì mặt xuống, hai bàn tay xoa vào nhau. Những lời này mợ đã nghe đến thuộc nằm lòng. Nhưng biết sao được, mợ vẫn không có con, chắc là ông trời không thương mợ. Mợ lí nhí nói xin lỗi bà cả. Mợ không dám ngước lên nhìn bà dù chỉ một chút. Ngước lên là sự thất vọng, là sự tức giận, sự phẫn nộ dành cho mợ. Có gì hay đâu mà mợ phải nhìn. Bà Tâm đứng dậy, trong tay cầm cái quạt đưa qua lại. Trong họng vẫn còn tiếng rủa xả mợ, đay nghiến chỉ vì không con. Bà mắng bà trách bà vô phúc mới cho cậu Định lấy mợ. Bà khuyên cậu lấy mợ hai, rồi bỏ quách mợ đi cho nhẹ gánh. Mà cậu ngu lắm, cậu đâu có chịu, đến phát bực.

Bà bước đi, tiếng giày nó va xuống sàn gỗ nghe chói tai ghê lắm. Giọng bà kêu con hầu cao đến lạ thường, mỗi khi rầy mợ bà phải uống tổ yến thì mới hạ hỏa. Mắng mợ, bả cứ nghĩ bà già đi hẳn mười tuổi. Còn mợ, mợ vẫn đứng đó, nhìn theo bóng bà cứ xa dần. Mợ cũng không trách bà, phận đàn bà mà không đẻ được thì đúng là bất hiếu.

Mợ phủi phủi tà váy rồi lững thững về phòng, mợ cứ đăm chiêu suy nghĩ về việc này. Nó ám ảnh mợ đến khi ngủ, trong mơ mợ cũng mong ước mình bồng đứa nhỏ trên tay, hát một bài đồng dao cho nó nghe. Rồi mợ sẽ dạy nó hát, dạy nó luyện chữ, kể cho nó nghe những câu chuyện xưa. Nhưng mơ chỉ là mơ thôi. Khi tỉnh dậy thì vẫn là chiếc giường mình mợ nằm, hằng ngày phải nghe tiếng rủa đến rợn người.

Sáng sớm, mợ cùng con Huệ đi lên núi Bấc, thỉnh thầy bày cho mợ thuốc uống. Để mợ mau chóng có tin vui. Mợ không nhớ được mợ đã thỉnh bao nhiêu thầy, uống bao nhiêu thuốc. Mụn con thì không thấy nhưng sức khỏe mợ ngày càng suy kiệt vì những loại thuốc ấy, mấy đêm mợ nằm ho, nào có ngủ nghỉ được gì. Gương mặt dần trở nên hốc hác, tiều tụy. Nhưng cậu đâu biết, cậu trách mợ chả làm nên tích sự gì. Có mỗi việc đẻ mà cũng không xong.

Những đêm cậu uống say, vào buồng với mợ. Mợ năn nỉ cậu uống chén thuốc đó, nhưng cậu hất đổ, thứ thuốc tạt lên tay mợ. Nóng hổi, xuất hiện những dấu đo đỏ. Cậu giận lắm, bóp má mợ:

- Tôi nói mợ rồi, tôi - Định, chẳng có bệnh gì mà phải uống những thứ thuốc vớ vẩn đó cả. Tất cả là tại mợ, mợ không đẻ được là lỗi của mợ. Mợ nghe hiểu chưa? Mợ tin thì tự đi mà uống, mợ mà chết vì những thứ nhảm nhí như vậy thì tôi sẽ lấy vợ khác.

Mợ Hạnh nước mắt lưng tròng, gật gật đầu. Cậu Định thấy vậy liền buông tay ra, nằm xuống giường, miệng còn lẩm bẩm: "tổ cha con gà mái già, mất toi ba trăm lượng vàng của ông". Mợ uất ức lắm, mợ muốn phát điên lên rồi. Nhưng mợ phải làm xong đạo làm vợ hiền dâu thảo. Mợ đắp lại chăn cho cậu rồi bước ra ngoài, xuống căn bếp. Đi ngang qua vài gian phòng, đám gia nhân chưa ngủ, tụ lại nói chuyện với nhau:

- Tôi nghe nói, cậu Định sắp lấy thêm mợ hai. Mợ hai là con của phú ông Ba Thắng ở bên làng Cau kia kìa. Tôi nghe nói cô ấy xinh lắm, bao chàng mang trầu cau đến mà cổ chỉ ưng mỗi cậu Định.

- Vậy còn mợ Hạnh, mợ biết phải sống sao đây?

Mọi người im lặng, sau đó thở dài. Họ sống cùng mợ đã ba năm, mợ đối với họ không bạc. Họ biết, nhưng họ đâu có quyền quyết định. Nên đành vậy, cứ thuận theo ý trời. Dù mợ có ra sao, họ vẫn sẽ ủng hộ mợ hết lòng. Mợ đứng ở ngoài, bàn tay siết lên cánh cửa. Lòng mợ rối bời, mang theo cảm giác chua xót khó có thể tả được. Ba năm, vào nhà năm mười lăm tuổi. Độ tuổi đẹp như trăng rằm, nhưng người nhà này nhẫn tâm đến dường nào. Họ bóp nát mợ, khiến mợ ngày càng héo mòn chỉ vì "không con". Họ quay mợ như chong chóng, khiến mợ nhọc lắm, mệt lắm. Đôi lúc mợ chỉ muốn được giải thoát, mợ khao khát được hạnh phúc và tự do. Nhưng có lẽ nó xa vời với mợ quá.

Người đời vừa rủa mợ vừa nói mợ may mắn, bao năm mà cậu không bỏ mợ. Ừ thì không bỏ, nhưng trái tim không còn hướng về nhau thì còn gì đau đớn hơn. Chua xót khi nhìn chồng mình tằng tịu với người khác. Đêm về vẫn gọi tên ai, sự may mắn đó, mợ không cần. Là ba năm lời ra tiếng vào, là bao năm chịu đựng sự dày vò, chì chiết.

Mợ xuống bếp, gõ nhẹ lên vai của con Lượm kêu nó đi ngủ đi, để thuốc đó mợ trông cho. Thuốc này là của Bà Nội, bà đã ngoài tám mươi. Cũng chính bà là người thêu dệt nên mối lương duyên này. Vào ba năm trước, cậu cùng bà mang trầu cau qua nhà mợ. Lần đầu tiên mợ thấy cậu, hai má ửng hồng. Cậu như cuốn hút mợ, khiến mợ không thể nào rời xa cậu. Nhưng chắc bây giờ tâm ý ngày đầu đã không còn nữa. Mất chữ duyên, còn chữ nợ, âu là vợ chồng, có nợ thì phải trả.

Sắc thuốc xong, mợ rót ra chén bưng lên cho bà. Dù không cử động được nhưng đôi mắt của bà giống như có ngàn lời muốn nói với mợ. Khác với bà cả, nó không chứa đựng sự đay nghiến. Nó là sự thương, sự đồng cảm dành cho mợ. Đêm đó, mợ đút cho bà từng muỗng thuốc, nhưng không được bao nhiêu thuốc, đa phần đều tràn ra ngoài. Mợ cũng không tức giận vì điều đó, có lẽ vì cái tủi, cái nhục đã đánh chết cái tôi. Xong việc thì mợ về gian phòng mình, vẫn là căn phòng trống trãi, cậu đã về phòng từ khi nào. Nhiều lần cũng thành quen, mợ nằm xuống giường, chốc chốc lại thiếp đi vì mệt.

Cho tới hai sáu tết, con Lượm hớt ha hớt hải từ đâu chạy về, kêu mợ í ới

- Mợ ơi, mợ ơi. Cậu...cậu..cậu

- Từ từ, bình tĩnh, nói mợ biết, cậu làm sao?

- Cậu kêu... cậu kêu mợ dọn đồ đi khỏi nhà cậu, vì cậu đã hứa với cô An là khi cưới cô ấy sẽ để cô ấy làm mợ cả. Còn mợ... còn mợ...

Những từ cuối con Lượm không nói, nó đoán mợ đã biết. Mợ thất thần, cái tình cái nghĩa gần bốn năm không đủ để níu cậu ở lại với mợ. Dù không ở lại nhưng sao lại đuổi mợ ra khỏi nhà, bây giờ mà đi thì mợ biết đi đâu, về đâu đây? Cậu chắc là giỡn thôi, cậu nào có thể đối xử với mợ như vậy được. Mợ phải đi tìm cậu để hỏi cho ra nhẽ.

Vừa chạy ra khỏi cửa, mợ đã nghe thấy giọng cậu cùng một người con gái vui vẻ cùng nhau. Cay đắng cùng ganh tị dấy lên trong lòng mợ, chưa kịp hỏi thì cậu đã nhìn sang, nói:

- Chắc cô cũng nghe con Lượm nói rồi, nó nói không sai. Cô...cô mau thu dọn đồ rồi ra khỏi nhà đi. Sắp đám cưới của tôi rồi, vận xui của cô sẽ khiến nhà tôi tuyệt hậu mất. Cô hiểu chưa?

- Không....không, tôi xin cậu, tôi van cậu. Cậu cho An làm mợ cả cũng được. Tôi...tôi...tôi làm mợ hai... mợ hai cũng được mà. Chỉ cần cậu không bỏ tôi, đừng mang tôi về trả thầy u. Thầy u tôi già rồi, không chịu nổi đâu cậu ơi. Tôi van cậu, lạy cậu mà.

Cậu đăm chiêu nhìn mợ, khẽ nhíu mày. Cậu không ngờ mợ có thể quỳ xuống cầu xin cậu như vậy. Người con gái năm đó khiến cậu ngơ ngẩn vì vẻ ngoài tự tin đâu mất rồi. Bao năm có thể khiến một con người trở nên thay đổi như vậy sao?

- Chị cả, chị đứng dậy đi. Chị có gì mà phải xin anh của em chứ

Mợ ngẩn người, cậu hai Đức nói với mợ ư? Mợ quay sang nhìn cậu cả Định. Ánh mắt cậu nghi hoặc, có lẽ cậu nghĩ mợ là người như vậy. Không có được con thì đi làm chuyện bậy bạ với em chồng.

- Ồ, chú hai cũng tài quá nhỉ. Chú muốn cưới chị dâu sao? Cho người đời nhìn vào nhà ta, nói anh em ta bất hòa vì con đàn bà hiếm muộn?

- Em... em không muốn tranh giành với ai cả. Chị dâu cũng đã quản lí nhà rất tốt trong bốn năm qua, bây giờ chỉ vì chuyện con cái mà anh muốn đuổi chị đi sao?

- Chú à, tôi không tài tình như chú. Tôi không có lòng khoan dung, độ lượng như vậy. Chẳng ai có thể bỏ tiền ra để nuôi một con gà mái già không biết đẻ trứng cả, chú ngẫm thử xem, có đúng hay là không?

- Em... em

Cả Định biết mình thắng thế, liền cười nhạo báng cậu em trai. Muốn xin cho ả, còn lâu. Cả Định cậu đây đã quyết định điều gì là không bao giờ hối hận

- Tôi nghĩ chú nên quay về luyện chữ để sang năm thi Hương cho tốt. Còn việc nhà của tôi không cần chú quản. Tôi muốn lấy ai thì lấy, bỏ ai thì bỏ. Chú không có quyền xen vào, chú rõ chưa?

Biết bản thân mình không giúp gì được cho Hạnh, cậu hai cúi mặt xuống, ngón tay vân vê cánh quạt nan. Nhưng đâu ai biết, trong ánh mắt đó là sự thù hận tới tận xương tủy. Giận mình, giận người. Cậu quay về phòng, đi vội quá cậu va phải cô Tư Diễm. Diễm thấy anh mình có vẻ bực mình, muốn hỏi nhưng lại không dám. Chỉ nhìn theo bóng lưng anh xa dần, rồi khuất sau cánh cửa.

Sau khi nói với cậu hai, cậu quay sang nhìn mợ

- Còn mợ... mợ tình nguyện kiếp chồng chung, không những vậy còn làm mợ hai của tôi?

- Vâng, em nguyện ý. Chỉ cần cậu không đuổi em đi

Cậu cả Định phá lên cười giống như nghe được chuyện gì thú vị lắm. Cậu kêu mợ Hạnh đứng lên, quay về phòng may cho cậu cái áo dài mới để mồng ba cậu sang nhà cô An. Cậu mong đợi cái ngày mà cậu và An chung một mái nhà.

Bà cả - mẹ cậu không bao giờ phản đối vì bà cũng không ưng mợ Hạnh. Ngay từ đầu bà đã phản đối nhưng ông Hội Đồng với bà già vẫn đồng ý. Đó, đồng ý đi để giờ kẻ liệt người mất. Đúng là đáng đời, mang về con gà mái già. Hả cái dạ của bà lắm, bà vui lắm. Bà phải nhanh chóng kêu người lên kinh thành đặt cho bà tấm lụa thượng hạng, để mùng ba cùng con trai qua nhà con dâu tương lai chứ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro