Lặng nghe tiếng sóng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. Những con cá dưới lòng nước mặn, cánh hải âu chở nắng triền miên, hay một con thuyền cả đời ngã lưng vào sóng... có lẽ, chúng cũng ko thể hiểu về biển cả nhiều hơn ngôi nhà ấy là bao.
Ngôi nhà trắng của ông bà, đứng trên hòn đảo Tây Nam xa khơi. Ngôi nhà đối diện với biển ở hướng mặt trời lặn, nhìn hoàng hôn đỏ cháy mỗi ngày. Gió đại dương phơi phới mặn mòi tràn vào đầy ắp qua những ô cửa sổ màu lá. Dưới mái hiên, thềm nhà kê gỗ nâu, ẩm mục và lấm lem cát, mỗi khi ngồi đó tôi có thể nhìn trọn bờ biển dài trắng xốp vắng lặng, chỉ cách ngôi nhà mười giây chạy đua của lũ chúng tôi thuở bé. Và nhìn được cả những ngày mùa hè đáng nhớ nhất...
  Ngay trước mắt, đó là nơi ông hay trải lưới gỡ cá mỗi khi bơi thuyền đi giăng về. Hồi đó, ông thường "đánh bắt gần bờ" cho vui vậy thôi. Tôi vụng về bị vây cá đâm vào tay hoài.
  Còn chỗ ấy là nơi tôi nhém chết chìm. Lúc đó lên ba, thấy tụi anh chị họ bơi vẫy vùng và nghĩ rằng chỉ cần quăng người vào nước là...tự nhiên nổi lên được, nên tôi te te chạy ào xuống. Ông ngoại kể đã ko vớt cháu gái cưng lên ngay mà để ngoi ngóp một tí cho nhớ đời.
  Ngay đằng kia, có lần một con sứa mắc cạn, trong suốt, sờ rất mát và êm nên tôi vuốt ve mãi, chẳng biết là sứa độc. Hậu quả là tay ửng đỏ, ngứa ngáy phát điên. Đó cũng là khởi điểm cho sở thích tìm hiểu về các loài thủy sinh của tôi, đến tận bây giờ.
Vị trí đó, lúc trước có một hố cát sâu, tôi đào bằng tay và chôn giấu hết vỏ ốc đẹp nhất vào đấy, năm này qua năm khác chẳng ai biết. Cuối cùng, tôi đã chẳng tiếc khi "khai quật" lên, tặng hết cho một cậu bạn.
  Còn rất nhiều nữa...
  Đúng rồi, ngay bây giờ tôi sẽ đánh dấu thêm chỗ đó trên bản đồ bãi biển vẽ trong trí nhớ, nơi hai nhỏ bạn thân đang hào hứng nhảy nhót và hú hét. Vừa đến nơi, tụi nó đã quăng hành lý trước thềm, tháo giày chạy lao ra. Xa xa là biển và trời xanh chung một tông màu xanh biêng biếc. Tóc nâu rối bời. Váy hoa mùa hè chảy lả lơi trong gió, khoe đôi vai trần trẻ trung. Và niềm phấn khích lan tỏa rực rỡ như Mặt Trời. Mọi thứ khiến tôi chợt liên tưởng đến một bưu ảnh du lịch có thể đốt lòng người xem.
  Vẻ thích thú kinh ngạc của hai cô bạn, một lần nữa nhắc tôi nhớ mình may mắn nhất vũ trụ.
2. Từ lúc ông bà ko còn khỏe mạnh, buộc phải bỏ biển vào đất liền, bọn cháu con bé bỏng ngày nào lớn lên và bận rộn biền biệt, hình như lâu rồi chẳng còn ai ghé về ngôi nhà này nữa. Tôi cũng lỗi hẹn với nó suốt ba mùa hè vì việc học. Giữa ngày nắng Mười Tám, thêm một lần lại được chạm vào khung cửa màu xanh, tay tôi khẽ run như sắp mở ra thế giới.
  Tra chìa vào ổ khóa han gỉ, loay hoay một lúc tôi mới mở ra được. Bên trong trống trải, chỉ còn vài món đồ gỗ bụi bám im lìm. Chúng tôi ngẩn người một lúc trước khi đến bật tung hết cửa sổ. Gió và nắng tràn vào hối hả. Đến lúc ấy, ngôi nhà mới bừng tỉnh, sống động như chưa từng chìm trong buồn lặng.
  Tôm từ đâu chạy vào. Suýt chút nữa tôi ko nhận ra con bé cạnh nhà. Tôm cao hẳn, da bánh mật khoẻ khoắn, tóc dài đen mềm. Nó lăng xăng khuân đồ giúp và hỏi han tíu tít.
  Bốn đứa con gái khệ nệ rời giường gỗ từ phòng ngủ ra giữa phòng khách, để gần biển nhất khi đêm về. Lau dọn cả buổi chiều, bọn tôi có thể ngắm nhìn căn nhà mà hài lòng: "Năm sao!".
  "Ba mẹ em dặn mấy chị khỏi nấu nướng nghe, ở chơi có mấy ngày, cứ qua ăn ké thoải mái!"
  "Yên tâm, dì Năm nấu hải sản là nhất, ko cho bọn chị cũng nhào vô."
  Tôi đùa, rồi ba đứa lớn nhào vào chải tóc cho Tôm, khen mãi, thắt cho nó đủ kiểu điệu đà.
  Chiều ấy, cả bọn được dì Năm đãi gỏi cá trích. Món này tôi có thử ở vài nơi khác, tất nhiên chẳng thể thích bằng. Có lẽ vì chẳng ở đâu giống nơi này, cá được chuyển thẳng từ tàu vào bếp, nước biển còn phủ lóng lánh vảy bạc. Cuộn miếng cá sống ngấm chanh giữa bùi nhùi rau lá như gói trọn sự tươi mát của biển khơi. Và chấm ngập nước mắm cá cơm thơm lừng, dù thử lần đầu cũng ko ngại miệng, mà ngược lại, vị giác phải râm ran vì sự ngọt lành.
3. Trong kho có con thuyền của ông, chở được gần chục người. Tôi nhờ chú Năm những lúc rảnh tay sửa lại vài chỗ mối mục, bôi keo bịt kín những khe hở, vài ngày thì xong.
  Mọi người thường ra biển để tìm Mặt Trời, riêng tôi lại thích một khoảnh khắc khác.
  Tôi cùng hội bạn bơi thuyền ra biển đêm, xa khỏi bờ một chút, vừa đủ để nhắm mắt lại mà vẫn thấy mênh mang. Rồi cứ thế mặc cho sóng gió mùa hè lay thuyền trôi rất nhẹ, ngồi tựa đầu lên vai nhau ngắm bầu trời mênh mông - ko đứng yên mà dập dềnh trong mắt.
  Lúc ấy, nếu ko có đèn tàu đánh cá xếp thành hàng chấp chới ở phía rất rất xa thay đường chân trời - biển, cảm tưởng đang lửng lơ giữa một không gian màu đen vô tận nào đó, yên ả và bềnh bồng.
  "Hồi ấy, suốt những mùa hè, ban ngày, tao với mấy anh em họ phơi mình ngoài bãi cát tới nâu da, ăn tôm cá nhiều đến mức tưởng bọn nó tuyệt chủng luôn ở vùng này rồi. Những đêm biển hiền thì được nằm thành hàng trong lòng thuyền mát lạnh như vầy, chí choé hỏi đủ thứ về trăng sao biển trời này nọ. Ông ngoại vừa bơi thuyền nhẹ vừa cười khà khà giải đáp hết. Bà còn kể chuyện cho nghe. Sóng rì rào và gió thiu thiu nên đám nhỏ ngủ quên luôn. Lớn hơn, tụi tao tự bơi thuyền ra nếu muốn, buồn thì hò hét tung hê lên. Biển không phiền và giữ lại hết..."
  Tôi kể chậm rãi về một trải nghiệm êm đềm và tự tại nhất từng trải qua trong đời, đến đó chẳng dám nhớ thêm nên lảng sang một chuyện khác. Nếu không, giọt nước đã tụ trên khóe mắt sẽ vuột ra mất thôi.
  "Này có trăng đó, thề không cười không chọc đi, tao kể cho nghe. Về một chàng trai."
  "Á! Thề!"
  "Cậu ấy tên gì tao cũng chưa biết..."
  Cậu ấy thuộc đoàn du khách hiếm hoi đến đảo. Đó là mùa hè lớp 7, tôi bằng bé Tôm bây giờ, đang đọc sách trước thềm nhà buổi chiều thì cậu chạy đến và đề nghị điên rồ:
  "Tớ đang đo bãi biển này dài bao nhiêu bước chân, nhưng đi nửa đường lại lơ đãng quên mất số đang đếm. Cậu rảnh và muốn giúp tớ không?"
  "Đo làm gì?"
  "Để giải đáp vài thắc mắc ý mà!"
  Cậu hồn nhiên vò vò mái tóc rối tinh và cười toe.  Tôi 12 tuổi, quyết định gấp sách lại chỉ vì nụ cười dễ mến đó.
  Kết quả chẳng khá hơn, mấy buổi liền vẫn đo không xong. Sáng cậu đi cùng gia đình, chỉ gặp tôi mỗi chiều. Cứ đi được một đoạn, khi thì cảnh vật, khi thì cuộc trò chuyện đánh lạc hướng hai đứa, bước mãi nói mãi mà quên luôn đếm, phải bắt đầu lại.
  "Rõ ràng là cố tình làm hỏng việc!"
  "Ha ha, không hổ bạn thân! Nếu mày thấy cách cậu ấy vò tóc, cười và pha trò khi nói chuyện thì sẽ hiểu. Nhưng rốt cuộc, cậu ấy vẫn phải về nhà, tao không gặp hoài được. Ngày cuối trên đảo, đo vẫn chưa hoàn thành nhưng cậu ấy bảo không cần thiết nữa."
  "Thì giải đáp thắc mắc xong rồi còn gì, về mày!"
  "Thôi đi! Tao tặng cậu ấy nấu vỏ ốc, tạm biệt, rồi có gặp lại bao giờ."
  "Không cho nhau cách liên lạc sao?"
  "Hai đứa nhỏ không nghĩ được quá nhiều, chưa kể lúc ấy công nghệ không dễ dàng như bây giờ. Và hẳn là bọn tao đều bối rối."
4. Từng có hơn mười mùa hè được ở đảo nhưng tôi chẳng thích thăm thú nọ kia. Với riêng tôi, những điều tạo cảm hứng để khám phá hoặc tận hưởng, riêng ngôi nhà ông bà và xóm biển vắng này thôi đã nhiều vô kể. Tôi có thể ở một chỗ này, ngày qua ngày, mùa qua mùa, chưa bao giờ buồn chán.
Không nói, hai đứa bạn cũng tự cảm thấy như thế. Gần một tuần, bọn tôi loanh quanh trong nhà, ngoài bãi, được biển cả và... dì Năm nuông chiều, chẳng thèm đi đâu xa.
  Chúng tôi chỉ ra chợ mỗi sáng với dì Năm, đến cầu cảng hàng chiều khi tàu cá chú Năm cập bến, ngắm nắng tràn trề trên boong, thử sức khiêng vài sọt cá tươi oằn vai. Cuộc sống thường nhật bình dị mà vui mơn mởn. Bọn tôi nhìn nhau, chẳng cần nói cũng hiểu, trong một khoảnh khắc hứng khởi ngùn ngụt: " Về Sài Gòn nữa làm chi!"
  Khi những mùa hè qua đi, bao giờ tôi chả ngắn dài nước mắt từ khi xếp hành lý đến tận lúc lên tàu trở về. Ai đến đây cũng muốn ở lại mãi...
5. Thật tiếc, vì việc đột xuất, một đứa bạn buộc kết thúc sớm chuyến đi.
  Buổi sáng tôi dậy trễ. Tôm đã dẫn đường hai đứa bạn ra bến tàu. Lần đầu trong suốt mấy ngày qua, chỉ có một mình tôi nằm nhìn đăm đăm trần nhà. Có một con nhện hiền queo treo trên mạng. "Mày phải chuyển nhà thôi!", tôi chợt nghĩ, rồi buồn bã.
Nắng lên ngọt, dì Năm đang xẻ mực treo lên dây phơi trước sân. Tôi sang phụ một tay, đắn đo hồi lâu mới mở lời:
  "Mai mốt dì định ở đâu?"
  "Xóm này vài người vào bờ, còn lại đều chuyển về khu dân cư gần trung tâm đảo, dì cũng đang cất nhà ở đó."
  "Mình chẳng làm gì được..."
  Tôi nghe dì Năm "Ừ!" một tiếng buồn tênh.
Không lâu nữa, mấy ngôi nhà cuối cùng còn lại dọc bờ biển này phải hạ xuống. Sẽ có những công trình cao lớn mọc lên thay chúng đứng canh biển. Dự án khai thác du lịch tầm cỡ. Bãi cát này rồi sẽ đông kín và nhộn nhịp người, không còn hoang vắng. Chỉ có chúng tôi là trống trải trong lòng. Như bữa cơm của mẹ bốc khói chờ sau bếp giờ tan học, như chiếc giường êm ái đợi giấc ngủ tôi mỗi tối, như quyển sách quen trên kệ, chờ tôi giở ra mỗi khi thấy mình nhạt nhòa...Những điều ấy ấm áp và thân thương đến nỗi nếu mất đi, mỗi khi hình dung lại sẽ rất nuối tiếc và chơi vơi.
  Vậy mà, có một căn nhà đại dương và vùng biển bình lặng sắp sửa thôi chờ tôi mỗi mùa hè như từng đã...
  "Coi như cả đời dì gửi cho nơi này rồi. Tâm trí ở lại. Có ở đâu cũng ở đây! Chỉ tội nghiệp Tôm, nó thương nơi này nhiều như thương dì..."
  "Phải đồng ý, nơi này đáng được nhiều người biết đến hơn, mình không nên ích kỉ dì nhỉ? Chuyện này sớm muộn gì cũng đến, con biết vậy mà vẫn ko khỏi hụt hẫng."
  "Dì nói với Tôm, dù sao, nơi này lúc đẹp nhất đã thuộc riêng về mình, sau này họ ko bao giờ có được. Chỉ vậy thôi là may mắn lắm rồi. Con cũng nghĩ vậy nghe!"
  "Dạ. Nhưng buồn nhất phải là ngoại, ông bà thậm chí chẳng đủ khỏe để về thăm ngôi nhà thêm một lần."
  Tôi chưa bao giờ xem chuyến đi này là lần trở về cuối cùng. Tôi cố biệt lập suy nghĩ khỏi điều buồn bã, không nói với các bạn để tránh ảnh hưởng tâm trạng tụi nó và chính mình, mà không thành.
  Bây giờ tôi ngồi trước thềm nhà và lặng lẽ khóc...
  "Lúc ở bến cảng mẹ mày gọi, tao ngẩn người ra, giờ thì hiểu rồi. Cô hỏi mày ổn không, tao nói mày đang khóc, nhưng sẽ ổn. Đúng không? Nó lên tàu là tao với Tôm quay về ngay. Tụi tao nghĩ mày cần cái này."
  Tôi hiểu ý, đón lấy chiếc máy quay cầm tay từ nhỏ bạn.
  "Chỉ vài ngày ở đây là đã đủ để tao hiểu cảm giác của mày bây giờ rồi."
  Nó ngồi xuống quàng tay qua vai tôi, xiết nhẹ.
6. Ngày cuối cùng, nhỏ bạn lên đồi sim từ sớm cùng Tôm, chắc chủ ý để dành cho tôi một khoảng riêng tư. Tôi bật máy quay, bắt đầu ngay từ ngôi nhà, đến bãi cát, rồi xoay ra biển.
  Đoạn phim dài, không kịch bản, bị rung lệch vì cầm tay di chuyển, có đủ mọi thứ tôi thương yêu, cả nụ cười hiền của dì Năm, chiếc nón cối đựng đầy sim tím mọng hái từ đồi, mái tóc bé tôm và kết thúc bằng khung hình góc rộng của biển đêm... Tôi để yên máy trên thuyền, ống kính hướng lên bầu trời cho thu hình đến khi đầy thẻ nhớ, để lưu giữ tiếng sóng âm vọng, những vì sao và cảm giác dập dềnh hư không.
  Buổi sáng trước khi ra cảng trở về, tôi định đem mấy thứ quà con gái sang tặng Tôm thì nó hớt hải chạy qua, đưa cho tôi một mảnh giấy. Nét chữ cao, vững chãi, ghi hai dãy số: 402 và một dãy số như số điện thoại.
  "Em xin lỗi, em sợ chị giận nên định giấu chuyện này. Đêm qua em lục tung lên cố tìm thêm một lần, may sao mảnh giấy vẫn còn. Có một anh đến đây mấy ngày liên tục, thấy em lên nhờ gửi lại nó "Cho cái chị răng khểnh bên nhà này này!", sau đó thì không quay lại nữa. Lâu lắm rồi."
  Tôi nắm chặt mảnh giấy trong tay, bất giác nghĩ về một đoạn nhỏ trong câu chuyện mà tôi chưa kể cho hai cô bạn nghe.
  "Bây giờ tớ có toàn quyền với chúng rồi?"
  Cậu ấy đang nhắc đến đống vỏ ốc, tôi mỉm cười gật đầu.
  "Vậy thì..." - Bất ngờ, cậu ném trúng thật xa ra biển. - "Hãy để ở nơi chúng đẹp nhất! Cậu không giận chứ?"
  Không, đáng lẽ đó là câu trả lời của tôi đính kèm một nụ cười, nhưng nó mãi không được thốt ra. Cậu nói nhanh thêm một điều nữa, rồi chạy vụt đi.
  "Tớ sẽ nhớ về cậu, không cần điều gì nhắc nhở cả!"
7. Tôi bấm khóa, miết tay trên cánh cửa gỗ xanh một lúc rồi quay ra xóa đoạn phim vừa cất công quay - không chút đắn đo. Tôi đã có một phiên bản khác của mọi hình ảnh âm thanh này, sống động và cảm xúc nhất.
  Hàng ngàn dấu chân dại khờ lún cát và những lâu đài đắp bằng tay, sóng đã âm thầm dạt bờ mang theo hết. Dẫu vậy, chúng vĩnh cửu, không tan đi trong ký ức những mùa hè.
  Tôi sẽ trở về đây, một khi có thể nhìn khung cảnh mới, nghĩ về khung cảnh cũ mà không có bất kỳ so sánh thiên vị nào. Một khi, tôi đã có thể thảnh thơi đón nhận những đổi thay ấy như một trong hàng vạn điều tất yếu của cuộc đời.
  Tôi cầm điện thoại lên, (đâu nào, có gì phải vội đâu), gọi cho ngoại trước đã.
  "Có ở đâu, mình cũng ở đây! Ông nhỉ!"
  Ông cười trầm vang, rồi im im. Chắc là để nghe tiếng sóng...
                  ~~~~HẾT~~~~

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro