Lặng thinh một khoảng lặng thinh [Truyện ngắn]

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nguyễn Phước Huy

Nó mân mê con cá khô, hồi lâu hơi nản vì bàn tay lóng ngóng, nó bỏ cuộc, rồi ngước lên hỏi, thuốc bất tử bán ở đâu vậy cậu. Tôi ngơ ngác, chặn đứng chén cơm đang ngập tràn nước dừa tươi, tôi biểu, mày khùng hả. Nó có lẽ thấy được sự hằn học trên khuôn mặt tôi và câu nói mặn chát nên nó im lặng. Nó cúi mặt xuống mâm cơm rồi mân mê con cái khô vô tội đang nằm ườn trên đĩa, tôi bực quá xé toang con cá rồi để vào chén của nó phần lưng. Đột nhiên nó bỏ chạy ra sau bếp, đứng khóc thút thít.

Hồi hôm qua khi coi bộ phim Hồng Kông nào đó nói về thuốc bất tử, nó hỏi tôi miết về thứ thuốc đó, nó hỏi từ những câu hỏi mà vốn dĩ người ta đã biết câu trả lời rồi, nhưng chắc nó hỏi chỉ để hỏi mà thôi. Giống như lúc người ta bí thế quá thường biểu “ờ chắc ông trời ổng có mắt, tui khổ vầy có khi vài hôm nữa trúng số cũng hổng chừng”. Và cái tuổi lên bảy của nó, không biết có quá đáng hay không với những câu hỏi dạng như “thuốc bất tử bán ở đâu vậy cậu, thuốc bất tử hông có thiệt hả cậu, hay mắc quá cậu hổng có tiền mua,…”. Vậy là cả tuần đó tôi bị nó hỏi về thứ thuốc bất tử. Chắc nó chỉ cần tôi trả lời “có” rồi sẽ im, nhưng không hiểu sao tôi không nỡ nói dối nó.

Hồi chừng này năm ngoái, tôi nói dối biểu nó đi học rồi bắt cho nó một con chó mực có khuyết mặt trăng trên trán, và rồi nó cũng xách cặp đi học, nhìn thằng nhỏ mượt mà bên mớ lác tươi rói, dáng nhỏ nhỏ vác cái ba lô to đùng, tôi thương nó kinh khủng, vậy mà không có được một con mực nào để cho nó, nó im thin thít. Hồi giỗ nội nó, tôi biểu nó tập bơi đi, tôi coi cho, vậy mà đến khi thằng nhỏ lặn ra chỗ sâu, tôi mải mê chơi với cái ná thun, bắn qua mớ bình bát, rụng lùm bùm bên bờ sông mợ Hai, để thằng nhỏ chết sặc dưới nước. Lúc tôi lôi nó lên mặt nó xanh lè, nước ọc ọc ra nhìn thương dễ sợ, nó vậy mà cao số. Chị Sáu của tôi – tức mẹ nó – chở nó bằng xuồng đi vòng vòng con mương, bắt ăn ba nắm cơm để gọi hồn nó về, bả biểu, hồi nãy chết hụt chắc hồn nó rớt miệt dưới mương rồi, để tao gọi về không lỡ lớn thằng nhỏ bị khùng giống bay thì khổ vợ chồng tao. Tôi bị no đòn hôm đó, vậy mà thằng nhỏ vẫn im thin thít, đi theo tôi không rời nửa bước. Hôm chị Sáu đẻ, người ta biểu Sáu bị vỡ ối, tôi với nó túc trực ngoài bệnh viện, nó hỏi tôi, má có sao không cậu? Tôi thét lên, mày nói gở gì vậy, đẻ thì đẻ chứ gì mà có sao… Nó lại biểu, sao má lâu ra quá cậu? Tôi nói, chắc chế Sáu có bầu bự quá nên khó đẻ, vậy mà cũng hỏi…

Câu chuyện là như thế, tôi trở thành thằng nói dối nó nhiều nhất trên đời, từ cây bình bát có cái tổ chim cút, đến con cá bảy màu có đuôi cầu vồng, hay bầy bìm bịp biết nói tiếng người… Vậy mà nó cũng tin răm rắp. Tưởng rằng khi người ta chở xác mẹ nó với con nhỏ em chưa kịp nhìn ánh mặt trời ra giữa phòng bệnh nó sẽ hận tôi suốt đời, má tôi khóc thét vang trời, mợ Hai quỳ xuống đất và không thể đứng lên được nữa, Năm, Tư, Út ngất lên ngất xuống… vậy mà nó còn hỏi tôi, má có tỉnh lại không cậu? Tôi biểu, cái “biểu” ở đây dài thượt, chặn đứng hết mọi thứ cảm xúc giác quan trên đời, và dừng lại bằng một tiếng nấc, cậu xin lỗi!

tía nó xô mẹ nó vấp trúng cái lu nước nên mẹ nó bị sảy thai, mẹ nó đi không kịp trả lời cho mấy câu hỏi ngây ngô của nó. Nhà chức trách thả tía nó ra để ổng nuôi nó, vậy mà từ đó tới giờ ổng chỉ biết nhậu với nhậu, quăng thẳng thằng nhỏ qua bên ngoại ở chung với tôi, đột nhiên thương thằng nhỏ, đời nó tự dưng trôi lềnh đềnh.

Hôm kia dắt nó qua bển thăm ổng, ổng ói ra máu, mặt tái mét, xanh lè, ròm nhom như cây trúc. Nó im thin thít lấy khăn lau cho tía, xin tôi, cho con ở lại nhà heng cậu? Tôi biểu, ở thứ bảy với chủ nhật thôi, tối chủ nhật về để sáng đi học. Thằng nhỏ buồn thiu! Thấy cũng thương tía con nó. Nhưng ai biểu ổng ở ác quá làm gì. Đánh mẹ nó miết.

Hôm dắt nó về, nó lại hỏi tôi về thuốc bất tử, nó hỏi đi hỏi lại mãi, phát bực tôi nói mày khùng giống tía mày rồi hả. Nó lại im thin thít.

Ngày chở nó ra bệnh viện Huyện thăm tía nó, bác sĩ nói ổng bị ung thư gan giai đoạn cuối, thằng nhỏ lại quay qua hỏi tôi “ung thư như trong phim hả cậu”, tôi lặng im thin thít!

Ngày tía nó mất, thằng nhỏ đeo cái khăn trắng trên đầu, mặc bộ đồ được may sơ sài bằng miếng vải mùng, nó khóc, nó không hỏi tôi câu nào, cũng không ngắm nhìn bầy gà con vừa chui ra khỏi trứng – thứ mà nó chờ đợi cả mấy tuần nay, nó chỉ nhìn chằm chằm vào tía nó.

Ngoài trời đổ mưa lơi thơi, thằng nhỏ cầm cây gậy đi ngược giông ngày ngập gió. Tôi vịn chặt vai nó để đoạn đường từ nhà ra bờ vườn cách đó vài trăm thước không bị vấp bởi sình lầy. Những bờ lúa mượt mà len lén đi qua từng khuôn ruộng, chiếc xuồng giữa sông lềnh đềnh, trôi xa bến rồi lại dạt vào bờ, như muốn rời bỏ lại muốn bám víu lại nơi đây… Cây lúa buồn thiu, chắc do đây là vụ lúa cuối cùng trước khi xả mặn.

Má tôi gào lên trong tiếng sét “thằng nhỏ có tội gì mà ông trời ác với nó quá vậy”… Tiếng sét rền vang cả một góc trời. Gió thổi đung đưa, vương vãi những hạt thóc vàng ươm, như vàng, như nước mắt đọng lại giữa đời.

Ngày hôm qua, khi tôi đắp chặt bờ vuông ngăn không cho nước tràn vào đầm tôm, nhìn mấy cánh quạt nhựa xanh sẫm, tài sản của cả đời tôi với má, tôi tâm đắc biểu, khổ gần nửa đời rồi, xém ba chục rồi chứ đâu phải chơi, chữ đọc còn không trôi, được cái trời thương, thằng Tèo heng. Chắc qua năm tao cưới vợ.

Thằng nhỏ, à không, thằng Tèo giờ cũng qua mười tám, nó lớn con, da ngăm ngăm đen đúng hồn của tụi trai miền Tây nắng gió, nó cầm chai rượu trắng biểu, trời có thương con đâu cậu, ổng độc ác thấy mồ. Nói xong nó trải mớ tôm luộc ra miếng lá chuối, rồi kêu tôi dừng tay nhâm nhi với nó vài ly, nó nói (có lẽ nó bắt đầu lớn rồi), “đàn bà là gì hả cậu”…

Nó học hết mười hai, tôi hi vọng về nó nhiều hơn cả tất cả mọi hi vọng mà tôi từng cộng lại trên đời, bởi cả dòng họ có ai được học hành tử tế như nó đâu. Những vết sẹo trên người nó qua mớ bạch đàn đổ ngã bao năm, những vết hằn học qua tim chừng ấy năm, mất mát chừng ấy năm dù bù đắp mãi cũng khó có thể lành lặn được.

Nó biểu tôi là nó thương nhỏ Kiều con cô Tư bên sông. Tôi cũng mừng nó bắt đầu lớn. Vậy mà con nhỏ mới lên thị trấn đâu chừng một tháng về mà đổi tính đổi nết một trời. Cái mặt trắng rợn, đôi môi đỏ sẫm như tiết canh, ăn mặc hở hang phát sốt. Sau đó chừng một tháng con nhỏ cũng lên xuồng cưới về nhà chồng ở tận thành phố. Nhà nó nghèo nhưng được người được nết, kiếm được tấm chồng ngon vậy còn đòi gì nữa – má tôi biểu. Đám cưới linh đình, vắng những chiếc xuồng ghe ngày ấy.

Thằng Tèo học hết mười hai, nằm lì ở nhà, suốt ngày ngập chìm trong mớ rượu. Tự dưng má tôi sợ, sợ nó đi theo ba nó, má tôi biểu “bày đặt yêu đương chi khổ vậy bây”.

Thằng nhỏ ực hết ba ly, nó nói với tôi “hồi trồng lúa cực như trâu cậu heng, vậy mà con thích, giờ nuôi tôm có giàu, người ta sắm xe chạy hịn hịn, nhìn chán thấy mồ”…

Đời là xâu chuỗi của những cái mất, mất từ những cái nằm trong lòng bàn tay mất ra, mất rồi thấy tiếc tiếc, có đôi lúc, nhìn những cánh cò ốm nhách lượn qua bờ vuông, nhớ Sáu, nhớ da diết cái nụ cười khổ nhọc của Sáu, nhớ luôn mấy câu hỏi ngồ ngộ của thằng Tèo. Cũng chục năm rồi chứ chơi, mất từ cái nhìn, đến mất luôn những thứ xung quanh mình. Thèm một buổi chiều mát rười rượi, ngồi trên chiếc xuồng ba lá chèo đi bán mớ dừa khô, nhớ cây lúa nặng trĩu hạt, thương như thương từng hạt vàng. Nó hay hỏi tôi “bây giờ đâu phải quê mình hồi xưa cậu heng!?”

Nó lại biểu, cái xuồng bơ vơ đó mấy tháng rồi hổng xài rồi cậu, tháng sau cậu chở con ra thị trấn, con lên Sài Gòn học đại học…

Có khi nào con quên quê mình không cậu?

Chiếc xuồng mục dây, đứt phăng đi mất và trôi xa…

PhuocHuy.com

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro