Làng tôi, quê tôi, nhà tôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Gió lùa vào tay áo khiến cơ thể lạnh buốt, đoạn đường về nhà mỗi lúc một ngắn lại. Tôi đưa mắt nhìn về xa xa, nơi chút ánh nắng vụn vặt cuối ngày  đang cố chiếu rọi lên những ô ruộng trắng xóa bởi nước hay mấp mô bởi đất. Trong ánh chiều tà của mùa đông, những cánh đồng trải dài bất tận trở lên cô quạnh hơn. Một mùa vụ mới lại tới trong không khí ảm đạm của ngày tết. 

Nơi tôi sống là một làng quê nhỏ, mộc mạc, giản đơn, và cô quạnh bởi cánh đồng, bởi con sông nhỏ, bởi con đường quốc lộ kéo dài. Một buổi chiều bình thường tôi cùng mẹ trở về nhà. Tết sắp tới nhưng có vẻ nó không ảnh hưởng gì tới cuộc sống thường ngày ở nơi đây. Ngày Tết hay ngày thường vẫn là một ngày mới. Bên kia đường, một trận bóng đá cuối tuần đang diễn ra. Nơi viền ranh, một đàn trâu đang chậm rãi qua đường. Bên đường tàu, vài người đang sửa chữa lại chiếc bảng hiệu không may bị đổ. Và thấp thoáng bên ruộng mương, một bác trai đang cố gắng đốc thúc chú trâu lười biếng tiếp tục cày bừa.

Ký ức của tôi về ngôi làng nhỏ bắt đầu từ lúc 5 tuổi, khoảng thời gian trước đó tôi sống cùng ông bà ngoại và mẹ tại khu tập thể. Lúc ấy tôi thích thú với làng cũng được bao quanh bởi lũy tre, những chiếc  ao, con mương nhỏ và đồng ruộng như bao ngôi làng điển hình ở nông thôn, nghèo nàn, đơn sơ. Con đường tôi đi là đường đá nhỏ được xe lu lăn đi lăn lại, hay là đường đất đá lồi lõm, trời mưa sẽ bị ngập trong bùn lầy. Bờ tường bao quanh nhà không cao như bây giờ mà thấp tè nhưng chi chít mảnh sành cắm lên và phủ đầy rêu xanh, có nhà là bờ gai nứa, hay chỉ là hàng rào yếu ớt bằng tre khô buộc lại. Lúc đó đất nhà ai cũng rộng, cũng xum xuê cây cối cứ mùa quả tới là sai trĩu. Nước ao và sông thì trong vắt, cuối chiều lại có người đi một đoạn đường dài gánh nước từ con sông nhỏ về nhà, trong mỗi chiếc thùng là một miếng lá chuối nằm đủng đỉnh ngăn cản con nước ào ra ngoài. Lúc ấy tôi nghe ai đó bảo con sông ấy là một nhánh nhỏ của sông Kinh Thầy, con sông nổi tiếng trong quyển sách cũ kỹ nên tôi thường lon ton chạy theo lũ bạn ra đó chơi vào buổi chiều xem người lớn bơi hay chèo thuyền bắt cá. 

Làng tôi không có thắng cảnh gì đó nổi tiếng mà chỉ có một ngôi đền chùa nhỏ nằm ven sông. Đêm lễ hội mùa xuân lại đông đúc người, mấy bà cháu tôi khi ấy sẽ cố ăn tối thật sớm để rồi đi xem những vở chèo đã xem đi xem lại nhiều lần. Khi nào chán không xem nữa thì bắt đầu nô đùa tới khi nào vở chèo kết thúc là về nhà. Mùa hè tới, chúng tôi cùng nhau nghịch những chiếc chong chóng tự làm từ nứa, làm con mèo bằng lá chuối, các loại trò chơi dân gian hay trèo lên cây chứng cá nơi bờ mương vặt quả để rồi thấy sâu róm thì chạy rối rít. Thậm chí có khi còn bắt sâu róm để trêu đùa nhau rồi gào khóc khi bị sâu làm ngứa người. Buổi tối tôi thường háo hức nằm xem bao công và thủy thủ mặt trăng rồi ngủ quên lúc nào không hay để sáng hôm sau lại trách mẹ vì sao không đánh thức mình dậy. Tết trung thu, đám trẻ chúng tôi mỗi đứa mang một chiếc đèn ông sao bằng giấy bóng đủ màu sắc, hay dùng vỏ lon coca, hộp xà phòng nhựa cắt xung quanh, đục thành chiếc đèn, đốt nến bên trong chạy đi xem múa kỳ lân. Chúng tôi còn chạy ra đồng bắt cào cào, châu chấu về nướng trong một ngày ảm đạm.

..........................................................

Thời gian trôi qua, tôi và bạn bè đều lớn lên. Làng tôi thay đổi, không còn lũy tre xanh mướt, bụi tre nứa làm chong chóng, hạt cườm xâu thành vòng tay vòng cổ, cỏ gà chơi đồ hàng nữa mà thay vào đó là bờ tường bê tông, là nhà cao kín mít. Tôi có thói quen nhìn về phía xa xa, lên bầu trời qua ô cửa sổ hay từ một góc của ban công dù ban ngày hay ban đêm để thấy màu sắc của chúng vào các thời điểm khác nhau. Màu đỏ, màu vàng, màu xám, màu xanh, màu trắng, màu đen của hoàng hôn hoặc bình minh, trời mưa hoặc trời nắng, ban ngày hay ban đêm, nhìn sao trời hay pháo hoa rực rỡ ngày hè hay đêm giao thừa. 

Tôi không biết ai khác thấy nơi mình sống thế nào nhưng với tôi ngôi làng nhỏ là nơi lưu luyến mỗi khi đi học xa để rồi được nghỉ lại vôi vã trở về. Tôi thích mùi thơm của lúa non đang vào đòng, lúc ấy có thể đi bộ trên con đường bê tông trắng xóa ngắm ánh nắng sớm buổi bình minh sưởi ấm những tán cây xanh mát. Tôi thích mùi ấm nóng của hạt mưa rơi xuống đường trong ngày hè nắng nóng, ngồi bên hiên nhà nghe mưa rơi lộp độp, nhìn mưa gột rửa cái không khí oi bức ngày mùa. Tôi thích ngồi bên chiếc ao nhỏ mà ngã xuống không biết bao lần tung tẩy hai chân nghịch trong nước, hay ngồi câu cá dù cho mãi chả có con nào cắn câu. Tôi thích đứng trên ban công nhìn giàn lan hoàng yến bao quanh nhà, mỗi lần gió đi qua là hòa tan bao cánh hoa nhỏ vàng rực. Tôi thích nghe tiếng ồn ào nói cười khi xóm nhỏ tụ họp vui chơi ca hát nhảy múa dù là điệu nhảy không giống ai. Tôi thích nhìn ánh đèn rực rỡ nhấp nháy chằng chịt trên đường làng vào ngày tết. Tôi nhớ bờ tường nhỏ nơi mình hay trèo lên vặt quả vú sữa có khi chọc phải tổ ong rồi bị đốt. Tôi nhớ hàng khế xanh lá mỗi lần tôi dị ứng lại trơ trọi cành. Tôi nhớ cây nhãn lâu năm bên nhà mỗi lần thu hoạch lại chi chít quả rụng xuống, lại đầy ắp tiếng cười đùa của chúng tôi. Tôi nhớ những lần đùa nhau cùng chọc dừa té nước ầm ĩ rồi có khi là xuống ao. Tôi nhớ những ngày cuối tuần học xa mẹ hay gọi hỏi" có về không". Tôi thích mỗi khi rảnh rỗi hào hứng lên làm bánh gối, bánh trôi hay món gì lạ mà tôi muốn để rồi làm xong sẽ có đứa em sẽ hỏi "ăn được không chị".  

Quê tôi mấy năm gần đây có vài công ty tới mở. Khi ấy gánh nặng kinh tế trên đôi vai nững người thân tôi đã giảm đi phần nào, không còn vất vả nhọc nhằn như trước nữa. Mỗi dịp lễ tết không khí cũng ồn ào hơn trước. Nhà cửa nhiều hơn, đồ vật hiện đại cũng nhiều hơn, họ hưởng thụ nhiều hơn và người xa xứ cũng nhiều hơn. Có người đi học, có người đi làm xa ở vùng khác, có người đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài, có người gặp vài lý do mà phải bỏ nhà ra đi. Lúc trước tôi thường ước ao thoát khỏi chốn nhỏ có phần ngột ngạt này, nhưng khi ra khỏi nhà đi học xa nơi phồn hoa ồn ào tôi lại thích trở về khoảng trời nhỏ của mình. Một khoảng trời bình yên và giản dị. Ở nơi đây tôi có thể đứng một nơi mà cảm nhận những gì xung quanh, để gió lùa qua tay  lạnh buốt, để nắng chiếu lên da bỏng rát.

Làng tôi - khoảng trời yên bình của mình tôi; nơi tôi trải qua năm tháng bé bỏng cùng gia đình, bạn bè; nơi tôi cất giấu những bí mật của xa xăm; nơi tôi cùng gia đình đi tản bộ dưới bầu trời đêm, ngắm nhìn ánh đèn đường chói lóa phía cao tốc; nơi tôi cùng mẹ đi ra chùa mỗi đêm giao thừa, khi ấy tôi có thể ngửi thấy mùi hương dịu nhẹ lẩn trong không khí trong trẻo của năm mới; nơi tiếng loa của thôn thoắt ẩn thoắt hiện buổi chiều chiều; nơi chúng tôi hò hét cổ vũ cho đội bóng nhà thắng hay trù ẻo đội khách thua. Quê tôi - nơi tôi sống và tồn tại; nơi mộc mạc giản dị có phần nhàm chán, không có khu vui chơi nhộn nhịp hay công viên cây xanh; không có rạp phim nhà hát, quán ăn to lớn hay nhà hàng xa hoa; không có dòng xe tấp nập khói bụi, không có các quán ăn vặt về đêm, không có trường học điểm nào đó mà chỉ có những ngôi nhà cao mái tôn mái bằng; chỉ có một ngôi chùa nằm ven sông, những mảnh vườn trồng cây ăn trái, chỉ có một nhà văn hóa khang trang cùng ngôi trường mẫu giáo hai tầng, hay một trường tiểu học với 4-5 phòng học, những con đường rắn chắc, một vài công ty nhỏ bé, vài cửa hàng tạp hóa, một khu chợ cóc tấp nập mỗi buổi chiều. Nhà tôi - nơi tôi ngắm nhìn bầu trời, đưa mắt nhìn bốn phía, đưa tay với lên cao mà không có thứ cụ thể; nơi tôi ngồi nghe âm thanh của cuộc sống, vẽ màu sắc của cảnh vật; nơi tôi chứng kiến nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc của người thân, nơi tôi đi đâu cũng muốn trở về.

Làng của tôi, quê của tôi, nhà của tôi

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro