1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Đăng một chap xin vía làm việc năm mới :3

.

.

.

Thời thế thay đổi, đất nước cứ quay vòng vòng giữa các nút thắt của triều đại.

Thuở ấy được coi là thời kỳ hưng thịnh nhất, dân chúng đâu đâu cũng được an hưởng thái bình. Thế nhưng chính vì đất nước hưng thịnh mà đẻ ra đủ thứ trò tiêu khiển khiến các vị quan lại sa vào con đường tội lỗi. Giữa một trường quan hỗn tạp, nhiễu nhương ấy, có một vị Xã Trưởng làm phận liễu yếu đào tơ phải thầm thương, trộm nhớ vì đức tính thuỷ chung, kiên cường và không vướng bụi trần.

Kim Thái Dương là Xã Trưởng của xã Bát Trạch, tuổi không còn trẻ nhưng chưa có được một mụn con. Đối với đàn bà, con gái trong xã thì ông là một đấng quân tử đầu đội trời chân đạp đất, còn đối với lũ đàn ông thì lại là một vị quan khó hiểu, lạ lùng.

Ai có tiền của mà chẳng mong có vợ đẹp con khôn, có khi lấy ba bốn bà cũng không nề hà gì. Ấy vậy mà ngày võng lọng đưa Xã Trưởng về xã, mọi người đều vui mừng phơi phới, biết bao nhiêu nhà cường hào, địa chủ mang con gái lớn đến để chúc tụng vị quan trẻ, tiện thì kết đôi, kết cặp. Chẳng ai ngờ giữa một vườn hoa quý ấy, tân Xã Trưởng lại quyết định kết tóc se duyên với một người phụ nữ xuất thân trong gia đình bần nông. Những gia đình giàu có bị từ chối thì giận quá hoá thẹn, ngày ngày rêu rao rằng Xã Trưởng có tài mà không có mắt nhìn người, còn người đàn bà kia chẳng qua cũng chỉ là một con quạ gặp thời nên hoá phượng hoàng.

Vì phải nghe những lời gièm pha đó mà đấng thân sinh của Kim Thái Dương không cho phép con trai lấy người phụ nữ khốn khổ ấy làm chính thất. Đấu tranh không được, thoả hiệp lại càng không, cuối cùng ông đành phải bấm bụng lấy bà làm vợ lẽ.

Ai trong phủ chẳng biết Xã Trưởng yêu bà Thục Trinh như thế nào, thậm chí người ngoài cũng chỉ dám nói nhăng nói cuội sau lưng thôi chứ thấy bà ghé qua là lại ton tót đón ngay.

Đến hai, ba năm kề cạnh bên nhau như thế mà mãi không có hỷ, Kim Thái Dương mấy lần từ chối lấy vợ chính thất nhưng cứ như vậy thì không phải cách hay.

Độ tháng giêng mọi người đua nhau đi trẩy hội, chỉ riêng Xã Trưởng là ngồi miệt mày với đèn, sớ. Thục Trinh biết dạo này công việc của ông nhiều, lại thêm chuyện bị bắt ép có con có cái, rồi thêm vợ thêm người làm sao mà vui vẻ cho được.

Ông cứ đọc đôi ba dòng chữ lại day trán một lần cho tỉnh táo, bà thương nên ngồi xuống ngay cạnh mà khuyên:

- Thầy em mệt thì đi nghỉ đi, việc nhiều mình làm dần là sẽ hết, đừng tốn sức nhọc công quá, em xót.

Đúng là chỉ có bà Trinh là hiểu tính ông nhất. Xưa cứ nhà ai làm quan to, vợ chồng người ta hay gọi nhau là " cậu", " mợ". Nhưng vì trước khi đỗ đạt, Kim Thái Dương vốn dĩ là một người gõ đầu trẻ nên ông thích được nghe tiếng " thầy" thân thương hơn. Giả như nhà nào có con thì vợ mới hay gọi chồng là " thầy em", nhưng vì cũng khao khát có được người nối dõi quá mà đâm ra bà gọi ông như thế thành quen.

Vừa thấy vợ lại gần hỏi han một tí là Xã Trưởng làm nũng ngay. Ông buông bỏ sớ, bút xuống rồi nằm hẳn vào lòng bà than thở:

- Phải thương em lắm tôi mới nghe theo đấy!

Bà khẽ cười rồi vuốt ve từng lọn tóc của chồng.

Hướng mắt về phía cửa phủ, tiếng trẻ con nô nức khắp nơi làm tim bà cũng bồi hồi theo, trong phủ chỉ quanh quẩn có mấy đứa ở với ông bà, đã lâu rồi không có được luồng không khí tươi mới.

Ngẫm nghĩ một hồi bà dựng chồng dậy mà bảo:

- Thầy em mấy hôm nữa có rảnh không? Mình cùng nhau đi chùa cầu tự* nhé.

( *Cầu tự: Xin ơn trên ban phước có con)

Kim Thái Dương biết rằng vợ ông là một người suy nghĩ rất thấu đáo. Bao nhiêu năm ở với nhau chẳng bao giờ bà để ông thấy một nét buồn trên mặt. Vậy mà hôm nay nghe một chữ " cầu tự" sao lại chua xót thế.

Không biết làm gì hơn, ông chỉ có thể ôm bà vào lòng mà an ủi, vỗ về.

Mấy ngày đi đường mới đến chùa Hương Tích, dù mệt nhưng hai vợ chồng vẫn luôn giữ một tâm thành kính quỳ rạp dưới chân tượng mà xin thần thương xót. Mâm oản lễ, tiền vàng được bà Thục Trinh chuẩn bị rất tươm tất mà chẳng cần nhờ đến người ăn kẻ ở trong nhà.

Về đền nhà, bà vội vội vàng vàng lấy oản lễ ra ăn ngay, coi như là lộc đã thụ thì cũng mong có tin vui.

Đêm hôm ấy, trời sấm chớp đùng đùng cả một vùng mà không lấy nổi một hạt mưa. Đám gia đinh trong nhà nháo nhác ra sau vườn ngắm những rạch chớp chia đôi đất trời.

Cái Hồng theo hầu bà kéo cái Mây lại thủ thỉ:

- Lạ quá mày ơi, trời cứ đì đùng như này mãi mà vẫn có trăng sao, trăng còn sáng hơn mấy hôm trước mới lạ.

Cái Mây gật đầu cho là phải, không biết Kim gia sắp tới lại có chuyện gì nữa đây.

Mấy tháng sau người trên, kẻ dưới của phủ Xã Trưởng mừng rỡ truyền tai nhau tin hỷ bà Trinh có bầu rồi. Người vui nhất không ai khác chính là là ông Xã của bọn nó, từ khi nghe tin là cười mãi không thôi. Bà Trinh bình thường được ông cưng lắm, nay lại còn đang hoài thai nên lại càng được chiều hơn. Mấy tháng bụng to ông không cho quấn nịt rồi kiêng ăn, người xưa hay có quan niệm con lớn thì khó sinh nên cứ tác động cho bầu không phát triển quá lớn, ông Dương coi đó là ấu trĩ, một phần cũng vì thương vợ phải nhịn nhục đủ điều.

Bà Trinh còn chưa trở dạ thì ông Xã đã phải tổ chức một đám cưới lớn. Trốn tránh mãi không được mà nay hai vợ chồng cũng đã có con nên ông buộc lòng phải lấy chính thất.

Vợ cả của ông đẹp lắm, bọn dân đen nghe tiếng kèn, tiếng pháo thì ríu rít gọi nhau ra xem bà Kim Liên - tiểu thư nhà Lý Trưởng. Mọi người cho vậy mới là xứng đôi vừa lứa với Xã Trưởng Bát Trạch chứ. Cả ngày bận bịu rồi chạy vạy nhiều nhưng bà hai tuyệt nhiên không than vãn điều gì, bụng đã cao vượt mặt mà vẫn cố gắng đôn đốc chuyện trọng trong nhà.

Bà hai phải khuyên ông gãy lưỡi thì ông mới chịu rước bà Kim Liên về nhà cho tròn chữ hiếu với cha mẹ, bà buồn chứ nhưng ở cái xã hội mà phụ nữ không có tiếng nói này thì bà đành cam chịu cho yên cửa, yên nhà.

Đêm động phòng hoa chúc của chồng cùng người phụ nữ khác, bà không kiềm được mà nước mắt cứ chảy ra, tủi nhục dồn nén lại thêm lao lực quá độ nên bà sinh non giữa đêm. Vậy là một ngày Kim gia đón song hỷ, cậu Kim cuối cùng cũng nghe lời thỉnh cầu của gia can mà đến với thế giới này rồi.

.

.

.

" Ve vẻ vè ve cái vè con lẽ

Cứ tưởng có nhẽ là cậu cả Kim

Ai ngờ lặng im phải làm con thứ

Ve vẻ vè ve..."

Bài vè được bọn trẻ hát đi hát lại mãi thành quen, ai cũng biết nhân vật chính trong bài vè được nhắc đến là cậu hai Kim Thái Hanh của Kim gia nhưng tuyệt nhiên không dám chỉ đích danh vì sợ thân cậu, thế cậu.

Khi Thái Hanh tròn một tuổi thì bà cả cũng trở dạ sinh cậu Kim Thái Hưng. " Luật vua còn thua lệ làng", cứ ai là con của bà cả thì người đó là anh là chị, vậy là cậu Hưng nghiễm nhiên trở thành cậu cả của gia can dù ít hơn cậu hai Thái Hanh một tuổi.

Thái Hanh biết nhưng cũng không để bụng lâu, lúc trước còn hùng hổ đòi đánh nhau cùng mấy đứa trẻ con trong xã nhưng giờ đã bỏ cái thói bạ đâu đánh đó như vậy rồi.

Cậu hai sáng dạ, học đâu hiểu đó, dần dà hiểu chuyện nên trở thành một người nho nhã, hiền lành y hệt như bà hai.

Kể cũng lạ, không biết có phải vì đẻ cùng ngày với cậu hai không mà cậu cả giống tính cậu hai một chặp, chỉ là lém lỉnh và năng động hơn một chút chứ chẳng có cái thói chua ngoa, đanh đá như bà cả. Cũng vì hợp tính hợp nết nhau mà cậu Hưng cứ bám theo cậu Hanh suốt thôi, ai trêu ghẹo Hanh là Hưng mách Thầy cho chúng nó biết tay, riêng về phần Hanh thì vẫn có chút ái ngại, không ai có thể thân thiết được với người cứ bị đem ra so sánh với mình cả.

Hôm nay trong phủ mở tiệc lớn mừng sinh thần của hai cậu. Nói là làm chung thế thôi chứ năm nào quà của cậu cả cũng nhiều và to hơn biết bao nhiêu. Phú hào hay địa chủ cứ lao vào như đặt cọc nuôi con rể lớn, tất nhiên sự lựa chọn sáng suốt vẫn luôn là cậu cả. Cũng bởi vì thế mà Thái Hanh không thích sinh thần của mình chút nào, nếu hôm đó Hưng nhận được vải lụa tơ tằm, thì Hanh cùng lắm cũng chỉ nhận được vải lụa loại hai, loại ba.

Ông Xã biết con trai thiệt thòi nên năm nào cũng mua quà lớn hơn cho Thái Hanh nhưng cứ kết thúc đại tiệc là y như rằng bà cả lại càm ràm:

- Thầy Hưng đừng có chiều Hanh quá kẻo nó sinh hư. Tặng quà mà đứa nhiều, đứa ít như vậy thằng Hưng nó sẽ nghĩ thế nào?

Đặt chén trà đang uống dở xuống, ông Xã cau mày:

- Thế thằng Hưng biết nghĩ còn thằng Hanh thì không à? Bà xem xem, năm nay thằng Hanh nó cũng tám tuổi rồi, ngày nó còn nhỏ lũ người ham của kia tặng đứa ít, đứa nhiều thì tôi không nói, giờ hai đứa con tôi đều lớn, đi học đi hành rồi mà họ vẫn làm thế thì sao tôi nghe cho được.

Bà cả phản kháng ngay:

- Vì Hưng nó là con cả, nó là người nối dõi cái Kim gia này nên chuyện được quan tâm hơn đó là điều đương nhiên. Đáng lý ra Thầy Hưng phải yêu thương con tôi nhiều hơn kia kìa.

- Con tôi, con bà, con nào chẳng là con? – Ông gắt lên – Bà còn không bỏ cái thói đanh đá ấy đi thì cuốn gói về phủ Lý nhà bà mà ở.

Nói rồi ông Xã đứng phắt dậy và rời khỏi phòng, bà cả tức nghẹn cả cổ họng nhưng phải cắn răng cắn lợi mà nhịn lại, bà nói như thì thầm với chính bản thân mình:

- Để xem sau này con của ả làm nên trò trống gì mà giờ ông dám huyênh hoang với tôi.

.

.

.

Mặt Trời còn chưa qua khỏi dãy núi mà lũ gia đinh đã nháo nhào lên đi tìm hai cậu. Biết là từ mấy năm trước, cứ sau ngày sinh thần là hai cậu lại rủ nhau đi đâu đó từ sáng sớm đến chiều tối là trở về phủ an toàn nhưng hai bà làm sao mà chịu để yên. Ngộ nhỡ có chuyện gì xảy ra thì đánh chết hết đám gia đinh trong nhà cũng không hết tội.

Trong lúc cả phủ cuống cuồng lên như thế thì hai cậu có vẻ rất tận hưởng và chẳng biết trời chăng gì. Cậu cả xách theo một cái giỏ đựng đầy hoa quả còn to hơn cả người, nói là xách nhưng đúng hơn phải gọi là kéo đi xềnh xệch. Đến lúc không thở nổi nữa cậu mới gọi với Thái Hanh:

- Anh Hanh ơi, xách hộ Hưng cái này với, nặng quá em không tài nào bê nổi.

Hanh đang rảo bước rất nhanh về phía trước nhưng nghe thấy thế thì bèn quay lại, ôm cả giỏ lên ngon ơ. Cậu cả được một phen trố mắt trầm trồ. Hơn kém nhau có một tuổi thôi mà dáng dấp cậu Hanh rõ to lớn chứ không lùn lùn bé bé như Hưng.

Thấy Thái Hưng cứ đứng đó không chịu đi, cậu hai vội giục:

- Đi nhanh lên thôi, phải đến bờ sông trước khi Mặt Trời đứng bóng.

Thái Hưng gật đầu lia lịa, hai chân nhanh thoăn thoắt vừa đuổi theo miệng vừa tíu tít liên hồi:

- Sao anh Hanh năm nào cũng muốn ra đây chơi thế, còn không nói với Thầy U một tiếng nào, mấy lần trước hai đứa bị phạt rồi mà anh không sợ à?

Thay vì trả lời câu hỏi, Thái Hanh lại tỏ ra gượng gạo vô cùng mà nhắc nhở:

- Cậu cả đừng gọi tôi như thế, cứ theo lẽ thường mà gọi là Hanh là được rồi.

- Không được đâu – Cậu cả xua tay cả kinh – Em đã nói khi không có ai thì không cần thiết phải như vậy, em thích gọi anh Hanh là anh hơn, dù sao thì anh cũng hơn em một tuổi mà.

Cậu hai Hanh nghe vậy cũng không phản bác nữa, tiếp tục chăm chăm đi về phía trước. Vì cậu cả chưa nhận được câu trả lời thoả đáng nên bản thân cảm thấy rất khó chịu và tò mò, cậu bám lấy cánh tay Hanh thật chặt mà nài nỉ:

- Anh Hanh vẫn chưa nói cho em biết nguyên do mà, sao anh thích ra bờ sông Ninh Hoà thế?

Suy nghĩ một hồi lâu, cuối cùng Thái Hanh cũng quyết định nói ra:

- Để gặp một người.

- Gặp người? Ai cơ? – Hưng thắc mắc.

- Tôi cũng không rõ... - Hanh thật thà – Tôi cứ liên tục nhìn thấy em ấy trong giấc mơ, không biết tên cũng không biết khuôn mặt ra làm sao, chỉ biết là em ấy lúc nào cũng đứng ở bờ Ninh Hoà mà trông về một hướng rất xa.

- Ồ

Thái Hưng cảm thán dù thực chất không hiểu rõ câu chuyện mà anh Hanh đang kể. Mơ thấy người lạ không phải là chuyện bình thường sao? Hơn nữa nếu Hưng cứ mơ đi mơ lại một giấc mơ như vậy thì cậu thấy sợ hơn là muốn gặp mặt người đó. Như thế có khác gì bỏ bùa hay bị ma quỷ ám đâu chứ.

Thắc mắc vẩn vơ một hồi thì hai người cũng đến bên bờ sông khi Mặt Trời vừa chạm đỉnh. Trải một tấm vải mỏng xuống nền đất pha lẫn cát, cả hai ngồi xuống lặng im, Hanh chăm chú nhìn về một hướng vô định.

Đối với Thái Hưng mà nói, đây là một việc làm hết sức vô vị mà mấy năm nay cậu phải làm. Dù muốn ở nhà ngủ đến tận giờ Mão nhưng tính hay quấn anh Hanh nên không đi không được.

Không biết có phải do Kim Thái Hanh là con cầu tự không mà xét về ngoại hình hay tính cách đều chững chạc hơn tuổi. Cái lúc bọn trẻ con trong ngõ còn mải chơi lò cò, ô ăn quan thì Thái Hanh đã biết cầm bút viết những nét chữ đầu tiên. Mọi năm cứ độ tháng giêng, tháng hai là cậu Hanh lại theo bà hai về chùa Hương Tích để cúng kiếng, vái lạy, chắc hẳn nó cũng là nguyên do khiến cậu có khí chất bất phàm dù tuổi đương còn nhỏ.

Giống như những ngày trước, Hanh cứ ngồi như thế trước bờ sông cho đến khi Mặt Trời lấp ló vài nét tàn mới thôi, trong thời gian chờ anh Hanh, Hưng cứ thư thả ăn hết đống trái cây, buồn chán quá thì ngủ.

Đang lim dim trong giấc mộng, cậu cả bị đánh thức bởi tiếng gọi của Thái Hanh:

- Về thôi, sắp muộn rồi!

Hưng chậm chạp ngồi dậy, cậu phải nheo nheo con mắt bởi thứ ánh sáng đỏ cam đang lấp lửng cuối chân trời. Ngơ ngẩn một hồi cậu hai đã dọn xong hết đồ từ khi nào. Thấy Hanh đứng dậy rảo bước, cậu cả vội vã níu lấy tay rồi lí nhí:

- Đợi em... em muốn đi tiểu.

Kim Thái Hanh không trả lời nhưng đó chính là biểu hiện của sự đồng ý. Cậu Hưng nhanh chóng chạy loanh quanh để tìm một bụi rậm gần đó để giải quyết. Sau khi chọn được một vị trí đắc địa, cậu tụt quần xuống, huýt sáo líu lo và tận hưởng khí trời.

Đang rất hăng hái làm việc, cậu cả bỗng nhận ra ở phía xa xa có một vật gì đó. Với bản tính tò mò, cậu kéo quần lên và tiến đến gần hơn thì liền phát hiện đó là một đứa trẻ khá nhỏ, trông còn nhỏ hơn cả cậu. Lạ ở chỗ nó nằm úp người xuống mặt đất chứ không phải là nằm ngửa như một người bình thường, chẳng có ai ngủ mà lại như vậy.

Một ý nghĩ kinh hoàng chạy xẹt qua trong đầu, chân Hưng cứng đờ và ngã xuống trong vô thức, cậu hốt hoảng gọi Thái Hanh không thành tiếng:

- Anh... ANH HANH ƠI.... CÓ NGƯỜI.. NGƯỜI CHẾT. CÓ NGƯỜI CHẾT Ở ĐÂY NÀY ANH ƠI.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro