§1. Mười chín

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi đó tôi có nghe một chương trình radio online mà không nhớ nổi tên, nói về tuổi mười chín chênh vênh. Hồi đó mười lăm, mười sáu tưởng lớn đầu mà thực ra ngô nghê lắm. Tôi mười sáu nghĩ "chênh vênh" là lạc lõng giữa dòng đời, nhưng không hiểu đời là gì. Tôi mười sáu nghĩ "chênh vênh" là không biết mình là ai, nhưng không hiểu căn tính là gì. Tôi mười sáu không hiểu "chênh vênh".

Tôi giờ mười chín, vẫn không hiểu "chênh vênh". Ngay lúc này đây, đối với tôi nó là cô đơn và nỗi hồ nghi vô bờ.

Năm thứ mười chín trong đời, tôi sực nhận ra những giới hạn của con người. Tôi đã đủ trưởng thành để thôi nhìn đời qua lăng kính hồng, nhưng chưa đủ để dám khẳng định vị đời. Chỉ như mới đây thôi, tương lai đối với tôi nghe như xa vời, rực rỡ và bóng bẩy; và khi nó chỉ cách tôi một đầu ngón tay, tôi lại ê chề nhận ra đôi tay tôi đang bị khóa chặt bởi những thứ hay được lí tưởng hóa và gắn mác "không quan trọng", như tiền bạc và vị thế.

Người ta dạy trẻ con rằng chỉ cần cố gắng, các em có thể hái cả sao trời! Tôi không phủ nhận. Nhưng em à, muốn lên tuốt trên đó, em phải có tiền để theo học ngành Khoa học Không gian đắt đỏ tại trường đại học danh tiếng mà chắc chắn là ở ngoại quốc, vì thế mà cũng phải có tiền đi du học, chu cấp cho cuộc sống đắt đỏ xứ người, phải có tiền đóng để học lại tín chỉ mà các em lỡ rớt, rồi tiền sắm đồ thật chỉn chu để đi phỏng vấn (nếu em đủ tiêu chuẩn để qua vòng "gửi xe" mà tới được vòng "phỏng vấn" đó chứ), phải có tiền thi lái xe vì giờ chỗ nào cũng yêu cầu nhân viên có bằng lái cả. Và đúng là nếu các em giỏi, người ta sẽ công nhận và trân quý. Nhưng nếu em chỉ "cũng được" thì người ta thà chọn những đứa "tàm tạm" mà có lợi thế về xã hội, ví dụ như cái mác dân-bản-xứ hay là một cái passport quyền lực nào đó, đơn giản vì như thế tiện hơn – công ty họ sẽ không phải lo giấy tờ các thứ cho em nhập cảnh hay xin thị thực.

Tôi luôn muốn nói với mấy đứa em họ ở nhà như thế mỗi lần tụi nó gọi điện qua hồ hởi hỏi tôi đi du học vui không. Nhưng lần nào ba má tụi nó – tức là chú dì của tôi – cũng có mặt ở đó. Tôi mà gieo rắc nỗi tuyệt vọng mà dân Tây gọi là "mid-life crisis" hay "khủng hoảng giữa đời" vào những cái đầu non nớt đầy triển vọng đó thì thế nào cũng bị họ mắng vốn với ba má tôi. Thế là lần nào tôi cũng cười cười bảo tụi nhóc:

"Ừ, vui lắm! Mấy đứa ráng học giỏi rồi qua với anh!"

Chú dì tôi lấy đó làm pê-đan, lăng xăng khuyến khích tụi nhỏ học hành các thứ cho giống anh An. Thì thôi thế cũng tốt, ít nhất có một điều mà họ nói đúng: nếu thật giỏi sẽ được người ta công nhận. Ý là thật giỏi đó. Không phải kiểu "qua môn" như anh An của tụi nó đâu. Có tiếng mà không có miếng – người ta thường xì xầm về tôi như thế ở quê nhà.

Ừ thì, tôi có "tiếng" theo học Đại học Sydney ngành Kỹ thuật Môi Trường, nhưng lại chẳng vớt được "miếng" nào sau khi lỡ thi rớt hai tín chỉ dù chỉ mới vô năm đầu.

Ba má tôi kể lể với tôi giọng vừa thất vọng mà vừa như muốn tiếp thêm động lực.

"Cố lên con, thi điểm cao đợt này cho người ta sáng mắt ra!"

"Ráng đi, An. Mốt con làm kỹ sư, kiếm chục ngàn đô mỗi tháng cho nó 'lé mắt' chơi!"

Đại loại như vậy. Chỉ tiếc là họ hình như quên mất tự ái của tôi chỉ to bằng mấy tô canh bún họ bán ở chợ. Có mất công nói khích cỡ nào tôi cũng trơ trơ ra đó thôi, đâu phình nở hơn cọng bún được bao nhiêu, chẳng bù cho con Tâm – em gái tôi. Con nhỏ mỗi lần nói chuyện với tôi qua điện thoại hoặc email là lại hùng hổ tuyên bố nó sẽ sớm qua "đoàn tụ" với tôi cũng ở Đại học Sydney luôn. Mới lớp chín, nó thậm chí đã chọn luôn ngành học (và cứ hai tuần lại đổi ngành một lần trong sự ủng hộ mù quáng của ba má tôi). Nhưng tôi thấy nó huênh hoang vậy cũng có căn cứ mà, vì nó học hành giỏi giang làm ba má nở mảy nở mặt, và hay "xù lông nhím" mỗi lần bị ai xỉa xói chuyện điểm số của nó – đúng 'gu' ba má tôi ưa thích. Hơn nữa, mấy ngành nó nhắm tới cũng hợp ý ba má – bác sĩ, y tá, kỹ sư, sư phạm, kế toán, kinh doanh. Tóm lại là lương càng cao càng tốt, nếu được định cư nước ngoài theo phong trào sính ngoại luôn thì càng hay. Miễn sao con Tâm đừng mơ tưởng tới cái nghề điên rồ như anh nó là được. Cái nghề viết lách nghèo mạt ấy mà!

Với tất cả sự bao dung và phục tùng của người làm con, tôi hiểu cho thành kiến của họ khi họ chưng hửng phán với tôi một câu xanh rờn: "Mày mà làm nhà văn thì chết rồi mới giàu và nổi tiếng được, con ạ!" Khi tôi chống chế, bảo hay tôi học báo chí cũng được thì họ liền cự rằng báo chí nguy hiểm và dễ vị vạ miệng, kèm theo vài mẩu tin tức về mấy ông nhà báo bị hành hung làm bằng chứng khiến tôi đành câm như hến và nghe theo ý họ học thành kỹ sư cho dễ sống.

Tôi nhẩm chắc ba má tôi nói không sai. Khi tôi thành kỹ sư – nếu tôi học ra nổi thành kỹ sư – thì đời tôi sẽ êm ấm. Nhưng đó là chuyện sau này khi tôi hai mươi mấy, năm mười chín tuổi của tôi lúc này đang lấp đầy bằng những ca làm miệt mài ở quán cà phê sách ẩn mình trong một góc phố nhỏ ở khu dân cư yên ắng vùng Redfern, cách trung tâm thành phố hai chặng xe lửa và quan trọng hơn hết là rất gần khu tôi học, tiện cho tôi ghé qua làm luôn. Tôi đến đất nước xinh đẹp phía nam bán cầu này với niềm ủ dột vì viễn cảnh tương lai phải nhồi nhét những môn học tôi ngán tận cổ, nhưng may thay, Sydney hối hả lại quyết định ưu ái dành cho tôi một góc bình yên hiếm hoi mang tên Latte với hương sách cũ gai gai dễ nghiện, âm thanh cọt kẹt của sàn gỗ theo từng bước chân người, câu khẩu hiệu ngồ ngộ "Better be Latte than never" và sự thân quen giữa những con người mà tôi biết nếu không gặp ở Latte, tôi hẳn đã bỏ lỡ họ trên phố đông xuôi ngược.

"Anh An!"

Tiếng gọi át đi cả tiếng chuông gió kêu lanh canh ở cửa khi tôi đến vào đầu giờ chiều thứ Ba yên ả khiến tôi giật nảy. Tầm nhìn bị che khuất bởi những kệ sách cao chót vót, tôi không thể nhìn thấy chủ nhân của chất giọng cao vút ấy đang ẩn mình trong khu bếp kiêm quầy bar. Nhưng điều đó cũng không quá cần thiết vì chỉ có một người trong số tất cả nhân viên ở quán dám gây chú ý dễ sợ như vậy thôi.

"Chào bé Casey!" Tôi cười cười, vẫy tay chào cô gái nhỏ đang đứng sau quầy thu ngân vắng khách.

Bé Casey nghiêng nghiêng đầu, mấy sợi tóc mai hung hung đỏ trượt ngang gò má trắng ngần lấm tấm nốt tàng nhang trước khi đáp xuống bờ vai em. Bộ mặt tỏ ra không hài lòng với cách xưng hô của tôi. Tôi gọi em là "Little Casey", hay "bé Casey", vì em nhỏ nhất quán, chỉ mới mười sáu và vẫn đang học Trung học. Em ghét cái tên đó, và cứ liên tục nhắc tôi nhớ rằng em đâu phải con nít, tuy đôi khi em phàn nàn nơi này quá già cỗi với em. Tôi muốn tin lời cô bé, nhưng mỗi lần nhìn bờ môi em cong lên phụng phịu thì tôi lại buồn cười và quyết định tiếp tục gán cho em cái biệt danh trẻ con tương xứng.

Tôi nhanh chóng cất chiếc ba lô vào tủ đồ của nhân viên và tròng vào người chiếc tạp dề đồng phục của quán trước khi tiến lại quầy.

"Cả quán chắc có cậu với con bé Casey là cười tươi rói kiểu này khi đi làm quá!" Anh barista Marco đáp lại lời chào và cái cười của tôi như thế, tay thoăn thoắt lau vành tách cà phê vừa pha, sẵn sàng cho Casey bưng đến bàn cho khách đang chờ, mặt mày ủ dột, u ám như lớp bọt cà phê.

"Có gì đâu, em thấy vui mà, lại có tiền phụ đóng tiền học với ba má em nữa." Tôi cười giả lả, chẳng biết nói thế nào, cũng nào dám cả gan bảo rằng có mình anh mới trưng cái bộ mặt đưa đám đó ở đây.

Ai lại chẳng biết rằng tôi yêu Latte bao nhiêu thì Marco ghét nó bấy nhiêu. Từ khi tôi vô làm tới nay anh vẫn luôn tỏ thái độ ít hào hứng với công việc như thế. Sự chán ghét không thèm giấu giếm, tới độ tôi đoán nếu cánh tay chi chít hình xăm của anh mà còn chỗ, anh sẽ xăm lên dòng "Latte khốn nạn" như anh vẫn hay rủa thầm khi có khách nào lỡ thay đổi đồ uống mình gọi. Tôi không biết, cũng không dám thắc mắc vì sao anh vẫn cắm rễ ở quán dù không ưa nó ra mặt, hay sao người ta vẫn giữ anh lại làm với thái độ kì lạ đó. Chắc tại anh là người pha chế giỏi nhất của quán, tôi đoán thế, vì chị Linh chủ quán vốn là người công bằng, đề cao khả năng làm việc. Mặc cho sự thật rằng chị chẳng phải là người chủ dễ tính nhất.

Cái quán cà phê cưu mang đủ loại người ấy. Latte khốn nạn của Marco. Latte yên bình của tôi. Latte già cỗi của cô bé Casey. Và Latte của chị Linh. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro