Chương 14: Đã Là Quá Khứ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Giữa phố chợ, Thu Đào cầm đòn gánh đuổi theo Lê Tuấn hòng đánh trúng chàng một cái cho hả giận, vài tên lính tuần tra ở lại canh giữ hiện trường cũng tròn mắt đứng xem không hiểu tại sao cô gái kia lại tấn công đồng bọn của mình. Với thân thủ của Lê Tuấn tất nhiên không phải dễ cho Thu Đào muốn đánh thì đánh, chàng liên tục tránh được khiến cô gái mặt đỏ gay, hai mắt ầng ậng nước vì ấm ức. Nàng tức tối kêu lên:

-       Không nện được ngươi một cái thì ta sẽ tức tới chết! Đứng lại!

Gương mặt sắp òa khóc của Thu Đào làm Lê Tuấn thấy mình thật là tồi tệ, cảm giác áy náy khiến chàng quyết định sẽ đứng yên để cho nàng trút giận, vì dù sao với sức lực của một cô gái thì có đánh thế nào cũng không thể chết được. Nghĩ vậy, Lê Tuấn bỗng nhắm chặt đôi mi rồi đứng yên chuẩn bị nhận đòn.

Bụp!

Đòn gánh bổ xuống ngay giữa lòng bàn tay ai đó vừa chen vào đứng giữa hai người.

Thu Đào ngước lên nhìn định mắng tên khốn nào đang cản trở nàng trút giận. Chưa kịp bộc lộc sự đanh đá ra thì hình ảnh Lê Hạo hiền hòa với đôi mắt lạnh lùng trong suốt đang ở ngay trước mặt làm Thu Đào bỗng nhiên im lặng, nàng hạ giọng lí nhí, hiền như một chú mèo con:

-       Sỹ... à! Bình Nguyên Vương!

Thoát kiếp nạn, Lê Tuấn mở lần lượt từng con mắt ra. Chàng cũng ngạc nhiên vì sự xuất hiện của Lê Hạo bèn nói như reo:

-       Em trai tốt, em mà chậm một bước là anh không sứt đầu cũng mẻ trán.

Lê Hạo không hiểu vì sao Thu Đào lại muốn đánh người, liền nhíu mày nhìn nàng hỏi:

-       Có chuyện gì vậy?... Nhưng dù có chuyện gì đi nữa nàng cũng không nên ra tay với Lê thị vệ!

Câu hỏi của Lê Hạo làm Thu Đào ngượng chín mặt, chẳng lẽ lại đi kể cho chàng nghe mình vừa bị tên thị vệ này "sờ nhầm chỗ". Ôi! Lê Hạo trong mắt Thu Đào chính là hiện thân của Sỹ Thành, vừa là người yêu cũ vừa là nam thần, là crush trong lòng nàng. Để cho Lê Hạo biết mình bị đàn ông sờ soạng thì xấu hổ đến chết mất thôi, nàng làm sao có thể giải thích được đây?

Vẻ mặt lại trở nên tức tối, Thu Đào giật lại đòn gánh, lăm le tiến đến gần Lê Tuấn mà ấm ức nói:

-       Tên thị vệ này, ngươi dám hiếp đáp ta!

Lê Tuấn vẫn muốn để cho nàng trút giận nên tuyệt nhiên không bỏ chạy.

Thấy long thể sắp bị tổn thương, Lê Hạo lập tức lao ra định can ngăn thì "bụp" một tiếng đã thấy Lý Lăng ở đâu xuất hiện đứng chắn ngang trước mặt vua, tay ôm bả vai vừa bị Thu Đào đánh một gậy mà la lên oai oái:

-       Đại tiểu thư! Nhìn cô nhỏ nhắn nhưng mà sức mạnh cũng có thừa đấy! Ây da!!!

Kêu ca xong, Lý Lăng nhìn Lê Tuấn vừa mừng vừa sợ mà than:

-       Lê thị vệ, cũng may tôi đến kịp! Anh không sao là tôi tạ ơn trời Phật rồi! Đại tiểu thư ơi, tôi còn chưa cưới vợ không muốn chết sớm thế này đâu!

Tức giận vì Lê Tuấn liên tiếp được hết người này đến người kia bảo vệ. Thu Đào vứt đòn gánh xuống đất rồi hậm hực nói lớn:

-       Ngươi chắc là con ông cháu cha nên ai cũng ra sức bảo vệ chứ gì? Được lắm! Hôm nay ta tạm tha cho ngươi! Hãy coi chừng ta đấy! Hu hu hu

Thu Đào nói xong thì ấm ức trong lòng ở đâu trào ra làm nàng oà khóc. Bỏ mặc ba tên đàn ông đáng ghét, nàng một mình bỏ chạy theo con đường dẫn về phủ đệ.

Lê Tuấn biết mình có lỗi, nhưng ngặt vì nàng đang tức giận nên không tiện đuổi theo, bèn gấp gáp nói với Lê Hạo:

-       Mau theo bảo vệ cho nàng, bọn loạn đảng vẫn lảng vảng trong thành. Nàng đang giận Trẫm, Trẫm sẽ giải thích sau! Em đi mau đi!

Dường như chỉ chờ có thế, Lê Hạo khẽ gật đầu định lập tức chạy theo Thu Đào. Nhưng, vừa dời chân vài bước, Lê Hạo bỗng khựng lại nhìn quanh quất một lượt, lúc ánh mắt va phải chiếc ô nằm lăn lóc dưới đất thì dừng lại ngay. Không chần chừ thêm, Lê Hạo trờ tới nhặt ô lên rồi vội vã đuổi theo Thu Đào, không màn tới nụ cười nhạt nhòa có chút gượng gạo của anh trai ở sau lưng mình.

Lê Tuấn đứng thừ người dõi theo em trai một lúc rồi chép miệng vẻ bất đắc dĩ, chàng hững hờ nói với Lý Lăng:

-       Về cung!

Mặt trời ngã dần về phía Tây, một vua một tôi sánh bước nhau dần tiến đến cửa Đoan Môn.

Sau khi nghe Lý Lăng kể lại đầu đuôi, Lê Tuấn lờ mờ suy đoán hẳn là có một mối liên hệ nào đấy giữa nhóm loạn đảng và... người anh ruột của chàng - Lạng Sơn Vương Lê Nghi Dân.

Vì sao Nghi Dân không ra cửa Bắc để về trấn Lạng Sơn mà lại xuất hiện ở đó? Tên áo đen đột nhiên xuất hiện dụ Lý Lăng rời khỏi vua rồi tiếp theo là có kẻ lén bắn cung muốn lấy mạng chàng? Sao mọi việc lại tình cờ trùng khớp thời gian đến như thế?

Nhưng... Chẳng lẽ Lạng Sơn Vương lại ngu ngốc đến nổi lộ liễu ra tay giết vua? Dù có hành thích thành công đi nữa thì lòng người không thuận, lấy tư cách gì lên ngôi, trái lại sẽ thành dọn đường cho Lê Khắc Xương (*) hoặc Lê Hạo thì sao?

Mãi đắm chìm vào muôn vạn câu hỏi, Lê Tuấn chợt nhận ra mình đã về đến cửa cung. Cánh cửa mở ra, chàng ung dung bước vào, mặt không biến sắc mà nói với Lý Lăng bằng giọng hạ thấp như sợ bị ai nghe thấy:

-       Trong vòng mười ngày ngươi không cần vào cung trực ban. Điều tra trong một năm nay Lạng Sơn Vương ra vào hoàng thành vào những lúc nào, đi những đâu?

Thật ra Lý Lăng đã không nhìn thấy cổ xe của Lê Nghi Dân trên phố,  nên không rõ vì sao vua lại muốn điều tra người này. Tuy vậy, với hắn thì việc làm theo ý vua mới là quan trọng nhất, nên nghe lệnh xong đã không chần chừ mà đáp:

-       Dạ!

****

Phủ đệ của điện tiền Chỉ Huy Sứ đương triều nằm biệt lập ở khu đất rộng rãi, đoạn đường ngắn dẫn đến trước cổng được bố trí cột gỗ hai bên vệ đường để treo đèn lồng, dưới mặt đất là những bụi cỏ tím (*) được tỉa tót cẩn thận rất bắt mắt. Cỏ xanh làm nền, những bông hoa nhỏ màu tím li ti làm điểm xuyến khiến bất kỳ ai đi qua cũng phải ngắm nhìn.

Trong lúc cơn giận chưa tan, Thu Đào bước đi vùng vằng, hai bàn tay không ngừng cấu véo vào nhau đầy ấm ức mỗi khi nhớ đến tên thị vệ xấu xa dám động chạm lên người mình. Bóng dáng bé nhỏ nhảy nhót giữa con đường hoa mộng lọt thỏm trong đáy mắt Lê Hạo. Chàng bất giác nhớ về ngày còn bên nhau, những lúc giận hờn Thu Đào cũng cái điệu bộ đó mà bỏ về một mình, mặc cho chàng đuổi theo vừa cầm ô che nắng vừa không ngớt lời nài nỉ cô gái của mình. Trên môi thoáng một nụ cười day dứt, Lê Hạo chưa kịp lấy lại nét mặt lãnh đạm thường ngày thì Thu Đào bỗng quay phắt lại nói mà không kịp nhìn rõ kẻ theo sau mình là ai:

-       Lê Tuấn, ngươi không được kể chuyện này cho...

Bốn mắt chạm nhau, mặt Thu Đào đỏ lựng, chữ "Bình Nguyên Vương" chưa kịp thốt ra khỏi miệng đã bị nàng nuốt vào trong đánh "ực" một tiếng.

Thu lại nụ cười, Lê Hạo khẽ ngã cái ô về phía cô gái trước mặt thêm một chút rồi nghiêng đầu hỏi:

-       Nàng không muốn cho ta biết chuyện gì?

Như có thứ gì đó chặn ngang cổ họng, Thu Đào ho vài tiếng để tranh thủ thời gian suy nghĩ một chút, bỗng chốc lý lẽ ở đâu nhảy ra trong não, nàng tự tin nói:

-       À thì... thì nói là ta có mua quà cho Thu Hằng, sợ chàng tiếc lộ với em ấy nên muốn giấu luôn cả chàng!

Nhìn ra nét gian dối trên gương mặt Thu Đào, Lê Hạo cố ý vặn vẹo:

-       Quà gì?

Thu Đào cười ha ha sống sượng:

-       Thì... quà Tết... à không...

Không để nàng nói hết câu, Lê Hạo đã nhíu mày nhìn nàng vẻ châm chọc, ánh mắt chợt trở nên dịu dàng lạ lùng mà chính chàng cũng không nhận ra được:

-       Mỗi lần nói dối là gãi đầu, nàng nghĩ có thể qua mặt bổn vương? Giờ này lại đi mua quà Tết?

Thu Đào liếc nhìn bàn tay phản chủ đang gãi gãi trên đầu rồi vội vàng rụt lại ngay. Bị bắt quả tang tại trận, nàng hết đường chối cãi bèn cúi đầu lặng thinh, đoạn bất chợt giằng lấy chiếc ô trên tay Lê Hạo rồi ngượng ngùng nói:

-       Ta tự vào nhà được rồi, đừng để Thu Hằng trông thấy chàng đi cùng với ta.

Trong khoảnh khắc Thu Đào quay lưng bỏ vào nhà, Lê Hạo nhất thời không kiềm nén nổi mà nói với theo:

-       Thu Đào...

Theo tiếng gọi, Thu Đào bỗng khựng lại ngay như bị ai điểm huyệt. Bao nhiêu cảm xúc ngày chia tay với Sỹ Thành dưới tán cây hoàng yến lại ùa về bóp nghẹt trái tim, dẫu biết người đang đứng sau lưng là Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành, nhưng chẳng hiểu vì sao cảm giác dành cho chàng lại không khác gì so với thứ cảm giác dành cho mối tình đầu đầy hoài niệm. Thu Đào nín thở chờ nghe chàng nói, không gian bỗng chốc yên tĩnh tưởng chừng có thể nghe được tiếng "thình thịch" trong lồng ngực cô gái bé nhỏ.

Định nói gì với nàng, nhưng cổ họng Lê Hạo bỗng dưng nghẹn đắng, phải mất một lúc sau chàng mới bật được thành lời:

-       Nàng... có nhớ ta là ai không?

Câu hỏi rất bình thường nhưng không hiểu sao nó cứ như một mũi dao xuyên qua tim làm Thu Đào đau quặn thắt. Nàng ôm lấy ngực trái tự trấn tĩnh bản thân:

-       Chàng ấy không phải Sỹ Thành, tỉnh lại đi, tỉnh lại đi Trà My ơi! Mày phải tỉnh táo lại!

Ký ức lại như một thước phim sống động trình chiếu trong tâm thức. Khung cảnh bờ hồ cẩm lý ở chùa Huy Văn ngày chàng nói lời đoạn tuyệt với cô tiểu thư Thu Đào lại hiện về, những lời cảnh báo của Thu Hằng và Nguyễn phu nhân lại vang vọng bên tai làm Thu Đào phút chốc tỉnh ngộ. Ừ thì, dù là Trà My và Sỹ Thành, hay Thu Đào và Lê Tư Thành, thì hai người đều có kết cục như thế cả!

Nụ cười chua chát thoáng hiện trên môi, nàng quay lại nhìn Lê Hạo bằng đôi mắt lãnh đạm nhưng chất chứa niềm oán giận khôn nguôi. Rốt cuộc, không hiểu là Trà My hay Thu Đào đã lên tiếng:

-       Chuyện của chúng ta... đã là quá khứ rồi!

Nói xong, Thu Đào liền bỏ chạy một mạch vào cổng.

Lê Hạo đứng phía sau lưng thẩn thờ nhìn theo không rõ là đang chờ đợi điều gì. Chàng cắn chặt hai hàm, đôi vai run lên rồi cười khẩy với chính mình:

-       Phải! Đã là quá khứ rồi!

-       Lê Tư Thành, đây là kết cục ngươi mong muốn mà? Ngươi đang đau đớn vì cái gì?

Mùa hè nắng chói sắp qua, đất trời mang hương Thu đã chơm chớm trong không khí. Cớ sao lòng người vẫn chưa buông bỏ hoài niệm mà đón nhận tương lai mình đã chọn?

Lê Hạo nặng nhọc lê từng bước chân cô độc trên con đường trước kia đã từng có dấu chân hai người. Chàng ngước nhìn mây trời lồng lộng và bất giác thấy mình thật lạc lõng, chàng bắc đầu nghi ngờ con đường mình lựa chọn liệu có đúng hay không?

*****

Bước qua khỏi cổng chính chưa đầy mười bước chân, Thu Đào đã thấy cô em gái đang đứng tựa lưng bên một cây cột cuối hành lang như thể đang chờ mình.

Thu Hằng trong bộ quần áo màu hồng nhạt thanh lịch, tóc búi gọn gàng để lộ vầng tráng sáng sủa. Vẻ mặt không bày tỏ cảm xúc, nàng ta chậm rãi bước đến trước mặt Thu Đào hạ giọng nói:

-       Mẹ vẫn còn để phần chị bát yến đấy, mau về ăn đi!

Cứ như người làm việc gian bị bắt tại trận, Thu Đào chớp chớp mắt, ấp úng:

-       Ờ... ờ...

Ngập ngừng một lúc rồi xếp chiếc ô lại, Thu Đào không dám nhìn thẳng mặt em gái, chỉ lặng lẽ cúi đầu dợm bước định về phòng.

Thu Hằng nhìn chiếc ô có vẽ hoa đào rồi mỉm cười nhạt nhẽo, khen sáo rỗng:

-       Ô vẽ hoa đào đẹp đấy! Là chàng tặng cho chị à?

-       Là Lê Tuấn mua đấy, không phải chàng... - Thu Đào nhanh miệng định giải thích.

Ngay sau đó, dường như phát giác mình đã để lộ sơ hở, Thu Đào liền im bặt dù chưa nói hết câu.

Thu Hằng khẽ nhếch môi, nghiêng đầu hỏi:

-       Vậy chị nghĩ em vừa nhắc đến ai? Chẳng phải sáng nay Lê thị vệ cùng chị đi chợ à?

Im lặng vài giây, Thu Đào bỗng thở hắt ra một cái rồi hạ quyết tâm nói với em gái:

-       Thật ra trên đường về bọn chị có tình cờ gặp Bình Nguyên Vương, Lê Tuấn và Lý Lăng giữa chừng bận công vụ nên chàng ấy đã đưa chị về!

-       Tình cờ quá nhỉ!  - Thu Hằng làm ra vẻ không quan tâm.

Khổ sở trước thái độ nghi ngờ của em gái, Thu Đào lại thành thật phân bua:

-       Thì đúng là tình cờ thật mà...

Thu Hằng bỗng nghiêm nét mặt:

-       Thì em có nói chị cố ý đi tìm chàng đâu?

Thu Đào phút chốc á khẩu, nàng khổ sở không biết giải thích sao vì tình ngay mà lý gian. À, mà thật sự tình cũng chẳng "ngay" tí nào, Thu Đào thấy xấu hổ với cô em gái ngang hông này, chỉ biết hạ giọng cố vớt vát:

-       Dù sao thì cũng không phải là chị cố ý đi gặp chàng! Mong em hiểu cho.

Nói xong liền bỏ đi một mạch về phòng.

Bóng dáng Thu Đào đã khuất sau cánh cổng nhỏ dẫn ra hậu viện tự bao giờ,  nhưng Thu Hằng vẫn còn đứng ở cổng chính chưa chịu rời đi, cứ đăm đăm nhìn ra khoảng sân nơi nàng ta bắt gặp Lê Hạo cùng chị gái mình gặp nhau lúc nãy.

Thu Hằng cắn chặt hàm răng, đôi mắt ráo hoảnh không để lộ tâm tư. Trong lần tay áo, bàn tay nàng nắm chặt đến nổi cả gân xanh.

Không biết qua bao nhiêu thời gian, Thu Hằng đứng đấy chán chê rồi bỗng dưng chậm rãi dời bước. Đúng lúc ấy, tỳ nữ Xuân Hoa từ phía xa chạy đến hồ hỡi nói:

-       Nhị tiểu thư, bà có dặn em mang đến cho cô bát yến, mời cô về dùng!

Nghe xong, tròng mắt Thu Hằng bỗng nổi lên những đường chỉ máu đỏ thẫm, thái dương giật giật mấy cái. Sau một hơi thở vừa sâu vừa dài nàng mới áp chế được mớ cảm xúc nghẹn ở lồng ngực, lạnh lùng nói:

-       Thưởng cho em!

Xuân Hoa tròn mắt, cô bé không hiểu nổi vì sao bỗng nhiên lại được lộc thực như thế. Bát yến thượng hạng này bấy lâu cô vẫn thường hay chưng cho chủ nhân chứ nào được ăn bao giờ, vừa mừng vừa lo, Xuân Hoa lắp bắp:

-       Cho... cho em?

Thu Hằng không nói gì thêm, nàng khẽ gật đầu rồi bỏ đi một mạch để lại cô tỳ nữ ngơ ngác đang ở sau lưng vò đầu bứt tay không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Thu Hằng bước đi có vẻ khoan thai chậm rãi, nhưng lòng dạ lại nặng trĩu tâm tư và uất ức, nàng nheo nheo đôi mi cười khẩy mà tự nói với lòng:

-       Chẳng qua là bát yến chưng cho chị, còn thừa một tí mới đến lượt em! Lê Hạo đã vậy, cha mẹ cũng vậy! Tại sao? Tại sao từ trước đến giờ ai nấy đều yêu thương chị hơn em?

*****

Lạng Sơn Vương phủ là biệt viện của Lê Nghi Dân từ lúc hắn bị phế truất ngôi thái tử về đất Lạng Sơn nhận vương vị. Mười lăm năm ở đất phong là mười lăm năm hai mẹ con Lê Nghi Dân ôm mối hận bị đoạt vị, trong lòng chưa phút giây nào từ bỏ ý muốn đoạt lại ngôi trời.

Mặc dù Thái Hậu Nguyễn Thị Anh và vua Diên Ninh luôn dành cho Nghi Dân những hậu đãi của một vị vương gia, nhưng với Dương Thị Bí thì chưa một lần đề cập chuyện phục vị để vào cung làm Thái Phi. Vì lẽ đó mà nỗi căm hờn của bà ta dành cho Thái Hậu chưa phút nào nguôi ngoai. Cho đến đầu năm nay, triều đình đã hạ chỉ cho gọi Tiệp Dư Ngô Thị Ngọc Dao và Bình Nguyên Vương Lê Tư Thành hồi cung, ban Thừa Hoa Điện để ở, thì ân oán giữa mẹ con Dương Thị Bí và Thái Hậu đã lên đến cực điểm.

Thêm vào đó, việc vua Diên Ninh ban hổ phù với ba trăm quân như một gáo nước lạnh tạt vào mặt khiến Lê Nghi Dân cảm giác bị sỉ nhục. Bị cơn giận che mờ lý trí, lại vừa lúc hang ổ tại kinh thành của hắn bị triều đình phát giác, Lê Nghi Dân nhất thời không nuốt trôi cơn giận đã cả gan cho thích khách dùng cung tên hành thích Lê Tuấn giữa ban ngày ban mặt.

Nghi Dân dự tính nếu thích khách bị bắt giữ thì sẽ dùng cả gia đình của hắn uy hiếp, nhất định thích khách sẽ không dám khai ra chủ mưu.

Không may cho Nghi Dân, mưu đồ bất thành mà còn vô tình để lộ dấu vết cho Lê Tuấn nghi ngờ hắn.

-       Bốp!

Bàn tay của Dương Thị Bí đập lên bàn nghe chát chúa, bà quắc mắt nhìn con trai mắng:

-       Hồ đồ!

Lê Nghi Dân mặt đỏ bừng bừng, cúi đầm im lặng.

Dương Thị Bí đứng dậy, túm lấy cổ áo con trai nói tiếp:

-       Sao con lại manh động như vậy, nếu bị phát giác thì mẹ con ta chết là cái chắc!

-       Nhưng nếu hành thích thành công thì Đại Việt sẽ thay vua? – Lê Nghi Dân tức giận phản biện.

Người phụ nữ có đôi mắt sắc sảo, khuôn miệng căng đầy qúy phái bỗng cười ha hả chua chát rồi nghiêm giọng hỏi con trai:

-       Ai sẽ nối ngôi? Bình Nguyên Vương văn võ song toàn, tiếng hiền đức đồn xa? Hay là Bình Tân Vương Lê Khắc Xương vốn là con trai lớn của tiên đế nếu không tính kẻ bị phế vị là con đây?

Lê Nghi Dân siết chặt nắm tay đấm vào không khí bày tỏ tức giận và bất lực. Hai mắt hắn đỏ ngầu ngồi im cố nuốt cơn giận.

Bà Dương Thị Bí lại chậm rãi nói tiếp:

-       Trước khi tìm được bằng chứng Lê Bang Cơ không phải là con ruột của tiên đế, và con năm xưa là bị hãm hại, thì nhất thiết không được làm càng!

Nói đến đây, Lê Nghi Dân bỗng ngưng đọng ánh nhìn trên mặt mẹ, hắn tỏ vẻ bất lực than:

-       Nhưng làm sao chúng ta biết chắc hắn không phải là con của phụ hoàng?

-       Vào cung sáu tháng đã hạ sinh, làm sao là con của tiên đế được? – Dương Thị bí bực bội nói.

Lê Nghi Dân lại tiếp:

-       Chắc là có nội tình gì chăng? Chẳng lẽ phụ hoàng lại hồ đồ đến mức không biết hắn có phải là con của mình hay không?

Dương Thị Bí nghe xong liền cười ha hả, bà ta gằng giọng:

-       Thiên hạ đâu có cần nghe nội tình? Thiên hạ chỉ nhìn vào cái thai sáu tháng đã ra hoa thôi! Chỉ là chưa tìm ra chứng cứ xác thực nên ai nấy đều như con, đều tin tưởng vào phụ hoàng của con mà chấp nhận ả! Nếu như chúng ta chứng mình được năm xưa tiên đế đã bị ả lừa dối, thì mọi chuyện sẽ khác!

Nghi Dân ngồi phịch xuống ghế, bực bội nói:

-       Chứng cứ dễ tìm như vậy thì mẹ con ta đã không phải nhún nhường mười lăm năm nay!

-       Là vì bấy lâu nay mẹ con ta không có đại thần nào hậu thuẫn! – Dương Thị Bí uất ức nói.

-       Bây giờ thì có ai hậu thuẫn cho chúng ta à? – Lê Nghi Dân giọng chán nản nhìn mẹ hỏi.

Trời đã sụp tối, các gia nô bước vào thắp đèn làm câu chuyện của hai mẹ con gián đoạn. Dương Thị Bí nhìn vào những ngọn lửa bé tí nhảy ngót trên tiêm đèn mà dần rơi vào hồi ức.

Bà nhớ mãi cái đêm mưa gió ấy, lúc đó thái tử Lê Nghi Dân hãy còn nằm nôi, thì tin tức cô gái Nguyễn Thị Anh hoài thai với vua được tiến cung tấn phong Chiêu Nghi làm trời đất như sụp đổ dưới chân bà. Linh tính mách bảo đây sẽ là mối họa lớn cho hai mẹ con khiến bà không thể nào ngon giấc. Cái đêm chăn đơn gối chiếc ấy, bà đã lặng lẽ nhìn những đốm lửa bé xíu lập lòe mà cảm thán cho số phận của mình, nếu không lo mưu tính cho tương lai thì thể nào cũng sẽ như những đốm lửa kia, thời gian tỏa sáng chẳng bao lâu, khi đèn cạn dầu khô cũng sẽ biến mất như chưa từng xuất hiện!

Tiếng bước chân của những gia nô đang rủ nhau ra khỏi phòng kéo Dương Thị Bí trở vệ thực tại. Nghĩ đến Thái Hậu thì câu chuyện thảm án tru di của gia tộc Nguyễn Trãi cũng theo đó ùa về. Chợt đôi mắt người phụ nữ từng là sủng phi một thời ánh lên tia nhìn sắc lẻm, bà chậm rãi nhấp một ngụm trà, bí hiểm nói:

-       Chúng ta không có đồng minh, nhưng kẻ thù của kẻ thù thì chắc chắn là có!

Lê Nghi Dân khó hiểu nhìn mẹ, hắn nhíu mày lặp lại:

-       Kẻ thù của kẻ thù?

---- Hết chương 14 ----

Chú thích:

1.   (*) Lê Khắc Xương: Lê Khắc Xương là hoàng tử thứ hai của Lê Thái Tông, mẹ là Bùi Quý nhân (con gái của ), cũng là anh của  và . Ngày 16 tháng 11 năm Đại Bảo thứ 2 (tháng 12 năm 1441), Thái Tông lập hoàng tử thứ ba là  làm Hoàng thái tử, người vốn được lập Hoàng thái tử trước đó là  được phong làm Lạng Sơn vương và Khắc Xương được phong làm Tân Bình vương (新平王).  Sau khi  chiếm ngôi, Khắc Xương được cải hiệu làm Cung vương (恭王).

2.   (*)Cỏ tím: Cây thảo nhỏ, cao 10-15 m. Lá mọc từ gốc thành hình hoa thị, hình tam giác, gốc lõm hình tim, đầu hơi nhọn, hai mặt nhẵn hoặc hơi có lông, mép khía răng, cuống lá mảnh và dài, lá kèm nhọn màu nâu. Hoa mọc ở kẽ lá, có cuống dài ngắn hơn lá, lá bắc nguyên hình dải, hoa màu trắng tím hoặc tía nhạt, đài có răng hình dải nhọn, tràng có cánh hình trái xoan ngược, có cựa tròn ở đầu, nhị trên 3 nhị dưới 2 bầu nhẵn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro