01: The Wall, và những gì đang diễn ra bên trong nó.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

" Thật buồn vì tôi sinh ra và lớn lên đúng vào thời khắc mà sự phân biệt, mâu thuẫn giai cấp diễn ra một cách trầm trọng nhất. The Wall – Thành trì cuối cùng của nhân loại – Niềm kiêu hãnh và biểu tượng cho sự đoàn kết của loài người, bỗng nhiên trở thành ranh giới giữa "giàu" và "nghèo". Nghe khá kỳ lạ, phải không? Ồ, nhưng đó lại là sự thật, xảy ra ngay trong những năm tháng của sự khải huyền. Một bức tường khác được xây lên, không phải để bảo vệ chúng tôi khỏi những con quái vật ngoài kia, mà mỉa mai thay, dùng để ngăn cách giữa chính con người với con người.

"Chính Quyền" – những kẻ lãnh đạo của The Wall, đã đưa ra một thông báo ngay sau khi bức tường thành mới này được xây xong, đại khái rằng từ lúc này, The Wall sẽ được chia làm hai miền, đó là Bắc The Wall ( Dives )Nam The Wall ( Pauper ) để dễ dàng hơn trong việc quản lý. Những con người mà chúng cho rằng có-đủ-phẩm-chất-và-năng-lực sẽ được vinh dự góp mặt của mình tại Dives với một cuộc sống đầy đủ và an toàn. Phần còn lại sẽ "được" trở thành cư dân của "thành phố xa hoa lộng lẫy tráng lệ" Khu ổ chuột Pauper, có nghĩa vụ và bổn phận phải đóng góp cơ sở vật chất, lương thực, thực phẩm, nguồn nhân lực,... và nhiều thứ khác nữa nếu mà chúng có thể nghĩ ra.

Một làn sóng phản đối dữ dội của nhiều người dân đã tạo nên một cuộc biểu tình quy mô lớn, nhưng ngay sau đó đã bị Chính Quyền đàn áp và bắt buộc giải tán. Những người cầm đầu cuộc "bạo loạn" cùng gia đình của họ đã phải chịu mức phạt cao nhất, đó là bị trục xuất khỏi The Wall, với gông trên cổ và dây xích dưới chân. Sự trừng phạt này đã khiến những người khác lung lay ý chí và nhanh chóng chấp nhận và thi hành mệnh lệnh của Chính Quyền...

Bạn biết đấy, những ký ức buồn là những ký ức khó có thể quên nhất. Tôi vẫn nhớ như in cái ngày ấy, đó là vào một buổi sáng mùa hạ, mặt trời phát ra những ánh nắng chói chang, chiếu xuống vùng đất cằn cỗi đang bị sa mạc hoá, mặc kệ bên dưới là những con người -  những bóng ma vật vờ, đang cặm cụi làm việc để sinh tồn và không bị chậm tiến độ cho ngày "cống nạp" sắp tới. Tôi – một thằng nhóc 12 tuổi mồ hôi nhễ nhại, đang hồn nhiên chơi đùa cũng những đứa trẻ đồng trang lứa quanh một cỗ xe tăng hỏng đã bị lấy đi hầu hết phụ tùng. Mẹ tôi, lom khom cúi người nhặt những cành cây hay những vật liệu bằng gỗ có thể cháy được, khẽ mỉm cười khi bắt gặp ánh mắt của tôi. Tuy cái nóng ban ngày như có thể nung chảy những khối kim loại, thì ban đêm, cái cảm giác lạnh đến thấu xương tuỷ, từng cơn gió như chứa đựng hàng trăm, ngàn mũi dao đang cắt đứt da thịt, khiến một người đàn ông khoẻ mạnh, dũng cảm nhất cũng trở nên suy nhược tinh thần một cách trầm trọng. Gia đình tôi may mắn vì có một ngôi nhà tồi tàn khá vững chãi cùng với một cái bếp sưởi hôi hám, nhưng lại tuyệt vời trong việc giữ ấm cho mọi người vào buổi đêm. Đã có rất nhiều trường hợp chết vì cái lạnh diễn ra tại Pauper, nơi mà hầu như không hề có một sự trợ giúp nào từ Chính Quyền, ngoài việc được bao bọc bởi bức tường thành The Wall đang có dấu hiệu rạn nứt theo nhiều nghĩa. Tôi được biết rằng, cách nhà mình không xa, cái lạnh đã giết chết cả một gia đình sáu người, trong đó có hai đứa trẻ, đều là những đứa mà tôi quen biết.

Trở lại ngày hôm ấy, khi đang treo mình vắt vẻo trên nòng pháo xe tăng, bỏ ngoài tai những tiếng hò hét cùng khuôn mặt hốt hoảng đến tái xanh của mẹ, thì bỗng một nhịp kèn vang lên, khiến cho đến khi đang viết những dòng này, tôi vẫn có thể cảm nhận được sự đáng sợ đến rùng mình của thứ âm thanh ấy. Mọi người lập tức dừng lại công việc đang làm, đứng nghiêm trang tại chỗ, những đứa trẻ con nháo nhác, hoảng hốt đi tìm cha mẹ. Tôi cũng vậy, loay hoay tìm đường để xuống, và kết thúc bằng việc chạm đất trong tư thế nằm sấp. Nhịp kèn thứ hai vang lên, nhăn nhó đứng dậy, phủi những vết bụi bám trên bộ đồ và nhanh chóng chạy ra sau lưng mẹ mình, tôi nắm chặt tay để quên đi sự đau đớn mà mình vừa tự gây ra. Nhịp kèn thứ ba vang lên, tôi có thể cảm nhận được sự yên lặng hoàn toàn đang bao phủ khắp cả The Wall. Không lâu sau đó, một giọng nói quen thuộc cất lên qua những cái loa được bố trí tại nhiều địa điểm vang vọng: "Xin chào cư dân của Pauper! Chúc các bạn một ngày mới vui vẻ. Việc giao nộp hàng hoá diễn ra vào buổi chiều ngày mai sẽ được chuyển sang buổi sáng của ngày kế tiếp vì một số lý do đặc biệt. Mong mọi người chú ý và thực hiện đúng thời hạn." Tiếng thở phào nhẹ nhõm xen kẽ với những tiếng bàn tán xôn xao. Dù chỉ lùi đi một ngày nhưng ai cũng cảm thấy cái gánh nặng đang đeo bám theo họ như được giải toả bớt phần nào, đặc biệt là với những gia đình đã hoàn thành đúng chỉ tiêu, họ sẽ có dư ra một ngày để nghỉ ngơi và làm những công việc cần thiết khác. Việc "cống nộp" này diễn ra hàng tháng. Đến ngày cuối cùng, những chiếc xe chở hàng to lớn cùng với những binh lính của Chính Quyền sẽ tới và thu gom mọi thứ, sau đó vòng lặp lại được tiếp tục.

"Còn một vấn đề nữa.". Người đàn ông trong loa tiếp tục nói. "Chính Quyền yêu cầu mỗi gia đình có nam giới trong độ tuổi từ 13 đến 40 phải có trách nhiệm và nghĩa vụ tham gia vào chiến dịch Regain. Chúng tôi sẽ tới và chọn những người đủ tiêu chuẩn để nhận công việc. Rất mong người dân tự nguyện hợp tác."

Mẹ tôi nghiến chặt răng, nắm chặt vai tôi và nhìn bằng đôi mắt rưng rưng đầy nghẹn ngào. "Còn một năm nữa". Mẹ nói, giọng ngắt quãng. "Lũ khốn nạn đã cướp anh ấy khỏi chúng ta! Rồi chúng lại muốn cướp nốt con khỏi mẹ sao?" Cha tôi, cách đây bốn năm cũng đã bị cưỡng chế tham gia chiến dịch này. Và dĩ nhiên, đó là lần cuối cùng mà tôi còn có thể nhìn thấy ông ấy. Regain là chiến dịch được tạo ra với mục đích đúng như tên gọi của nó. Chính Quyền sẽ điều quân đội cùng với những người dân tham gia nhiệm vụ này tới chiếm đóng những khu vực bị bỏ hoang có khả năng để xây dựng những cơ sở mới. Đây là một nhiệm vụ điên rồ. Không giống với lính tráng, những người dân bị bắt ép gia nhập hầu hết không có một chút ít kiến thức nào trong việc chiến đấu hay xử lý khi gặp vấn đề nguy hiểm. Dù chỉ là một con Lunator ( cách chúng tôi gọi người bị nhiễm căn bệnh Immortui ) cũng khiến những người dân yếu đuối này trở nên hoảng loạn, sợ hãi và không còn chút tỉnh táo nào để có thể suy nghĩ một cách thấu đáo được nữa. Điều này lại khiến tôi nhớ đến Mã, anh chàng Châu Á tốt bụng xấu số đã bị xơi tái một nửa khuôn mặt bởi một con Lunator không chân đang bò lê lết trên mặt đất, xâm nhập được vào Pauper thông qua một khe hở trên bức tường thành kiên cố. Anh kêu la thảm thiết trước khi chính thức bị biến thành một trong số chúng, trong lúc mọi người đứng xung quanh nhưng không một ai có đủ gan dạ để giúp anh ta, phần vì sợ, phần vì không muốn mình bị liên luỵ. Đó chỉ là một con, nếu là một đàn khoảng chừng năm đến mười con thì sao? Và còn ở bên ngoài The Wall nữa chứ, chắc chắn sẽ còn nhiều hơn như vậy.

Khá may mắn cho tôi khi đúng vào dịp năm 13 tuổi, chiến dịch Regain chính thức bị huỷ bỏ vô thời hạn vì lý do không có kết quả khả quan. Những gia đình có người thân hi sinh khi tham gia chiến dịch ( hầu hết mọi người tham gia đều đã hi sinh ), trong đó có cả gia đình tôi, được nhận một lẵng hoa kèm theo một thùng thực phẩm đủ dùng trong ba tháng. Điều này phần nào có thể tạm thời cải thiện sự khó khăn trong cuộc sống, nhưng không thể nào giúp lấy lại những gì mọi người đã mất: Người thân của họ, những người đã bị bắt ép hi sinh vô ích mà không hề đem lại một kết quả tốt đẹp nào.

Tôi rất biết ơn anh John, người hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ tôi có việc làm khi không biết nương tựa vào đâu, và cũng nhờ vậy mà tôi đã gặp được "cậu ta" – vị anh hùng quả cảm, người đã góp phần lớn công sức trong việc mang đến tương lai tươi sáng cho loài người chúng ta. Từ lần gặp đầu tiên, tôi có thể cảm thấy được trong cậu ấy có một thứ sức mạnh tinh thần kỳ lạ. Như những tia nắng đầu tiên của buổi bình minh đánh tan thứ bóng tối lạnh lẽo, cậu mang đến cho mọi người sự vui tươi và niềm hi vọng cho dù có rơi vào hoàn cảnh tồi tệ nhất. Càng tiếp xúc nhiều, tư tưởng và suy nghĩ của cậu dần len lỏi sang tôi, và đó cũng là lúc tôi đã đưa ra một quyết định khiến cuộc đời mình bước sang một trang khác: Trở thành cánh tay phải – một đồng đội tin cậy và giúp cậu hoàn thành ước nguyện của mình... "

Mẹ - người thân duy nhất còn lại của tôi qua đời vì căn bệnh hiểm nghèo khi tôi bước sang tuổi 16. Người hàng xóm tốt bụng tên John đã giới thiệu tôi tới công xưởng chế tạo và sản xuất gang thép, nơi anh ta đang làm việc. Tên quản lý là một kẻ ưa nịnh và khá keo kiệt, nên chỉ cần vài ba câu khen ngợi cùng với sự chấp thuận một mức lương ít ỏi, tôi đã chính thức trở thành một công nhân tại đây. Ngày đầu tiên làm việc, hầu hết thời gian tôi theo dõi và ghi nhớ các công đoạn thực hiện: Xử lý quặng và thép phế liệu – nung nóng – đúc tiếp liệu - ... Không quá phức tạp, nhưng lại đòi hỏi sức chịu đựng và sự khéo léo nhất định. Tôi tiếp thu khá nhanh và có thể thực hiện tốt sau khoảng một tuần thử việc. Mức lương tuy ít nhưng đây là một công việc ổn định, nó đủ để tôi có thể phần nào trang trải cuộc sống của mình. Trong thời kỳ này, chúng tôi không có cái thứ gọi là "tiền tệ". Tất cả mọi thứ đều có thể đạt được bằng cách trao đổi hàng hoá, ví dụ như: Bạn đang có rất nhiều hạt bo bo, và rồi một ngày bạn nhận ra rằng việc ăn thứ hạt đó mãi khiến bản thân cảm thấy phát bệnh, bạn có thể tìm đến cửa hàng thực phẩm, đổi chúng để lấy vài ba ổ bánh mỳ. Nhưng tất nhiên rằng tôi đâu có đủ khả năng để kén chọn. Có một thứ gì đó để bỏ vào bụng, dịu bớt cái đói đã là tốt lắm rồi.

Đang cố gắng nuốt mẩu bánh mỳ khô khốc của mình trong giờ nghỉ trưa, bỗng một đám đông những công nhân đang tụ tập và hò reo khiến cho tôi không khỏi tò mò. "Ai chà, chắc chắn lại có một vụ ẩu đả nữa lại diễn ra. Xem chừng có vẻ nghiêm trọng đây.", anh John nói, mắt chăm chú nhìn về phía đám đông. Sự đói khổ, thiếu thốn dễ khiến cho con người trở nên tham lam, ích kỷ, là chuyện xảy ra thường xuyên ở Pauper, nhưng không phải là ai cũng như vậy. Những kẻ sẵn sàng trộm cắp, hoặc cướp giật bằng vũ lực đều do đã đến bước đường cùng, hoạ chăng cũng có một vài trường hợp vì sự lười biếng, không muốn làm nhưng vẫn muốn có cái ăn nên sẵn sàng cướp đi miếng cơm, manh áo của người khác.

Hoàn thiện nhanh chóng bữa trưa, tôi cùng anh John tiến về phía đám người kia để xem rốt cuộc chuyện gì đang xảy ra. Cố gắng lách qua biển người, tôi đã len được vào vòng trong cùng của đám đông. Trên sàn nhà, hai cơ thể nhễ nhại mồ hôi và máu đang dùng hết sức lực để vật lộn, đánh, đấm. Một trong hai người có nước da đen, khá nhỏ con, và có lẽ là "không có cửa" trong cuộc ẩu đả này. Tôi quay sang hỏi anh chàng đang đứng cạnh mình xem rốt cuộc lý do thật sự là gì.

- Cậu nhóc da màu này nói rằng tên kia đã lấy một thứ gì đó thuộc về cậu ta. Rồi hai người to tiếng qua lại, và sau cùng là dẫn đến như vậy đây.

Anh ta đáp, bằng giọng khá hứng khởi.

Hai người bỗng vùng dậy, đứng cách nhau chừng gần một mét. Anh chàng da màu nắm chặt vết bầm trên vai trái, thở hổn hển và nói:

- Tôi nhắc lại một lần nữa! Anh hãy mau trả lại thứ đồ đó cho tôi, bằng không thì đừng có trách!

Để đáp lại, người kia nhổ một bãi nước miếng xuống đất, rồi trợn mắt, nói:

- Hừ, thằng nhóc láo toét. Mày có tận mắt thấy tao lấy thứ gì không? Hay chỉ là đoán già đoán non? Mà nếu chính tay tao lấy, thì mày có thể làm được gì cơ chứ? Thằng nhãi không biết lượng sức mình.

Hai bên cứ lời qua tiếng lại suốt một lúc lâu, đám đông thì hò reo cổ vũ như muốn kích động để họ xô xát quyết liệt hơn. Đúng lúc ấy, tên quản lý cùng với năm tên lính Chính Quyền xuất hiện, trên tay là những khẩu súng máy đã lên đạn, sẵn sàng bắn trả những kẻ gây rối. Hắn quát lớn:

- Chúng bây định làm loạn ở đây sao? Đúng là lũ người nghèo cả vật chất lẫn ý thức. Còn không mau trở lại làm việc.

Khá đen đủi, khi đang định giải tán cùng đám đông để trở lại với công việc của mình, tôi cùng một vài người khác vì đứng ở vị trí gần nhất, đã bị bắt đi với lý do "Kích động phá hoại có chủ đích" mà không hề có cơ hội được giải thích. Những tên lính đã dẫn chúng tôi tới một trại tạm giam, nơi giam giữ những kẻ bị cho là có tội, chờ ngày để đưa tới Toà Án ở Dives nhận phán xét cuối cùng.

Tôi cùng mấy người ở công xưởng, bao gồm cả hai tên đã gây ẩu đả, bị nhốt chung trong một buồng giam chật chội, nồng nặc mùi hôi thối do nhà vệ sinh được đặt sát bên. Bối rối không biết phải làm sao, tôi nhìn khắp một lượt những khuôn mặt xung quanh như để cầu cứu, hay ít nhất là một lời động viên, hướng dẫn nào đó. Họ chỉ yên lặng, gục mặt lên cánh tay đang khoanh trên đầu gối mình. Đặc biệt là hai người vừa xô xát ban nãy, họ rất hùng hổ, chống đối lại những tên lính, nhưng khi vào tới đây, cả hai lại là những kẻ yên lặng nhất. Tên quản ngục bước tới trước song sắt, nhìn khắp một lượt căn phòng với đôi mắt toát lên đầy sự khinh miệt. Tôi vội vã đứng dậy, liến thoắng giải trình:

- Thưa ngài, thật sự là tôi bị oan. Tôi cũng chỉ như mọi người khác, tò mò tới xem chứ không hề có ý định gì cả.

- Khà khà, ngươi khỏi phải trình bày. Làm gì có kẻ nào vào đây mà không kêu oan cơ chứ? Mấy cái lời lẽ này ta đã nghe đến phát chán rồi. Mong cho chúng bây sớm bị tống cổ khỏi nơi này.

Hắn nói bằng giọng đay nghiến, rồi lặng lẽ bỏ đi trước sự ngỡ ngàng và đầy tuyệt vọng của tôi.

Tuy cuộc sống vô cùng khó khăn, nhưng tôi vẫn luôn được cha và mẹ của mình dạy dỗ, bảo ban cẩn thận. "Chúng ta ai cũng muốn giúp người khác.", cha nói với tôi sau khi ông chia sẻ một phần thức ăn của gia đình với những người khác. "Con người là thế. Chúng ta muốn sống bên hạnh phúc của nhau chứ không phải sự khổ sở của nhau." Trong thời kỳ tăm tối, cái thiện vốn có của con người dễ bị tha hoá vì những nhu cầu cá nhân, nhưng vì lý do nào đó, cha, mẹ và rất nhiều người khác, họ vẫn giữ được sự lương thiện vốn có của mình, và luôn cố gắng để điều tốt đẹp duy nhất này mãi mãi được trường tồn với các thế hệ hiện tại và tương lai sau này. Vậy mà ở thời điểm hiện tại, tôi lại mang trên mình cái mác tội phạm, bị nhốt ở nơi dành cho những kẻ xấu. A, nhưng có phải do tôi đâu? Tôi là người bị oan uổng. Nhưng... làm gì có ai quan tâm đến điều này cơ chứ. Kẻ bị bắt là kẻ có tội, chấm hết.

- Lần đầu hả?

Tôi giật mình quay người lại, thấy anh chàng da màu đang hỏi mình. Dưới ánh sáng le lói phát ra từ phía căn phòng của tên cai ngục, tôi không thể nhìn rõ được khuôn mặt của người này, đặc biệt là khi cậu ta có một làn da... không được tươi sáng cho lắm. Ra dấu hiệu muốn bắt tay, cậu ta nói:

- Chào, tôi là Leo, xin lỗi vì đã khiến cậu dính vào chuyện này.

- V...vâng. Cứ gọi tôi là Noah cũng được.

- Vậy thì... Noah, sẵn sàng để dời khỏi đây chưa? Hay cậu muốn ở lại và chờ tới khi bị chuyển tới Toà Án?

- Tất nhiên... nhưng bằng cách nào?

"Cạchhhh...". Ổ khoá bị mở bởi một trong những người trong buồng giam, và ngạc nhiên thay, đó chính là anh chàng to lớn đã gây sự với Leo. "Đây là Timmy Lớn. Tuy trông khá thô kệch nhưng anh ta lại là một thợ phá khoá siêu hạng đấy.", Leo giải thích sau khi thấy được khuôn mặt lộ rõ vẻ bất ngờ của tôi.

Chúng tôi, dẫn đầu bởi Leo, rón rén từng bước nhẹ nhàng khi đi qua căn phòng của tên cai ngục đang say sưa trên cái giường sắt. Những tên tội phạm đã bị chuyển tới Dives khoảng chừng ba hôm trước, và thật may mắn khi chúng tôi là những người duy nhất đang bị nhốt lại tại đây. Tôi không muốn một kẻ lạ mặt nào khác biết được về cuộc đào tẩu này, không phải vì tôi ích kỷ, mà hãy thử nghĩ xem, chúng tôi bị bắt oan tới đây chỉ vì cuộc ẩu đả của Leo với Timmy, nên chắc chắn không thể đánh đồng với những tội phạm khác được. Tuy nhiên, tôi vẫn thắc mắc về lý do mà hai người này gây sự với nhau, bởi nhìn vào thời điểm hiện tại, cách họ làm việc và phối hợp đều rất ăn ý, giống như những người bạn, người đồng đội, chứ không hề giống như kẻ thù.

"Từ chỗ này, Timmy Lớn sẽ dẫn mọi người đi tiếp. Tôi còn có một số việc cần phải làm. Chúc may mắn", Leo nói khi chúng tôi sắp đến cửa chính, ngay sau đó liền chạy về phía ngược lại.

Ngày hôm sau và mấy ngày tiếp theo, tôi vẫn tới công xưởng đều đặn. Không hề thấy có lệnh truy nã hay chuyện gì xảy ra cả, cũng không thấy Leo và Timmy Lớn tới làm việc nữa. Khi anh John hỏi, tôi nói dối về việc đào tẩu, chỉ bảo rằng người ta xét thấy việc oan ức nên đã thả về, tôi tin chắc mấy người kia cũng sẽ nói như vậy.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro