So sánh 2 đoạn thơ trong Sóng và Đất nước

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

🌿 Tình yêu là ngọn gió lớn luôn thổi vào bầu trời thi ca Việt Nam, mang theo biết bao hơi thở của cuộc sống và những cung bật cảm xúc đa thanh. Với thi nhân thì tình yêu càng muôn màu muôn vẻ. Thẳm sâu trong tâm hồn họ, dòng chảy của suối nguồn yêu thương vẫn luôn mở từng đợt sóng cồn cào, mãnh liệt. Khiến cho nữ sĩ Xuân Quỳnh phải trăn trở:

"Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng biếc
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ"

(Sóng)

Nhưng không chỉ gói gọn trong tình yêu đôi lứa mà tình yêu còn là bản hòa ca bất tận của đất nước và con người Việt Nam ta trong lời nhắn nhủ thiết tha của Nguyễn Khoa Điềm:

"Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..."

(trường ca Mặt đường khát vọng)

Tình yêu trong thi ca đều bắt nguồn từ tiếng lòng của những cái tôi nhỏ bé. Như một bông hoa mọc nơi chiến hào đầy khói lửa giữa những năm chống Mĩ, Xuân Quỳnh vẫn tự tin, mạnh dạn viết thơ tình. Bởi tình yêu trong chị luôn cuồng nhiệt, táo bạo hơn bao giờ hết.

Nhà thơ đã mượn hình ảnh sóng để nói lên tâm trạng của một người con gái đang yêu và đó cũng chính là nỗi lòng của thi sĩ. Như con sóng ngoài kia, ngàn năm vẫn vỗ, tình yêu của "em" cũng không ngừng ngơi nghỉ theo nhịp đập của trái tim:

Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức.

Say trong bể tình của nhân loại, Xuân Quỳnh vẫn rất đằm thắm, dịu dàng trong tình yêu của riêng mình. Như bông hoa luôn hướng về phía mặt trời tìm nguồn sáng, "em" cũng vậy. Nỗi nhớ không chỉ gắn với thời gian vô tận mà còn trải rộng theo không gian vô cùng:

Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh- một phương

Tình yêu bén rễ vào mạch nước ngọt sâu trong tâm hồn mỗi người, sinh sôi và nảy nở. Nếu không có lòng tin thì tình yêu sẽ héo úa. Vì vậy mà tình yêu rất cần sự chung thủy.

Cũng do đó mà tình yêu mong manh quá, ta những tưởng người con gái ấy, yêu thương đến thế- hẳn sẽ mãi trói buộc tình yêu trong vòng tay của mình cho đến lúc lìa đời. Nhưng không, dẫu thế gian bao người lạc lối, nhà thơ vẫn nguyện đem cả tấm lòng dào dạt yêu thương gửi trao cho đất trời:

Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ.

Con sóng giờ đây thôi không cuồn cuộn nữa, nó trở về cái vẻ êm đềm, dường như đang lặng đi. Để người đọc phải lặng im suy ngẫm. Tại sao lại như vậy? Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu cũng phải lắc đầu:

"Làm sao cắt nghĩa được tình yêu?"

Vì tình yêu quá lớn, trái tim "em" không sao chứa nổi, vì yêu thương là vô hạn mà đời người thì ngắn ngủi, biển mênh mông đấy - nhưng biển cũng có bờ. Nên "em" chỉ ước muốn được tan vào bọt bể ,cùng gió và mây mãi mãi trường tồn, mãi mãi đắm mình trong biển rộng của tình yêu. Tình yêu lứa đôi bây giờ đã hòa vào tình cảm chung của dân tộc. Để ngàn vạn năm sau, những con sóng đại dương vẫn cất cao lời hát ca ngợi tình yêu bất diệt.

Sóng - một bài thơ với thể thơ 5 chữ giản dị nhưng sức chứa của nó thì thật lớn. Hình ảnh sóng và "em" đan cài, hòa quyện cùng nhau tạo nên mạch thơ mượt mà, trôi chảy.

Khi con sóng của tình yêu đôi lứa nhập vào dòng chảy của dòng sông quê hương, ta tìm về cội nguồn với tình yêu đất nước.

Đất Nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm là một đất nước của Nhân Dân, được hiện lên qua những hình ảnh rất đỗi thân quen. Tất cả những gì thiêng liêng, đau đáu nhất, Nguyễn Khoa Điềm đúc kết vào chỉ trong mấy câu thơ:

"Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó và san sẻ
Phải biết hóa thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời..."

Đó cũng là lời nhắn nhủ chân thành, tha thiết mà tác giả muốn gửi gắm đến thế hệ trẻ chúng ta.

Đất nước không ở đâu xa, mà có trong dòng máu nóng luôn chảy trong "em", đất nước có trong từng hơi thở tràn đầy sức sống của tuổi thanh niên. Phải nhớ lấy để "em" sống gắn bó hơn với Đất Nước, và không quên san sẻ tình yêu thiêng liêng đó với những người quanh mình. Không phải yêu nước là phải như Chế Lan Viên:

"Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước
Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà
Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc
Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa".

Mà "em" hãy yêu nước bằng tất cả những gì có thể, mở lòng ra để cảm nhận sự sống đang trào dâng ngoài kia chẳng có gì không phải của đất nước. "Em" có mặt trên cõi đời này là để góp thêm vào đất nước một trái tim biết yêu thương, chia sẻ.Nên sứ mệnh của "em" là giữ gìn và bảo vệ tình cảm thiêng liêng ấy, là sống để xây dựng một đất nước muôn đời giàu mạnh.

Giọng thơ trở nên tình cảm mà nghiêm trang vô cùng, cảm giác như người con yêu của đất nước đang đặt đôi tay tin cậy nặng trĩu trên vai ta. Lời thơ dùng nhiều mệnh lệnh mà vẫn không giống như những lời giáo huấn, nó đi vào tâm thức của mỗi người như lời dặn dò thân tình, thắm thiết.

Tình yêu nước thể hiện thầm kín trong từng câu thơ, thấp thoáng trong từng nét chữ bởi chưa đọc lên mà ta đã thấy cảm xúc dâng trào trong trái tim mình. Rồi mai đây ta lại làm "anh" , ta lại giao phó trách nhiệm lớn lao ấy cho thế hệ tương lai mà không quên nhắc nhớ rằng phải tiếp nối truyền thống đó, phải sống, sống như chính ông cha ta đã sống: Còn một hơi thở cuối cùng vẫn không nguôi hướng về tổ quốc, tim lại đập rộn ràng theo nhịp của thở muôn dân. Tình yêu đất nước trong thơ Nguyễn Khoa Điềm vì thế thân quen mà vô cùng lớn lao, kì vĩ.

Khổ thơ nhỏ mà ý nghĩa thật lớn, thể thơ tự do như một trợ thủ đắc lực để Nguyễn Khoa Điềm giãi bày tâm sự của một tấm lòng yêu nước vô bờ. Lối nói thân tình anh-em và giọng điệu thủ thỉ khiến đoạn thơ như lắng lại những dư vị thật ngọt ngào, tha thiết.

Có thể thấy sợi chỉ đỏ xuyên suốt mạch tư tưởng trong hai bài thơ chính là tình yêu. Tình yêu đó gắn liền với những hi sinh cao cả, là khác vọng được hiến dâng cho đời. Vì thế dù tình yêu riêng hay chung thì nó cũng đều mang vẻ đẹp thiêng liêng, bất diệt.

Sóng và Đất nước - mỗi bài thơ mang một vẻ đẹp riêng. Sóng là vẻ đẹp của tình yêu lứa đôi. Đất nước mang vẻ đẹp tình yêu đất nước. Hình thức nghệ thuật mỗi nhà thơ chọn lựa cũng khác nhau: Sóng mang hơi hướng hiện đại qua thể thơ ngũ ngôn mới mẻ; Đất nước thì lại đậm đà truyền thống qua thể thơ tự do dạt dào cảm xúc. Hình ảnh thơ trong Sóng thì trẻ trung, độc đáo; còn với Đất nước thì chất liệu văn học dân gian đã chi phối toàn bộ tác phẩm. Giọng thơ của Xuân Quỳnh rất đa thanh: khi cuồng nhiệt, róng riết, lúc lại dịu dàng, nhỏ nhẹ. Lời thơ của Nguyễn Khoa Điềm thì thiết tha, trìu mến mà cũng thật nghiêm trang, hào hùng.

Tiếng yêu trong thi ca, vì lẽ đó cũng thật đa dạng, phong phú. Trăm sông đổ về một bể. Dù là tình yêu đôi lứa hay tình yêu bên mái ấm gia đình...thế nào rồi cũng tìm về cội nguồn chung của dân tộc. Nên có lạ đâu, khi Tố Hữu nói:

"Có gì đẹp trên đời hơn thế
Người yêu người, sống để yêu nhau".

| Nghị luận văn học.

#thuongvan

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro