Thoát Liệt

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

TỔNG HỢP CÁC KIẾN THỨC ĐỂ LÀM PHẦN ĐỌC HIỂU (3điểm) TRONG BÀI THI THPT QUỐC GIA MÔN NGỮ VĂN.
>>>Share về tường để lưu lại học các trò nhé!
****Chúc các trò buổi tối thật nhiều niềm vui!

1. CÁC PHONG CÁCH NGÔN NGỮ CHỨC NĂNG
- Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt:
+ hình thức bức thư, tin nhắn, email, cuộc đối thoại
+ ngôn từ suồng sã, khẩu ngữ, từ ngữ địa phương, thán từ, dấu câu linh hoạt
- Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật
+ nguồn: có tên tác giả, tác phẩm văn học
+ hình thức: đoạn thơ, bài thơ, đoạn văn
+ ngôn ngữ: giàu hình ảnh, cảm xúc, tạo hình tượng nghệ thuật (tính thẩm mỹ, hàm súc, đa nghĩa)
- Phong cách ngôn ngữ chính luận:
+ Bàn luận về vấn đề chính trị, xã hội
+ Nguồn: có tên tác giả, tác phẩm văn chính luận
- Phong cách ngôn ngữ báo chí
+ Nguồn: đầu báo nổi tiếng, toàn dân
+ Nội dung: cập nhật, thời sự, có thông tin về thời gian, địa điểm cụ thể
- Phong cách ngôn ngữ khoa học
+ Nguồn: SGK, Luận văn, bài báo khoa học..
+ Ngôn ngữ: khách quan, không cảm xúc, không dấu chấm cảm
- Phong cách ngôn ngữ hành chính công vụ
+ Có quốc hiệu, tiêu ngữ
+ Theo mẫu, hình thức: đơn từ, báo cáo, nghị định, thông tư, quyết định

2. CÁC THAO TÁC LẬP LUẬN
- Lập luận giải thích: có từ “là”để giải thích 1 khái niệm ở ngay câu đầu đoạn
- Lập luận phân tích: chia tách nhỏ các đối tượng ra
- Lập luận chứng minh: có dẫn chứng cụ thể (con số, tên người, ngày giờ, địa điểm) xác thực.
- Lập luận bình luận: bàn bạc và đánh giá về sự đúng- sai, hay- dở, lợi- hại của một ý kiến, chủ trương...
- Lập luận so sánh: so sánh tương đồng hoặc tương phản, đặt các đối tượng khác nhau hoặc giống nhau cạnh nhau để thấy nét chung, riêng của các đối tượng.
- Lập luận bác bỏ: đưa ra nhận thức sai- bác bỏ- nói nhận thức đúng

3. CÁC PHƯƠNG THỨC BIỂU ĐẠT
- Phương thức tự sự: kể lại, có nhân vật, có cốt truyện, có trạng từ thời gian (ngày hôm qua, hôm nay, ngày ấy, lúc đó,…)
- Phương thức miêu tả: tả lại, có những chi tiết mô tả đặc điểm ngoại hình, tính cách, màu sắc, hình dáng….
- Phương thức biểu cảm: bộc lộ cảm xúc, có thán từ, tình thái từ, (than ôi, ôi, a, á, ô hay, hỡi ôi….) dấu chấm than (!)
- Phương thức nghị luận: thường không rõ nhân vật, dùng lập luận, lí lẽ, dẫn chứng thuyết phục, có bài học nhận thức, thái độ bày tỏ rõ ràng về vấn đề.
- Phương thức thuyết minh: cung cấp thông tin về đối tượng, các thông tin được chia tách rất rõ ràng: về nguồn gốc, về tác dụng, về kích thước, về cách bảo quản,….

4. CÁC HÌNH THỨC ĐOẠN VĂN
- Diễn dịch: Câu chủ đề ở đầu đoạn
- Quy nạp: Câu chủ đề ở cuối đoạn
- Tổng-phân-hợp: Câu chủ đề ở cả đâu và cuối đoạn
- Móc xích: Câu sau có xuất hiện những từ ngữ/ cụm từ ở câu trước
- Song hành: Không có câu chủ đề

5. CÁC BIỆN PHÁP NGHỆ THUẬT
5.1. So sánh
- Là đối chiếu sự vật, sự việc này với sự vật, sự việc khác có nét tương đồng để làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt.
- Trong phép so sánh cả vế A (vế được so sánh) và vế B (vế so sánh) đều xuất hiện.
- So sánh vừa giúp cho việc miêu tả các sự vật cụ thể, sinh động; vừa có tác dụng bộc lộ tình cảm, cảm xúc.
- Ví dụ:
“Con gặp lại nhân dân như nai về suối cũ
Cỏ đón giêng hai, chim én gặp mùa
Như đứa trẻ thơ đói lòng gặp sữa
Chiếc nôi ngừng bỗng gặp cánh tay đưa”
(Trích Tiếng hát con tàu_Chế Lan Viên)
Nhà thơ đã sáng tạo hệ thống hình ảnh so sánh mới la, độc đáo để diễn tả hạnh phúc lớn lao, kì diệu khi tìm về với nhân dân. Qua đó, khẳng định nhân dân là cội nguồn nuôi dưỡng, bao bọc, chở che cho người nghệ sĩ và trở về với nhân nhân là con đường tất yếu- như những quy luật vĩnh hằng, bất biến của thiên nhiên, của cuộc đời.

5.2. Ẩn dụ
- Là cách gọi tên sự vật, hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nó nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho sự diễn đạt
- Ẩn dụ còn được gọi là so sánh ngầm vì giống so sánh ở chỗ đối chiếu hai sự vật, hiện tượng trên cơ sở quan hệ tương đồng nhưng khác ở chỗ trong phép ẩn dụ chỉ có vế B xuất hiện, còn vế A ẩn. Người đọc cần căn cứ vào tính chất, đặc điểm nổi bật của đối tượng B để hiểu A…Ẩn dụ tu từ có sức biểu cảm cao, tạo tính hàm súc và tính hình tượng cho câu thơ, câu văn.
- Ví dụ: “Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
(Trích Truyện Kiều- Nguyễn Du)
Trong câu thơ trên tác giả đã sử dụng các hình ảnh ẩn dụ để miêu tả, ngợi ca nhan sắc của Thúy Kiều: đôi mắt trong trẻo, long lanh như nước mùa thu; nét mày tươi thắm như núi mùa xuân.

5.3. Hoán dụ:
- Là gọi tên sự vật, hiện tượng, khái niệm bằng tên của một sự vật, hiện tượng, khái niệm khác có quan hệ gần gũi với nó nhằm khắc sâu đặc điểm tiêu biểu của đối tượng được miêu tả và tăng khả năng khái quát cho ngôn ngữ.
- Ví dụ:
“Áo chàm đưa buổi phân li
Cầm tay nhau biết nói gì hôm nay”
(Trích Việt Bắc- Tố Hữu)
Hình ảnh áo chàm (màu sắc trang phục đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng cao Việt Bắc) hoán dụ cho những người dân nơi đây. Biện pháp tu từ này vừa gợi được cảnh chia tay xúc động giữa đồng bào chiến khu và cán bộ kháng chiến, vừa thể hiện được tình cảm gắn bó, thân thương giữa kẻ ở với người đi.

5.4. Nhân hóa
- Là cách dùng những từ ngữ vốn dùng để miêu tả hành động của con người để gọi hoặc tả đồ vật, con vật, cảnh vật… Biện pháp nhân hóa giúp cho các đối tượng cần được miêu tả hiện lên sống động, gần gũi với con người.
- Ví dụ: “Mùa thu nay khác rồi
Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi
Gió thổi rừng tre phấp phới
Trời thu thay áo mới
Trong biếc nói cười thiết tha”
(Trích Đất nước- Nguyễn Đình Thi)
Biện pháp nhân hóa được sử dụng ở hai dòng thơ cuối khiến cho hình ảnh bầu trời hiện lên thật sống động, gần gũi, ấm áp. Trời thu trong trẻo, tươi sáng như vừa khoác lên màu áo mới tinh khôi; như gương mặt tươi tắn, trẻ trung, rạng rỡ, tràn ngập niềm vui. Đó cũng là tấm gương phản chiếu tâm trạng hân hoan của con người giữa mùa thu chiến thắng, hoàn bình…

5.5. Điệp từ, điệp ngữ
- Điệp từ, điệp ngữ là lặp lại có ý thức những từ ngữ nhằm mục đích nhấn mạnh, mở rộng ý hoặc gợi những xúc cảm trong lòng người đọc, người nghe.
- Ví dụ: “Một dân tộc đã gan góc chống ánh nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy trăm năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”
(Trích Tuyên ngôn độc lập_Hồ Chí Minh)
Các điệp từ, điệp ngữ đã tạo cho câu văn trên một giọng điệu mạnh mẽ, hào dùng; đã nhấn mạnh được tinh thần bất khuất, ý chí chiến đấu bền bỉ, phi thường của nhân dân ta. Qua đó, tác giả thể hiện niềm tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc anh hùng, xứng đáng được hưởng những quyền tự do, độc lập.

5.6. Nói quá
- Là biện pháp tu từ phóng đại mức độ, quy mô, tính chất của sự vật, hiện tượng dược miêu tả để nhấn mạnh, gây ấn tượng, tăng sức biểu cảm.
- Ví dụ:
“Dân công đỏ đuốc từng đoàn
Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay”
(Trích Việt Bắc- Tố Hữu)
Lối miêu tả cường điệu, phóng đại được tác giả sử dụng để ca ngợi sức mạnh hùng hậu, vô địch của những đoàn dân công.

5.7. Nói giảm, nói tránh
- Là dùng cách diễn đạt tế nhị, uyển chuyển, tránh gây cảm giác quá đau buồn, ghê sợ; tránh thô tục, thiếu lịch sự
- Ví dụ:
“Áo bào thay chiếu anh về đất
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
(Trích Tây Tiến- Quang Dũng)
Lối nói giảm “anh về đất” không chỉ có tác dụng làm vợi bớt nỗi đau mất mát mà còn có giá trị khẳng định, ngợi ca sự bất tử của những người lính hi sinh vì Tổ quốc. Linh hồn các anh trở về với đât mẹ và sẽ trường tồn cùng sông núi…

5.8. Câu hỏi tu từ
- Là sử dụng hình thức câu nghi vấn để khẳng định, phủ định hoặc bày tỏ thái độ, cảm xúc.
“Tương tư thức mấy đêm rồi,
Biết cho ai, hỏi ai người biết cho!
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau?
(Trích Tương tư- Nguyễn Bính)
Ở hai dòng thơ cuối, tác giả đã sử dụng các câu hỏi tu từ để bày tỏ nỗi nhớ thương da diết và niềm khát khao gặp gỡ, gắn bó của nhân vật trữ tình.

5.9. Đảo trật tự cú pháp (Đảo ngữ)
- Đảo trật tự cú pháp (đảo ngữ) là thay đổi trật tự cú pháp thông thường của câu nhằm nhấn mạnh tính chất, đặc điểm…của đối tượng cần miêu tả.
- Ví dụ:
“Bèo dạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút niềm thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng”
(Trích Tràng giang- Huy Cận)
Cấu trúc đảo ngữ trong hai dòng thơ (dòng 2 và dòng 4) được tác giả sử dụng để nhấn mạnh cái bao la, rợn ngợp của không gian sông nước và sự im vắng, tĩnh lặng của đất trời.

5.10. Liệt kê
- Liệt kê là sắp xếp nối tiếp những đơn vị cú pháp cùng loại (các từ ngữ, các thành phần câu) nhằm mục đích nhấn mạnh ý.
- Ví dụ:
“Tin vui chiến thắng trăm miền
Hòa Bình, Tây Bắc, Điện Biên vui về
Vui từ Đồng Tháp, An Khê
Vui lên Việt Bắc, Đèo De, núi Hồng”
(Trích Việt Bắc- Tố Hữu)
Các tên địa danh xác thực được liệt kê trong đoạn thơ đã thể hiện niềm vui, niềm tự hào với thành quả cách mạng của ta. Đó là niềm vui sau bao nhiêu gian nan vất vả, niềm vui lan tỏa, rộng khắp từ bắc xuống nam.

5.11. Câu đặc biệt
- Câu đặc biệt là loại câu không cấu tạo theo mô hình Chủ- Vị, có tác dụng nhấn mạnh sự tồn tại của sự vật, hiện tượng, bộc lộ cảm xúc…
- Ví dụ:
“Cây tre Việt Nam! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thủy chung, can đảm, cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam” (Trích Cây tre Việt Nam- Thép Mới)
Câu đặc biệt “Cây tre Việt Nam vừa có tác dụng khái quát nhằm nhấn mạnh hình ảnh cây tre; vừa thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, ngưỡng mộ của tác giả với loài cây là hiện thân cho vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam.

5.12. Điệp cấu trúc câu
- Là lặp lại cấu trúc của các câu với nhau: cùng kiểu câu, cùng kết cấu C-V.
- Ví dụ:
“Trời xanh đây là của chúng ta
Núi rừng đây là của chúng ta
Những cánh đồng thơm mát
Những ngả đường bát ngát
Những dòng sông đỏ nặng phù sa”
(Trích Đất nước- Nguyễn Đình Thi)
Cấu trúc câu được lặp lại ở hai dòng thơ đầu có tác dụng nhất mạnh, khẳng định niềm tự hào kiêu hãnh và niềm hạnh phúc lớn lao khi được làm chủ quê hương, đất nước.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#lichsu