lich su van hoc my1

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chương 2: Nguồn gốc của nền dân chủ và các nhà văn cách mạng thời kỳ 1776-1820

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Cuộc Cách mạng gian khổ của Mỹ chống người Anh (1775-1783) là cuộc chiến tranh giải phóng hiện đại đầu tiên chống lại một cường quốc thuộc địa. Chiến thắng của nền độc lập Mỹ đối với nhiều người thời đó hình như là một dấu hiệu linh thiêng báo hiệu rằng nước Mỹ và nhân dân Mỹ được trao cho sứ mệnh làm nên điều kỳ vĩ. Chiến thắng quân sự cũng khơi dậy những hi vọng của dân tộc Mỹ về một nền văn học mới vĩ đại. Tuy nhiên ngoại trừ những bài viết chính trị kiệt xuất, chỉ có một số tác phẩm có giá trị xuất hiện trong hoặc ngay sau thời kỳ Cách mạng.

Các tác phẩm văn chương Mỹ được bình phẩm một cách khắt khe ở Anh. Người Mỹ đau khổ nhận ra sự lệ thuộc quá độ vào khuôn mẫu văn học Anh. Cuộc tìm kiếm một nền văn học mang bản sắc riêng trở thành một ám ảnh dân tộc. Như chủ bút một tạp chí Mỹ viết vào khoảng năm 1816: “Lệ thuộc là một tình trạng thấp kém đầy ô nhục và phụ thuộc vào tư tưởng bên ngoài để có được những gì chính chúng ta có thể làm ra được là cộng thêm sự kém cỏi do ngu dốt vào với tội ác của thói lười biếng”.

Những cuộc cách mạng văn hóa, không giống với những cuộc cách mạng quân sự, không thể thành công bằng cách áp đặt; nó phải được nẩy nở trên mảnh đất của các kinh nghiệm được chia sẻ. Cách mạng là những biểu hiện của trái tim của nhân dân, chúng lớn dần lên từ những cảm nhận mới mẻ và những kinh nghiệm phong phú. Phải mất 50 năm tích lũy lịch sử để nước Mỹ có thể giành được độc lập văn hóa và để sản sinh thế hệ các nhà văn Mỹ vĩ đại đầu tiên: Washington Irving, James Fenimore Cooper, Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau, Herman Melville, Nathaniel Hawthorne, Edgar Allan Poe, Walt Whitman và Emily Dickinson. Sự độc lập của văn học Mỹ bị chậm lại bởi quá trình đồng hóa kéo dài với Anh quốc, một sự rập khuôn thái quá những khuôn mẫu văn học Anh hay văn học cổ điển, thêm vào đó tình hình kinh tế, chính trị khó khăn cũng cản trở việc xuất bản.

Những nhà văn cách mạng, dù có tinh thần ái quốc thật sự và cảm thấy cần một sự tự nhận thức cũng không bao giờ tìm được cội nguồn trong những cảm nhận với tư cách người Mỹ của họ. Những nhà văn thuộc địa của thế hệ cách mạng thường sinh trưởng ở Anh, đạt tới tuổi trưởng thành với tư cách là một công dân Anh, có cách suy nghĩ của người Anh, thậm chí cách ăn mặc và cư xử cũng là của người Anh. Cha mẹ của họ cũng là người Anh hoặc người châu Âu và tất cả bạn bè của họ cũng thế. Thêm vào đó, nhận thức của người Mỹ về các trào lưu văn học vẫn còn lê bước đằng sau người Anh, và sự tụt hậu thời gian làm tăng thêm thói mô phỏng của người Mỹ. Năm mươi năm sau khi đã thành danh ở Anh, những nhà văn Tân cổ điển Anh như Joseph Addison, Richard Stelle, Jonathan Swift, Alexander Pope, Oliver Goldsmith và Samuel Johnson vẫn còn được hăm hở bắt chước ở Mỹ.

Hơn nữa những thử thách vội vã của việc xây dựng một quốc gia mới đã lôi cuốn những người tài năng, có học vấn vào lĩnh vực chính trị, luật pháp, và ngoại giao. Những theo đuổi này mang lại danh dự, vinh quang và sự đảm bảo tài chính. Viết lách, ngược lại, không đẻ ra tiền. Những nhà văn Mỹ buổi đầu, một khi đã tách khỏi mẫu quốc, đã không có sự bảo trợ có hiệu quả của các nhà xuất bản hiện đại, không có độc giả và cũng không có được sự bảo vệ hợp pháp tương xứng. Công việc hỗ trợ về biên tập, phân phối và quảng cáo đều ở dạng phôi thai.

Cho đến tận 1825, hầu hết các tác giả Mỹ phải trả tiền cho các nhà in để xuất bản tác phẩm của mình. Hẳn nhiên, chỉ những người giàu có, độc lập, không phải làm gì để kiếm sống như Washington Irving và nhóm Knickerbocker New York hay nhóm các nhà thơ Connecticut, còn được gọi là Hartford Wits, mới có thể có đủ tiền để nuôi dưỡng niềm say mê viết lách của mình. Benjamin Franklin là một ngoại lệ. Dẫu xuất thân từ một gia đình nghèo, nhưng ông làm nghề in nên có thể tự xuất bản tác phẩm của mình.

Charles Brockden Brown tiêu biểu hơn cả. Là tác giả nhiều chuyện tình cảm động mang phong cách Gothic(

[1]

), Brown là nhà văn Mỹ đầu tiên cố sống bằng nghề viết lách. Nhưng cuộc đời ngắn ngủi của ông kết thúc trong nghèo khổ.

Thiếu độc giả cũng là một vấn đề nan giải. Số độc giả có văn hóa vốn rất ít ở Mỹ chỉ muốn đọc những tác giả nổi tiếng ở châu Âu, một phần cũng do lòng kính trọng thái quá mà những người dân thuộc địa trước đây dành cho những kẻ cai trị ngày xưa của họ. Sự ưa chuộng những tác phẩm Anh không hoàn toàn là vô căn cứ nếu xét đến sự kém cỏi của các tác phẩm văn chương Mỹ. Chính điều này đã làm cho tình hình thêm xấu đi vì nó khiến các nhà văn Mỹ chẳng còn được bao nhiêu bạn đọc. Chỉ có báo chí tạo ra được sự bù đắp tài chính, tuy vậy phần đông độc giả thích loại thơ văn nhẹ nhàng, không đòi hỏi phải suy tư và những tiểu luận ngắn mang tính thời sự chứ không phải loại tác phẩm dài hoặc thử nghiệm.

Việc không có những điều luật đầy đủ về bản quyền có lẽ là nguyên nhân rõ nhất dẫn đến sự trì trệ của văn học. Điều đó thật dễ hiểu; khi các nhà in ở Mỹ có thể dễ dàng đánh cắp bản quyền của các tác phẩm bán chạy nhất ở Anh, thì việc gì họ phải trả tiền cho một tác giả Mỹ vì một cuốn sách vớ vẩn nào đó.

Việc in lại các tác phẩm văn học nước ngoài mà không có giấy phép, thoạt đầu được xem như là để phục vụ cho thuộc địa cũng như là một nguồn lợi cho các chủ nhà in như Franklin, người đã in lại các tác phẩm văn học cổ điển và vĩ đại của châu Âu để nâng cao dân trí ở Mỹ.

Tất cả nhà in trên đất Mỹ đều theo gương của ông. Có nhiều vụ ăn cắp bản quyền rất tiếng tăm. Matthew Carey, một nhà xuất bản quan trọng ở Mỹ trả cho một mật viên ở London một loại tình báo văn học - để gửi những bản sao những trang sách chưa đóng bìa, hay ngay cả bản in thử đến cho ông trên những chiếc tàu nhanh có thể đến Mỹ trong vòng một tháng. Người của Carey sẽ đi thuyền ra đón những con tàu đang vào cảng và cấp tốc in lại những cuốn sách bị ăn cắp này bằng cách chia cuốn sách ra nhiều phần cho nhiều người cùng sắp chữ và làm việc theo ca 24 trên 24. Một cuốn sách bị ăn cắp như vậy có thể được in lại trong vòng một ngày và đưa lên kệ bày bán trong các hiệu sách ở Mỹ hầu như cùng một lúc với các cuốn sách ở Anh.

Vì giá của các ấn bản nhập khẩu hợp pháp rất đắt do đó không thể cạnh tranh với những bản sách ăn cắp, tình trạng này làm thiệt hại quyền lợi của những tác giả nước ngoài như Nam tước Walter Scott và Charles Dickens, cũng như những tác giả Mỹ khác. Nhưng ít nhất những tác giả ngoại quốc đã được các nhà xuất bản gốc trả tiền và đã nổi tiếng về các tác phẩm của mình. Các nhà văn Mỹ, chẳng hạn như James Fenimore Cooper không những không được trả tiền đầy đủ, mà lại còn phải đau khổ chứng kiến sách mình bị ăn cắp ngay trước mũi. Cuốn sách thành công đầu tiên của Cooper The Spy (Điệp viên -1821) bị bốn chủ nhà in khác nhau ăn cắp trong vòng một tháng khi xuất hiện.

Thật trớ trêu, luật về bản quyền năm 1790 cho phép việc ăn cắp bản quyền, lại xuất phát từ một ý định bảo vệ quyền lợi quốc gia. Ý kiến này là của Noah Webster, một nhà từ điển học lớn và về sau biên soạn một cuốn từ điển Mỹ nổi tiếng. Điều luật này chỉ bảo vệ tác phẩm của những nhà văn Mỹ; làm cho các nhà văn Anh hiểu rằng họ phải tự chăm lo quyền lợi cho bản thân.

Dù điều luật này có tệ hại đến thế nào vẫn không một nhà xuất bản nào trong buổi đầu muốn thay đổi vì nó hiển nhiên là có lợi cho họ. Nạn ăn cắp bản quyền đã làm thế hệ các nhà văn Cách mạng Mỹ đầu tiên sống trong nghèo đói; nên chẳng lạ gì khi thế hệ tiếp theo cho ra đời càng ít tác phẩm có giá trị hơn. Cao trào của nạn ăn cắp bản quyền vào năm 1815, phù hợp với điểm thấp nhất của văn học Mỹ. Tuy nhiên, nguồn cung cấp rẻ tiền và dồi 37 dào các tác phẩm cổ điển và sách báo nước ngoài trong khoảng 50 năm đầu của đất nước non trẻ này đã có tác dụng đào tạo nên những người Mỹ xuất chúng, trong đó bao gồm thế hệ những nhà văn vĩ đại đầu tiên, những ngôi sao bắt đầu xuất hiện vào khoảng năm 1825.

THỜI KỲ VĂN HỌC KHAI SÁNG

Thời kỳ Khai sáng Mỹ thế kỷ 18 là một trào lưu văn học được đánh dấu bằng sự nhấn mạnh vào tính duy lý hơn là truyền thống, vào những tìm tòi khoa học thay vì giáo điều tôn giáo tuyệt đối, và vào hình thức chính phủ đại diện cho dân thay vì một vương quyền. Các nhà tư tưởng và tác gia thời Khai sáng đã tận hiến đời mình cho lý tưởng về công lý, tự do và bình đẳng vốn được coi như là những quyền tự nhiên của con người.

Benjamin Franklin 

(1706 - 1790)

Ông là người được triết gia Scotland David Hume gọi là “tác gia vĩ đại đầu tiên của Mỹ”, hiện thân của lý tưởng thời Khai sáng về tư tưởng duy lý nhân bản. Thực tiễn nhưng lại đầy lý tưởng, làm việc cật lực và thành công rực rỡ, Franklin đã kể về thời niên thiếu của mình trong cuốnAutobiography (Tiểu sử tự thuật) nổi tiếng. Là nhà văn, chủ nhà in, nhà xuất bản, nhà khoa học, nhà từ thiện và nhà ngoại giao, ông là nhân vật nổi tiếng nhất và được tôn kính nhất vào thời của mình. Ông cũng là bậc vĩ nhân đầu tiên ở Mỹ đạt đến đỉnh cao bằng nỗ lực bản thân, vươn lên từ một nhà ngoại giao nghèo sinh ra trong thời đại quý tộc, mà chính gương sáng của ông đã giúp nước Mỹ giải phóng khỏi thời đại đó.

Franklin là người di dân thuộc thế hệ thứ hai. Cha ông là tín đồ Thanh giáo, một người làm nến từ Anh di cư đến Boston, bang Massachusetts năm 1683. Cuộc đời của Franklin, ở nhiều phương diện là một minh chứng cho ảnh hưởng của thời đại Khai sáng đến một cá nhân thiên tài. Tự học nhưng đọc rất nhiều của các tác giả như John Locke, Lord Shaftesbury, Joseph Addison và những tác giả Khai sáng khác, Franklin học hỏi ở họ nhiều điều để ứng dụng những lý luận đó vào cuộc sống riêng của mình và để có thể đoạn tuyệt với truyền thống -đặc biệt truyền thống Thanh giáo lỗi thời -khi nó đe dọa bóp chết lý tưởng của ông.

Khi còn trẻ, Franklin tự học nhiều ngoại ngữ, đọc miệt mài đủ các lãnh vực và luyện viết văn cho công chúng. Khi từ Boston dời đến Philadelphia, bang Pennsylvania, Franklin đã có được trình độ học vấn tương đương với giai cấp thượng lưu. Ông cũng có khả năng làm việc cần cù, chu đáo của một tín đồ Thanh giáo. Ông thường tự vấn bản thân và luôn khát khao tự hoàn thiện mình. Chính những phẩm chất này dần dần đưa ông đến sự giàu sang, danh tiếng và lòng kính trọng của người đời. Không chỉ sống cho riêng mình, Franklin cố gắng giúp đỡ những người bình thường khác được thành công bằng cách chia sẻ những tư tưởng và kinh nghiệm của mình. Ông chính là cha đẻ của một loại sách mang tính cách Mỹ đặc trưng -loại sách tự giúp mình.

Cuốn Poor Richard’s Almanack (Niên lịch về chàng Richard Nghèo khổ), được bắt đầu năm 1732 và xuất bản trong nhiều năm, đã làm cho Franklin trở nên giàu có và nổi tiếng khắp thuộc địa. Cuốn niên lịch này chứa đựng những lời động viên, khuyên bảo hữu ích, những thông tin thực tế và những nhân vật ngộ nghĩnh khôi hài như người cha già Abraham và Richard Nghèo khổ cống hiến cho độc giả những cách ngôn ý vị, đáng nhớ. Trong The Way to Weath (Đường đến giàu sang) xuất hiện đầu tiên trong bộ niên lịch, bố Abraham, “một ông già tươm tất giản dị, với những lọn tóc trắng” trích dẫn nguyên văn lời Richard Nghèo khổ. “Một lời với kẻ khôn đã là đủ, ông nói”. “Trời giúp những ai tự giúp mình”, “Ngủ sớm, dậy sớm, làm cho người ta khỏe mạnh, giàu có và thông thái”. Richard Nghèo khổ còn là một nhà tâm lý (“Sự siêng năng trả được nợ nần, còn thất vọng làm nợ chất chồng hơn”) và ông luôn khuyến khích người ta cần cù lao động (“Cần mẫn là mẹ của cơ may”). “Đừng lười biếng”, ông khuyên, bởi vì “một hôm nay bằng hai ngày mai”. Đôi lúc ông sáng tạo những giai thoại để minh họa quan điểm của mình. “Một sự bất cẩn nhỏ nhưng có thể ấp ủ một tai họa lớn... Vì thiếu một cái đinh, ta mất một chiếc móng ngựa, thiếu chiếc móng ta mất con ngựa, thiếu con ngựa ta mất một kỵ sĩ. Bị quân thù đuổi kịp và tàn sát, tất cả chỉ vì thiếu lưu tâm một cái đinh ở móng ngựa”. Franklin rõ ràng là một thiên tài trong khi diễn đạt cô đọng một điều luân lý: “Những gì dung dưỡng một tật xấu, có thể nuôi được hai đứa con”, “Một lỗ nhỏ sẽ làm đắm một chiếc thuyền lớn”, “Kẻ ngu dọn cỗ, người khôn chén sạch”.

Tiểu sử tự thuật của Franklin, phần nào đó, cũng là một cuốn sách tự - giúp -mình. Viết để khuyên bảo con trai, cuốn sách chỉ gói ghém vào những năm thơ ấu. Phần nổi tiếng nhất, mô tả một chương trình tự rèn luyện tu dưỡng bản thân một cách khoa học. Franklin liệt kê 13 đức tính: tự tiết chế, trầm lặng, ngăn nắp, kiên tâm, cần kiệm, chăm chỉ, trung thực, công bằng, mực thước, sạch sẽ, bình thản, thanh bạch, và khiêm nhường. Ông đã hiển thị mỗi đức tính bằng một châm ngôn; chẳng hạn, châm ngôn dành cho sự tiết chế là: “Đừng nên ăn đến phát ngán. Đừng nên uống đến lâng lâng”. Là một nhà khoa học thực nghiệm, Franklin đưa ý tưởng về sự hoàn thiện vào thử nghiệm, dùng chính mình làm đối tượng thử nghiệm.

Để rèn luyện những thói quen tốt, Franklin phát minh ra một cuốn sách ghi chép thường niên có thể dùng lại được, trong đó ông rèn luyện một đức tính mỗi tuần, ghi lại mỗi một lỗi bằng một chấm đen nhỏ. Phương pháp của ông gợi ý cho lý thuyết hành vi tâm lý sau này, còn cách thức ghi chép một cách có hệ thống của ông đã dự kiến phương pháp điều chỉnh hành vi của con người hiện đại. Phương cách tự hoàn thiện mình của Franklin hòa trộn niềm tin vào sự hoàn bích của thời Khai sáng cùng với tập quán đạo đức tự xét mình của tín đồ Thanh giáo.

Franklin đã thấy rõ từ rất sớm, sáng tác là cách tốt nhất hoàn thiện ý tưởng của mình, và vì vậy ông chú tâm hoàn thiện phong cách viết văn xuôi uyển chuyển của mình, không lấy nó làm mục đích tự thân mà biến nó thành phương tiện. “Hãy viết cho những người có học. Và nói thành lời với người bình dân”, ông khuyên. Là một nhà khoa học, ông nghe theo lời khuyên của Hiệp hội khoa học Hoàng gia năm 1667 sử dụng một cách nói tự nhiên, gần gũi và bộc trực; những cách diễn đạt hay rõ nghĩa, đơn giản một cách tự nhiên, càng gần với sự giản đơn toán học càng tốt”.

Mặc dù giàu có và nổi tiếng, Franklin có đầu óc dân chủ, và ông còn là một nhân vật quan trọng tham gia vào việc xây dựng Hiến pháp Mỹ. Trong những năm cuối đời, ông là chủ tịch một hiệp hội chống chế độ nô lệ. Một trong những nỗ lực cuối cùng của ông là phổ cập giáo dục cho công chúng.

Hector St. John de Crèvecoeur 

(1735 - 1813)

Một tác gia tiêu biểu khác của thời kỳ Khai sáng là Hector St. John de Crèvecoeur, tác giả cuốn Letters from an American Farmer (Thư từ của một điền chủ Mỹ - 1782) đã đem đến cho người dân Cựu lục địa cái ý tưởng về những cơ hội có được một cuộc sống thanh bình, giàu sang và niềm kiêu hãnh tại Mỹ. Không phải là người Mỹ di cư, cũng chẳng phải là nông dân, Crèvecoeur là một nhà quý tộc Pháp sở hữu một trang trại ngoại ô New York trước Cách mạng. Ông nhiệt thành ca ngợi lòng hăng say lao động, đức tính khoan dung độ lượng và sự thịnh vượng không ngừng gia tăng của người dân thuộc địa, trong 12 lá thư mô tả nước Mỹ như là thiên đường của nhà nông -một sự tiên lượng đã khích lệ Thomas Jefferson, Ralph Waldo Emerson và nhiều tác gia khác cho mãi tới ngày nay.

Crèvecoeur là người châu Âu đầu tiên có công xây dựng một quan điểm hợp lý rất Mỹ và một tính cách Mỹ mới mẻ. Ông cũng là người đầu tiên đưa ra hình ảnh biểu trưng về nước Mỹ -một “melting pot” (một đất nước của mọi chủng tộc, mọi màu da, mọi giống người). Trong một đoạn văn nổi tiếng ông hỏi:

Thế thì người Mỹ là gì, con người mới này là ai? Anh ta đến từ châu Âu không thì cũng là con cháu của người châu Âu, kết quả là sự pha trộn máu huyết lạ lùng đó, bạn sẽ không tìm thấy ở một đất nước nào khác. Tôi có thể chỉ cho bạn một gia đình mà ông nội là người Anh, bà nội là người Hà Lan, con của họ lấy vợ người Pháp. Và rồi bốn đứa con trai của bà vợ Pháp lấy bốn bà vợ từ bốn quốc gia khác nhau... Ở đây những cá nhân của tất cả các đất nước được hòa trộn thành một giống dân mới, mà sức lao động và hậu duệ của họ một ngày nào đó sẽ tạo nên những thay đổi trên thế giới.

SÁCH PAMPHLET(

[2]

Thomas Paine 

(1737 -1809)

Lòng say mê văn học Cách mạng được thể hiện đậm nét trong những tập sách mỏng, một hình thức phổ biến nhất của văn chương chính trị trong thời đó.

Hơn 2000 tập sách pamphlet được xuất bản trong thời kỳ Cách mạng. Những tập sách này mê hoặc những người yêu nước và đe dọa những người trung thành với mẫu quốc. Chúng có vai trò của sân khấu, vì thường được đọc lớn giữa nơi công cộng để khích lệ, cổ động và tuyên truyền khán giả. Binh lính Mỹ đọc chúng thành tiếng trong doanh trại; còn những người trung thành với Vương triều Anh thì ném chúng vào lửa.

Tập sách Common Sense (Ý thức công dân) của Thomas Paine bán được hơn 100 ngàn bản trong 3 tháng đầu xuất hiện. Nó vẫn còn khơi dậy tình yêu nước cho đến tận ngày nay. “Chính nghĩa của nước Mỹ chủ yếu là chính nghĩa của toàn nhân loại”, Paine viết, gióng lên tiếng nói của ý tưởng về chủ thuyết đặc thù Mỹ vẫn còn rất mạnh ở Mỹ -rằng trong một ý nghĩa cơ bản nào đó - vì nước Mỹ là một thể nghiệm dân chủ và là một đất nước có chủ trương mở rộng cửa cho mọi cuộc di dân nên số phận nước Mỹ báo trước số phận của nhân loại nói chung.

Những bài viết tuyên truyền chính trị trong một nền dân chủ phải thật đơn giản, rõ ràng để thu hút cử tri. Và để có được những cử tri hiểu biết, giáo dục phổ cập được đẩy mạnh bởi nhiều nhà tiên phong. Một dấu hiệu của sự khởi sắc trong đời sống văn chương rõ ràng là nhờ sự nở rộ của báo chí. Trong thời kỳ Cách mạng, người ta đọc báo nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Một văn phong đơn giản, trong sáng, súc tích rất cần thiết đối với mọi người dân nhập cư, vì tiếng Anh sẽ là ngôn ngữ thứ hai của họ. Bản thảo viết tay lần đầu Tuyên ngôn độc lập của Thomas Jefferson rất rõ ràng, lập luận chặt chẽ; những sửa đổi của Ủy ban giúp việc còn làm cho nó thậm chí đơn giản hơn. The Federalist Papers (Những tiểu luận của Phái Liên bang), được viết ra để hỗ trợ Hiến pháp, là một áng văn trong sáng với những lập luận logic phù hợp với các cuộc tranh luận trong một quốc gia dân chủ.

CHỦ NGHĨA TÂN CỔ ĐIỂN: SỬ THI, SỬ THI CHÂM BIẾM VÀ TRÀO PHÚNG

Thật không may, cái được gọi là “văn chương” lại không đơn giản và trực diện như các bài viết chính trị. Trong nỗ lực sáng tác thi ca, hầu hết những nhà thơ thông thái đều vấp vào cái bẫy tao nhã của chủ nghĩa Tân cổ điển. Đặc biệt, sử thi có một sự quyến rũ chết người. Các nhà thơ Mỹ giàu lòng ái quốc chắc chắn rằng tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Mỹ chỉ có thể được thể hiện tương ứng trong sử thi -một loại truyện thơ dài đầy kịch tính sử dụng ngôn ngữ trang trọng ca ngợi những hành động phi thường của một anh hùng huyền thoại.

Nhiều tác giả đã thử viết nhưng không ai thành công. Timothy Dwight (1752-1817), một người trong nhóm những nhà văn được gọi là “The Hartfort Wits” (Những nhà thông thái Hartfort), là một ví dụ. Dwight sau này trở thành hiệu trưởng Đại học Yale, dựa vào câu chuyện về cuộc đấu tranh của Joshua đến miền Đất Hứa trong Kinh thánh để viết sử thi The Conquest of Canaan (Cuộc chinh phục vùng Canaan(

[3]

) - 1785) của mình. Trong sử thi này, Dwight đã lồng hình ảnh tướng Washington, chỉ huy quân đội Mỹ và về sau trở thành Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ vào nhân vật Joshua trong truyền thuyết và ông đã vay mượn hình thức cặp câu mà Alexander Pope dùng để dịch Homer. Sử thi của Dwight vừa nhàm chán vừa đầy tham vọng. Các nhà phê bình Anh thẳng tay sổ toẹt, ngay cả bạn bè của Dwight, như là John Trembull (1750 -1831) cũng chẳng nhiệt tình bảo vệ. Có quá nhiều sấm chớp rền vang trong những cảnh chiến trận đầy kịch tính và khiên cưỡng đến nỗi Trembull đề nghị tập sử thi nên có thêm những cột thu lôi.

Nên không có gì ngạc nhiên khi loại thi ca châm biếm có đất dụng võ hơn thi ca nghiêm túc trên. Thể loại sử thi châm biếm khuyến khích các thi sĩ Mỹ sử dụng tiếng nói tự nhiên của họ và không khuyến dụ họ rơi vào vũng lầy những tình cảm ái quốc vừa đao to búa lớn vừa có thể đoán được đầy những hình dung từ trong thi ca ước lệ thiếu bản sắc từ thời cổ đại Hy Lạp với nhà thơ Homer, thời La Mã với thi sĩ Virgil qua cách biểu đạt của các nhà thơ Anh.

Trong M’Fingal (1776-1782), một sử thi trào tiếu vui nhộn của John Trembull, loại văn phong đầy ắp những xúc cảm truyền thống và ước lệ lại chính là vũ khí cho sự trào phúng lành mạnh và chính lối hùng biện khoa trương trong thời Cách mạng bị chế nhạo. Dựa vào khuôn mẫu của tập thơ Hudibras của nhà thơ Anh Samuel Butler, tập sử thi đã cười nhạo một người trung thành với Mẫu quốc, M’Fingal. Tác phẩm thường rất hàm súc như khi ghi nhận về những tên tội phạm đối mặt với giá treo cổ.

Chẳng có ai đứng dưới giá treo cổ 

Lại có ý nghĩ tốt đẹp về luật pháp. 

M’Fingal được tái bản tới 30 lần, được in đi in lại trong vòng nửa thế kỷ, được đánh giá cao cả ở Anh lẫn ở Mỹ. Văn trào phúng thu hút đông đảo độc giả thời Cách mạng một phần bởi nó chứa đựng những lời bình phẩm và phê phán xã hội. Những đề tài chính trị và những vấn đề xã hội là những nội dung chính trong thời kỳ này. Vở hài kịch đầu tiên của Mỹ The Contrast (Sự tương phản) của Royall Tyler (1757 -1826) là một sự tương phản nực cười giữa Đại tá Manly, một sĩ quan Mỹ, và Dimple, một người Anh học đòi. Lẽ dĩ nhiên, nhân vật Dimple được dàn dựng trông hết sức lố bịch. Vở kịch đã giới thiệu một tính cách Yankee(

[4]

) đầu tiên, nhân vật Jonathan.

Một tác phẩm châm biếm khác, cuốn tiểu thuyết Modern Chivalry (Chàng hiệp sĩ thời nay), do Hugh Henry Brackenridge xuất bản từng phần từ 1792 đến 1815, đả kích những biểu hiện thái quá của người đương thời một cách đầy ấn tượng. Brackenridge (1748 -1816), một người gốc Scotland di cư và lớn lên ở vùng biên giới Mỹ, đã xây dựng cuốn tiểu thuyết phiêu lưu khổng lồ của mình trên hình tượng hiệp sĩ Don Quixote để mô tả những bất hạnh của đại úy Farrago và người đầy tớ Teague O’Regan ngu đần, thô lỗ nhưng đầy nhân tính.

NHÀ THƠ CỦA THỜI KỲ CÁCH MẠNG

Philip Freneau 

(1752 -1832)

Philip Freneau là thi sĩ đã kết hợp những rung động mới mẻ của chủ nghĩa lãng mạn châu Âu, và cũng thoát ly khỏi tính chất mô phỏng chung chung mơ hồ của nhóm The Hartford Wits. Cái điều dẫn đến cả thành công lẫn thất bại của ông chính là tinh thần say mê dân chủ kết hợp với cá tính cứng nhắc.

Chẳng có gì để nghi ngờ tinh thần yêu nước nhiệt thành của nhóm The Hartford Wits, họ phản ánh quan niệm bảo thủ văn hóa nói chung của những tầng lớp trí thức. Freneau căm ghét thái độ ngoan cố của đám trung thành với Mẫu quốc, phê phán lối viết quý tộc, thuần túy tư biện ở Hartford, thái độ bảo hoàng và sự phân biệt đẳng cấp của họ. Mặc dù Freneau rất uyên bác, thông kim bác cổ như bất kỳ một tác gia nào trong nhóm The Hartford Wits, ông dễ dàng hội nhập với làn sóng tự do, dân chủ.

Là một người theo phái Huguenote (Tin lành tiến bộ Pháp), Freneau tham gia vào cuộc chiến tranh cách mạng với tư cách là một dân quân tự vệ. Vào năm 1780, ông bị bắt và bị giam giữ trong hai chiếc tàu của Anh, nơi ông suýt chết trước khi gia đình xoay xở giải thoát được cho ông. Bài thơ của ông The British Prison Ship (Con tàu nhà tù của bọn Anh) là một lời kết án cay đắng sự độc ác của người Anh “những người muốn nhuộm cả thế giới này bằng máu”. Bài thơ này và những tác phẩm cách mạng khác bao gồm: Eutaw Springs (Mùa xuân ở Eutaw), American Liberty (Tự do Mỹ), A Political Litany (Sách kinh chính trị), A Midnight Consultation(Cuộc hội đàm lúc nửa đêm), George the Third’s Soliloquy (Đoạn độc thoại của George đệ Tam) đã mang đến cho ông danh hiệu “Nhà thơ của cuộc cách mạng Mỹ”.

Freneau làm biên tập cho nhiều tờ báo, suốt đời dành nhiệt huyết cho lý tưởng vĩ đại về một nền dân chủ. Khi Thomas Jefferson giúp ông lập nên tờ National Gazette chiến đấu, chống phái Liên bang(

[5]

) năm 1791, Freneau trở thành người chủ bút đầy sức mạnh và có tinh thần đấu tranh không khoan nhượng nhất ở Mỹ, và là người tiền nhiệm của hàng loạt tên tuổi lừng danh như William Cullen Bryant, William Lloyd Garrison và H. L. Mencken.

Là một nhà thơ và chủ bút, Freneau gắn bó với lý tưởng dân chủ của mình. Những bài thơ nổi tiếng của ông đăng tải trên báo là để cho độc giả bình dân, với âm hưởng chủ đạo là ngợi ca những vấn đề của người Mỹ. Bài thơ Virtue of Tobacco (Lợi ích cây thuốc lá) đề cập đến cây thuốc lá địa phương, nguồn sống của nền kinh tế miền Nam, còn bài thơ The Jug of Rum (Rượu mạnh) ca tụng loại rượu này ở miền West Indies, một mặt hàng quan trọng của nền thương mại non trẻ Mỹ và là mặt hàng xuất khẩu chính của Tân thế giới. Những con người Mỹ hết sức bình thường hiện diện trong bài The Pilot of Hatteras (Người phi công ở Hatteras) cũng như trong những bài thơ về những bác sĩ giả hiệu và những giáo sĩ lộng ngôn.

Freneau đã đạt đến phong cách bình dân tự nhiên thích hợp với nền dân chủ thật sự, nhưng ông cũng đồng thời vươn tới một phong cách trữ tình tân cổ điển cao nhã thể hiện rõ nét trong những bài thơ thường được tuyển chọn như là The Wild Honey Suckle (Hoa cố hương(

[6]

) - 1786), gợi lên hình ảnh về lùm cây nơi quê nhà ngào ngạt hương. Mãi cho đến những năm 1820 - thời điểm được coi là khởi đầu của văn học Phục hưng Mỹ, thi ca Mỹ mới vượt qua được những đỉnh cao mà Freneau đã đạt đến trước đó 40 năm.

Những cơ sở tăng cường cho thành tựu văn học trong tương lai đã được đặt nền móng từ những năm đầu tiên. Chủ nghĩa Dân tộc tạo nguồn cảm hứng cho các tác phẩm trong nhiều lãnh vực, dẫn đến một sức cảm thụ mới cho những gì mang tính cách Mỹ. Noah Webster (1758 - 1843) đã soạn một cuốn từ điển Mỹ, cũng là một học giả nổi tiếng và một người soạn sách chính tả quan trọng cho trường học. Cuốn sách dạy chính tả (Spelling Book) của ông bán ra hơn 100 triệu bản trong nhiều năm. Những cuốn từ điển Webster được cập nhật hóa vẫn còn mang tính chuẩn mực cho đến ngày nay. Cuốn American Geography (Địa lý Mỹ) do Jedidiah Morse biên soạn là một tác phẩm tham khảo rất nổi tiếng, đã góp phần nâng cao trình độ hiểu biết về chính vùng đất Mỹ vốn đã mênh mông lại luôn được mở rộng. Một số tác phẩm hay nhất mặc dù không thuần túy là tác phẩm văn chương của thời kỳ này là nhật ký của những người vừa là nhà định cư tiên phong vừa là nhà thám hiểm như là Meriwether Lewis (1774 - 1809) và Zebulon Pike (1779 - 1813), viết những câu chuyện về những cuộc thám hiểm khắp lãnh thổ Louisiana, phần đất mênh mông của lục địa Bắc Mỹ mà Thomas Jefferson đã mua lại của Napoléon năm 1803.

CÁC NHÀ VĂN VIẾT TIỂU THUYẾT

Những nhà văn viết tiểu thuyết đầu tiên được đại chúng ngày nay công nhận như Charles Brockden Brown, Washington Irving và James Fenimore Cooper đã sử dụng các chủ đề về Mỹ, các bối cảnh lịch sử, những đề tài về sự vô thường với giọng điệu mang màu sắc hoài niệm. Họ sử dụng nhiều thể loại văn xuôi, khởi xướng những hình thức mới và bằng nhiều cách thức mới mẻ dùng văn học làm nghề kiếm sống. Cùng với họ, văn học Mỹ bắt đầu được biết đến và thưởng thức ở đất Mỹ cũng như ở nước ngoài.

Charles Brockden Brown 

(1771 - 1810)

Được nhắc tới như nhà văn Mỹ chuyên nghiệp đầu tiên, Charles Brockden Brown lấy nguồn cảm hứng từ các nhà văn Anh như nữ sĩ Radcliffe và William Godwin (Radcliffe nổi tiếng với những cuốn tiểu thuyết kinh dị mang phong cách; Godwin là tiểu thuyết gia và là nhà cải cách xã hội, cũng là bố của Mary Sheller, người viết cuốn Frankernstein và lấy nhà thơ Percy Bysshe Shelley).

Bị thúc đẩy bởi sự đói nghèo, Brown vội vã phóng bút viết bốn cuốn tiểu thuyết hấp dẫn trong hai năm: Wieland (1798), Arthur Mervyn (1799),Ormond (1799) và Edgar Huntley (1799). Trong những cuốn này, ông phát triển một thể loại Gothic Mỹ. Tiểu thuyết mang phong cách là một thể loại thông dụng vào thời kỳ đó, đặc biệt thích nói về những bối cảnh hoang dã và kỳ lạ, về chiều sâu tâm lý bất ổn và những điều kỳ bí. Làm nền cho những câu chuyện đó là những tòa lâu đài hay tu viện hoang phế, đổ nát, những hồn ma, những điều bí mật huyền bí, những nhân vật gieo rắc nỗi kinh hoàng, những trinh nữ cô đơn tồn tại được nhờ vào trí thông minh và sức mạnh tâm linh của họ.

Ở vào giai đoạn hưng thịnh nhất, những cuốn tiểu thuyết như vậy đã đem lại cảm giác mạnh đầy hãi hùng và những ám ảnh ma thuật, cùng với những tìm kiếm sâu xa vào tâm hồn con người trong những trạng thái cực đoan. Các nhà phê bình cho rằng cảm quan trong các tiểu thuyết Gothic của Brown diễn đạt những âu lo sâu sắc về thể chế xã hội chưa hoàn chỉnh của một đất nước còn non trẻ.

Brown tái hiện những bối cảnh đặc biệt của nước Mỹ. Là một người giàu ý tưởng, ông đã kịch hóa những lý thuyết khoa học, phát triển một lý thuyết riêng về tiểu thuyết và ông đã đạt được những đỉnh cao văn chương mẫu mực mặc dù sống nghèo khổ. Dẫu có sai sót, những tác phẩm của ông có sức mạnh kinh người. Cùng với thời gian, ông được nhìn nhận là người mở đường cho các nhà văn lãng mạn như Edgar Allan Poe, Herman Melville và Nathaniel Hawthorne. Ông diễn tả những nỗi sợ hãi tiềm thức mà các nhà văn lạc quan thời Khai sáng cố tình lẩn tránh.

Washington Irving 

(1789 -1859)

Là con út trong một gia đình thương gia giàu có ở New York có tới 11 đứa con, Washington Irving từng là đại sứ ngoại giao và văn hóa ở châu Âu, giống như Benjamin Franklin và Nathaniel Hawthorne. Dù rất tài năng, có thể ông đã không trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, một cái nghề xét ra chẳng kiếm được bao nhiêu tiền, nếu không có một loạt biến cố ngẫu nhiên đưa đẩy ông đến với nghề viết lách. Qua bạn bè, ông đã xuất bản cuốn Sketch Book (Phác thảo - 1819-1820) cùng một lúc cả ở Anh lẫn Mỹ, nhận được bản quyền và nhuận bút ở cả hai nơi.

Trong cuốn Sketch Book của Geoffrye Crayon (bút hiệu của Irving) có 2 truyện đáng nhớ nhất là Rip Van Winkle và The Legend of Sleepy Hollow(Truyền thuyết về thung lũng Buồn ngủ). Từ “sketch” (phác thảo) mô tả một cách thích hợp văn phong tinh tế, trau chuốt tuy có phần phóng túng của Irving, và “crayon” nghĩa là “tranh chì màu” nói lên tài năng của một họa sĩ có khả năng sử dụng màu sắc, có thể sáng tạo những sắc độ phong phú và tinh tế và những hiệu quả gây xúc động. Trong cuốnSketch Book, ngòi bút của Irving đã biến dãy núi Catskill chạy dọc con sông Hudson phía bắc thành phố New York thành một vùng đất ma thuật, huyễn hoặc.

Độc giả Mỹ đón nhận cái “lịch sử” tưởng tượng về dãy núi Catskill của ông với lòng biết ơn, mặc dầu sự thật là (họ không được biết), ông đã vay mượn từ những câu chuyện ở Đức.

Dẫu vậy, Irving đã tặng nước Mỹ cái mà họ rất cần trong cái thế giới vật chất, hỗn mang của những năm đầu, đó là một cách liên hệ đầy tưởng tượng đến vùng đất mới.

Không một nhà văn nào đạt được thành công như Irving trong việc nhân cách hóa một vùng đất, đặt cho một cái tên, tạo ra một khuôn mặt và dựng lên một chuỗi huyền thoại về nó. Câu chuyện chàng Rip Van Winkle, ngủ suốt 20 năm, khi thức dậy để thấy thuộc địa đã giành được độc lập, đã biến thành một truyền thuyết dân gian. Nó được chuyển thể sang sân khấu, đi vào văn hóa truyền khẩu và dần dà được nhiều thế hệ người Mỹ chấp nhận như là một huyền thoại Mỹ đích thực.

Irving đã khám phá và đáp ứng yêu cầu về ý thức lịch sử của một quốc gia non trẻ. Rất nhiều tác phẩm của ông có thể được xem là những cố gắng hết mình để kiến tạo bộ mặt tinh thần của một quốc gia mới mẻ về nhiều mặt bằng cách sáng tạo lại lịch sử, trao cho nó hơi thở của sự sống và cùng với điều đó là cuộc sống tràn đầy sắc màu tưởng tượng. Irving có khuynh hướng chọn những đề tài chứa đựng nhiều kịch tính nhất trong lịch sử nước Mỹ: sự khám phá ra Tân thế giới, vị tổng thống và anh hùng dân tộc đầu tiên, cuộc chinh phục miền Tây. Tác phẩm đầu tay của ông History of New York (Lịch sử New York -1809) là một tác phẩm chói sáng, có tính trào phúng về thời kỳ New York còn là khu định cư do người Hà Lan thành lập. Cuốn sách được coi như là của tác giả Diedrich Knickerbocker (và kể từ đó nó là tên gọi chung cho bạn bè Irving và những nhà văn New York thời đó, trường phái “Knickerbocker”).

James Fenimore Cooper 

(1789 -1851)

Cũng như Irving, James Fenimore Cooper là nhà văn đã khơi dậy ý thức về quá khứ và gây dựng cho nó một môi trường và đặt cho nó một cái tên. Dầu vậy, người ta tìm thấy ở Cooper một truyền thuyết đầy sức mạnh về một thời vàng son và nỗi đau về sự mất mát đó. Trong khi Irving và những nhà văn Mỹ khác trước hoặc sau thời của ông lùng sục khắp châu Âu để tìm kiếm những huyền thoại, những lâu đài cổ và những đề tài vĩ đại, Cooper trung thành với huyền thoại cơ bản của nước Mỹ: rằng nó vĩnh cửu, cũng như sự hoang dã vậy. Lịch sử nước Mỹ là một sự xâm nhập vào sự vĩnh hằng; lịch sử châu Âu diễn ra ở Mỹ là một sự suy vong trong Vườn Địa đàng. Người ta lướt mắt qua chu kỳ sinh thái của tự nhiên chỉ là để hủy hoại nó: sự hoang dã biến mất trước mắt người Mỹ, chẳng còn dấu vết gì trước mắt thế hệ những người khai khẩn kế tiếp, như một phép lạ.

Đấy là cái nhìn cơ bản mang tính bi quan của Cooper trước sự tàn hủy chua xót của cõi hoang dã, vốn được xem là Vườn Địa đàng mới từng thu hút những người nhập cư đến đây trong buổi đầu.

Kinh nghiệm riêng đã cho phép Cooper có thể viết một cách sinh động về sự biến đổi của các vùng đất hoang dã và về những chủ đề khác như biển và những xung đột của các dân tộc có nền văn hóa khác nhau. Là con của một gia đình theo giáo phái Quaker, ông lớn lên trong một trang trại xa xôi của cha mình ở Otsego Lake (bây giờ là Cooperstown), giữa tiểu bang New York. Mặc dù vùng này tương đối yên bình khi Cooper còn niên thiếu, nó từng là nơi diễn ra cảnh tàn sát người Da đỏ. Cậu bé Fenimore Cooper gần như lớn lên trong một môi trường phong kiến. Cha ông, chánh án Cooper, cũng là một chủ đất và là một nhà lãnh đạo. Khi còn bé Cooper đã chứng kiến trận chiến giữa những người khai hoang và người Da đỏ. Sau này chính những người định cư Da trắng liều mạng đã xâm phạm đất đai của ông.

Natty Bumppo, một nhân vật nổi tiếng trong văn chương của Cooper, thể hiện quan điểm của ông về người khẩn hoang như một con người lịch lãm, một “nhà quý tộc từ trong máu” kiểu Jefferson. Vào đầu năm 1823, trong cuốn The Pioneers (Những người mở đất), Cooper đã bắt đầu khai sinh ra Bumppo. Natty là nhân vật người khai hoang đầu tiên trong văn học Mỹ và là tiền thân văn học của vô số chàng cao bồi và những anh hùng hảo hán vùng xa xôi hẻo lánh. Chàng ta là con người mang tự do cá nhân, chính trực, và được lý tưởng hóa - một con người còn tốt đẹp hơn cái xã hội mà anh ta bảo vệ. Nghèo, đơn độc nhưng rất mực trong sáng, anh ta là thước đo cho những giá trị đạo đức và là tiền thân cho nhân vật Billy Budd của Herman Melville và Huck Finn của Mark Twain.

Natty Bumppo được sáng tạo một phần dựa vào nguyên mẫu về một người Mỹ có công khai khẩn đất hoang - Daniel Boone - một người cũng theo phái Quaker như Cooper. Cũng như Boone, Natty Bumpo là một anh hùng hảo hán và hơn nữa là một người yêu hòa bình được một bộ tộc Da đỏ thừa nhận. Cả Boone và nhân vật Bumppo hư cấu đều yêu thiên nhiên và tự do. Họ liên tục di chuyển về hướng Tây để thoát khỏi làn sóng những người định cư kế tiếp mà họ đã đưa đường vào vùng đất hoang dã. Họ đã trở thành những huyền thoại ngay trong khi còn sống. Natty cũng có đời sống nội tâm sâu sắc, hết sức cao thượng và tràn đầy những khát vọng cao đẹp. Anh là chàng Hiệp sĩ Cơ đốc giáo trong những cuốn tiểu thuyết thời Trung cổ được đặt vào cánh rừng trinh nguyên và đất đai sỏi đá của châu Mỹ.

Sợi dây liên kết năm cuốn tiểu thuyết trong tuyển tập dưới cái tênLeather-Stocking Tales (Truyện kể về anh chàng đi bittất da) là kể về cuộc đời Natty Bumppo. Là thành quả tốt đẹp nhất của Cooper, chúng tạo nên một bộ sử thi bằng văn xuôi đồ sộ với bối cảnh là lục địa Bắc Mỹ, các bộ lạc Da đỏ là các nhân vật, những cuộc giao tranh vĩ đại, cuộc di dân Tây tiến là những sự kiện làm bối cảnh xã hội. Những cuốn tiểu thuyết đó đã làm sống lại một nước Mỹ tiên phong từ năm 1740 đến 1804.

Tác phẩm của Cooper đã khắc họa những đợt sóng liên tục của dòng người tìm kiếm những khu định cư mới ở biên giới: vùng hoang sơ nguyên thủy của người Da đỏ; sự xuất hiện những người Da trắng đầu tiên: những người dẫn đường, binh lính, nhà buôn, và những người đi mở rộng biên giới; rồi đến làn sóng những gia đình định cư nghèo khổ và thô lỗ; và sau cùng là tầng lớp trung lưu, cùng những người có nghề chuyên môn đầu tiên -quan tòa, thầy thuốc và chủ ngân hàng. Mỗi làn sóng đến sau lại thay thế làn sóng trước, người Da trắng chiếm đất của người Da đỏ, buộc họ phải rút sâu về phía Tây; những tầng lớp trung lưu “văn minh” xây dựng trường học, nhà thờ, và cả nhà tù xua đuổi đám người hạ lưu, sống theo lối tự do cá nhân - tuy có công trong cuộc chinh phục đất hoang -đi xa hơn nữa về hướng Tây để họ lại lần lượt thay thế người Da đỏ đã đến trước.

Trong khi tái hiện dòng người nhập cư vô tận, như một sự thật không thể khác được, Cooper đã nhìn thấy không chỉ những cái được mà còn cả những cái mất.

Tiểu thuyết của Cooper bộc lộ mâu thuẫn sâu sắc giữa cá nhân đơn độc và xã hội, giữa tự nhiên và văn hóa, giữa đời sống tâm linh và tôn giáo có tổ chức. Trong tác phẩm của Cooper, cả thế giới tự nhiên và người Da đỏ đều tốt đẹp từ trong bản chất -như thể đó là vương quốc hết sức văn minh gắn liền với những nhân vật có văn hóa nhất của ông. Nhân vật trung gian thường là những người định cư Da trắng nghèo khổ, tham lam, thất học, đa nghi và quá thô thiển để có thể thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên và những giá trị văn hóa, tinh thần. Cũng như Rudyard Kipling, E.M. Forster, Herman Merville, và những nhà quan sát nhạy cảm khác từng nhìn thấy cho rằng các nền văn hóa lớn rất đa dạng tác động lẫn nhau, Cooper là người theo chủ thuyết tương đối về văn hóa. Ông hiểu rằng chẳng có một nền văn hóa nào có độc quyền về đạo đức và trình độ nghệ thuật.

Cooper chấp nhận nét riêng trong điều kiện sống của nước Mỹ còn Irving thì không. Irving nhìn bối cảnh Mỹ như một người châu Âu - bằng cách du nhập và mô phỏng huyền thoại, văn hóa và lịch sử châu Âu. Cooper đã đi một bước xa hơn trong tiến trình này. Ông sáng tạo nên bối cảnh Mỹ, những chủ đề và nhân vật Mỹ đặc thù mới mẻ. Ông cũng là nhà văn đầu tiên mà tác phẩm vang lên âm hưởng bi kịch trở đi trở lại trong tiểu thuyết Mỹ.

VĂN CHƯƠNG CỦA PHỤ NỮ VÀ CÁC CỘNG ĐỒNG THIỂU SỐ

Mặc dù thời thuộc địa đã sản sinh một số nhà văn nữ đáng chú ý, kỷ nguyên Cách mạng đã không đẩy mạnh hơn sự nghiệp văn học của họ và các nhóm thiểu số dù cho nhiều trường học, tạp chí, nhật báo và câu lạc bộ văn học mọc lên ở khắp nơi. Những người phụ nữ thời thuộc địa như Anne Bradstreet, Anne Hutchinson, Ann Cotton và Sarah Kemble Knight đã có một ảnh hưởng trong văn học và xã hội đáng kể mặc cho những điều kiện sống sơ khai và nguy hiểm; trong 18 phụ nữ đến Mỹ trên con tàu Mayflower vào năm 1620, chỉ có 4 người sống sót qua năm đầu tiên. Vào cái thời mà một cơ thể khỏe mạnh được xem là quan trọng, và hoàn cảnh sống thì đầy biến động, một tài năng bẩm sinh có thể dễ dàng được thể hiện. Nhưng khi những thể chế văn hóa được thể thức hóa trong một nước cộng hòa mới mẻ, phụ nữ và cộng đồng thiểu số bị loại dần ra khỏi những thể chế đó.

Phillis Wheatley 

(khoảng 1753 - 1784)

Xét đến những điều kiện sống gian khổ trong buổi đầu ở Mỹ, trớ trêu thay, những bài thơ hay nhất của thời kỳ này lại là của một nữ nô lệ kiệt xuất. Tác giả Mỹ gốc Phi châu được liệt vào hàng quan trọng đầu tiên ở Hoa Kỳ là Phillis Wheatley sinh ở châu Phi và được đưa đến Boston, bang Massachusetts, khi bà chỉ mới khoảng 7 tuổi. Bà được một thợ may từ tâm và giàu có là John Wheatley mua về để hầu hạ vợ mình. Ông bà Wheatley nhận ra sự thông minh xuất chúng của Phillis và với sự giúp đỡ của người con gái của họ là Mary, Phillis đã học đọc và viết.

Các chủ đề trong thơ của Wheatley đều là tôn giáo và phong cách thơ của bà là Tân cổ điển cũng giống như phong cách của Philip Freneau. Trong số những bài thơ nổi tiếng nhất của bà, bài thơ To S.M, a Young African Painter, on Seeing His Works (Gửi S.M, họa sĩ trẻ Phi châu trong lần viếng thăm xưởng vẽ) là một bài thơ ca ngợi và khích lệ một tài năng Da đen khác, và cũng là một bài thơ ngắn thể hiện xúc cảm tôn giáo mạnh mẽ đã được gạn lọc qua kinh nghiệm cải giáo theo đạo Thiên Chúa của bà. Bài thơ này làm cho vài nhà phê bình đương thời cảm thấy khó chịu -những nhà phê bình Da trắng khó 61 chịu vì họ thấy nó ước lệ, và những nhà phê bình Da đen khó chịu vì bài thơ đã không chống lại sự phi đạo đức của chế độ nô lệ. Tuy nhiên bài thơ là một tâm sự chân thành, nó đối đầu với chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của người Da trắng và khẳng định quyền bình đẳng tâm linh. Như vậy, Wheatley là người đầu tiên phát biểu những vấn đề này một cách đầy tin tưởng trong thi ca. Như trong bài On Being Brought from Africa to America (Khi bị đem từ châu Phi sang Mỹ) có đoạn:

Ân huệ nào đã mang tôi từ mảnh đất vô thần 

Dạy tâm hồn tăm tối của tôi biết nhận thức.

Rằng có một Chúa trời và cũng có Đấng Cứu rỗi

Đã một thời tôi không biết và không kiếm tìm cứu vớt 

Có ai đó đã nhìn chúng tôi với ánh mắt khinh khi 

“Màu da chúng nhuộm màu của quỷ”

Xin hãy nhớ, các tín đồ Cơ Đốc, người Da đen, tăm tối như Cain(

[7]

Cũng có thể được thanh tẩy, và cùng đi chuyến tàu thiên sứ. 

CÁC NHÀ VĂN NỮ KHÁC

Nhiều nhà văn nữ thành đạt thời kỳ Cách mạng lại được chính các học giả ủng hộ nữ quyền khám phá. Susanna Rowson (khoảng 1762 - 1824) là một trong những tiểu thuyết gia chuyên nghiệp đầu tiên ở Mỹ. Di sản của bà gồm bảy tiểu thuyết trong đó cuốn thuộc vào loại bán chạy nhất làCharlotte Temple (Đền thờ Charlotte - 1791). Sách của bà nổi lên các chủ đề về quyền bình đẳng của phụ nữ, sự phá bỏ chế độ nô lệ, bà đã miêu tả người Mỹ Da đỏ với một sự kính trọng.

Một nhà văn khác bị chìm trong lãng quên suốt thời gian dài là Hannah Foster (1758 - 1840), tác giả cuốn tiểu thuyết ăn khách The Coquette(Đứa lẳng lơ - 1797) viết về một người phụ nữ trẻ bị xâu xé giữa đức hạnh và cám dỗ. Bị quyến rũ bởi một tu sĩ lạnh lùng rồi bị chính người đó khước từ, bỏ rơi, nàng sinh một đứa con rồi chết trong cô đơn.

Judith Sargent Murray (1751 - 1820) phải xuất bản sách dưới một cái tên nam giới để người ta chú ý một cách nghiêm túc đến tác phẩm của mình. Mercy Otis Warren (1728 -1814) là một nhà thơ, sử gia, nhà soạn kịch, nhà văn châm biếm và một người ái quốc. Bà tổ chức các cuộc nhóm họp thời kỳ tiền cách mạng tại nhà, công kích người Anh trong những vở kịch đặc sắc và viết bộ lịch sử tiến bộ đương thời duy nhất về cách mạng Mỹ.

Những lá thư giữa những người phụ nữ như bà Mercy Otis Warren và Abigail Adams, và những thư từ nói chung, là những tài liệu quan trọng về thời kỳ đó. Ví dụ, Abigail Adams viết cho chồng bà - John Adams (sau này là vị tổng thống thứ 2 của Mỹ) - vào năm 1776 yêu cầu sự độc lập của phụ nữ phải được bảo đảm trong hiến pháp tương lai của Hoa Kỳ.

[1]

 Gothic: Một loại tiểu thuyết xuất hiện vào cuối thế kỷ 18 chuyên viết về những chuyện bí hiểm, rùng rợn. Được gọi là Gothic bởi vì nó thường lấy bối cảnh ở các lâu đài, tu viện hoang phế, đổ nát thời Trung cổ với những đường hầm ngầm dưới mặt đất, những bức tường thành với những lỗ châu mai ám muội, những hội kín và những cánh cửa bí mật.

[2]

 Pamphlet: Theo định nghĩa của UNESCO là một ấn phẩm không đóng thành sách, xuất bản không định kỳ, không ngắn hơn 5 trang và không dài hơn 48 trang, dùng để tuyên truyền, cổ động hoặc nêu quan điểm, chính kiến về một vấn đề thời sự chính trị, xã hội được quần chúng quan tâm. Xuất hiện vào đầu thế kỷ 16 trong việc ủng hộ Cải cách tôn giáo, ngày nay, pamphlet được dùng như sách bướm nhằm cung cấp thông tin của các tổ chức chính phủ hay là các hiệp hội.

[3]

 Canaan: Vùng đất phía tây Palestine, được người Do Thái cổ tin rằng đó là Miền đất Hứa mà Chúa dành cho họ.

[4]

 Yankee: Một cái tên mà người miền Nam gọi người miền Bắc một cách giễu cợt.

[5]

 Phái Liên bang (Federalist) chủ trương dành nhiều quyền lực cho chính quyền liên bang.

[6]

 Về tựa của bài thơ này chúng tôi xin tạm đưa ra một cái tựa dựa vào nội dung của bài thơ.

[7]

 Cain: Trong Cựu ước, Cain là con trai trưởng của Adam và Eva, đã giết em trai của mình là Abel. Cain - một nông dân - đã hết sức giận dữ khi Chúa Trời cho phép Abel làm người chăn cừu nên đã giết em và bị Chúa đày đi biệt xứ.

Chương 3: Thời kỳ lãng mạng 1820-1860

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

NHỮNG CÂY BÚT TIỂU LUẬN VÀ CÁC THI SĨ

Chủ nghĩa lãng mạn, bắt nguồn từ Đức rồi nhanh chóng lan sang Anh, Pháp và xa hơn, rồi đến Mỹ khoảng năm 1820, trên dưới 20 năm sau khi William Wordsworth và Samuel Taylor Coleridge làm cuộc cách mạng thi ca Anh bằng việc xuất bản tập Lyrical Ballads (Thơ trữ tình). Ở Mỹ cũng như châu Âu thời đó, một quan điểm mới mẻ tươi tắn truyền đi như dòng điện trong giới nghệ sĩ, trí thức. Tuy vậy, cũng có một sự khác biệt quan trọng: chủ nghĩa lãng mạn ở Mỹ xảy ra cùng lúc với thời kỳ bành trướng quốc gia và sự khám phá giọng điệu riêng của nước Mỹ. Sự củng cố đặc trưng quốc gia và sự trỗi dậy của chủ nghĩa lý tưởng cùng với niềm đam mê chủ nghĩa lãng mạn đã nuôi dưỡng những kiệt tác của “thời Phục hưng Mỹ”.

Những tư tưởng lãng mạn tập trung quanh nghệ thuật như nguồn cảm hứng, như chiều kích thẩm mỹ và tâm linh của cõi tự nhiên và như những ẩn dụ về sự phát triển hữu cơ.

Những tác gia của chủ nghĩa Lãng mạn lý luận rằng nghệ thuật, chứ không phải khoa học, có thể diễn tả tốt nhất về chân lý phổ quát. Họ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật biểu hiện đối với mỗi cá nhân và xã hội. Trong tiểu luận The Poet (Nhà thơ - 1844) Ralph Waldo Emerson, có lẽ là tác giả có ảnh hưởng lớn nhất của thời kỳ Lãng mạn, khẳng định:

Con người ta sống bằng chân lý và có nhu cầu tự biểu hiện. Trong tình yêu, trong nghệ thuật, trong lòng tham, trong chính trị, trong lao động, trong vui đùa, chúng ta học để thốt ra những bí ẩn đau đớn của chúng ta. Con người chỉ là một nửa của mình, nửa kia chính là sự diễn đạt tư tưởng của anh ta. 

Sự phát triển cái tôi trở thành một chủ đề quan trọng; trong đó sự tự nhận thức là phương pháp cơ bản. Nếu theo lý luận của chủ nghĩa lãng mạn, cái tôi của con người và tự nhiên là một, thì sự tự biết mình không phải là mục đích hoàn toàn vị kỷ mà là một cách nhận thức có hướng mở ra cùng toàn thể vũ trụ.

Khi cái tôi của một người cũng hợp nhất làm một với toàn nhân loại thì khi ấy mỗi cá nhân có một bổn phận đạo đức trong việc cải tạo những bất bình đẳng trong xã hội và làm vơi đi nỗi khổ đau của con người. Bản ngã -cái tôi được các thế hệ trước cho là đầy tính vị kỷ đã được định nghĩa lại. Những từ kép mới với ý nghĩa tích cực đã xuất hiện: “tự nhận thức”, “tự biểu hiện”, “tự tín”. Khi cái tôi chủ quan đơn nhất trở nên quan trọng, thì lãnh địa tâm lý cũng trở thành quan yếu. Những kỹ thuật và hiệu quả mang tính nghệ thuật đặc biệt được phát triển để khơi dậy những trạng thái tâm lý cao cấp. Cái “siêu phàm” - hiệu quả của cái đẹp trong sự hùng vĩ (ví dụ, một cảnh quan nhìn từ một đỉnh núi) - đã tạo ra những cảm giác sợ hãi, tôn kính, choáng ngợp và sức mạnh vượt ra ngoài sự hiểu biết của con người.

Chủ nghĩa Lãng mạn chiếm ưu thế và thích hợp với hầu hết những nhà thơ và những nhà tiểu luận Mỹ. Rừng núi bao la, sa mạc vô tận và miền nhiệt đới mênh mông của nước Mỹ là hiện thân của cái “siêu phàm”. Tinh thần lãng mạn dường như đặc biệt thích hợp với nền dân chủ Mỹ: nó đề cao chủ nghĩa cá nhân, tôn vinh giá trị của con người bình thường, và hướng vào sự tưởng tượng đầy cảm hứng để tìm những giá trị thẩm mỹ và đạo đức. Chắc hẳn những tác giả theo chủ nghĩa siêu nghiệm ở New England: Ralph Waldo Emerson, Henry David Thoreau và bằng hữu của họ - đã được trào lưu Lãng mạn kích thích để vươn tới một sự khẳng định lạc quan và mới mẻ. New England chính là mảnh đất màu mỡ của hạt giống lãng mạn chủ nghĩa.

CHỦ NGHĨA SIÊU NGHIỆM

Phong trào Siêu nghiệm trong văn học là sự phản ứng chống lại chủ nghĩa Duy lý thế kỷ thứ 18 và là biểu hiện của khuynh hướng nhân bản trong các trào lưu tư tưởng thế kỷ thứ 19. Trào lưu này đặt nền tảng trên niềm tin cơ bản vào sự hợp nhất của Thế giới và Thượng đế. Linh hồn của mỗi cá nhân được xem là đồng dạng với vũ trụ - một tiểu vũ trụ trong đại vũ trụ. Học thuyết về tự - tin - cậy và chủ nghĩa cá nhân đã phát triển thông qua niềm tin vào sự đồng nhất của linh hồn mỗi con người với Thượng đế.

Trào lưu Siêu nghiệm gắn bó mật thiết với Concord, một làng nhỏ ở New England cách Boston 32km về phía tây. Concord là vùng định cư sâu trong đất liền đầu tiên của thuộc địa Vịnh Massachusetts buổi ban đầu. Được rừng cây bao quanh, nó đã và vẫn là một thị trấn thanh bình đủ gần để có thể tiếp xúc với những bài giảng, những hiệu sách và những trường đại học ở Boston để có thể gặt hái thật nhiều quả ngọt tri thức, nhưng cũng đủ xa để giữ được sự thanh khiết. Concord cũng là nơi xảy ra cuộc chiến đầu tiên của cách mạng Hoa Kỳ và bài thơ của Ralph Waldo Emerson tưởng nhớ về trận chiến đó, Concord Hymn (Bản tụng ca Concord), có một khổ thơ mở đầu nổi tiếng trong văn học Mỹ:

Bên chiếc cầu thô sơ bắc ngang dòng nước 

Lá cờ bay trong gió tháng Tư

Đã có thời ở đây người nông dân đứng lên chiến đấu 

Tiếng súng của họ vang lên trên khắp địa cầu. 

Concord là lãnh địa thôn dã đầu tiên của các nghệ sĩ Mỹ và là nơi đầu tiên cống hiến một chọn lựa tinh thần và văn hóa cho chủ nghĩa vật chất Mỹ. Nó cũng là nơi diễn ra các cuộc đàm luận tư tưởng và cuộc sống giản đơn đạm bạc (cả Emerson lẫn Henry David Thoreau đều tự trồng rau). Emerson đến Concord năm 1834, và Thoreau là những người gắn bó nhất với thị trấn này, nhưng địa danh này cũng lôi cuốn cả nhà văn Nathaniel Hawthorne, nhà văn đấu tranh cho nữ quyền Margaret Fuller, nhà giáo dục (và là cha của nhà văn Louisa May Alcott) Bronson Alcott, và nhà thơ William Ellery Channing. Câu lạc bộ Siêu nghiệm được tổ chức một cách rất thoáng đạt vào 1836 và bao gồm, ở nhiều thời điểm, Emerson, Thoreau, Fuller, Channing, Bronson Alcott, Orestes Brownson (một mục sư hàng đầu), Theodore Parker (một mục sư ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ) và những người khác.

Những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm xuất bản một tạp chí ra hàng quý, tờ The Dial, tồn tại được 4 năm. Margaret Fuller làm chủ bút đầu tiên và về sau là Emerson. Họ dấn thân cả vào lĩnh vực cải cách xã hội cũng như văn học. Một số người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ, và một số tham gia vào các cộng đồng của chủ nghĩa xã hội không tưởng thử nghiệm, chẳng hạn như Brook Farm (Trại Brook) ở gần đấy (được Hawthorne mô tả trong cuốn The Blithedale Romance(Khúc ca thung lũng hạnh phúc) và Fruilands.

Khác với nhiều nhà văn châu Âu, các nhà văn theo phái Siêu nghiệm không đưa ra một bản tuyên ngôn nào. Họ vẫn duy trì quan điểm về những khác biệt cá nhân - về kiến quan độc đáo của cá nhân. Về mặt này, các nhà văn lãng mạn Siêu nghiệm Mỹ đẩy chủ nghĩa cá nhân tiến bộ đến cực điểm. Các nhà văn Mỹ thường xem mình là những người thám hiểm đơn độc bên ngoài cơ cấu và quy ước xã hội. Người hùng Mỹ - như thuyền trưởng Ahab của Herman Melville, Huck Finn của Mark Twain hay Arthur Gordon Pym của Edgar Allan Poe - thường đương đầu với hiểm nguy, thậm chí với cả sự hủy diệt, trong việc theo đuổi sự tìm kiếm bản thân mang tính chất siêu hình. Đối với các nhà văn lãng mạn Mỹ chẳng có gì là điều chắc chắn. Những quy ước trong văn học và xã hội, chẳng mảy may có ích lợi gì, lại nguy hiểm. Một áp lực khổng lồ thúc bách các nhà văn khám phá ra một hình thức, nội dung và tiếng nói cho một nền văn học đích thực - tất cả đều cùng một lúc. Rõ ràng, nhiều kiệt tác sản sinh ra trong 3 thập kỷ trước cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865) là kết quả của việc các nhà văn Mỹ vươn lên đối đầu với thử thách.

Ralph Waldo Emerson 

(1803 - 1882)

Ralph Waldo Emerson, nhân vật hàng đầu trong thời kỳ của ông, đã có ý thức về một sứ mệnh có ý nghĩa tôn giáo. Mặc dù nhiều người lên án ông là đã phá hoại Thiên Chúa giáo, ông giải thích rằng, với ông “để phụng sự Chúa tốt hơn ông cần phải ra khỏi nhà thờ”. Bài diễn văn ông đọc năm 1838 ở trường học của mình, trường Harvard Divinity (Harvard Hiển Linh) khiến ông lại cấm cửa suốt 30 năm. Trong bài này, Emerson kết tội Giáo hội là đã hành xử “như thể Chúa đã chết” và đã nhấn mạnh các giáo điều đồng thời bóp nghẹt đời sống tinh thần của con người.

Triết lý của Emerson được gọi là triết lý ngược, và đúng là ông đã có ý thức tránh xây dựng một hệ thống lý luận logic vì một hệ thống duy lý như thế sẽ phủ nhận niềm tin lãng mạn của ông vào trực giác và tính bất định của tâm hồn con người. Trong tiểu luận Self-Reliance (Tự tin vào mình) của ông, Emerson nhấn mạnh: “Sự kiên định ngu si là lũ quỷ trong những đầu óc bé nhỏ”. Tuy vậy, ông đã kiên định một cách phi thường trong lời kêu gọi khai sinh chủ nghĩa cá nhân Mỹ, lấy tự nhiên làm cảm hứng sáng tạo. Hầu hết những ý tưởng chủ đạo của ông: nhu cầu về một tầm nhìn quốc gia có tính đổi mới, phát huy các kinh nghiệm cá nhân, khái niệm Linh-Hồn-Toàn- Năng của vũ trụ và chủ thuyết đền bù, được đề cập đến trong tác phẩm đầu tiên của ông, Nature (Tự nhiên - 1836). Tiểu luận này được mở đầu như sau:

Thời đại chúng ta đang quay nhìn lại quá khứ. Nó xây lăng tẩm cho thế hệ cha ông. Nó viết tiểu sử, lịch sử và phê bình. Những thế hệ đi trước chiêm ngưỡng Thượng đế và thiên nhiên một cách trực diện, còn chúng ta nhìn Thiên nhiên và Thượng đế qua cái nhìn của họ. Tại sao chúng ta lại không sẵn lòng trong mối quan hệ nguyên sơ với vũ trụ? Tại sao chúng ta lại không có loại thi ca kiến giải nội tâm mà không đi theo truyền thống, và một tôn giáo mặc khải cho chúng ta, chứ không phải lịch sử của các tôn giáo và truyền thống của họ. Được bao bọc suốt một mùa bởi thiên nhiên, những cơn lũ của dòng đời tuôn trào, tràn qua chúng ta, dùng hết quyền năng dồi dào của chúng để mời gọi chúng ta hành động hài hòa với tự nhiên, vậy thì tại sao chúng ta lại dò dẫm trong đám xương khô của quá khứ...? Ngày hôm nay mặt trời vẫn soi sáng. Ngoài kia trên cánh đồng có thêm nhiều len và bông. Có thêm những miền đất mới, những con người mới, những tư tưởng mới. Chúng ta hãy yêu cầu có được những tác phẩm, những luật lệ và sự tôn thờ của riêng ta. 

Emerson yêu thích Montaigne, một thiên tài trác tuyệt người Pháp thế kỷ 16, chuyên viết tiểu luận. Ông đã từng nói với Bronson Alcott rằng ông muốn viết một cuốn sách giống như cuốn sách của Montaigne “đầy chất thơ, tràn ngập niềm vui, thần tính, triết lý, dụ ngôn và các truyện thông tục”. Ông trách cứ rằng văn phong trừu tượng của Alcott đã bỏ đi “cái ánh sáng lấp lánh trên nón của con người, và trên cái thìa của một đứa bé”.

Kiến quan tâm linh và cách diễn đạt vừa thâm thúy sâu sắc vừa thực tiễn khiến cho văn Emerson sinh động, đầy phấn khích. Một trong những nhà văn theo phái Siêu nghiệm ở Concord đã so sánh rất hay giữa việc nghe ông nói chuyện với cảm giác “vọt một phát lên tới trời”. Phần lớn những kiến giải tâm linh của ông bắt nguồn từ việc nghiên cứu tôn giáo phương Đông, đặc biệt là Ấn Độ giáo, Khổng giáo và Đạo thần bí Hồi giáo (Sufi). Ví dụ, bài thơ Brahma của ông dựa trên nguồn gốc Ấn giáo để khẳng định trật tự của vũ trụ là vượt khỏi cảm quan giới hạn của con người có sinh có tử.

Nếu kẻ sát nhân hung ác biết hắn đang chém giết 

Hay người bị tàn sát biết mình bị hại 

Họ không hay biết những con đường huyền ảo 

Tôi đã giữ, đã vượt qua, và rồi quay trở lại.

Cả những gì xa xôi, bị quên lãng với tôi đều quen thuộc 

Bóng tối và ánh sáng, có gì đâu, là một 

Những thiên thần biến đi lại trở lại tôi; 

Nỗi ô nhục, niềm vinh quang với tôi cũng là một mà thôi

Họ đã nghĩ xấu và rời bỏ tôi

Khi họ bay đi, tôi chính là đôi cánh;

Tôi - kẻ nghi ngờ và mối hiềm nghi,

Tôi là khúc tụng ca vị giáo sĩ ngân nga

Những thần linh oai vũ mong muốn chốn trú ngụ của tôi 

Và ước ao vô vọng về Bảy Đấng thiêng liêng. 

Nhưng em, người yêu dịu hiền của điều thiện 

Hãy tìm tôi, và cùng quay lưng lại với Thiên đường. 

Bài thơ này, in trong số đầu tiên của tạp chí Atlantic Monthly (1857), làm cho độc giả bối rối ngỡ ngàng bởi Brahma, vị thần Ấn Độ giáo cao nhất, linh hồn vĩnh cửu và vô tận của vũ trụ còn xa lạ với họ. Emerson khuyên độc giả của mình: “Hãy bảo họ đọc tên Jehovah thay cho Brahma”.

Nhà phê bình người Anh Matthew Arnold nói rằng những tác phẩm quan trọng nhất viết bằng tiếng Anh của thế kỷ 19 là những bài thơ của Wordsworth và những tiểu luận của Emerson. Là một nhà thơ - văn xuôi vĩ đại, Emerson đã có ảnh hưởng lớn đến một loạt các nhà thơ Mỹ, bao gồm Walt Whitman, Emily Dickinson, Edwin Arlington Robinson, Wallace Stevens, Hart Crane, và Robert Frost. Ông cũng được thừa nhận là người ảnh hưởng đến tư tưởng triết học của John Dewey, George Santayana, Friedrich Nietzsche và William James.

Henry David Thoreau 

(1817 - 1862)

Henry David Thoreau, có dòng máu Pháp và Scotland, sinh ở Concord và chọn nơi đây làm chốn định cư. Xuất thân từ một gia đình nghèo, cũng như Emerson, ông vừa làm việc vừa học Đại học Harvard. Trong suốt cuộc đời mình, ông giảm thiểu nhu cầu của mình đến mức đơn giản nhất và xoay xở để sống với một số tiền ít ỏi, vì vậy duy trì được sự độc lập của mình. Thực chất, ông đã sống bằng chính nghề của mình.

Là một người theo chủ nghĩa khắc kỷ, ông cố gắng thực hiện những nguyên tắc sống cứng rắn trong mọi thời điểm của cuộc đời. Nỗ lực này là chủ đề cho nhiều tác phẩm của ông.

Kiệt tác của Thoreau, Walden, hay là Life in the Woods (Cuộc sống trong rừng 1854), tổng kết 2 năm, 2 tháng và 2 ngày (từ 1845 -1847) sống trong một túp lều ông dựng lên ở Walden Pond (Hồ Walden) trên phần đất Emerson sở hữu. Trong cuốn Walden, Thoreau cố ý dồn khoảng thời gian trên vào một năm, và cuốn sách được cấu trúc một cách chu đáo để các mùa trong năm xuất hiện đúng theo tuần tự một cách tinh tế. Cuốn sách cũng được sắp xếp sao cho những điều quan tâm trần tục đơn giản nhất xuất hiện trước (trong phần gọi là 73 “kinh tế”, ông mô tả chi phí xây dựng một túp lều); khi kết thúc, cuốn sách tiến đến sự chiêm nghiệm về các vì tinh tú.

Trong cuốn Walden, Thoreau, người yêu thích sách du ký và là tác giả nhiều cuốn du ký cho chúng ta một cuốn sách phản du ký đã khai mở một cách nghịch lý biên giới nội tâm của sự tự khám phá, một điều không một cuốn sách nào ở Mỹ làm được cho đến thời điểm đó. Cuốn sách cũng có vẻ khiêm tốn như cuộc đời khổ hạnh của Thoreau, nó không gì hơn là một cuốn cẩm nang để sống theo cái lý tưởng cổ điển về một cuộc sống tốt đẹp. Vừa là thơ ca và triết học, cuốn tiểu luận dài, giàu chất thơ này kêu gọi độc giả xét lại đời mình và sống cuộc đời đó một cách thực sự. Việc xây dựng một túp lều được mô tả chi tiết, là một ẩn dụ cụ thể cho việc xây dựng linh hồn một cách cẩn trọng. Trong nhật ký của mình ngày 30 tháng Giêng 1852, Thoreau giải thích niềm yêu thích muốn sống cắm rễ sâu vào một mảnh đất: Tôi sợ đi đó đi đây nhiều hoặc đến những nơi danh thắng, vì e rằng nó sẽ làm thương tổn hoàn toàn trí óc.

Cách sống ẩn dật và tập trung tư tưởng của Thoreau giống như phương pháp Thiền định ở châu Á. Sự tương đồng đó không phải là tình cờ; cũng như Emerson và Whitman, ông bị ảnh hưởng bởi triết học Ấn Độ giáo và Phật giáo. Tài sản quý giá nhất của ông là thư viện gồm những tác phẩm kinh điển của châu Á, sở hữu chung của ông và Emerson. Văn phong chiết trung của ông chọn lọc từ những tác phẩm kinh điển Hy Lạp và Latin thì trong sáng như pha lê, sử dụng biện pháp chơi chữ và giàu ẩn dụ như những tác giả siêu hình Anh vào cuối thời Phục hưng.

Trong tác phẩm Walden, Thoreau không chỉ kiểm chứng những lý thuyết của chủ nghĩa Siêu nghiệm; ông tái biểu hiện lại kinh nghiệm chung của nước Mỹ hồi thế kỷ 19: cuộc sống ở nơi hoang vu. Thoreau cảm thấy rằng sự đóng góp của ông có thể sẽ làm sống lại nhận thức về tự nhiên hoang dã trong địa hạt ngôn ngữ. Nhật ký của ông có một phần không ghi ngày tháng vào năm 1851 như sau:

Văn học Anh, từ thời của những người hát rong trung cổ cho đến những nhà thơ Hồ[1], gồm cả Chaucer, Spenser, Shakespeare và Milton, không hề có giọng điệu mới mẻ và, theo cái nghĩa này, không có hơi hướng hoang dại chút nào. Nó chủ yếu là một nền văn học đã thuần tinh và gọt giũa, phản ánh văn minh Hy-La. Tính cách hoang dã của nó chỉ ở mức một cánh rừng xanh, con người hoang dã chỉ là Robin Hood, có rất nhiều tình yêu tràn trề đối với thiên nhiên trong các nhà thơ xứ này, nhưng trong chính nền văn học Anh lại vắng bóng dáng của thiên nhiên. Những cuốn biên niên sử của nó cho ta biết lúc nào những con thú hoang của nó, chứ không phải nhữngcon người hoang dã trong nó, bị tuyệt chủng. Đó là điều nước Mỹ cần phải biết. 

Walden tạo nguồn cảm hứng cho William Butler Yeats, một người Ireland nhiệt thành theo chủ nghĩa dân tộc, viết bài thơ The Lake Isle of Innisfree(Hồ trên đảo Innisfree), còn bài tiểu luận Civil Disobedience (Sự bất tuân dân sự) của Thoreau, với lý thuyết phản kháng thụ động dựa trên nhu cầu đạo đức cho phép cá nhân công chính bất tuân thứ pháp luật bất công, là nền tảng tinh thần cho phong trào đấu tranh giành độc lập ở Ấn Độ của Mahatma Gandhi và cuộc đấu tranh nhân quyền cho người Mỹ Da đen vào thế kỷ 20 của Martin Luther King.

Cho đến nay, Thoreau là tác giả được ưa thích nhất trong số những người theo chủ nghĩa Siêu nghiệm bởi ý thức về môi sinh, quan điểm độc lập chỉ trông cậy vào bản thân, yêu cầu (1) Các nhà thơ Hồ (Lake Poets): nhóm nhà thơ Anh sống ở quận Lake, gồm có: Wordsworth, Coleridge và Southey... có tính cách đạo đức với việc bãi bỏ chế độ nô lệ và lý thuyết chính trị về sự bất tuân của công dân và sự phản kháng trong hòa bình của ông. Những tư tưởng của ông vẫn còn mới mẻ, văn phong sắc sảo đầy chất thơ và thói quen quan sát cụ thể chính xác của ông vẫn còn rất hiện đại.

Walt Whitman 

(1819 - 1892)

Sinh ra ở Long Island, New York, Walt Whitman có nghề tay trái là thợ mộc. Ông là một người con của nhân dân Mỹ qua các tác phẩm cách tân, sáng chói của mình đã nói lên được tinh thần dân chủ của đất nước. Whitman chủ yếu tự học; ông bỏ học lúc 11 tuổi để đi làm, đánh mất cái cơ hội có được nền giáo dục chính thống đã làm cho hầu hết các tác giả Mỹ trở thành những kẻ mô phỏng đáng kính của nền văn học Anh. Tập thơ Leaves of Grass (Lá cỏ - 1855) của ông, một tác phẩm mà ông đã viết đi viết lại và chỉnh lý trong suốt cuộc đời, có bài Song of Myself (Bài ca tự ngã), một bài thơ độc đáo trác tuyệt nhất từ trước đến nay do một người Mỹ viết. Lời ngợi khen hết mình mà Emerson và một vài người khác đổ tới tấp lên tập thơ hết sức dấn thân này, khẳng định Whitman trong sự nghiệp thi ca của ông, mặc dù thành công của cuốn sách không được rộng khắp lúc đương thời.

Là một cuốn sách đi trước thời đại, ca ngợi mọi sự sáng tạo, Leaves of Grass được lấy cảm hứng chủ đạo từ những tác phẩm của Emerson, đặc biệt tiểu luận The Poet (Thi sĩ) của ông, từng dự đoán sự ra đời của một lớp thi sĩ đầy sức mạnh, có tầm nhìn khoáng đạt và trái tim rộng mở với 77 cuộc đời giống với Whitman một cách lạ kỳ. Lá cỏ là tập thơ mang tính đổi mới: thể thơ tự do, không vần, công khai ca ngợi tính dục với những xúc cảm dân chủ mãnh liệt, và sự khẳng định cực đoan theo kiểu chủ nghĩa Lãng mạn rằng cái tôi của nhà thơ phải hòa làm một với bài thơ, với vũ trụ, và với bạn đọc, đã thay đổi vĩnh viễn nền thơ ca Mỹ.

Leaves of Grass cũng mênh mông, đầy sức sống và tự nhiên nhi nhiên như lục địa châu Mỹ; nó là thiên sử thi mà nhiều thế hệ các nhà phê bình Mỹ kêu gọi, dầu họ không nhận ra nó. Sự chuyển động trào lên như sóng qua Song of Myself như âm nhạc không ngừng nghỉ:

Những xiềng xích cùm gông tôi bỏ lại 

Tôi vòng qua các núi non, lòng tay che các miền lục địa 

Và sẵn sàng với tri kiến của mình. 

Tập thơ tròn đầy với muôn ngàn cảnh tượng và âm thanh sống động. Những con chim trong thơ Whitman không phải là hình ảnh ước lệ về các “linh hồn có cánh” như trong thi ca truyền thống. “Con diệc đầu vàng” của ông “đêm đêm đến bìa đầm lầy và mò ăn những con cua nhỏ”. Dường như Whitman đắm mình trọn vẹn vào mỗi thứ ông chứng kiến hay tưởng tượng ra. Ông là con người của quần chúng, “Du hành đến mọi bến tàu để mặc cả và phiêu lưu. Cùng vội vã giữa một đám đông tân kỳ cũng háo hức và đổi thay như bất cứ ai”. Trong cuộc sống riêng, ông chịu nhiều đau khổ. “Người mẹ già nua, bị kết án là phù thủy, bị đưa lên giàn hỏa thiêu trước sự chứng kiến của đàn con... Tôi là tên nô lệ bị săn đuổi, đớn đau sau bao lần chó cắn... Tôi là người lính cứu hỏa bị nghiền nát đến vỡ vụn xương sườn...”.

Chính Whitman chứ không phải ai khác đã phát minh ra huyền thoại về nước Mỹ dân chủ. “Những người Mỹ đến từ mọi quốc gia trên trái đất ở bất cứ thời điểm nào mang bản tính thi ca trong cái nghĩa đầy đủ nhất. Nước Mỹ tự bản chất là bài thơ vĩ đại nhất”. Khi Withman viết bài thơ này, ông đã mạnh dạn đảo ngược ý kiến phổ biến cho rằng nước Mỹ quá thô thiển và non dại không có gì chung với thơ ca. Ông phát hiện ra một nước Mỹ phi thời gian của trí tưởng tượng không giới hạn, nơi cư ngụ của các tinh thần tiên phong đến từ khắp các quốc gia. D. H. Lawrence, nhà văn và nhà thơ Anh, đã gọi ông một cách chính xác là nhà thơ của “con đường rộng mở”.

Sự vĩ đại của Whitman thể hiện rõ trong nhiều bài thơ, trong đó có các bài Crossing Brooklyn Ferry (Qua phà Brooklyn). Out of the Cradle Endlessly Rocking (Từ chiếc nôi đong đưa) và When Lilacs Last in the Dooryard Bloom’d (Những đóa tử đinh hương cuối cùng trong khoảng sân trước đầy hoa), một khúc bi ca về cái chết của Abraham Lincoln. Một tác phẩm quan trọng khác là tiểu luận dài Democratic Vistas (Triển vọng dân chủ 1871), được viết vào “thời đại hoàng kim” của nền công nghiệp, vào cái lúc chủ nghĩa thực dụng phát triển không kiềm chế. Trong tiểu luận này, Whitman phê bình nước Mỹ một cách đúng đắn về sự giàu có và nền công nghiệp đan xen, hùng mạnh của nó đã che giấu một sa mạc Shahara khô cằn, tẻ nhạt của tâm hồn. Ông kêu gọi một loại hình văn học mới để làm sống lại dân Mỹ (“Không phải cuốn sách được cần nhiều đến thế để trở thành một cái gì hoàn chỉnh, mà là độc giả cần điều đó”). Tuy nhiên, lời khẳng định chủ yếu của Whitman về sự bất tử nằm trongSong of Myself. Ở đây, ông đặt cái tôi của trào lưu Lãng mạn ở trung tâm nhận thức của bài thơ:

Tôi tự ca ngợi mình và hát về tôi 

Và những gì tôi tiến hành thì anh cũng làm thôi 

Bởi vì mỗi nguyên tử thuộc về tôi 

Lại cũng thuộc về anh.

Tiếng thơ của Whitman gây hứng khởi ngay cả cho độc giả hiện đại với lời tuyên ngôn của ông về sức mạnh tối cao và hợp nhất của tất cả vũ trụ. Ông đã có tinh thần cách tân lớn lao. Kể từ ông, mỗi bài thơ là một bản tiểu sử tự thuật, mỗi người Mỹ bình thường trở thành một nhà thơ, người đọc cũng là người sáng tạo, và sự khám phá cái hình thức gọi là “thử nghiệm” hay hệ thống này vẫn còn mang tính thời sự cho đến nay.

CÁC NHÀ THƠ BRAHMIN

Vào thời của mình, nhóm nhà thơ Boston Brahmin (tên gọi những nhà trí thức quý tộc được đào tạo ở Harvard) đã sản sinh ra cho nước Mỹ những đại biểu có tiếng nói quyết định trong thi đàn, những người thật sự hiểu biết và đáng kính trọng. Cuộc sống của họ là một mẫu mực tao nhã của những con người giàu sang, nhàn hạ có ý thức đạo đức mạnh mẽ, hướng sự quan tâm và lòng cầu thị vào việc học tập.

Nếu ở vào thời kỳ đầu Thanh giáo, những tác giả của nhóm Boston Brahmin có thể đã là các mục sư; vào thế kỷ 19, họ trở thành các giáo sư, chủ yếu là ở Harvard. Vào nửa cuối cuộc đời một số người trở thành đại sứ hoặc là nhận được những bằng cấp danh dự từ các Viện hàn lâm hoặc trường Đại học ở châu Âu. Hầu hết những người trong nhóm này đều đi du lịch hoặc học tập ở châu Âu. Họ rất quen thuộc với những tư tưởng và sách vở ở Anh, Đức, Pháp, và nhất là ở Ý và Tây Ban Nha. Xuất thân từ tầng lớp quý tộc nhưng lại có tư tưởng dân chủ thật sự, các nhà thơ Brahmin phổ biến khắp Hoa Kỳ các quan điểm quý phái, hướng về châu Âu, qua những bài thuyết giảng cho công chúng ở vào khoảng ba ngàn hội trường (trung tâm diễn thuyết công cộng) và trên những trang báo của hai tờ tạp chí rất có ảnh hưởng ở Boston, tờ North American Review và Atlantic Monthly.

Những tác phẩm của các nhà thơ Brahmin, kết hợp hai truyền thống châu Mỹ và châu Âu, tìm cách tạo ra tính liên tục của các kinh nghiệm chung của hai bên bờ Đại Tây Dương. Những nhà thơ - bác học này nỗ lực nâng cao dân trí bằng cách truyền bá những khuôn vàng thước ngọc của châu Âu vào văn học Mỹ. Oái ăm thay, các ảnh hưởng của họ nhìn chung mang tính tiêu cực. Do quá chú trọng đến những vấn đề và những hình thức của châu Âu, họ đã cản trở sự phát triển của một ý thức đặc thù Mỹ. Là những con người đầy thiện ý, nhưng định kiến bảo thủ đã làm họ mù quáng không nhìn thấy được tính cách tân táo bạo của Thoreau, Whitman (những người họ từ chối không muốn tiếp xúc) và Edgar Allan Poe (người mà ngay cả Emerson cũng xem là thi sĩ hạng bét - người làm những bài vè bình dân). Họ là rường cột của cái được gọi là “truyền thống quý tộc” mà ba thế hệ những nhà văn hiện thực Mỹ đã phải chiến đấu. Tuy vậy, phần nào cũng do ảnh hưởng khoan hòa và nhẹ nhàng của họ mà phải gần 100 năm sau những thiên tài sáng chói của nước Mỹ như Whitman, Melville, Thoreau, và Poe mới được thừa nhận rộng rãi tại Mỹ.

Henry Wadsworth Longfellow 

(1807 - 1882) 

Những nhà thơ Boston Brahmin quan trọng nhất là Henry Wadsworth Longfellow, Oliver Wendell Holmes và James Russel Lowell. Longfellow là giáo sư giảng dạy ngôn ngữ hiện đại ở Harvard, là nhà thơ Mỹ nổi tiếng nhất thời đó. Ông là người đã sản sinh ra cái ý thức truyền kỳ, phi lịch sử và mơ hồ về quá khứ mà nó đã hòa quyện truyền thống Âu và Mỹ. Ông viết ba bài thơ tự sự dài phổ biến những huyền thoại của dân bản địa bằng hình thức thơ châu Âu Evangeline (1847), The Song of Hiawatha (Bài hát của Hiawatha - 1855) và The Courtship of Miles Standish (Lời tỏ tình của Miles Standish 1858).

Longfellow cũng viết sách giáo khoa ngôn ngữ hiện đại và một cuốn du ký Outre -Mer (Hải ngoại), kể lại những LONGFELLOW truyện thần thoại nước ngoài mô phỏng cuốn Sketch Book của Washington Irving. Mặc dù tính ước lệ, tính ủy mị và cách xử lý dễ dãi đã làm hỏng những bài thơ dài, những bài thơ trữ tình ngắn khó quên như The Jewish Cemetery at Newport (Nghĩa trang Do Thái ở Newport -1854), My Lost Youth (Tuổi trẻ đã mất của tôi - 1855), The Tide RisesThe Tide Falls (Thủy triều lên rồi xuống -1880) vẫn tiếp tục mang lại niềm vui cho độc giả.

James Russell Lowell 

(1819 -1891)

James Russell Lowell, người trở thành giáo sư dạy ngôn ngữ hiện đại tại Harvard sau khi Longfellow về hưu là Matthew Arnold(

[1]

) của văn học Mỹ. Ông bắt đầu sự nghiệp với tư cách một nhà thơ, nhưng tài năng dần dần thui chột, rốt cuộc ông trở thành nhà phê bình và nhà giáo dục khả kính. Là chủ bút tờ Atlantic và đồng chủ bút tờ North American Review, Lowell gây được ảnh hưởng rất lớn. Cuốn A Fable for Critics (Truyện ngụ ngôn về các nhà phê bình - 1848) là lời ngợi ca những nhà văn Mỹ một cách ngộ nghĩnh và phù hợp, như trong lời bình phẩm của ông: “Poe đến kìa, với con quạ của mình, như Barnaby Rudge. Ba phần năm trong ông là thiên tài, hai phần hoàn toàn là khờ khạo”.

Nhờ ảnh hưởng của vợ, Lowell trở thành nhà cải cách tự do, một chiến sĩ chống lại chế độ nô lệ, và là người ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ và những đạo luật chấm dứt lao động trẻ em. Tác phẩm Biglow Papers First Series (Loạt tác phẩm đầu tiên của Biglow - 1847 - 1848) xây dựng nhân vật Hosca Biglow, một nhà thơ đồng quê ít học nhưng lanh lợi lao vào tranh luận bênh vực sự cải tổ trong thơ ca địa phương.

Chính Benjamin Franklin và Phillip Freneau cũng đã dùng những người dân quê thông minh làm cái loa truyền bá những luận điểm xã hội. Lowell cũng viết theo mạch đó, nối kết truyền thống “tính cách” thuộc địa với hiện thực mới và tinh thần địa phương dựa trên ngôn ngữ địa phương nở rộ vào những năm 1850 và đạt đến đỉnh cao với Mark Twain.

Oliver Wendell Holmes 

(1809 - 1894)

Oliver Wendell Holmes, là bác sĩ và là giáo sư cơ thể học và sinh lý học nổi tiếng ở Harvard, là nhà thơ khó phân loại nhất trong 3 nhà thơ Brahmin nổi danh bởi vì tác phẩm của ông mang dấu ấn của một tài năng đa diện, khác thường. Ông để lại tuyển tập các tiểu luận trào lộng (ví dụ,The Autocrat of the Breakfast -Table (Tên độc tài bên bàn ăn sáng - 1858), tiểu thuyết Elsie Venner - 1861, tiểu sử Ralph Waldo Emerson, 1885, những bài thơ có thể sôi động (như The Deacon’s Masterpiece hay The Wonderful One- Hoss Shay - Kiệt tác của Deacon), đầy triết lý (như trongThe Chambered Nautilus - Hang ốc anh vũ), và lòng nhiệt tình yêu nước (Old Ironsides - Con tàu Old Ironsides

[2]

).

Sinh ra ở Cambridge, bang Massachusetts vùng ngoại ô Boston, vốn là địa bàn của Harvard, Holmes là con trai của một mục sư xuất sắc trong vùng. Mẹ ông là hậu duệ của nhà thơ Anne Bradstreet. Vào thời ông, và nhiều năm sau nữa, ông tượng trưng cho sự thông tuệ và duyên dáng không chỉ với tư cách một nhà thám hiểm hay một nhà đi tiên phong mà thực sự là một bậc trí giả minh triết mẫu mực có thể giải thích mọi điều từ các hiện tượng xã hội và ngôn ngữ đến các vấn đề y khoa và bản chất con người.

HAI NHÀ CẢI CÁCH

New England lóe sáng sức mạnh trí tuệ trong những năm trước cuộc Nội chiến. Vài vì sao trong số đó ngày nay còn sáng hơn cả dải thiên hà nổi tiếng gồm các nhà thơ Brahmin, nhưng trước đây họ bị lu mờ vì đói nghèo hay gặp khó khăn về giới tính và chủng tộc trong thời của họ. Độc giả ngày nay đánh giá ngày càng cao tác phẩm của tác gia ủng hộ phong trào bãi bỏ chế độ nô lệ John Greenleaf Whittier và nhà bảo vệ nữ quyền và cải cách xã hội Margaret Fuller.

John Greenleaf Whittier 

(1807 - 1892)

John Greenleaf Whittier, nhà thơ năng động nhất trong thời kỳ đó, có hoàn cảnh xuất thân rất giống với Walt Whitman. Ông sinh ra và lớn lên ở một trang trại Quaker bình dị ở Massachusetts, không được học hành đến nơi đến chốn, rồi kiếm sống bằng nghề báo. Vài chục năm trước khi phong trào đòi bãi bỏ chế độ nô lệ lan tràn rộng rãi, ông là người hăng hái ủng hộ xóa bỏ chế độ nô lệ. Whittier được trân trọng vì những bài thơ chống chế độ nô lệ như là Ichabold, và thơ ca của ông đôi lúc được xem là một điển hình đầu tiên của chủ nghĩa hiện thực địa phương.

Những hình ảnh sắc nét, cấu trúc đơn giản, những cặp câu bốn nhịp giống thơ ballad của Whittier có kết cấu thô sơ đơn giản như thơ của Robert Burns. Tác phẩm hay nhất của ông, bài thơ dài “Snow Bound” (Kẹt trong bão tuyết) tái hiện một cách sống động hình ảnh những người thân đã mất hoặc bạn bè thời thơ ấu mà ông vẫn nhớ đang quây quần đầm ấm quanh lò sưởi rực hồng, bên ngoài cơn bão tuyết đang lồng lộn. Bài thơ đơn sơ, sùng đạo và mang dấu ấn cá nhân này, xuất hiện sau cơn ác mộng dài của cuộc Nội chiến, là khúc mặc niệm người chết và bài ca xoa dịu vết thương. Nó khẳng định sự bất tử của tâm hồn, sức mạnh phi thời gian của tình yêu trong hoài niệm, và vẻ đẹp bền vững của thiên nhiên, mặc cho những cơn bão táp chính trị cuồng loạn bên ngoài.

Margaret Fuller 

(1810 - 1850)

Margaret Fuller, một người viết tiểu luận nổi bật, sinh ra và lớn lên ở Cambridge, bang Massachusetts. Xuất thân từ tầng lớp thường dân, bà chỉ học ở nhà dưới sự dạy dỗ của cha (phụ nữ không được phép học ở Harvard) và trở thành thần đồng, thông thạo cả văn học cổ điển và hiện đại. Niềm đam mê đặc biệt của bà là văn học lãng mạn Đức, đặc biệt là Goethe, một thi sĩ mà bà thích dịch.

Là một nhà báo nữ chuyên nghiệp nổi tiếng đầu tiên ở Mỹ, bà Fuller đã viết những bài phê bình, điểm sách gây nhiều ảnh hưởng và những báo cáo về các vấn đề xã hội như là việc đối xử với nữ phạm nhân và người điên. Nhiều bài tiểu luận này được in trong cuốn Papers on Literature and Art (Những bài viết về văn chương và nghệ thuật - 1846) của bà. Trước đó một năm, bà đã viết cuốn sách quan trọng nhất của mình, Woman in the Nineteenth Century (Người đàn bà của thế kỉ 19) xuất hiện lần đầu trên tạp chí của Trào lưu Siêu nghiệm, The Dial, tờ tạp chí bà làm chủ bút từ 1840 đến 1842.

Cuốn Woman in the Nineteenth Century của Fuller là sự khám phá sớm nhất và có tính cách Mỹ nhất về vai trò phụ nữ trong xã hội. Trong khi đưa ra những lý giải sâu sắc về rất nhiều nguyên nhân tế nhị và hậu quả tai hại của tệ nạn phân biệt nam nữ và đưa ra những giải pháp tích cực, bà đã vận dụng những nguyên tắc dân chủ và lý luận của trường phái Siêu nghiệm. Nhiều ý tưởng của bà cực kỳ hiện đại. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự “lệ thuộc vào chính mình” mà phụ nữ vốn thiếu bởi vì “họ được dạy phải học luật lệ từ Emily Dickinson bên ngoài, chứ không phải khai mở nó từ bên trong”.

Cuối cùng, Fuller không chỉ là một người bảo vệ nữ quyền mà hơn nữa, bà còn là nhà hoạt động và cải cách hiến đời mình cho lý tưởng tự do sáng tạo của con người và phẩm giá cho mọi người.

... chúng ta hãy khôn ngoan và đừng tự trói buộc đời sống tinh thần... chúng ta hãy có một năng lực sáng tạo... Hãy để cho nó định hình, và đừng ràng buộc nó bằng quá khứ dù với đàn ông hay đàn bà, da đen hay da trắng.

Emily Dickinson 

(1830 - 1886) 

Emily Dickinson, trong chừng mực nào đó, là cầu nối giữa thời đại bà và tính mẫn cảm văn chương vào khoảng giao thời của thế kỷ. Là một tác giả theo chủ nghĩa cá nhân cấp tiến, bà sinh ra và sống trọn đời ở Amherst bang Massachusetts, một ngôi làng nhỏ theo phái Calvin. Bà không lập gia đình, và cũng không tuân theo các tập tục xã hội, bên dưới một cuộc đời tưởng như bình lặng là cả một cuộc sống nội tâm sâu thẳm mãnh liệt. Bà yêu thiên nhiên và chim chóc, muông thú, cỏ cây, sự thay đổi bốn mùa ở miền quê New England đã gợi lên trong bà những cảm hứng sáng tạo sâu xa.

Vào giai đoạn cuối của cuộc đời, Dickinson sống như một ẩn sĩ, có lẽ là do bà quá nhạy cảm và có lẽ bà cũng muốn dành thời gian cho sáng tác (có những quãng thời gian bà viết áng chừng mỗi ngày một bài thơ). Một ngày của bà cũng bao gồm chuyện chăm lo việc nhà cho ông bố luật sư, một nhân vật có tiếng ở Amherst đã trở thành một nghị viên ở Quốc hội.

Dickinson không được học nhiều, nhưng những gì mà bà am hiểu như Kinh thánh, các vở kịch của Shakespeare, và các tác phẩm thần thoại cổ đại thì thật sâu sắc và thấu đáo. Đó là những người thầy thật sự của bà, vì Dickinson chắc chắn là thiên tài văn chương cô độc nhất trong thời đại bà. Chính người phụ nữ thôn quê kín đáo, e lệ hầu như vô danh và chẳng xuất bản tập thơ nào lại tạo nên một số trong những tác phẩm thi ca vĩ đại nhất của Mỹ vào thế kỷ 19, và cho đến nay vẫn mê hoặc quần chúng kể từ thập niên 50, khi thơ ca của bà lại được người ta khám phá lần nữa.

Phong cách súc tích giàu hình ảnh của Dickinson thậm chí còn hiện đại và cách tân hơn cả Whitman. Bà không bao giờ dùng tới hai từ khi một từ là đã đủ, bà biết kết hợp những điều cụ thể với những ý tưởng trừu tượng bằng bút pháp cô đọng rất gần với tục ngữ. Những bài thơ hay nhất của bà không có chi tiết thừa; nhiều bài giễu cợt những tình cảm ủy mị đương thời; một số bài thậm chí còn thể hiện quan điểm dị giáo. Đôi lúc bà phô bày một nhận thức hiện sinh đáng sợ. Cũng như Poe, bà khai phá phần tâm thức ẩn giấu và tối tăm, kịch tính hóa cái chết và nấm mồ. Tuy nhiên, bà cũng ca ngợi những vật thể đơn giản -một đóa hoa, một con ong. Thơ ca của bà là thơ của một trí tuệ vĩ đại thường nêu ra cái nghịch lý đau đớn về những giới hạn của ý thức con người bị trói buộc bởi thời đại. Bà có được óc khôi hài tuyệt vời, các chủ đề và cách xử lý vấn đề của bà phong phú một cách đáng kinh ngạc. Thơ của bà không có tựa đề. Trong ấn bản tiêu chuẩn năm 1955, Thomas H. Johnson đã đánh số các bài thơ để dễ nhận biết. Những bài thơ ấy chứa đầy những lối viết hoa và dấu gạch kỳ quặc.

Là một người không lệ thuộc các quy ước xã hội, giống như Thoreau, bà thường đảo ngược ý nghĩa của từ, nhóm từ và sử dụng nghịch lý một cách rất hiệu quả. Đây là bài thơ số 435:

Điên dại nhiều gần với thần thánh nhất –

Với một Con mắt biết phân biệt 

Nhiều ý nghĩa - sự dại điên trọn vẹn 

Với nhiều người

Trong nghĩa này, như Tất cả, tràn lan

Đồng ý - và anh thì minh mẫn -

Không ư - anh thật sự là nguy nan

Và bị xử lý với một sợi xích 

Trí tuệ của bà tỏa sáng trong bài thơ số 288 sau đây, một bài thơ chế nhạo tham vọng và cuộc sống xã hội.

Em không là ai cả! Còn anh!

Anh cũng chẳng là ai đó chứ?

Vậy là có hai chúng ta sao?

Đừng nói gì! Họ loa lên - anh biết đó!

Đáng sợ khi phải là ai đó

Trong đám đông như một Con Ếch xưng tên tuổi

Tháng Sáu

Trước một ao đầm bái phục ngươi.

Cả 1.775 bài thơ của Dickinson tiếp tục là vấn đề với các nhà phê bình, họ thường bất đồng ý kiến với nhau. Một số nhấn mạnh đến sự huyền bí của bà, một số khác ca ngợi sự nhạy cảm của bà đối với thiên nhiên; nhiều người lại lưu ý đến vẻ hấp dẫn kỳ lạ có phần kỳ cục của thơ bà. R.P. Blackmur, một nhà phê bình hiện đại bình luận rằng thơ ca của Dickinson đôi lúc mang lại cảm giác như là “một con mèo đến bên ta nói tiếng Anh”. Những bài thơ đẹp đẽ, trong sáng được gọt giũa của bà là một số trong những tác phẩm lôi cuốn và đầy thử thách nhất trong văn chương Mỹ.

[1]

 Matthew Arnold (1822 - 1888): nhà thơ viết tiểu luận và phê bình nổi tiếng người Anh.

[2]

 Old Ironsides là tên của con tàu đầu tiên của Mỹ được bọc thép.

Chương 4: Tiểu thuyết lãng mạn thời kỳ 1820-1860

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Walt Whitman, Nathaniel Hawthorne, Herman Melville, Edga Allan Poe, Emily Dickinson và các tác giả theo chủ nghĩa Siêu nghiệm chính là đại biểu của thế hệ các nhà văn lớn đầu tiên được sinh ra ở Mỹ. Với những nhà văn viết tiểu thuyết, cái nhìn lãng mạn có khuynh hướng biểu hiện trong hình thức mà Hawthorne gọi là “Tiểu thuyết lãng mạn” (Romance), một loại hình tiểu thuyết đạt đến đỉnh cao, gợi cảm và mang tính tượng trưng. Nhưng tiểu thuyết lãng mạn không phải là những câu chuyện tình, mà là những tiểu thuyết nghiêm túc sử dụng những kỹ thuật đặc biệt để truyền đạt những ý nghĩa vừa phức tạp vừa tinh tế.

Thay vì mô tả cẩn thận các nhân vật hiện thực thông qua vô số các chi tiết, như hầu hết các tiểu thuyết Anh hay Cựu lục địa đã làm, Hawthorne, Melville và Poe đã dựng lên những nhân vật anh hùng mang tính lý tưởng, thắp lên ngọn lửa của tinh thần huyền thoại. Nhân vật chính trong những tiểu thuyết lãng mạn Mỹ là những cá nhân kỳ dị với nhiều nỗi ám ảnh. Authur Dimmersdale hay Hester Prynne trong The Scarlet Letter (Chữ A màu đỏ) của Hawthorne, Ahab trong Moby-Dick (Cá voi trắng) của Melville, và nhiều nhân vật đơn độc có những ám ảnh trong nhiều truyện kể của Poe là những nhân vật chính cô đơn được chỉ định đấu tranh chống lại những số phận tối tăm, không thể hiểu được mà những số phận này, bằng một cách thức bí ẩn nào đo,á lại phát sinh từ cái tôi vô thức sâu thẳm nhất của họ. Những cốt truyện tượng trưng biểu lộ những hành động che đậy của một tâm hồn đau khổ với bao điều dằn vặt.

Một lý do giải thích cho hướng khai thác tiểu thuyết tập trung vào cái vùng sâu kín ẩn khuất của tâm hồn con người là sự thiếu vắng một đời sống cộng đồng có cội rễ và ổn định ở Mỹ. Những tiểu thuyết gia Anh - Jane Auster, Charles Dickens (nhà văn được ưa thích nhất), Anthony Trollope, George Eliot, William Thackeray - sống trong một xã hội truyền thống, được tổ chức quy củ và phức hợp, chia sẻ với độc giả các niềm tin, nhận thức đã định hình trong các tiểu thuyết hiện thực của họ. Các nhà văn Mỹ phải đối mặt với lịch sử đấu tranh và cách mạng, một vùng đất hoang dã mênh mông khó kiểm soát, và một xã hội dân chủ tương đối không còn giai cấp và sẵn sàng thay đổi. Các tiểu thuyết Mỹ thường phô bày sự vắng mặt khác thường của truyền thống. Nhiều tiểu thuyết Anh kể về một nhân vật chính nghèo khổ vươn lên trên những nấc thang kinh tế và xã hội, nhờ vào cuộc hôn nhân tốt đẹp hay nhờ việc khám phá ra nguồn gốc quý tộc của nhân vật đó. Nhưng cái bố cục kiểu ấy không thách thức cái trật tự bất di bất dịch của xã hội quý tộc Anh. Trái lại, còn khẳng định cái trật tự ấy -Sự đổi đời của nhân vật chính đã làm thỏa mãn ước mơ về một sự thành đạt của đa số độc giả trung lưu.

Trong khi đó, các nhà văn Mỹ phải dựa vào những chủ kiến của riêng mình. Nước Mỹ, trong một chừng mực nào đó, là một biên cương luôn mở rộng, không xác định bởi làn sóng lưu dân vẫn đổ đến Mỹ mang đến đây thứ tiếng nói xa lạ và những lối sống kỳ cục, thô lậu. Vì vậy nhân vật chính trong văn học Mỹ có thể thấy mình lạc lõng giữa những bộ tộc ăn thịt người, như trong Typee của Melville, hoặc đang khám phá một vùng đất hoang vu như nhân vật Leatherstocking của James Fenimore Cooper, hay đang nhìn thấy những hồn ma bóng quế từ dưới nấm mồ như những nhân vật trơ trọi của Poe, hoặc gặp gỡ ma quỷ dạo chơi trong rừng, giống như Young Goodman Brown- nhân vật của Hawthorne. Hầu như những nhân vật chính có tầm vóc trong văn học Mỹ là “những kẻ lạc loài”. Mỗi cá nhân dân chủ Mỹ, đã phải phát hiện ra chính mình, như từng xảy ra trong thực tế.

Một tiểu thuyết gia Mỹ thực sự cũng phải phát minh ra những hình thức thể hiện mới - từ đấy ra đời hình bóng bao trùm, kỳ dị của cuốn tiểu thuyết Moby-Dick của Melville và cuốn Narrative of Arthur Gordon Pym(Thuật chuyện của ông Arthur Gordon Pym) mơ màng, phiêu lãng của Poe. Ít có cuốn tiểu thuyết Mỹ nào đạt được sự hoàn thiện mẫu mực, ngay cả hiện nay. Thay vì vay mượn những thủ pháp văn chương đã được thử thách qua thời gian, người Mỹ có khuynh hướng lao vào tìm tòi những biện pháp sáng tạo mới. Ở Mỹ, một cái gì đã được xã hội thừa nhận và noi theo truyền thống là chưa đủ, vì sự già cỗi và chính thống bị bỏ lại phía sau, chỉ có sức mạnh mới, sự sáng tạo là trung tâm của sự chú ý.

TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN

Loại hình tiểu thuyết lãng mạn thì u ám và bất trắc, nó cho thấy việc tạo ra một diện mạo riêng trong một xã hội chưa ổn định là khó khăn đến thế nào. Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn đều chết vào đoạn cuối, tất cả thủy thủ đoàn đều bị nhận chìm dưới đáy đại dương trong truyện Moby-Dick trừ Ishmael; vị mục sư có tâm hồn nhạy cảm đầy lỗi lầm - Arthur Dimmesdale - cũng chết ở cuối cuốn The Scarlet Letter. Cái giọng điệu bi ai, tự phân hóa trong văn học Mỹ trở nên nổi bật trong thể loại tiểu thuyết, thậm chí trước khi cuộc Nội chiến vào những năm 60, biểu hiện một tấn bi kịch lớn lao hơn của một xã hội tuyên chiến với chính mình.

Nathaniel Hawthorne 

(1804 - 1864)

Nathaniel Hawthorne thuộc thế hệ thứ 5 của những người Anh di cư. Ông sinh ở Salem bang Massachusetts, một hải cảng thịnh vượng nằm ở phía bắc Boston chuyên buôn bán với Đông Ấn

[1]

. Một trong những tổ tiên của ông là chánh án chuyên xét xử những người phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy ở Salem, một thế kỷ trước. Hawthorne đã dùng cái ý tưởng về lời nguyền đối với dòng họ một ông chánh án xấu xa trong cuốn tiểu thuyết The House of the Seven Gables (Ngôi nhà bảy đầu hồi) của mình.

Nhiều câu chuyện của Hawthorne có bối cảnh ở New England thời Thanh giáo, và cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông The Scarlet Letter (1850), đã trở thành bức chân dung kinh điển về nước Mỹ Thanh giáo. Cuốn truyện kể về mối tình đầy đam mê, bị cấm đoán giữa một chàng trai trẻ, xác tín, hết sức nhạy cảm - mục sư Arthur Dimmesdale, và một người đàn bà thị dân đẹp, hết sức quyến rũ, Hester Prymn. Lấy bối cảnh ở Boston khoảng 1650 vào thời kỳ đầu thuộc địa Thanh giáo, cuốn tiểu thuyết đã nhấn mạnh nỗi ám ảnh của những người theo phái Calvin về đạo đức, sự ức chế tính dục, tội lỗi, sự thú tội, và sự cứu rỗi linh hồn.

Vào thời đó, The Scarler Letter là cuốn sách liều mạng hết sức báng bổ. Ngòi bút dịu dàng của Hawthorne, bối cảnh lịch sử xa xưa và mơ hồ đã làm dịu đi chủ đề dữ dội của ông và làm hài lòng công chúng, còn những tác giả sành điệu như Ralph Waldo Emerson và Herman Melville thì thừa nhận các sức mạnh “quỷ ám” của nó. Cuốn sách đã đụng chạm đến những lĩnh vực cấm kỵ ở Mỹ thế kỷ 19 như sự tác động của các hoạt động tự do, dân chủ và đổi mới đối với hành xử của mỗi cá nhân, đặc biệt trong vấn đề tính dục và tự do tôn giáo.

Cuốn sách được viết rất hay với bố cục tuyệt vời. Phép ẩn dụ, một thủ pháp mà người dân thuộc địa buổi đầu Thanh giáo thường dùng, cũng được sử dụng trong tác phẩm này một cách hợp lý.

Những tiểu thuyết và truyện kể khác của Hawthorne cũng góp phần xây dựng nên danh tiếng của ông. Trong The House of the Seven Gables(1854), ông trở về với lịch sử New England một lần nữa. Sự sụp đổ của “ngôi nhà” ngụ ý về một dòng họ ở Salem cũng như cái cấu trúc thật sự của nó. Chủ đề của truyện là về một lời nguyền truyền kiếp và cách hóa giải nó bằng tình yêu. Như một nhà phê bình lưu ý, nhân vật chính mang tính cách lý tưởng Holgrave đã nói lên tiếng nói về sự thiếu tin cậy mang tính dân chủ của bản thân ông vào những gia đình quý tộc già cỗi: “Sự thật là, mỗi một nửa thế kỷ, ít nhất một dòng họ sẽ hòa nhập vào đám đông mờ mịt, vĩ đại của nhân loại, và quên hết quá khứ oanh liệt của tổ tiên”.

Hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hawthorne ít thành công hơn. Cả hai đều dùng bối cảnh hiện đại, và chính vì vậy mà đánh mất đi cái ma lực trong ngòi bút của ông. Cuốn The Blithedale Romance (Bài ca thung lũng hạnh phúc - 1852) rất hấp dẫn bởi bức tranh mô tả cộng đồng Brook Farm theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Trong cuốn sách này, Hawthorne phê phán những nhà cải cách xã hội vị kỷ, thèm khát quyền lực, tự bản chất sâu xa không dân chủ chút nào. Cuốn The Marble Faun(Tượng thần Điền dã bằng cẩm thạch - 1860), tuy lấy bối cảnh là Roma, lại xoáy sâu vào những chủ đề Thanh giáo về tội lỗi, sự cô lập, sự đền tội, và cứu rỗi.

Những đề tài trên, và những bối cảnh đặc trưng ở thuộc địa New England thời kỳ Thanh giáo, là dấu hiệu đặc trưng của nhiều tác phẩm ngắn hơn nổi tiếng của Hawthorne: The Minister’s Black Veil (Mạng che mặt màu đen của ông mục sư), Young Goodman Brown (Brown trẻ người tốt bụng), và My Kinsman, Major Molineux (Người bà con của tôi, thị trưởng Molineux). Truyện này kể về một thanh niên từ nhà quê ra tỉnh - một mô thức phổ biến ở Mỹ thời kỳ đô thị hóa thế kỷ 19 -tìm sự giúp đỡ của một người bà con có thế lực, để lập nghiệp, một người mà anh chưa hề gặp. Robin trải qua rất nhiều khó khăn để tìm ra viên Thị trưởng, và cuối cùng tham gia vào một cuộc nổi loạn ban đêm kỳ lạ, trong đó có một người có vẻ như là một tên tội phạm “thành tích” bất hảo bị đuổi ra khỏi thị trấn một cách vừa nực cười vừa dã man. Robin lớn tiếng cười to hơn tất cả mọi người cho đến khi anh phát hiện ra rằng “tên tội phạm” này không phải ai khác mà chính là người anh cố công tìm kiếm - một đại diện của thực dân Anh mới vừa mới bị quần chúng cách mạng Mỹ lật đổ. Câu chuyện khẳng định sự ràng buộc của tội lỗi và đau khổ mà toàn nhân loại phải chia sẻ. Nó cũng ca ngợi mẫu người tự lập thân: Robin phải học tập, giống như mọi người Mỹ dân chủ, để trở nên giàu có nhờ sự lao động hăng say, chứ không phải do những ân huệ đặc biệt từ những người bà con giàu có.

My Kinsman, Major Molineux rọi ánh sáng lên một trong những yếu tố nổi bật nhất trong tiểu thuyết của Hawthorne: sự thiếu vắng nhân tố gia đình đầy đủ chức năng trong tác phẩm của ông. Mặc dầu cuốn Leather-Stocking Tales (Truyện kể về anh chàng đi bít tất da) của Cooper có đưa những hình mẫu gia đình vào những địa điểm ít hoang dã nhất, những câu chuyện và tiểu thuyết của Hawthorne lặp đi lặp lại cái chủ đề về những gia đình tan vỡ, bị nguyền rủa hoặc bị đổ vỡ và những khổ đau của cá nhân bị cô lập.

Ý thức hệ cách mạng cũng có‘ lẽ đã có một vai trò trong việc làm rạng rỡ ý thức về sự tự do đầy hãnh diện tuy có phần xa lạ này. Cuộc cách mạng Mỹ, nhìn từ quan điểm tâm lý lịch sử, là tương hợp với một cuộc nổi loạn bốc đồng muốn thoát ly khỏi cái bóng khổng lồ của Mẫu quốc, và một gia đình đế quốc Anh rộng lớn hơn. Người Mỹ đã dành được độc lập và lại đương đầu với tình thế nan giải đầy hoang mang trong việc khám phá nhân dạng riêng của mình tách ra khỏi những ràng buộc xưa cũ. Cái cảnh tượng này đã diễn ra vô số lần ở vùng biên cương tới mức mà, trong tiểu thuyết, sự thoát ly có vẻ như là điều kiện sống cơ bản ở Mỹ. Thanh giáo và hậu duệ theo Tin Lành của họ có thể đã làm suy yếu thêm nền tảng gia đình bằng cách rao giảng rằng trách nhiệm đầu tiên của mỗi cá nhân là việc cứu rỗi linh hồn mình.

Herman Melville 

(1819 - 1891)

Cũng như Nathaniel Hawthorne, Herman Melville là con của gia đình có truyền thống lâu đời, giàu có; đột ngột rơi vào cảnh cơ hàn do cái chết của người cha. Mặc dù được dạy dỗ, truyền thống vẻ vang của gia đình và bản thân rất siêng năng, chịu khó, Melville vẫn sống nghèo khổ và không học lên được đại học. Năm 19 tuổi, ông làm thủy thủ. Niềm yêu thích cuộc đời thủy thủ lớn dần một cách tự nhiên từ kinh nghiệm riêng của ông, và hầu hết những tiểu thuyết đầu tay của ông được thai nghén từ những chuyến đi biển. Từ những tác phẩm này chúng ta được biết đến tinh thần dân chủ và cởi mở của Melville và lòng căm phẫn của ông đối với sự chuyên chế và bất công. Typee, cuốn sách đầu tiên của ông, kể về những gì xảy ra với ông trong thời gian ông sống với bộ lạc Taipis bị coi là bộ lạc ăn thịt người nhưng thực ra rất hiếu khách ở vùng đảo Marquesas, Nam Thái Bình Dương. Cuốn sách ca ngợi những người dân đảo và đời sống hài hòa gần gũi với tự nhiên của họ, đồng thời phê phán các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, những người mà Melville cho là thật sự kém văn minh hơn những người mà họ đến để khai hóa văn minh.

Moby-Dick, hay The Whale (Cá voi trắng), kiệt tác của Melville, là thiên sử thi về con tàu săn cá voi Pequod và truyền trưởng Ahab “một người giống thánh thần nhưng lại báng bổ thần linh” với nỗi ám ảnh phải tìm kiếm cho được con cá voi trắng đã dẫn con tàu và đoàn thủy thủ đến chỗ chết. Tác phẩm này, một tiểu thuyết phiêu lưu mang tính hiện thực, chứa đựng một loạt những suy gẫm về thân phận con người. Việc săn cá voi xuyên suốt câu chuyện, là một ẩn dụ lớn về khát vọng hiểu biết. Những miêu tả và liệt kê xác thực về các loài cá voi và công nghệ săn bắt cá voi rải rác đầy tác phẩm, nhưng chúng hàm nghĩa biểu trưng. Trong chương 15 The Right Whale’s Head (Đầu cá voi Thực), người dẫn chuyện cho rằng cá voi Right (còn gọi là cá voi Thực) là những người theo chủ nghĩa khắc kỷ còn cá voi Sperm (còn gọi là cá nhà táng) là trường phái Platon, ám chỉ đến hai trường phái triết học cổ điển.

Mặc dầu tiểu thuyết của Melville mang tư tưởng triết học, nó cũng đồng thời là một tấn bi kịch. Dù là một người anh hùng, Ahab đã gục ngã và có lẽ rốt cuộc bị hủy diệt. Thiên nhiên cho dù rất đẹp, nhưng vẫn xa lạ và ẩn chứa những nguy hiểm chết người. Trong Moby-Dick, Melville thách thức ý tưởng lạc quan của Emerson rằng con người có thể hiểu được tự nhiên.Moby-Dick, con cá voi trắng khổng lồ là một cái gì bí hiểm mang tầm vóc vũ trụ, đã ngự trị trong suốt cuốn tiểu thuyết, cũng như nó đã ám ảnh Ahab. Những dữ kiện về cá voi và săn cá voi không thể giải thích Moby-Dick, trái lại, những tình tiết đó, tự bản thân chúng có khuynh hướng trở thành biểu tượng, và mỗi dữ kiện đều có mối liên hệ mơ hồ với mọi dữ kiện khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, sự tương quan này (như Melville gọi nó trong chương “Nhân sư”) không có nghĩa rằng con người có thể “đọc” được sự thật trong thiên nhiên, như nó đã có ý nghĩa như thế trong tác phẩm của Emerson. Đằng sau việc tích lũy dữ kiện của Melville là một cái nhìn huyền bí, nhưng cái nhìn này xấu xa hay tốt đẹp, nhân bản hay phi nhân, cũng không bao giờ được giải thích.

Tiểu thuyết này còn mang tính hiện đại trong cái khuynh hướng tự tham chiếu hay tự chiêm nghiệm của nó. Nói một cách khác, cuốn tiểu thuyết thường nói về chính nó. Melville thường bình luận về những quá trình của tư duy như viết lách, đọc sách và hiểu biết. Chẳng hạn, mỗi chương là một khảo cứu đích thực trong đó người kể chuyện đã cố gắng phân loại sự vật nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc, nói rằng chẳng bao giờ có thứ gì to tát có thể được hoàn tất (“Thượng đế ngăn không cho tôi hoàn thành bất cứ điều gì. Cả cuốn sách cũng chỉ là một phác thảo - đúng hơn là một phác thảo của phác thảo. Ôi! Thời Gian, Sức Mạnh, Tiền Bạc và Lòng Kiên Nhẫn”). Quan điểm của Melville cho rằng một tác phẩm văn chương là một cái gì không hoàn hảo hoặc là một bản thảo bị bỏ dở là hoàn toàn hiện đại.

Ahab kiên quyết định hình một thế giới anh hùng, vượt thời gian của những điều tuyệt đối, trong đó ông ta đứng cao hơn mọi người. Thiếu khôn ngoan, ông đòi hỏi một điều hoàn tất, một câu trả lời. Nhưng cuốn tiểu thuyết cho thấy rằng không có cái hoàn tất trên đời, không có những câu trả lời cuối cùng, rằng nếu có thì chỉ là cái chết.

Các chi tiết liên hệ văn chương đầy ngụ ý ngân vang trong suốt cuốn tiểu thuyết. Ahab là tên một ông vua trong Cựu ước, khao khát có được một vốn hiểu biết tối cao, toàn bích như Faust. Giống Oedipus trong kịch của Sophocles, người trả giá quá đắt cho kiến thức lầm lạc, Ahab bị đánh mù mắt trước khi bị thương ở chân và cuối cùng bị giết chết. Moby-Dickđược kết thúc bằng từ “mồ côi”. Ishmael, người kể chuyện, là một kẻ lang thang như trẻ mồ côi. Cái tên Ishmael được lấy từ cuốn chương Sáng thế ký trong Cựu ước - anh ta là con trai của Abraham và Hagar (đầy tớ của Sarah, vợ Abraham). Ishmael và Hagar bị Abraham đuổi vào sống trong rừng sâu.

Cũng có những ví dụ khác. Rachel (một trong những bà vợ của tổ phụ Jacob) là tên của con tàu cứu Ishmael ở đoạn kết. Cuối cùng, con cá voi siêu hình nhắc độc giả Do Thái và Thiên Chúa giáo nhớ đến câu chuyện về Jonah trong Kinh thánh, người bị các bạn bè thủy thủ của mình ném khỏi tàu vì bị xem là người mang lại xui xẻo. Theo Kinh thánh, bị một “con cá lớn” nuốt, anh ta sống một thời gian trong bụng cá trước khi được Thượng đế can thiệp đưa trở về đất liền. Tìm cách thoát khỏi sự trừng phạt, anh ta chỉ rước vào mình thêm nhiều khổ đau.

Những tình tiết liên quan đến lịch sử cũng làm cho cuốn sách thêm phong phú. Con tàu Pequod được đặt theo tên của một bộ lạc Da đỏ bị xóa sổ ở New England, vì vậy cái tên ngụ ý rằng con tàu đó có số phận bị hủy diệt. Việc săn bắt cá trên thực tế là một ngành công nghiệp chủ yếu, nhất là ở New England: nó cung cấp dầu làm nguồn năng lượng chính, đặc biệt cho việc thắp sáng. Do vậy cá voi, theo nghĩa đen, đã “rọi sáng” vũ trụ. Nghề săn cá voi rõ ràng cũng có xu hướng bành trướng và nối kết với ý niệm về một định mệnh hiển nhiên, vì nó buộc dân Mỹ phải dong buồm đi khắp thế giới đánh bắt cá voi (sự thật là tiểu bang Hawaii hiện nay nằm dưới sự cai trị của Mỹ vì nó đã được dùng làm căn cứ tiếp nhiên liệu chính yếu cho những con tàu săn cá voi của Mỹ). Thủy thủ đoàn của con tàu Pequod tượng trưng cho tất cả các chủng tộc và tôn giáo khác nhau, gợi nên ý tưởng nước Mỹ có một đầu óc rộng mở như một miền đất lành cho mọi sắc dân. Cuối cùng, cuộc đời Ahab là một hóa thân đầy bi kịch cho chủ nghĩa cá nhân dân chủ kiểu Mỹ. Ahab khẳng định phẩm giá của mình như một cá nhân dám chống lại những sức mạnh bên ngoài không thể nào khuất phục được của vũ trụ.

Phần kết của tiểu thuyết cố làm dịu đi sự hủy diệt bi thảm của con tàu. Trong suốt tác phẩm, Melville nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn bè và tinh thần cộng đồng con người đa văn hóa. Sau khi chiếc tàu bị đắm, Ishmael được cứu thoát nhờ một cỗ quan tài được chạm trổ bởi Queequeg, một người bạn thân của anh, một người thợ săn cá voi bằng lao rất anh dũng với đầy hình xăm trên người và cũng là hoàng tử xứ Polynesia. Những hình trang trí trên quan tài mang tính thần thoại nguyên sơ kết hợp với lịch sử của vũ trụ. Ishmael được thoát chết bởi vật tượng trưng cho cái chết. Từ cái chết, sự sống lại vươn lên ở đoạn kết.

Moby-Dick từ trước đến nay được coi là “sử thi thiên nhiên” -một vở kịch hoành tráng về đời sống tâm linh con người trong bối cảnh thiên nhiên sơ khai - bởi cái huyền thoại về những người đi săn của nó, cái chủ đề tiên khởi của nó, cái tính cách biểu tượng của hòn đảo Eden, cách xử lý tích cực của các dân tộc giai đoạn tiền kỹ thuật và niềm khát khao tái sinh của nó. Và cái bối cảnh con người cô độc giữa tự nhiên là rất đặc trưng cho tính cách Mỹ. Nhà văn và nhà chính trị người Pháp Alexis de Tocqueville đã tiên đoán, trong tác phẩm Democracy in America (Nền dân chủ Mỹ) năm 1835, rằng chủ đề này sẽ nổi lên ở Mỹ như kết quả của nền dân chủ của nó:

Thân phận con người, chính con người bị mang xa khỏi quê hương và thời đại của mình và tồn tại trước mặt Tự nhiên và Thượng đế, cùng với nỗi đam mê, sự nghi ngờ, những thiên hướng hiếm hoi và những khổ đau không sao hiểu nổi, sẽ trở thành chủ đề chính, nếu không phải là duy nhất của thi ca Mỹ. 

Tocqueville lý luận rằng, trong một nền dân chủ, văn học sẽ đào sâu vào trong “những chiều sâu còn ẩn giấu của bản tính phi vật chất của con người” hơn là những biểu hiện thuần túy bên ngoài hoặc những phân biệt bề ngoài như là giai cấp và địa vị.

Chắc chắn rằng cả Moby-Dick và Typee cũng như Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) và Walden, phù hợp với những lời nhận định này. Đó là những tác phẩm ca ngợi thiên nhiên và là những cuộc lật đổ của đồng quê đối với nền văn minh đô thị nặng tính giai cấp.

Edgar Allan Poe

(1809 - 1849)

Edgar Allan Poe, một người miền Nam, đã chia sẻ với Melville cái nhìn siêu hình tăm tối trộn lẫn với những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực, sự nhại hài hước và châm biếm. Ông đã gọt giũa thể loại truyện ngắn và sáng tạo ra tiểu thuyết trinh thám. Nhiều truyện ngắn của ông dự báo sự ra đời của tiểu thuyết khoa học giả tưởng, kinh dị và huyễn hoặc rất phổ biến ngày nay.

Cuộc đời ngắn ngủi và bi đát của Poe bị đọa đầy bởi nỗi bất an. Cũng như nhiều nhà văn hàng đầu của Mỹ thế kỷ 19, Poe mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cuộc hôn nhân kỳ lạ của Poe vào năm 1835 với người em họ lớn nhất, cô Virginia Clemm, chưa đầy 14 tuổi, được giải thích như là một cố gắng tìm kiếm cuộc sống gia đình ổn định mà ông đang thiếu.

Poe tin rằng sự khác thường là thành tố thiết yếu của cái đẹp, và tác phẩm của ông thường quái lạ. Những câu chuyện và bài thơ của ông chen chúc những nhà quý tộc ưa tự vấn và bị đày đọa (Poe, cũng như những người miền Nam khác, ấp ủ một lý tưởng quý tộc). Những nhân vật buồn thảm này hình như không bao giờ làm việc hay tham gia cuộc sống xã hội; thay vì vậy họ tự giam mình trong những lâu đài mục nát, tăm tối, được bài trí một cách tượng trưng bằng những tấm thảm và màn cửa lạ lùng che giấu cái thế giới thật sự của mặt trời, cửa sổ, tường và sàn nhà. Những căn phòng bí mật phơi bày những thư viện cổ xưa, những tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ và đồ cổ phương Đông được tuyển lựa. Những người quý tộc chơi nhạc hay đọc các sách cổ trong khi trăn trở dày vò về những tấn bi kịch, thường là cái chết của những người thân yêu. Chủ đề về cái chết-trong-khi-đang-sống, đặc biệt là bị chôn sống hoặc trở về từ nấm mồ như một con ma cà rồng, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông, gồm The Premature Burial (Việc chôn cất vội vàng), “Ligeia”, The Cask of Amontillado (Thùng rượu của Amontillado), và TheFall of the House of Usher (Sự sụp đổ của gia đình Usher). Cái thế giới hỗn mang giữa sự sống và cái chết của Poe và những bối cảnh mang tính Gothic, màu mè, hào nhoáng của ông không chỉ thuần túy để làm phông trang trí. Chúng phản ánh đời sống nội tâm quá văn minh nhưng đượm màu chết chóc hoặc là tâm thần bấn loạn của những nhân vật của ông. Chúng là những biểu hiện tượng trưng của vô thức, và do vậy là trung tâm trong thi pháp của ông.

Thơ của Poe, cũng như thơ của nhiều tác giả miền Nam, đầy nhạc tính và tuân thủ âm vận nghiêm nhặt. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông, trong lúc sinh thời và cả ngày nay, là The Raven (Con quạ -1845). Trong bài thơ kỳ bí này, người kể chuyện mất ngủ, bị maám, chỉ đọc sách và khóc than cái chết của “Lenore đã khuất” của mình vào đêm khuya được một con quạ viếng thăm (một con chim ăn thịt xác chết, từ đó là biểu tượng của cái chết). Con quạ đậu trên cánh cửa nhà ông và lặp đi lặp lại một điệp khúc nổi tiếng của bài thơ, “không bao giờ nữa” như một điềm gở. Bài thơ kết thúc bằng một cái cảnh lạnh lẽo của một cái chết-trong-khi-đang-sống:

Và con Quạ, không hề động đậy, chỉ lặng yên cứ ngồi, ngồi yên lặng 

Trên bức tượng bán thân nhợt nhạt của Pallas ngay trên cửa phòng tôi 

Và đôi mắt của nó có tất cả dáng vẻ của một con quỷ đang mơ màng, 

Cái ánh sáng ngọn đèn trên đầu quạ

Đổ dài cái bóng nó trên sàn; 

Và linh hồn tôi thoát ra từ chiếc bóng đó bay lượn trên sàn 

Sẽ được nâng lên - không bao giờ nữa! 

Những câu chuyện của Poe - như đã dẫn trên đây - đã được mô tả như là những câu chuyện kinh dị. Những câu chuyện như The Gold Bug (Con bọ vàng) và The Purloined Letter (Lá thư bị đánh cắp), là những câu chuyện của suy lý hay biện luận. Những câu chuyện kinh dị của ông dự báo trước những tác phẩm của các tác giả chuyên viết truyện kinh dị Mỹ như H.P. Lovecraft và Stephen King, còn những truyện suy lý là những con chim báo hiệu của loại tiểu thuyết trinh thám của Dashiell Hammett, Raymond Chandler, Ross Macdonald, và John D. MacDonald. Cũng có một dấu hiệu về cái mà sau này xuất hiện với tên gọi là truyện khoa học giả tưởng. Tất cả những câu chuyện này bộc lộ niềm say mê của Poe với trí tuệ và kiến thức khoa học đang ngày càng có xu hướng thế tục hóa thế giới quan của nhân loại vào thế kỷ 19.

Trong mỗi thể loại, Poe cố khám phá đời sống nội tâm. Sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc ánh lên trên mỗi trang sách. “Có ai không thấy mình hàng trăm lần phạm lỗi hay hành động một cách xuẩn ngốc, không vì một lý do nào khác hơn là anh ta biết điều đó không nên làm”, đó là một đoạn trong The Black Cat (Con mèo đen). Để khám phá lãnh vực lạ lùng và hấp dẫn của những quá trình tâm lý, Poe lục lọi trong đống tư liệu về người điên và những cảm xúc tột cùng. Phong cách viết tỉ mỉ một cách gian khổ và sự giải thích cặn kẽ trong các câu chuyện làm tăng thêm cảm giác kinh hãi bằng cách tạo nên những biến cố có vẻ như thật và hợp lý.

Sự kết hợp giữa yếu tố suy đồi và chủ nghĩa nguyên thủy lãng mạn ở Poe có một sức hấp dẫn mãnh liệt giới văn nghệ châu Âu, đặc biệt là những nhà thơ Pháp như Stéphane Mallarmé, Charles Baudelaire, Paul Valéry và Arthur Rimbaud. Poe vẫn mang bản sắc Mỹ, mặc cho sự căm ghét mang màu quý tộc của ông với nền dân chủ, mặc cho lòng ưa thích những gì lai căng xa lạ và những chủ đề về sự phi nhân của ông. Trái lại, ông hầu như là một trường hợp tiêu biểu cho lời dự đoán của Tocqueville rằng nền dân chủ Mỹ sẽ sản sinh những tác phẩm bóc trần cái phần sâu thẳm nhất, ẩn khuất nhất của tâm thức. Một sự âu lo sâu thẳm và một trạng thái tâm thần bất an dường như xuất hiện ở Mỹ sớm hơn ở châu Âu, bởi vì ít nhất thì những người dân Cựu lục địa cũng đã có một cơ cấu xã hội ổn định và phát triển cao mang lại cho họ sự an toàn về mặt tâm lý. Ở Mỹ, đã không có được một sự bảo đảm tương ứng, mỗi người sống cho chính mình. Poe đã mô tả chính xác phía bên dưới của giấc mơ Mỹ về con người tự lập thân và phơi bày cái giá của chủ nghĩa thực dụng và cuộc cạnh tranh tàn bạo - sự cô đơn, tha hóa, và những hình ảnh của cái chết-trong-lúc-đang-sống.

Chủ đề “Sự suy đồi” của Poe cũng phản ánh sự xuống dốc của những biểu tượng xuất hiện vào thế kỷ 19 - cái khuynh hướng pha trộn những vật phẩm nghệ thuật hỗn tạp từ nhiều thời đại và xứ sở khác nhau trong quá trình tước bỏ đi tính cách của chúng và giảm chúng xuống chỉ còn là những vật trang trí thuần túy trong bộ sưu tập. Mớ hỗn độn các bút pháp phát sinh từ đó đặc biệt đáng chú ý ở Mỹ, nơi thường thiếu những phong cách truyền thống của riêng mình. Sự hỗn độn ấy phản ánh sự mất mát những hệ thống tư tưởng nhất quán khi việc di cư, đô thị hóa, và công nghiệp hóa đã nhổ tận gốc nền tảng gia đình và lối sống truyền thống. Trong nghệ thuật, sự rối loạn những biểu tượng này làm tăng thêm tính quái dị, một ý tưởng mà Poe đã lấy làm chủ đề của mình trong tuyển tập truyện hàng đầu của ông, Tales of the Grotesque and Arabesque (Truyện kinh dị) (1840).

CÁC NHÀ VĂN NỮ VÀ NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH PHÁI NỮ

Trong thế kỷ 19, phụ nữ Mỹ phải chịu đựng nhiều sự bất bình đẳng: họ không có quyền bầu cử, không được bước chân vào những trường chuyên nghiệp và hầu hết bậc đại học, bị cấm nói trước đám đông và thậm chí tham dự những hội nghị công cộng, và không được có tài sản riêng. Mặc cho những chướng ngại trên vẫn nổi lên hoạt động của những người phụ nữ cấp tiến. Qua thư từ, quan hệ bè bạn riêng tư, những hội họp chính thức, báo chí phụ nữ, và sách vở, phụ nữ đẩy xa hơn những thay đổi xã hội. Phụ nữ trí thức đã vạch ra những cảnh ngộ tương đồng giữa họ và người nô lệ. Họ can đảm đòi hỏi những cải tổ căn bản, chẳng hạn như sự bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền bầu cử của phụ nữ, bất chấp sự tẩy chay của xã hội và nguy cơ bị đổ vỡ tài chính. Những tác phẩm của họ là đội quân tiên phong trong hoạt động trí thức của một truyền thống văn học phụ nữ rộng lớn hơn bao gồm luôn tiểu thuyết tình cảm. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm của phụ nữ, chẳng hạn Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tôm) của Harriet Beecher Stowe, hết sức nổi tiếng. Chúng gợi cảm xúc sâu lắng và thường bi kịch hóa những vấn đề xã hội dễ gây tranh cãi, đặc biệt những vấn đề đụng chạm đến gia đình và vai trò, trách nhiệm của phụ nữ.

Lydia Child (1802 - 1880) một người chống chế độ nô lệ, đã ảnh hưởng rất lớn đến Margaret Fuller, là người lãnh đạo hoạt động phụ nữ của mạng lưới này. Cuốn tiểu thuyết rất thành công của bà, Hobomock(1824), bày tỏ nhu cầu khoan dung chủng tộc và tôn giáo. Bối cảnh của nó - vùng Thanh giáo Salem, bang Massachusetts - tiên liệu sự ra đời của Nathaniel Hawthorne. Là một nhà hoạt động xã hội, Child thành lập một ngôi trường nữ tư thục, sáng lập và biên tập tờ báo đầu tiên cho trẻ em ở Hoa Kỳ, và xuất bản tập sách tuyên truyền chống chế độ nô lệ đầu tiên, An Appeal in Favor of that Class of Americans Called Africans (Lời kêu gọi sự ủng hộ cho một lớp người được gọi là Mỹ - gốc Phi) vào năm 1833. Tác phẩm táo bạo này làm cho bà nổi tiếng và đồng thời cũng làm bà phá sản. Cuốn sách History of the Condition of Women in Various Ages and Nations (Lịch sử về hoàn cảnh của phụ nữ trong các thời đại và quốc gia khác nhau - 1855) tranh luận cho sự bình đẳng của phụ nữ bằng cách chỉ ra những thành quả của họ trong lịch sử.

Angelina Grimké (1805 - 1879) và Sarah Grimké (1792 1873) sinh ra trong một đại gia đình chủ nô giàu có ở vùng Charleston quý phái bang Nam Carolina. Hai chị em này đã chuyển lên phía Bắc để đấu tranh cho quyền lợi của người Da đen và phụ nữ. Là những người phát ngôn cho Hội chống chế độ nô lệ New York, họ là những người phụ nữ đầu tiên diễn thuyết công khai trước đám đông bao gồm cả đàn ông. Trong thư từ, tiểu luận và nghiên cứu, họ xem sự kỳ thị chủng tộc và phân biệt nam nữ là giống nhau.

Elizabeth Cady Stanton (1815 - 1902), nhà hoạt động vì quyền bình đẳng phụ nữ và sự bãi bỏ chế độ nô lệ, đã sống một thời gian ở Boston, nơi bà kết bạn với Lydia Child. Cùng với Lucretia Mott, bà tổ chức Hội Seneca Falls vì quyền bình đẳng phụ nữ; bà cũng phác thảo bản tuyên ngôn Declaration of Sentiments (Bản tuyên ngôn tình cảm) của hội. “Bản tuyên ngôn độc lập của phụ nữ” của bà mở đầu bằng câu “đàn ông và đàn bà sinh ra đều bình đẳng”, và bày tỏ một quyết tâm đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ. Cùng với Susan B. Anthony, Elizabeth Cady Stanton tổ chức chiến dịch đấu tranh cho quyền bỏ phiếu vào những năm 60 và 70, thành lập Liên đoàn phụ nữ quốc gia trung thành chống chế độ chiếm hữu nô lệ và Hiệp hội đầu phiếu phụ nữ, và cùng biên tập tờ tuần báo Revolution. Làm chủ tịch Hiệp hội đầu phiếu phụ nữ trong 21 năm, bà lãnh đạo cuộc đấu tranh cho nữ quyền. Bà diễn thuyết ở nhiều tiểu bang, một phần để hỗ trợ việc học hành của bảy người con bà.

Sau khi chồng chết, bà đào sâu phân tích sự bất bình đẳng về giới tính. Cuốn sách The Woman’s Bible (Kinh thánh của phụ nữ - 1895) của bà chỉ ra một định kiến áp bức phụ nữ bắt rễ sâu xa trong truyền thống Do Thái Thiên Chúa giáo. Bà diễn thuyết về những đề tài như ly dị, quyền lợi của phụ nữ, và tôn giáo cho đến khi bà mất ở tuổi 86, ngay sau khi vừa viết một lá thư cho Tổng thống Theodore Roosevelt ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Rất nhiều cuốn sách của bà - thoạt đầu dùng bút danh, nhưng về sau xuất hiện dưới tên bà - gồm 3 tập viết chung của bộHistory of Woman Suffrage (Lịch sử quyền bỏ phiếu của phụ nữ, 1881 - 1886) và một tiểu sử tự thuật khôi hài và chân thành.

Sojourner Truth (khoảng 1797 - 1883) tiêu biểu cho sức chịu đựng và sức mạnh lôi cuốn quần chúng của nhóm phụ nữ kiệt xuất này. Sinh ra với thân phận một nô lệ ở New York, lớn lên bà nói tiếng Hà Lan. Bà thoát khỏi kiếp nô lệ năm 1827, định cư cùng với con trai và con gái trong sự bảo trợ của gia đình Van Wagener người Mỹ - Hà Lan mà bà vốn là người giúp việc cho họ. Họ giúp bà thắng trong cuộc đấu tranh pháp lý giành tự do cho con trai, và sau này bà mang tên họ. Khởi đầu sự nghiệp, bà làm việc với một giáo sĩ để huấn cải những cô gái điếm theo đạo Thiên Chúa và sống trong một ngôi nhà chung. Bà được đặt tên “Sojourner Truth” vì tiếng nói tiên tri và nhãn lực huyền bí của bà. Để phổ biến chân lý về những điều bà học được trong khi khải thị, bà thường rày đây mai đó một mình, để diễn thuyết, hát Thánh vịnh và truyền bá tư tưởng bãi bỏ chế độ nô lệ qua nhiều tiểu bang trong hơn ba thập kỷ. Được Elizabeth Cady Stanton động viên, bà ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Cuộc đời của bà được kể lại trong cuốn The Narrative of Sojourner Truth (Truyện kể về Sojourner Truth - 1850), một câu chuyện mang tính chất tiểu sử tự thuật được Olive Gilbert viết lại và xuất bản. Suốt đời mù chữ, bà nói tiếng Anh giọng Hà Lan. Người ta kể rằng Sojourner Truth đã phanh bộ ngực mình ra trong một hội nghị về quyền phụ nữ khi bà bị tố cáo là một người đàn ông. Câu bà trả lời một người đàn ông khi ông ta nói phụ nữ là phái yếu đã trở thành huyền thoại:

Tôi đã cày bừa và trồng tỉa, đã lê la ở những quán rượu, và không một người đàn ông nào có thể chỉ huy tôi. Mà tôi không phải là một người đàn bà sao? Tôi cũng có thể làm việc nhiều và ăn nhiều như một người đàn ông - khi tôi có thể kiếm được -và còn chịu cả đánh đập mắng chửi nữa! Mà tôi không phải là một người đàn bà sao? Tôi đã sinh 13 đứa con, và phải chứng kiến hầu hết bọn chúng bị bán làm nô lệ, và khi tôi gào lên nỗi thống khổ của mẹ tôi, chẳng ai nghe tôi ngoài Chúa Giêsu! Vậy tôi không phải là một người đàn bà sao? 

Nhà hùng biện khôi hài và không được đánh giá cao lúc sinh thời này được so sánh với những ca sĩ nhạc Blue vĩ đại. Harriet Beecher Stowe và nhiều người khác đã nhận ra sự khôn ngoan trong người đàn bà Da đen được khải thị này, người có thể tuyên bố “Lạy Chúa, Chúa ơi, con có thể yêu ngay cả người Da trắng!”.

Harriet Beecher Stowe 

(1811 - 1896) 

Cuốn tiểu thuyết Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tom), hay, Life Among the Lowly (Cuộc sống của đám người hạ đẳng) của Harriet Beecher Stowe là cuốn sách nổi tiếng nhất vào thế kỷ 19. Thoạt đầu được đăng nhiều kỳ trên tờ tạp chí National Era (1851 - 1852), và ngay lập tức tạo được thành công. Chỉ riêng tại Anh, bốn mươi nhà xuất bản khác nhau đã in nó, và nó được nhanh chóng dịch ra 20 thứ tiếng, nhận được lời khen ngợi của những tác giả như Georges Sand ở Pháp, Heinrich Heine ở Đức và Ivan Turgenev ở Nga. Lời kêu gọi thiết tha chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ của nó đã làm bùng cháy lên cuộc tranh luận kéo dài một thập kỷ, dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ (1861 - 1865).

Những nguyên nhân dẫn đến thành công của Uncle Tom’s Cabin thật rõ ràng. Nó phản ánh ý tưởng cho rằng chế độ nô lệ ở Mỹ, một quốc gia chủ trương mang lại dân chủ và bình đẳng cho tất cả mọi người, là một sự bất công, phi lý khổng lồ.

Stowe là một đại biểu hoàn hảo của một dòng dõi Thanh giáo lâu đời ở New England. Cha, anh và chồng bà đều là những giáo sĩ và những nhà cải cách Tin Lành có học và danh tiếng. Stowe thai nghén ý tưởng về cuốn tiểu thuyết này - khi nhìn thấy cảnh một người nô lệ già, tiều tụy bị đánh đập - trong lúc bà đi dự lễ ở nhà thờ. Sau này, bà nói rằng chính Chúa đã khơi nguồn cảm hứng và giúp bà viết cuốn sách này. Động cơ của bà là dùng tình cảm tôn giáo cải tạo cuộc sống làm cho nó trở nên thánh thiện hơn. Thời kỳ lãng mạn đã mang đến một kỷ nguyên của các xúc cảm: nền tảng đạo đức gia đình và tình yêu thương giữ địa vị tối cao. Cuốn tiểu thuyết của Stowe đã đặc biệt đả phá chế độ nô lệ vì nó làm băng hoại những giá trị của gia đình.

Chú Tom, người nô lệ và nhân vật trung tâm, là một vị thánh tử vì đạo thật sự, người đã lao động để hoán cải người chủ nhân hậu của mình là ông St. Clare; cầu nguyện cho linh hồn St. Clare khi ông này chết, bản thân Tom cũng bị giết chết khi bảo vệ những người phụ nữ nô lệ. Chế độ nô lệ được vẽ lên với tất cả sự tàn ác không phải vì những lý do chính trị hay triết học mà chủ yếu bởi vì nó phân ly gia đình, hủy hoại tình yêu tự nhiên của cha mẹ và tự bản chất không hề mang cái tinh thần Thiên Chúa giáo. Những cảnh tượng cảm động nhất là về một người mẹ nô lệ khốn khổ chẳng có thể làm gì cho đứa con đang gào thét và người cha bị bán đi khỏi gia đình. Đó là những tội ác chống lại sự thiêng liêng của tình cảm gia đình.

Cuốn tiểu thuyết của Stowe ban đầu hoàn toàn không có ý định công kích miền Nam. Trên thực tế, Stowe đã đi thăm miền Nam, yêu thích người miền Nam và khắc họa hình tượng họ một cách tốt đẹp. Những người chủ nô lệ miền Nam là những người chủ tử tế và đối xử tốt với Tom. Bản thân St. Clare căm ghét chế độ nô lệ và có ý định giải phóng toàn bộ số nô lệ của mình. Ngược lại, ông chủ Simon Legree độc ác, là một người miền Bắc và là một tên vô lại. Thật trớ trêu, cuốn sách có ý định hòa giải Bắc - Nam, khi cả hai đang tiến gần đến cuộc Nội chiến sau đó một thập kỷ. Mặc dù vậy, cuối cùng, cuốn sách được những người ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ và những người khác dùng làm vũ khí trong cuộc luận chiến chống lại miền Nam.

Harriet Jacobs 

(1818 - 1896)

Sinh ra làm nô lệ ở bang bắc Carolina, Harriet Jacobs được bà chủ dạy cho đọc và viết. Khi bà chủ qua đời, Jacobs bị bán cho một người chủ Da trắng cố tình ép bà quan hệ tình dục với hắn. Bà chống lại người chủ, tìm đến một người tình Da trắng khác và có với ông hai đứa con rồi để chúng sống với bà ngoại. “Tự hiến thân có vẻ như ít hạ phẩm giá hơn là khuất phục trước sự áp bức”, bà viết một cách thật lòng như thế. Bà trốn thoát khỏi ông chủ và dựng nên tin đồn rằng bà đã trốn lên miền Bắc.

Lo sợ bị bắt, bị trả về làm nô lệ và bị trừng phạt, bà sống suốt 7 năm lẩn trốn ngay tại thị trấn của người chủ, trong một căn phòng áp mái, bé xíu, tối tăm trong căn nhà của bà ngoại. Bà chịu đựng được mọi nỗi đau khổ là nhờ được nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình qua những cái lỗ mà bà khoan qua trần nhà. Cuối cùng bà thoát được đến miền Bắc, sống ở Rochester - bang New York, nơi Frederick Douglass đang xuất bản tờ nhật báo chống nô lệ North Start và gần Senaca Falls, nơi vừa diễn ra một hội nghị về quyền phụ nữ. Ở đây, Jacobs làm bạn với Amy Post, một người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền phụ nữ theo phái Quaker. Amy đã khuyến khích bà viết tiểu sử tự thuật của mình.Incidents in the Life of a Slave Girl (Những sự việc xảy ra trong đời của một nữ nô lệ) xuất bản dưới bút hiệu “Linda Brent” vào năm 1861, được Lydia Child biên tập. Cuốn sách lên án thẳng thừng tệ nạn bóc lột tình dục ở nữ nô lệ Da đen. Cuốn sách của Jacobs, cũng như cuốn của Douglass, là một phần của thể loại tự sự của dân nô lệ tiếp nối truyền thống từ Olaudah Equiano thời thuộc địa.

Harriet Wilson

(1807 - 1870)

Harriet là người Mỹ - Phi châu đầu tiên xuất bản một cuốn tiểu thuyết ở Mỹ - Our Nig: Or, Sketches from the Life of a Free Black, in a two - storey white house North; showing that Slavery’s Shadows Fall Even There (Phác họa về cuộc đời của một người Da đen tự do, trong một ngôi nhà trắng hai tầng, miền Bắc; chứng minh rằng bóng của những người nô lệ đã ngả dài xuống đây - 1859). Cuốn tiểu thuyết được hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực cuộc hôn nhân giữa một người đàn bà Da trắng và một người đàn ông Da đen, và cũng mô tả cuộc sống khó khăn của một người đầy tớ Da đen trong một gia đình Thiên Chúa giáo giàu có. Trước đây, người ta nghĩ rằng đây là một cuốn tiểu sử tự thuật, nhưng giờ đây được hiểu là một tác phẩm hư cấu.

Cũng như Jacbos, Wilson đã không xuất bản dưới tên thật của mình (Our Nig, là một sự mỉa mai) và tác phẩm của bà bị lãng quên mãi cho đến gần đây. Ta cũng có thể có những nhận xét tương tự với các tác phẩm của hầu hết những cây bút nữ vào thời kỳ đó. Học giả Mỹ Da đen nổi tiếng Henry Louis Gates, Jr. - trong vai trò chỉ đạo dự án nghiên cứu tiểu thuyết của các nhà văn Da đen - đã tái bản Our Nig vào năm 1983.

Frederick Douglass 

(1817 - 1895)

Người lãnh đạo người Mỹ Da đen chống chế độ nô lệ nổi tiếng nhất và đồng thời là nhà hùng biện của thời đó là Frederick Douglass. Ông sinh ra với thân phận nô lệ trong một trang trại ở Maryland. Do may mắn, ông được đưa đến Baltimore tương đối tự do hơn khi ông còn trẻ, ở đó ông học đọc và viết. Trốn thoát tới Massachusetts năm 1838, vào lúc 21 tuổi, Douglass được ông chủ bút ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ Wilson Lloyd Garrison giúp đỡ và bắt đầu diễn thuyết cho những hội nhóm chống chế độ nô lệ.

Năm 1845, ông xuất bản cuốn Narrative of the Life of Frederick Douglass, An American Slave (Tự thuật về cuộc đời Frederick Douglass, một nô lệ Mỹ) của mình (ấn bản lần hai năm 1855, sửa chữa lại vào năm 1892), là cuốn hay nhất và nổi tiếng nhất trong nhiều “chuyện kể về nô lệ”. Thường được những người ủng hộ bãi bỏ nô lệ ghi chép lại từ những người Da đen mù chữ dùng để tuyên truyền. Những chuyện kể nô lệ này rất nổi tiếng vào những năm ngay trước cuộc Nội chiến. Tự truyện của Douglass rất sống động, có giá trị nghệ thuật cao và nó mang lại những hiểu biết vô song về tình trạng tâm lý của nô lệ và sự thống khổ mà định chế này đã gây ra cho những người Da đen.

Chuyện kể về nô lệ là thể loại văn xuôi đầu tiên của văn học Da đen ở Mỹ. Nó giúp người Da đen rất nhiều trong việc vượt khó khăn để thiết lập một tính cách Mỹ -Da đen trong lòng nước Mỹ Da trắng và tiếp tục gây ảnh hưởng quan trọng lên những chủ đề và kỹ thuật viết tiểu thuyết của văn học Da đen suốt thế kỷ 20. Công cuộc tìm kiếm một diện mạo riêng, sự giận dữ chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, và cảm giác về việc sống một cuộc sống vô hình, trong bóng tối, bị săn đuổi và không được đa số người Mỹ Da trắng thừa nhận, lại tái hiện trong những tác phẩm của những tác giả Mỹ Da đen thế kỷ 20 như Richard Wright, James Baldwin, Ralph Ellison và Toni Morrison.

[1]

 Đông Ấn: East India, tức Ấn Độ ngày nay, phân biệt với West Indies (quần đảo Tây Ấn) ở Trung Mỹ, vốn ngày xưa bị ngộ nhận là Ấn Độ, khi Christophe Colombus muốn đi đường biển sang châu Á (Ấn Độ -Trung Quốc) mà không phải đi qua Tây Á lúc đó đang bị các lực lượng Hồi giáo trấn giữ.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro