Lịch Sử Văn Minh Thế Giới

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Trong lịch sử của mỗi dân tộc, những nhân tố có ảnh hưởng quyết định đến các nền văn hóa trước hết là trình độ kinh tế, chính trị; sự phát triển xã hội, sự sáng tạo của mỗi con người…

Lịch sử Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nil. Sử gia Hy Lạp cổ đại là Herodote đã từng viết: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nil”. Điều đó nói lên rằng sông Nil có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của người Ai Cập thời cổ đại. Hàng năm từ tháng 6 đến tháng 10, nước sông Nil dâng cao gây nên những trận lụt lớn. Sang tháng 11, nước sông rút đi, để lại một lớp phù sa màu mỡ dày đặc, rất thích hợp cho việc gieo trồng các loại ngũ cốc. Vì vậy, dân cư sống từ thời viễn cổ ở hai bên bờ sông Nil đã biết nghề nông rất sớm. Dọc hai bờ sông Nil và ven các hồ, đầm mọc rất nhiều một loại cây sậy – cây papyrut. Người Ai Cập thời xưa dùng vỏ cây papyrut để làm giấy viết.

Ở những dãy núi phía đông và phía tây dọc thung lũng sông Nil, có rất nhiều loại đá khác nhau: đá vôi, đá huyền vũ, đá hoa cương, đá vân mẫu. Đây là những vật liệu kiến trúc quan trọng nhất của người Ai Cập thời cổ đại.

Tài nguyên thiên nhiên có quan hệ đến việc ghi chép văn tự của người Ai Cập cổ đại. Văn tự Ai Cập cổ đại được ghi lại trên các cuốn giấy papyrut. Thân cây papyrut được người Ai Cập cổ đại dùng để làm giấy. Nhiều tờ giấy papyrut dán lại với nhau thành một tờ dài, cuộn lại thành cuộn giấy. Chính các cuộn giấy papyrut này được lưu giữ ở các bảo tàng châu Âu(1) đã cho hậu thế biết được những trang sử, những thành tựu y học(2) và các thành tựu văn hóa khác của Ai Cập cổ đại.

Nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của Ai Cập cổ đại rất nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ kim. Những đền đài, cung điện, kim tự tháp còn bảo tồn đến ngày nay đều chứng minh điều đó. Những công trình văn hóa ấy đều gắn liền với đá – một tài nguyên dồi dào ở Ai Cập. Để xây những kim tự tháp, người ta phải dùng một khối lượng đá rất lớn gồm hàng chục triệu khối đá. Những khối đá ấy được mài nhẵn và ghép vào nhau rất sát. Những tác phẩm điêu khắc cũng thể hiện tài năng lỗi lạc của cư dân Ai Cập. Người ta đã khắc tượng các Pharaoh bằng đá

Ở Ai Cập cổ đại, sự phát triển khoa học cũng gắn liền với điều kiện tự nhiên, với dòng sông Nil. Đúng như K. Marx đã nói: “Ở Ai Cập, trước hết là do sự cần thiết mới biết được mực nước sông Nil lên xuống nên đã đẻ ra thiên văn học Ai Cập…”. Vì muốn biết thời tiết và mực nước của sông Nil để sắp xếp công việc đồng áng  nên người Ai Cập cổ đã sớm chú ý quan sát thiên văn. Các nhà thiên văn Ai Cập đã phát hiện các chòm sao và đã soạn ra bản đồ thiên thể được vẽ trên các cửa đền đài cổ.

Việc gieo trồng có quan hệ mật thiết với việc hiểu biết thời gian lên xuống của mực nước sông Nil. Muốn biết chắc chắn lúc nào nước sông Nil lên cao, người Ai Cập cổ phải quan sát bầu trời và làm lịch. Người Ai Cập nhận thấy đến một ngày nào đó, lúc sáng sớm mà có sao Lang (Sirius) mọc đúng ở đường chân trời thì đúng là lúc nước sông Nil bắt đầu dâng lên. Ở Ai Cập cổ đại, việc cần biết thời gian nào nước sông Nil lên cao, việc quan sát bầu trời để từ đó có tri thức về thiên văn học, việc làm lịch, ba việc đó có quan hệ mật thiết với nhau. Đơn vị “năm” trong lịch cổ Ai Cập là thời gian giữa hai lần lúc sáng sớm có sao Lang xuất hiện ở đường chân trời.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro