Uno: Nếu hôm đó không phải là em.

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nếu một ngày mà bạn cảm thấy từng dòng mình viết ra không còn gửi gắm được sự sáng tạo, tâm tư của bản thân vào trong đấy nữa, thì bạn nên dừng lại. Tôi nghĩ vậy, tôi đặt những viên gạch đầu tiên cho những mẩu truyện của mình vào tháng 3, bây giờ đã là tròn bốn tháng. 4 chương truyện – 4 mảnh ghép khác nhau, 4 sợi dây liên kết để tạo nên mạch xúc cảm của tôi trong đấy. Nhưng rồi sẽ đến một ngày, bạn ngồi xuống, soạn những văn bản vội vàng, để rồi khi nhìn lại, bạn thầm cười: "À, dài thế này chắc là đủ rồi nhỉ". Không, đấy không phải tôi, mong rằng đấy cũng không phải các bạn. Cái lười biếng bóp ngẹt từng con người trong mộng tưởng của họ, để rồi đến khi hết hứng thú, ta vứt gọn nó vào một góc, dang dở đến đáng thương.

Tiếc là tôi không hoàn thành một cách trọn vẹn đứa con của tôi, song nó mở ra cánh cửa mới. Cánh cửa của sự tự do, phóng khoáng, nơi mà tôi thỏa sức vẫy vùng trên con sóng lớn. Ở nơi đó, có một hậu phương vững chắc đứng đằng sau và hậu thuẫn cho tôi một cách ghê gớm, về ý tưởng và về tình yêu: Xứ sở hình chiếc ủng - Ý.

Lá quốc kì ba màu: lục, đỏ, trắng để con tim tôi vào sự bồi hồi. Đất nước địa trung hải xinh đẹp này hấp dẫn đến lạ thường. Chúng ta đang nói đến thời kì phục hưng nổi tiếng với biết bao vĩ nhân của văn hóa nhân loại như Raphael, Michelangelo, Donatello hay Leonardo da Vinci. Và rồi là Botticelli với những bức họa tuyệt tác hay là áng thơ văn của Dante. Tôi chẳng thể khoác lác khi nói về đất nước này, bởi nó mang cho tôi cảm hứng. Thử viết nên cho mình một câu chuyện, ở đó mình được hóa thân thành một nhân vật chu du đi khắp chốn từ Napoli nơi miền Nam rực nắng đến thủ phủ thời trang Milano ở phía Bắc, lang thang nơi Sardegna rồi tới Sicilia và dừng chân nơi thủ đô Roma.

Một hành trình nghe đầy hứa hẹn, đầy cảm xúc hay rồi sẽ lại kết thúc trong một folder nào đó trên máy tính của tôi, chỉ có thời gian mới trả lời được. Một khởi đầu mới như tiếp thêm ngọn lửa, tiếp thêm sức mạnh của tình yêu, của bản thân tôi đối với việc được viết. Còn các bạn, tôi chỉ biết nói lời cảm ơn chân thành và sâu sắc khi các bạn chịu đọc đến tận đây! Nếu ta đủ can đảm, thì ta ra khơi mà chẳng mất lấy một giây phút suy nghĩ.

'La letteratura riflette l'anima'

Uno: Nếu hôm đó không phải là em.

Rảo bước trên ngọn đồi nơi Val d'Orcia tuyệt đẹp, tôi liếc nhìn người con gái đang cách tôi một cái nắm tay. Người con gái Ý xinh đẹp với mái tóc màu đỏ hung như cuốn tôi vào trong đó, nàng luôn như vậy, giống với Pienza nơi Isabella sinh ra, đẹp nhẹ nhàng nhưng nào đâu kém phần nổi bật. Cô ấy hỏi tôi:

- Come ti chiami? (Cậu tên là gì)

Tôi với vốn tiếng Ý ít ỏi của mình bập bẹ ra từng câu:

- Mi chiamo Dũng. (Mình tên Dũng.)

- Non so cosa significhi, ma quel nome sembra interessante (Mình không hiểu nó có nghĩa là gì, nhưng cái tên đó nghe thật thú vị.)

Nàng nói rồi nhoẻn miệng cười, dáng vẻ kiều diễm đấy bước đi đầy thanh thoát. Còn tôi thì đứng ngây người ra, "phải chăng đây là cái thi vị nước Ý mà mình tìm kiếm bấy lâu". Mới nhập học vào một ngôi trường xa lạ, học một thứ ngôn ngữ theo mình tôi nghĩ chắc chắn phức tạp hơn tiếng Anh. Một áp lực kinh hồn đè nặng lên tôi, chàng du học sinh Việt Nam. Nhưng chót dành tình yêu cho nơi đây, thành phố Firenze cổ kính, cho nước Ý vĩ đại, tôi bất chấp.

                                                                                                    *

*        *

Mọi áp lực của bản thân tôi như được giải tỏa ở mỗi giây phút mà cô ấy cười. Chuyện sẽ chẳng có gì nếu tôi quay về nhà bình thường như bao ngày khác. Song hôm nay tôi "bị" một cô gái phá vỡ cái quy luật nhàm chán đó, với một nụ cười. Nụ cười tỏa nắng của người chủ động mời tôi đi dạo, người mà nói tên của mình ra mà bản thân tôi chỉ biết đứng ngây người ra rồi chẳng đáp lại lấy một lời:

- Cậu lần đầu đến Firenze à, tớ ở đây lâu rồi mà chưa thấy cậu bao giờ.

(Các đoạn hội thoại tiếng Ý mình sẽ viết in nghiêng cho các bạn dễ theo dõi, nhưng phân đoạn cần cảm xúc thì mình sẽ để nguyên bản để tăng thêm giá trị cho tác phẩm)

Tôi không trả lời, một phần vì sự bất ngờ, một phần cũng vì tôi là một thằng nhát gái. Đến cả con gái Việt Nam tôi còn không biết bắt chuyện, huống chi một cô gái Ý đang đứng trước tôi, dáng vẻ xinh xắn hớp hồn.

Đột nhiên cô ấy cau mày:

- Hừm, cậu có vẻ ít nói nhỉ! Không sao, tớ tên là Isabella, rất vui được làm quen!

Isabella đưa bàn tay của mình ra, tôi thì lí nhí:

- Mình cũng vậy.

Nhiều lúc tôi trách thầm cái thói nhát gái của mình, nó làm tôi trông thật tệ hại trước mặt phái yếu. Chưa kịp nói hết câu thì Isabella kéo lấy tay mình chạy ra khỏi giảng đường. Thực sự nếu là một thằng con trai bình thường thì chẳng bao giờ có chuyện như này, song có lẽ tôi phải cảm ơn sự nhút nhát của mình trong trường hợp này. Nghe thì nực cười và đầy hứa hẹn cho những chuỗi ngày nước Ý của tôi.

- Cậu đi xe không. – Isabella thắc mắc.

- Nhà mình cũng gần nên mình đi bộ.

- Vậy thì đi xe máy chắc ok nhỉ?

Trước mặt tôi là một chiếc Classic Vespa (tất nhiên rồi, chúng ta đang ở Ý đúng không nào), chiếc scooter cổ lỗ sĩ lọt thỏm trong bãi xe toàn ô tô hạng sang như Fiat, Alfa Romeo hay thậm chí cả Ferrarri, Pagani của những cậu ấm cô chiêu. Nhưng "con ong" màu cam này chính vì thế lại càng nổi bật và bắt mắt. Cô gái tôi mới quen chưa được 10 phút giờ rủ tôi đi chơi (thực ra cũng không hẳn, có lẽ cô ấy chỉ muốn đi dạo):

- Cậu có phiền không nếu đi cùng mình! – Isabella nói với chiếc mũ bảo hiểm trên tay.

Tôi gật đầu.

Ngồi trên xe, cơn gió thu vùng Toscana thổi bay tâm trí của tôi. "Tại sao mình lại ở đây", "Mình có dở hơi không?", "Cô ấy là người như nào?"; hàng tá câu hỏi ĐÁNG LÝ RA phải xuất hiện trong đầu tôi. Nhưng không, cơn gió thu cùng dáng vẻ của Isa không cho tâm trí tôi một cơ hội để nghi hoặc cô ấy. Chiếc skirt kẻ caro cùng đôi giày Vans phối với đôi tất tới mắt cá, cô mặc chiếc cardigan màu xám. Khuôn mặt điểm xuyết chút tàn nhang với mái tóc đỏ, và hàm răng đều tăm tắp, luôn ánh lên nụ cười. Chúng tôi dừng tại một quán cafe nhỏ dưới chân đồi. Không gian khá ấm cúng, quán có tên Giardini. Isa dẫn tôi vào quán:

- Gio, per te come sempre (Gio, cho cháu như mọi khi)

- Thế cậu muốn uống gì?

- Mình uống như của cậu được rồi.

- Due tazze, Gio (Hai cốc nhé Gio)

Chúng tôi đứng ngoài chờ bên cạnh một gốc sồi đồ sộ, tôi hỏi Isabella:

- Tại sao cậu lại không nói họ cho mình mà lại dùng tên thật để xưng hô?

- Cậu tới từ Việt Nam đúng không? – Isabella cười.

- Sao cậu biết? – Tôi ngạc nhiên.

- Lúc còn bé, mình đã được bố mẹ đưa đi du lịch Việt Nam, nhìn cậu có một cảm giác gì đấy rất "Việt Nam" nên mình đoán vậy. (Isa mỉm cười)

- Và ở Việt Nam thì họ xưng hô bằng tên phải không – Isabella hồ hởi.

(Tại các nước phương Tây và một số quốc gia khác, việc xưng hô bằng họ thể hiện sự tôn trọng và là phép xã giao thông thường nên việc sử dụng tên thật ngay lần đầu gặp mặt khá lạ lẫm.)

Tôi vẫn chưa hết bất ngờ vì sự thông minh của cô nàng thì một bóng người cao lớn, với bộ râu xồm xoàm bước ra:

- Hai doppio espresso đây, cháu yêu!

- Cậu chàng nào đây? Bạn trai của cháu à Isa!? (Chủ quán bông đùa)

Isabella có vẻ ngượng ngùng:

- Không Gio, đây chỉ là một người bạn mới quen của cháu thôi!

- Bác đùa thôi mà – Gio phì cười – Lâu lắm mới thấy cháu ghé chơi nên bác không lấy tiền, chúc hai cháu một buổi tối vui vẻ nhé!

Một chủ quán đôn hậu và hảo sảng, điều mà tôi ít thấy ở một người làm kinh doanh. Chợt nhận ra trời cũng sắp ngả hoàng hôn, tôi mới nhớ về nơi tôi sống, nơi mà bầu trời lúc chạng vạng trong trẻo những sắc màu tuyệt đẹp. Isabella hỏi tôi:

- Tớ không biết cậu có ngắm hoàng hôn ở Việt Nam không, nhưng cảnh mặt trời lặn ở ngọn đồi này cũng khá là hứa hẹn đấy, vậy cậu có muốn xem không?

- Đi thôi! – Tôi đáp lại.

Từng bước chân, từng bước chân và từng bước chân, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng quang cảnh nơi đây đẹp và sống động đến vậy. Từng hàng cây xanh mướt như bao bọc lấy ngọn đồi cỏ. Bầu trời mới vừa nãy còn trong xanh giờ đã hơi ngả sang màu tối. Isabella nhấp một ngụm café, cô nói:

- Cậu thử đi, café của Gio là số một đấy!

Tôi nhấp một ngụm nhỏ rồi nhăn mặt. Café ở đây không hề giống với thứ nâu đá mà tôi hay thưởng thức cùng đám bạn cả, nó không có được sự đậm đà và đượm vị của café Việt Nam mang lại:

- Không hợp khẩu vị của cậu à?

Tôi gượng cười:

- Không hợp lắm, nó khác xa với café mình uống ở Việt Nam.

- Vậy khi nào cậu cho mình thử café Việt Nam nhé – Isabella tò mò

- Ừm – tôi cười

"Rồi cậu sẽ chót say mê café Việt Nam như bao người ngoại quốc khác thôi." tôi thầm nghĩ. Chúng tôi bước lên đỉnh đồi, nhìn về hướng xa xăm nơi chân trời, không thể rời mặt khỏi cảnh tượng này. Mặt trời của nước Ý dịu nhẹ, không gay gắt nhưng vẫn đầy mê đắm. Ánh sáng từ từ nhún mình ẩn lấp sau làn mây. Tôi không còn vướng bận gì nữa. Áp lực, bỡ ngỡ hay sự cô đơn nơi đất khách quê người; biến mất tất cả. Tôi nhớ lại những lúc ở Việt Nam, tôi hay chọn riêng cho mình một góc, ở những tòa nhà thật cao, để ngắm nhìn hoàng hôn và bỏ ngoài tai mọi thứ.

Nhưng hôm nay, ngay tại giây phút này, tôi không biết như thế nào là cô đơn nữa, mà tôi chỉ biết đến sự ấm áp. Mặt trời của tự nhiên đang đổ rạp sau từng làn mây, nhưng bên cạnh tôi thì một mặt trời vẫn đang bùng cháy. Đôi mắt xanh sâu thẳm nhìn vào xa xăm, cô gái này đẹp nét đẹp của người Ý. Tôi lén nhìn Isabella, rồi cô ấy bất chợt quay ra:

- Đẹp nhỉ?

- Đẹp lắm! – Tôi trả lời.

- Firenze là như thế Dũng à, cư dân nơi đây cũng vậy, họ thi vị ở từng khoảnh khắc. Còn cậu, ở cậu mình thấy được đâu đó sự thú vị trong con người và tâm hồn.

Tôi cười:

- Vậy cậu có sẵn lòng làm bạn với một anh chàng Việt Nam không?

- il piacere è tutto mio! (Rất sẵn lòng!)

Chúng tôi ngồi với nhau tới khi ánh mặt trời kia vụt tắt hẳn. Ban đêm ở ngọn đồi này không có đèn đường, nhưng những ngôi sao thì soi sáng cho chúng tôi (và cả flash điện thoại nữa). Mất một lúc thì chúng tôi mới xuống chân đồi. Isa đi lấy chiếc scooter của mình, còn tôi thì đi vào trong quán để chào bác Gio. Một mùi hương thơm phức, tôi thấy bác Gio đang cặm cụi trong bếp:

- Bác đang làm món Ravioli cháu yêu à, có muốn thử một chút không?

Thú thật là tôi đang đói như điên, song nghĩ tới cô bạn của mình đang đứng ngoài chờ, tôi đành tiếc nuối nói lời tạm biệt:

- Dạ thôi ạ, cháu chào bác chúng cháu về đây.

- Về cẩn thận nhé! – Gio mỉm cười nhưng cũng không quên một cái nháy mắt đầy ẩn ý.

Tôi chào Gio rồi ra về. Bước ra khỏi quán café, tôi thấy bóng dáng của một người con gái xinh đẹp trên chiếc Vespa. Isabella trách tôi:

- Sao cậu lâu vậy, bác Gio lại đang nấu món gì à? – cô cười.

- Món ravioli của Gio thực sự rất cuốn hút – tôi tấm tắc.

- Đồ ăn của Gio là số một đấy, thôi lên xe mình đưa cậu về.

Cơn đói của tôi lúc này cứ đánh trống trong bụng, nó khiến tôi ngượng chín mặt trước cô gái mà tôi đang đối diện. Isabella đưa tôi chiếc mũ bảo hiểm:

- Về thôi Dũng, mình thấy cậu có vẻ đói bụng lắm rồi đấy – Isa cười.

Tôi chẳng còn mặt mũi nào nữa, chỉ biết lên xe và ngồi. Isa vừa đưa tôi về, vừa hỏi:

- Nhà của cậu ở đâu vậy?

Nhắc mới nhớ, tôi mới chân ướt chân ráo đến Firenze, còn chưa biết tên đường tên phố như nào, thôi thì đành miêu tả cho cô ấy nghe nơi ở của tôi vậy:

- Ừm, cậu biết nhà của bác Cesare Favilli không? Đó là một...

Tôi chưa nói hết câu đã bị Isa ngắt lời:

- Nhà bác Cesare thì mình biết rồi, mình có một người bạn cũng sống ở đấy mà.

Mọi việc đang rất tiến triển, tôi nghĩ vậy. Đường phố giờ này ở Firenze vắng vẻ dù chưa tới 8 giờ tối, nó khác xa với vẻ sầm uất, nhộn nhịp ban đêm ở khu phố trước kia tôi sống. Chiếc xe cứ thế mà băng trên con đường vắng vẻ. Bỗng nhiên có một mùi khét mà tôi đoán là nó toát ra từ động cơ. Isa nhận thấy điều này, tôi cũng vậy, sự rủi ro mà mỗi người gửi gắm tình cảm của mình cho xe cổ đều phải đối mắt: những hỏng hóc bất đắc dĩ. Đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ cũng làm cho cả bộ máy ảnh hưởng ghê gớm. Isabella tỏ rõ vẻ thất vọng:

- Oh no, Luccio, non ora! (Ôi không, Luccio, không phải lúc này chứ!)

Chiếc xe lết được thêm vài mét nữa rồi dừng hẳn, Isabella nói với tôi:

- Dũng à, mình rất tiếc. Nhưng có lẽ Luccio lại trục trặc rồi, cậu biết mấy chiếc xe già nua thì hay đổ bệnh thể nào mà. Cậu có thể tự về trước được không, còn tớ sẽ gọi cứu hộ?

Tôi làm sao có thể bỏ về ở tình huống như vậy cơ chứ, một cô gái tôi vừa mới kết thân bị hỏng xe giữa đường và bây giờ tôi đi về ư. Tôi không thể đáp lại lòng tốt của Isa như vậy được:

- Để xem mình có giúp cậu được gì không!

Với hai tay áo xắn lên, tôi cúi xuống kiểm tra và hy vọng có thể giúp anh bạn già này hoạt động trở lại. Chiếc xe khá cổ nên linh kiện cũng vài phần rỉ sét, có lẽ vấn đề nằm ở bộ chế hòa khí, hay ở xi lanh, tôi băn khoăn? Bản thân tôi học khá tốt môn lý, nhất là mảng cơ học; cùng với một chút kiến thức cơ khí, chiếc xe đã hoạt động trở lại. Cũng may là trong cặp sách của tôi có mấy cái cờ lê với mỏ vít (một thói quen kì lạ và tôi nghĩ là một ngày nào đó nó sẽ khiến tôi gặp rắc rối). Tôi khởi động lại máy, tiếng nổ giòn tan bõ công tôi hì hục cả nửa tiếng. Isa cảm ơn tôi, có lẽ chút nhem nhuốc này cũng chẳng thấm vào đâu, đúng không?

Isabella đưa tôi tới tận nhà. Ở ngoài hiên, Cesare đang ngồi hút tẩu. Bác trông không giống với tuổi của mình cho lắm. Một người ngoài sáu mươi nhưng trông vẫn phong độ như thời trai trẻ. Mái tóc hất ngược ra đằng sau, mày râu nhẵn nhụi cùng chiếc dây chuyền vàng khiến cho Cesare trông như trẻ ra mấy tuổi. Lúc mới vào đây trọ tôi sợ chết khiếp vì tưởng chủ nhà của mình là một mafia nhưng ai ngờ Cesare lại hiền hậu và tốt tính đến vậy. Trông thấy chúng tôi ở ngoài, Cesare bước ra đón:

- Dino, sao cháu về muộn vậy, đồ ăn nguội hết rồi; còn cô gái may mắn này là ai đây. (Cesare chẳng bao giờ chịu dùng tên thật của tôi cả)

Đeo cái kính của mình lên, có lẽ Cesare mới nhìn rõ tôi đi cạnh ai:

- Oh signora, mi dispiace non averti riconosciuta (Ôi tiểu thư, xin thứ lỗi vì đã không nhận ra tiểu thư)

Tôi bất ngờ, Isabella mới giải thích cho tôi:

- Trước đây thì Cesare có làm quản gia cho nhà tớ, bây giờ bác đấy nghỉ hưu rồi.

- Tiểu thư nếu không chê thì xin hãy dùng bữa với chúng tôi. – Cesare nói.

- Cháu rất muốn thưởng thức đồ ăn của Cesare nhưng có lẽ không được rồi, hẹn bác khi khác nhé!

Nói xong thì cô ấy rời đi, nhưng vẫn không quên gửi một nụ cười đôn hậu của mình tới hai bác cháu. Tới khi Isa đã đi xa, Cesare vỗ vai tôi:

- Cậu chàng ranh mãnh, làm thế nào cậu quen được bông hoa như tiểu thư vậy. Nên nhớ lấy, Isa là một cô gái kiêu kì và hẳn cậu phải có một thứ gì đấy đặc biệt lắm.

- Cháu cũng không biết nữa – Tôi cười, gãi đầu.

Bác Cesare cười:

- Đi tắm rửa đi, ta không muốn thấy cậu thưởng thức món súp trứ danh của ta trong bộ dạng nhem nhuốc đấy đâu!

Tôi tắm rửa và rồi dùng bữa. Đồ ăn do chính tay của Cesare nấu bao giờ cũng là tuyệt nhất. Bác ấy bảo với tôi là mấy hôm nữa sẽ có thêm người đến ở trọ. Không biết rằng họ là người như thế nào, thú vị hay nhàm chán, phóng khoáng hay rụt rè. Tôi không biết nữa, đeo chiếc tai nghe lên, với những giai điệu mà tôi thuộc làu làu, nhưng hôm nay lại êm ái đến lạ thường, cứ thế rồi chìm sâu vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Từng âm thanh nhẹ nhàng đi vào trong tâm trí, gõ cửa ký ức của tôi. Nếu quen nhau và dễ cười với nhau thế, phải chăng thế giới này chẳng ai cô đơn nữa. Đoán xem hôm nay ai là kẻ may mắn, tôi bạo dạn tặng cho bản thân mình cái danh hiệu đấy.

"Todo lo que dice un solo beso
Hace que se rinda el universo
Como hacen los dioses
Al caer la noche
Para qué correr, si no hay apuro
Si es que cada vez que estamos juntos
El tiempo se detiene
Y desaparece

..."

Tú - maye


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro