LIÊU TRAI CHÍ DỊ 4 - BỒ TÙNG LINH

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 16 - THANH PHƯỢNG

Họ Cảnh ở Thái Nguyên, vốn trước là thế gia, cửa nhà rộng rãi bề thế. Về sau sa sút, lầu viên san sát bỏ hoang đến quá nửa. Nhân đó, sinh ra nhiều điều quái dị. Cửa vào nhà lớn cứ tự dưng mở đóng, thường khi giữa đêm hôm, người nhà hốt hoảng xôn xao. Cảnh đâm lo, phải dời đến một cơ ngơi khác ở, chỉ để một ông lão ở lại canh cửa mà thôi.

Từ đấy, cảnh hoang tàn đổ nát càng tệ hơn. Có người còn nghe cả tiếng nói cười đàn hát trong đó nữa.

Cảnh có người cháu ruột tên là Khứ Bệnh, tính cuồng phóng, không gì câu thúc nổi, dặn ông lão hễ nghe thấy gì lạ chạy đi báo cho mình ngay. Ðêm đó, thấy trên lầu có ánh đèn lúc sáng lúc tắt, ông lão vội đến báo với chàng.

Chàng muốn vào tận nơi xem cho biết sự lạ, ai ngăn cũng không được.

Cửa ngõ trong nhà vốn đã thuộc hết, chàng bàn rẽ cỏ rậm, lần đường quanh co đi vào. Trèo lên lầu rồi, vẫn chưa thấy có gì khác lạ. Băng qua lầu đi quá vào trong nữa, thì nghe có tiếng người nói chuyện rì rầm. Lén nhòm xem, thấy hai ngọn đèn lớn thắp song song, sáng trưng như ban ngày. Một ông già khăn áo nhà nho, ngồi quay mặt hướng Nam; đối diện là một bà già, cả hai đều khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Ngoảnh Về hướng Ðông là một chàng trai tuổi chừng hai mươi; bên phía tay mặt lại là một cô gái, tuổi mới cập kê. Ai nấy đang cùng ngồi vây quanh một bàn đầy rượu thịt, vui cười trò chuyện.

Chàng đột ngột bước vào, cười, nói to lên rằng:

- Có một người khách không mời mà đến đây!

Cả đám cùng kinh hoảng chạy trốn, riêng ông già bước ra, quát hỏi:

- Ai mà lại dám xông vào buồng riêng nhà người ta thế?

Chàng đáp:

- Ðây là buồng nhà tôi, ông chiếm lấy. Có rượu ngon tự mình uống với nhau, không mời qua chủ nhà một câu, chẳng phải là bủn xỉn lắm sao?

Ông già ngắm kỹ một lượt rồi nói:

- Không phải là chủ nhân mà.

Chàng nói:

- Tôi là đồ ngông, tên là Cảnh Khứ Bệnh, cháu ruột của chủ nhân đây.

Ông già vội kính cẩn đáp:

- Lâu nay vẫn ngưỡng mộ danh tiếng Thái Sơn, Bắc Ðẩu!

Bèn đưa tay vái, mời chàng vào. Rồi gọi người nhà thay mâm cỗ.

Chàng ngăn lại. Ông liền rót rượu mời khách. Chàng nói:

- Chúng ta hai nhà như một, khách khứa cùng ngồi với nhau cần gì phải lánh mặt, xin mời cả ra cùng uống cho vui. Ông già gọi Hiếu Nhi , giây lát chàng trai từ ngoài bước vào. Ông nói:

- Ðây là thằng con tôi.

Vái chào rồi ngồi xuống. Hỏi thăm qua về gia thế, ông già tự nói mình tên là Nghĩa Quân, họ Hồ.

Chàng vốn tính hào hoa, nói năng bàn luận như gió. Hiếu Nhi cũng là người phóng khoáng, chuyện trò qua lại, đã thấy mến nhau ngay. Chàng hai mươi mốt tuổi, hơn Hiếu Nhi hai tuổi, bàn gọi cậu ta là em. Ông già bảo:

- Nghe nói cụ tổ ngài khi xưa có sọan cuốn Ðồ Sơn ngoại truyện ngài có biết chăng?

Chàng đáp:

- Thưa có biết.

Ông già nói tiếp:

- Chúng tôi là giòng dõi họ Ðồ Sơn đây. Từ đời Ðường trở về sau, gia phả còn nhớ được, còn từ Ngũ Ðại trở về trước thì thất truyền. Dám xin công tử làm ơn chỉ giáo cho.

Chàng kể qua công trạng của cô gái họ Ðồ giúp vua Vũ thuở xưa, thêm thật nhiều lời, lưu loát trôi chảy.

Ông lão cả mừng, bảo con trai rằng:

- Hôm này may mắn được nghe những điều chưa từng được nghe bao giờ. Công tử đây cũng chẳng phải ai xa lạ, hãy vào mời mẹ và Thanh Phượng ra cùng nghe, để cho biết công đức của tổ tiên mình một thể.

Hiếu Nhi bước vào sau bức màn. Chốc lát, bà cụ cùng cô gái bước ra. Nhìn kỹ, thấy dáng liễu yêu kiều, làn thu ba lóng lánh, trên đời dễ không ai đẹp bằng. Ông già trỏ vào bà cụ nói:

- Ðây là bà lão nhà tôi.

Lại trỏ sang cô gái nói tiếp:

- Còn đây là Thanh Phượng, cháu gọi tôi bằng chú. Cũng có phần sáng dạ, hễ nghe được điều gì nhớ không quên. Cho nên gọi ra cho nghe cùng.

Chàng nói chuyện xong bàn uống rượu, nhìn cô gái trân trân không chớp mắt. Cô gái biết , bèn cúi đầu xuống. Chàng ngầm đặt chân lên mũi giầy của nàng. Nàng vội thu chân lại, nhưng cũng không có ý giận dữ. Bấy giờ tâm thần, chí của chàng đều bay bổng, không thể tự chế được nữa, liền vỗ bàn mà nói:

- Ðược người vợ như thế này, dẫu đổi cho làm vua cũng không màng.

Bà cụ thấy chàng đã có vẻ say, càng thêm ngông, bàn cùng cô gái đứng dậy, vén bức màn, bước vào. Chàng mất hết hứng thú, cũng từ biệt ông già về. Nhưng tơ lòng vấn vương, không sao quên được tình cảm của mình đối với Thanh Phượng.

Ðến đêm, lại lần sang, thì hương còn thơm nức, mà chờ đợi đến hết đêm, tịnh không còn nghe một tiếng động nhỏ. Trở Về bàn với vợ, muốn đem cả nhà sang ở hẳn bên đó, hầu mong lại có lúc được hội ngộ chăng. Vợ không nghe. Chàng cứ một mình dọn sang, học hành dưới lầu. Ban đêm đang ngồi tựa ghế, thì một con quỷ xoã tóc bước vào, mặt đen như sơn, trừng mắt ngó chàng. Chàng cười, nhúng ngón tay trỏ vào nghiên mực rồi tự bôi lên mặt, giương mắt thao láo nhìn lại. Con ma thẹn mà bỏ đi. Ðêm hôm sau, canh đã khuya, vừa tắt đèn định nằm, nghe phía sau lầu có tiếng mở then, rồi tiếng kẹt cửa. Chàng vội trở dậy nhìn xem thì thấy cánh cửa hé mở. Giây lát, nghe có tiếng giầy nhỏ nhẹ, lại có ánh đèn từ phòng trong đi ra. Nhìn sang, thì chính là Thanh Phượng. Bất chợt thấy chàng, nàng hoảng hốt trở lui vào, vội vã đóng hai cánh cửa lại. Chàng quỳ dài xuống, nói vọng vào:

- Tiểu sinh không nề hà khó khăn, nguy hiểm, thực cũng chỉ vì nàng. May gặp lúc không có ai, xin được cầm tay cười một tiếng, thì chết cũng không dám ân hận.

Cô gái từ trong nói ra:

- Thâm tình khăng khít, sao thiếp lại không hay, nhưng lời giáo huấn của chú về phận gái chốn khuê môn rất nghiêm, nên không dám vâng mệnh.

Chàng cố van nài:

- Cũng chẳng dám mong được kề da áp thịt, chỉ xin trông thấy nhan sắc cũng đủ lắm rồi.

Cô gái dường như có ý bằng lòng, mở then cửa bước ra, nắm lấy cánh tay chàng kéo dậy. Chàng mừng cuống lên, đem nhau xuống dưới lầu, ôm ghì lấy và đỡ lên ngồi trên đầu gối mình.

Nàng bảo:

- Cũng may có chút túc duyên, nhưng chỉ hết đêm nay thôi, sau dầu có nhớ nhau cũng không làm gì được nữa.

Chàng hỏi:

- Vì sao vậy?

Nàng đáp:

- Chú thiếp sợ chàng ngông, nên giả dạng làm quỷ dữ để dọa chàng, mà chàng vẫn không nao núng; hôm nay tính dọn nhà đi nơi khác. Cả nhà đều đã mang đồ đạc đến nơi ở mới, chỉ còn mình thiếp ở lại đây coi giữ, ngay mai cũng ra đi.

Nói xong định lui gót, bảo rằng:

- Sợ chú Về.

Chàng gắng giữ lại, muốn cùng nàng giao hoan. Ðương lúc còn giằng co, đối đáp, thì ông già ập vào. Cô gái vừa thẹn, vừa sợ, không biết làm thế nào, chỉ cúi đầu đứng tựa thành giường, mân mê giải áo, không nói gì cả.

Ông già giận dữ mắng:

- Con tiện tì này, làm nhơ nhuốc danh giá nhà tao! Không đi ngay, roi vọt quất vào lưng bây giờ!

Nàng cúi đầu vội vã bước ra. Ông già cũng ra theo. Chàng từ phía sau lắng nghe, tiếng chửi mắng vang lên không ngớt, rồi tiếng Thanh Phượng khóc rưng rức. Lòng đau như cắt, chàng cất tiếng nói to lên:

- Tội lỗi ở cả tiểu sinh đây, chứ Thanh Phượng có dự gì vào đấy? Hãy tha lỗi cho Phượng, bao gươm đao rìu búa, một mình tiểu sinh xin chịu tất.

Một lúc thấy yên ắng, chàng bàn trở về giường ngủ.

Từ đấy, trong nhà tuyệt không còn nghe thấy tăm hơi gì nữa. Chú chàng được tin lấy làm lạ, vui lòng bán rẻ cơ ngơi cho chàng. Chàng mừng, đem cả gia quyến dọn sang. ở được hơn một năm, vừa lắm, song vẫn chưa một lúc nào quên được Thanh Phượng.

Gặp tiết thanh minh, chàng đi tảo mộ, lúc trở về thấy hai con chồn nhỏ đang bị chó đuổi riết. Một con nhảy vào bụi rậm chốn thoát, còn một con chạy cuống qut ở trên đường, từ xa trông thấy chàng, quẩn lại bên cạnh, kêu thương, cụp tai cúi đầu, dường như có cầu cứu. Chàng bỗng thấy thương, mở vạt áo bọc vào, đem về. Ðến nhà, đóng cửa, đặt lên giường, thì ra là Thanh Phượng. Mừng quá đỗi, bèn an ủi và thăm hỏi. Nàng đáp:

- Vừa rồi, đang cùng con hầu đùa giỡn thì gặp phải nạn lớn. Nếu không có chàng, ắt đã táng mạng vào bụng chó. Mong không vì khác loaì mà ghét bỏ nhau.

Chàng đáp:

- Ngày đêm tưởng nhớ, hồn mộng vấn vương. Nay gặp nàng như bắt được của báu, có đâu lại nói đến ghét bỏ!

Nàng nói:

- Ấy cũng là số trời. Nếu không vì gặp chuyện thì đâu còn được theo nhau? Nhưng thế cũng lại là may, con hầu hẳn cho thiếp đã chết, thì có thể cùng chàng đính ước bền lâu được.

Chàng mừng dọn một căn nhà riêng làm chỗ ở cho nàng.

Cứ thế được hơn hai năm, một đêm, chàng đang đọc sách, chợt Hiếu Nhi ở đâu bước vào. Chàng ngừng đọc, ngạc nhiên hỏi đến có việc gì. Hiếu Nhi sụp xuống đất, cất tiếng buồn thảm nói:

- Phụ thân tôi gặp nạn bất kỳ, phi anh ra không ai cứu nổi. Lẽ ra phải thân đến khẩn cầu, nhưng sợ không được tiếp, nên cho tôi đi thay.

Hỏi có việc gì thì Hiếu Nhi đáp:

- Công tử có quen biết cậu Ba nhà họ Mạc không.

Chàng đáp:

- Người ấy là con nhà đồng niên với tôi.

Hiếu Nhi nói:

- Ngày mai cậu ta đi qua đây, Nếu có đem theo một con chồn săn được, mong anh giữ lại cho.

Chàng đáp:

- Câu chuyện xấu hổ dưới lầu hồi nào, vẫn canh cánh mãi trong dạ, nên những việc gì khác, không dám tự biết đến. Như muốn tôi đem hết sức hèn ra giúp, trừ phi Thanh Phượng đến đây, không xong.

Hiếu Nhi rơi lệ đáp rằng:

- Em Phượng đã chết ngoài đồng từ ba năm nay rồi!

Chàng bèn giũ áo nói:

- Ðã thế thì mối hận lại càng sâu nặng hơn thôi.

Rồi chàng cầm sách cao giọng ngâm nga, tuyệt không đoái nhìn đến gì nữa. Hiếu Nhi đứng dậy, khóc lạc cả giọng, che mặt mà bước ra.

Chàng liền đến buồng Thanh Phượng, kể cho nghe duyên cớ. Nàng thất sắc hỏi:

- Thế có cứu thật không?

Chàng đáp:

- Cứu thì vẫn cứu, nhưng vừa rồi mà không nhận lời ngay là cũng để trả miếng chuyện ngang ngược hồi trước cái đã.

Nàng mới mừng rỡ nói:

- Thiếp mồ côi từ bé, nhờ chú nuôi nấng mới trưởng thành. Ngày ấy, dẫu có mang lỗi với chàng, nhưng cũng do phép tắc trong nhà mà phải thế.

Chàng nói:

- Ðành thế, nhưng cũng không khỏi phải làm người ta ấm ức trong lòng. Nàng mà chết thật, thì nhất định là không cứu đâu.

Nàng cười mà đáp:

- Nhẫn tâm nhỉ!

Ngày hôm sau quả nhiên có chàng Ba họ Mạc đến, túi cung da hổ, đai ngựa chạm vàng, đầy tớ theo hầu rất hách. Chàng ra cửa đón tiếp, trông thấy các giống cầm thú săn được rất nhiều, trong đó có một con chồn đen, máu ướt đẫm cả da và lông. Vỗ vỗ xem, da thịt hãy còn ấm. Bèn thác cớ áo cừu bị rách, hỏi xin để dùng vá áo. Mạc khảng khái cởi dây ra tặng chàng. Chàng liền giao ngay cho Thanh Phượng, rồi ra yến ẩm với khách. Khi khách đi về rồi, cô gái ôm con hồ vào lòng, ba ngày sau thì sống lại. Quay trở một lát, lại hóa thành ông già. Ngước mắt nhìn thấy Phượng, ngỡ mình không còn ở dưới cõi trần. Nàng lần lượt kể hết thực tình. Ông già bàn sụp xuống lạy, thẹn thùng xin tạ lỗi xưa. Rồi mừng rỡ nhìn nàng nói:

- Ta vẫn cho là mày không chết, nay quả thế thật.

Cô gái nói với chàng:

- Như chàng có lòng nghĩ đến thiếp, thì xin cho mượn chỗ nhà lầu, để thiếp được trả nghĩa chú về công ơn nuôi nấng.

Chàng nhận lời. Ông già bẽn lẽn, giã biệt mà đi. Ðến tối, quả mang cả nhà lại. Từ đó, như cha con trong một nhà, không còn điều gì nghi kỵ.

Chàng ở riêng chỗ nhà học. Hiếu Nhi thỉnh thoảng đến cùng chuyện trò. Con trai người vợ cả của chàng dần dần lớn lên, bèn nhờ Hiếu Nhi dậy dỗ, vì tính nết ôn tồn, chỉ vẽ khéo léo, thật có tư cách mô phạm của ông thầy.

CHƯƠNG 17 - PHÒNG VĂN THỤC

Ðặng Thành Ðức người phủ Khai Phong du học đến đất Duyện trọ trong một ngôi chùa hư nát, chép thuê cho người làm sổ đinh trong vùng.

Cuối năm, đám nha dịch ai về nhà nấy, riêng Ðặng ở lại, thổi cơm ăn trong chùa.

Tờ mờ sáng, một thiếu phụ nhan sắc tuyệt đẹp gõ cửa đi vào, đến trước bàn thờ Phật đốt hương, lễ bái rồi ra.

Hôm sau, lại cũng làm như vậy.

Ðang giữa đêm, Ðặng dậy khêu đèn, vì có việc cần làm, thì nàng đã đến từ sớm. Ðặng hỏi:

- Sao đến sớm thế?

Nàng đáp:

- Chờ sáng tỏ thì người tới lộn xộn, không bằng lúc đêm hôm. Ðến sớm quá, lại sợ quấy rầy giấc ngủ ngon lành của anh. Vừa trông thấy đèn sáng, biết anh đã dậy, nên tôi đến thôi.

Chàng nói đùa:

- Chùa không có người, ở lại mà nghỉ cho đỡ đi lại vất vả.

Thiếu phụ cười, bảo:

- Chùa không có người, thì dễ anh là ma chăng?

Ðặng xem chừng có thể sàm sỡ được, đợi lễ bái xong, kéo nàng ngồi lại, đòi giao hoan. Nàng nói:

- Trước bàn thờ Phật, làm thế sao được? Tấm thân đã chẳng có chốn nương náu lại còn mơ tưởng vẩn vơ.

Ðặng cứ nài nỉ mãi không thôi. Nàng nói:

- Tại một làng kia, cách đây ba mươi dặm, có sáu bảy trẻ em, mời thầy dạy học mãi chưa được. Chàng hãy tới đó, hỏi thăm nhà ông Lý Tiền Xuyên, có thể được đấy. Hãy nói dối là có mang vợ đi theo, nhờ họ thu xếp cho một gian nhà. Thiếp sẽ thổi cơm nấu nước cho chàng. Ấy mới là kế lâu dài.

Ðặng sợ việc bại lộ sẽ mang tội. Nàng bảo:

- Không ngại, thiếp họ Phòng, tên là Văn Thục, tịnh không có ai thân thuộc, quanh năm ở nhờ nhà ông cậu, có ai biết đâu.

Ðặng sau khi từ giã nàng, liền tới ngay làng nọ, yết kiến Lý Tiền Xuyên, quả nhiên bàn tính xong xuôi, hẹn sẽ mang gia quyến đến ngay sau Tết.

Chàng quay về chùa báo tin cho thiếu phụ biết. Nàng hẹn sẽ đứng chờ ở giữa đường. Ðặng bèn từ biệt bạn bè, thuê ngựa mà đi. Quả nhiên đến nửa đường thì gặp nàng, bèn xuống ngựa, trao dây cương cho nàng cầm, dắt ngựa cùng đi. Tới phòng học, cùng sống chung rất vui vẻ, tương đắc.

Ở với nhau sáu bảy năm, rõ ràng cầm sắc hoà hợp, cũng không có ai theo dõi bắt bớ gì.

Nàng bỗng sinh được một đứa con trai.

Ðặng vì vợ ở nhà không sinh để, nay có con thì mừng quá, đặt tên là Duyên Sinh. Thiếu phụ bảo:

- Tự kết đôi, chung quy cũng khó thành chuyện thật. Thiếp sắp từ giã chàng ra đi, lại sinh ra cái của nợ này, chẳng biết tính sao đây!

Ðặng bảo:

- Ðang tính nếu số mình khấm khá, giành dụm được ít tiền sẽ cùng nàng trốn về quê. Sao lại thốt ra như vậy?

Nàng đáp:

- Cảm ơn! Cảm ơn! Tôi không thể so vai rụt cổ cười lấy lòng để mong chị cả bao dung được. Làm vú em cho người, trẻ nó khóc oe oe khó mà chịu nổi.

Ðặng thanh minh rằng vợ mình không ghen. Thiếu phụ cũng chả nói gì.

Hơn một tháng sau, Ðặng giải tán lớp học, bàn với con trai Lý Tiền Xuyên cùng xuất lực đi buôn. Chàng nói với nàng:

- Tôi nghĩ làm thầy giáo mở lớp dạy học chắc không bao giờ giàu có được. Nay tập đi buôn còn mong sẽ có ngày khá giả về quê.

Nàng cũng không trả lời.

Ðến tối, bỗng thiếu phụ bế con dậy. Ðặng hỏi:

- Làm gì thế?

- Thiếp muốn đi.

Ðặng vội trở dậy, chạy theo để hỏi. Nhưng cửa vẫn chưa mở, mà thiếu phụ đã biến mất. Ðặng sợ hãi hết sức, mới biết rằng cô ta không phải là người. Vì hình tích của nàng cũng đáng nghi nên Ðặng không dám nói với ai, chỉ thác cớ là vợ mình về thăm bố mẹ.

Trước đây, lúc Ðặng rời nhà ra đi, có hẹn với người vợ họ Lâu rằng cuối năm sẽ về. Thế rồi mấy năm không có tin tức gì, lại nghe đồn chàng đã chết. Người anh vợ nghĩ rằng em mình không có con, muốn cho em gái tái giá. Lâu thị hẹn đợi ba năm nữa. Hàng ngày nàng chỉ vò võ phòng không, làm nghề kéo sợi để sinh nhai. Một hôm, trời đã nhá nhem, nàng ra đóng cổng ngoài, thì gặp một thiếu phụ xộc vào, trong lòng ẵm một đứa bé đang nằm trong tã, nói rằng:

- Tôi từ nhà mẹ đẻ trở về, đến đây vừa tối. Ðược biết chị ở một mình, nên xin nghỉ nhờ một đêm.

Lâu Thị mời vào. Ðến nhà trong, nhìn kỹ mới biết là một người đẹp, tuổi trạc ngoài hai mươi làm mừng, để nằm chung giường và đùa với em bé. Thấy đứa bé trắng như hòn bột, bèn than rằng:

- Mụ goá này lại không có được một mụn con như vậy.

Cô gái bảo:

- Tôi đang hiềm vì nỗi nuôi nó phiền hà quá. Muốn cho quách chị làm con nuôi để nối dõi về sau, chị thấy thế nào?

Lâu Thị đáp:

- Chẳng nói gì đến chuyện cô không nỡ lòng dứt tình máu mủ với cháu, dù có thế thật, tôi cũng không có sữa đâu mà nuôi cháu.

Cô gái nói:

- Có khó gì đâu. Ngày sinh cháu, tôi cũng lo mất sữa, chỉ uống nửa liều thuốc là công hiệu ngay. Nay vẫn còn một nửa liều ở đây, xin để biếu chị.

Bèn lấy ra một gói đặt trước cửa sổ.

Lâu thị cũng ừ ào cho qua, chưa nghĩ ngay được có điều gì khác lạ đã ngủ mất. Khi tỉnh giấc, gọi lên, thì đứa trẻ vẫn còn đó, mà cô gái đã bỏ đi rồi. Nàng sợ quá. Ðến nửa buổi, đứa bé đói kêu khóc. Lâu thị bất đắc dĩ phải uống thử tễ thuốc kia. Chốc lát, có sữa xuống cho đứa bé bú.

Hơn một năm sau, đứa bé dần dần bụ bẫm, học nói bi bô. Nàng yêu mến chẳng khác gì con mình đẻ ra. Do đó, định cải giá mới thôi hẳn. Chỉ khốn nỗi từ sáng sớm đã trở dậy bế con, không làm ăn được gì, nên ngày càng túng quẫn.

Một hôm, cô gái bỗng lại tìm đến. Sợ cô ta đòi lại con. Lâu thị trước hết trách ngay cái tội ra đi không nói với mình, rồi mới kể đến nỗi khó nhọc nuôi nấng đứa bé. Cô gái cười:

- Chị kêu ca khó nhọc để tôi không đòi con nữa chứ gì?

Bàn vẫy gọi đứa bé. Nó khóc, sà vào lòng Lâu thị.

Cô gái nói:

- Con nghé con không chịu nhận mẹ nó nữa rồi! Của này dẫu có trăm lạng vàng cũng không thể đổi được. Hãy đem tiền ra đây ta sẽ làm khoán ước hẳn hoi.

Lâu thị tưởng nói thật mặt đỏ bừng. Cô gái cười:

- Chị chớ lo. Em lại đây chính vì cháu đấy! Sau khi ra đi, lo chị không có gì nuôi cháu, nên tìm đủ mọi cách dành dụm được hơn mười đồng vàng đem tới đây.

Bèn trao vàng cho Lâu. Lâu thị sợ rằng nàng giao tiền xong thì sẽ có cớ để bắt con lại, nên nhất quyết từ chối. Cô gái đặt số vàng giữa giường, ra cửa đi thẳng.

Nàng bế con theo ra, thì đi đã xa, gọi cũng không ngoái lại. Ngờ rằng có ác , nhưng được số vàng đem buôn bán kiếm lời, cả nhà cũng no đủ.

Ba năm sau, Ðặng buôn bán dư dật, sắm sửa hành trang trở về nhà. Ðang truyện trò an ủi vợ, Ðặng thấy có đứa bé, hỏi con ai, vợ kể lại duyên do. Hỏi:

- Tên là gì?

- Mẹ nó gọi là Duyên Sinh, thiếp vẫn giữ y tên như thế.

Chàng sửng sốt bảo:

- Thế thì chính nó là con ta đấy.

Lâu hỏi ngày giờ nàng ra đi thì đúng vào đêm thiếu phụ bế con đến nhà. Ðặng bà lần lượt kể lại những chuyện giữa mình với Phòng Văn Thục. Vợ chồng càng thêm khuây khoả, vui mừng. Còn mong cô gái có dịp trở lại nhưng rốt cuộc vẫn biệt tăm.

CHƯƠNG 18 - CÔNG TÔN HẠ

Vùng Bảo Ðịnh có chàng Mỗ, học sinh rường Quốc Học, sắp vào kinh đi lo lót tiền để kiếm chức Huyện Doãn.

Ðang sửa soạn hành trang thì bị ốm, hơn một tháng không dậy được.

Bỗng đứa tiểu đồng vào thưa: Có khách đến.

Mỗ cũng quên cả bệnh, chạy ra đón khách.

Khách ăn mặc sang trọng, thuộc loại người quyền quí.

Mỗ vái chào mấy lượt rồi mời vào nhà, hỏi khách từ đâu tới.

Khách đáp:

- Tôi tên Tôn Công Hạ, môn khách của hoàng tử thứ mười một. Nghe tin ngài chuẩn bị hành trang vào kinh lo chức Huyện Doãn, ngài đã có chí ấy sao không lo ngay chức Thái Thú có hơn không?

Mỗ khiêm tốn từ chối, chỉ nói:

- Tôi tài lực mỏng không dám có ước vọng quá cao.

Khách tình nguyện cố gắng hết sức mình giúp Mỗ, bảo Mỗ hãy chỉ bỏ trước ra nửa số tiền thôi, nếu xong việc, sẽ đến nhậm sở lấy nốt.

Mỗ rất mừng, hỏi kế sách thế nào. Khách trả lời:

Tổng Ðốc, Tuần Phủ đều là bạn rất thân của tôi. Chỉ cần đưa tạm năm nghìn quan là mọi việc xong tất. Trước mắt, ở đất Chân Ðịnh chức Thái Thú đang khuyết, cần phải lo tính ngay.

Mỗ ngại là vị ở ngay tỉnh nhà. Khách cười bảo:

- Ngài khéo lo nghĩ vẩn vơ. Cứ chỉ có tiền là được rồi. Còn ai hỏi đến gỗ tang gỗ tử ấy ở đất Ngô hay đất Việt làm gì.

Mỗ rốt cuộc vẫn trù trừ, ngại rằng việc này hơi trái lẽ thường. Khách bảo:

- Không phải nghi ngờ gì nữa. Tôi xin nói thực với ngài: đây là chức Thành Hoàng ở dưới âm ty bị khuyết. Tuổi thọ của ngài đã hết. Sổ ma đã chấm rồi. Phải thừa dịp này mà xoay xở mới có thể trở thành người quý hiện ở âm phủ được.

Nói rồi lập tức đứng dậy từ biệt. Lại dặn:

- Ngài hãy tự suy tính đi, ba ngày nữa sẽ gặp lại.

Sau đó khách ra cổng, lên ngựa mà đi.

Mỗ bỗng mở mắt ra, vĩnh biệt vợ con, bảo mang tiền để dành của nhà đi mua một lạng thoi vàng giấy, đến nỗi vét hết mặt hàng đó trong quận, rồi đem chất đống giữa sân lẫn với trâu ngựa giấy, cùng các con nộm bằng rơm, đốt suốt đêm ngày, tro cao như núi.

Ba ngày sau khách đến thật. Mỗ đem tiền ra trao. Khách dẫn Mỗ đến ngay công thự. Thấy một vị quan ngồi ở trên điện, bàn sụp lạy.

Quỉ quan hỏi qua tên họ, đoạn khuyên Mỗ những câu như Thanh liêm, cẩn thận...ý rồi lấy văn bằng ra, gọi chàng tới trước án mà trao.

Mỗ rập đầu, ra khỏi cổng thự. Tự nghĩ: giám sinh vốn là chân thấp hèn, nếu không có xe cộ, quần áo rực rỡ thì không đủ để ra oai với bọn lại thuộc. Do đó, chàng sắm thêm xe, ngựa. Lại sai bọn lính ma đem chiếc xe kết hoa về đón người thiếp yêu của mình.

Cắt đặt vừa xong, thì đoàn nghi trượng từ Chân Ðịnh đã tới. Suốt đoạn đường hơn một dặm, kẻ đón người đưa, ồn ào tấp nập. Chàng thấy đắc ý lắm.

Bỗng toán đi trước ngừng chiêng trống, dẹp cờ quạt. Ðang khi ngơ ngác sợ hãi, thấy những người cưỡi ngựa đều nhảy cả xuống, phủ phục ở bên đường. Người chỉ thấp độ một thước, ngựa nhỏ bằng con hồ ly.

Người đi trước xe sợ hãi nói:

- Quan Ðế đến rồi.

Mỗ sợ quá, xuống xe phủ phục dưới đất. Từ xa trông thấy vị Ðế quân cùng bốn năm kỵ sĩ, lỏng cương từ từ đi tới. Bộ râu ngài tốt trùm cả má, không giống hẳn với hình dáng trong tranh ngưòi ta thường vẽ, nhưng thần thái thì uy nghi dũng mãnh. Mắt dài gần tới mang tai.

Quan Ðế ngồi trên ngựa hỏi:

- Quan nào đây?

Người đi theo đáp:

- Viên Thái Thú Chân Ðịnh.

Ðế quân nói:

- Ru rú một quận con con sao dám phô trương bề thế như vậy?

Mỗ nghe thấy, giật mình, sợ rợn gai ốc, co rúm người lại, tự thấy mình chỉ còn như đứa trẻ lên sáu bảy tuổi.

Ðế quân bảo dậy, đi bộ theo sau chân ngựa. Bên cạnh đường có toà cung điện, đế quân vào đó, ngồi ngoảnh mặt về hướng Nam, sai lấy bút giấy, đưa cho bảo tự ghi họ tên, quê quán vào đó.

Mỗ viết rồi trình lên. Ðế quân xem xong nổi giận nói:

Ðây là đứa bán hàng ở kẻ chợ, sao có thể giao cho trị dân được.

Lại sai xét trong sổ chép công tội. Bên cạnh đó là một người quì tâu, không rõ nói câu gì. Ðế quân lớn tiếng bảo:

- Cầu cạnh tiến thân là tội nhỏ, bán chác quan tước mới là tội nặng.

Bỗng thấy vị thần Kim Giáp cầm lấy dây xích ra đi ngay. Về phần Mỗ, có hai người bắt ra, lột hết mũ áo đánh cho năm chục roi, cặp mông hầu như rụng hết thịt, đoạn tống ra khỏi cổng.

Nhìn khắp bốn phía, xe ngựa đã sạch không. Mỗ đau đớn không thể bước đi được, đành nằm thở trên vạt cỏ. Nhận kỹ chỗ mình nằm thì thấy cách nhà không xa lắm. May sao thân nhẹ bỗng như tàu lá, nên mất một ngày một đêm mới bò về được đến nhà.

Thốt nhiên, chàng bừng dậy như đang mơ chợt tỉnh, rên rỉ trên giường. Người nhà xúm lại hỏi han. Mỗ chỉ kêu rằng bắp đùi đau lắm. Thì ra chàng bị mê man như chết đã bảy ngày rồi, đến lúc này mới tỉnh lại. Chàng nói:

- Cô Lân đâu, sao không tới?

Ðó là tên tự người vợ bé của Mỗ. Trước đây, cô Lân đang ngồi trò chuyện, bỗng nhiên nói:

- Ông ấy đã làm quan Thái thú quận Chân Ðịnh, sai lính về đây đón ta đấy.

Nói rồi trở vào buồng trang điểm thật đẹp, trang điểm xong thì chết, cũng mới qua một đêm thôi.

Nghe người nhà kể lại sự lạ đó, Mỗ hối hận đấm ngực, bảo để thi hài lại đó, không được chôn, hy vọng cô ta sẽ tỉnh lại. Nhưng qua mấy ngày vẫn không thấy tăm hơi gì, đành phải mai táng.

Bệnh của Mỗ đỡ dần, nhưng vết thương ở đùi lại rất nguy kịch, nửa năm mới dậy được. Chàng thường tự bảo:

- Tiền của để lo chức quan đã hao phí hết, lại chịu hình phạt tai ác dưới âm ty. Những thiệt thòi đó còn có thể chịu được, duy người thiếp yêu không biết đem đi đâu mất, thì những lúc canh khuya, chịu sao cho nổi.

CHƯƠNG 19 - THẠCH THANH HƯ

Hinh Vân Phi, người Thuận Thiên, thích đá, thấy đá đẹp, không tiếc tiền mua giá cao. Tinh cờ đánh cá ở sông, có vật vướng vào lưới, lặn xuống lấy thì được một tảng đá bề ngang bảy thước, bốn mặt long lanh, núi non trùng điệp kỳ tú. Hinh mừng lắm, như bắt được của báu. Trở về lấy gỗ đàn hương tía chạm thành cái đế bày ở đầu bàn. Mỗi khi trời sắp mưa thì các lỗ đá đùn mây, nhìn xa như bông đùn kín lỗ hổng.

Có nhà thế hào nọ, đến cửa xin cho xem, đoạn trao ngay cho một đứa đầy tớ khoẻ mạnh vác lấy, quất ngựa đi mất, Hinh không làm thế nào được, chỉ dậm chân uất ức mà thôi. Ðứa đầy tớ vác đá đến bờ sông nghỉ vai ở trên cầu, chợt tuột tay, đá rơi xuống sông. Nhà hào phú giận, lấy roi đánh đầy tớ, rồi bỏ ngay tiền ra, thuê người lặn giỏi, tìm đủ cách mò lên được, rút cuộc không thấy đâu cả. Từ đó,người mò đá ngày ngày kéo đến đầy sông, mà chẳng ai thấy được.

Sau đó, Hinh đến chỗ đá rơi, nhìn dòng sông mà than thở thì thấy nước trong suốt đáy, tảng đá vẫn ở dưới đó. Hinh mừng quá, cởi áo lặn xuống, ôm đá lên. Về nhà rồi không bày ở nhà sảnh nữa, dọn sạch phòng trong, đặt ở đó.

Một hôm, có một ông cụ gõ cửa xin xem đá. Hinh nói thác rằng đã mất đã lâu. Cụ cười mà rằng:

- Ở phòng khách không có sao?

Hinh bèn mời vào phòng khách, để chứng tỏ là không có thực. Vào đến nơi thì rõ ràng tảng đá này ở trên kỳ, ngạc nhiên không biết nói sao.

Ông cụ vỗ vào tảng đá nói rằng:

- Ðây là vật cũ của nhà tôi, mất đã lâu, vẫn còn ở đây à? Nay đã thấy xin cho lại.

Hinh quẫn quá, bèn tranh với ông cụ làm chủ tảng đá.

Ông cụ cười mà hỏi:

- Ðá là của nhà ông, lấy gì làm bằng?

Hinh không trả lời ra sao được. Ông cụ nói:

- Tôi thì biết rõ, trước và sau tảng đá có chín mươi hai lỗ, trong lỗ lớn có năm chữ: Thanh Hư Thiên Thạch Cung .

Hinh xem kỹ, trong lỗ ấy quả có hàng chữ nhỏ như hạt gạo, rán hắt sức nhin mới có thể thấy được; lại đếm lỗ, đúng như số ông cụ nói; Hinh không trả lời được, nhưng cũng cố chấp không chịu đưa. Ông cụ cười mà nói rằng:

- Của nhà ai mà ông đòi làm chủ ư?

Chắp tay vái chào đi ra. Hinh tiễn ra đến ngoài cửa, quay vào thì đá đã biến đâu mất. Hinh vội đuổi theo, thấy ông cụ thủng thỉnh bước đi cũng chưa xa, chạy tới kéo vạt áo mà van xin. Ông cụ nói:

- Lạ chưa, tảng đá bảy thước, há có thể cầm lấy giấu trong tay áo hay sao?

Hinh biết là thần, cố kéo về nhà, quì xuống van xin. Ông cụ bèn hỏi:

- Ðá đó thực là của nhà ông hay là của nhà tôi?

Hinh đáp:

- Quả là của nhà cụ, chỉ xin cụ dứt tình mà cho tôi.

Ông cụ nói:

- Ðã vậy thì đá vẫn ở đó.

Vào đến phòng trong thì đá vẫn nguyên chỗ cũ. Ông cụ nói:

- Của báu trong thiên hạ nên để cho người biết quý . Ðá này có thể tự chọn lấy chủ, tôi cũng mừng. Nhưng nó vội xuất hiện, ra mắt hơi sớm, ma kiếp chưa trừ, tôi thực muốn mang nó đi, đợi ba năm nữa mới đem tặng ông. Nếu muốn giữ nó ngay thì phải giảm tuổi thọ ba năm, nó mới có thể ở mãi với ông được. Ông có bằng lòng không?

Hinh đáp:

- Bằng lòng.

Ông cụ bèn lấy hai ngón tay đặt vào một lỗ đá, thấy đá mềm như bùn, theo ngón tay mà vít kín lại. Lần lượt vít ba lỗ. Ông cụ nói:

- Số lỗ trên đá là tuổi thọ của ông.

Xong rồi từ biệt mà đi. Hinh hết sức giữ lại, ông cụ nhất định từ chối; hỏi họ tên, cũng không nói, rồi đi ngay.

Ðược hơn một năm, Hinh có việc đi vắng, đêm có kẻ trộm vào buồng, chẳng lấy cái gì, chỉ lấy tảng đá mà mang đi. Hinh về tiếc tưởng chết, dò hỏi thuê tìm, tuyệt không ra vết tích. Ðược vài năm, tinh cờ vào chùa Báo Quốc, thấy có người bán đá, thì ra là vật cũ của minh, bèn nhận lấy. Người bán đá không chịu, nhân đó vác đá đến cửa quan.

Quan hỏi:

- Lấy gì làm bằng?

Người bán đá nói đúng số lỗ. Hinh hỏi còn gì khác nữa, người bán đá không nói được. Hinh bèn nói năm chữ trong lỗ, với ba vết ngón tay, lý ngay được tỏ.

Quan toan phạt đánh người bán đá, người ấy khai là mua ở chợ mất hai mươi đồng vàng, bèn tha.

Hinh lấy được đá về, lấy gấm bọc lại, cất vào trong rương, thỉnh thoảng mới lấy ra ngắm nghía một lần, đốt trầm trước rồi mới lấy đá ra.

Có ông thượng thư nọ đem một trăm đồng vàng đến mua. Hinh bảo:

- Dẫu là vạn lạng, cũng không đổi .

Thượng thư nổi giận ngầm lấy việc khác mà hãm hại. Hinh bị bắt, lo cầm bán hết điền sản chạy vạy. Thượng Thư nhờ người bắn tin cho con Hinh là muốn lấy đá. Con thưa với Hinh.

Hinh bằng lòng chết theo đá, không chịu bỏ. Vợ bàn riêng với con, dâng đá cho Thượng Thư. Hinh ra khỏi ngục mới biết, chửi vợ đánh con, nhiều lần toan thắt cổ chết, người nhà đã biết mà cứu thoát. Một đêm nằm mơ thấy một người đàn ông đến, tự xưng là Thạch Thanh Hư, bảo Hinh chớ buồn:

- Chỉ tạm biệt nhau hơn một năm thôi, ngày hai mươi tháng tám sang năm, lúc tờ mờ sáng, có thể đem hai quan tiền đến cửa Hải Ðại chuộc về.

Hinh được mộng, mừng rỡ, ghi cẩn thận ngày tháng. Còn tảng đá ở nhà thượng thư cũng mất vẻ kỳ lạ, không còn đùn mây nữa, lâu dần cũng coi thường. Năm sau thượng thư có tội, bị cách chức rồi chết.

Ðúng ngày hẹn, Hinh đi đến cửa Hải Ðại thì gia nhân quan thượng thư ăn cắp tảng đá đem ra đó, tìm người để bán, nhân đó Hinh bỏ hai quan tiền mua được về.

Về sau, Hinh sống đến tám mươi chín tuổi, tự sắm sửa quan quách, lại dặn con, hễ minh chết thì lấy đá chôn theo. Ðến khi mất, con vâng lời trối, chôn đá vào trong mộ. Ðược độ nửa năm, kẻ trộm đào mộ lấy đá đi. Người con biết nhưng không tìm hỏi ở đâu được. Qua hai năm, cùng đầy tớ đi trên đường, chợt thấy hai người mồ hôi nhễ nhại, chạy theo, ngửa mặt lên không đưa tay vái và nói:

- Hinh tiên sinh, tha cho chúng tôi, hai đứa lấy đá đi chẳng qua bán được bốn lạng bạc mà thôi.

Bèn bắt trói lại, đưa đến quan, quan hỏi tên liền phục tội ngay. Hỏi đến đá, thì nói là bán cho người họ Cung. Lấy đá đến, quan cầm xem rất thích, muốn chiếm, bèn sai cất vào kho. Viên lại vừa nâng tảng đá lên thì bỗng rơi xuống đất, vỡ làm mười mấy mảnh, ai nấy đều thất sắc. Quan cho cùm hai tên trộm, ghép vào tội chết.

Con Hinh nhặt các mảnh đá rồi lại đem chôn vào mộ như cũ.

CHƯƠNG 20 - THANH MAI

Thư sinh họ Trình ở Bạch Hạ là người lỗi lạc, không câu thúc. Một hôm, ở ngoài về, cởi thắt lưng, thấy đầu dây nằng nặng như có vật gì bám vào. Nhìn xuống không thấy gì. Ngoảnh đi ngoảnh lại có người con gái từ sau áo hiện ra, vén tóc mỉm cười, xinh đẹp tuyệt trần. Trình ngờ là ma. Cô gái nói:

- Thiếp không phải là ma, mà là hồ đây.

Trình nói:

- Ðã là giai nhân thì ma cũng không sợ, huống chi là hồ.

Bèn cùng nhau giao hoan. Hai năm sau, nàng sinh được đứa con gái, đặt tên là Thanh Mai.

Nàng thường khuyên Trình:

- Ðừng lấy vợ, tôi sẽ sinh con trai cho anh.

Trình tin lời bèn không lấy ai nữa.

Họ hàng bạn hữu đều chê cười, Trình xiêu lòng, lại lấy người con gái họ Vương ở Hồ Ðông.

Hồ nghe tin, tức giận, đến cho con gái bú rồi giao cho Trình nói:

- Ðây là món hàng phải bù tiền của anh, để nó sống hay giết nó đi đều tuỳ anh, tôi việc gì đi làm vú nuôi cho người?

Ðoạn ra cửa đi thẳng.

Khi Thanh Mai lớn lên thông minh, linh lợi, mà vẻ người thanh tú y hệt như mẹ. Ðược ít lâu, Trình bị bệnh chết, Vương thị cũng tái giá, gửi nuôi Thanh Mai ở người chú họ. Chú phóng đãng vô hạnh, định đem bán để kiếm lợi. Gặp có ông tiến sĩ họ Vương, còn ở nhà chờ bổ, nghe tiếng nàng thông minh, liền bỏ ra một món tiền lớn mua về để hầu hạ con gái là A Hỷ.

Hỷ vừa mười bốn, dung nhan tuyệt thế, thấy Thanh Mai vừa lòng lắm, cho ngủ chung một giường.

Thanh Mai cũng khéo léo hầu hạ, thường đón biết chủ, nên cả nhà đều yêu thương.

Trong vùng có chàng thư sinh họ Trương, tên là Giới Thụ, nhà nghèo xác, không có chút sản nghiệp, phải ở thuê căn nhà của ông Vương. Nhưng chàng nết na, hiếu thuận, không cẩu thả, lại chăm học.

Một hôm, Thanh Mai tình cờ sang nhà, thấy chàng ngồi trên một hòn đá ăn cháo tấm, vào nhà trong nói chuyện với mẹ chàng thì thấy trên bàn có cái dò lợn. Lúc ấy người cha đang ốm, chàng vào nâng cha dậy đi tiểu, nước tiểu dây bẩn ra áo chàng. Sợ ông cụ thấy sẽ ân hận, chàng vội giấu vết bẩn, tự ra ngoài giặt giũ.

Mai thấy thế lạ lắm, về kể chuyện đó rồi nói với cô chủ:

- Người khách thuê nhà của nhà ta không phải là người tầm thường, nương tử không muốn lấy người chồng xứng đáng thì thôi, còn muốn lấy được người xứng đáng thì chàng Trương chính là người ấy.

Cô gái sợ cha mẹ chê chàng nghèo, Mai nói:

- Không phải, việc này là do ở nương tử, nếu thấy được, em sẽ bảo riêng với cậu ấy để nhờ người làm mối. Phu nhân tất gọi nương tử đến bàn, bấy giờ nương tử chỉ vâng một tiếng là tốt đẹp thôi.

Cô gái lại sợ sau này nghào mãi, sẽ bị người ta chê cười. Mai nói:

- Em cam đoan là biết xem tướng kẻ sĩ trong thiên hạ, nhất định không nhầm.

Hôm sau, sang nhà nói chuyện với mẹ Trương.

Bà cụ hoảng hốt, cho lời cô gái là triệu chẳng lành. Mai bảo:

- Tiểu thư nghe nói đến công tử nhà, khen công tử là người có đức, cháu đã nhòm biết tứ như vậy, nên mới nói. Người mối đến, hai chúng tôi sẽ giúp thêm thì việc có thể xong. Bằng không được thì đối với công tử cũng có gì là nhục đâu?

Bà cụ nói : Ðược.

Bèn nhờ bà bán hoa, họ Hầu đến hỏi. Phu nhân nghe xong, buồn cười, nói lại với Vương. Vương cũng cười to. Gọi con gái đến, kể lại Hầu nhị. Cô gái chưa kịp trả lời, Thanh Mai đã hết sức tán tụng chàng là người hiền đức, quyết phải quý hiển. Vương phu nhân lại hỏi rằng:

- Ðây là việc trăm năm của mày, nếu có thể ăn cơm hẩm gạo lức được thì ta cũng bằng lòng cho.

Cô gái cúi đầu một lúc lâu, ngoảnh mặt vào vách nói:

- Giàu nghèo là số, nếu số tốt thì có nghèo cũng chẳng lâu, mà lâu dài sẽ không còn nghèo. Còn như số đã xấu thì tuy gấm vóc vương tôn mà có phải ít người không thước đất cắm dùi đâu? Việc này xin tuỳ thầy mẹ.

Lúc đầu Vương bàn với con gái cũng chỉ là muốn mua một trận cười, đến khi nghe thấy con nói vậy thì bụng không vui, nói:

- Mày muốn lấy gã họ Trương ư?

Cô gái không đáp. Lại hỏi, vẫn không đáp. Giận nói:

- Con này cốt cách bần tiện, chẳng muốn khá, định xách bị làm vợ thằng ăn mày, không biết xấu chết quách đi!

Cô gái đỏ mặt, uất giận, cố cầm nước mắt bước ra, bà mối cũng trốn mất.

Thanh Mai thấy việc không xong, muốn tự làm mối cho mình. Mấy hôm sau đang đêm đến nhà Trương. Chàng đang đọc sách, giật mình hỏi đến làm gì thì lời lẽ thổ lộ có phần úp mở. Chàng liền nghiêm nét mặt mà từ khước.

Mai khóc nói:

- Thiếp là con nhà tử tế, không phải là gái dâm bôn, chỉ vì thấy chàng là người hiền đức nên muốn đem thân để nương tựa.

Chàng nói:

- Nàng yêu tôi, bảo tôi là người hiền đức, mà việc đêm hôm ám muội, kẻ tự trọng cũng không làm nữa là người hiền đức ư. Trước lăng nhăng mà sau thành vợ chồng, người quân tử cũng cho là không nên, nữa là việc không thể thành được thì sau này hai bên đối xử với nhau thế nào?

Mai nói:

- Nếu vạn nhất mà thành được, thì có ra ơn cưu mang được không?

Chàng nói:

- Ðược người như nàng, lại còn mong gì hơn nữa. Nhưng có ba điều không thể, và không biết làm thế nào, nên không dám khinh dị mà nhận lời.

Mai hỏi:

- Là những gì?

Ðáp:

- Nàng không có khả năng tự chủ, nên không thể, thì biết làm thế nào? Dù có tự chủ mà thầy mẹ tôi không bằng lòng thì cũng không thể, vậy biết làm thế nào? Dù thầy mẹ tôi bằng lòng mà thân nàng cao giá, tôi nghèo không sao chuộc được, thì lại càng không thể, và biết làm thế nào? Thôi nàng về ngay cho, cái hiềm gốc mận ruộng dưa thật đáng sợ.

Mai sắp đi, lại dặn rằng:

- Nếu chàng có lòng thì xin cùng nhau lo toan.

Chàng nhận lời. Mai về, cô chủ hỏi đi đâu, bàn quỳ mà tự thú. Cô gái giận là dâm bôn, toan đánh. Mai khóc, biện bạch rằng không có điều gì khác, nhân mới kể thực tình. Cô gái thở dài nói:

- Không đi lại cẩu thả, thế là người có lễ; hỏi cha mẹ, thế là người có hiếu; không khinh dị mà nhận lời, thế là người có tín. Có ba đức tốt ấy, trời tất sẽ giúp. Người đó không lo nghèo đâu.

Ðoạn lại nói:

- Mày định thế nào?

Thanh Mai đáp:

- Làm vợ anh ấy.

Cô gái cười nói:

- Con ngây, mày tự chủ được ư?

Mai nói:

- Không được thì chỉ còn chết thôi.

Cô gái nói:

- Ta sẽ làm cho mày được như nguyện.

Mai cúi đầu mà vái. Lại vài hôm sau, nói với cô gái rằng:

- Hôm nọ cô nói là đùa chăng? Hay quả có lòng thương em thực? Nếu quả là thương thì còn việc nhỏ này nữa, xin rủ lòng thương cho trọn.

Cô gái hỏi việc gì. Ðáp:

- Chàng Trương không có tiền cưới mà tì này cũng không lấy gì để tự chuộc mình ra được. Nếu ông bà đòi nhiều tiền thì có gả em cũng như không gả thôi.

Cô gái trầm ngâm rồi nói:

- Việc này thì sức ta không làm nổi. Ta cho mày đi lấy chồng sợ còn chưa được, huống chi là bảo không đòi tiền chuộc, thì tất ông bà không nghe, mà ta cũng không dám nói đâu.

Thanh Mai nghe nói thế, nước mắt ròng ròng, chỉ xin nàng thương mà cứu vớt. Cô gái nghĩ lúc lâu, nói:

- Thôi thì ta còn để dành được một ít vàng, sẽ dốc túi ra giúp mày vậy.

Mai vái tạ, nhân lẻn sang bảo với Trương. Mẹ Trương mừng lắm, cố vay mượn khắp nơi, cộng được số tiền kha khá, cất đi đợi tin mừng.

Vừa gặp lúc Vương được bổ làm quan tạ ở Khúc ốc, Hỷ thừa dịp nói với mẹ:

- Thanh Mai tuổi đã lớn, nay nhà ta sắp chuyện đến nơi thầy trị nhậm, chi bằng cho nó ra.

Phu nhân vốn thấy Thanh Mai khôn ngoan quá, sợ lại dẫn con gái vào đường bất nghĩa, cũng định đem gả đi mà sợ con gái không vui. Nay nghe con nói, mừng quá. Hai hôm sau, có bà mối đến tỏ bày định của Trương Thị. Vương cười nói:

- Nhà đó thì xứng đôi với thị tỳ nhà ta rồi; trước kia sao lại càn rỡ thế. Nhưng nếu bán nó làm tỳ thiếp ở cửa nhà quan thì được giá gấp đôi hồi mua đấy.

Cô gái vội bước lên nói:

- Thanh Mai hầu hạ con đã lâu, nếu đem bán nó làm hầu thiếp, thì thật không nỡ.

Vương bàn truyền cho nhà họ Trương mang tiền trả nguyên số sẽ gả Thanh Mai cho chàng.

Khi đã về nhà chồng, nàng hầu hạ cha mẹ chồng rất hiếu, chiều chuộng còn hơn cả con trai chiều bố mẹ, làm lụng rất siêng năng, ăn rau cám không lấy làm khổ. Vì thế cả nhà ai cũng yêu kính Thanh Mai. Mai lại làm thêm nghề thêu thùa, bán chạy lắm người mua đợi ở cửa chỉ sợ không mua được. Ðược thêm món tiền, nhà cũng đỡ túng. Nàng lại thường khuyên chàng chớ lo việc nhà mà lỡ việc học, nhà cửa cứ phó mặc cho nàng. Nhân ông chủ đi nhậm chức, nàng sang tiễn A Hỷ, Hỷ trông thấy khóc mà nói:

- Em được toại nguyện rồi, ta cũng không bằng.

Mai đáp:

- Ðược thế này là ai cho em mà dám quên, nhưng cô đừng bảo là không bằng con hầu, e lại giảm tuổi thọ của con hầu đi đấy.

Bèn khóc mà biệt nhau.

Vương đến đất Tấn được nửa năm thì phu nhân chết, quan tài quàn ở trong chùa. Lại hai năm sau, Vương vì tham tang bị cách chức, phải bồi thường hàng vạn, dần dần nghèo túng, không đủ ăn, đầy tớ cũng bỏ đi. Bấy giờ bệnh đậu lan rộng, Vương mắc bệnh rồi chết, chỉ còn một vú già ở với cô con gái; chẳng bao lâu vú già cũng chết nốt. Nàng càng lênh đênh cơ khổ. Có bà cụ hàng xóm khuyên đi lấy chồng, nàng nói:

- Ai chôn cất được cha mẹ tôi, tôi sẽ xin theo.

Bà cụ thương tình tặng cho mấy đấu gạo rồi đi. Nửa tháng sau lại đến nói:

- Tôi đã hết sức giúp nương tử, nhưng việc này khó quá! Người nghèo thì không sao chôn cất được, mà kẻ giàu thì chê cô là con gái của một gia đình sa sút, biết làm thế nào. Có một cách này, chỉ sợ nương tử không theo được thôi.

Nàng hỏi:

- Cách gì?

Nói rằng:

- Ở gần đây có một chàng họ Lý, muốn lấy vợ lẽ; nếu được trông thấy dung nhan thì dầu có bảo tống táng thật linh đình, hền cũng chịu cáng đáng mà không tiếc.

Nàng khóc oà lên, nói:

- Thiếp là con nhà quan, mà phải đi làm lẽ người ta ư?

Bà cụ không nói gì, bỏ đi. Sau đấy, mỗi ngày chỉ được một bữa, gắng sống để chờ xem có ai hỏi không, nhưng ở được nửa năm thì không chịu được nữa. Một hôm bà cụ đến, nàng khóc lóc nói:

- Khốn đốn thế này, vẫn chỉ muốn chết, còn dùng dắng sống tạm bợ đây là vì hai cỗ quan tài còn đó. Nếu đã đâm đầu xuống ngòi xuống rãnh rồi thì ai thu nhặt nắm xương cho cha mẹ? Cho nên nghĩ lại chẳng bằng nghe lời bà vậy.

Bà cụ dẫn Lý đến. Thoáng trông thấy nàng, anh ta thích lắm, tức thì bỏ tiền ra lo việc tống táng, cả hai cỗ quan tài cũng đưa đi, xong rồi mới đón nàng về. Vào nhà chào vợ cả, vợ cả vốn hung hãn, lại cả ghen, lúc đầu Lý cũng chưa dám nói là thiếp, chỉ nói thác là mua tỳ. Ðến khi thấy nàng thì nổi giận đùng đùng, liền vác gậy đuổi thẳng không cho vào nhà. Nàng rũ tóc, nước mắt giàn giụa, không biết tiến thoái đằng nào. Có một ni sư già đi qua, rủ về cùng ở.

Nàng mừng bèn theo về.

Ðến am, nàng vái xin làm lễ cắt tóc, bà sư không cho nói:

- Tôi trông nương tử không phải chịu đày đoạ lâu trong cảnh phong trần. Am đây dưa muối gạo lức, kham khổ cũng đủ no, hẵng cứ tạm ở để đợi thời, thời đến nương tử khắc sẽ đi!

Ở được ít lâu, bọn vô lại trong chợ dòm thấy nàng đẹp, cứ đến đập cửa, buông lời trêu ghẹo làm vui. Bà sư không ngăn được. Nàng kêu khóc toan tự tử. Bà sư đến cầu xin ông nọ ở bộ Lại yết thị nghiêm cấm, lũ thiếu niên ác nghịch kia mới hơi né tránh. Sau đang đêm có kẻ đào tường vào nhà chùa, bà sư kêu lên bộ, bắt được đứa cầm đầu, đưa về quận phạt đòn, mới dần dần được yên.

Lại được hơn một năm, có một công tử thế gia đi qua am thấy nàng, kinh ngạc lắm, ép bà sư dỗ dành nàng, lại đem nhiều tiền đến đút lót cho bà sư. Bà sư mềm mỏng nói rằng:

- Người ấy con nhà trâm anh, không chịu làm lẽ, công tử cứ về đi, rồi thong thả xin bẩm lại.

Lúc y đi rồi, nàng toan uống thuốc độc tự tử, bỗng đêm nằm mộng thấy cha đến, mặt mày đau khổ, nói rằng: Ta không theo con, để con đến nỗi này, ăn năn thì đã muộn rồi, nhưng con hãy khoan, đừng chết vội, ước nguyện của con còn có thể đạt được. Nàng lấy làm lạ. Trời sáng, rửa mặt xong, bà sư trông thấy giật mình nói:

- Trông sắc mặt nương tử, trọc khí đã tiêu hết, tai ương không đáng lo nữa. Phúc sẽ lại đến, đừng quên thân già này nhé.

Nói chưa dứt lời, nghe có tiếng gõ cửa, nàng sợ thất sắc, nghĩ bụng tất là đầy tớ nhà công tử nọ. Bà sư mở cửa, quả thế thực. Bọn đầy tớ xúm lại hỏi việc mưu tính thế nào. Bà sư ngọt ngào đon đả, xin hoãn ba ngày nữa. Chúng thuật lại lời chủ:

- Nếu việc không xong, bắt bà nói thế vào.

Bà sư vâng dạ chúng mới đi. Cô gái đau đớn lắm, lại muốn tự tử, bà sư ngăn lại. Nàng lo rằng ba ngày nữa chúng trở lại sẽ không biết nói thế nào. Bà sư nói:

- Còn thân già này đây, chém giết tôi xin chịu.

Hôm sau, trời vừa trưa thì mưa như trút nước. Bỗng nghe có mấy người đập cổng, réo gọi ồn ào; nàng tưởng lại có biến, khiếp sợ không biết làm thế nào. Bà sư đội mưa ra mở cổng, thấy chiếc kiệu đỗ lại, một đám thị tỳ đỡ một người đẹp bước ra, kẻ hầu người hạ thầy tớ oai vệ, mũ lọng rất lộng lẫy. Kinh ngạc hỏi thăm; đáp rằng:

- Ðây là bà nội tướng quan tư lý tạm vào tránh mưa.

Bà dẫn vào trong điện, chuyển sập mời ngồi; bọn người nhà thị tỳ chạy vào các phòng trai tìm chỗ nghỉ. Vào trong buồng thấy nàng, cho là đẹp, liền chạy ra bẩm với phu nhân.

Một lúc mưa tạnh phu nhân đứng lên xin đi thăm thiền xá trong am. Bà sư bèn đưa vào. Trông thấy cô gái kinh ngạc quá, cứ nhìn chằm chằm, không chớp mắt, nàng cũng nhìn lại rất lâu. Thì ra phu nhân không phải là ai khác, chính là Thanh Mai. Hai người đều khóc nức nở, nhân mới cùng kể lại sau xưa. Mới biết Trương ông đã ốm mà mất. Chàng Trương sau khi hết tang, đỗ liền thi hương, thi hội, được bổ làm quan tư lý. Chàng rước mẹ cùng đi, sau lại dời cả gia quyến đến.

Cô gái than thở nói:

- Hôm nay trông nhau mà sao như một trời một vực!

Mai cười, đáp:

- Cũng may nương tử gặp bước gian truân, chưa lấy ai, chính là trời muốn cho chúng ta sum họp đấy thôi. Nếu không bị mưa cản thì làm gì có cuộc gặp gỡ bất ngờ này? Trong việc này có quỷ thần chứ không phải sức người làm được.

Liền lấy mũ ngọc, áo gấm, giục cô gái thay. Nàng cúi đầu bỡ ngỡ. Bà sư cũng khuyên thêm. Nàng sợ cùng ở chung thì danh không được thuận. Mai nói:

- Danh phận đã có từ trước, thiếp đâu dám quên đức lớn, vả nghĩ chàng Trương đâu phải là người phụ nghĩa? ép thay quần áo rồi từ biệt sư bà mà đi.

Về đến nơi, mẹ con đều mừng. Nàng sụp xuống lạy nói:

- Ngày nay không còn mặt nào dám trông thấy mẹ!

Mẹ cười khuyên giải; nhân mới bàn chọn ngày làm lễ hợp cẩn. Cô gái nói:

- Nếu trong am mà còn đường sống, dù chỉ bằng sợi tơ, thì cũng không theo phu nhân đến đây; ví như còn nghĩ đến tình cũ, thì xin cất cho một túp lều để đặt tấm bồ đoàn niệm Phật, thế là đủ rồi.

Mai cười mà không nói gì. Ðến ngày, ôm các thứ trang sức lộng lẫy, nàng loay hoay không biết là thế nào. Giây lát bỗng nghe tiếng nhạc nổi lên, nàng càng không tự chủ được. Mai sai thị tỳ, u già ép nàng mặc áo rồi xốc tay đỡ đưa ra. Thấy chàng mũ áo đứng vái, nàng bất giác cũng ngơ ngẩn vái theo. Lễ xong, Mai kéo nàng vào động phòng, bảo rằng:

- Ngôi vị này bỏ trống, đợi chị đã lâu rồi.

Rồi lại ngoảnh vào chàng nói đùa:

- Ðêm nay được dịp đền ơn, phải làm cho tròn nhé.

Quay ra toan đi. Cô gái nắm lấy quần. Mai cười nói:

- Ðừng giữ em lại, việc này không thể làm thay nhau được.

Rồi gỡ tay thoát ra.

Thanh Mai đối xử với cô gái rất kính cẩn, không dám giành riêng phần ân ái. Mà cô gái vẫn thẹn thùng không yên tâm. Vì vậy, bà mẹ bắt gọi cùng nhau là phu nhân, nhưng Thanh Mai rốt cục vẫn giữ lễ tỳ thiếp, không dám lơ là.

Ba năm sau, Trương được triệu vào kinh đô, đi qua am cũ của bà sư, đem năm trăm lạng vàng để tạ ơn sư bà; bà sư không nhận, cố ép mới nhận hai trăm lạng để dựng đền đại sĩ và lập bia cho Vương phu nhân. Sau Trương đến làm thị lang. Trình phu nhân sinh được hai trai, một gái. Vương phu nhân sinh được bốn trai, một gái. Trương dâng thư trần tình, hai người đều được phong làm phu nhân.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro