linh linh

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

 I. Đặt vấn đề        Xã hội ngày càng phát triển cũng chính là nguyên nhân khiến các vấn nạn ngày càng gia tăng. Riêng với vấn nạn tham nhũng thì thực sự đến giai đoạn này nó trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết bởi quy mô và sự ảnh hưởng sâu sắc, lan tràn của nó tới toàn bộ các lĩnh vực, các ngành, nghề cơ quan nhà nước.... Chính bởi tính chất nghiêm trọng này nó đã không chỉ ảnh hưởng tới sự trong sạch của bộ máy nhà nước trong các cơ quan, ảnh hưởng tới quyền lợi của “dân đen” mà nó còn kìm hãm sự phát triển kinh tế, phá vỡ xã hội dân chủ mà Đảng và nhà nước ta cũng đang trên đường tiến tới. Và với những lí do trên tôi quyết định chọn đề tài này để mong có thể tìm được các biện pháp để kìm hãm, hạn chế những vấn nạn này. II. Nội dung                  1. Khái niệm về tham nhũng       Tham nhũng – theo tôi hiểu đó là sự lợi dụng quyền lực nhà nước để trục lợi riêng. Ví dụ như người có chức vụ, quyền hạn trộm cắp tham ô tài sản của nhà nước, lợi dụng địa vị công tác để lấy tiền công ( rút ruột công trình, khai khống số liệu ...) hoặc nhận hối lộ của các cá nhân sau đó sử dụng quyền lực của mình để bao che cho những hoạt động không hợp pháp của các cá nhân đó. 3. Hiện trạng tham nhũng ở nước ta hiện nay.       Như chúng ta thấy thì vấn nạn tham nhũng là căn bệnh muôn thuở và mang tính toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Không những thế với những biến động về kinh tế và chính trị diễn ra như hiện nay thì tham nhũng lại càng trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn nhiều.       Đầu tiên là ta thấy tình trạng tham nhũng diễn ra phổ biến, lan tràn, phức tạp trên nhiều lĩnh vực nổi cộm lên là trong các lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và giáo dục... là những lĩnh vực ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của một quốc gia. Chúng ta sẽ điểm qua một vài vụ án điển hình đó là vụ án Trương Văn Cam và đồng bọn liên quan đến một loạt các quan chức cấp cao, vụ PMU 18- Bùi Tiến Dũng, vụ Bùi Quốc Huy nguyên giám đốc công an TP HCM, nguyên thứ trưởng Bộ công an, nguyên UVBCHTUĐ hay về giáo dục tiêu biểu là vụ Mạc Kim Tôn –giám đốc Sở giáo dục tỉnh Thái Bình ....Từ những vụ án trên ta có thể thấy tính chất nghiêm trọng của vấn nạn tham nhũng hiện nay ở nước ta, thậm chí ngay ở môi trường được cho là trong sạch nhất là môi trường giáo dục cũng tham nhũng, cũng nhận hối lộ. Một con số khá ấn tượng mà cũng khiến chúng ta phải giật mình đó là  nước ta là nước xếp thứ ba Châu Á về vấn đề tham nhũng trong tổng số 16 nước. Vẫn chưa hết đâu, một số liệu nữa từ cuộc khảo sát của (PEEC) còn cho ta thấy được về thực trạng nghiêm trọng hiện nay của vấn đề tham nhũng ở nước ta. Đó là trong khoảng thời gian từ tháng 12 năm 2009 đến tháng 2 năm 2010 (PEEC) đã tiến hành khảo sát hơn 2100 giám đốc cấp cao và cấp trung bình của các doanh nghiệp nước ngoài trong đó có hơn 100 người đang làm việc tại Việt Nam bao gồm các doanh nhân phương Tây lẫn Châu Á. Theo thang điểm từ 0-10 trong đó 0 là tốt nhất và 10 là tồi tệ nhất Việt Nam được đánh giá 8. 07 điểm xét theo mức độ tham nhũng liên quan tới các lãnh đạo chính trị và công nhân viên chức ở cấp độ quốc gia và địa, còn tình trạng tham nhũng ảnh hưởng tới môi trường và đầu tư là 7.13 trên thang 10. Có thể thấy rằng bức tranh về vấn nạn tham nhũng ở nước ta ngày càng được phơi bày rõ nét hơn qua những số liệu thống kê. Không những thế, tham nhũng ở Việt Nam còn rất đáng sợ, đáng sợ ở chỗ là về hình thức của nó. Mỗi một ngành, nghề có một đặc trưng riêng nhưng về cơ bản chúng đều có một kiểu hối lộ tinh vi đến độ người nước ngoài cũng phải ngạc nhiên. Đó là việc hối lộ không trực tiếp đưa cho lãnh đạo mà lại đưa cho vợ và con của lãnh đạo cấp cao. Hẳn phải điều này chính là khiến cho các “sếp lớn khỏi bị khó xử”. Và với những hình thức này thì ta thấy nó nham nhảm khắp mọi nơi khắp các cơ quan, các cấp, các ngành hiện nay.    Một vấn đề cũng cần phải nhắc đến trong hiện trạng tham nhũng này là việc đầu tư sai hay rút ruột công trình của các dự án phát triển cơ sở hạ tầng như nguồn vốn được mang đi đầu tư vào các lĩnh vực họ không nên thực hiện, hay lấy tiền phát triển cơ sở hạ tầng để đầu tư cho bất động sản. Ví dụ như vụ sập cầu Cần Thơ là một ví dụ điển hình mà cơ quan nhà nước không thể rũ bỏ trách nhiệm của mình.   Ngoài những vấn đề trên thì ta thấy cũng có một số tác động khác làm cho vấn nạn tham nhũng ngày càng gia tăng. Như sự độc quyền trong chính trị khiến cho vấn nạn tham nhũng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp hay vấn đề lạm phát, khủng hoảng kinh tế cũng là tác nhân khiến cho vấn đề này càng trở nên phức tạp, gia tăng mạnh hơn. Ta thấy hiện nay đất đai và giáo dục là hai vấn đề nổi cộm nhất trong vấn nạn tham nhũng ở nước ta. Cũng đúng thôi vì chúng ta có thể thấy rằng vấn đề nhà đất luôn đi kèm tới vấn đề sổ hồng, sổ đỏ nếu các nhà kinh doanh không hối lộ thì đến bao giờ mới được giải quyết và hơn thế nữa kinh doanh biến động từng ngày, họ không thể chờ được cũng như họ không có sự chọn lựa. Còn về giáo dục cũng gần như vậy thôi bởi bây giờ ai cũng mong muốn con mình đi học cả, họ không cần biết con mình học thế nào chỉ cần chạy chọt vào đó để lấy chỗ cho con thôi. Và thế là xuất hiện những đường dây mua điểm, xuất hiện những vụ lộ đề thi... Một yếu tố nữa khiến cho vấn nạn nước ta càng thêm nhức nhối và đau đầu đó chính là việc nhận thức về vấn nạn tham nhũng ở nước ta vẫn còn khá mờ nhạt và nguy hiểm hơn nữa là họ cho việc phải hối lộ khi làm bất cứ vấn đề gì liên quan đến nhà nước và pháp luật là một việc đương nhiên hay giống như một “nghĩa vụ”. Và hầu như bây giờ ở đâu cũng vậy từ thuế, giao thông, kinh tế... đều phải hối lộ mới có thể hoàn thành được công việc của mình. Số liệu sau đây cho thấy đây cũng là một thực trạng khiến cho nhà nước phải đau đầu trong việc phòng và chống nạn tham nhũng. Đó là vào trung tuần tháng 11 -2009 tổ chức minh bạch quốc tế (PI) đã công bố bảng xếp hạng chỉ số nhận thức về tham nhũng thì Việt Nam vẫn giữ ở mức 2,7 điểm đứng thứ 120, tăng một bậc so với 2008 và tăng ba bậc so với năm 2007. Tuy có gia tăng nhưng sự nhận thức của người dân vẫn còn ở mức độ thấp và nếu chúng ta muốn thành công trong mặt trận phòng và chống tham nhũng thì chúng ta cũng cần phải giải quyết được vấn đề này trước hết.  Trong vấn đề phòng và chống tham nhũng thì chúng ta thấy có một vấn đề tồn tại mà chúng ta cũng cần phải giải quyết ngay đó chính là khi bộ luật chống tham nhũng đã có thì chúng ta hãy nhanh đưa chúng vào thực tế, áp dụng ngay chúng vào xã hội, bởi vì hiện nay luật thì có nhưng đưa vào thực tế thì còn rất mờ nhạt chưa cụ thể, sâu sát, mang lại hiệu quả ....      Nói chung hiện trạng về nạn tham nhũng ở nước ta rất đa dạng, phức tạp và có sự biến đổi khôn lường. Trên đây chỉ là một số vấn đề nổi cộm và mang tính nghiêm trọng cần được chúng ta nhìn nhận và tìm hướng giải quyết. 4. Nguyên nhân của nạn tham nhũng Nạn tham nhũng ngày càng nhiều, lan tràn và phức tạp. Dưới đây là một số nguyên nhân mà tôi cho rằng nó có sự tác động mạnh đến vấn nạn tham nhũng hiện nay. Đầu tiên là do chúng ta sử dụng hiệu lực của pháp luật trong vấn đề tham nhũng tức là luật về tham nhũng chưa có tính chặt chẽ, chưa đi vào thực tế còn rời rạc và không có tính hệ thống. Cụ thể là chưa có biện pháp mạnh trong việc phạt thưởng rõ rệt cho người vi phạm và người tố giác rõ rệt như các nước khác, chưa có quyền lợi hay bảo vệ những cá nhân tố giác tham nhũng. Tiếp theo là chúng ta chưa thực hiện sự minh bạch trong các vấn đề công quyền và rất nhiều cuộc họp của Đảng và nhà nước vẫn thuộc dạng các cuộc họp kín khiến cho các vấn đề này càng phát huy được cơ hội. Việc nhà nước ta duy trì một hệ thống chính trị độc quyền từ Trung ương đến địa phương cũng là một yếu tố tác động lớn đến nạn tham nhũng này.Và một vấn đề rất quan trọng nữa đó là nhận thức còn rất mờ nhạt của nhân dân và việc hối lộ biếu xén quà cáp cho các quan chức của nhân dân giống như một “tập quán” cũng giúp cho nó gia tăng và tràn lan. 5. Ảnh hưởng của vấn nạn tham nhũng đến sự phát triển của nước ta      Với một hiện trạng phức tạp, nhức nhối như vậy thì ta cũng thấy được sự ảnh hưởng sâu sắc của tham nhũng đến xã hội nước ta nói chung và sự phát triển kinh tế nói riêng.      Thứ nhất ta thấy vấn nạn tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nghèo, làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo hơn nữa. Cụ thể là các quan chức cấp cao thì đi xe hơi, dựng nhà lầu trong khi đó “dân đen” thì đói rét, nghèo khổ bần cùng.      Thứ hai là tham nhũng sẽ kìm hãm sự phát triển kinh tế. Thật vậy chúng ta có thể thấy các công trình của nhà nước ta làm được mấy công trình là thực sự tốt. Việc rút ruột công trình lấy tiền công bỏ túi riêng là một điều dễ thấy. Một minh chứng xác thực là ngập lụt ngay trong lòng thủ đô và phải di chuyển phương tiện bằng thuyền hay các công trình giao thông cầu, cống... Như vậy chúng ta tự đặt câu hỏi xem tiền của các công trình đó sẽ đi về đâu nếu không phải là rơi vào túi của những quan tham. Chúng ta cứ xây dựng, cứ đầu tư và cứ rút ruột công trình khiến cho chất lượng các công trình xây nên được vài năm lại hư hỏng và chúng ta lại tiếp tục đầu tư xây dựng lại có phải mất thêm nhiều tiền của làm kìm hãm sự phát triển của đất nước không ? Đó là chưa kể nạn tham nhũng sẽ làm giảm bớt một số lượng đầu tư nước ngoài vào nước ta đặc biệt là nguồn vốn ODA. Mà thực tế là hầu hết tất cả các cơ sở hạ tầng từ cầu cống, đường xá, bệnh viện, tín dụng cho người nghèo... đều trông chờ vào nguồn vốn nước ngoài. Thế nhưng đám quan tham thì cứ thi nhau đục khoét từ cấp trên cho đến cấp dưới bòn rút của dân khiến cho hiệu quả tiền viện trợ thấp và các nhà đầu tư cũng không muốn đầu tư vô nữa. Thử hỏi nếu chúng ta là người đi viện trợ cho các nước khác chúng ta có muốn đầu tư cho nước mà có nạn tham nhũng tràn lan, tiền viện trợ thì không đến tay được đối tượng cần đến mà lại rơi vào tay những tham quan ăn chơi phù phiếm. Và ta thấy thật sự nó là một tai họa khi như thực tế đã nêu trên tất cả các vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng, giúp vốn người nghèo của chúng ta đều trông chờ vào nguồn viện trợ này.  Thứ ba là sự tồn tại tham nhũng trong giáo dục. Ta phải dùng từ “trắng trợn” trong vấn nạn tham nhũng giáo dục vì đó là trước kia  các tham quan hầu như chỉ ở thế bị động còn hiện giờ họ chủ động luôn trong vấn đề này - nói thẳng với phụ huynh học sinh. Không ai khác anh tôi chính là người “được” thầy giáo chủ nhiệm của mình hỏi trước giờ thi là thi tiền hay thi thật. Thật là kinh khủng khi ở môi trường đầy tính nhân văn mà lại xuất hiện cái tệ nạn xấu xa này. Và với vấn đề này thì ta thấy nó sẽ có tác động xấu đối với xã hội, làm băng hoại đạo đức phẩm chất con người, làm giảm lòng tin của xã hội đối với chế độ nhà nước ta. Việc mua điểm ở các trường đại học cao đẳng sẽ có tác động xấu đến các thế hệ mai sau khiến cho họ có những suy nghĩ không tốt và khi ra đời cũng như đi làm họ sẽ bị ảnh hưởng từ đó  có thể sẽ bị tha hóa về đạo đức. Nguồn lực mạnh nhất của một đất nước chính là thế hệ thanh niên mà thế hệ này bị tha hóa thì đất nước đó khó thể nào phát triển đi lên được.     Tóm lại thì nạn tham nhũng sẽ kìm hãm sự phát triển của đất nước ta về mọi mặt văn hóa, kinh tế, ngoại giao...Vì vậy chúng ta cần phải ngăn chặn tìm ra những biện pháp phòng và chống tham nhũng thật hiệu quả không để chúng phá vỡ những gì mà chúng ta đã vất vả xây dựng lên trong suốt những năm vừa qua và đảm bảo một đội ngũ các công chức liêm khiết “vì nước quên thân vì dân phục vụ”, không màng đến lợi ích riêng. Theo quan điểm lấy kinh tế làm trọng tâm thì ta thấy nạn tham nhũng sẽ là một bất cập lớn đối với xã hội nước ta nói chung và sự phát triển của kinh tế nói riêng. Và với góc nhìn nhận của mình thì tôi thấy nạn tham nhũng là một bất bình đẳng xã hội và với một đất nước luôn đề cao sự dân chủ như đất nước thì nó sẽ là một vấn đề nguy hiểm. Chúng ta cần phải vào cuộc để có thể cải tạo hiện trạng này nếu không nó sẽ còn tác động xấu hơn nữa đến xã hội của chúng ta.  6. Biện pháp giải quyết       Nạn tham nhũng ở nước ta ngày càng đa dạng phức tạp và biến đổi không ngừng với những hình thức tinh vi và biến ảo vì vậy việc tìm ra những biện pháp để phòng và chống nạn tham nhũng cần phải được quan tâm chú trọng. Dưới đây là một số biện pháp phòng và chống nạn tham nhũng mà tôi thấy rằng có thể đem lại hiệu quả nếu chúng ta làm việc một cách nghiêm túc và có trách nhiệm. Thứ nhất là chúng ta cần nêu cao nhận thức của công luận. Hiện nay báo chí có một vai trò rất lớn trong cuộc sống của con người vì vậy dùng báo chí để tuyên truyền cũng như là công cụ để vạch trần tội tham nhũng của các quan chức chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả. Cụ thể là vụ PMU18 đã bị lộ tẩy nhờ trách nhiệm cũng như sự nghiêm túc của hai nhà báo của báo Thanh niên và Tuổi trẻ. Thứ hai là chúng ta cần phải xác định chống tham nhũng là trách nhiệm của mọi người, của toàn xã hội cũng như các tổ chức nhân sự, các công ty và chính phủ cần phải có một chiến lược phòng chống tham nhũng ở mức độ ưu tiên trong việc thực thi. Nghĩa là phải đặt vấn đề đó là trên hết, phải đầu tư thật hiệu quả thật chắc chắn và cần phải khuyến khích tất cả mọi người có ý thức tự giác tố giác người tham nhũng nếu biết. Và cũng cùng trong vấn đề này, theo tôi cần có luật bảo vệ những người tố giác này để tránh những người tố giác bị trả thù lại hay như hai nhà báo của vụ PMU 18 lại bị đi tù lại với lý do “khá lạ” là đã xúc phạm đến một vài vị lãnh đạo cấp cao.        Thứ tư là các cơ quan chống tham nhũng phải hợp tác chặt chẽ mới diệt được tham nhũng có tính hệ thống.      Thứ năm là chúng ta sẽ công khai minh bạch các  hoạt động công quyền như thế nó cũng hạn chế điều kiện và cơ hội để phát sinh tham nhũng. Càng công khai minh bạch bao nhiêu thì tham nhũng càng không có cơ hội lộng hành bấy nhiêu.      Thứ sáu là chúng ta sẽ kiểm soát thực thi quyền lực nhà nước và hoàn thiện chế độ công vụ công chức nâng cao chất lượng thực thi công vụ, nâng cao hiệu lực thanh tra, kiểm tra, giám soá,t kiểm soát, kiểm toán điều tra truy tố xét xử trong phát hiện và xử lý tham nhũng. Theo tôi thì chúng ta nên thường xuyên thực hiện những đợt thanh tra kiểm tra bí mật như vậy cũng phần nào có thể phát huy được hiệu quả trong việc phát hiện và bài trừ những tham quan sâu mọt.   Và điều mà có lẽ tôi nghĩ là cần nhất hiện nay đó là nâng cao nhận thức và phát huy vai trò của xã hội trong phong trào phòng chống tham nhũng. Vì sao vấn đề đó lại là quan trọng nhất vì nếu như dân biết luật, dân hiểu luật, dân biết nơi nào đúng với nhiệm vụ gì và dân hiểu được một điều rằng công chức công bộc nhà nước là đày tớ của dân - đó là công việc mà họ đương nhiên phải thực thi thì không có chuyện đi hối lộ, nhận hối lộ ...Và tiếp theo nữa đó là sự phát giác của nhân dân cũng là một yếu tố chủ quan vì dân là một trong những đối tượng trực tiếp của tham nhũng nên dân sẽ hiểu rõ nhất, chính xác nhất kẻ thù của mình. III. Kết luận       Nạn tham nhũng càng ngày càng phổ biến càng lan tràn trên tất cả các phương diện các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Nó không chỉ là một căn bệnh khó chữa trị mà còn một mối nguy hại cho xã hội, cho sự phát triển của nước ta .Vì thế là một công dân của đất nước chúng ta không thể làm ngơ trước những hiện trạng cũng như tác động, ảnh hưởng nguy hiểm của nó đến với xã hội với nền kinh tế của chúng ta. Nó không chỉ là một “ung nhọt” kìm hãm sự phát triển của đất nước chúng ta mà nó còn ảnh hưởng xấu làm tha hóa đạo đức phẩm chất con người, gây ra sự bất bình đẳng và phá vỡ sự dân chủ mà đất nước ta đang tiến tới. Và với bài viết này thì tôi hi vọng nó sẽ có một tác động tích cực nào đó đến với các cơ quan chức năng để có thể giải quyết nhanh chóng và có hiệu quả đối với vấn đề nan giải trên. 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro