Chương 1: Tiết tử

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

'Ta không muốn mười vạn người biết ta, một người biết ta, là đủ rồi.'

Trên sông Tần Hoài luôn có một cái tên được xem như là vết son của thời đại, Trần Viên Viên, rồi đến Liễu Như Thị, sau Liễu Như Thị là Đổng Tiểu Uyển, những cái tên của những bậc khuynh quốc khuynh thành này vĩnh viễn đi đôi với chiến loạn cùng với biến động của thời đại, nhưng lại tựa như những thứ xa rời nơi trần thế, cách biệt với hỗn loạn. Bọn họ là này đây 'Múa nghiêng dương liễu trăng lầu rọi', cũng là những kia 'Ca dứt đào hoa gió quạt nồng'*, bọn họ kết thành dòng chảy, thành phù sa của sông Tần Hoài yên ả mà quanh co, chảy qua nào những hưng vong sáng rõ, những chìm nổi tỏ tường, vì lại có thể hiến dâng hằng đêm sênh ca cho những phồn hoa mai này.

*Giá cô thiên kỳ 1 - Án Kỷ Đạo, dịch thơ: Nguyễn Chí Viễn (nguồn: thivien.net)

Giáo mác nhà binh có lúc cũng yên lặng, mà sông Tần Hoài chưa bao giờ trả qua lặng yên.

Đến thời dân quốc, vang vọng trên sông Tần Hoài chính là ba chữ "Bạch Lộ Sinh", ở nơi phong nhã không người không biết danh thơm của y. Tên đào kép và danh kỹ suy cho cùng vẫn có khác biệt, ngoại trừ có gương mặt đẹp trời sinh, còn phải có giọng hát hay. Bạch Lộ Sinh đúng y như vậy, mặt vừa xinh đẹp, giọng hát cũng tuyệt đẹp. Vì vậy y mặc dù không phải là con gái, nhưng áp đảo toàn bộ oanh oanh yến yến tại Điếu Ngư Hạng*, độc chiếm ngôi đầu bảng phong nguyệt của Tần Hoài, trở thành biểu tượng mới trên sông Tần Hoài.

*Điếu Ngư Hạng là một con ngõ nằm ở phía nam của đoạn phía đông đường Kiến Khang, quận Tần Hoài, Nam Kinh, bắt đầu từ sông Tần Hoài ở phía đông và kết thúc ở ngõ Điếu Ngư Tây ở phía tây.

Y khi còn sống là truyền kỳ một thời, đâu đâu cũng nghe danh, trước đây nhắc đến nhiều, sau này càng nhắc đến nhiều, tựa như trên sông Tần hoài bồng bềnh sóng nước, trước không thấy bến, sau không thấy bờ. Chỉ nói năm đó Diêu Phù Ngọc vượt đường xa tới Nam Kinh, có đến Đắc Nguyệt đài nghe mấy vở kịch của y. Mới đầu là nghe cho vui, về sau càng nghe càng sửng sốt, chỉ nói: "Làm sao lại có người tài đến mức này, cớ gì phải giấu mình ở phía nam, sớm nên đi Bắc Bình mới phải!"

Người này là danh túc Lê Viên*, cả đời có đôi mắt tinh tường biết nhìn vô số châu ngọc, lại nghe nói trưởng gánh họ Bạch này tuổi tác quá nhỏ, không khỏi liền sinh lòng chèo kéo. Vì vậy hắn đích thân tìm đến hậu đài, ăn ngay nói thật mà hỏi: "Hôm nay nghe được nhã âm, thật sự động lòng, ta muốn nhận cậu làm học trò, mới vừa cùng chủ gánh bàn bạc ổn thỏa hết, hiện lại đây hỏi ý cậu, không biết cậu có đồng ý hay không?"

*danh túc Lê Viên: người có tiếng thơm ở Lê viên - cách gọi khác của gánh hát, đoàn kịch

Ở Lê Viên luôn thịnh hành hình thức dựa hơi sư môn, Diêu Phù Ngọc vốn xuất thân danh môn, lại nhiều hơn Bạch Lộ Sinh hơn mười tuổi, hắn là tiền bối, Lộ Sinh là vãn bối, tiền bối chủ động mở miệng thu học trò, là dìu dắt, cũng là yêu tài. Mà Bạch Lộ Sinh không nói nguyện ý, cũng không nói không bằng lòng, chẳng qua là mím môi mà cười.

Diêu Phù Ngọc độ lượng với y có thể là có mắt không tròng: "Cậu không nhận ra ta là ai?"

Bạch Lộ Sinh lùi lại hai bước, vô cùng cung kính vén áo làm lễ: "Ngài là trò giỏi của Trần lão phu tử, là sư đệ của Mai tiên sinh, là nhân vật tiếng tăm của Lê viên, chúng ta mặc dù là hạng yến tước, cũng phải nghe tiếng lành của loài thiên nga ngài."

Lời nói này văn nhã, từ đầu tới chân đều là dáng vẻ người có ăn có học, Trong lòng Ngọc Phù lại thêm coi trọng y một chút, trên mặt cũng lộ ra nụ cười: "Nếu cậu biết ta, tại sao còn không chịu? Làm học trò của ta, cũng không thiệt thòi cho cậu!"

Lộ Sinh thấy hắn cười, cũng chỉ cười một tiếng trong trẻo: "Diêu tiên sinh hát hí, tên tuổi vang khắp gầm trời này, muốn nhận ta làm trò, dĩ nhiên đối với ta là phúc lớn bằng trời. Cho ta hỏi một câu không biết trời cao đất dày, không biết tiên sinh muốn dẫn ta ra bắc, hay là từ nay ở lại Nam Kinh lâu dài chăng?"

Câu hỏi này đến là kỳ quái, Ngọc Phù không khỏi bật cười: "Ta nhìn mấy người các cậu, đường đời đã hiểu, cảnh đời đã rõ, cái chuyện như thường ngày ở huyện, có con hát nào không phải nổi danh từ Bắc Bình Thiên Tân? Làm gì có đạo lý thầy trò chia hai hướng ngược đường, dĩ nhiên là mang ngươi đi Bắc Bình."

Lấy người xung quanh mà nói, chuyện tốt mức này nịnh bợ còn không kịp, chỉ sợ còn phải quỳ xuống dập đầu ngay tại chỗ ấy chứ, ai ngờ người này lại nhẹ nhàng nhu hòa nói: "Vậy thì thứ cho ta không thể vâng lời, ta chỉ ở nơi này, không rời đi nơi khác."

"Cớ sao lại nói như vậy? Không phải ta ăn nói ngông cuồng, đi Bắc Bình, ta đảm bảo tiếng tăm của cậu sẽ nổi như cồn, cậu ở Nam Kinh đã phô trương như vậy, Bắc Bình chắc chắn không thua gì, chỉ sợ cậu chưa từng thấy qua."

Trường gánh đứng một bên cũng vội thay cho y: "Cái tên nhóc con nhà ngươi sao không hiểu chuyện như vậy, ông lớn Diêu đây là người như thế nào, hạ mình mà đi gặp ngươi, ngươi bớt kiêu căng đi."

Ngọc Phù nhìn vẻ mặt của y không giống kẻ làm bộ làm tịch, liền ôn hòa ngăn trưởng gánh: "Chớ mắng y, cứ để y nói."

Bạch Lộ Sinh nhìn trưởng gánh một cái, lại thi lễ với Diêu Phù Ngọc một cái - lần này không có phúc thân, là nam lễ - y đứng lên, vẫn là lời nói ôn tồn nhỏ nhẹ: "Chuyện xướng ca này, có người mong tiếng tăm nơi Lê viên, có người chỉ cầu tìm được tri âm, chung quy cũng chỉ ở bốn chữ 'người có chí riêng'. Tiếng nổi như cồn, đương nhiên làm người ước ao, có điều chí của ta không đặt ở chỗ này, nếu tiên sinh ở lại chốn Nam Kinh nhỏ bé này, chính là một ngày làm thầy cả đời làm cha, còn nếu bảo là phải dẫn ta đi Bắc Bình, vậy thì đáng tiếc không có duyên phận rồi."

"Chí lớn của cậu, chẳng lẽ không ở danh thơm nơi Lê Viên, chỉ vì 'cao sơn lưu thủy'* có tri âm?" Ngọc Phù nghe y nói chuyện đến là ngây thơ, không chỉ không tức giận, ngược lại còn muốn cười: "Cậu chắc cũng hay trời cao đất dày, một khi thành danh vạn người biết đến, khắp trời đất này đều là tri âm, đến khi đó, trước mắt cậu bày ra một hai tri âm, cũng đâu tính là gì."

*Gắn liền với điển tích về Bá Nha Tử Kỳ. "Cao sơn" và "Lưu thủy" là hai khúc đàn sinh thời Bá Nha thường tấu, và chỉ Tử Kỳ cảm thụ được tiếng đàn của Bá Nha qua hai khúc nhạc ấy.

Lời này cũng không có gì để mà ngượng ngùng, mà Bạch Lộ Sinh không biết là bị nói trúng chuyện vẫn giấu trong lòng hay sao, lại có hơi chần chừ xấu hổ. Cúi đầu chốc lát, y ngẩng đầu lên nói: "Tiên sinh nói rất đúng, chẳng qua là tri âm dễ gị gặp được, ta không muốn mười vạn người biết ta, một người biết ta, là đủ rồi."

Càng nói giọng y càng nhỏ đi, chỉ có điều trong giọng nói ngậm vẻ mềm mại kia lại càng thêm kiên định: "Thành danh vạn người biết, không phải là điều ta mong mỏi, tấm lòng xin nhận, mong rằng Diêu tiên sinh đừng trách."

Lời nói này của y quá là tùy hứng, có điều dung mạo của y vô cùng đẹp, giọng lại nhu hòa, Diêu Phù Ngọc kiểu gì cũng không tức giận nổi. Hắn nghiêng đầu nhìn thiếu niên này một chút, tuổi mới mười lăm, trang sức còn chưa tháo, dưới lớp hóa trang dày vẫn khó lòng giấu được mặt mày thanh nhã, diễm lệ lại chẳng tục tằng. Thường hát rằng: mày chau nét xuân sơn, mắt ngậm làn thu thủy*, chính là để tả tướng mạo này. Lại nhìn vẻ mặt si ngốc thiết tha của y, lòng bỗng nhiên khẽ động, đã hiểu ba phần.

*Mi túc xuân sơn, nhãn tần thu thuỷ: Mày chau như núi mùa xuân, mắt long lanh như nước mùa thu - Hồng lâu mộng, nói về nhân vật Linh Quan

Sau này trở về Bắc Bình, có lần hắn cùng người ta nói tới đứa bé này, người nọ sau khi nghe xong liền cười to: "Mấy năm nay ông thường ở phương bắc, không biết chuyện phương nam, người khác thì tôi không biết, Bạch Lộ Sinh này thì tôi lại biết, từng gặp nhiều giác nhi* sĩ diện như vậy, cũng chẳng có ai ngông cuồng hơn y- Lại còn vừa khéo gặp được ông chứ! Tri âm mà y nói, tôi cũng biết."

*Giác nhi là danh xưng chỉ những nhân vật lớn, có danh tiếng, có tài nghệ xuất sắc trong giới hí khúc cổ

Ngọc Phù đương nhiên gặng hỏi là ai, người kia cười nói: "Còn là ai được nữa, đương nhiên là đại phú thương của Nam Kinh, cháu trai của Kim Trung Minh, Kim Thế An."

Người này là một kinh lệ của hí viên, cũng chính là người mà sau này thường gọi là "người đại diện". Loại người này tay với được trong nghề thì đủ loại chuyện xưa lớn nhỏ, ngoài thì đủ loại chuyện bát nháo, nhất là chuyện của người có tiếng. Lúc ấy rảnh rỗi không có việc gì làm, hắn liền mách nhỏ cho Diêu Phù Ngọc mở mang: "Trước có một trưởng gánh của gánh hát Xuân Hoa, họ Trương. Cha nàng vốn cũng là kẻ có tiếng trong nghề chúng ta, từng được vào cung diện thánh, khi hầu hạ cũng được ban bạc phát lộc, là dòng dõi có truyền thống hát Nam Khúc hẳn hoi đấy. Chẳng qua là đến đời cô bé kia cũng không còn huy hoàng như trước nữa, đành từ Bắc Bình dọn về Nam Kinh. Trước kia có cái cô họ Trương hát Côn Khúc ở rạp hát cửa Thái Thị Khẩu*, chính là nàng."

*Thái Thị Khẩu, nơi triều Thanh thời nhà Thanh có rất nhiều nơi giết người, kinh đô có rất nhiều ngõ hẻm, ngã tư đường phố, Thái Thị Khẩu nổi tiếng nhất vì nơi đây từng là hành quyết người, phạm nhân sau khi bị chém, vết máu sẽ được dùng đất vàng đắp lên. Kỳ thật vào thời nhà Minh pháp trường là ở cổng Tây, đến thời Thanh mới dời đến Tuyên Vũ môn Thái Thị Khẩu, chính xác mà nói thì phải là là Sài Thị Khẩu, bán củi lửa, về sau mới dần dần đổi thành bán đồ ăn (rau), sau đó đặt pháp trường tại Thái Thị Khẩu. Về sau có người ở đây bán đồ ăn, ở chợ bán đồ ăn làm ăn rất phát đạt, bởi vậy mới có cái tên Thái Thị Khẩu này (tóm lại là cái chợ aka nơi hành quyết công khai để giết gà dọa khỉ để diệt cái ý định muốn lật đổ triều đình, bảo sao xem phim thấy mấy người bị xử chém toàn bị ném rau)

Ngọc Phù gật đầu nói: "Chẳng trách y hát hay như thế, hóa ra là được danh sư truyền thừa, không giống kẻ không tên không tuổi giữa đường rẽ ngang."

"Có tác dụng gì đâu? Cổ họng cũng hỏng rồi, ba chìm bảy nổi rồi tới Điếu Ngư hạng nuôi thỏ* - cho nên nàng mới mua Bạch Lộ Sinh kia về dạy dỗ, ở tướng công quán* hóng gió ngắm trăng. Từ nhỏ coi như con gái mà nuôi lớn, lấy tên con gái mà đặt, gọi là Bạch Ngọc Thư, ông nói xem có buồn cười không cơ chứ?"

*Thỏ: ở đây chỉ nam kỹ (Thỏ gia trước đây dùng để chỉ nam kỹ)

*Tướng công quán: thanh lâu chuyên nuôi nam giới để cung cấp dịch vụ, còn được nói lái đi là Tượng cô quán

Ngọc Phù che miệng cười.

Kinh lệ vỗ đùi cái đét nói: "Thật ra thì nhắc tới cũng là kẻ đáng thương, đứa trẻ năm sáu tuổi, không thân không thích, bị người dạy dỗ bán đi làm những thứ ngón trò mất mặt này. Cũng là số y vẫn còn có chút vận quý nhân, khi còn chưa đến tuổi vấn tóc, có lần ở Đắc Nguyệt Đài đổi cảnh lúc hát hí, không hiểu sao lại vừa hay lọt vào mắt xanh của Kim thiếu gia, sửa lại cái cho y cái tên thành Bạch Lộ Sinh, lại còn chuộc y ra khỏi gánh hát, không cần phải làm gì khác mà chỉ trong sạch mà theo đuổi nghề hát hí. Quan hệ của hai người này thế nào, còn cần tôi phải nói tỉ mỉ sao? Y không chịu tới Bắc Bình, phỏng chừng cũng là nặng tình với vị Kim thiếu gia này nên mới không chịu đi."

Chuyện này người khắp Nam Kinh đều biết, giống như Đổng Tiểu Uyển gắn với Mạo Tích Cương, Lý Hương Quân gắn với Hầu Phương Vực, cái tên Bạch Lộ Sinh đi liền với Kim Thế An.

Tài tử có được giai nhân, phú hào đạt được danh linh, cái chuyện danh linh có tình với ân khách ấy mà, người trong nghề thường xuyên gặp được. Do Ngọc Phù ở không lâu nên chưa từng nghe đồn. Hắn có chút kinh ngạc, nhưng cũng không cảm thấy đáng khinh bỉ, nhớ lại vẻ mặt si tình ngốc nghếch lại thắm thiết của Bạch Lộ Sinh ngày đó, "Thì ra là như vậy, ta thấy y không giống như là vì tiền vì quyền, trông vẻ mặt hình như đúng là có tình ý, có lẽ là tuổi còn nhỏ, chưa trải sự đời, nhất thời mê mẩn."

Kinh lệ kia cười nói: "Đâu chỉ có ý có tình, có mà chỉ hận không thể mang tam môi lục sính ra ấy! Y hát hí, Kim thiếu gia nhất định sẽ đến ủng hộ, Kim thiếu gia không tới, y cũng không chịu thể hiện hết mười phân tài năng." Rồi nói tiếp: "Nếu đặt ở nơi này của chúng ta, không cần biết ông là tên giác nhi tai to mặt lớn nào, lăn lộn trong cái nghề này ấy, lẽ nào không phải là lấy khuôn mặt tươi cười mà đón tiếp khách bố phương sao? Cho nên nói người phương Nam không có kiến thức. Y kiểu cách như vậy, thế mà hết lần này tới lần khác vẫn cứ nghe y hát! Muốn nghe y hát còn khó hơn cả chờ Quan Âm bố thí nhành dương lộ, phải xem cả tâm trạng của Kim đại thiếu!" Vừa nói vừa vỗ vai Ngọc Phù: "Ông cũng không cần tiếc rẻ làm gì, cái thằng nhãi họ Bạch kia không ôm chí lớn, không chịu phấn đấu hơn người, lòng chỉ khăng khăng muốn làm một tướng công*, khắp chân trời có nơi nào không có cỏ thơm, y cũng không xứng làm đồ đệ của ngươi."

*tướng công: ở đây tạm hiểu là nam kỹ

Diêu Phù Ngọc nghe hắn dứt lời, lặng người suy tư chốc lát, khẽ lắc đầu: "Ông nói sai rồi, tôi thấy y sau này hẳn phải là kẻ thanh y* tài năng kiệt xuất trong nghề."

*Thanh y: ên gọi chung cho các nhân vật chính trong loại hình đán, các nhân vật thường có tính cách yểu điệu, trang nhã như tiểu thư hay quý phu nhân. Khi biểu diễn thường sẽ mặc áo xanh (thanh y), vai diễn thiên về hát, thoại lời theo vần điệu.

Kinh lệ kinh ngạc nói: "Ừ thì y hát tốt, tôi biết, nhưng nếu nói là tài năng kiệt xuất, chỉ e là so với ông và Mai tiên sinh còn lâu mới bằng! Huống gì người này chỉ biết tình riêng, không để tâm đến tương lai, ba ngày đánh cá hai ngày phơi lưới, làm sao mà thành danh được?"

Ngọc Phù cười nói: "Y bao nhiêu tuổi, chúng tôi thì bao nhiêu tuổi? Ông nói y có tình, đây chính là chỗ khiến ta muốn nói rằng y có thể thành danh. Đường đi này của chúng ta, phàm đã là con hát có thể vang danh khắp chốn, có kẻ trên người mang cốt cách hí kịch, như sư ca của tôi vậy, lên đài, trên đó đóng vai gì thì chính là vai đó, xuống đài, chuyện xưa liền quên tất tật. Đó là bản lĩnh chúng ta không học được. Lại có một loại người, trời sinh đa tình, khi hát cũng như khi không hát, tất cả đều coi là thật - người cất tiếng ca như vậy, dốc hết tâm huyết, như cuồng như si, ắt có chỗ làm rung động lòng người. Theo ta thấy, trời nam biển bắc, khách nghe hí cũng không ai là mắt mù tai điếc, ai hay ai dở, trong mắt người nhận ra vàng thật ấy- đừng nói có người phương nam nguyện ý nâng đỡ y, có khi tới Bắc Bình, chưa hẳn là không thể đánh một trận oanh liệt với sư ca của tôi đâu!"

Lời này làm cho người đối diện ngẩn người: "Theo như lời ông nói lại thành ra tôi xem thường y."

Ngọc Phù tự mình cảm thấy lời mình nói mười phần có lý, vừa nhớ đến Bạch Lộ Sinh giọng hát du dương như vậy, dáng diễn yêu kiều, đóng vai Lệ nương thì vừa sinh động lại vừa ảm đạm, đóng vai quý phi thì mang vẻ hoa nhường nguyệt thẹn, nào phải là xinh đẹp giỏi giang là có thể thành danh. Đó là bởi vì dù cho y đóng vai cái gì, đều là thổi tình vào mà diễn, không kìm được gật đầu nói: "Y là người trẻ tuổi nông cạn, không duyên cớ sao lại theo ta, ta cũng không nhìn lầm đạo lý làm người của y. Ông chỉ nói y thờ ơ việc hát diễn, cũng không biết bản lĩnh trên đài hát của y tinh xảo đến bậc nào, nhìn một cái là biết dưới đài một ngày y cũng không lười biếng. Tôi nói đúng hay không, chờ mười năm rồi hẵng nói."

Hắn không hổ là danh túc Lê Viên, mắt nhìn người vô cùng chính xác, không quá hai năm, danh tiếng của Bạch Lộ Sinh quả nhiên vang xa. Nổi tiếng tới mức độ nào ư? Một câu khó tả hết được, chỉ biết rằng đã là người Nam Kinh ắt phải từng nghe y ca diễn, cũng ắt phải nhân nhượng tính tình kiểu cách của y - mở đài hát diễn, phải là lúc Kim thiếu gia đang ở Nam Kinh. Nếu Kim thiếu gia đi vùng khác có việc một tháng không trở lại, thế thì đành chịu, ông chủ họ Bạch đảm bảo là đóng cổng khép cửa. Nếu ngươi vẫn muốn nghe thì cũng dễ thôi, đi đến góc tường tiểu viện của Bạch phủ ở đường Dung Trang, nghe tiếng y luyện giọng cũng có thể giải cơn nghiện hí trong chốc lát.

Sự kiểu cách này quả thật là vô tiền khoáng hậu, nhưng loài người chính là kỳ quái như vậy, y càng nắm đằng chuôi, mọi người lại càng cam chịu mà nhân nhượng. Nói đúng ra thì không phải là Nam Kinh không có nhân tài ca diễn, chẳng qua là không thể có người nào có thể được như Bạch tiểu gia vậy, hát khúc mà như trút hết nỗi lòng. Dưới đài, y là Đổng Tiểu Uyển và Lý Hương Quân tái sinh, trên đài, y vô cùng sinh động làm Đỗ Lệ nương Trần Diệu Thường, chỉ cần linh động biểu diễn, tinh tế động lòng người mà cất tiếng hát, làm cao như thế nào cũng chỉ là chuyện nhỏ, chỉ còn cả một sảnh đường đích như mê như say tồn tại.

Nếu quay lại nghe người khác hát hí khúc, quả thật giống ăn đồ cao lương mỹ vị rồi quay lại ăn mắm muối rau dưa, rõ là vô vị.

Lại nói vùng đất Nam Kinh này, vừa khiến người ta bộn bề nỗi lòng mà trân trọng, nó tự hào là cố đô của sáu triều đại, trong lòng chướng mắt muốn phân cao thấp với Bắc Bình và Thiên Tân, nhưng trải qua lớp lớp triều đại loạn chiến, chí khí đã sớm bị khói lửa chiến tranh vùi lấp. Tạ Tuyên Thành nói người đẹp vùng Giang Nam, đế vương đất Kim Lăng, vùng nuôi ra người đẹp đương nhiên là phải có "từ xưa", đất dưỡng thành đế vương lại càng phải "kinh qua". Giang Nam dễ gặp giai lệ, Kim Lăng đã có mấy đời đế vương - Nam Kinh mặc dù là "đô", nhưng nói chung cũng thành "Cố đô" bất hạnh. Khó khăn đợi đến dân quốc định đô ở nơi này, trong lòng người Nam Kinh có chút hãnh diện, cho nên mọi chuyện nhuốm lấy ngạo khí của tân đô, mọi chuyện cũng ngậm sự oán than của cố đô.

Lúc đó giọng Bắc Kinh đang thịnh hành, xuôi nam ngược bắc, có ai là không nghe Kinh kịch, nhưng người Nam Kinh lại vẫn không chịu bỏ Côn khúc, cảm thấy nó có sáo có đàn, thanh cao mà nhã nhặn đến vậy, nó xuất thân từ "Lâm Xuyên tứ mộng"* của Thang Hiển Tổ, cũng xuất thân từ "Nhất nhân vĩnh chiêm"* của Lý Huyền Ngọc, đó là sông Tần Hoài vô số sóng dệt tơ tình ai oán xô bờ, làm sao tiếng trống đánh chiêng kêu của điệu tây bì nhị hoàng có thể so sánh. Bạch Lộ Sinh chính là chuyên về Côn khúc, lại có thầy xuất thân từ kẻ dưới của thế gia Nam Khúc ở Tần Hoài, vì vậy như thấp thoáng đâu đây mang bóng dáng của cố đô Kim Lăng. Giọng hát xinh đẹp cùng tính tình kiểu cách của y, cũng vừa vặn trúng tim người địa phương, khéo gợi về nỗi lòng "Cố đô" mịt mùng luôn tồn tại ở thành phố này.

*Lâm Xuyên tứ mộng: Một kiệt tác kinh điển của văn học Lâm Xuyên, bao gồm tên của bốn vở kịch đình đám "Mẫu đơn đình", "Tử thoa ký", "Hàm đan ký", "Nam kha ký" của tác gia Thang Hiển Tổ. Hai phần đầu là kịch nữ nhi phong tình và hai phần cuối là kịch xã hội phong tình. Có lẽ "Tứ kịch" đều có "mộng", cho nên mới nói "Lâm Xuyên tứ mộng", có lẽ bản thân "Tứ kịch" chính là tâm huyết cả đời cô đọng lại thành giấc mộng nhân sinh.

*"Nhất nhân vĩnh chiêm: Tác phẩm của Lý Ngọc Huyền thời cuối Minh đầu Thanh, gồm bốn vở kịch truyền kỳ, lấy chữ cái đầu của mỗi vở "Nhất phủng tuyết", "Nhân thú quan", "Vĩnh đoàn viên", "Chiêm hoa khôi" hợp lại làm tên.

Như cố đô xinh đẹp, cũng như cố đô tự biết khoe mình.

Bởi vì những duyên cớ như vậy, không cần biết Bạch tiểu gia làm bộ làm tịc như thế nào đi nữa, tất cả các qúy nhân chốn Nam Kinh chịu phục tài này của y. Lại nói, mặc dù trong chuyện hát diễn này y hết sức làm cao, dưới đài đối nhân xử tế lại không hề tùy tiện. Cho dù là quan trên, quý nhân hay là người dân thường, lúc nào y cũng ôn hòa. Dù là hôm nay Kim thiếu gia không ở trong thành, y không chịu hát, cũng luôn hòa nhã: "Hôm nay họng không tốt, để ngài chờ phí công, đợi cổ họng tốt lên, ngài muốn gọi thế nào thì gọi thế đó."

Người ngoài còn có thể nói gì nữa đây, Bạch tiểu gia chính là vầng trăng sáng in bóng sông Tần Hoài - trăng đã sáng cần gì ngày nào cũng phải tròn?

Muốn ngắm trăng thì phải chờ rằm, muốn phong hoa tuyết nguyệt thì phải đầy đủ, đấy gọi là thú vui tao nhã.

Hết thảy nhân vật có liên quan đến hí kịch hầu hết là đột xuất đến lại đột nhiên đi mất. Diêu Phù Ngọc liệu được y tiếng tăm vang dội, nhưng không thể ngờ tới y lại đứt gánh giữa đường. Giống như đóa mai tháng hai tháng bạc mệnh, Bạch Lộ Sinh sớm nở, tối đành phải mau tàn. Người trong Lê Viên ỏ tuổi hai mươi mốt, hai mươi hai tuổi chính là thời điểm như mặt trời ban trưa, thế mà Bạch tiểu gia lại ở đúng độ tuổi này, đột nhiên bặt vô âm tín.

Cũng không ai biết có chuyện gì xảy ra, có người nói y đắc tội lão thái gia nhà họ Kim, bị đánh gãy cánh tay, lại có người nói hai năm này y hít thuốc phiện, làm cho cổ họng hỏng mất rồi.

Lời đồn đại bát nháo truyền tới truyền lui nguyên nửa năm. Dăm ba lời đồn này còn chưa lắng xuống, lại có lời đồn kinh thiên động địa nổi lên.

"Bạch tiểu gia đâm Kim thiếu gia chết luôn rồi."

Mới đầu mọi người chẳng có ai tin, chỉ coi là chuyện đùa, nhưng dần dần cảm thấy hình như có chuyện này thật, bởi vì gần một tháng ròng chẳng thấy bóng dáng Kim thiếu gia đâu, buổi lễ của thương hội lẽ ra phải tham gia cũng một mực từ chối, đây là chuyện xưa nay chưa từng có.

Thế là lời đồn đại ngày càng ồn ào, càng truyền đi càng như thật, dưới mỗi đoạn hành lang tối hẹp hay mái hiên nhỏ cứ mở miệng ra là câu chuyện lại được thêm mắm dặm muối, một đồn mười mười đồn trăm, nghĩ hộ luôn bố cục mở bài kết bài cho câu chuyện thêm phần ảo diệu.

Không thể không nói, khi lời đồn đãi lượn lờ ba mươi vòng quanh toàn bộ Nam Kinh, nó giống như sông Tần Hoài sau cơn mưa như trút, cát bùn bẩn đục trong nước lắng xuống, nước trong rồi, sự thật liền nổi lên. Bọn họ có thêm được bằng chứng do nha hoàn ở Bạch phủ lỡ miệng nói ra, có thêm dấu vết quản gia của Bạch phủ thường xuyên đi đến bệnh viện, cuối cùng biến thành một sự thật - đó chính là Kim thiếu gia đúng thật là bị đâm.

Hắn nhất định bị đâm rồi, mọi người tin chắc như vậy, nếu không với thân phận Tổng hội trưởng của thương hội Nam Kinh, làm sao lại không có mặt trong lễ cắt băng khánh thành cửa hiệu buôn đồ Tây ngay mặt đường lớn, nhưng chắc hẳn hắn chưa chết, nếu không lễ tang đã sớm được lo liệu rồi.

Bạch Lộ Sinh cũng chẳng biết lưu lạc nơi nào rồi, đã rất lâu rồi không có tin tức của Bạch Lộ Sinh, nếu như không phải là có chuyện hành thích này, văn nhân sông Tần Hoài cũng sắp quên hẳn y rồi.

Vô số ánh mắt cực kỳ chán ghét nhắm vào ô cửa sổ phủ lớp sơn bóng trong tiểu viện Bạch phủ.

Cửa gỗ đóng kín.

Nếu như những ánh mắt này có thể mọc cánh, chắc chắn có thể vượt qua cánh cửa gỗ sơn đen kia, vượt qua bụi hoa kim ngân leo đầu hồi, vượt qua hai bức bình phong màu xám tro trước cửa viện, rơi thẳng vào ghế quý phi chạm hoa khắc cỏ ở mái hiên phía Tây.

Còn đương sự, Kim Thế An Kim thiếu gia, đang xiêu xiêu vẹo vẹo ngồi ở trên giường, bận bịu ăn mới bát cháo thịt vừa đưa tới.

Mặt mày hắn dịu dàng, vóc người cao lớn, tay không một vết chai, mắt không có gỉ, nhìn một cái là biết ngay từ nhỏ đã hưởng cuộc sống sung túc của con nhà giàu. Chỉ có vàng bạc chất đống mới nuôi ra một người ưu tú như tấm gương sáng cho người khác vậy. Chỉ có điều do bị thương nên sắc mặt có chút yếu ớt, thế nhưng ánh mắt liếc ngang liếc dọc không đúng mực, hết nhìn đông lại ngó tây.

Nói tóm lại, ánh mắt của hắn với khí chất toàn thân không hề ăn khớp, dáng vẻ dùng bữa cũng khiến người ta câm nín, nhận lấy bát liền cắm đầu cắm cổ vào ăn.

Quản gia Chu Dụ đứng cạnh giường hắn, không nhịn được mà lau mồ hôi: "Thiếu gia, ngài xem, chuyện bên ngoài càng ngày càng loạn rồi, lão thái gia sớm muộn cũngbiết, bây giờ phải làm thế nào ạ?"

Kim Thế An vùi mặt ở trong bát trợn mắt, trong đầu nghĩ tôi biết thế quái nào được, để cho tôi ăn nốt miếng cơm được không?

Chu Dụ thấy hắn không nói, lại mướt mồ hôi nói: "Tin tức bên ngoài báo lại, lời đồn đã loạn xạ lên hết rồi, nếu ngài còn không lộ diện, sợ rằng thương chức vị Hội trưởng thương hội cũng khó mà bảo vệ."

Kim Thế An liếm liếm cái thìa , chuyện kia liên quan mẹ gì tới hắn.

Trong đầu Chu Dụ nghĩ, thiếu gia của tôi ơi, chuyện này chuyện kia bày ra trước mắt mà ngài cứ chăm chăm lo ăn, thật sự bị ngu luôn rồi sao? Tỉnh lại sáu bảy ngày rồi, không ăn thì là lăn ra ngủ, đối với tất cả tình báo khẩn cấp nhất nhất giả ngu giả điếc, dù cho có hỏi chuyện kia như thế nào đều là một câu: "Để ta suy nghĩ một chút" .

Đành phải bất chấp nguy cơ chọc giận thiếu gia, ông nơm nớp lo sợ mở miệng: "Thiếu gia, tha cho tôi nói lời mạo phạm, chẳng lẽ ngài không nhớ một tí gì ư?"

Kim Thế An sùm sụp húp sạch cháo, vừa lòng gật đầu một cái.

"Đúng đấy, ta đúng là không nhớ gì hết."

Gương mặt già nua của Chu Dụ tái nhợt, lảo đà lảo đảo, gắng lắm mới không lăn đùng ra ngất.

"Sao có thể như vậy?" Ông nước mắt lưng tròng quỳ sụp xuống đất, đổi đất quỳ xuống: "Thiếu gia, lời không thể nói bậy bạ, ngài nói như vậy là muốn tất cả chúng tôi chết không có chỗ chôn ư?"

Tôi đâu có nói bậy bạ, bởi vì tôi là người xuyên không đến đấy.

Kim Thế An dòm vẻ mặt già nua khóc hết nước mắt của Chu Dụ, trong đầu nghĩ ông đây đường đường là chủ tịch tập đoàn Hải Long, từ thế kỷ 21 xuyên tới cái thời dân quốc chim không thèm ẻ, tôi còn chưa thấy uất ức nữa, ông uất ức cái mẹ gì hả trời!

Tác giả có lời:

Văn án của tác giả văn án bao hàm hết tất cả những nghi vấn của bạn, văn án là bản tóm gọn toàn bộ cốt truyện không vượt quá 200 chữ, chỉ cần đọc cẩn thận, nhất định có thể tìm được câu trả bạn mong muốn.

Cảm ơn đã đọc ~♪(^∇^*)

---

Edit: Mở tài khoản không (‾◡◝)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro