LMM

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

BÀI THUYẾT MINH LĂNG MINH MẠNG

·        Mở đầu

Xin chào các bạn, là người thay mặt cho ban quản  lí lăng Minh Mạng, tôi rất vinh dự khi được làm người đồng hành cùng với đoàn chúng ta trong hành trình  tham quan ngày hôm nay. Chúc đoàn ta có buổi chiều vui vẻ với những công trình kiến trúc đặc sắc tại cố đô thân yêu này.  Xin tự giới thiệu tôi tên là Vũ Ngọc Mai là hướng dẫn viên tại điểm tại lăng Minh Mạng, tôi rất mong rằng qua chuyến tham quan ngày hôm nay sẽ giúp cho các bạn cảm nhận được hết những vẻ đẹp về kiến trúc cũng như những cá tính riêng của vua Minh Mạng được thể hiện qua công trình lăng tẩm của ông.

Nếu tham quan Đại Nội, người ta gọi đó là “hoàng cung thứ nhất” dành cho 13 vị vua triều Nguyễn từ vua Gia Long đến vị vua cuối cùng là Bảo Đại thì đi ngược dòng sông Hương về phía Tây của thành phố Huế là các khu lăng tẩm, nơi yên nghỉ của các vị vua được xem là “Hoàng cung thứ hai” khi về cõi vĩnh hằng. Vâng !Trải qua 143 năm tồn tại (1802-1945), triều Nguyễn có tất cả 13 vị vua. Nhưng do những lí do lịch sử khác nhau nên chỉ có 7 vị vua có lăng tẩm, đa số các lăng này đều tọa lạc ở bờ Nam sông Hương. Lăng tẩm Huế là thành tựu rực rỡ nhất của nền kiến trúc cổ Việt Nam. “Như những tiểu vệ tinh quần tụ trong hệ thống một di sản văn hoá, bên cạnh những đình chùa miếu mạo, những ngôi nhà rường, những khu vườn nổi tiếng …các lăng mộ của các bậc đế vương triều Nguyễn đều là tiêu điểm thu hút du khách tham quan”.

Nếu lăng Tự Đức được đánh giá là một bức tranh sơn thủy hữu tình, phản ánh tính cách của ông vua thi sĩ Tự Đức, Lăng Khải Định lại là sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông Tây, nói lên tính cách sính ngoại của vua Khải Định, thì Lăng Minh Mạng đã bộc lộ đầy đủ cá tính của một vị vua năng động và quyết đoán.

Thưa các bạn, chiều hôm nay, chúng ta sẽ cùng đến thăm lăng của vua Minh Mạng , là vị vua thứ hai của vương triều Nguyễn. Trong 20 năm trị vì (1820 -1840)  vua Minh Mạng thực sự là một kiến trúc sư đã kiến tạo lên diện mạo thời thịnh trị nhất của vương triều nhà Nguyễn. Khu lăng tẩm của ông được xem là một mô hình thu nhỏ để chúng ta hình dung về thành tựu của xã hội Việt Nam thời ấy, cũng như tính cánh của vị vua này. Lăng Minh Mạng – một mô hình kiến trúc quy mô trên 40 công trình lớn nhỏ và kết tinh của nghệ thuật phong thủy độc đáo tạo lên sự cổ kính uy nghiêm của lăng tẩm.

Từng lớp công trình chính trong lăng đều nằm trên một trục thần đạo hoặc đối xứng từng cặp qua trục này. Ngày hôm nay chúng ta sẽ tham quan công trình dọc theo trục thần đạo: bắt đầu từ  Đại Hồng Môn để đến với sân chầu ( Bái Đình)  tiếp đó là Bi Đình ( nhà bia) nơi đặt tấm bia “Thánh đức thần công” ghi lại tiểu sử cũng như ca ngợi công đức của vua Minh Mạng do vua Thiệu Trị viết. Tiếp sau đó đoàn ta sẽ đến với cánh cổng thứ 2 trên trục thần đạo là Hiển Đức Môn để đến với khu vực tẩm điện với công trình chính là Điện Sùng Ân – nơi thờ bài vị của vua và Tá Thiên Nhân hoàng hậu (Hồ Thị Hoa). Nối tiếp là cánh cổng thứ 3 Hoằng Trạch Môn trên trục thần đạo, bước qua cánh cổng này đoàn ta sẽ đến với 3 cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh: cầu Trung Đạo, cầu Tả Phụ và cầu Hữu Bậc để đến với Minh Lâu. Từ Minh Lâu đi qua cây cầu “Thông minh chính trực” sẽ dẫn đoàn ta đến với Bửu Thành – nơi chôn cất thi hài vua Minh Mạng. Sau đó sẽ là thời gian tự do tham quan để cảm nhận sự hài hòa, tinh tế, thơ mộng của nơi đây.

Vì lăng tẩm là nơi tôn nghiêm, nơi nghỉ ngơi khi từ giã cõi đời của các vị vua vì thế đoàn ta nên chỉnh trang lại trang phục, giữ gìn vệ sinh cũng như không nên gây ồn ào làm ảnh hưởng đến vẻ thanh tịnh nơi đây. Chúc đoàn ta có một buổi tham quan vui vẻ và lý thú.

·        Thuyết minh lăng Minh Mạng

Vua Minh Mạng , tên húy là Nguyễn Phúc Đảm, là con thứ 4 của vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu. Truyện xưa kể rằng, khi đang mang thai, một hôm, Thuận Thiên Cao hoàng hậu nằm mơ thấy có một đám mây bay xuống, đặt vào bào thai của bà, bà đem câu chuyện này kể cho vua và các quan trong triều. Nghe xong, triều đình cho rằng cái thai này khi sinh ra nếu là nữ thì sẽ xinh đẹp tuyệt trần, là nam thì sẽ là một bậc đế vương văn võ song toàn. Sau đó, bà sinh ra một vị hoàng tử đặt tên là Đảm. Đảm nghĩa là đám mây. Lớn lên, hoàng tử Đảm là một người thông minh, hiếu học, tinh thông võ nghệ và văn chương. Hoàng tử rất được vua cha yêu thương, nhận thấy hoàng tử Đảm là người có tư chất thông minh, hiếu thảo vua Gia Long quyết định truyền ngôi cho hoàng tử Đảm.

Tháng 1/1820, vua Gia Long băng hà, theo di chiếu của vua cha, hoàng tử Đảm lên ngôi. Lúc này, hoàng tử Đảm 30 tuổi lấy niên hiệu là Minh Mạng. Trong 13 đời vua triều Nguyễn, thời vua Minh Mạng được đánh giá là thời kì thịnh vượng nhất, hùng mạnh nhất nước ta.

Thưa các bạn, đối với các vị vua chúa xưa, việc chọn lựa một khu đất tốt để an táng khi băng hà thường được gọi là “vạn niên cát địa” ( đất tốt ngàn năm) vua Minh Mạng cũng vậy. Sau khi lên ngôi 7 năm, nhà vua đã cho rất nhiều toán người đi tìm vùng đất tốt để xây dựng lăng cho mẹ mình và cho mình.

Năm 1827, quan địa lý đã chọn quận đất ở vùng núi Cẩm Kê, ấp Lang Bằng gần với ngã ba Bằng Lãng, là nơi hợp lưu của 2 dòng Tả Trạch và Hữu Trạch tạo lên dòng sông Hương. Nhưng vì tính cẩn trọng nên vua Minh Mạng chưa cho khởi công xây dựng, mãi đến năm 1840, vua Minh Mạng mới quyết định chọn nơi này là nơi xây dựng lăng cho mình và đặt tên là Hiếu lăng. Hiếu lăng được xây dựng trên một quận đất đẹp, sơn thủy hữu tình, phía trước là sông Hương, xung quanh có các ngọn núi chầu về, lấy núi Thương Sơn hay còn gọi là núi Kim Phụng – núi chủ của quận đất Thừa – Thiên làm chỗ dựa lưng. Xưa kia, khu đất này thuộc thôn La Khê, làng An Bằng nay là xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà. Vùng đất này là ranh giới giữa bãi bồi ven sông với chân rừng ven núi nên La Khê được xem là đất “ sơn hội thủy tụ” – đất của vượng khí, đất của sinh sôi là cõi thanh bình, thoát tục. Khi chọn xây dựng lăng ở đây vua Minh Mạng đã cho đổi tên núi Cẩm Kê thành Hiếu Sơn để phù hợp với tên gọi Hiếu lăng.

Lăng được khởi công xây dựng vào T9/1840, công trình đang trong quá trình thi công thì vua Minh Mạng lâm  bệnh và mất vào ngày 20/1/1841. Vua Thiệu Trị lên nối ngôi, một tháng sau đã sai các quan đại thần là Tạ Quang Cự, Hà Duy Phiên, Nguyễn Tri Phương chỉ huy gần 10000 lính và thợ thi công tiếp công trình theo đúng họa đồ của vua cha để lại, công việc xây lăng đến năm 1843 thì hoàn tất. Từ một vùng núi đồi hoang vu, qua bàn tay lao động và óc sáng tạo của con người đã hình thành một khu lăng tẩm uy nghiêm, vừa rực rỡ về kiến trúc, vừa hài hòa với thiên nhiên lại sâu sắc bởi giá trị tư tưởng. Lăng là một tổng thể kiến trúc quy mô gồm khoảng 40 công trình lớn nhỏ, nằm trên một khu đồi núi sông hồ thoáng mát.

Thầy địa lý Lê Văn Đức đã rất chí lý khi chọn địa cuộc này, vì vừa hợp với thuật phong thủy lại hợp với cảnh quan xung quanh. Toàn bộ lăng giống như cơ thể con người nằm gối đầu lên núi Kim Phụng, hai chân xuôi duỗi ra phía ngã ba sông trước mặt, hai nửa hồ Trừng Minh như đôi cánh tay buông xuôi tự nhiên.

Các công trình kiến trúc trong lăng được bố trí đối xứng nhau từng cặp qua trục chính xuyên tâm lăng. Tất cả được xếp đặt theo một trật tự chặt chẽ, có hệ thống, giống như tình trạng xã hội đương thời bấy giờ, một xã hội được tổ chức theo chính sách trung ương tập quyền của chế độ quân chủ, tôn sùng nho học đến mức tối đa. Bố cục kiến trúc ấy cũng nói lên cá tính và phong cách của chính vua Minh Mạng. Bửu Thành xây theo hình tròn biểu thị vua là mặt trời, là đấng chí tôn có quyền chi phối toàn bộ xã hội quân chủ ấy.

Lăng nằm trên hữu ngạn sông Hương. Từ ngoài bến sông vào lăng là 150m. Kiến trúc lăng nói lên tham vọng ôm cả vũ trụ của vua Minh Mạng. Lăng có 5 vòng tròn: Mộ vua hình tròn ở giữa - tượng trưng cho mặt trời. Vòng thứ hai là hồ bán nguyệt - hồ Tân Nguyệt. Vòng thứ ba là La Thành. Vòng thứ tư là sông Hương. vòng thứ 5 là đường chân trời.

Đến với Hiếu Lăng là chúng ta đến với một mô thức xây dựng truyền thống của Huế. Ở đó cảnh quan thiên nhiên và kiến trúc hòa quyện với nhau cho ta cảm giác đây là một khu vườn tuyệt đẹp của nhân gian hơn là một khu lăng mộ.

+ Hiện nay, đoàn ta đang có mặt tại Đại Hồng Môn – là cánh cổng chính dẫn vào khu vực lăng. Tuy nhiên cánh cổng này chỉ được mở một lần duy nhất khi đưa thi hài của nhà vua vào bên trong, từ đó cho tới nay thì cánh cổng này đóng vĩnh viễn. Ngày nay khi đến lăng Minh Mạng, du khách sẽ đi vào bằng  2 cánh cổng phụ là Tả Hồng Môn (quan Văn) và Hữu Hồng Môn(quan Võ).

Đại Hồng Môn được xây dựng theo kiến trúc tiêu biểu của cổng tam quan thời Nguyễn với chiều cao là 9m, rộng 12m. Cổng này có 3 lối đi với 24 mái lô nhô cao thấp, được trang trí rất đẹp. Đầu  mỗi gác mái cổng cong như hình mũi hài tạo lên hình tượng hình cánh sen mở rộng. Những bờ cong như thế này đã xuất hiện trên các công trình tháp mộ của Huế thế kỉ 18. Trên 3 lối đi vào đều có trang trí các đồ án hoa mẫu đơn và chim trĩ, hoa mai và chim sẻ, tùng và hươu, ngô đồng và chim phụng. Cổng được sơn màu đỏ biểu tượng cho sự sống và sự trường tồn của vương triều Nguyễn. Nối tiếp Đại Hồng Môn là sân chầu (bi đình). Sau đây xin mời các bạn đi theo hướng dẫn viên đi vào sân chầu theo cánh cửa Tả Hồng Môn bên tay trái.

+ Hiện nay các bạn đang đứng tạiSân chầu được lát bằng gạch Bát Tràng (sân rộng 45 x 45 m) với 2 bên là 2 hàng quan văn võ và voi, ngựa bằng đá đứng chầu. Những tượng người và voi ngựa ở đây đều được điêu khắc theo lối tả chân gần giống với thực tế. Cái tài của người xưa là đã làm mền mại tượng đá bằng những chi tiết trang trí trên thân áo của người hay trên bành và áo yên của voi và ngựa.Cách sắp xếp một sân chầu được bố trí theo một nguyên tắc nhất định quan Văn bao giờ cũng đứng trước quan Võ tính từ trong ra gọi là “tiền văn hậu võ” cuối cùng mới đến ngựa và voi. Trên cùng là nhà vua – tổng chỉ huy của lực lượng quan văn, quan võ và quân đội.

+ Từ sân chầu bước lên 22 bậc cấp là chúng ta đang đến với Bi Đình. Bi Đình được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của triều Nguyễn. Bộ mái lợp 2 tầng thể hiện yếu tố âm dương, trên đỉnh trang trí bình hồ lô và hình tượng rồng rất giống với bộ mái ở các công trình trong Đại Nội. Rồng là tượng trưng cho nhà vua, hồ lô mang ý nghĩa là nơi hội tụ những tinh hoa của đất trời. Trên vạn niên bao xung quanh, chúng ta bắt gặp 8 chữ Hán “Thánh nhân, thần võ, chí nhân, đại đức” để ca ngợi công đức của vua cha “Như thần, như thánh”.

Bi Đình là nơi đặt tấm bia “ thánh đức thần công” ghi lại tiểu sử cũng như ca ngợi công đức của vua Minh Mạng do vua Thiệu Trị viết, ngoài nội dung ca ngợi vua cha thì về tài văn thơ – đây cũng là một áng văn tuyệt tác của một vị vua hay chữ yêu thơ thời Nguyễn. Trong bài văn bia này vua Thiệu Trị đã nói lại lời của vua cha mình “ Trẫm khuya đã mặc áo, tối mới ăn cơm, chỉ mong sửa trị khiến mọi người giữ chức đều hiền lương, nhân dân đều yên vui, nước sông chảy thuận dòng, thóc lúa hàng năm được mùa, còn điều tốt nào hơn thế” qua đó có thể thấy vua Minh Mạng trong mắt của con trai cũng như nhân dân là một vị vua chăm việc nước, yêu nhân dân. Trong 13 vị vua nhà Nguyễn thì Minh Mạng được xem là ông vua văn võ song toàn, thời kỳ tại vị của vua được xem là thời kỳ phát triển phồn thịnh nhất, công lao lớn nhất của ông chính là đã xác định được chủ quyền của dân tộc, vẽ được sơ đồ nước Đại Nam, mở mang bờ cõi, cuối bài văn bia vua Thiệu Trị còn ca ngợi cha của mình là nhà văn, nhà thơ có tài.

+ Tiếp sau đây đoàn chúng ta sẽ di chuyển đến phía sau Bi Đình là sân triều lễ được chia làm 4 bậc. Ta có thể thấy được kiến trúc của lăng Minh Mạng tuy không đồ sộ nhưng lại hợp lí. Lăng đã từng bước một đưa con người vào với trung tâm mà không trải dài. So với các công trình to lớn của Trung Quốc thì lăng Minh Mạng không trải dài một khoảng không mênh mông. Ở đây từ sân chầu kéo dài tới Minh Lâu vua Minh Mạng đã không cho xây dựng trên một mặt phẳng bởi vì khi con người đứng trên một mặt phẳng thênh thang ấy sẽ rất nhỏ bé. Ở đây vua Minh Mạng đã chọn cách thiết kế xây dựng khoảng không thênh thang này thành 5 bậc – ngũ hành. Nhưng bên cạnh đó cũng mang theo dụng ý – cắt sân nhỏ đi. Chính vì vậy khi con người đứng tại vị trí nào cũng cảm thấy mình lớn lao >> > thể hiện tính nhân văn, tính vị tha bộc lộ rất rõ trong kiến trúc này.

+ Phía cuối sân triều lễ là Hiển Đức Môn – cánh cổng thứ 2 nằm trên trục thần đạo, được giới hạn trong một lớp thành hình vuông biểu tượng cho mặt trái đất – trời tròn đất vuông. Bước qua cánh cổng này là chúng ta đi vào khu vực tẩm điện với công trình chính là điện Sùng Ân – nơi thờ bài vị của vua và Tả Thiên Nhân Hoàng Hậu (Hồ Thị Hoa), mẹ vua Thiệu Trị. Nơi đây tượng trưng là nơi nghỉ ngơi của vua. Điện Sùng Ân được xây dựng hoàn toàn bằng gỗ,trên bờ nóc cổ diềm đều có các ô trang trí bằng pháp lam, mái được lợp ngói ống Hoàng Lưu Ly trang trí rồng. Điều đáng chú ý ở đây đó là trong điện có khoảng 37 bài thơ tứ tuyệt và 2 cặp câu đối.Trong số 37 bài thơ tứ tuyệt thì có một bài miêu tả về hoa sen rất hay như thế này:

Sen đẹp như người đẹp

Chuối tơ màu lục non

Gió mát tình dào dạt

Ngắm hoa ý thơ tràn.

Qua bài thơ chúng ta có thể thấy được tâm hồn thi sĩ và lãng mạn trong tính cách của vua Minh Mạng. Ông làm rất nhiều bài thơ nhưng ông không nhận mình là nhà thơ bao giờ. Ông đã từng nói "Thơ ta làm ra là để làm vui khi rỗi việc đó thôi..."

 Bài vị của vua và hoàng hậu thờ ở đây theo nguyên tắc nam tả, nữ hữu. Và chúng ta thấy rằng bài vị của hoàng hậu thấp hơn, nhỏ hơn so với bài vị của vua. Phía trước nơi đặt bài vị là long sàn. Ngôi điện này được trùng tu vào năm 1990.

Nói về hoàng hậu Hồ thị Hoa, bà là người ở Bình An, tỉnh Biên Hòa, con gái của ông Phúc Quốc công Hồ Văn Bôi, là người rất hiếu đạo nên được vua Gia Long và Thuận Thiên Cao hoàng hậu thương yêu. Năm 1807, bà sinh cho hoàng tử Đảm một con trai đầu lòng đặt tên là Miên Tông (vua Thiệu Trị). Sau khi sinh con được 13 ngày thì bà mất, lúc ấy bà mới 17 tuổi, thương xót cô con dâu bất hạnh vua Gia Long xuống dụ cấm triều đình và bá tánh không được nhắc đến từ “hoa” nữa. Từ đó những từ có chữ “hoa” phải chuyển đổi thành “ba huê bông” hoặc “hóa” để không phạm húy. Chính vì vậy tỉnh Thanh Hoa = Thanh Hóa, chợ Đông Hoa = Chợ Đông Ba (vua Đồng Khánh đổi), cầu Hoa = cầu Bông (cây cầu trên rạch Thị Nghè)...

Quanh điện Sùng Ân là tả Hữu Phối Điện và Tả Hữu Tùng Phòng để thờ các quan và cung tần, cũng được giới hạn trong lớp thành hình vuông- biểu tượng cho đất.

+ Tiếp sau đây đoàn ta sẽ di chuyển đến Hoằng Trạch Môn – cánh cổng thứ 3 trên trục thần đạo, là ranh giới giữa nơi thờ và mộ táng, đầy hoa ngát hương thơm, là khu vực mở đầu cho một thế giới đầy an nhàn siêu thoát, vô biên. Khác với Đại Hồng Môn và Hiển Đức Môn thì Hoằng Trạch Môn gây ấn tượng lên cao bởi 3 lớp mái để rồi từ đây mở ra 1 không gian của hoa lá và mây nước phía sau.  Bước xuống 17 bậc thềm bằng đá chúng ta tiến tới 3 cây cầu bắc qua hồ Trừng Minh dẫn tới Minh Lâu. Cây cầu ở giữa là cầu Trung Đạo, là lối đi dành riêng cho vua, hai cây cầu phụ 2 bên gọi là cầu Tả Phụ và cầu Hữu Bậc dành cho các quan đi.

Đoàn ta hãy di chuyển lại gần hơn để quan sát Minh Lâu được rõ hơn. Minh Lâu là một tòa phương đình 2 tầng được xây dựng trên ngọn núi Tam Tài. Tên gọi Minh Lâu có nghĩa là “ Lầu Tỏa Sáng” hàm ý tôn vinh tài năng, công đức của vua Minh Mạng. Tòa lầu cũng là tượng trưng cho nơi dừng chân của nhà vua trước khi bước vào cõi vĩnh hằng. Minh Lâu -  là 1 tòa nhà hình vuông, hai tầng, tám mái, là một biểu trưng của triết học phương Đông. Lầu có hai tầng là biểu trưng cho lưỡng nghi, 4 mặt lầu là tứ tượng, 8 lá mái là bát quái đó chính là 8 quẻ trong kinh dịch: “Vô cực sinh thái cực, thái cực sinh lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh ra tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái”. Và từ 8 yếu tố vận hành trong vũ trụ để sinh ra muôn loài muôn vật. Trên bờ nóc của Minh Lâu có một bình pháp lam thắt lưng dáng bầu rượu là biểu trưng của bầu thái cực, nơi phát sinh ra vũ trụ.

Khi xây dựng Minh Lâu, người xưa đã hạ 3 mặt cầu xuống thấp gần mặt nước hồ nên càng tôn cao được vị trí của Minh Lâu tạo nên sự khoáng đạt mang đậm dấu ấn thoát tục. Đứng ở nơi đây con người như cảm nhận rõ hơn sự thư thái, bình yên, giao hòa giữa đất trời.

Ở Minh Lâu có khắc bài thơ do vua sáng tác miêu tả về cảnh đêm thôn quê vô cùng cảm khái, tinh tế rất phù hợp với lối kiến trúc nơi đây.

Thanh thanh thuỳ thuý mạc   

Đêm xanh buông thả tấm màn

Diệu diệu quải kim luân

Lửng lơ treo bánh xe vàng trên cao

Tứ dã nghiêm sương túc

Ruộng đồng sương đọng từ lâu

Cửu tiên trạm lộ tân

Trời con gieo tiếp giọt châu trong ngần

                                                                           ( Nguyễn Trong Tạo dịch).

Chúng ta có thể thấy phải tâm huyết và đồng điệu với đất nước, làng quê lắm, thì nhà vua mới duyệt cho khắc những bài thơ ấy vào lăng mộ của mình! Đến với lăng Minh Mạng ngoài vẻ đẹp đăng đối của kiến trúc, cảnh quan, chúng ta còn đến với một bảo tàng thơ. Thơ được khắc trên các công trình thể hiện lối trang trí mới lạ bắt đầu từ thời vua Minh Mạng và cũng là một lối trưng bài thơ độc đáo của triều Nguyễn. Qua đó chúng ta cũng có thể cảm nhận được cái tài “chơi thơ” độc đáo của các vị vua triều Nguyễn .

+ Tiếp đến là cây cầu “Thông Minh chính trực” dẫn vào Bửu Thành – nơi chôn cất thi hài vua Minh Mạng. Ở 2 đầu của cây cầu là 2 phương môn với loại hình trang trí pháp lam -  một loại hình mĩ thuật xuất hiện ở Việt Nam năm 1827 dùng để trang trí nội, ngoại thất ở trong các cung điện được phát triển rực rỡ dưới thời vua Minh Mạng với rất nhiều ý nghĩa. Ý nghĩa thứ nhất, báo hiệu đây là vùng đất cấm người khác xâm nhập vào. Thứ hai, là biểu tượng cho uy quyền, sức mạnh của nhà vua. Thứ ba, là biểu hiện cho sự trường tồn của Vương triều Nguyễn. Thứ tư, tượng trưng như hai ngọn đuốc tỏa sáng để đưa linh hồn người quá cố về thế giới bên kia. Thứ năm, là nhà vua đã “bình thành công đức”  trước khi về cõi vĩnh hằng.

Bây giờ chúng ta rời Minh Lâu để đến với khu vực cuối cùng của lăng là nơi chôn cất thi hài của vua Minh Mạng hay còn gọi là Bửu Thành.

+ Trước mắt chúng ta là cầu Thông Minh Chính Trực lát bằng đá thanh dài 49m, rộng 4m, hai bên có lan can thưa thoáng vắt qua hồ Tân Nguyệt để vào Bửu thành. Hồ bán nguyệt hình trăng non, ôm lấy Bửu Thành, ví như yếu tố “Âm” bao bọc, che chở cho yếu tố “Dương” là Bửu Thành - biểu tượng của mặt trời. Đây là sự thể hiện tài tình biểu tượng âm dương là mặt trăng và mặt trời của người xưa. Mặt trăng (âm) được biểu hiện bằng hồ bán nguyệt là trăng thượng tuần nằm giữa Minh Lâu (đất vuông) và Bửu Thành (trời tròn) làm chức năng chuyển tiếp từ vuông sang tròn, từ thế giới thực về cõi vô biên.

Từ đây đoàn ta có thể nhìn thấy mộ Vua hay còn gọi là Bửu Thành là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của nhà vua nằm giữa một quả đồi mang tên Khai Trạch Sơn được giới hạn bởi Bửu thành hình tròn chu vi gần 250m. Hình tròn này nằm giữa những quả đồi đồng tâm, biểu tượng của trời. Và hình ảnh mặt trời lặn biểu thị khái niệm vua băng hà. Hình tròn này tạo nên từ hồ Tân Nguyệt, La Thành, núi non và đường chân trời như muốn thể hiện khát vọng ôm choàng trái đất và ước muốn làm bá chủ vũ trụ của vị vua quá cố. Phía trước Bửu thành có trổ một cửa vào lòng cửa rộng 2.1m, cao 2.65m, phía trên có khắc 3 chữ  hán:  Bửu Thành  Môn, cánh cửa bằng đồng có khóa, quanh năm đóng kín chỉ mở vào tiết thanh minh để con cháu vào sửa sang, dọn dẹp, còn du khách đến đây không được vào tham quan vì bên trong trồng rất nhiều thông dễ xảy ra hiện tượng cháy nổ, và đó cũng là nơi có mộ vua, nên để biểu hiện sự trân trọng, tôn  kính  đối với thi hài của người đã khuất, đặc biệt đối với vị vua của một triều đại.  Chúng ta có thể ngắm nhìn từ bên ngoài.

Bên trong Bửu Thành là  núi đất cao 22m so với mặt nước hồ lúc bình thường, trên núi trồng rất nhiều thông - một biểu hiện của sự trường tồn vĩnh cửu cũng tượng trưng cho tính cách của người quân tử. Thi hài nhà vua được đưa lên chôn ở Bửu Thành bằng đường sông, ròng rã trong 7 tháng trời. So với lăng của vua Gia Long nằm lộ thiên 2 ngôi mộ, ở đây ta không biết ngôi mộ của vua Minh Mạng nằm ở vị trí  nào cả, vì thế  kể từ vua Minh Mạng trở về sau việc chôn cất vua phải thật cẩn mật.

 Theo “Đại Nam Thực Lục” thì linh cữu của vua Minh Mạng được chuyển từ thuyền rồng đậu bên bờ sông Hương vào một ngôi nhà lợp cỏ bên phải Bửu thành sau đó được đưa vào toại đạo (đường hầm) qua 3 cửa đá vào vị trí an táng. Chỉ có một số đại thần tin cậy nhất mới biết được thi thể vua Minh Mạng được đưa vào con đường hầm nào. Ngày nay, cổng vào đồi Khai Trạch luôn được khóa kín vì người ta không rõ vua được chôn chính xác ở chỗ nào, sợ vô ý giẫm lên long thể nhà vua.

·        Phần kết

Chúng ta đã vừa tham quan công trình kiến trúc lăng Minh Mạng dọc theo con đường thần đạo. Ta có thể thấy lăng có bố cục chặt chẽ lại thể hiện được tư tưởng thống nhất quốc gia mà ít người để ý đến dựa trên 3 công trình chính: Minh Lâu sau cùng, điện Sùng Ân – nơi thờ vua, và nhà bia – nơi nói lên công trạng của vua. Ba công trình cách nhau khoảng 50-70m nhưng đều có một mặt bằng ngang nhau >>> thể hiện cho 3 miền của tổ quốc (Bắc-Trung-Nam) nằm trên một trục thẳng xuyên tâm gọi là trục thần đạo.

Các công trình kiến trúc được xây dựng đăng đối nhau dễ tạo lên sự cứng nhắc nhưng nhờ biết dựa vào thiên nhiên mà tất cả trở lên hài hòa và thơ mộng.

Chúng ta có thể thấy, ở phần trước lăng, mật độ kiến trúc thưa thoáng. Càng vào sâu, mật độ kiến trúc càng dày. Các nhà kiến trúc thời ấy đã đưa ba kiến trúc ở  lăng của vua Gia Long nằm theo chiều ngang nhập làm một, cho nằm theo chiều dọc trong một trục duy nhất ở lăng Minh Mạng. Họ cũng đã khôn khéo lợi dụng được thế đất và các ngọn đồi để nâng chiều cao của các công trình kiến trúc lên, đồng thời những chiếc hồ đã được bàn tay con người tạo ra như những nốt nhạc trầm để toàn bộ kiến trúc và thiên nhiên trong lăng trở thành một khúc nhạc rất phong phú về âm điệu và tiết tấu. Những cánh cửa gỗ ở Hiển Đức Môn, Hoằng Trạch Môn và ở Minh Lâu khi mở tạo ra những bất ngờ thích thú cho người đến chiêm ngưỡng kiến trúc, phong cảnh và độ cao thấp của đường thần đạo cứ thay đổi mãi theo bước chân người đi.

Thăm lăng ta có thể cảm nhận thấy cách nghĩ, thấy được quan niệm của vua Minh Mạng về sự sống và cái chết, về con người, về vũ trụ lớn lao. Hiểu được con người cũng như suy nghĩ, tâm tư tình cảm của vị vua nổi tiếng này.

Lăng Minh Mạng đã khiến các nhà kiến trúc tài giỏi ngày nay phải kính cẩn nghiêng mình khâm phục vì vẻ đẹp, sự tài hoa tinh tế trong từng viên gạch, lớp ngói của công trình. Phải nghiêng mình kính cẩn trước sự thông minh lỗi lạc, uyên bác,tài hoa của một ông vua đa trí, đa tài.

Tiếp sau đây các bạn sẽ có thời gian tự do tham quan, chụp ảnh và cảm nhận vẻ đẹp thơ mộng tại lăng Minh Mạng. Chúc các bạn có một buổi tham quan vui vẻ!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro