Chương 1: Lò gạch

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng




Về Vĩnh Long, tôi ghé lại thăm lò gạch cũ ở Mang Thít,

Những năm tháng qua ở nơi xa xứ, thỉnh thoảng tôi lại thấy nhớ Vĩnh Long, nhớ cha mẹ, mọi người, nhớ trường cũ, nhớ lò gạch...

Và nhớ em nữa!

Nhớ em nhiều lắm!

Nhớ em phải kể đến cuối cùng, vì dù tôi nhớ tất cả mọi thứ, mà cuối cùng tâm trí cũng chỉ còn đọng lại nghĩ đến em...

Lúc trước nhà em là chủ lò gạch này, thời thơ ấu chúng ta cùng nhau chơi đùa ở tại nơi đây...

Tôi cười buồn, nhìn cảnh vật xung quanh với biết bao nhiêu tâm trạng mông lung hỗn tạp, vừa bồi hồi trở lại nơi xưa, nhung nhớ kỉ niệm một thời, ngỡ ngàng khi nhận ra cảnh vật quá nhiều thay đổi, đau đớn cho một tuổi thơ không thể nào quay lại, và cả tiếc thương.

Tiếc tình mình, nhớ thương em!

Vĩnh Long là quê hương chúng mình, Vĩnh Long cũng là nơi gặp em, tôi yêu quê hương và lẫn trong đó cũng vì tình yêu với em, hoặc nói cách khác không sai mấy, tôi yêu em nên mới yêu Vĩnh Long sâu đậm như vậy...

Hồi nhỏ tầm 5 tuổi nhà tôi sống ở trên ghe, miền Tây sông nước mà, chợ nổi mỗi sáng nhộn nhịp ghe xuồng kẻ mua người bán, chuyện một gia đình sống trên ghe là bình thường lắm.

Nhà tôi hay mua trái cây rồi đem bán lại lấy lời, mỗi ngày ba cọc ba đồng vài ngày thì cũng xài hết. Tài sản lớn nhất của gia đình tôi lúc đó là chiếc ghe này, chiếc ghe cũng không rộng rãi gì, nhưng nó có mái hiên phía trên, phía dưới hiên là cái hộc mà gia đình tôi sinh hoạt ở đó. Tối cùng nhau chen chúc ngủ, cái hộc có cửa sổ hai bên, là nơi nấu ăn, nơi ngủ nghỉ, nơi che mưa che gió tốt nhất với tôi lúc đó. Nghĩ lại thì cuộc sống lúc đó của gia đình tôi đúng là khổ thật, nhưng tôi chưa bao giờ thấy mình khổ. Tôi có thể biến những thứ tầm thường đó trở thành niềm vui của riêng mình. Thời đó tôi còn được cha dạy lái ghe, mỗi khi ghe cập bến được mẹ dắt theo lên chợ rồi vòi quà mẹ, mỗi buổi chiều được thoải mái ngâm mình tắm sông, được cha dạy bơi, mỗi buổi tối được mẹ xoa lưng cho ngủ. Những mâm cơm đơn giản cả nhà ăn cùng nhau, rồi những ngày nắng, những đêm mưa... cuộc sống khổ cực là thế, nhưng yêu thương nhiều lắm.

Nghĩ lại tôi không thấy khổ đơn giản là vì tôi còn cả cha lẫn mẹ, chẳng có điều gì quý giá hơn trên đời là còn đủ mẹ cha. Mồ côi rồi mới thấy nó khổ sở tới cỡ nào. Với tôi thì nếu cho tôi một điều ước, tôi ước mình có thể sống lại vào thời điểm đó, lúc tóc cha chưa bạc màu, lúc còn được mẹ yêu thương gấp miếng thịt duy nhất vào chén cơm của tôi, lúc mà tôi còn vô lo vô nghĩ được sống trong vòng tay mẹ.

Cảm thấy gia đình đi ghe cực khổ mãi không có dư bao nhiêu, năm tôi lên 6 tuổi cũng sắp phải đi học. Cha mẹ tôi quyết định bán ghe, xây tạm một ngôi nhà nhỏ ở cuối vùng Vĩnh Long sinh sống, ba thì làm phụ hồ ngày nào cũng vất vả, mẹ mỗi ngày dậy sớm ra chợ bán cá. Một gia đình không khá giả, nhưng lúc nào cũng hạnh phúc tràn ngập tiếng cười.

Mới đầu bỏ ghe lên "bờ" sống, tôi thấy mới mẻ nên vui lắm. Tôi cũng ham học, mỗi ngày chăm chỉ làm bài tập rồi đọc thêm sách. Nhớ buổi cơm chiều đạm bạc cá rau nóng hổi mẹ vừa nấu xong, thấy cha đi làm thợ hồ vất vả, căn nhà lá nhỏ xíu mỗi khi mưa xuống trở nên xập xề, tôi cười xòa, dang hai tay rộng ra, nói:

"Sau này con sẽ xây cho cha mẹ cái nhà thiệt là bự!"

Cha mẹ tôi nhìn nhau cười, yêu thương xoa đầu tôi.

Thế nhưng ngày đó mãi mãi cũng không bao giờ xảy ra.

Mãi mãi...

Đó là kí ức đau đớn nhất thời thơ ấu của tôi.

Cái ngày mà mẹ bỏ tôi mà đi!

Mẹ mỗi ngày đều thức sớm, sáng tinh mơ tầm 3 4 giờ sáng khi cha con tôi còn ngủ, khi mọi người chưa kịp thức giấc, khi gà chưa gáy mẹ đã dậy chuẩn bị cơm nước sẵn rồi ra chợ làm cá sớm, để bán cho người ta. Mẹ vất vả như vậy mà lúc đó tôi nào có hay, tôi vẫn ngủ ngon giấc, vẫn vô tư líu lo, không hề biết một chút gì.

Ngày đó mẹ tôi đi rồi không bao giờ trở về nữa...

Mẹ bị tai nạn trượt chân té xuống dốc mà qua đời...

Mẹ tôi, không hiểu sao số mẹ khổ như vậy.

Mẹ nhẫn tâm rời bỏ cha con tôi. Mẹ khiến lời hứa xây nhà thật lớn cho cha mẹ của tôi mãi mãi không bao giờ thành hiện thực.

Tôi mồ côi từ đó!

Từ khi mẹ mất, một nửa niềm vui của tôi cũng rời đi theo mẹ.

Tôi nhớ mẹ lắm, ngày nào tôi cũng khóc nấc lên. Từ ngày mẹ rời đi, cha tôi cũng không đi làm, ngày ngày uống rượu lầm lì không nói chuyện hay thiết tha làm bất cứ cái gì, cũng bỏ mặc tôi muốn làm gì thì làm, không có ai lo cho tôi từng bữa cơm nữa... hàng xóm thấy vậy thương tình gọi tôi qua ăn chung, nhưng lâu dần tôi thấy ngại, ai mà nuôi được tôi hoài... 6 tuổi rưỡi, tôi đã tập nấu cơm, bữa cơm đầu tiên nấu tôi đã tự dọn đem tới nơi trước mặt cha.

Nhiều lần nhìn vào bàn thờ mẹ mà tôi không kiềm được nước mắt, mẹ đi làm chi mà bỏ cha con tôi khổ sở. Lúc trước nhà mình có cực khổ nhưng ai cũng thấy vui, giờ đây vẫn nghèo khổ, mà không khí trong nhà đã mất đi một nửa linh hồn. Dù còn nhỏ nhưng tôi biết mẹ đã ra đi thật rồi, mình mãi mãi cũng không thể nào gặp lại mẹ, trên đời này ai có thể dịu dàng với tôi như mẹ được nữa! Ai sẽ vỗ lưng cho tôi ngủ, ai sẽ dắt tôi cùng đi chợ chung, ai sẽ nấu ăn chờ tôi đi học về, ai sẽ yêu thương tôi được như mẹ nữa!

Dù chưa từng thất cha rơi giọt nước mắt nào, nhưng tôi biết là cha buồn lắm, ông vẫn lầm lì như cũ, thỉnh thoảng hỏi han tôi vài câu rồi rời đi. Mất mẹ rồi mà tôi cảm giác như cũng mất cha, vì sợi dây liên kết tình cảm gia đình đã không còn nữa, tôi nghĩ là cha cũng bớt thương tôi hơn, tôi nghĩ là tại mình chưa ngoan, tại mình hay khóc nói nhớ mẹ.

Buổi tối học bài xong, tôi đi đến trước mặt cha, cúi mặt xuống:

"Cha ơi..."

Tôi gọi thỏ thẻ, thấy cha nhìn lại, tôi mới hít một hơi, cố gắng để không khóc.

"Cha ơi... có phải tại con không ngoan..." Tôi bặm môi, ngăn cho nước mắt không phải rớt xuống "Phải tại con không ngoan nên cha mới không thương con nữa phải không?"

Dù đã rất cố gắng để ngăn lại, nhưng khi thốt ra những lời này xong tôi bật khóc nức nở, chịu sự lạnh nhạt từ cha hai tháng nay mà tủi thân, cũng sợ cha thật sự không cần tôi nữa, tôi biết dựa vào ai nữa đây.

"Phải tại con... tại con hay khóc... hay nói nhớ mẹ... nên cha mới không thương con nữa..."

Từ trước tới giờ tôi chưa từng thấy cha khóc, cả trong đám tang mẹ... nhưng mà giờ ông ấy cũng khóc.

Tôi khóc thút thít, rồi dần dần là khóc tức tưởi khi ông ôm tôi vào lòng, tôi vừa khóc vừa hướng mắt mà nhìn di ảnh của mẹ. Ước gì mẹ còn ở đây để cha con tôi thôi khổ sở...

Sau hôm đó, cha đột nhiên nắm tay tôi rời khỏi căn nhà này, có lẽ là do nơi này quá đau lòng. Cha đem theo di ảnh của mẹ, lấy cái xuồng nhỏ, chở tôi đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Như thể để bắt đầu một hành trình mới.

Ở nhà tôi cứ nhớ mẹ mà khóc hoài, ở nhà cha cũng buồn rồi uống rượu hoài... Tôi đang học phải nghỉ giữa chừng. Nhưng mà ít ra tôi biết cha vẫn không bỏ rơi tôi, cha vẫn thương, vẫn cần tôi... Mẹ mất rồi, trên thế gian này tôi chỉ còn có cha...

Chiếc ghe này nhỏ hơn chiếc ghe hồi đó của nhà tôi, cũng không có cái hộc che nắng mưa, hai cha con cứ ở trên ghe mặc nắng chói xuống. Tôi nhớ hồi tôi còn ở chiếc ghe cũ đã hạnh phúc thế nào... ai mà ngờ chỉ mới một năm mọi thứ thay đổi nhiều như vậy. Tôi mà biết mẹ sẽ rời xa tôi thì lúc đó tôi nhất định sẽ thương mẹ nhiều thật nhiều hơn, sẽ ngoan hơn, lo cho mình thật tốt không để mẹ phải khổ cực, miếng cá cuối cùng đó tôi cũng sẽ không ăn mà nhường lại cho mẹ. Nhưng tôi chỉ biết ước là thôi. Làm gì ai biết sau này chúng ta sẽ như thế nào đâu. Tôi không biết cha sẽ chở tôi đi đâu nhưng vẫn mặc kệ, như những hạt phù sa bị con nước lửng lờ cuốn trôi đi, tôi ngồi mỏi mệt cả một ngày mới đến nơi.

Đó là một lò gạch, cha chở tôi đi đến lò gạch!

Lò gạch rộng khủng khiếp, xung quanh có mấy cái gạch ống dát thành nhiều cái lò cao nhấp nhô, vàng vàng cam cam trông lạ lạ. Đâu đâu cũng là gạch, ở sân nhà gạch ống, đất sét chưa nung còn chất thành đống.

Tôi thấy có hai đứa con gái đâu đó cỡ trạc tuổi tôi đang chơi ở gần mé sông. Đứa áo hồng và đứa áo xanh - tôi chỉ biết phân biệt như vậy.

Cha kêu "Anh Út ơi" liên hồi, lập tức có mấy con chó hung hăng chạy đến sủa la inh ỏi. Tụi nó hung dữ quá, tôi lo sợ túm chặt lấy chân cha.

Chủ lò gạch – chú Út là bạn của cha! Hai người gặp nhau tay bắt mặt mừng trò chuyện rất lâu!

Tôi ở một mình, không biết mình ở đây để làm gì, tôi cầm khúc cây vẽ vẽ vu vơ vài đường nét trên nền đất. Tôi vẽ gia đình mình, vẽ cảnh cha mẹ đang nắm tay tôi đi...

Hai đứa nhỏ tự nhiên đi lại gần nhìn tôi, áo xanh hỏi:

"Bạn vẽ cái gì vậy?"

Tôi nhìn áo xanh, lắc lắc đầu không nói.

Áo hồng nãy giờ mới lên tiếng.

"Bạn là ai vậy? Tới đây chơi hả?"

Tôi hít mũi, cất giọng buồn thiu:

"Tôi không biết đi đâu nữa. Cha tôi chở đi đâu thì tôi đi theo đó!"

Áo hồng là con gái chú Út, tên là Hân, còn áo xanh là Thảo, là cháu của chú Út. Cả hai tự nhiên mà nói chuyện làm quen với tôi. Hân nhìn nhỏ nhắn có một mẫu nhưng mà là chị do theo vai vế. Cô bạn nhỏ mặc áo hồng, tóc thắt bím hai bên trông rất xinh xắn đáng yêu, lại còn có hai chiếc má phúng phính nữa.

Chú Út có lẽ là thương tình nên rủ cha vào làm cho lò gạch, đằng nào cũng phải thuê người làm phụ, chú cũng lo chỗ ở cho cho gia đình tôi. Buổi chiều cha và tôi còn được kéo đến ăn cơm chung với gia đình của chú.

Thím Út vợ chú cứ nhìn tôi hoài, thím hỏi rồi lại gắp đồ ăn cho tôi, hồi xưa cũng chỉ có mình mẹ mới làm như vậy với tôi. Đồ ăn ở đây ngon hơn, đầy đủ hơn, không khí gia đình này ấm cúng chan hòa hệt như gia đình của tôi lúc trước vậy. Tôi tự nhiên đỏ mắt, nuốt nghẹn lại không dám khóc.

Tôi nhớ mẹ quá, đây là nhà người ta, đâu phải nhà mình.

"Trí, con mấy tuổi rồi?"

"Dạ... con 6 tuổi rưỡi!" Tôi nhỏ giọng ngập ngùng.

Biết tôi phải nghỉ học vì chuyện gia đình, thím nói:

"Năm sau con Hân cũng vào lớp 1, vậy thì hai đứa học chung rồi!"

Tôi kéo kéo áo cha, hỏi:

"Con học lớp 1 rồi mà cha?"

Chú Út cười, nói giỡn:

"Học thêm nữa cho rành con, hồi đó chú học lớp 1 ba năm lận, con mới một lần mà lo gì!"

Nói xong cả nhà chú cười lớn, Hân không biết có hiểu gì không mà cũng cười toét lên. Tôi ngồi khép nép bên cạnh cha, Hân bỗng nhiên nhìn tôi chớp chớp mắt, bàn tay nhỏ nhắn cầm đũa từ từ gắp một miếng trứng nhỏ vào chén của tôi.

Khoảnh khắc đó, em nhìn vào mắt tôi mà mỉm cười.

Tựa như khi tôi đang đau đớn vì vết thương rỉ máu, Hân bỗng nhiên xuất hiện. Em đến bên cạnh bầu bạn, vỗ về an ủi tôi, băng bó chữa lành vết thương cho tôi. Em chữa lành tâm hồn đã mất đi một nửa.

Khi cánh cửa này khép lại, cánh cửa khác sẽ mở ra. Một thiên thần vừa rời đi, thiên thần khác xuất hiện xoa dịu sự mất mát thống khổ trong lòng tôi.

Lò gạch cũ và Ngọc Hân... đã đến bên cuộc đời tôi như thế!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro