Chương 1, 2

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

1. tám bức tranh cỏ Hương Trời- Ông Nội và Phù.

Cuối tuần, Phù tìm thấy ở phía Đông thành phố một bãi cỏ đẹp như tranh vào buổi sáng và lúc hoàng hôn, ánh nắng mặt trời chiếu lên những bông hoa dại màu vàng lẫn trắng nhỏ li ti, nhìn lấp lánh khiến lòng người say đắm mát mẻ. Ngồi trên bãi cỏ, anh rất ghét những ngôi nhà cao tầng san sát che lấp làm méo đi hình dáng hoàn hảo của mặt trời lúc hoàng hôn. Nơi đó là trung tâm của thành phố, xe cộ chen nhau nhích dần từng đoạn, vẻ mặt ai cũng căng thẳng mệt mỏi sau một ngày làm việc. Khói bụi, tiếng nổ máy, tiếng còi xe, tiếng nói chuyện khiến họ muốn nhanh chóng về tới nhà, về nhà,.. tất cả ngoại trừ một vài người...

Phù im lặng nghe tiếng hát nhỏ nhẹ mà cao vút của Thùy, cô ngồi chống tay ra sau rồi nhìn theo một con chim bay qua tầm mắt và ngừng hát, chắc cô đang thắc mắc nó là loại chim gì? Sao lại có thể bay nhanh như vậy? Chỉ có Phù mới biết, anh sinh ra ở vùng núi rừng trùng điệp, đã quen với tiếng kêu của muông thú và hiểu được công dụng của mọi loại cây cỏ, còn có thể biết chúng đang nghĩ gì và mong muốn gì. Chỉ duy nhất có một loại cỏ mà anh chưa được thấy bao giờ, không biết lá nó như thế nào, quả nó ra sao, hương vị có ngọt ngào không, anh cũng không hiểu gì về nó, cả đời anh cũng chưa chắc đã hiểu được. Phù nghĩ tới loại cỏ đó, nhớ tới ông nội của mình, ngôi mộ của ông cũng nằm trên một bãi cỏ ở quê nhà, ngày đêm gió thổi lồng lộng. Thùy nhìn Phù đắm đuối, cô nhận ra lúc anh buồn là lúc khuôn mặt anh đẹp nhất, cuốn hút và bí ẩn lạ kì. Thùy sinh ra ở thành phố, đôi mắt cô đẹp lung linh như ánh đèn vào buổi đêm, nhưng có nhiều con đường cô chưa từng đặt chân đến bao giờ, chỉ nghe cái tên đã thấy như xa lạ. Mỗi buổi chiều cô thường đạp xe từ nhà qua các con phố ngắn ngoằn nghèo, xuôi một con dốc thoải tới một cái hồ rộng rồi ra bãi cỏ để gặp Phù, Phù ngắm mặt trời lặn, còn cô thì ngắm anh. Cô biết lúc nào anh cũng nghĩ tới ông nội và loại cỏ đặc biệt đó, có lần anh bảo, loại cỏ đó có sức cuốn hút con người rất lạ lùng chỉ cần nghe cái tên thôi là bị ám ảnh suốt đời. Phù chớp đôi mắt khẽ thở dài, tay anh mân mê vuốt thẳng một nhánh cỏ dại, phía trước mặt trời đã khuất dần sau những dãy nhà cao tầng, ánh sáng loang đỏ cả một vùng.

Từ thành phố, đi theo hướng Tây Nam men theo đường quốc lộ khoảng 120 km chính là vùng Đông Bắc của đất nước, đồi núi cao sừng sững, nhiều ngọn đồi dốc đến nỗi cỏ không mọc được, chỗ đó là quê của Phù. Người dân ở đó lưu truyền một điển tích thế này. Ngày xửa, ngày xưa trên một ngọn núi cao có một vị đạo sĩ tu tập đắc đạo, ngài đã luyện ra một loại thảo dược mọc trên đá có hương thơm lan tỏa ngào ngạt, từ rễ, thân, hoa, lá, quả đều có thể trị được bách bệnh. Khi luyện thành loại cỏ này không cần tưới cũng sống, bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông đều ra hoa kết trái, vàng bạc kim cương không có thứ gì quý bằng, ai có được loại thảo dược này thì sức mạnh phi thường có thể nắm được cả thiên hạ. Loại cỏ này có tên là Hương Trời, lão đạo sĩ khi luyện thành đã xuống núi để cứu giúp chúng sanh, nhưng khốn nỗi lòng tham của con người như giếng cạn không đáy, ai cũng tìm cách để cướp loại cỏ đó về tay mình. Lão đạo sĩ cuối cùng đành phải hủy nó đi để tránh hậu họa sau này. Nhưng còn công thức chế tác loại cỏ đó, rất nhiều người đã lặn lội lên núi để tìm hiểu về công thức nhưng đều uổng công vô ích. Sau này lão đạo sĩ nhận một đứa trẻ mồ côi làm đệ tử, người này tên là Moi Khiêm thông minh đôn hậu. Một ngày mùa đông, lão đạo sĩ biết mình không còn sống được bao lâu nữa nên gọi Moi Khiêm đến, ông nhúng tay dùng nước trà làm mực và vẽ lên bàn gỗ bảy bức họa về cách chế tác cỏ Hương Trời. Nước trà vẽ ra lại bốc hơi bay mất nhưng Moi Khiêm là người có trí nhớ siêu phàm nên ông nhớ được từng nét một. Vẽ đến bức thứ tám thì nước trà trong cốc vừa hết nên lão đạo sĩ chỉ vẽ được một nét duy nhất, ngài nói đó là ý trời nên không vẽ thêm nữa, thế là còn thiếu đúng một bức rưỡi. Moi Khiêm trở về nhà đã vẽ lại bảy bức rưỡi đó, ông sợ rằng nếu để cùng một chỗ thì người đời sau sẽ tranh giành mà gây ra tai họa nên chia mỗi bức ở mỗi vùng khác nhau. Từ đời này qua đời khác, có rất nhiều người đã đi tìm tám bức họa đó nhưng rừng núi hiểm trở nguy hiểm luôn rình rập nên mỗi người lại chỉ thăm dò được một tý rồi không thể kiên trì được.

Ông nội Phù và một người bạn từng làm lính, khi chiến tranh kết thúc họ trở về và bắt đầu đi tìm tám bức tranh về loại cỏ Hương Trời. Người bạn của ông đã bị què một chân nhưng là người hiểu biết rộng và can đảm hơn người, cả hai đã giành cả cuộc đời để thu thập và tìm hiểu về tám bức họa đó, họ đi khắp nơi trong vùng, trải qua nhiều khó khăn nguy hiểm, sau nhiều năm khổ cực họ đã tìm được. Hai người đã công bố các bức họa với toàn thể mọi người, nhưng dù gì cũng còn thiếu một bức rưỡi nên chẳng có mấy người để tâm đến cả. Tám bức họa đó lần lượt như sau:

Bức tranh thứ nhất vẽ một người đàn ông tóc bay bay đang đứng ở trên ngọn núi cao tay cầm một hòn đá nhỏ.

Bức tranh thứ hai vẽ người đàn ông ngồi bên bếp lửa đang đốt cháy hòn đá.

Bức tranh thứ ba vẽ người đàn ông đào một cái hố chuẩn bị trôn hòn đá xuống dưới.

Bức tranh thứ tư vẽ người đàn ông lặn xuống cái ao đặt hòn đá dưới đó.

Bức tranh thứ năm vẽ người đàn ông phơi hòn đá dưới ánh nắng mặt trời.

Bức tranh thứ sáu vẽ người đàn ông chèo thuyền buộc hòn đá ở phía sau lưng.

Bức tranh thứ bảy vẽ người đàn ông ngồi trên núi, đặt hòn đá ở trước mặt.

Bức tranh thứ tám là một nét mực giống như dấu huyền. Và một nửa bức tranh số tám thì ít người lý giải được ngoại trừ ông nội của Phù và người bạn già bí ẩn.

Phù nhiều lần hỏi ông nội nhưng ông chỉ mỉm cười rồi dặn: " Cháu muốn tìm hiểu về nó, sau này lớn lên hãy xuống thành phố mà học hỏi, lấy tâm đức mà học, đi nhiều rồi sẽ biết..." Ông còn nói đây là một loại cỏ quý hơn vàng bạc cho dù có tìm được một bức rưỡi còn lại cả đời cũng chưa chắc đã luyện xong. Trên đời này hiếm có một ai có thể qua được bức thứ tư cả, riêng bản thân của ông thì chưa làm tới được một phần ba. Đến tuổi 65 ông nội Phù bỗng nhiên ốm nặng và mê man bất tỉnh tới hai ngày làm con cháu ai cũng lo lắng. Tất cả bác sĩ và lương y trong vùng đều không có cách nào làm ông tỉnh lại, nhiều người nói quở rằng chỉ có cỏ Hương Trời mới có thể cứu chữa được. Đến ngày thứ ba ông nội tỉnh dậy, bỗng nhiên không nhớ mặt một ai nữa cả, ông chỉ nhớ mỗi đứa cháu Phù ngoan ngoãn. Ông kể, trong cơn mê sảng ông tưởng mình còn trẻ, thấy khỏe mạnh nhanh nhẹn hơn hẳn, chân vượt đồi núi làm đủ thứ việc như thời thanh niên. Ông cùng một người bạn quyết đi tìm cho bằng được cỏ Hương Trời, trong một lần đói rét ông đã viết một bức thư gửi cho mẹ ở nhà, bức thư vừa gửi đi thì bỗng nhiên tỉnh dậy và thấy mình già nua ốm yếu, chân tay không nhấc lên được. Ông thấy rằng cuộc đời như cái chớp mắt, mở mắt ra đã thấy mình không làm được gì nữa rồi, nhanh và luyến tiếc. Mấy ngày sau ông bệnh nặng rồi mất, ngôi mộ của ông ở một bãi cỏ cao rộng rãi, mùa khô cỏ không chết, mùa mưa nước không ngập đến, quanh năm gió thổi mát rượi vì ông thường nói rằng trên đời này thích nhất là gió, gió mát và chỗ nào cũng đi được. Mỗi khi nhắc tới ông người dân trong vùng thường nhắc đến lá thư trong giấc mộng, không biết ông ấy đã viết những gì.

2. Phù, thành phố và giấc mơ không kế hoạch.

Phù lúc nào cũng nhớ lời dặn của ông nội, trong lòng anh thắc mắc nhiều thứ nên đành phải đi tìm lời giải cho chính mình. Cỏ cây thì rừng núi quê anh không thiếu loại nào, nhưng loại cỏ Hương Trời ông nội lại dặn xuống thành phố để tìm. Ở nơi đó đất trật người đông, xe cộ nhà cửa mới nhiều, hai bức tranh về cỏ Hương Trời sao lại ở đây được. Dẫu vậy học xong cấp ba trường làng, anh quyết thi vào một trường đại học trên Hà Nội để tìm hiểu. Anh học khoa Văn và gặp Thùy, hai người nhanh chóng thân thiết và hay kể chuyện cho nhau nghe. Đi học trên thành phố, Phù quen nhiều bạn, biết thêm nhiều kiến thức nhưng thông tin về loại cỏ Hương Trời hoàn toàn anh không biết thêm gì cả. Phù chỉ biết rằng trên thành phố lớn này cũng có rất nhiều người và nhóm người nghiên cứu, tìm hiểu tung tích hai bức tranh cuối cùng nhưng vẫn không ai giải mã được. Anh cũng muốn tìm lại người bạn thân của ông nội, không biết ông ấy đang ở đâu và còn sống hay không? Ông nội nói ông ấy là người tài giỏi, luôn ước mong sự giàu sang quyền quý, nhưng khi tìm ra tám bức tranh cỏ Hương Trời ông ấy đã từ biệt đi về hướng Tây và không ai biết ông ấy đi đâu cả. Hình như ông ấy có một nỗi niềm sâu thẳm.

Lần đầu tiên lên Hà Nội, nhìn dòng xe không thể nhúc nhích trên đường cũng là lúc anh thấy cuộc đời mình bắt đầu bế tắc, không biết nên đi đâu về đâu. Rừng núi cây cỏ có thể che chở cho anh, nhưng cuộc đời bon chen tấp nập này khiến anh bơ vơ lạc lõng. Anh buồn khi ngắm hoàng hôn trên bãi cỏ, nhìn mặt trời khuất dần sau những ngôi nhà cao lớn, lòng anh tiếc nuối biết rằng màn đêm lại đến. Màn đêm ở thành phố yên ắng lạ thường, khiến anh thấy sợ chỉ muốn nghe tiếng dế kêu, tiếng ếch ghóe ngoài đồng, lâu lâu vọng lại tiếng gà gáy giữa đêm khuya, ở đây anh bị giật mình vì những tiếng động bất ngờ. Phù nhớ tới lá thư trong giấc mộng của ông nội, thường có cảm giác miên man mơ hồ không biết đâu là thực đâu là mơ, có phải lá thư trong giấc mộng hay là giấc mộng trong lá thư. Anh thấy có những giấc mơ nhiều khi lại là sự thực.

Thành phố đã lên đèn, Phù chở Thùy về nhà, rồi đi bộ một đoạn về dãy trọ khu sinh viên cạnh bờ hồ. Hai người im lặng mỗi người một suy tư, riêng Thùy nàng bỗng nhớ tới ngày hai người lần đâu tiên gặp nhau. Đó là một ngày oi bức mùa hạ phía sau khu căng tin trường học, Thùy đang chầm chậm bước đi, mắt cắm vào quyển sách, bỗng cô hét lên khi thấy một con rắn trong bụi cỏ, cô hoảng hốt bám vào một người đi gần đó, người đó chính là Phù. Cô không bao giờ quên được khuôn mặt bình thản của anh lúc đó, tiếng thét của cô cũng không làm anh giật mình, câu nói đầu tiên của Phù là: " Đố cậu biết con rắn đó đang suy tư điều gì?". Cho tới giờ Thùy cũng không trả lời được câu hỏi đó, cô cũng chưa từng nhắc lại sự việc này, nhất định có lúc cô sẽ hỏi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro