Lời con muốn nói

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Lời con muốn nói

TTO - Chiều nay trên đường từ thư viện trở về nhà trọ trời bất chợt trời đổ mưa. Vốn là một cô gái luôn cấu thả như tôi thì việc đi ra ngoài mà có chiếc áo mưa trong ngăn cặp là điều rất hiếm có, dù biết rằng Sài Gòn đang là mùa mưa.

Cơn mưa mỗi lúc càng thệm nặng hạt không thể tiếp tục đạp xe về nhà trọ tôi đành trú lại bên lề đường, đang mãi mê lục lọi trong chiếc cặp chứa đầy sách vở xem có bị nước mưa làm ướt không, tôi bỗng giật mình khi nghe một tiếng nói phát ra từ một người phụ nữ. “Cháu cho cô đứng trú mưa với”.

Tôi nép qua một bên, ngước mắt lên nhìn về phía người phụ nữ, người phụ nữ cũng nhìn vế phía tôi. Cô liền hỏi: “ cháu đi học về hà ?”, tôi gật đầu trả lời “dạ, cháu đi học về”. Cô tiếp lời “cháu mua dùm cô một bịch bánh tráng trộn đi cháu, hôm nay trời mưa cô bán ế quá, mua dùm cô đi, trời mưa cô sẽ bán rẻ cho cháu, cô chỉ lấy 3000 thôi".

Tôi không biết làm sao vì trong cặp của tôi lúc này chỉ còn đúng 10.000 đồng, đang có ý định chiều nay về mua gì ăn tạm đi làm thêm, ngày mai cuối tháng tôi mới được nhận lương làm thêm nên hôm nay tôi chỉ còn lại đúng 10.000. Đang suy nghĩ có nên mua không thì cô tiếp lời. “Trời mưa cô che không kịp bánh nên ướt hết bánh cháu à! cô mà bán không hết hôm nay ngày mài là hỏng hết”.

Cô thở dài  “rồi không biết lấy tiền đâu ra cho con Hai nó đóng tiền học phí để thi học kỳ nữa đây?”. Nghe cô nói thế tôi im lặng không chần chừ nữa lấy đồng tiền 10.000 duy nhất còn lại trong ngăn cặp đưa cho cô và bảo. “Cô bán cho cháu 2 bịch bánh tráng đi, cô cho nhiều ớt vào nhé”.Cô loay hoay nhanh chóng làm bánh cho tôi, rồi đưa lại tôi 4.000 như lời cô đã hứa sẽ bán rẻ cho tôi, nhưng tôi không lấy.

Tôi trao lại cho cô và bảo. “ Cô không phải bớt cho cháu đâu, cháu mua đúng giá”. Cô cám ơn tôi và tiếp tục mang bánh tráng đi mời những người đang trú mưa mua dùm. Tôi bỏ vội hai bọc bánh trang vừa mua vào ngăn cặp và nhìn về phía những hạt mưa suy nghĩ miên man. Lát sau trời bắt đầu tạnh mưa, tôi đạp xe về nhà trọ.

Tối nay sau giờ làm thêm về nhà, nằm xuống giường mà tôi không sao chợp mắt được. Hình ảnh người phụ nữ bán bánh tráng lúc chiều tôi gặp và hình ảnh mẹ tôi 10 năm vế trước lại hiện rõ lên trong đầu tôi như một. Mười năm trước đây lúc tôi đang là một cô học trò lớp 6, lúc đó mẹ tôi cũng giống như người phụ nữ bán bánh tráng kia, đứng trước cổng trường tôi với gánh hàng rong để bán cho những đứa học trò là bạn tôi.

Ngày đó tôi đã hét lên với mẹ. “Mẹ đi chỗ khác bán - đừng bán trước cổng trường con nữa - mẹ đừng làm con xấu hổ với bạn  -  nếu mẹ còn bán trước cổng trường con sẽ nghĩ học” tôi vừa la lên vừa khóc, mẹ nhìn tôi không nói gì chỉ im lặng đi vào nhà. Lúc đó còn quá nhỏ tôi đâu có hiểu được trong ánh mắt nhìn tôi lúc đó đã toát lên hết những buồn phiến làm mẹ đau lòng do những lời nói của tôi. Tôi cũng đâu có hiểu được một người vợ mất chồng, phải làm trụ cột trong gia đình lo cho 9 đứa con là quá sức đối với mẹ.

Tôi đâu có hiểu rằng nếu như không có những gánh hàng rong của mẹ trước cổng trường  thì miếng cơm của tôi và 8 anh chị nữa ăn hàng ngày sẽ phải trông vào đâu. Tôi cũng đâu có biết được mẹ đã làm thuê đủ thứ nghề, tằn tiện chi tiêu hết sức mà vẫn không đủ lo cho chúng tôi và tôi đâu hiểu được mẹ phải nuốt nước mắt vào lòng khi nghe những lời oán trách của tôi.

Giờ đây tôi đã lớn đã là một cô sinh viên năm thứ 3, cuộc sống của tôi đi cùng với quãng thời gian vất vả của cuộc đời mẹ, cuộc đời gian khó của mẹ cứ chầm chậm trôi đi mang theo những lời oán trách của đứa con bất hiếu như tôi. Giờ đây trên mái tóc mẹ đã không còn một sợi xanh, khuôn mặt  hằn sâu những nếp nhăn, bàn tay chai sần đi vì năm tháng để lo cho những đứa con.

Vậy mà chưa một lần nào tâm hồn mẹ được thanh thản, chưa được một ngày nào tôi làm cho mẹ vui và chưa bao giờ tôi nói một lời xin lỗi mẹ. Cổ họng tôi nghẹn ngào, nước mắt nhòe cay, tôi ước gì giờ đây tôi được chạy về ngay bên mẹ và nói với mẹ một điều mà tôi chưa bao giờ nói được với mẹ rằng: “Mẹ ơi! Con xin lỗi mẹ”. Tuy mẹ không có quần áo đẹp cho con mặc như các bạn, không đủ tiền để gửi cho con hàng tháng và mẹ không giàu có và xinh đẹp như các bà mẹ khác.

Mẹ chỉ là một người phụ nữ làm thuê, cuốc mướn và là một người bán hàng rong. Nhưng con  muốn nói với một điều mà con luôn mang trong lòng từ trước đến nay. “Hãy tha lỗi cho con mẹ nhé!. Con yêu mẹ nhất trên đời, Cám ơn mẹ! Cám ơn vì đã là mẹ của con.”

Mẹ là tất cả

TTO - Năm nay tôi đã xấp xỉ tuổi ngủ tuần nhưng khi biết có cuộc thi nét bút tri ân, tôi vẫn muốn tham gia một bài viết về mẹ. Hơn bốn mười năm trải nghiệm cuộc đời với biết bao cung bậc thăng trầm, người mà tôi luôn tôn kính, luôn nhớ mãi trong lòng là mẹ.

Tôi chỉ là một đứa con nuôi.

Mẹ đã mang tôi về từ khi tôi còn ẵm ngữa, chăm sóc tôi tận tình, lo cho tôi từng bữa ăn giấc ngủ. Thuở nhỏ, tôi rất hay đau yếu, bà con lối xóm ai cũng xác nhận là tôi rất khó nuôi. Thế nhưng người mẹ nuôi đã không quản nhọc nhằn đem tôi đi chữa chạy nhiều nơi bằng những đồng tiền mà mẹ vất vả kiếm được từ những mâm khoai, gánh chè bán dạo.

Mẹ tôi là người phụ nữ hiền lành nhân hậu, chịu thương chịu khó lại sống hết lòng với xóm giềng nên luôn được mọi người yêu mến. Tôi cũng được nuôi lớn trong tình thương ấy nên cảm thấy ấm áp vô cùng. Không chỉ cho tôi những yêu thương, mang cho tôi hơi ấm gia đình, mẹ còn dạy dỗ tôi bao điều hay lẽ phải. Bài học đầu tiên tôi học được từ mẹ đó là lòng bao dung.

Tôi còn nhớ, có một lần khi mẹ gánh chè đi bán dạo, tôi lững thững đi theo mẹ ra tận đầu đường. Lúc mẹ dừng lại để múc chè cho một khách quen thì một trái banh lông (loại banh mà người ta sử dụng để chơi tenis) từ trên ban công ngôi nhà rơi thẳng xuống nồi chè của mẹ. nước chè bắn lên văng vào mặt mẹ nóng rát, văng cả vào quần áo của tôi. Còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, chị chủ nhà ( đáng tuổi con gái mẹ) xăm xăm ra quát tháo:

- Bà vớt trái banh ra đây mau. Vừa mới mua xong, rơi vào nồi chè nóng hổi vậy chắc tiêu rồi.

Mẹ tôi vớt banh ra, dùng nước sạch rửa lại…

Chị ta giật lấy còn trừng mắt.

- Từ nay không được để chè ngay trước nhà tôi nữa nghe chưa? Ở đây có phải chợ đâu mà buôn bán…

Thay vì nổi giận, mẹ lại nhỏ nhẹ nói xin lỗi rồi quãy gánh đứng lên. Tôi hỏi mẹ tại sao người ta sai mà mình xin lỗi, mẹ nở nụ cười hiền “ Tại vì minh bán trước thềm nhà người ta. Thôi thì một câu nhịn, chín câu lành con ạ”. Hai hôm sau, khi mẹ dắt tôi ra chợ, nhìn thấy đứa bé con chủ nhà vấp té trên đường, mẹ chạy đến đỡ nó lên, phủi sạch bụi trên quần áo nó. Nó mếu máo đi luôn vào nhà không một lời cảm ơn. Tôi làu bàu mắng nó là vô phép thì mẹ lại xuề xòa “Con đừng khó chịu với những điều vặt vãnh, sau này con thấy ai bị ngã thì phải biết giúp đỡ họ đứng lên, còn những chuyện đã qua thì đừng để trong lòng. Con hãy sống như mẹ thì sẽ nhận được nhiều tình cảm của những người xung quanh.”

Thật vậy, mẹ tôi rất được lòng bà con hàng xóm. Ai cũng quý mến mẹ cho nên mẹ buôn bán hàng ăn cũng thuận lợi, dễ dàng vì được rất nhiều người ủng hộ. Mẹ là tấm gương sáng cho tôi về sự thật thà. Nhiều người mua khoai của mẹ quên lấy tiền thối, có người lại lẩn thẩn trả tiền đến hai lần nhưng mẹ không bao giờ tham lam im lặng mà lúc nào cũng trả lại người ta. Mẹ thường nói với tôi, tiền bạc kiếm được không phải dễ nên mình đừng bao giờ muốn có mà không muốn làm, cũng đừng nên có ý chiếm đoạt nhưng thứ không thuộc về mình…Tôi luôn ghi nhớ ở trong lòng những điều mẹ dạy.

Những năm gần giải phóng, đất nước còn khó khăn nên cuộc sống dân mình thiếu trước hụt sau. Thời điểm đó nhà nhà đều ăn cơm trộn khoai lang, có khi phải ăn cháo bo bo, khoai mì hấp…cho qua bữa. Mẹ sợ tôi đi học không có sức nên luôn dành phần no đủ nhất cho tôi, còn mẹ chỉ qua loa vài lát khoai mì. Những người khá giả hơn vẫn có thể ăn cơm trắng, họ thương mẹ già yêu nên thỉnh thoảng mang cho mẹ một chén cơm trắng và một ít khô chiên… Thế là mẹ nhường hết cho tôi.

Mẹ nói tôi cần được ăn ngon để có sức mà học hành cho tốt…Năm học lớp 12, tôi bị viêm ruột thừa phải mổ. Mẹ đưa tôi vào bệnh viện mà trong người không có đồng nào. Tiền xe xích lô, mẹ xin khất lại của người quen. Thời đó còn bao cấp nên tôi được phẫu thuật và điều trị miễn phí. Ngày ngày, mẹ xin cơm từ thiện để nuôi tôi. Mổ xong, tôi “mắc kẹt” đèn đỏ, không có tiền mua băng, mẹ xé toạc chiếc khăn rằng quấn trên đầu làm vải lót cho tôi. Ngày này, chính tay mẹ giặt giũ những đồ dơ đó…

Sự hi sinh của mẹ đã để lại trong tôi một ấn tượng vô cùng sâu sắc… Với tôi, mẹ luôn là người vĩ đại, là cây cao bóng cả, mẹ dìu dắt tôi đi bằng tình yêu và cả sự hi sinh vô bờ bến trong đời. Vậy mà ông trời lại không để cho tôi có cơ hội báo hiếu. Năm tôi hai mươi hai tuổi, mẹ lâm bệnh nan y. Chỉ trong vòng một năm thì mẹ mất. Lúc ấy tôi chỉ mới tìm được việc làm, còn chưa kịp may cho mẹ một bộ quần áo mới…

Đám tang mẹ diễn ra lặng lẽ, trong ngôi nhà lá nhỏ, không trống, không kèn nhưng người ta đến viếng rất đông. Tôi đã khóc đến cạn dòng nước mắt vì không còn mẹ. Tôi đã hứa trước vong linh mẹ rằng tôi sẽ sống như những gì mẹ dạy, tôi sẽ hòa thuận với mọi người, hiếu kính với cha già và sống mạnh mẽ, trung thực…

Ba tôi cũng qua đời sau mẹ một năm. Tôi trở thành cô gái mồ côi năm hai mươi bốn tuổi. Dù không còn ba mẹ, song tôi vẫn sống tốt như những gì mẹ mong muốn nơi tôi…

Giờ đây, tôi đã có một mái ấm gia đình hạnh phúc. Những kỉ niệm về mẹ, chưa bao giờ tôi quên. Mẹ là một tấm gương sáng ngời về những đức tính cần cù, chân thật, về cả sự nhẫn nhục và lòng bao dung. Mẹ ơi! Dù mẹ đã đi xa, nhưng con vẫn mãi nhớ công ơn mẹ, nhớ bài học đầu đời mẹ đã dạy cho con và con sẽ sống thật xứng đáng với những gì mẹ kì vọng vào con. Con mãi mãi là đứa con ngoan của mẹ…

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro