Lòng mẹ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chồng mất sớm, thị ở vậy nuôi con. Thị không đành lòng để thằng Lộc cù bơ cù bất một mình mà đi tìm duyên mới. Nó hãy còn nhỏ dại quá, ấy thế mà đã phải chịu thiệt đủ đường: Thầy nó  mất lúc nó chửa lên tám, nhà lại   nghèo xác nghèo xơ một tấc đất cắm dùi còn chả có. Nhớ hồi thầy nó chết, nó hãy còn ngây ngô chưa hiểu chuyện, cứ vô tư cười đùa với bọn trẻ trong xóm, rồi lại tần ngần chống gậy đứng trước di ảnh của thầy nó mà hỏi thị:

- Thầy đi đâu mà mọi người lại khóc gọi thầy hở mẹ?

Thị thương chồng xót con mà khóc đến ngất lên ngất xuống không biết bao nhiêu lần.

Từ độ ấy sức khỏe thị suy sút hẳn. Làm việc nặng thì chóng mệt, lại hay ốm vặt cảm mạo. Thị chịu khó dăm bữa đi làm thuê một buổi, thời gian còn lại thị nhận hàng về đan kiếm mấy đồng lẻ sống qua ngày. Hồi hai vợ chồng thị còn trẻ còn khỏe, cố gắng làm lụng cũng để ra được một ít đồng vốn, định sau này còn lo con lo cái. Thị cũng đã tính toán ổn thỏa rồi: Sau này thằng Lộc lớn hơn chút nữa, sắm một đôi bò cho nó chăn dắt sớm tối, âu cũng là một công đôi việc. Vừa gánh bớt việc giúp mình, lại vừa cho nó bớt lêu lổng ăn chơi đú đởn với bọn trẻ trong xóm. Tính thì tính vậy thôi, thầy mất sớm nó đã khổ lắm rồi, giờ lại bắt chẹt tương lai nó ở cái làng quê nghèo nàn  này thì tội của thị cũng nặng lắm. Vậy nên chút hi vọng cỏn con còn lại thị dồn cả vào thằng Lộc, thị ăn tằn ăn tiện dành dụm thêm chút tiền cho nó đi học. Thị biết rằng: May ra chỉ có con đường học hành mới cho thằng Lộc một cái tương lai xán lạn. Mà người làm mẹ như thị cũng được nở mặt nở mày.

Trời tháng cuối năm hơi se lạnh,  thị ôm mấy chiếc áo bông của thằng Lộc ra bậu cửa ngồi may may vá vá. Nhìn mấy chiếc áo vá chằng vá đụm thị vừa thở dài vừa lắc đầu ngao ngán:

- Chắc đợi áp tết lại phải sắm cho thằng Lộc một cái áo bông mới thôi.

Nói đoạn, thị lại lôi mấy chiếc áo trong nàn ra may tỉ mẩn từng chút một. Bỗng từ xa có bóng người hớt ha hớt hải chạy vào, nom kĩ hình như là thằng Hải bạn thằng Lộc. Thằng Hải vừa chạy đến chỗ thị, há hốc mồm ra thở hồng hộc, mặt nó tái xanh lại cố sống cố chết dặn ra mấy chữ:

-Cô Năm... thằng Lộc nó... nó làm mù...mù mắt con bà Tám Liễu rồi.

Thị nghe vậy hộp kim chỉ trên tay rơi độp xuống đất tung tóe khắp nơi, mặt thị tái nhợt lại cắt không còn một hột máu, run giọng hỏi:

- Thằng Lộc sao lại...?

- Cô, nhanh lên.

Thằng Hải cáu bẳn lên cắt lời thị, rồi xoay người chạy ra cửa trước. Thị thấy vậy cũng cuống cuồng chạy theo sau.

Vừa đến nơi thị đã thấy một đám người bu chật kín cả đường ven hồ, có người hò hét chửi rủa, có người chỉ trỏ bàn tán, lẫn trong một loạt những âm thanh hỗn tạp đó là tiếng khóc thương của người đàn bà.
Thị nhỏ người nhanh nhẹn lách qua đám đông, vừa hay trông thấy bà Tám Liễu đang ôm thằng Tồ khóc, còn thằng Lộc thì đứng chết chân gần đó, mặt mũi đỏ gay cúi gằm xuống đất. Nhìn thằng Lộc như vậy thị cũng xót, thị biết tính nó vốn nóng nảy lại có lòng tự trọng rất cao, ăn mềm không ăn cứng. Thị chạy lại lay lay thằng Lộc nhẹ giọng hỏi:

- Có chuyện gì hở Lộc? Nói cho mẹ nghe xem nào.

Bên này thằng Lộc vẫn cúi gằm mặt không nói gì. Thì đằng kia bà Tám Liễu dở cái giọng chua loét ra mà xỉ vả:

- Chị lôi cái thằng quỷ sứ nhà chị về dạy lại đi nhá! Nó suýt hại chết con tôi đây này. Ai đời, nó xúi con tôi nhét một chai đầy vôi sống rồi đổ nước vào bảo thằng nhỏ xóc lên. Làm thế thì chả nổ cho mù mắt ý chứ, nghịch thì cũng một vừa hai phải thôi. Thầy mày mất rồi  nhưng vẫn còn con mẹ mày, chả nhẽ mẹ mày lại dạy mày thành quân giết người hở Lộc? Mày về mà tụng kinh niệm phật, cảm tạ thần linh mười ngày đi nhá! May là con tao không sao, chứ nó mà có mệnh hệ gì tao đến đào mả cả tám đời nhà mày lên.

Lộc nghe thấy thế thì sửng cồ lên, nó hung hăng bổ nhào đến con mẹ dại kia. Nó phải cho mụ ta một bạt tai mới thỏa, mụ chửi nó thì thôi đi lại còn dám lôi thầy mẹ nó vào. Nó quyết không tha cho mụ ta.

Thị kinh sợ nhìn đứa con mà mình dứt ruột chín tháng sinh ra. Thị không nuôi dạy nó để trở thành một con người hỗn xược như vậy. Thị tức giận hét ầm lên:

- Lộc, mày...mày...

"Chát" Thị vung tay tát thật mạnh vào má thằng Lộc, mạnh đến nỗi trên khuôn mặt trắng trẻo của nó hằn đậm năm vệt  ngón tay. Lộc chết sững quay sang nhìn mẹ, rốt cuộc nó đã làm gì sai. Tại sao ngay cả mẹ cũng hùa theo đám người này mà sỉ vả, nhục mạ nó. Nếu đã ghét nó như vậy chi bằng nó đi cho khuất mắt bà ta. Nghĩ vậy, Lộc xoay người bước nhanh ra khỏi đám đông. Trước khi đi nó còn nói một câu:

- Tôi ghét bà, ghét cả khi cứ bị bà sắp đặt.

Thằng Lộc bỏ đi chẳng để lại chút công trạng gì, có chăng cũng chỉ là một cái ngoái đầu từ biệt và cả cái ấn tượng về một con người khốn nạn trong mắt mọi người.

Thị run run nhìn lòng bàn tay đỏ rát, lại trông theo bóng thằng Lộc đang mờ dần sau mỗi bước chân. Thị thấy mệt, thị thật sự mệt mỏi lắm rồi. Cũng tại thị ngu ngốc quá, ngu ngốc tin rằng những mơ ước viễn vông của mình có thể trở thành hiện thực. Và con mẹ như thị cũng thật khốn nạn, thị thậm chí còn chẳng hiểu chút gì về con trai mình cả. Có lẽ giờ là lúc thị phải trở về và chấp nhận hiện thực thôi.

Trên đường về nhà, thị suy tính không biết bao nhiêu việc. Thị thấy buồn, nhưng lại thấy vui hơn. Thị vui vì có lẽ giờ đây mối ngăn cách giữa thị và Lộc sẽ không còn nữa. Thị sẽ không ép nó đi học - cái việc làm mà nó không hề thích. Trước đây thị cũng lờ mờ nhận ra, nhưng thị lờ đi, thị cho rằng: lứa tuổi này đứa nào mà chả vậy, sau này rồi cũng nghiệm ra lợi ích của việc có ăn học thôi. Nhưng thị thật quá sai lầm khi áp đặt mọi việc lên thằng Lộc. Có lẽ thị lên cho nó một không gian riêng để nó làm những điều mà mình thích.

Vừa bước qua bậu cửa, thị đã thấy thằng Lộc đang thu dọn quần áo. Thị hốt hoảng chạy lại, đưa tay giằng lấy túi đồ:

- Rốt cuộc con đang làm gì? Sao lại thu dọn quần áo, con muốn bỏ mẹ mà đi sao hở Lộc?

Thằng Lộc gằn giọng, mặt lạnh tanh không chút cảm xúc:

- Bà còn hỏi, tôi đi cho khuất mắt bà còn gì nữa. Bà tưởng tôi sung sướng khi ở cái lều rách nát này sao? Tôi chịu đủ lắm rồi, mỗi  giây mỗi phút ở đây tôi vừa thấy khó chịu lại vừa bức bối.

Thị nước mắt lưng tròng nhìn thằng Lộc lồng ngực như có hàng ngàn con dao đang đâm tới, đau lắm, buốt lắm. Cổ họng thị đắng chát, một cơn ho dữ dội tràn đến, kéo dài và dai dẳng. Thị cố sống cố chết vỗ ngực dặn ra mấy chữ:

- Mẹ... khụ, khụ ...mẹ xin lỗi. Lộc ở lại với mẹ ...khụ ...mẹ cầu xin con. Mẹ biết, mẹ biết mình sai rồi! Khụ...khụ...khụ...

Thế nhưng trong phút nóng giận Lộc dường như đã đánh mất lí trí của mình. Nó dứt khoát quay người đi, lòng kiêu hãnh của một thằng đàn ông không cho phép nó quay lại. Nó sẽ đi và thành công trở về.

Thị ho đến cả người rũ ra, trong những cơn sù sụ thị nhổ ra vài ụm máu. Một cơn choáng váng ập đến, trước mắt thị mọi thứ đột nhiên tối xầm lại. Sau đó, không còn sau đó nữa thị ngã lăn ra sàn nhà bất tỉnh nhân sự.

Thằng Lộc lấy xe đạp chạy ra bến xe. Nó đi thẳng một mạch mà chẳng thèm quay đầu nhìn lại. Bảo nó sẽ thấy hối tiếc khi ra đi sao? Không, ở cái làng này không còn một thứ gì khiến nó bận tâm hết. Không một điều gì kể cả mẹ.

Lộc bắt tàu điện đi ra Hà Nội, nó sẽ kiếm việc làm và kiếm thật nhiều tiền nữa. Rồi mẹ sẽ hối hận khi đối xử với nó như thế, đúng vậy lúc đó mẹ sẽ phải nịnh nọt chiều chuộng nó. Lộc ra đi với quyết tâm cao độ, với cả sự hứng khởi của tuổi trẻ bồng bột chưa thấu đáo. Nó đâu biết rằng nơi mà nó hướng đến là một thế giới hoàn toàn khác, một thế giới với đủ những hạng người, đủ những mánh lới tinh vi mà một kẻ như nó không biết được.

Vừa bước khỏi tàu điện, Lộc vội vàng giở túi ra kiểm tra lại tư trang. Nó bới tung đám quần áo ra nhưng không thấy chiếc ví đựng tiền đâu cả. Chẳng lẽ nó quên không nhét vào? Không, nó nhớ rành rành là đã nhét vào túi có khóa rồi cơ mà. Nó luống cuống lục hết túi này đến túi nọ nhưng tuyệt nhiên không hề thấy.

- Cậu trai trẻ, cậu mới lên thành phố lần đầu hả?

Lộc hơi ngước mắt lên nhìn người trước vừa nói, chỉ thấy một bà lão ước chừng khoảng sáu bảy mươi tuổi nhìn có vẻ khắc khổ, trên vai gánh một lô nào là kẹo, bim bim, thuốc lá... và mấy thứ tạp nham khác.

Lộc rảnh đâu mà trả lời, nó lại cúi xuống loay hoay lục tung đống đồ lên. Mất hết tiền thì nó chỉ có nước cạp đất mà sống qua ngày.

- Bị bọn nó móc mất ví rồi à?

- Bọn nó móc mất? Bà biết ai lấy  tiền của tôi sao?

Lộc ngước nhìn bà lão trước mặt, đôi mắt sáng rực lên như một con cún chờ ăn.

-Bọn móc túi chứ còn ai vào đây, bọn nó tinh vi lắm cứ hở ra một tí là bọn nó cuỗm sạch. Chỉ trách là trách số cậu đen khi bị bọn nó nhắm trúng thôi.

Đã gần một ngày Lộc chưa kiếm được gì bỏ vào bụng. Nó lết từng bước chuệnh choạng trên đường lớn, ngẩn ngơ nhìn những hàng những quán san sát bên vệ đường, mùi thơm của phở của bánh như đang mời gọi nó. Nhìn những làn khói mỏng bốc lên từ tô phở kia sao mà thèm, từng cọng từng cọng trắng noãn mềm mềm lại dai dai, từng miếng chả lụa ngon lành vàng ruộm. Cổ họng khô không khốc của Lộc bỗng dâng lên từng đợt, khiến nó phải khó khăn nuốt vào. Trời bỗng nổi gió, mây đen chẳng mấy chốc đã giăng kín bầu trời. Những cơn gió hung hăng cào xé mọi nơi, mọi thứ mà nó lướt qua.
Lộc nép mình vào một góc hẻm có mái che, co ro trong cái lạnh thấu xương. May thay nó kiếm được một chiếc hộp cát- tông và vài tờ báo vứt bên đường, có lẽ đêm nay nó phải ngủ tạm ở đây thôi.

- Này! mày làm gì ở chỗ của tao vậy hả cái thằng chó chết kia.

Lộc đang thiu thiu ngủ, nghe thấy tiếng quá lớn thì giật nảy lên. Nó nheo nheo mắt đánh giá người trước mặt.

- Hừ! Ra chỉ là một thằng ăn xin bần hàn. Tao cứ thích ngủ ở đây đấy, mày làm gì được tao!

-Cái thằng danh này chiếm chỗ của ông còn lớn giọng. Để tao cho mày xuống gặp cụ, gặp kị mày sớm mấy năm.

Nói rồi gã cùng Lộc vật lộn mấy kèo. Dù gì Lộc cũng chỉ là một tên thiếu niên, sức trâu sức bò đến đâu thì cũng chẳng đọ lại một tên đã bao năm bươn chải ngoài đời như gã. Lộc bị gã đánh cho tơi tả rồi vứt ra đường như người ta vứt một con gà con sắp chết. Từng giọt mưa to như hạt mít lộp độp rơi xuống, Lộc chậm chạp bò dậy cố lết tấm thân tàn tạ vào mái hiên gần đấy. Nó cuộn tròn người lại, lưng hướng ra đường để mặc những giọt mưa tạt thẳng vào lớp áo mỏng, cái lạnh xuyên qua da thấm vào từng thớ thịt trên người nó. Lộc mệt mỏi ngủ thiếp đi chẳng hay trời trăng gì.

Lộc cảm thấy ồn ào, mới sáng ra đã ào ào lên không cho người khác ngủ à, nó khó chịu làu bàu vài tiếng. Đôi lông mày khẽ nhăn lại rồi từ từ dãn ra.

- Cái thứ xúi quẩy này mới sáng ra đã ám nhà bà. Ăn xin thì đi chỗ khác mà xin, cút đi để bà  đây còn buôn bán.

Bà ta vừa nói vừa rắc muối, rắc gạo lên người Lộc. Nó bực mình ngồi dậy, định nói gì đó nhưng lại thôi, nó còn phải đi kiếm gì đó lót dạ. Lộc vừa đi vừa ôm cái bụng nép kẹp, lại nhìn những vết bầm tím trên tay nó bỗng thấy tủi. Nhìn nó bây giờ khác quái gì thằng ăn mày đâu, mà không, bây giờ nó cũng chỉ là một thằng ăn mày không hơn. Nó mò mẫm một hồi thì lết ra đến chợ, chỗ này ít ra còn có quả dập quả thối người ta vứt đi ăn tạm cũng không chết. Nhưng ở đây đâu chỉ có mình Lộc, nó thấy dễ cũng phải đến vài chục người có chung mục đích giống  nó. Một ma mới như Lộc ở chốn này giờ mới hiểu, giành giật nhau cũng là kĩ năng cần chau rồi.

Lộc lại ôm cái bụng rỗng không đi lang thang khắp nơi. Chẳng hiểu sao nó lại lang thang ra đến bến xe điện. Nó mệt mỏi nằm phịch xuống bãi cỏ, đôi mắt lờ đờ nhìn những đốm sáng xa xa. Nó nghĩ đến mẹ: Không biết mẹ có ăn uống đầy đủ không? Giờ này đã ngủ chưa hay vẫn thức chờ nó? Nó nhắm mắt lại láng máng nghe một giọng nói bên tai: "Giờ này cháu còn nằm đây làm gì vậy".

- Cháu nằm đây chờ chết chứ sao nữa.

Lộc thuận miệng trả lời, xong mới tò mò mở mắt ra ngó thử. Nó giật mình nhảy dựng lên khi thấy bà già bán dạo hôm trước đang đứng sát nó, khuôn mặt cười cười nhìn nó đầy trung hậu.
Bà cho Lộc ăn, rồi còn bắt nó kể cho bà nghe chuyện của nó, vừa nghe vừa lắc đầy thở dài nói:

- Con lên về nhà đi, đừng để sau này hối hận có lẽ đã quá muộn. Đây cho con, cầm lấy mua vé xe mà về nhà với mẹ.

Bà nói rồi dúi vào tay Lộc mấy tờ giấy bạc. Mới đầu nó còn chối từ đưa đẩy, nhưng bà nói mãi nó cũng miễn cưỡng cầm lấy. Rồi còn hứa mai này nhất định trả ơn.

Vừa đặt chân xuống bến xe trấn bên, cũng là lúc đằng đông hửng sáng. Lộc chưa bao giờ thấy vui đến vậy, trên đường về làng nó nhảy chân sáo như một đứa con nít lên ba, vừa cười vừa huýt gió một bài hát quen thuộc nào đấy. Nó rón rén bước vào cổng, tự bật cười một mình khi nghĩ đến cảnh mẹ sẽ xách tai nó lên mà mắng cho một trận. Đứng trước cánh cửa gỗ lâu bạc, nó thấy run run lại có chút hồi hộp nữa, có lẽ mẹ sẽ không cầm roi mà vụt nó chạy quanh sân đâu nhở! Nó nhẹ nhàng đẩy cửa bước vào nhà, đưa mắt nhìn một vòng quanh hai gian nhà nhỏ quen thuộc. Lạ thay, mới giờ này mà mẹ nó không có ở nhà.

- Mẹ ơi! Mẹ, thằng con bất hiếu của mẹ về nhận tội với mẹ này.

Nó gọi đến khản cổ nhưng vẫn không thấy ai. Lúc này nó mới cuống cuồng đi tìm khắp nơi. Nó chạy sang nhà bà Tám Liễu người mà nó ghét cay, ghét đắng để hỏi chuyện. Nó tin chắc rằng một bà tám như mụ chắc chắn sẽ biết mẹ nó ở đâu.

- Bà có biết mẹ tôi đâu không?

Thằng Lộc hỏi với giọng lạnh nhạt pha chút ghét bỏ.

Lại cái giọng chát chúa đến buồn nôn ấy, pha thêm chút kinh bỉ và phẫn nộ, mụ Tám lên tiếng:

- Mày cái thằng đáng chết, sao không chết quách ở xó xỉnh nào cho xong đi còn vác mặt về đây mà hỏi mẹ mày. Muốn hỏi ở đâu ấy, ra bãi tha ma mà hỏi kìa. Mẹ mày vì mày bỏ đi mà ốm một trận kịch liệt rồi chết ấy. Cái loại con như mày ấy mà, phải vứt vào bãi rác cho ròi nó ăn mới thỏa.

- Bà nói gì, nói lại một lần nữa xem nào. Bà nói ai chết, mẹ tôi chết sao? Bà còn dám ăn nói linh tinh thì đừng trách tôi.

Thằng Lộc sửng cồ lên chạy lại túm áo Tám, mụ ta đập mạnh vào tay thằng Lộc mấy phát rồi kêu ầm lên :

- Cái thằng điên này tao nói điêu mày làm gì. Mày cứ ra bãi tha ma làng là thấy mộ mẹ mày, trên đấy còn mọc một cái cây to lắm.

Thằng Lộc nghe vậy chạy như điên ra bãi tha ma, quả thật nó thấy một ngôi mộ mới đắp, trên nấm đất còn mọc một cái cây to chi chít quả. Lộc run run bước lại, chỉ thấy mắt như mờ đi khi nhìn thấy dòng chữ: " Nguyễn Thị Năm", "Ngày tạ thế: mồng ba tháng tám". Nó cúi rạp người xuống ôm lấy nấm mồ mà khóc như thể mong ước được ôm mẹ một lần cuối vậy.

Không biết Lộc đã khóc bao nhiêu lâu, nó ngẩng đầu lên thì thấy mặt trời đã sắp xuống núi. Lộc lảo đảo đứng dậy nhưng rồi lại ngã quỵ xuống, nó thấy lồng ngực nóng bừng như lửa đốt, cổ họng thì khàn đặc đắng chát một cách lạ thường. Lộc đưa tay vuốt cổ cảm giác đó ngày càng rõ hơn như ngọn lửa đang thiêu đốt thân xác nó vậy. Bỗng từ trên cây kia một trái căng mọng rơi xuống trước mặt thằng Lộc, nó cầm lấy quả lăn qua lăn lại trên lòng bàn tay, tức thì quả đó mềm dần, Lộc bẻ đôi quả đó ra và nếm thử thì thấy một vị ngọt thanh chảy qua thanh quản cảm giác nóng rát ban nãy cũng đều tan biến. Bỗng từ đâu một làn gió mát lành thổi đến, vang vang trong tiếng lá xào xạc dường như Lộc đã nghe thấy tiếng mẹ đầy âu yếm: " Con có khôn lớn mới hay lòng cha mẹ".

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro