So sánh cơ sở kinh tế, xã hội, tư tưởng của nhà nước pk Trung Quốc và Việt Nam

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

MỞ ĐẦU

Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia hàng xóm láng giềng có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, phát triển lịch sử. Nhưng bên cạnh đó, cũng có những sự khác biệt rất rõ nét thể hiện bản sắc của mỗi nước cũng như lịch sử của từng đất nước là không giống nhau. Chính vì vậy, em xin chọn đề 3 "So sánh cơ sở kinh tế, xã hội, tư tưởng của nhà nước phong kiến Trung Quốc và Việt Nam" để làm rõ đề tài này. Bài làm của em còn nhiều sai sót, mong nhận được sự góp ý từ các thầy cô. Em xin chân thành cảm ơn!

NỘI DUNG

1. Khái quát về nhà nước phong kiến

1.1. Nhà nước phong kiến

Nhà nước phong kiến là kiểu nhà nước thứ hai ra đời trên cơ sở thay thế nhà nước chủ nô bị diệt vong. Ở một số nơi trên thế giới, nhà nước phong kiến xuất hiện trực tiếp từ sự tan rã của chế độ công xã nguyên thủy. Sự xuất hiện của Nhà nước phong kiến đánh dấu một bước phát triển mới của xã hội loài người, tạo ra những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng suất lao động trong xã hội.

Nhà nước phong kiến xét về mặt giai cấp là công cụ chuyên chính chủ yếu của giai cấp địa chủ phong kiến để chống lại nông dân và những người lao động khác nhằm củng cố, bảo vệ sự thống trị về mọi mặt của địa chủ phong kiến.

Vua là nhân vật trung tâm của nền quân chủ. Trong chế độ phong kiến, đặc biệt là quan niệm Nho giáo, vua được coi là thiên tử, đại diện cho Thượng đế để "thay trời hành đạo". Với địa vị như vậy. vua nắm trong tay cả vương quyền và thần quyền: chỉ vua mới có quyền tế trời, có quyền phong chức tước cho thần thánh, điều động thần thánh. Tuy nhiên quyền lực của vua cũng bị hạn chế như phải biết thương dân, tôn trọng phong tục tập quán....

1.2. Nhà nước phong kiến Trung Quốc

Nhà nước phong kiến Trung Quốc ra đời từ thế kỉ thứ III TCN, là nhà nước phong kiến quân chủ điển hình ở phương Đông, thực hiện việc tập quyền cao độ vào trung ương, thể hiện tính nhất nguyên chính trị. Hoàng Đế nằm rất nhiều quyền hành, là người giữ cả thần quyền và đế quyền. Nhà nước phong kiến Trung Quốc luôn sử dụng Nho giáo làm hệ tư tưởng chính trị, luôn tiến hành chiến tranh xâm lược mở rộng lãnh thổ.

1.3. Nhà nước phong kiến Việt Nam

Nhà nước phong kiến đầu tiên của Việt Nam ra đời năm 938 sau khi Ngô Quyền đánh tan quân xâm lược Nam Hán tại sông Bạch Đằng. Tuy nhiên nhà Ngô tồn tại trong thời gian ngắn rồi lại có sự phân tranh, sau đó Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 sứ quân lập ra nhà Đinh. Tiếp đó là nhà Tiền Lê, khi Lê Hoàn từ tướng nhà Đinh làm vua. Các triều đại phong kiến Việt Nam thời kì đầu đều rất ngắn, chịu sự ảnh hưởng của Trung Quốc sau nghìn năm Bắc thuộc, song vẫn giữ được những đặc điểm, nét văn hóa độc đáo riêng, tạo nên một nhà nước phong kiến với những đặc điểm khác biệt, điển hình là sáng tạo ra mô hình nhà nước quân chủ quý tộc thời Lý - Trần.

2. So sánh một số cơ sở hình thành nhà nước phong kiến Trung Quốc và Việt Nam

2.1. Cơ sở kinh tế

Cơ sở kinh tế của nhà nước phong kiến là quan hệ sản xuất phong kiến mà đặc trưng là sở hữu của địa chủ phong kiến về ruộng đất tư liệu sản xuất (chủ yếu là ruộng đất) và bóc lột nông dân thông qua phát canh, thu tô (sản phẩm lao động).

2.1.1. Điểm giống nhau

Cơ sở kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kết hợp với kinh tế thủ công nghiệp (chăn nuôi và một số nghề thủ công) và buôn bán nhỏ, mang tính tự cung, tự cấp. Cả hai nhà nước phong kiến đều có sự phát triển của công cụ lao động và khai thác các vùng đồng bằng nhờ ưu thế tự nhiên sẵn có. Việc công cụ lao động bằng suất xuất hiện và được sử dụng một các phổ biến làm cho sức sản xuất phát triển nhanh chóng, năng suất công nghiệp tăng lên, thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ.

Ruộng đất nằm trong tay địa chủ, giao cho nông dân hay nông nô cày cấy rồi thu tô, thuế. Quan hệ này được xây dựng trên cơ sở chế độ chiếm hữu của địa chủ phong kiến đối với đất đai, các tư liệu sản xuất khác và việc chiếm đoạt một phần sức lao động của nông dân. Nền kinh tế phong kiến là nền kinh tế tự cung tự cấp, hoạt động bao trùm là sản xuất nông nghiệp. Do vậy, đất đai, quyền thu thuế trên những vùng đất nhất định là những yếu tố quan trọng nhất trong kinh tế cũng như trong đời sống xã hội phong kiến.

2.1.2. Điểm khác nhau

Cơ sở kinh tế của nhà nước phong kiến Trung Quốc được xây dựng nhằm tăng cường tiềm lực theo đuổi chiến tranh giành bá chủ trong các cuộc nội chiến. Nhà nước phong kiến Trung Quốc ra đời là tiếp nối cho nhà nước chủ nô trước đó, nên về cơ bản điều kiện tự nhiên nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp không quá quan trọng. Chế độ sở hữu ruộng đất nhà nước dần tan rã mà chuyển dần sang chế độ tư hữu do chế độ phân phong ruộng đất bị phá vỡ, chế độ tỉnh điền tan ra, quý tộc sử dụng sức lao động của nô lệ để khai thác và biến đất hoang thành đất của mình, việc mua bán ruộng đất phổ biến và chủ sở hữu đa phần là quý. Kinh tế địa chủ với quan hệ địa chủ - tá điền chiếm ưu thế, ruộng đất thuộc sở hữu của nhà nước, một phần ruộng đất được phân phong cho quý tộc, quan lại, một phần được cấp cho nông dân theo định kỳ để nhà nước thu thuế (chế độ quân điền). Thương nghiệp của Trung Quốc cũng phát triển mạnh hơn do số dư của cải vật chất và tình hình trong nước ổn định.

Cơ sở kinh tế của nhà nước phong kiến Việt Nam lại chủ yếu là giai đoạn khôi phục nền kinh tế vốn bị tàn phá nặng nề bởi chính sách bóc lột của chính quyền phong kiến phương Bắc trước đó. Vua xác lập quyền sở hữu tối cao của mình đối với đất đai, tiến hành chia đất cho dân cày cấy để khôi phục sức sản xuất, thi hành nhiều chính sách khuyến nông. Các ngành nghề thủ công nghiệp như dệt vải, đan lát, gốm sứ,... và các hoạt động buôn bán, trao đổi được tạo điều kiện phát triển. Tuy nhiên do tình trạng nội chiến phổ biến và xu hướng tăng cường sức mạnh quân sự đối phó giặc ngoại xâm mà nhà nước ta không có điều kiện quan tâm nhiều đối với sự phát triển kinh tế bền vững.

2.2. Cơ sở xã hội

2.2.1. Điểm giống nhau

Về cơ bản, tổ chức xã hội trong cả 2 nhà nước là công xã nông thôn. Mâu thuẫn giữa các giai cấp không quá gay gắt nặng nề. Do sự khác biệt về tình hình kinh tế và cách thức hình thành mà các tầng lớp trong hai nhà nước có sự khác biệt nhất định. Tầng lớp cai trị chủ yếu là vua, quan lại, quý tộc. Tầng lớp bị trị có nông dân tự do, nông dân lĩnh canh, nô tì, nô lệ. Trong đó, hai tầng lớp mới là địa chủ và nông dân lĩnh canh, mở thêm một phương thức bóc lột mới làm cơ sở kinh tế cho sự tồn tại của nhà nước phong kiến: bóc lột địa tô và nhiều khoản sưu thuế khác với nông dân.

Sự hình thành của nhà nước của cả 2 quốc gia đều dựa trên lí do trị thủy - thủy lợi và chiến tranh. Tác động của thiên tai bão lũ đối với nước có nền kinh tế chính là sản xuất nông nghiệp để lại hậu quả rất nghiêm trọng mà một nhóm người không thể tự giải quyết, phải có sự kết hợp của cả một tập thể. Chiến tranh liên miên, từ nội chiến đến ngoại chiến đều là cơ sở hình thành nên kiểu nhà nước phong kiến này. Đây cũng là lí do chủ yếu mà Trung Quốc và Việt Nam hình thành kiểu nhà nước phong kiến trong khi các điều kiện kịnh tế - xã hội chưa chín muồi.

2.2.2. Điểm khác nhau

Ở nhà nước phong kiến Trung Quốc, cùng với quá trình hình thành giai cấp địa chủ, nông dân cũng bị phân hoá. Một bộ phận giàu có thì nhập vào giai cấp bóc lột. Số khác vẫn giữ được ruộng đất dể cày cấy, họ là nông dân tự canh, có nghĩa vụ nộp thuế, đi lao dịch cho nhà nước (tô lao dịch). Số còn lại thì nghèo khổ, không có ruộng đất, phải xin nhận ruộng của địa chủ để cày cấy. Khi nhận ruộng, họ phải nộp một phần hoa lợi cho địa chủ, gọi là tô ruộng đất. Tầng lớp xã hội cuối cùng này là những tá điền, hay nông dân lĩnh canh. Như vậy, quan hệ chủ yếu trước kia là quan hệ bóc lột giữa quý tộc đối với nông dân công xã dần dần nhường chỗ cho quan hệ bóc lột địa tô của địa chủ với nông dân tá điền.

Ở nhà nước phong kiến Việt Nam, sự phân hóa xã hội chưa cao, song về cơ bản chế độ quân chủ của nhà nước phong kiến được thiết lập dẫn đến sự xuất hiện của tầng lớp địa chủ, quý tộc xuất hiện ngày càng nhiều bên cạnh tầng lớp vua, quan lại. Nông dân tự do vẫn là tầng lớp có số lượng lớn và là lực lượng sản xuất chính trong xã hội. Tuy nhiên do chính sách khuyến nông và mục đích khôi phục kinh tế mà phương thức bóc lột của địa chủ với nông dân có phần nhẹ hơn. Sự tồn tại của tầng lớp nô tì thấp kém lệ thuộc vào chủ sở hữu vẫn còn nhằm duy trì thế lực của giai cấp thống trị.

2.3. Cơ sở tư tưởng

2.3.1. Điểm giống nhau

Chế độ phong kiến phân quyền được hình thành và đi từ phân quyền đến tập quyền. Ở Trung Quốc là cuộc nội chiến giữa bảy nước lớn là Tề, Yên, Triệu, Ngụy, Hàn, Sở, Tần và kết thúc bằng sự thống nhất Trung Quốc của nhà Tần. Ở Việt Nam là loạn mười hai sứ quân và kết thúc bằng sự ra đời của nhà Đinh.

Cả hai nhà nước phong kiến đều lấy tôn giáo làm cơ sở lí luận cho sự thống trị của mình. Song bên cạnh tư tưởng chính, hai nhà nước có sự khác biệt do hoàn cảnh lịch sử tạo ra.

2.3.2. Điểm khác nhau

Trong giai đoạn đầu hình thành nhà nước phong kiến Trung Quốc, bên cảnh tư tưởng Nho giáo, nhà Tần cũng nổi lên một tư tưởng cai trị khác là Pháp trị thể hiện rõ rệt qua cải cách của Thương Ưởng giúp nhà Tần chinh phục toàn Trung Quốc.

Do hoàn cảnh chịu chiến tranh liên miên và thời gian ổn định đất nước ngắn, bên cạnh tư tưởng Nho giáo, tư tưởng truyền thống yêu nước cũng rất mạnh mẽ, làm căn cứ để nhân dân ta đứng lên đấu tranh bảo vệ lãnh thổ. Tư tưởng chính trị pháp lí làng xã bao gồm: tư tưởng tự trị - tự quản, tư tưởng trọng lệ hơn luật, tư tưởng lão quyền, tư tưởng tộc quyền và tư tưởng địa vị quan liêu có ảnh hưởng đáng kể đến sự hình thành và phát triển nhà nước phong kiến Việt Nam. Minh chứng cụ thể là bộ máy tự trị - tự quăn của làng xã thông qua hệ thống lệ làng được nhà nước phong kiến thừa nhận, thể hiện qua cấu trúc xã hội truyền thống "nhà - làng - nước". Nhà Tiền Lê là nhà nước phong kiến có thể chế khá vững chắc so với hai nhà Đinh và Ngô trước đó. Nhà Tiền Lê cũng vận dụng mạnh tư tưởng từ bi hỉ xả của Đạo Phật, thậm chí coi đó là Quốc giáo.

KẾT LUẬN

Nhà nước phong kiến Trung Quốc hay Việt Nam tuy có nhiều điểm khác nhau và những đặc trưng riêng, song đều là những kiểu nhà nước trong lịch sử góp phần bảo vệ lợi ích của giai cấp phong kiến thống trị, góp phần quản lý đời sống xã hội. Nó là kiểu nhà nước điển hình cần được nghiên cứu, tìm hiểu, có những nhìn nhận, đánh giá chính xác và đầy đủ, sâu sắc hơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007

2. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2007

3. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013

4. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật Việt Nam, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Hồng Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, 2013

5. Giáo trình Lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nguyễn Minh Tuấn, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2014

6. Lịch sử nhà nước và pháp luật, Dương Hồng Thị Phi Phi, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2017

7. Giáo trình Lí luận chung về nhà nước và pháp luật, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2016

8. Hội thảo khoa học: Quá trình giao lưu và tiếp biến văn hoá pháp luật giữa Việt Nam và Trung Quốc thời phong kiến, Trường Đại học Luật Hà Nội: Khoa hành chính nhà nước, Bộ môn lịch sử nhà nước và pháp luật - Trung tâm nghiên cứu pháp luật về tổ chức bộ máy nhà nước, Hà Nội, 2008

9. Nhà nước phong kiến với phong tục, tập quán làng xã, Bùi Xuân Đính, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật số chuyên đề tháng 11/1999, tr. 24 - 25.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#aaaa