Cố Ung - Có một mưu sĩ Tôn Ngô "khác biệt" Trương Chiêu

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Bất cứ đường lối chính trị nào, hình thế chính trị nào đều liên hệ với một quyền lực thống trị thì mới mong lâu dài, bền vững. Thời Tam quốc, Ngụy, Ngô, Thục do đường lối chính trị khác nhau, hình thể chính trị khác nhau, nên quyền lực thống trị cũng sai biệt.

Nước Ngụy quyền lực thống trị để bình định một tình trạng đã hỗn loạn đến cực độ nên phải áp dụng đạo hình danh của pháp gia, phải có những biện pháp mạnh, thủ đoạn nhiều trí thuật hơn từ ái nhân nghĩa.

Nước Thục vì dân tình hiểm ác, nên quyền lực thống trị tuy chủ trương nhân nghĩa nhưng cũng không thể không dùng đến đường lối mãnh liệt của pháp gia. Ở đây quyền lực thống trị mang tính chất "pháp đa nho thiểu", "pháp nho kiêm dụng". Nước Ngô nhờ địa lý phì nhiêu, dân tình khoan hậu, nhờ tâm lý nhất trí để chống đối với dị tộc của dân chúng, nên quyền lực thống trị ở đây chỉ cần một chính sách thi hành nhân ái, khoan hình giảm chính, tóm lại Đông Ngô thuần dụng đạo trị của nho gia để ổn định xã hội. Xã hội Đông Ngô bấy giờ so với các khu vực khác đáng gọi là thiên đường.

Công lệnh áp dụng trị đạo của nho gia ở Đông Ngô của ai?

- Của Tôn Quyền?

- Không đúng.

- Của thừa tướng Cố Ung là đây.

Cố Ung là thừa tướng thứ hai của nước Đông Ngô thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Cố Ung tự là Nguyên Thán, người đất Ngô ở Ngô Quận. Tổ 5 đời của ông là Cố Phụng làm Thái thú Dĩnh Xuyên nhà Đông Hán. Lịch sử tuy không chú ý mấy đến ông, thậm chí còn xếp Cố Ung đừng hàng dưới Trương Chiêu một bậc. Chuyển sang diễn nghĩa thì những người như ông không có chuyện lạ gì để nhà văn miêu tả hấp dẫn thì lại càng bị lu mờ hơn.

Thực ra đối với Đông Ngô, Cố Ung là người có công lao lớn nhất. Sở dĩ ông gần như bị quên lãng là vì chức vị của ông là chức vị thủ tướng hành chính, trong khi đương thời Tam quốc chỉ trọng những tranh phong chính trị, quân sự. Tôn Quyền tuy không có đại bản lĩnh, nhưng ở địa vị lãnh tụ. Sở trường của Quyền ở chỗ: Biết dụng người, biết tin và biết phân phối. Quyền rất nể Cố Ung, nhận thấy ở Ung một tài năng xuất chúng về nội chính nên giao phó trách nhiệm này cho Ung tới 19 năm trường. Hoàng Vũ tứ niên, Cố Ung từ giã mẹ già đi nhận lãnh chức vụ, Quyền ra tận ngoài tiếp đón, rồi lại gọi Thái tử tới lậy chào, trong khi Trương Chiêu tuổi lớn, tiếng xa mà Chiêu không được Quyền dùng ở ngôi vị này. Tại sao?

Tại Quyền nhận thấy Chiêu khí lượng hẹp hòi hay câu nệ câu chấp, một lần Quyền và Chiêu xích mích. Trương Chiêu cáo ốm không đến chầu. Tôn Quyền hối hận đến tạ lỗi, Chiêu cũng không ra, đến nỗi Quyền phải sai người đốt nhà Chiêu mới chịu ra. Do đó nhiều lần, mọi người khuyên Quyền đặt Chiêu vào ngôi vị Thừa tướng Quyền đều lờ đi. Khi thừa tướng Tôn Thiệu chết, mọi người lại đề cập đến Trương Chiêu thì Quyền từ chối khéo: "Bây giờ đương lúc gay go, chức cao thì trách nhiệm thêm nặng, lão thần đã già không nên phiền nhiễu ông ta làm gì".

Cố Ung đủ sở trường của Trương Chiêu, nhưng Ung hơn Chiêu ở điểm không có những sở đoản như Chiêu. Ung cương trực mà ý khí không loạn, nói thẳng, ưa điều hợp lý, mà vẫn giữ được thái độ khiêm nhượng, hòa nhã, luận đoán, kiến giải nhất nhất đều chính xác, đối xử với người rất chân thành. Ở chức Thừa tướng, tất phải có phong độ đại thần, công bình, dung hợp, tầng trên điều chỉnh trăm quan, tầng dưới yêu mến bảo vệ trăm họ. Những điều Trần Bình nói về trách nhiệm tể tướng, đại thần:

- "Trên thì phò thiên tử, điều hòa âm dương, thuận tứ thời, dưới thì nuôi vạn vật cho no đủ, sử dụng cho đúng mức, ngoài thì chấn áp tứ di, trong thì vỗ về trăm họ". Cố Ung đều có cả.

Cố Ung bao giờ cũng dùng nhân chính. Lần Tôn Quyền đi khảo sát dân tình, Cố Ung đã thảo cho Quyền một tờ lệnh như sau:

- "Nạn binh đao đã lâu ngày, khiến cho dân gian bê trễ việc ruộng nương cày cấy, chồng con bố mẹ không đủ nuôi thương nhau, ta rất lấy làm buồn. Nay giặc đã tạm yên, bên ngoài không có gì lo ngại, vậy truyền cho dân chúng ai về nhà nấy mà nghỉ ngơi, tiếp tục canh nông, phụng dưỡng tôn tộc".

Năm Xích Ô thứ ba, Cố Ung lại thay Tôn Quyền thảo chiếu lệnh:

- "Vua không có dân không lập, Dân không thóc gạo không sống. Gần đây dân bị phiền nhiễu vì binh dịch nên thóc không sinh sản nhiều. Thêm nạn quan tham lại nhũng chiếm đoạt của dân, khiến dân càng cùng khổ. Nay ra lệnh: bất cứ kẻ nào làm việc phi pháp đều gia tội nặng".

Nhờ Cố Ung, Tôn Quyền chẳng còn phải lo gì đến hậu phương nữa. Cố Ung qua đời, thọ 76 tuổi. Ông làm thừa tướng Đông Ngô tất cả 19 năm, là người ở ngôi vị thừa tướng lâu nhất trong cả 3 nước thời Tam Quốc. Tôn Quyền cử Lục Tốn lên thay ông sau đó, tiếp tục bước đường phát triển tiếp theo cho Giang Đông.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro