Lục Bình Trôi

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm nay hình như mùa nước nổi tới sớm hơn năm ngoái, trong nhà ai cũng chuẩn bị nào chài, nào lưới. Tôi cũng xách mấy cái lợp kiếm mớ cá cho bữa cơm chiều.
Đi ngang nhà Tím thấy nó ngồi giặt áo bên cầu mà mắt nhìn đau đáu qua đám chà cạnh mé sông.
Tôi nhón chân rón rén lại gần đập nước cái "bụp" làm nó giật mình, hàng chân mày xô lại, nhìn tôi bằng nửa con mắt. Tôi càng đắc ý chọc tiếp, không hiểu sao tôi thấy buồn cười mỗi khi nó sừng sộ với tôi. Nhại lại bài thơ Hàn Mặc Tử tôi đứng ra xa tầm một thước, lấy giọng.
- Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn kia cũng... khùng khùng.
Lần này Tím vẫn không chửi mà như dự đoán nó hất nguyên thau nước giặt đồ vào chân tôi.
Bước xuống bến nhà nó rửa chân, tôi cười hề hề.
- Chứ không khùng thả hồn bên đám chà đó làm gì?
Nó không nhìn tôi, cúi mặt bước lên bờ .
- Tại... thèm cá bống kho.
Cá bống kho chấm bông lục bình là món ăn người quê tôi ưa nhất.
Chẳng những người quê tôi mà người xứ khác tới họ cũng mê lắm.
Tôi nhớ ba năm trước cũng mùa nước nổi có một chiếc ghe bán lu kiệu neo ở đây. Người tài công năm đó nếu gặp lại chắc tôi không nhớ mặt nhưng người nào đó không biết đã quên chưa?
Anh tài công có ngón đờn kìm và giọng hát làm thổn thức trái tim mấy đứa con gái tuổi mười tám xóm tôi. Tụi nó tranh nhau xin học đờn, nghe hát. Đêm rằm, trăng thanh gió mát lại nghe bài dạ cổ hoài lang thì còn gì bằng nên tụi con gái mê còn hơn được tặng cho mấy chục bài thơ tình.
Năm đó, tôi cũng mười tám tuổi đạp con xe đòn dong theo sau một tà áo trắng năn nỉ để lên xe chở về. Dưới nắng chiều bím tóc quay ngoắt lại, nhìn tôi bằng nửa con mắt.
- Nhanh lên, trễ giờ học đờn bây giờ.
- Bộ mê đờn hả? Mê đờn hay mê... thầy ?!
Tôi cười ha ha nhưng miệng méo xệch vì hai bên ba sườn bị cấu đau điếng, chiếc xe lạng qua lách lại trên con đường đất mấp mô.
Đêm nước rong đi giăng lưới, tiếng muỗi vo ve không áp được tiếng đờn ca "từ là từ phu tướng, bảo kiếm sắc phong lên đàng..." nghe mà cá nó buồn không thèm mắc lưới, thiệt bực mình hết sức.
Mấy ngày sau đó, người con gái kia không cần tôi chở về nữa mà tự trèo lên đằng yên trước hì hục chở tôi. Vừa đạp xe vừa nhăn nhó chê tôi đàn ông con trai mà chạy xe rề rề như ma nắm đuôi .
- Mấy nay sao về lẹ vậy, không hái trứng cá như mọi khi?
- Ừ, về kho cá bống... Má kêu, mang cho thầy... Mà nữa về hái giúp mấy bông lục bình nghen, ăn vậy mới ngon.
Tôi làm thinh không ừ hử , hắng giọng:
- "Yêu là chết ở trong lòng một ít"_ rồi lại cười ha ha làm xe lảo đảo trên con đường đất mấp mô.
Con nước rằm dâng cao hơn thường ngày, trong chiếc ghe bán lu kiệu vọng ra tiếng hát không mấy mượt mà của cô gái mới lớn, nhưng giọng hát ấy rất chân thành mộc mạc.
"Cầu mong ông tơ se mối để cho hai đứa mình gần nhau, hẹn mai đông qua xuân tới đón anh về cho trọn tình em".
Rồi một ngày tôi mang cá bống với mớ bông lục bình qua nhà. Tôi chọc mấy cô ấy cũng không chửi tôi lấy một lời, mắt lại buồn buồn hướng về chiếc ghe rồi nhìn mấy cái bông trong rổ, lẩm bẩm.
- "Cố ý trồng hoa hoa chẳng nở".
- Hoa nào mà trồng chẳng nở? Nói cho biết ông đây mạng thổ không bông nào mà trồng không được.
Thấy tôi vênh mặt cười láo thì lại bực dọc hất hàm ra sông, gắt gỏng:
- Bông lục bình, trồng được không?
Tôi cứng lưỡi. Ậm ực quay về.
Ngày hôm ấy, tôi nằm vùi từ sáng tới chiều trong đầu cứ nghĩ mà tức mình. Bông huệ, bông hồng không thích mà lại đi thích cái màu tím buồn hiu lênh đênh trên nước, lục bình suốt đời theo nước mà trôi đâu cần bến bờ. Mắc công chi vậy!
Mặt trời sắp lặn soi xuống dòng nước càng thêm đỏ, chiếc xuồng nhỏ loay hoay giữa dòng trên xuồng chất đầy lục bình và mấy cây chà chôm. Ừ thì lục bình không trồng được, trồng không được nhưng... giữ lại được.
Rồi một ngày cũng như mọi ngày áo dài trắng hì hục chở tôi lảo đảo trên con đường đất. Nhưng hôm ấy, không những lỡ giờ học đờn mà còn lỡ mất một khoảng trời trong tim người con gái.
Chiếc ghe bán lu kiệu không còn neo đậu bên bờ sông, mỗi đêm không còn nghe tiếng đờn kìm. Tụi con gái xóm tôi cũng không còn mỗi chiều phải bận bịu chỉn chu. Từ đó, trên chiếc xe đòn dong tôi lại trở về yên trước rề rề đạp về nhà sau mỗi giờ tan học.
Cũng đã lâu tôi không còn nhớ nổi dáng vẻ của anh tài công kiêm thầy đờn năm nào nhưng tôi chắc rằng mình chưa bao quên được hình ảnh trong đêm mưa gió ấy. Thân ảnh gầy nhỏ bị làn mưa bao lấy, cô gái ấy với tay phá đám chà cho lục bình trôi theo dòng nước.
Con nước năm nay coi bộ nhiều hơn những năm trước bởi màu nước đậm phù sa đỏ lừ . Đứng trên cầu nhìn nước xiết vào chân cầu tạo thành những dòng xoáy nhỏ. Từng mảng lục bình vẫn theo nước trôi xuôi.
Hết.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro