Chương 4: Tài chính trung gian

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A. TÍN DỤNG

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ TÍN DỤNG

1. Cơ sở ra đời và sự phát triển của tín dụng

1.1 Cơ sở ra đời của tín dụng:

Trong chế độ Cộng sản nguyên thuỷ, khi nền kinh tế còn dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất và lực lượng sản xuất còn ở trình độ thấp kém thì giữa các cơ sở kinh tế, hiện tượng vay mượn hầu như chưa xuất hiện.

Khi xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất và phân công lao động xã hội thì trong xã hội hình thành quan hệ trao đổi hàng hoá. Khi đó các mối quan hệ kinh tế trong xã hội cũng bắt đầu xuất hiện, đồng thời sự phân hoá giàu nghèo đã có cơ sở phát triển nhanh chóng. Một số người trở nên giàu có, dư thừa về thừa về tư liệu sản xuất và vật phẩm tiêu dùng. Bên cạnh đó một số người lại trở nên túng thiếu. Để duy trì cuộc sống trong xã hội tất yếu phải diễn ra quá trình điều hoà sản phẩm từ nơi thừa đến nơi thiếu và hiện tượng vay mượn xuất hiện. Nói cách khác, các quan hệ tín dụng ra đời.

1.2. Sự phát triển của tín dụng:

Trong chế độ chiếm hữu nô lệ và phong kiến, tín dụng nặng là một hình thức vay mượn phổ biến. Sự phát triển của tín dụng nặng lãi là cơ sở quan trọng cho sự ra đời và phát triển của các hình thức tín dụng mới.

Trong nền kinh tế thị trường hiện đại, do lãi suất cao nên tín dụng nặng lãi không còn phù hợp. Nó dần được thay thế bằng hình thức tín dụng trong nền kinh tế thị trường hiện đại.

Khái niệm: Tín dụng là quan hệ sử dụng vốn lẫn nhau giữa những người đi vay và những người cho vay dựa trên nguyên tắc hoàn trả.

2. Đặc điểm của tín dụng:

- Phân phối của tín dụng mang tính chất hoàn trả

- Giá cả trong hoạt động tín dụng là loại giá cả đặc biệt

3. Vai trò của tín dụng trong nền kinh tế thị trường:

- Tín dụng góp phần đảm bảo cho quá trình sản xuất kinh doanh diễn ra thường xuyên, liên tục. Tín dụng góp phần thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

- Tín dụng góp phần điều chỉnh, ổn định và tăng trưởng kinh tế.

- Tín dụng góp phần nâng cao đời sống của nhân dân và thực hiện các chính sách xã hội khác của Nhà nước.

- Tín dụng góp phần mở rộng quan hệ quốc tế, tăng cường khả năng hội nhập của kinh tế quốc gia vào kinh tế toàn cầu.

II. CÁC HÌNH THỨC CỦA TÍN DỤNG

1. Căn cứ vào đối tượng tín dụng

- Tín dụng vốn lưu động: Là loại tín dụng được cung cấp nhằm hình thành hay bổ sung vốn lưu động cho các doanh nghiệp.

- Tín dụng vốn cố định: Là loại tín dụng được cung cấp nhằm hình thành vốn cố định của doanh nghiệp.

2. Căn cứ vào chủ thể cấp tín dụng

- Tín dụng thương mại: Là quan hệ tín dụng giữa các doanh nghiệp, được biểu hiện dưới hình thức mua bán chịu hàng hoá.

- Tín dụng Ngân hàng: Là quan hệ tín dụng giữa ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác với các doanh nghiệp và cá nhân.

- Tín dụng nhà nước: Là quan hệ tín dụng trong đó NN đóng vai trò là người đi vay.

Nhà nước có thể phát hành trái phiếu, công trái để vay vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tầng lớp dân cư để giải quyết các nhu cầu chi tiêu của mình.

- Tín dụng thuê mua: Là quan hệ tín dụng nảy sinh giữa công ty tài chính với những người sản xuất, kinh doanh dưới hình thức cho thuê tài chính.

- Tín dụng tiêu dùng: Là quan hệ tín dụng giữa công ty tài chính với người tiêu dùng để đáp ứng nhu cầu về tiêu dung.

- Tín dụng quốc tế: Là tổng thể quan hệ kinh tế phát sinh giữa các chủ thể của một nước với các chủ thể của nước khác, và với các tổ chức quốc tế khi cho vay và trả nợ tiền vay theo những nguyên tắc của tín dụng.

3. Căn cứ vào thời hạn của tín dụng

- Tín dụng ngắn hạn:

Là loại tín dụng có thời hạn cho vay vốn dưới một năm, thường đựoc sử dụng để cho vay bổ sung, tăng cường khả năng vốn lưu động cần thiết, khắc phục tình trạng thiếu vốn có tính chất tạm thời trong sản xuất – kinh doanh hoặc cho vay phục vụ nhu cầu sinh hoạt tiêu dùng cá nhân.

- Tín dụng trung hạn:

Là loại tín dụng có thời hạn cho vay vốn từ 1 đến 5 năm, thường được sử dụng để cho vay vốn phục vụ yêu cầu mua sắm tài sản cố định, cải tiến và đổi mới công nghệ kỹ thuật, mở rộng và xây dựng các công trình nhỏ có thời gian thu hồi vốn nhanh.

- Tín dụng dài hạn:

Là loại tín dụng có thời hạn cho vay vốn trên 5 năm, thường sử dụng để cung cấp vốn cho xây dựng cơ bản, cải tiến và mở rộng sản xuất kinh doanh có quy mô lớn.

3. LÃI SUẤT CỦA TÍN DỤNG

3.1. Khái niệm

 Là tỷ lệ phần trăm so sánh giữa số lợi tức thu được với số tiền cho vay phát ra trong một thời kỳ nhất định (thường tính trên 1 năm)

3.2. Ý nghĩa của lãi suất tín dụng

- Với tư cách là một công cụ quan trọng của chính sách tiền tệ, lãi suất tín dụng giúp Chính phủ tác động vào nền kinh tế, kiểm soát lượng cung ứng tiền tệ, điều chính khối lượng tiền tệ trong lưu thông.

- Lãi suất tín dụng cũng tác động rất lớn đến những quyết định kinh tế của các cá nhân cũng như các doanh nghiệp trong việc chi tiêu hay tiết kiệm, đầu tư vào sản xuất kinh doanh hay cho vay vốn để lấy lãi.

3.3. Các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất

- Khả năng cung ứng và nhu cầu vốn trên thị trường: Khi lượng vốn cung ứng trên thị trường lớn hơn nhu cầu sẽ làm cho lãi suất giảm và ngược lại..

- Lạm phát: Khi lạm phát tăng lên thì lãi suất tín dụng cũng có xu hướng tăng theo.

- Chính sách tiền tệ của Chính phủ:

VD: Khi Nhà nước thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt thông qua việc Ngân hàng trung ương tăng lãi suất tái chiết khấu làm giảm bớt khối lượng tín dụng của các ngân hàng thương mại, buộc các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất cho vay đối với khách hàng, từ đó lãi suất trên thị trường có xu hướng tăng lên.

- Rủi ro và kỳ hạn của tín dụng

Khi thời hạn cho vay dài, độ rủi ro lớn thì lãi suất cho vay sẽ cao, ngược lại thời hạn cho vay ngắn, độ an toàn cao thì lãi suất cho vay sẽ thấp.

- Các nhân tố khác: Sự ổn định kinh tế chính trị, tỷ giá hối đoái, tình hình tài chính quốc tế, ...

B. BẢO HIỂM

I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VỀ BẢO HIỂM

1. Khái niệm

Bảo hiểm là một phạm trù tài chính gắn liền với các quan hệ kinh tế phát sinh trong quá trình hình thành, phân phối và sử dụng quỹ bảo hiểm nhằm đảm bảo cho quá trình tái sản xuất xã hội và đời sống của con người trong xã hội được ổn định và phát triển bình thường trong điều kiện có những biến cố bất lợi xảy ra.

2. Đặc điểm và các nguyên tắc chung của bảo hiểm

2.1 Đặc điểm

- Bảo hiểm vừa mang tính bồi hoàn, vừa mang tính không bồi hoàn

Trong thời gian được bảo hiểm, nếu không có rủi ro gây thiệt hại hay biến cố bảo hiểm xảy ra thì người bảo hiểm không phải bồi thường cho bên mua bảo hiểm và ngược lại.

- Việc phân phối và sử dụng quỹ bảo hiểm không xác định trước được về quy mô, thời gian diễn ra.

Bồi hoàn và chi trả của bảo hiểm có tính bất ngờ cả về thời gian, không gian cũng như quy mô.

- Bảo hiểm là một loại dịch vụ tài chính đặc biệt

2.2 Nguyên tắc

- Xác định được quỹ tiền tệ cần thiết tối thiểu để bù đắp những tổn thất bất ngờ xảy ra

- Nguyên tắc lấy số đông bù số ít.

- Các đối tượng tham gia BH phải tham gia đóng bảo hiểm phí trước khi xảy ra rủi ro.

- Những tổn thất do chủ quan, không thực hiện đúng quy định của pháp luật thì không được đền bù.

3. Vai trò của bảo hiểm

- Góp phần ổn định sản xuất và ổn định đời sống

- Góp phần cung ứng vốn cho phát triển kinh tế - xh bằng các nguồn tài chính nhàn rỗi.

- Hỗ trợ và thực hiện các biện pháp an toàn lao động, tạo điều kiện để cải thiện, nâng cao sức khoẻ cho người lao động.

2. Các hình thức bảo hiểm:

2.1 Căn cứ vào mục đích hoạt động của các tổ chức bảo hiểm

- Bảo hiểm có mục đích kinh doanh: Là các hoạt động BH vì mục tiêu lợi nhuân, tổ chức bảo hiểm tìm kiếm lợi ích kinh tế trên cơ sở các hợp đồng bảo hiểm - nhận bảo hiểm phí và cam kết thực hiện bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm

- Bảo hiểm không có mục đích kinh doanh: Là hoạt động bảo hiểm không vì mục tiêu lợi nhuận mà nhằm mục đích tương hỗ giữa các thành viên tham gia.

VD: Quỹ dự trữ tập trung của nhà nước, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,… Các quỹ này phục vụ cho mục tiêu an toàn, ổn định sự phát triển của nền kinh tế, của từng đơn vị doanh nghiệp, từng hộ gia đình hay cá nhân.

2.2 Căn cứ vào hình thức xây dựng quỹ dự trữ bảo hiểm

- Quỹ dự trữ bảo hiểm không tập trung: Được thành lập trong các doanh nghiệp, các đơn vị kinh tế tập thể, các hộ gia đình nhằm bù đắp những tổn thất do rủi ro xảy ra trong từng đơn vị, từng gia đình. Nguồn hình thành của quỹ được trích từ thu nhập của đơn vị, gia đình,…

- Quỹ dự trữ bảo hiểm tập trung: Do Nhà nước xây dựng, quản lý và sử dụng. Nguồn hình thành của quỹ này lấy từ nguồn vốn của NSNN.

- Quỹ dự trữ bảo hiểm của các tổ chức bảo hiểm: Là hình thức dự trữ tập trung bằng tiền do các tổ chức bảo hiểm đảm nhận các dịch vụ bảo hiểm. Nguồn hình thành quỹ do các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm đóng góp.

2.3 Căn cứ vào phương thức hoạt động

2.3.1.Bảo hiểm thương mại

* Khái niệm:

Bảo hiểm thương mại là hệ thống các quan hệ kinh tế gắn liền với việc huy động các nguồn lực tài chính thông qua sự đóng góp của các tổ chức và cá nhân tham gia bảo hiểm để lập quỹ bảo hiểm, phân phối sử dụng chúng để trả tiền bồi thường cho người tham gia bảo hiểm khi gặp rủi ro bất ngờ.

* Đặc điểm:

- Ngoài mục đích bồi đắp bồi thường những tổn thất cho các đối tượng được bảo hiểm khi xảy ra sự cố bất ngờ, bảo hiểm thương mại còn mang mục đích kinh doanh. Nghĩa là khi không xảy ra rủi ro thì không phải bồi hoàn bảo hiểm phí sẽ tạo ra thu nhập cho người kinh doanh bảo hiểm.

- Tính chất bồi hoàn của bảo hiểm thương mại không biết trước được về thời gian, không gian và quy mô, chỉ xác định được khi rủi ro thực tế đã xảy ra.

- Việc bồi thường tổn thất thực tế cho người tham gia bảo hiểm thường rất lớn, lớn hơn rất nhiều lần so với số tiền bảo hiểm phí đã đóng góp.

2.3.2. Bảo hiểm xã hội

* Khái niệm: Bảo hiểm xã hội là sự đảm bảo thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi họ gặp những rủi ro làm giảm hoặc mất khả năng thu nhập từ lao động hoặc mất việc làm thông qua việc hình thành và sử dụng một quỹ tiền tệ do sự đóng góp của các bên tham gia bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo an toàn đời sống của người lao động và gia đình họ, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn xã hội.

* Đặc điểm:

- Mục đích của hoạt động bảo hiểm xã hội không vì lợi nhuận mà vì quyền lợi của người lao động, của cả cộng đồng.

- Việc phân phối sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội được chia thành 2 phần: phần thực hiện chế độ hưu trí mang tính chất bồi hoàn và phần còn lại vừa mang tính chất bồi hoàn vừa mang tính chất không bồi hoàn.

- Sự tồn tại và phát triển của quỹ bảo hiểm xã hội phụ thuộc vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của xã hội loài người nói chung, của từng nước nói riêng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro