2008

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Năm 2008 là năm mà Việt Nam và toàn thế giới phải đón nhận hàng loạt biến động lớn trên nhiều phương diện, từ kinh tế, chính trị, ngoại giao cho đến thiên tai, dịch bệnh. Đây cũng là năm mà Kỳ Lâm bắt đầu được nghe người lớn trong nhà nói chuyện với nhau về lạm phát và khủng hoảng kinh tế. Cái đầu của một đứa con nít tám tuổi thì làm sao mà hiểu được lạm phát có nghĩa là gì, nó chỉ nhạy cảm nhận ra bố Vũ hút thuốc nhiều hơn và ba Nguyên có những đêm nằm dỗ nó ngủ đều cố nén tiếng thở dài.

Cơn sóng thần tài chính quét ngang qua, kinh tế tài chính toàn cầu lao đao, lạm phát ở Việt Nam có thời điểm lên đến 23%, điều đó đồng nghĩa với việc đồng tiền bị mất giá nghiêm trọng và kéo theo giá cả hàng hóa tăng lên nhanh đến chóng mặt. Biến động kinh tế ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, nhiều doanh nghiệp bị sóng đánh hụt chân khiến cơ số lao động phổ thông mất việc. Lâm may mắn hơn nhiều bạn bè của nó vì bố Vũ làm công chức nhà nước, ba Nguyên là giáo viên dạy nhạc trong trường tiểu học, người lớn nhà nó không ai phá sản hay mất việc, dù lạm phát khiến đồng lương của hai người cha trở nên eo hẹp hơn thì ít ra Lâm cũng không bị đói.

Rất nhiều năm về sau, khi ôn lại tuổi thơ của mình, Kỳ Lâm đều nhớ đến cái ao mọc đầy rau muống, rau nhút, rau ngổ sau nhà. Đám rau đó bao năm vẫn mọc um tùm chả ai thèm đụng tới, đùng cái khủng hoảng kinh tế, rau trong ao vơi dần từng ngày, có lần nó nghe ba nói với bố may quá ngày xưa mua đất không lấp mất cái ao, đỡ biết bao nhiêu tiền chợ. Nhưng nhớ nhung cái ao đầy rau ngổ là chuyện của tương lai, ở cái thời điểm mà Lâm thèm canh rau ngổ cá lóc nhưng chẳng tìm được cọng rau ngổ nào trong siêu thị, còn bây giờ, ở năm 2008, nhóc Kỳ Lâm đang khóc ròng với việc mỗi ngày đều phải ăn rau.

Con nít mà, ít có đứa nào chịu ăn rau đàng hoàng lắm, Kỳ Lâm cũng thế, nó kén ăn, con nít nhà khác ghét rau, nó ghét cả rau cả thịt, lại còn bị chứng biếng ăn, suy dinh dưỡng nặng nên người lúc nào cũng tong teo như cái que. Ba Nguyên của nó rầu vô cùng, bình thường vẫn còn có thể biến tấu món này món nọ ép nó ăn cho đủ chất, dạo gần đây trong nhà kinh tế khó khăn, mua này mua kia đều phải suy nghĩ cho kỹ. Mà phàm nghĩ nhiều vẫn cứ bế tắc thì ai mà chả tự mình phát cáu, cơ mà không cáu được với con nhỏ thì cáu với ai bây giờ, với chồng chứ ai.

Thế là người cán bộ chuyên cần, người bố mẫu mực Châu - vừa đi làm về - Kha - đếch biết chuyện gì vừa xảy ra - Vũ vô cùng hân hạnh được lãnh một loạt đạn từ phía người thầy giáo giỏi việc cơ quan, đảm đang việc nhà Trương - đang cáu thằng con - Gia - thôi mắng thằng bố nó đã - Nguyên.

Nhà nào mà chẳng có mái, dù sao Kha Vũ cũng sẽ không cãi Gia Nguyên. Anh biết cậu ấy chỉ đang rất mệt mỏi, rất bế tắc, Gia Nguyên chỉ đang cần một lý do để xả hết những tiêu cực tích tụ trong lòng mình ra, cậu cũng không giống như nhà khác điên lên là chửi chồng như tát nước vào mặt, Gia Nguyên chỉ lạnh mặt, càu nhàu liên tục đủ thứ chuyện lông gà vỏ tỏi. Từ chuyện hôm qua anh đi làm về vứt tất lung tung đến chuyện hôm nảo hôm nao anh dám đi nhậu nhẹt chè chén mà không xin phép tôi. Những lúc như thế này, cây cột nhà tiêu biểu Châu Kha Vũ chỉ lẳng lặng cất cặp táp, thay quần áo, tự giác vào bếp nhặt rau cho em thương nhà mình, nhặt được hơn nửa rổ rau thể nào người kia cũng hết giận thôi.

"Anh này"

"Ừ?" Kha Vũ vẫn cắm mặt vào rổ rau.

"Con mình sắp lên lớp ba rồi"

"Sao tự nhiên em nhắc chuyện này vậy?" Cọng rau muống rơi lại vào cái rổ, anh ngẩng đầu nhìn Gia Nguyên, cậu vẫn dán mắt vào nồi canh đang sôi lục bục trên bếp.

"Lương công chức của hai đứa mình cộng lại cũng chỉ đủ ăn thôi, cũng không biết bao giờ đợt khủng hoảng này mới đi qua nữa"

"Chiều em tính lên nhà anh Thao lựa khúc vải trắng, năm sau may cho con cái áo trắng đi học..."

"Nhưng mà giá gạo lại tăng rồi..."

"Em cứ để tiền chợ đi, lấy tiền trực thứ 7 của anh may đồ cho con"

"Thôi, cái đó để phòng bất trắc mà!"

Kỳ Lâm ngồi dưới cửa sổ nhà bếp, nó nghe không sót một câu nào trong cuộc hội thoại của hai vị phụ huynh, cái đầu non nớt của thằng bé có thể không hiểu cái gì là lạm phát, nhưng nó hiểu câu giá gạo lại tăng.

Giá gạo tăng, nhưng mà lương không tăng.

Tối hôm đó, khi tắt đèn đi ngủ, Kỳ Lâm ôm cái gối in hình ếch xanh của nó trèo lên giường của ba và bố, chui vào nằm giữa hai người trong ánh mắt khó chịu của bố Vũ. Ba Nguyên chỉ cười cười, vuốt nhẹ tóc nó, nó áp má mình vào ngực ba, thỏ thẻ rằng nó không cần may áo mới, áo cũ của nó vẫn mặc vừa, vẫn còn rất trắng, rất đẹp. Ba chỉ nói con nít đừng quan tâm mấy chuyện này, để người lớn lo. Kỳ Lâm không bao giờ kể với ba nó rằng thực ra đêm đó nó ngủ không sâu, Lâm vẫn nghe được tiếng ba Nguyên khẽ sụt sịt như đang khóc, cùng với tiếng cửa cọt kẹt rất nhẹ, trong đêm vắng, nó nghe ba nhắc bố vào ngủ đi, đừng hút thuốc nữa.

Lâm bỗng cảm thấy hình như nó đã hết chứng kén ăn.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro