ma câm _ ma khóc dưới hồ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ma Câm - Ma khóc dưới hồ Tiên Đôn - Tập 1 - Chương 1
Chương 1.

Chuyện kể về chợ âm phủ . Trước đây, khái niệm "Chợ âm phủ" mà người Bắc Kinh xưa hay gọi còn có tên "Chợ ma" hoặc chợ đêm. Những loại chợ như thế này thường được họp ở một số nơi nhất định. Vào canh tư, khi trời còn tối đen chưa có chút ánh nắng, hàng hóa được bày ra bán và toàn hàng không rõ nguồn gốc. Mỗi lần đến chợ âm phủ, người ta thường thấy những bóng hình dật dờ qua lại không rõ là người hay là ma, khiến những ai yếu bóng vía đều không dám tiến lại gần.

Nhắc đến chợ âm phủ, tôi muốn nói đến một người tên là Nghĩa, người dân quanh đây vẫn gọi là lão Nghĩa mù. Ngày trước, phía ngoài cổng Nam có rất nhiều người sinh sống bằng nghề khiêng kiệu. Khiêng kiệu cũng có nhiều loại, loại kiệu bên trong có chiếc hòm màu đen, khiêng thẳng ra nghĩa trang để chôn cất đó là khiêng người chết, còn khiêng người sống thì dân gian gọi là phu khiêng kiệu. Người ta gọi nơi các phu khiêng kiệu ở là hẻm Giang phòng, cái tên này được dùng đến tận ngày nay. Gia đình lão Nghĩa mù sống ở khu phố đó. Trước giải phóng, lão sống qua ngày bằng việc đi đào trộm mồ mả, giới trong nghề gọi đây là "đổ đấu", lão cũng không phải mù thật, chỉ do tuổi tác cao, nhìn mọi thứ không còn được tinh tường, nhiều lúc nhầm lẫn dến dở khóc dở cười, dần dần bà con lối xóm gọi luôn lão là Nghĩa mù. Mắt lão kém đến mức, có lần giữa ban ngày ban mặt, đang đi trên đường, bỗng lão nhìn thấy vật gì đen đen của ai đánh rơi, lão nghĩ bụng: "Ai làm rơi món hàng da thế này nhỉ?", rồi nhân lúc không có người định cúi xuống nhặt mang về, nào ngờ, lão vừa mới thò tay ra, thì nghe tiếng sủa gâu gâu, rồi thấy bóng một con chó vàng vụt chạy qua bên kia đường.

Một lần khác, lão Nghĩa mù mua hai chiếc bánh mì nướng, bên trên còn rắc một ít vừng đen, bánh vừa mới ra lò còn nóng hổi, phải ăn lúc còn nóng mới ngon. Hôm đó gió to trời lạnh, lão chọn một bức tường khuất gió đừng ăn cho đỡ rét mà không biết trên bức tường có dán tờ cáo thị, trên tờ cáo thị đóng dấu đỏ tròn. Trước kia thường dùng dấu vuông, sau này mới đổi thành dấu tròn, thời đó nào có mấy người biết chữ. Lúc này, có người đi ngang qua ghé vào xem cáo thị, người qua đường này cũng chưa nhìn thấy dấu tròn bao giờ, cứ ngỡ lão Nghĩa mù đã đọc cáo thị rồi lên tiếng hỏi cái tròn tròn kia là gì, lão Nghĩa mù trả lời: "Là bánh mì chứ là gì nữa, cậu thích ăn thì tự đi mà mua". Người qua đường không hiểu lão đang nói gì, chỉ lên chỗ cáo thị hỏi lại lần nữa: "Không phải bánh mì, tôi hỏi cái bên trên kia cơ?" Lão Nghĩa mù trả lời: "Bên trên và vừng", đúng là ông nói gà bà nói vịt, hai người lời qua tiếng lại một lúc suýt chút nữa thì xảy ra ẩu đả. Nhưng câu chuyện này chưa hẳn đã là thật, có thể mọi người cố tình bịa ra nhưng chung quy là cả khu phố đều biết đến lão Nghĩa mù. Còn nghe nói có lần lão đang đi bộ, thấy một chiếc đinh mũ nằm giữa đường, ánh lên những tia sáng lóng lánh dưới trời nắng. Cứ tưởng rằng đó là viên ngọc trai do ai đánh rơi, lão liền nhặt vội cầm chặt trong tay. Lão bị chiếc đinh đâm cho chảy máu, liền vứt đi. Nhưng lão cúng không nghĩ rằng mình mắt kém nhìn nhầm mà tự lẩm bẩm: "Xời, hóa ra là con sâu, bóp nát chảy cả máu".

Chung quy là mắt của lão Nghĩa mù rất kém, nếu trời nổi gió cuốn bay những cọng lông gà, lão lại tưởng là một đàn chim sẻ bay qua. Mặc dù mắt lão chưa phải là mù hẳn nhưng không thể tiếp tục kiếm cơm bằng nghề đổ đấu được nữa. Vậy là, lão đành chuyển sang buôn bán nhỏ tại chợ âm phủ. Kiểu buôn bán của lão cũng khác người, chỉ là bày bán vài bao "thắp đèn" trên một tấm bạt trải dưới đất, bao thắp đèn chính là bao diêm, bao thắp đèn là các gọi xưa. Ở chợ âm phủ nếu đến mua diêm, người ta gọi lóng là "đổi trống mềm", thắp đèn gợi liên tưởng đên ánh sáng, nghĩa là "minh", mà "minh" còn có nghĩa khác là "âm phủ". Lão bán diêm là muốn ngầm bảo mọi người rằng mình chuyên thu những món đồ móc lên từ mộ cũ. Lão Nghĩa mù ngồi đó, chẳng thèm hỏi han ai, càng không buồn đoái hoài đến những người lạ. Lão Nghĩa mù kể lại, chuyện mắt của lão bị mù cũng rất ly kỳ. Từ lúc lão vẫn còn làm nghề đổ đấu, có lần đi đào mả ở tỉnh khác, nghe một người đồng hương kể lại rằng tại một ngọn núi ở vùng này thường xuyên xảy ra một hiện tượng lạ. Cứ mỗi đên trăng rằm, trên ngọn núi đó lại xuất hiện một đốm sáng, không rõ là vật gì, nhìn từ xa trông cứ như có hai vầng trăng sáng.

Lão Nghĩa mù nghe kể, chắc mẩm trên núi có mộ cổ chôn nhiều báu vật, liền hỏi thăm đường lên núi. Đến chập tối thì tới được chân núi, trời bỗng nổi mây đen, loáng thoáng nghe thấy tiếng sấm xa. Sợ trời đổ mưa sẽ khó lên núi, lão dừng chân quan sát xung quanh, thấy một ngôi chùa bỏ hoang bên đường liền quyết định nghỉ đêm tại đây. Vì đã bị bỏ hoang lâu ngày nên trong chùa không còn tăng ni sư sãi, lão cùng không phải người tin tà ma, bèn thắp đèn lên rồi đi vào bên trong Phật điện, phía sau bức tượng phật có một gian phòng nhỏ, hai cửa sập sệ, hỏng nát, mở ra là không đóng lại được nữa. Lão gom mớ rơm trên sàn lại một góc làm chỗ nằm, một mình ngồi trong phòng mở lương khô ra ăn cho đỡ đói, không để ý tiếng gió bên ngoài mỗi lúc một gấp hơn, trờ đất tối sầm, chưa có mưa nhưng tiếng sấm xa thì nổi lên không ngớt. Đang định đi nằm, bỗng nghe phía bên ngoài có tiếng động, sợ gặp phải bọn cướp, lão vội ra ngoài, nấp sau bức tượng Phật nghe ngóng tình hình. Lúc này, cửa chùa bật mở, một người con cái mặc chiếc váy màu xanh từ bên ngoài bước vào, lão Nghĩa mù bất chợt giật mình, bao nhiêu năm làm nghề đào mả trộm khiến nhãn lực của lão cũng trở nên khác thường, cơ thể cô gái này tỏa ra một luồng âm khí, cứ như cô ta vừa mới bò ra từ một ngôi mộ nào vậy. Cô gái vội vàng đi vào trong, quỳ xuống trước tượng Phật vái lạy liên hồi. Bên ngoài, chớp giật ngoằn nghèo, sáng chói trên bầu trời, rồi đánh thẳng vào trong chùa, ngôi chùa bốc cháy, lão Nghĩa mù hồn bay phách lạc, không rõ lai lịch của người con gái này thế nào mà phải tới ngôi chùa hoang này tránh thiên lôi?

Cô gái dường như cũng phát hiện ra phía sau bức tượng có người, bất chợt ngẩng đầu lên, lão Nghĩa mù kinh hoàng, trên mặt cô gái có tới sáu con mắt, lão vội cắm đầu bỏ chạy, cô gái đuổi theo phía sau lưng, bất chợt một tia sét nổi lên đánh trúng ngay giữa đỉnh đầu cô gái, lão Nghĩa mù cũng lăn ra bất tỉnh, đôi mắt của lão bị lửa sét thiêu đốt, chưa đến nỗi mù nhưng không nhìn rõ được nữa. Ngày hôm sau, người dân đi ngang qua ngôi chùa hoang đã cứu lão, họ còn thấy một con nhện rất to bị sét đánh chết nằm trên nền nhà, trong bụng con nhện đó toàn là những viên đá thoạt trông như những viên ngọc bích, tựa ngọc mà lại không phải là ngọc, đến tối những viên đá này phát ra ánh sáng lấp lánh, trông như ánh trăng. Đây chính là nguyên nhân mà người dân nhìn thấy hai vầng trăng vào những đêm trăng sáng. 2

Lời của lão Nghĩa mù có đúng hay không, không có cơ sở để xác minh, nhưng tôi không mấy tin vào cái chuyện ly kỳ này. Nghe nói, lão Nghĩa mù đã từng cứu mạng tôi. Tôi tuổi rắn, theo lời các cụ, rắn là rồng nhỏ. Hồi tôi khoảng ba bốn tuổi, một lần bố tôi tan ca đêm, một mình đạp xe trở về nhà, khi rẽ vào con đường đất bỗng thấy chiếc xe nảy lên như vừa đằn qua một vật gì đó, bố tôi dừng lại xem thì thấy ông vừa cán chết một con rắn, cũng không nghĩ ngợi gì nhiều, ông lên xe chuẩn bị đi tiếp, bỗng phía trước xuất hiện một cậu bé chắn ngang đường giận dữ nói: "Ông đâm chết tôi cũng không sao, nhưng tôi sẽ bắt người tuổi rắn trong nhà ông phải đền mạng", nói xong cậu bé biến mất. Về nhà, bố thấy tôi đang sốt cao, miệng nói mê sảng, chữa chạy khắp nơi mà không khỏi. Hàng xóm đều nói rằng tôi bị trúng tà. Lão Nghĩa mù có quan hệ rất đặc biệt với gia đình tôi, lão là anh em kết nghĩa với ông nội tôi, bố tôi biết lão rất rành về lĩnh vực này, liền đem chuyện đêm hôm nọ cán chết con rắt dọc đường kể cho lão nghe và nhờ lão nghĩ cách giúp đỡ. Lão Nghĩa mù bày cách: "Đúng là con rắn kia về đòi mạng rồi. Bây giờ gia đình phải đưa cháu về quê đúng bảy bảy bốn chin ngày, phải thay tên đổi họ cho cháu, về quê phải đi ban ngày, gặp các ngã ba ngã tư thì phải rải hùng hoàng[1], có như vậy mới tránh được tai họa lần này". Gia đình tôi làm theo đúng lời của lão Nghĩa mù, cả tên khai sinh lần tên gọi ở nhà đều không dùng nữa mà đổi hết thành tên mới cho tôi, tôi về quê sống một thời gian, cuối cùng cũng khỏi bệnh, may là đã giữ lại được cái mạng. Chuyện bố tôi đi xe đạp cán chết rắn cũng là nghe lão Nghĩa mù kể lại, tôi vẫn nhớ hồi còn nhỏ, các gia đình đều khó khăn cả, đó là thời tem phiếu, chỉ có năm hết Tết đến mới dám mua tí thịt để ăn Tết, nhưng lão Nghĩa mù tháng nào cũng có hai bữa thịt dê, mà cách ăn của lão cũng chẳng giống ai, một tấm sắt được đặt trên bếp lò đốt bằng củi thông, phía trước đặt chiếc ghê băng, nhưng không phải là để ngôi mà là để lão gác chân, một chân lão gác lên ghế, tay trái cầm bát nước chấm đầy đủ xì dầu, tương, tỏi, ớt, rau mùi v.v...t ay phải gắp từng miếng thịt dê nướng chín chấm nước chấm hoặc kẹo với tỏi tây, bánh mì nướng. Lão Nghĩa mù giải thích đây là cách ăn của người dân tộc Kỳ ở Quan Ngoại. Hồi trẻ, lão từng đi tìm mỏ vàng trong rừng xanh núi thẳm ở vùng đó, nên đã quen với cách ăn hoang dã này. Vì lão mắt kém, lại ở một mình nên từ khi biết cầm đũa thì tôi cũng là người nướng thịt cho lão Nghĩa mù và cũng là để được ăn ké, lần nào tôi cũng được ăn thoải mái. Mỗi lần ăn thịt nướng, lão Nghĩa mù đều có thói quen uống rượu, vừa uống vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện năm xưa lão đi đã đi tìm long mạch như thế nào, làm sao để đào vật báu trong mộ cổ, còn giải thích "nhện qua sông" là mộ gì, "rắn vào bụi cỏ" là mộ gì, toàn những chuyện xưa như quả đất nhưng không kém phần ly kỳ hấp dẫn, tôi cứ nghe mê mẩn, đến sau này lớn lên mới biết, mỗi lần lão Nghĩa mù ăn thịt dê nướng chính là lúc lão vừa được món hời nào đó ở dưới mộ.

Không thể coi thường khu phố mà lão Nghĩa mù sinh sống, trông tồi tàn vậy nhưng có rất nhiều nhân tài, ví dụ như Hàn sư phụ sống bằng nghề làm ngói nhưng lại cực kỳ giỏi võ, không phải loại võ thuật nổi tiếng ở Bắc Kinh như Thái Cực Quyền, mà chỉ là loại quyền cước vô danh ở quê hương của ông, nhưng ở vùng quê đó ai ai cũng biết múa loại võ này.Tôi cũng đã từng theo học Hàn sư phụ vài năm. Lão Nghĩa mù cứ can tôi đừng theo Hàn sư phụ, vì học võ vào rồi thường hay rước vạ vào thân. Tôi vốn không tin, chẳng ngờ đúng là xảy ra chuyện thật. Số là chớm đông năm đó, tôi đi ngang qua công viên Địa Đàn, gặp một thằng khùng cùng bọn du côn đang chặn đường trêu chọc hai cô gái, nghe kể bố mẹ thằng này là cán bộ cấp cao. Thời Cách mạng đại văn hóa, nó bị kích động mạnh nên giờ đầu óc không được bình thường, dựa vào tấm giấy chứng nhận tâm thần của bệnh viện, nó huênh hoang rằng cho dù có cầm dao đâm chết người cũng chẳng ai làm gì được, nên thường ngày chr chuyên phá phách, thêm vào đấy thằng này lại có bọn choai choai đầu đường xó chợ theo làm đàn em, không việc gì mà bọn chúng không dám làm. Lần này, nó trêu chọc con gái nhà lành, trong đó có một cô gái là ban học của tôi ngày trước, tôi liền tiến đến can ngăn, thằng khùng không nói một lời rút dao nhằm thằng tôi đâm tới, tôi ra tay không mạnh cũng không nhẹ, rút ngay chiếc khóa xe quất hai phát vào đầu thằng khùng, nó đổ xuống đất không kịp kêu lên một tiếng, máu chảy ào ào như vỡ ống nước, lũ đàn em đần thối mặt, hét lên ầm ĩ "Giết người rồi! Giết người rồi!", sau đó bỏ chạy toán loạn.

Lúc này, tôi biết mình đã gây ra vạ lớn, liền chạy một mạch đến nhầ lào Nghĩa mù để lánh nạn vài hôm. Căn nhà của lão vốn ẩm thấp, giữa ban ngày cũng tranh sáng tranh tối, tôi đẩy cửa bước vào, thấy lão Nghĩa mù đang đắp chăn nằm trên giường, phía dưới chăn lòi ra một chiếc đuôi, không rõ là đuôi sói hay đuôi hồ ly, tôi hoảng quá quay đầu chạy bổ ra bên ngoài. 3

Chạy ra đến cổng tôi ngã nhào, va cả đầu vào lu nước sứt miếng da, sau này để lại vết sẹo trên trán. Vừa lúc đó, lão Nghĩa mù từ ngoài đi vào. Lão Nghĩa mù xương khớp không tốt nên rất sợ trời lạnh, mùa đông thường đắp chăn lông thú, vật mà vừa rồi tôi nhìn thấy trong nhà là tấm chăn da thú của lão. Thấy tôi, lão Nghĩa mù hỏi: "Gì mà hoảng hốt thế, lại gây chuyện ở đâu rồi hả?" Tôi kể lại chuyện đánh nhau ở công viên Địa Đàn cho lão nghe, có thể đã xảy ra án mạng rồi cũng nên.

Lão Nghĩa mù hốt hoảng: "Mạng người quan trọng, hơn nữa bố mẹ người ta còn làm quan, mày mà rơi vào tay họ chẳng phải như đầu dê đặt trên thớt, mặc cho người ta muốn làm gì thì làm sao." Tôi nói: "Họ muốn làm gì thì làm, cùng lắm là mất đầu chứ gì, mười tám năm nữa cháu vẫn là cháu."

Lão Nghĩa mù nói: "Không được hành động bốc đồng, mau thu dọn hành lý, lên Nội Mông lánh tạm ít lâu, chỗ bố mày cứ để đấy ông lo." Lúc đấy tôi cứ chắc mẩm là đã đánh chết người nên nghe lời lão Nghĩa mù, đi tàu suốt đêm lên Đông Bắc vào nơi rừng xanh núi thẳm. Lão Nghĩa mù có người anh em kết nghĩa, biệt danh là "Thổ địa gia", làm quản lý lâm trường ở huyện Hưng An, Nội Mông. Hai người là bạn chí cốt với nhau, tấm chăn lông thú của lão Nghĩa mù chính là do Thổ địa gia tặng. Gặp tôi, ông cứ lôi vào hỏi chuyện tới tấp không cho đi đâu. Ít lâu sau, người nhà gửi điện báo gọi tôi quay về, ở nhà không có chuyện gì cả, tên khùng đó chưa chết, chỉ bị thương hai chỗ ở đầu. Hai cô gái kia sau đó đã đi trình báo, công an tiến hành điều tra, thì ra chứng nhận tâm thần của hắn là giả, chuyện bố mẹ hắn là cán bộ cách mạng cũng chỉ do hắn bịa ra. Nhưng tôi đã quen với cuộc sống tang bồng bên ngoài, muốn cùng Thổ địa gia đi đào vàng thêm một thời gian nữa, chờ khi nào phát tài thì sẽ quay về.

Tổ tiên Thổ địa gia họ Sách, là Vương gia thời nhà Thanh, sau vì mang tôi nên bị triều đình lưu đày xung quân ở biên cương, sinh sống bằng nghề săn bắt. Ông có cô cháu gái tên Sách Ni Nhi, tôi theo hai ông cháu họ đi săn thỏ bắt hồ ly lấy da, men theo sông Hắc Long Giang để tìm mỏ vàng. Nhưng Thổ địa gia tuổi đã cao, sức khỏe không còn dẻo dai như trước đây, trải qua mùa đông dài lạnh lẽo, mùa xuân và mùa hè đến bất chợt, chớp mắt đã sang thu, xem chừng cũng chẳng có thu hoạch gì, Thổ địa gia quay về Hưng An trước, tôi và Sách Ni Nhi mang mấy bộ da thú đánh được trước đó xuống chợ bán. Từ mùa xuân khi sông băng tan cho tới khi tuyết dày bao phủ các dãy núi thì người ta họp ba phiên chợ cạnh dòng sông, đây là phiên chợ cuối cùng trong năm. Nơi này từ xưa vốn đã hoang vu ít người sinh sống, trước giải phóng những người đến chợ phiên thường là dân lâm trường, dân giang hồ, tàn binh bại tướng, ăn mày và một số người dân du mục. Vì nhu cầu mà tự lập ra chợ phiên, hàng giao dịch trong chợ thường là vàng đào được trong núi, nhân sâm, lộc nhung, da thú v.v... phong tục này được lưu lại tới ngày nay. Sau khi bán được mấy tấm da thú cho một người dân du mục Mông Cổ, Sách Ni Nhi nói với tôi: "Anh theo ông cháu em lăn lộn vất vả trong núi một thời gian rồi, hôm nay phải ăn một bữa thật ngon."

Tôi thấy trong chợ cũng có vài quán ăn tương đối tốt, trước cửa còn treo biển hiệu hình đèn lồng. Vùng Đông Bắc rất để í đến biển đèn lồng. Ngoài cửa tiệm cùng lắm là viết tên mặt hàng, không có giá cả cũng không nói rõ quán bán những món gì, nhưng chỉ cần xem biển đèn lồng là biết tất cả. Nếu phân loại theo màu sắc thì màu vàng là quán chay, màu xanh là quán người đạo hồi, nếu treo một đèn lồng là quán bình dân, trên có vẽ vong tròn là quán bánh bao, có hình hoa là quán bán màn thầu, bánh bao, phía dưới có tua rua là quán bán mì, quán treo hai đèn lồng thì cao cấp hơn, có thể tổ chức tiệc tùng, treo bốn đèn lồng là cao cấp nhất. Chưa thấy ai treo ba biển đèn lồng bao giờ, vì phát âm của nó nghe như lừa đảo khách hàng nên kiêng. Mặc dù những chuyện này tôi đã được nghe lão Nghĩa mù kể nhưng chưa đến ăn bao giờ nên cũng chẳng biết món nào ngon, đành để Sách Ni Nhi tự quyết định. Sách Ni Nhi dẫn tôi vào một cái quán gần đó, quán có bán món cá hầm, loại cá tầm được bắt từ sông Hắc Long Giang, dù cách chế biến đơn giản nhưng giữ lại được hương vị thơm và tươi ngon của cá. Lần đầu tiên được ăn món cá ngon như vậy, tôi bỗng thèm uống vài ly, liền gọi nửa cân rượu hoa quả rừng. Đang ăn thì có hai thực khách nữa bước vào quán, họ cũng gọi món cá hầm, vừa ăn vừa hỏi thăm chủ quán đường tới Lão Câu. Chủ quán lộ vẻ kinh ngạc: "Lão Câu[2]? Hai người tới đó làm gì? Đi đào mộ à?"

4 Chủ quán quen biết Sách Ni Nhi, bèn nói với hai người khách: "Lão Câu à... bao năm nay chẳng có ai tới đó, hai người muốn đi thì hỏi cô gái kia kìa, ông nội cô ấy trước giải phóng từng vào Lão Câu đào vàng. Ngoài Thổ địa gia ra thì chưa ai vào Lão Câu mà có thể sống sót trở về đâu."

Hai người khách sán ngay tới chỗ chúng tôi để hỏi đường vào Lão Câu, còn hứa sẽ trả một khoản tiền lớn nếu Sách Ni Nhi nhận dẫn đường. Lưu vực sông Hailar và sông Nuomin ở Nội Mông là một vùng đầm trạch hoang vu, phía tây bắc là núi cao, phía đông là rừng rậm, phía nam là thảo nguyên, chu vi tram cây số không có bóng nhà. Hai dòng sông uốn lượn ngoằn nghèo và có nhiều nhánh nhỏ, vì địa hình thấp nên nước sông chảy vào đây hình thành vùng đầm lầy mọc đủ loại thực vật thủy sinh. Giữa vùng đầm cỏ bao la này là những vùng sình lầy sâu hoắm, nếu đi trong đầm cỏ phải dò đường cẩn thận, không may rơi xuống đám sình lầy mà không có người cứu lên sẽ bị lún sâu hơn cho đến khi chìm hẳn và chết. Từ xưa tới nay, vùng này không có dấu tich của người hay động vật sinh sống. Nghe nói phía sâu bên trong vùng đầm lầy này có một khe núi, trong đó có một hang động cổ, thời xưa đã có rất nhiều người mạo hiểm vào đó tìm mỏ vàng, hầu như có đi mà không có về, cho dù cao số không chết trong vùng đầm lầy thì khi xuống tới hang động cũng bị ma đất ăn thịt, những người đào vàng truyền nhau như vậy. Nơi đó gọi là Kim Câu[3], hay còn gọi là Lão Câu, chỉ cần nhắc đến tên thôi là mọi người đã thất kinh hồn vía, chẳng ai dám đi

Sách Ni Nhi nhìn hai người khách, trông họ không giống dân đào vàng, hơn nữa mỏ vàng cũng chỉ là truyền thuyết, liền hỏi: "Hai người làm nghề gì? Đến Lão Câu làm gì?" Một trong hai người đó là đạo sĩ, khoảng ngoài bốn mươi tuổi. Đạo sĩ được chia làm hai phái, một phái chuyên ở trong đạo quán, thường xuyên mặc áo đạo sỹ, tu luyện cầu đắc đạo, đó cũng là phái thường gặp nhất, thường thuộc Toàn Chân giáo, phái còn lại ăn mặc như người dân bình thường, ít khi mặc trang phục đạo sỹ, có thể lấy vợ sinh con nhưng cũng biết các thuật làm bùa, bắt ma trừ yêu, niệm thần chú, xem bói xem tướng, xem phong thủy v.v... Họ thuộc phái Chính nhất giáo. Người Đông bắc thường nôm na gọi là Nhị lão đạo

Mới đầu, Nhị lão đạo không chịu nói thật, chỉ kể rằng sư phụ ông ta báo mộng giao cho nhiệm vụ đi bắt cương thi. Cương thi đó đã tồn tại lâu năm, có nhiều phép thuật cần phải tiêu trừ tránh hậu họa về sau. Sau vì Sách Ni Nhi truy hỏi gắt gao, họ đành tìm chỗ vắng người để nói chuyện. Sự thật là những chiêu trò sư phụ ông ta truyền lại không thể lừa người kiếm cơm được nữa, dựa vào chút khả năng xem phong thủy nên ông ta đổi nghề đi đào trộm mộ. Nghe nói ở Lão Câu có bích họa, chắc rằng nơi đó có mộ cổ nên quyết đi một chuyến thu một mẻ to. Người đi cùng ông ta là Trương Cự Oa, vốn là một cậu bé mồ côi trên thảo nguyên, bố mẹ chết trong một nạn đói của vùng Đông Bắc, chỉ còn mình cậu ta sống sót, sau đó được một người lính nhận làm con nuôi rồi lấy học Trương theo họ của cha nuôi. Người này khoảng hơn hai mươi tuổi, thân hình to lớn vạm vỡ, cao hơn người bình thường đến nửa cái đầu, là một chàng thanh niên thật thà chất phác, được Nhị lão đạo nhận làm đồ đệ. Hai người họ đang tìm người dẫn đường vào Lão Câu đào mộ tìm bảo vật. Ở cái nơi núi thì cao, Hoàng đế thì ở xa này, gặp đâu ăn đó, cái trò đào vàng quật mả đều không thể công khai, mặc dù chẳng hay ho gì, nhưng trước mặt người dân địa phương thì cũng không cần giấu giếm. Nhị lão đạo giơ ngón tay cái lên nói với tôi và Sách Ni Nhi: "Lão huynh đệ, đại cô nương! Lão đạo tôi đều nói thật hết với cô cậu rồi tuyệt đối không để cô cậu phải thiệt, nếu dẫn đường cho tôi tới được Lão Câu, sự việc thành công thì cô cậu cứ việc ra giá, một lời chấp thuận luôn, hai bên đều thoải mái. Được chứ?"

Sách Ni Nhi vốn là cô gái có chủ kiến, nghe Nhị lão đạo hứa sẽ trả cho một khoản lớn, cô ngẫm nghĩ một lúc rồi nhận lời. Giờ vừa mới hết mùa mưa, lúc này đi vào cái nơi ăn thịt người không thèm nhả xương đó thì chín phần chết chắc, thế nên cần chuẩn bị kỹ càng trước khi đi. Cô giao cho Nhị lão đạo và Trương Cự Oa chuẩn bị lương thực và ngải cứu, ngày 16 tháng 7 âm lịch gặp nhau tại khúc cong thứ ba của sông Nuomin. Sách Ni Nhi đợi hai người kia đi khuất liền dặn tôi không được nói chuyện này với Thổ địa gia. Mỏ vàng giờ đây ngày càng khó tìm, cô muốn kiếm thêm ít tiền để sau này ông nội cô không phải đi đào vàng nữa. Tôi nói: "Những việc khác thì anh không lo. Có điều anh thấy Nhị lão đạo cũng chỉ là dân nửa vời, cùng lắm thì đào được mấy cái mộ cũ kiếm được chút tiền. Ông ta mà tìm được mộ cổ mới lạ. Vùng Lão Câu đến thú giữ còn khó vào làm gì có mộ cổ đời nào cơ chứ. Anh cũng chưa nghe thấy ai nói trong Lão Câu có mộ cổ bao giờ, chỉ nghe nói trong đó có ma đất ăn thịt người thôi."

5 Chuyện trong Lão Câu có ma đất ăn thịt người cũng là do dân đào vàng truyền nhau, có mới mới biết thực hư thế nào. Đi Lão Câu chắc phải mất sáu ngày cả đi lẫn về, chúng tôi sẽ phải đối mặt với rất nhiều mối nguy hiểm, đầu tiên đó là sự thay đổi thất thường của thời tiết, nếu đi vào mùa mưa mà không biết địa hình thì đúng là tự tìm đường chết. Thực ra các mùa khác cũng chẳng khá hơn gì, mùa đông dễ lạc đường vì tứ bề tuyết phủ, dễ gặp phải bầy sói, mùa thu và mùa xuân nước trong đầm đóng băng không chắc, không biết đươc chỗ nào có thể đi qua.

16 âm lịch, tôi và Sách Ni Nhi mang theo khẩu sung săn một nòng, đến bờ sông gặp hai thầy trò nhà Nhị lão đạo, họ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, Trương Cự Oa còn vác trên lưng một chiếc nồi sắt rất to. Nhị lão đạo hỏi chúng tôi: "Cô cậu không đem theo vài con chó à? Lỡ gặp thú dữ thì sao?"

Sách Ni Nhi nói: "Mùa này trong đầm trạch không có thú dữ, chỉ có chim và rắn thôi, đem theo súng săn phòng thân là được rồi. Mà hai người mang theo chiếc nồi sắt to thế kia làm gì? Không nặng à?" Nhị lão đạo nói: "Lần này đi cũng phải mất đến mấy ngày, vùng đó lại không có dân sinh, trong đầm cỏ vừa lạnh vừa ẩm, tôi nghĩ mang nồi đi nấu món gì đó nóng nóng ăn nên mới bảo đồ đệ mang theo cái nồi này. Không sao cậu ta không thấy nặng đâu, thanh niên đang sung sức mà."

Tôi nói: "Đạo trưởng, đồ đệ của ông không thấy nặng, vấn đề là chúng ta đi vào vùng đầm lầy, cậu ta to cao thế kia vốn đã nặng rồi, giờ vác thêm bao nhiêu đồ, ông định để cậu ta rơi vào sình hồ à? Chúng tôi phải nói trước với ông, cậu ta to cao như vậy, nếu sa chân vào hố sình chúng tôi không kéo nổi cậu ta lên đâu." Nhị lão đạo nói: "Ờ nhỉ! Lão huynh đệ nói chí phải, thế mà tôi không nghĩ ra. Không mang nồi sắt nữa, hành lý càng nhẹ càng tốt."

Sách Ni Nhi nói: "Muốn đun nước thì đã có nồi quân dụng, ngoài những đồ vật thiết yếu ra thì cố gắng mang thêm ngải cứu." Chúng tôi đều biết Sách Ni Nhi rât thông thạo vùng thảo nguyên hoang vu và rừng sâu núi thẳm, cô ấy nói mang theo vật gì thì tất có lý do của nó. Chúng tôi sửa soạn lại hành trang, cái nào cần mang thì mang, cái nào không cần thiết thì bỏ lại, bốn người lên đường, thẳng tiến đến hướng nam vùng đồng cỏ mênh mông ngút ngàn tới tận chân trời. Thực vật chủ yếu của vùng này là cây chịu lạnh tốt như họ nhà cói, chúng mọc thành từng cụm nối nhau, phía bên dưới chính là những hố sình, cả nhóm bước thấp bước cao tưởng chừng như không bao giờ đi tới được điểm dừng. Mùa thu ở đây đến sớm, chớm thu cây cỏ đã úa vàng, phóng tầm mắt nhìn ra xa, xung quanh chỉ thấy một màu vàng xanh xen lẫn, một biển cỏ trải dài, trước không thấy núi, sau không thấy rừng, không có đường đi, chỉ có một vùng đầm lầy nước đọng, bốc lên mùi hôi thối của cây cỏ bị phân hủy, mỗi bước đi đều phải dùng gậy thăm dò trước, chỉ cần một chút sơ ý sẽ bị chôn thây lại nơi đây.

Mây mù trên bầu trời thay đổi liên hồi, trong một ngày thời tiết biến đổi bảy tám lần là chuyện bình thường, có lúc sương mù dày đặc, giăng mắc một màu trắng đục, không phân biệt được đông tây nam bắc, có lúc trời nắng như đổ lửa, muôn trốn cũng không có chỗ trốn, rồi mây đen lại đột nhien kéo đến bay là là trên đầu, có lúc mưa đổ như trút nước, sấm rung chớp giật, khi thì mưa đá rơi tối tăm mặt mũi, khi lại mưa phùn nhẹ bay hoặc mưa quấn gió lạnh đổ từng cơn lúc khoan lúc nhặt. Chỉ mưa một lúc là nước đã dâng lên, khắp nơi lênh láng màu trắng xóa, kỵ nhất là phải lội bì bõm trong nước, những lúc như vậy cần tìm nơi cao một chút, đứng chờ nước rút rồi mới đi tiếp được. Cứ như vậy, lúc mưa lúc nắng, lúc nóng, lúc lạnh, bữa đói bữa no, bước thấp bước cao, cả hội trải qua không biết bao nhiêu gian nan, vất vả. Nhị lão đạo vì muốn phát tài, nên lão không màng tới những nỗi vất vả đó, suốt dọc đường chỉ trời nói đất, bốc phét với chúng tôi về những kinh nghiệm của lão trong quá khứ, còn hứa với Trương Cự Oa: "Đợi chuyến này kiếm được món lớn, thầy sẽ xây nhà lấy vợ cho con". Trương Cự Oa cảm ơn ân đức của thầy, thấy Nhị lão đạo mệt không đi nổi liền cõng lão lên đi tiếp, bước thấp bước cao lội bì bõm, mặc dù to khỏe nhưng cậu ta vẫn mệt thở phì phò.

Ngày đầu tiên qua đi, mặt trời đã xế về Tây, nhiệt độ trên đồng cỏ giảm xuống, gió cũng ngừng thổi, một vùng hoang dã ngút ngàn chân mây. Nhị lão đạo nói nếu mà được như thế này mãi thì đi mấy ngày mấy đêm trong đồng cỏ cũng được. Còn chưa nói hết câu thì từng đụn mây đen trong đám bụi rậm không ngừng đùn lên, Trương Cự Oa hét lên kinh hãi: "Đạo trưởng, cái gì thế kia?". Nhị lão đạo nói: "Ối mẹ ơi, yêu khí ngút trời. 6

Người đông bắc có thói quen gọi người nhỏ tuổi lão, như vậy mới thân thiết, ví dụ gọi người nhỏ tuổi nhất trong nhà là lão út. Nhị lão đạo gọi tôi là lão huynh đệ, gọi Trương Cự Oa là lão đồ đệ, nhìn thấy từng đụn mây đen đùn lên từ trong bụi cỏ, ông ta liền hô to: "Lão đồ đệ, mau lấy thanh kiếm chém yêu của thầy ra đây!" Trương Cự Oa đần mặt hỏi: "Con chưa thấy bao giờ, nó là cái gì hả thầy?"

Nhị lão đạo tức điên lên: "Cái đồ bị thịt, lên giường biết ôm đúng vợ, xuống đất biết xỏ đúng dép, thế mà không biết thanh kiếm chém yêu gia truyền của thầy mình, cái roi gỗ đào ta vẫn gác trên xà cửa ấy, rõ chửa..." Sách Ni Nhi nói: "Quẳng mấy thứ vô dụng của ông đi, đây là đinh tử ngưu ở vùng đầm lầy, mau đốt ngải cứu đuổi nó."

Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy những đám mây to đen như thế này, chúng túm tụm thành một khối, phát ra tiếng kêu on gong nghe rất lạ, tôi không khỏi giật mình kinh sợ. Nghe Sách Ni Nhi nhắc tới "đinh tử ngưu" thì mới hiểu ra đây là bọn ruồi trâu, tôi đã từng nhìn thấy ruồi trâu ở Hưng An nhưng chưa bao giờ nhìn thấy nhiều như lần này. Người vùng đông bắc còn gọi ruồi trâu là muỗi đen, chúng như những chiếc phi cơ chiến đấu được trang bị kỹ càng, bay đến tối tăm mặt mũi, trong chớp mắt có thể hút sạch máu một con trâu mộng. Ban ngày mưa lớn nắng to không thấy chúng đâu, đêm đến chúng mới rời tổ di kiếm ăn, ruồi trâu mang trên mình virus viêm não, nếu bị chúng cắn có thể tử vong. Tôi vội làm theo lời Sách Ni Nhi, lấy ra bốn chiếc ống làm bằng vỏ cây, phát cho mỗi người một cái, nhét đầy ngải cứu vào rồi đốt lên, dùng khói ngải cứu để đuổi bọn ruồi trâu đi. Vậy là từ chập tối cho tới khi trời sáng, nếu trời có mưa thì không sao, chỉ cần tạnh mưa là lại phải đốt ngải cứu lên, nếu ngừng đốt ngải là lũ ruồi trâu lại lao vào trực đốt người. Trương Cự Oa giờ mới hiểu ra: "Ối, thì ra là ruồi trâu, thế mà đạo trưởng lại nói là yêu khí."

Nhị lão đạo phân bua: "Cái bọn này cũng ăn thịt người mà, không khéo lại là oan hồn hóa thành. Yêu khí quá nặng, đáng tiếc thanh kiếm chém yêu của ta không có ở đây, nếu không chỉ cần đưa vài đường thì bọn ruồi trâu này phải tan biến hết, cần gì hun khói như thế này." Trương Cự Oa tâm phục khẩu phục: "Phải nói là trình của đạo trưởng cao siêu thật đấy."

Nhị lão đạo mặt dày tự đắc: "Đương nhiên rồi." Đi qua vùng ruồi trâu, bóng đêm bắt đầu ập tới, bao phủ thảo nguyên, nhiệt độ xuống thấp, không thể đi tiếp trong bóng đêm, nên cả hội đành phải tìm chỗ dựng trại đốt lửa sưởi ấm. Chúng tôi bắt được vài con cá tại đầm nước bên cạnh, trời mưa to nước dâng cao, có khá nhiều cá bơi vào trong đầm và bị mắc kẹt lại bên trong, còn có cả cá taimen hoặc cá tầm đen, có con dài tới năm mươi centimet, bắt bọn cá này không khó. Dọc đường đi, Sách Ni Nhi để ý hái một ít cây lá chua và ớt dại, dùng que xiên dọc theo thân cá nướng trên lửa cho tới khi hương vị rất nguyên thủy, ngon không thể tả được.

Nhị lão đạo uống vài ngụm rượu, bắt đầu kể chuyện rông dài. Tôi hỏi: "Đạo trưởng, nghe nói người Chính nhất giáo các ông thường không mặc áo đạo sỹ nhưng cùng biết đạo pháp, ví dụ ngậm ngụm rượu có thể phun ra thành hình mũi tên. Nếu không luyện tập sẽ phun tung tóe ra khắp nơi, đúng vậy không?"

Nhị lão đạo nói: "Chà, lão huynh đệ không hổ danh là người từ thành phố lớn đến, biết nhiều hiểu rộng, đến món này mà cậu cũng biết. Cậu nói đúng đấy, để tôi phun thử cho cậu xem nhé...". Nói rồi, lão hớp một ngụm rượu ngậm trong mồm rồi phun ra, lão còn bấm đốt ngón tay niệm một câu trong miệng, cũng ra dáng gớm, đáng tiếc là không thành công, rượu phun ra tung tóe như tiên nữ rắc hoa vậy. Ba người chúng tôi vội vàng né tránh, may không thì bị Nhị lão đạo phun cho đầy mặt.

Nhị lão đạo hơi ngượng, lau miệng nói: "Cậu xem, chẳng hiểu sao nữa, chắc tại lâu ngày không tập, chủ yếu là bây giờ chẳng ai xem mấy món này nữa, nên không có đất dụng võ các cụ nói sao nhỉ --- Miệng đói đầu gối cũng phải bò. Nếu không thì lão đạo ta không đến nỗi phải đi theo con đường đào mộ quật mả này." Tôi hỏi Nhị lão đạo: "Đạo trưởng chưa đi Lão Câu bao giờ, sao lại biết ở đây có mộ cổ?"

Vầng trăng tròn nhô lên từ phía chân trời, lúc ẩn lúc hiện sau biển mây bồng bềnh, mặt trăng to lạ kỳ giữa đồng cỏ mênh mông, tựa hồ chỉ cần giơ tay ra là có thể chạm tới. Đêm trên đồng cỏ huyền ảo như mơ, khó tin như câu truyện mà Nhị lão đạo sắp kể cho chúng tôi nghe..

Chương 2

Bức họa ăn thịt người . Nhị lão đạo nói trong Lão Câu có mộ cổ của một cô gái người Khiết Đan, dân đào trộm mộ ở Quan Nội, Quan Ngoại đều không biết bí mật này, chỉ có môn đồ của Chính nhất đạo mới biết mà thôi. Khoảng bảy tám trăm năm trước, nước Liêu chịu ảnh hưởng sâu sắc của hai triều đại Đường Tống, nên người Khiết Đan cũng rất chú trọng tới phong thủy long mạch khi chọn nơi xây lăng mộ. Tương truyền, công chúa Mang Cổ con gái Liêu Thế Tông là nữ thần Saman, sau khi chết nàng được chôn tại Lão Câu. Trong hầm mộ và đường hầm dẫn vào mộ treo đầy bích họa, đó đều là những tuyệt tác, nghe nói còn tùy táng cả người sống. Lúc đó, đầm cỏ đi lại không khó khăn như bây giờ, nó vốn là một thảo nguyên bao la. Lăng mộ hoàng đế thường chọn thế núi hai bên cao, ở giữa thấp để xây lăng tẩm. Ngôi mộ cổ trong Lão Câu chính là ngôi mộ do đích thân sư tổ Nhị lão đạo xem phong thủy, sau đó suýt chút nữa bị Bắc đại vương giết người diệt khẩu. Bí mật về ngôi mộ được truyền từ đời này sang đời khác cho tới nay, chính vì vậy Nhị lão đạo mới nắm rõ về ngôi mộ trong Lão Câu.

Mấy năm gần đây, nghề kiếm cơm của Nhị lão đạo gần như không thể trụ được nữa, nhớ lại lời sư tổ truyền lại về một số vị trí long mạch, không kìm được lòng tham, lão đào được vài ngôi mộ cũ, kiếm được chút tiền nhưng không nhiều. Lần này nhắm vào ngôi mộ cổ của công chúa Khiết Đan, lão biết rằng trong đó có rất nhiều báu vật, nếu thành công thì từ giờ tới cuối đời không cần phải lo lắng gì nữa. Chuyện trong Lão Câu có mộ cổ hiếm người biết đến, nhưng từ cuối đời Thanh tới nay, mọi người đồn nhau trong đó có mỏ vàng nên rất nhiều người tham tiền tới đây tìm vàng, kết quả vàng đâu chẳng thấy, nhưng người mất mạng ở đây quả không ít. Có người cao số không chết trong đầm cỏ thì cũng chết trong khe núi. Nghe đồn trong đó có những bức bích họa nhiều năm tuổi chứa yêu quái ăn thịt người, nếu vào tới bên trong thì kiểu gì cũng bị yêu quái trong bích họa ăn thịt. Cũng có lời đồn trong đó có ma đất hoành hành, nói chung là đủ loại lời đồn.

Nhị lão đạo cũng không rõ những lời đồn đại đáng sợ này liên quan gì tới ngôi mộ cổ Khiết Đan hay không, nhưng thời buổi này đói kém sinh làm liều, nhát gan chỉ có chết, đã dám làm nghề quật táng thì đừng tin tà ma, những người quá tin vào ma quỷ thì không thể kiếm cơm bằng nghề đổ đấu được. Đây là lần đầu tiên tôi và Sách Ni Nhi nghe tới chuyện bích họa ăn thịt người. Năm xưa, số người đi qua được đầm cỏ vào tới trong khe núi không nhiều, phần đa đều chết dọc đường, không rơi vào hố sình lầy thì cũng bị chìm trong đầm trạch, hoặc làm mồi cho đám ruồi trâu. Chúng tôi không thể lý giải nổi, cũng rất hiếu kỳ, bích họa chẳng qua là những bức tranh được vẽ trên tường, sao có thể ăn thịt người được?

Nhị lão đạo cũng không hiểu: “Cũng có thể người ta nhìn thấy những bức tranh đó có niên đại đã lâu, hiếm thành ra thấy lạ, cũng có thể những bức tranh đó hình thù kỳ quái đáng sợ, mọi người đồn tới đồn lui thành yêu quái ăn thịt người cũng nên, làm sao mà tin được. Mọi người mà muốn nghe kể chuyện ma thì để lão đạo ta kể cho một chuyện. Thời Tống, bên dòng sông Hoàng Hà có một con hồ ly tu luyện nhiều năm đã thành tinh, thường biến thành hình dạng cô gái và đi vào thành. Có một họa sỹ trông thấy cô gái dung mạo đẹp tuyệt trần thì vẽ lại, bức tranh được vẽ sinh động như người thật. Sau đó, con hồ ly tinh này đã trà trộn vào cung cấm để mê hoặc quân vương, không ngờ sau khi uống rượu đã hiện nguyên hình, lộ ra chiếc đuôi hồ ly, bị ngự lâm quân nhìn thấy bắt lấy chém đầu tại Ngũ Triều môn. Con hồ ly chết nhưng hồn chưa siêu thoát được, nó đã chốn trong bức tranh mỹ nhân. Về sau, bức tranh đó lưu lạc trong dân gian, người dân nhầm tưởng rằng đó là bức tranh tiên nữ, chỉ cần nửa đêm thắp hương cầu khấn thì tiên nữ trong tranh sẽ bước ra. Có một lão nhà giàu trong vùng đã bỏ khoản tiền lớn để mua bức tranh về thờ trong nhà chờ thời cơ gặp tiên nữ trong tranh. Kể từ đó gia đình ông ta bị yêu tinh trong tranh hại chết từng người từng người một. Đúng lúc này sư tổ của ta đi qua, thấy yêu khí từ trong nhà bốc ra mù mịt khiến người không mở mắt nổi, sư tổ liền đeo kiếm bước vào nhà, dùng tam vị chân hòa đốt bức tranh, giải cứu cho dân chúng trong vùng.” Tôi thấy câu chuyện của Nhị lão đạo chỉ là chuyện bịa, nhưng vùng Đông Bắc lại lưu truyền rất nhiều những câu chuyện ma mãnh như vậy, vì nơi đây nhiều rừng rậm, thường xuyên bắt gặp cáo và hồ ly, nên không tin không được. Sách Ni Nhi và Trương Cự Oa tròn mắt lắng nghe, vừa sợ vừa muốn nghe tiếp, nghe xong còn thỏa sức tưởng tượng.

Đêm đó ngủ lại trên đầm cỏ, tôi cứ có cảm giác như bên cạnh mình có thêm một người nữa khiến toàn thân gai lạnh, chẳng biết có phải do nghĩ ngợi nhiều quá hay không mà suốt đêm mộng mị liên miên, mơ màng thấy có người đi đi lại lại suốt đêm, làm tôi không thể ngủ yên. Tôi cứ tưởng đó chỉ là ảo giác, nhưng khi trời sáng thức dậy thấy bên cạnh đúng là thừa ra một người, có điều không phải là người còn sống. 2

Trước giải phóng có lời đồn đại rằng, không ít người mạo hiểm đi vào Lão Câu tìm vàng, nhưng rất nhiều người không nắm rõ tình hình, mới đi được nửa đường đã làm mồi cho lũ ruồi trâu, bị hút cạn máu thành những xác chết khô đét, khắp người chi chit chấm đen, bộ dạng hết sức kinh khủng. Những xác chết này nằm rải rác trong các bụi cỏ, năm này qua năm khác, chịu gió dập mưa vùi. Có xác chết đến bây giờ vẫn còn nằm đó và trở thành ký hiệu dẫn đường tới Lão Câu. Tối qua, chúng tôi dừng chân dựng trại, vì quá mệt nên sau khi nghe Nhị lão đạo huyên thuyên xong, tôi vào lều lăn ra ngủ ngay, đến khi trời sáng mới biết có một xác chết đang nằm cạnh mình, kinh sợ đến nỗi cả ngày hôm đó không muốn ăn bất cứ thứ gì. Ngày thứ hai rồi ngày thứ ba, thời tiết vẫn lúc đẹp lúc xấu, lúc nắng cháy khi mưa rào, luôn khiến người ta cảm thấy khó chịu, có những chỗ không thể đi vòng đành phải lội nước, những lúc như vậy cần quấn xà cạp tránh bị đỉa cắn. Cứ như vậy, chúng tôi lần mò đi trong đầm cỏ, đi qua những vũng lầy. Trên trời mây trắng, dưới đất là cỏ vàng, ngút ngàn tầm mắt như không có điểm tận cùng. Đi đến ngày thứ tư, mây đen đầy trời, gió dữ nổi lên, phía chân trời phía nam xuất hiện hai vệt màu đen, tựa như hai con cá quả khổng lồ chui lên từ trong những bụi cỏ.

Sách Ni Nhi nói: “Đó là núi Khang Diên Tử, phía dưới có một khe núi gọi là Lão Câu, cũng không đến nỗi sâu lắm.” Nhị lão đạo xem xét một lúc, mững rỡ nói: “Núi Khang Diên Tử hai bên cao chính giữa thấp, hình dạng giống như hai con quỷ đứng gác cổng, y như lời Sư tổ tôi truyền lại. Đúng là chỗ này rồi! Trông thì gần vậy, nhưng đi tới nơi cũng còn xa lắm, ít nhất thì chiều mới tới, giờ vẫn còn sớm, chúng ta nghỉ chân ăn trưa đã rồi đi tiếp.”

Chúng tôi tìm một chỗ đất bằng để nghỉ chân, gặm tạm miếng bánh mì khô cùng rau vuốt mèo[4]. Đi vào đầm trạch không mang được nhiều lương khô, dọc đường đều phải ăn tạm rau dại cho đỡ đói. Nhị lão đạo đã hứa, chỉ cần tới nơi là đưa trước nửa tiền, lúc ra sẽ trả nốt phần còn lại. Ông ta y lời lấy tiền đưa cho Sách Ni Nhi, còn nói: “Tôi và đồ đệ xuống Lão Câu đào mộ, e hơi ít người, nếu hai cô cậu đồng ý ở lại giúp một tay thì hai người có thể chọn bất cứ thứ gì trong cỗ quan tài cổ đó, mỗi người chọn lấy một món tùy thích.” Sách Ni Nhi lắc đầu nói: “Tôi cứ nghĩ trong Lão Câu chẳng có gì, mới đồng ý dẫn đường cho ông, nhưng dọc đường nghe đạo sỹ kể chuyện, hóa ra có mộ cổ thật, giờ tôi hối hận lắm rồi, trở về thể nào cũng bị ông nội tôi mắng chết.”

Nhị lão đạo nói: “Chỉ cần chúng ta không nói ra thì làm sao có người biết được. Cô xem, giờ đã tới đây rồi, sao còn hối hận nữa?”. Ông ta lại hỏi tôi: “Lão huynh đệ, thế còn cậu? Tiền đến tận tay rồi mà không có gan lấy à?” Tôi cũng không kìm nén được nỗi tò mò, muốn theo Nhị lão đạo vào bên trong xem chuyện bích họa trong ngôi mộ cổ thực hư thế nào, vả lại nghe lão đạo kể thì ngôi mộ này quy mô không nhỏ, cơ hội tốt như vậy thật hiếm có. Mặc dù trước đây nghe lão Nghĩa mù nói không thể kiếm cơm bằng nghề đổ đấu, trò đào mộ trộm báu vật không tránh khỏi chữ “tham”, khi long tham đã nổi lên thì không có nghĩa khí gì nữa, gan ăn trộm cũng ngày một to hơn lấy mạng để đổi tiền khác gì xẻo thịt ở chân để lấp đầy bụng đói sớm muộn gì thì mình cũng chết dưới tay mình. Nhưng sợ hãi không dám đi chẳng phải để Nhị lão đạo và đồ đệ của ông ta chê cười tôi nhát gan sao? Người ta đã nói tới nước này rồi tôi cũng không thể để mất mặt được. Kéo Sách Ni Nhi sang một góc bàn bạc, cuối cùng chúng tôi cũng nhận lời Nhị lão đạo.

Nhị lão đạo nói: “Lão huynh đệ không hổ là người tới từ thành phố lớn, biết nhiều hiểu rộng, cái khác thì tôi không dám chắc, còn hôm nay cậu cứ đợi sẽ được mở mang tầm mắt. Mấy ngày nay chúng ta lăn lộn trên đồng cỏ, hít gió trời ăn cỏ dại, đợi sự việc thành công, tôi sẽ mời mọi ngườ ăn một bữa no nên, tay gấu hầm hạt thông, nấm thông nhung kho mũi chó rừng, môi cá tầm hầm gân hươu, cứ món ngon mà gọi, được không?” Trương Cự Oa nghe vậy, nước miếng đã chảy ròng ròng: “Đạo trưởng, thế thì còn nói gì được nữa, thầy bảo sao con làm vậy.”

Nhị lão đạo nói: “Tốt! Lần này thì lão đạo ta điều hành đại cục, mọi người phải nghe theo lời tôi, lát nữa nghỉ chân xong thì chúng ta tới chỗ khe núi xem tình hình ra sao rồi tính kế sách.” Lúc này mây đn che kín bầu trời, một con chim nhạn cô đơn vỗ cánh bay ngang qua, đầm cỏ lại nổi gió, những cơn gió lạnh buốt kèm theo mưa, thời tiết lại đột ngột chuyển xấu. chúng tôi ăn vội mấy miếng lương khô rồi thẳng tiến về phía Lão Câu, tới chân núi Khang Diên chúng tôi nhìn thấy ngọn núi thấp, mà thực ra cũng không thể gọi là núi, cùng lắm là một quả đồi, trên núi có khe nứt chạy theo hướng đông tây, trên hẹp dưới rộng, sâu khoảng mười mấy mét, hơi lạnh bốc lên gai cả người, nước mưa chạy dọc theo sườn núi xuống tận đáy. Nhị lão đạo bật đèn pin lên, dẫn đầu nhóm, đi dọc xuống khe núi theo sườn đất. Trên đường đi, tôi phát hiện, trên vách núi có nhiều hoa văn giống hình cá tầm bốn chân, đầu to đuôi nhỏ. Lời đồn bích họa ăn thịt người có khi chỉ là những dấu tích này, niên đại của nó còn lâu đời hơn mộ cổ Khiết Đan.

Trương Cự Oa có mở to mắt hết cỡ nhìn những hoa văn trên vách núi: “Trông thế nào cũng không giống quái vật ăn thịt người”. Nói rồi cậu ta định sờ vào những họa tiết đó. Tôi giữ lấy tay Trương Cự Oa: “Nếu là tôi, thì tôi sẽ không động vào nó, tục ngữ có câu “Không có lửa làm sao có khói”, lời đồn bích họa trong Lão Câu ăn thịt người không phải tự mọc ra đâu.”

3 Nhị lão đạo nói với Trương Cự Oa: “Lão huynh đệ nói không sai, kiếm cơm bằng nghề này chúng ta phải hết sức cẩn thận.”

Trương Cự Oa trả lời: “Vâng, em xin nghe anh và đạo trưởng.” Sách Ni Nhi cũng hiếu kỳ hỏi tôi: “Anh nghĩ dưới khe núi đó vẽ những hình gì?”

Tôi nói: “Có thể là rắn hoặc rồng gì đó, cũng có thể là hóa thạch. Niên đại quá lâu rồi tôi cũng không nhìn rõ.” Ở Nội Mông có tục thờ rắn, rồng, vùng thảo nguyên thờ sói, vùng rừng rậm thờ gấu, có hang động thì thờ rắn v.v… nhưng những dấu tích ở Lão Câu này đơn thuần là dấu tích tự nhiên, có thể không phải do con người tạo ra.

Vết tích trên vách núi có niên đại lâu đời hơn bích họa trong mộ Khiết Đan. Năm xưa, những người đi đào vàng mạo hiểm vào đây, rồi đồn nhau bích họa trong này ăn thịt người có thể là do nhìn thấy những hình thù trên vách núi, không lien quan đến ngôi mộ cổ chúng tôi đang tìm. Chúng tôi thận trọng di chuyển cẩn thận trong khe núi, không có dấu vết của con người cũng không có dấu vết của động vật, dưới khe núi vừa ẩm vừa lạnh, toát ra một mùi hôi tạnh ẩm thấp. Nhị lão đạo lôi la bàn ra tìm phương hướng, đi phía trước dẫn đường, lúc rẽ hướng đông lúc rẽ hướng tây. Núi Khang Diên có địa thế hai bên cao ở giữa thấp, phía bắc cao hơn phía nam. Vị trí hầm mộ nằm tại phần trũng xuống, đường hầm thông vào mộ chính là chỗ khe núi. Phía dưới khe núi toàn nhũ đá bị gãy, cho dù có tìm thấy đường hầm thì dựa vào mấy người chúng tôi thì chưa chắc đã đào nổi. Mấy trò phép thuật của Nhị lão đạo tuy chẳng ra sao, nhưng bản lĩnh tìm huyệt mộ thì không phải vừa. Nhận thấy lớp đá rất cứng, khó có thể di chuyển được, lão liền ra khỏi khe leo hẳn lên trên núi Khang Diên, trên tay vẫn cầm la bàn đi tới đi lui, qua trái qua phải, sang đông sang tây, tìm một lúc thì đi xuống sườn núi. Lão chỉ vào mọt đám bùn lầy mọc đầy cỏ dại phía bên ngoài khe núi: “Ngắm chuẩn rồi! Đào chỗ này chắc chắn sẽ thông tới đường hầm.”

Trương Cự Oa nhận được lệnh liền lôi xẻng cán ngắn ra phát cho tôi và Sách Ni Nhi mỗi người một chiếc. Dưới sự hướng dẫn của Nhị lão đạo, chúng tôi bắt đầu đào từ đám bùn lầy đó. Mặc dù đất bùn lầy dễ đào nhưng vì khe núi hẹp tay chân không thể cử động thoải mái được, nên tới nửa đêm, chúng tôi mới đào thấy đáy, bên dưới lộ ra những viên gạch màu đỏ đun, dùng đất sét đỏ khớp rãnh, ba người chúng tôi cạy vài viên gạch lên thì đã mệt bở hơi tai, bên dưới là một đuờng hầm chỉ vừa một người đi. Tôi nhìn thấy Nhị lão đạo tránh đi vào cửa chính của ngôi mộ mà đào từ phía trên đỉnh đường hầm xuống. Vì bị ngâm trong nước nhiều năm, nên kết cấu giữa các viên gạch đã có phần lỏng lẻo, chúng tôi không khỏi khâm phục đôi mắt gian xảo của Nhị lão đạo, trông thế mà chuẩn.

Nhị lão đạo cố nén lòng tham, lão giải thích vì hầm mộ bị bịt kín nhiều năm, bên trong có nhiều âm khí, không thể vào bên trong ngay được, hơn nữa bây giờ trời cũng tối rồi, mọi người ai nấy đều mệt, nghỉ ngơi chút đã, cuối đường hầm còn một lần cửa nữa, ngày mai vẫn còn việc để làm. Đêm hôm đó trời mưa không ngớt, Trương Cự Oa hỏi chúng tôi: “Mọi người có tin lúc đào trộm mộ mà gặp trời mưa nghĩa là ma đang khóc không?”

Sách Ni Nhi nhát gan, hay tin vào mấy câu chuyện mê tín dị đoan kiểu này, nghe Trương Cự Oa hỏi vậy mặt cô đã tái mét. Tôi nói với Sách Ni Nhi: “Không có chuyện đó đâu, người chết bị chon trong mộ giữa chốn hoang vu không có ai làm bạn, lạnh lẽo bao nhiêu năm như vậy, giờ khó khăn lắm mới có người đến thăm, vui mừng còn không hết, sao mà phải khóc.”

Nhị lão đạo nói: “Đúng là lão huynh đệ không tin tà ma, lão đạo tôi sớm nhận ra cậu không phải người tầm thường, hơn hẳn thằng đồ đệ của tôi chỉ biết mỗi việc khiêng đồ. Tôi thấy cô hồn dã quỷ có đáng sợ đến mấy cũng không đáng sợ bằng nghèo đói, tôi bị cái nghèo hành cho phát sợ rồi. Đợi mẻ này thành công đủ cho nửa đời còn lại ăn chơi phè phỡn, các cậu chỉ cần nghĩ như vậy thôi là cứng gan lại ngay.” Chúng tôi uống nước lạnh, ăn lương khô, nghe Nhị lão đạo nói đến đó thì hai mắt díp lại không thể chống lên được nữa, đêm hôm nay đúng là quá mệt. Bốn người thay nhau gác cửa đường hầm tránh không cho nước chảy vào, chịu đói chịu khát tới khi trời sáng.

Sáng hôm sau, Nhị lão đạo thắp một ngọn đèn bão giao cho tôi và Trương Cự Oa vào trong thám thính, ông ta còn dặn dò: “Lão huynh đệ phải nhớ kỹ, đèn tắt thì người chết.” 4

Nhị lão đạo nói với tôi, ngôi mộ Khiết Đan này nằm phía dưới một đồi đất to, bên trên mọc đầy cỏ dại, hầm mộ ở ngay dưới đồi đất, lần cửa thứ nhất nằm dưới khe núi Lão Câu, để đảm bảo không ảnh hưởng tới phong thủy nên người ta đã dùng gạch xây nối giữa hầm mộ và cửa mộ, phía sau cửa mộ còn một lần cửa đá nữa, tường hầm mộ xây bằng đá rất kiên cố, khó mà đào vào trong được. Để vào ngôi mộ cổ này, cách đơn giản nhất chính là đào từ phía trên đường hầm dẫn vào mộ. Nhưng ngôi mộ bị bịt kín nhiều năm, không lưu thông khí, đi vào sâu bên trong sẽ thấy khó thở, nếu ngọn đèn bị tắt chứng tỏ âm khí trong mộ vẫn còn nhiều, phải quay ran gay, đêm dài lắm mộng, ở trong đó lâu ắt có biến cố, thăm dò rõ tình hình trong mộ, mở cửa mộ lấy đồ xong, phải nhanh chóng quay trở ra ngay. Chúng tôi quấn xà cạp, rồi thong dây thừng để xuống đường hầm, bên dưới lạnh lẽo vô cùng, nếu hai người đi song song nhau thì hơi chật, đất rất xốp, chạm tay vào tường là từng mảng đất rơi xuống, đường hầm có thể sập bất cứ lúc nào, và chúng tôi sẽ bị chon sống dưới này bất cứ lúc nào. Đường hầm được xây bằng gạch nung dài, bên trên phủ một lớp bụi dày, trên tường đều khắc bích họa tuy nhiên đoạn hầm này bị sụt lở nghiêm trọng, lại ngâm trong nước lâu năm nên chỉ vài họa tiết còn nhìn thấy được, trong đường hầm vương vãi ít xương cốt, có thể là xương người bị tùy tang, cũng có thể là xương súc vật, chúng đã gãy vụn không thể nhận biết được.

Trương Cự Oa tuy to xác nhưng nhát gan, cậu ta theo sát phía sau lưng tôi và hỏi: “Anh à, anh đã đào mộ bao giờ chưa?” Tôi nói: “Hồi ở quê vẫn hay chơi dưới mấy cái huyệt không, còn cá cược với lũ bạn ngủ qua đêm ở bãi tha ma nhưng chỉ là huyệt trống, ngoài mấy con nhện ra thì chẳng có gì dưới đó cả. Mộ cổ như mộ thời Liêu này thì lần đầu tiên đấy, cậu là đồ đệ của Nhị lão đạo mà chưa vào mộ cổ lần nào à?”

Trương Cự Oa nói: “Nửa năm nay em theo đạo trường cũng đào được mấy cái mộ, nhưng chưa bao giờ đào cái mộ nào to như thế này, chỉ riêng đường hầm thôi mà đã sâu thế vậy rồi, bên trong không biết có gì?” Tôi nghĩ bụng: “Biết rồi còn hỏi, trong mộ cổ ngoài ‘bánh chưng[5]’ ra còn có gì được nữa? Trước đây nghe Nhị lão đạo nói ngôi mộ này chôn một người con gái Khiết Đan, lúc còn sống nàng không những là người hoàng tộc, xinh đẹp tuyệt trần, mà còn là một nữ thần Saman, thân phận rất đặc biệt.”

Trương Cự Oa kêu lên: “Chà! Không biết nàng đẹp đến mức nào?” Tôi hỏi cậu ta: “Cậu nghĩ xem, trong số những cô gái cậu đã từng gặp thì ai là xinh nhất?”

Trương Cự Oa nói: “Sách Ni Nhi! Tóc dài thướt tha, trông là đã thấy thích rồi. Cả đời em chưa bao giờ thấy cô gái nào xinh như vậy cả.” Tôi nói: “Sách Ni Nhi đúng là rất xinh, nếu sinh vào thời Thanh thì cô ấy cũng có thể là Cách Cách đấy, nhưng so với cô gái Khiết Đan này thì khí chất có khi không bằng vì Sách Ni Nhi lớn lên trong gia đình săn bắn, tính khí nhiều lúc còn cương hơn cả đám đàn ông.”

Trương Cự Oa nói: “Dù sao cô gái Khiết Đan kia cũng chết rồi, người chết thì không sánh được với người sống.” Tôi nói: “Biết đâu chết nhưng không bị phân hủy, mở nắp quan tài ra thấy vẫn như còn sống…”

Trương Cự Oa nói: “Thế thì thành cương thi rồi còn đâu. Anh đừng nói nữa, em yếu bóng vía lắm.” Tôi nói: “Mà bọn mình nói đến đâu rồi nhỉ! Cậu đừng nói chuyện này với Sách Ni Nhi nhé, nếu không cô ấy không tha cho tôi đâu.”

Trương Cự Oa nói: “Đánh yêu mắng yêu thôi. Cô ấy để ý đến anh mới làm vậy, con gái ở vùng bọn em toàn thế thôi.” Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện cho bớt sợ, đi tới tận cùng của đường hầm, theo ánh sáng của ngọn đèn chúng tôi nhìn thấy một lần cửa bằng gỗ, mỗi bên cánh cửa có dãy đinh tán bằng đồng mạ vàng. Ở giữa có chiếc khóa lớn đã hoen rỉ. Lớp cửa mộ đầu tiên dưới lòng núi Khang Diên là một cánh cửa đá, trong hầm mộ có một khối đá to đùng để chặn kẻ xâm phạm, không có lừa ngựa kéo thì đừng mơ đến chuyện mở ra, nhưng lớp cửa thứ hai chỉ làm bằng gỗ nẹp đồng, lại bị hoen rỉ mục nát, nên cơ bản là không chặn được ai.

Trương Cự Oa rút từng cái đinh trên tấm cửa, rồi đục xuyên qua, bên trong toàn cát, đào hết lớp cát lại là than cốc. Đây là lớp chống ẩm trong mộ cổ, may mà không dày lắm, phía sau lớp đất cát đó lại là một lần cửa nữa. Tôi và Trương Cự Oa toàn thân nhễ nhại mồ hôi và lấm lem đất cát, nghĩ tới chuyện phía trước chính là địa cung, tự nhiên tôi lại thấy căng thẳng. Khi chúng tôi chuẩn bị cạy lớp cửa thứ ba, thì thấy Sách Ni Nhi đi vào, tôi hỏi: “Sao em lại vào đây? Không sợ xác chết Khiết Đan à?”

Sách Ni Nhi nói: “Hai người vào lâu quá mà không thấy động tĩnh gì, em lo xảy ra chuyện, sao vẫn chưa xong?” Tôi nói: “Sắp xong rồi, còn một lần cửa nữa, cạy xong lớp cửa này, bên trong chính là địa cung…”

Nói xong thì Trương Cự Oa cũng đã đẩy bật được cánh cửa, địa cung chẳng qua cũng là huyệt đạo trong lòng đất, đúng lúc Trương Cự Oa đẩy bật cánh cửa , một luồng khói đen từ bên trong phụt ra khiến mọi người nghẹt thở. Tôi và Trương Cự Oa mới nhắc đến chuyện hình dạng cô gái người Khiết Đan nên rất hiếu kỳ, mọi người bất giác cầm đèn lên đi vào bên trong xem xét tình hình. Bất thình lình, từ bên trong hầm mộ tối đen xông ra một con quái vật hình thù kỳ dị, toàn thân mọc đầy long trắng toát, hai mắt sáng rực, răng nanh nhọn hoắt. 5

Ngọn đèn bão lung lay trước cơn gió âm từ trong hầm mộ thổi ra lúc tỏ lúc mờ, cùng lúc đó một con quái vật chưa ai nhìn thấy bao giờ, lông trắng mắt vàng, há to cái miệng đỏ au như máu xông ra. Ba người chúng tôi hồn bay phách lạc, tóc trên đầu dựng ngược hết cả lên, chôn chân trong đường hầm chật hẹp không biết chạy trốn đi đâu, chỉ biết giương mắt nhìn con quái vật đang lao tới. Tôi kinh hoàng vơ vội chiếc cuốc chim ném về phía con quái vật, chỉ thấy như ném vào không khí, chiếc cuốc va vào lớp tường gạch phát ra tiếng kêu chát chúa, vì ném mạnh quá nên lưỡi cuốc đã bị nứt, còn con quái vật lao về phía chúng tôi như một cơn lốc khiến mọi người không thể thở được, khi nhìn lại thì trước mắt bỗng không thấy gì hết. Chúng tôi thất kinh hồn vía, thở không ra hơi, vội vã quay ra theo đường cũ. Trương Cự Oa kể lại hình ảnh kinh hãi vừa rồi cho Nhị lão đạo nghe. Cả ba người đều nhìn thấy, không thể nhìn nhầm được, nếu tiếp tục đi vào bên trong chắc chắn sẽ bị con quái vật canh mộ đó ăn tươi nuốt sống.

Nhị lão đạo kiếm cơm bằng nghề đổ đấu, kinh nghiệm cũng rất phong phú, nghe Trương Cự Oa tả lại như vậy thì biết ngay đó không phải là ác thú. Ngôi mộ cổ này đã hàng nghìn năm không lưu thông không khí, những bức tranh vẽ trên tường màu sắc vẫn sặc sỡ giống như vừa được vẽ xong, đúng thời khắc mở cửa mộ, âm khí trong mộ sẽ tràn ra ngoài, màu sắc trên những bức tranh cũng theo cơn gió đó mà bị bay ra bên ngoài một phần nào. Mắt thường nhìn thấy hình ảnh quái thú chẳng qua là màu sức của những bức bích họa bị thổi ra ngoài. Thời xua mê tín, cứ nghĩ rằng đó là hôn ma bóng quỷ. Nếu gặp phải những trận gió như vậy, nhẹ thì hồn bay phách lạc, nặng thì chết ngay tại chỗ. Thực ra điều này cho thấy ngôi mộ đã được bảo tồn nguyên vẹn. Tôi nhớ lão Nghĩa mù cũng từng nói với tôi chuyện này, Nhị lão đạo không nói dối, nhưng Trương Cự Oa thì nói thế nào cũng không chịu vào mộ lần nữa.

Nhị lão đạo quát: “Đồ vô dụng! Suốt ngày không biết làm gì, chỉ muốn ngồi không ăn sẵn, cũng không nghĩ lại xem trên mộ tổ nhà mày có mọc ngọn cỏ dại nào không? Nhát gan không làm được tướng quân, sợ chết không phải là đại trượng phu, mày có muốn kiếm tiền xây nhà cưới vợ không hà?”. Nhị lão đạo biết tỏng gan ruột của Trương Cự Oa, nói một hồi như vậy, cậu ta lại bị thuyết phục. Trương Cự Oa ôm mông làm giàu, nghe Nhị lão đạo nói vậy, cậu ta lại liều ôm cuốc cầm đèn quyết tâm vào trong mộ cổ tìm báu vật.

Nhị lão đạo quay lại nói với tôi: “Lão huynh đệ, thằng đồ đệ của tôi chẳng được tích sự gì, đành phải nhờ cả vào cậu. Cậu cũng biết từ cổ tới nay có ba giáo phái: Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo. Nho giáo thì bình thường, Phật giáo thanh đạm khổ cực, duy có Đạo giáo là trường sinh bất lão, biến hóa vô cùng và lanh lợi nhất. Đi tới đâu cũng khiến mọi người phải ngước mắt nhìn. Thuật trường sinh bất lão tuy khó luyện thành nhưng sư phụ tôi cùng cáo đaoh nhân đều dựa vào xem bói xem tướng, xem phong thủy để kiếm sống. Tuy chưa đến mức giàu có nhưng không tới nỗi chết đói. Có điều tới đời chúng tôi gặp lúc đất nước giải phóng, nhà nước chủ trương đẩy lùi tệ nạn mê tín dị đoan. Bát cơm từ nhiều đời tổ tiên để lại, đến đời tôi thì không bị đạp đổ, tôi chẳng biết làm gì khác, không đi đào trộm mộ thì biết làm gì? Ngày trước tôi hút thuốc phiện, giờ thì thành đồ bỏ đi rồi, không thể chịu được cái lạnh dưới hầm mộ, nên đành nhờ vào cậu hướng dẫn đồ đệ tôi vào mộ, nhờ cậu trong nom nó với.” Tôi nghĩ trong bụng: “Lão cáo già này khéo sai bảo người khác, tự thân mình không vào mộ cổ, mấy việc nặng nhọc khó khăn này đều đùn hết cho mình và Trương Cự Oa”. Nhưng tôi là người ưa nhẹ chứ không ưa nặng, thời buổi đó lại đang tuổi thanh niên hiếu thắng, biết là việc khó cũng không muốn kiếm cớ thoái thác. Tôi nghe theo sự sắp xếp của Nhị lão đạo, bảo Trương Cự Oa mang túi da rắn, đeo găng tay, dây thừng, đèn pin, đèn bão và rìu.

Lúc này đã quá ngọ, chắc dưới hầm mộ đã có chút không khí tràn vào, tôi và Trương Cự Oa đeo khẩu trang chuẩn bị đi xuống, Sách Ni Nhi vác theo khẩu súng săn đòi đi theo vào hầm mộ, một phần cô lo tôi xảy ra chuyện, một phân cũng do hiếu kỳ, càng sợ càng muốn đi, nói cho cùng cô vẫn là kẻ to gan, vác theo súng săn tuy không dọa được người chết, nhưng cũng đủ để người sống thêm vững dạ. Tôi không muốn để Sách Ni Nhi xuống mộ, tuy tôi không tin âm hồn người chết vẫn còn trong mộ, nhưng những hiểm họa như cát rơi đá đổ thì luôn rình rập, thời gian lưu thông không khí cũng chưa lâu, chưa biết chững xuống đó lại chết ngạt, đường hầm thì có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Nhưng Sách Ni Nhi một mực đòi theo, tôi đành phải để cô đi theo và bắt phải đi sát phía sau tôi, không được đi lên phía trước.

Lần này trước khi xuống đường hầm, Nhị lão đạo đưa cho tôi một cây hương, dặn kỹ chúng tôi phải hành động nhanh chóng, trước khi que hương cháy hết phải trở lại mặt đất. Tôi hỏi lại tại sao phải vậy, thì lão ta chỉ ậm ừ trả lời rằng ở dưới lâu sợ xảy ra biến cố. Trương Cự Oa cầm rìu và đèn bão đi trước, tôi cùng Sách Ni Nhi cầm đèn pin đi sau, ba người thả dây thừng xuống đường hầm, lần mò vào tới cửa mộ theo đường cũ. Hầm mộ được đào bên dưới đồi đất, chia thành tiền, trung, hậu ba gian mộ thất. Tiền rất nhỏ hẹp, chỉ cách cửa mộ khoảng năm bước chân, trên bức tường đối diện cửa mộ vẽ hình một con mãnh hổ đang nhe nanh giương vuốt, đây là linh thú trấn mộ tránh tà, phần lớn màu sắc đã bị bay mất khi mở cửa mộ, bức tranh giờ có mày tối sậm nhưng vẫn nhìn rõ hình ảnh con vật gầm gừ hung dữ. Những bức bích họa phía trong bay màu không nghiêm trọng lắm, chúng tôi quét đèn pin một lượt, chỉ thấy màu tranh vẫn tươi tắn như mới, trên đó vẽ người, vật, hoa cỏ, cung điện, núi non, còn có quần thần ca hát tiệc tùng, nét vẽ điêu luyện, có phong cách của hội họa đời Đường. Ở giữa nơi này, tôi thấy mình như đi lạc vào trong một phòng tranh nghìn năm tuổi.

6 Diện tích tiền thất không lớn nhưng rộng hơn nhiều so với đường hầm. Bốn bề được xây bằng gạch. Mới bước vào trong, ánh sáng chiếc đèn bão đã giảm đi, đèn pin cũng không chiếu sáng được xa, mùi ẩm mốc vẫn nồng nặc kèm thêm mùi tanh khó chịu của đất. Chúng tôi sợ bị ngạt nên không dám đi quá nhanh.

Vừa đi vào, chúng tôi đã nhìn thấy bức bích họa ác thú gác cổng, hai bên và phía trên đầu có họa tiết hạc tiên và mây vờn, hai bên có bốn tượng đất quay mặt vào nhau trong tư thế nửa quỳ nửa ngồi, xem ra đây là hình ảnh của lính thị vệ, người nào người nấy mắt to mày rậm, tóc dài ngang vai, trên mình mặc áo dài cổ tròn có hoa, chân đi hài, thắt dây lưng, tay cầm búa dài. Họa tiết hoa trên áo, trên búa và hài đều được dát vàng. Thấy Trương Cự Oa đang cạo lớp vàng bên ngoài, tôi liền nói: “Nhị lão đạo dặn rồi, lấy năm món bảo vật ở hậu thất là được, đồ tùy táng ở ngôi mộ này quá nhiều, đến vàng dát mà cậu cũng lấy thì cạy ba ngày ba đêm cũng không hết đâu.”

Trương Cự Oa tuy hoa hết cả mắt nhưng vẫn gật đầu nói: “Vâng, em nghe anh. Anh này, mấy ông tượng gồm này không cầm dao quăm mà lại cầm vũ khí hao hao giống búa thề nhỉ, liệu có dùng được không?”. Tôi nói: “Cậu thì biết gì , không phải không phải búa mà là kim trảo, trước ngự giá không được dùng đao, nên chỉ có thể dùng kim trảo, Hoàng thượng thấy ai chướng mắt liền lệnh cho thị vệ lôi ra ngoài điện dùng kim trảo “kích đỉnh”, có nghĩa là đè phạm nhân xuống dưới đất, dùng búa dài này gõ mạnh vào đầu, như bổ dưa hấu ấy.”

Trương Cự Oa nói: “Anh giỏi thật đấy, chuyện này mà cũng biết.” Sách Ni Nhi nói: “Hình như em có nghe ông nội nói, cái nà gọi là cốt đóa…”

Thực ra thì Sách Ni Nhi nói không sai, vũ khí mà võ sỹ trong mộ Liêu cầm chính là cốt đóa. Từ rất lâu rồi, nó là binh khí của người Khiết Đan, cũng là binh khí của đội quân tự vệ. Lúc đó tôi cũng không biết nó là binh khí gì, chỉ tiện mồm nói vậy thôi. Tôi giải thích với Sách Ni Nhi rằng cốt đóa và kim trảo không khác gì nhau, chỉ là cách gọi của Quan Nội và Quan Ngoại không giống nhau mà thôi. Trung thất là một hầm mộ xây dựng theo thuyết trời tròn đất vuông trần vòm, diện tích bằng bốn gian nhà dân,tường cao khoảng ba bốn mét, đèn pin không thể chiếu sáng đến điểm tận cùng, hai bên mỗi bên có một gian nhi thất[6], góc tường là những chiếc cột xây bằng gạch, trên tường vẽ những bức tranh đen trắng và tranh màu trên nền đỏ, trên trần mộ và bốn phía xung quanh bức tường là một bức tranh hoàn chỉnh, màu sắc vẫn còn tươi tắn, hình ảnh sinh động như thật.

Trần mộ tô màu xanh lam điểm xuyết những ngôi sao màu trắng, phía đông nam vẽ vầng mặt trời đỏ au, bên trong có con chim vàng ba chân, phía tây nam vẽ vầng trăng sáng vằng vặc, trong cung trăng có cây đa và thỏ ngọc, không gian thăm thẳm, trời thăng trăng giáng, toàn cảnh bức tranh khiến người ta có cảm giác như thỏ đang chạy, chim đang bay, thời gian đang trôi chảy như ánh sáng, và cuộc sống đang được hồi sinh. Tôi ngẩng đầu nhìn trần ngôi mộ cổ nghìn năm tuổi, vừa xem tim vừa đập thình thịch, Sách Ni Nhi và Trương Cự Oa cũng tròn mắt kinh ngạc đứng. Tôi nghĩ thầm: “Cô gái Khiết Đan này cũng biết hưởng thụ thật đấy, chết rồi mà vẫn còn được ngắm những bức tranh đẹp như trong truyện cổ tích thế này”. Vừa nghĩ, tôi vừa lia ánh đèn pin sang phía bức tường, tiền gần lại xem thì thấy những bức bích họa trong ngôi mộ cổ này được sắp xếp theo lớp lang, miêu tả lại cuộc sống của chủ nhân khi còn sống, những buổi ca hát tiệc tùng trong hoàng cung, những buổi tế lễ thần, những buổi cưỡi ngựa săn bắn trong rừng, đội quan thị vệ uy nghiêm trong bộ áo giáp lấp lánh, người hầu quỳ dưới chân kính cẩn dâng rượu thịt, lính dắt ngựa nghiêm trang trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh xuất hành của chủ nhân. Bên gian nhĩ thất chất đầy các loại bát bằng mã não, thủy tinh, bát đĩa sứ tráng men trắng, men xanh, bình vàng hũ bạc, yên ngựa khảm ngọc dát vàng. Chỉ cần lau lớp bụi dày bên ngoài đi, là vàng ròng, bạc trắng, mã não đỏ hiện ra chói lóa cả mắt. Những ngôi mộ bình thường không thể nào so sánh nổi. Dù đã cách hàng nghìn năm, nhưng nhìn vào những đồ tùy táng này cũng đủ biết được cuộc sống, sa hoa, cơm vàng áo bạc, người hầu kẻ hạ của chủ nhân ngôi mộ.

Trương Cự Oa nói: “So với chủ nhân ngôi mộ này thì mình đúng là lãng phí đời, sao người ta lại có cuộc sống sa hoa như vậy được chứ?” Tôi nói: “Sư phụ cậu nói một câu rất chuẩn, số đã đểu còn biết trách ai, có trách thì trách mộ tổ nhà cậu không mọc được cỏ.”

Sách Ni Nhi hỏi: “Toàn những thứ sinh không mang đến chết không mang đi, cần nhiều thể để làm gì? Công chúa Mang Cổ lúc sống có bao kẻ hầu người hạ, của cải chất đống, chẳng phải vẫn chết trẻ đấy thôi.” Tôi hỏi lại: “Sao em biết cô gái Khiết Đan chết trẻ?”

Sách Ni Nhi trả lời: “Có gì lạ đâu, nữ thần Saman Mang Cổ chết lúc ngoài hai mươi tuổi, nếu hỏi mộ nàng ở đâu thì không ai biết, nhưng nhắc tới tên của nàng thì lớp người trước của giáo phái Saman ai cũng rõ. Truyền thuyết nói rằng, nữ thần Mang Cổ có thể nói chuyện với quỷ thần, mắt của nàng có thể nhìn xa ngàn dặm, sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, thế gian hiếm có.” Tôi nói: “Cô gái Khiết Đan này lúc sống xinh đẹp đến đâu chúng ta không ai biết, vì hồi đó chưa có máy ảnh, những trên những bức bích họa kia chắc phải khắc họa lại dung nhan của chủ nhân ngôi mộ.”

Tôi muốn tìm tranh chân dung nữ thần Saman trong số những bức bích họa kia, có điều nhiều bức họa như vậy nhưng hoàn toàn không có tranh chủ nhân ngôi mộ. Tôi biết, thi thể cô gái không nằm trong hậu thất mà nằm trong hầm mộ âm u lạnh lẽo này và đang theo dõi mỗi hành động của ba chúng tôi từ đầu đến cuối. 7

Tôi nói với Trương Cự Oa và Sách Ni Nhi là chúng tôi đã ở rất gần thi thể cô gái Khiết Đan , chủ nhân ngôi mộ được đặt ở chính nơi này. Trương Cự Oa thắc mắc: “Sao chủ nhân ngôi mộ lại không ở hậu thất hả anh?”

Tôi nói: “Cậu theo Nhị lão đạo làm đồ đệ bao lâu thành công cốc à? Hậu thất thường chỉ dùng để bia đá, chủ nhân ngôi mộ đương nhiên phải ở gian chính thất rồi.” Sách Ni Nhi nghe tôi nói thi thể cô gái Khiết Đan ở ngay đây thì sợ hết hồn, trách tôi sao không nói sớm. Những truyền thuyết về nữ thần Saman nước Liêu lưu truyền rộng rãi khắp vùng Đông Bắc, giáo phái Saman ngày nay chỉ còn biết thuật trừ tà. Nghe nói thời xưa họ thông thạo mọi pháp thuật thần thông. Sách Ni Nhị nghe quá nhiều những truyền kỳ về họ từ các bậc tiền bối, nên giờ sợ thì cứ sợ nhưng vẫn muốn xem hình dạng của cô gái Khiết Đan kia như thế nào.

Càng đi sâu vào trong ánh đèn bão càng tối, chúng tôi hít thở cũng thấy khó khăn hơn, hơi thơ bắt đầu trở nên gấp gáp, mồ hôi túa ra đầy lòng bàn tay. Chúng tôi tiếp tục tiến lên, phía trước mờ mờ ảo ảo hiện ra hình ảnh một chiến giường bằng đá kê sát chân tường, cao đến lưng người bình thường, chạm khắc thành hình đầu rồng mình cá, đó là chiếc giường đá hình cá Ma Kết, có điều chỉ có chiếc giường đá chứ không có quan tài, thi thể cô gái nằm nghiêng trên chiếc giường đá đó. Phong tục mai táng của người Khiết Đan khác với vùng Quan Nội. Người Saman cổ tin vào thuyết thông linh, khi mai táng kiêng dùng quan tài. Điều này tôi cũng được nghe lão Nghĩa mù kể lại. Tôi tiến lên vài bước để xem cho rõ hơn, Sách Ni Nhi nấp phía sau tôi và Trương Cự Oa, cố rướn người xem ra chúng tôi gần như nín thở, quan sát mọi thứ trước mắt dưới ánh sáng lờ mờ của chiếc đèn pin. Phía dưới chiếc giường đá vẽ hình một nam hai nữ, hình thức và thần thái đều rất sinh động, hai cô gái mặc váy cung nữ màu xanh, một người cầm quạt lông vẹt trắng, một người cầm chậu vàng, bên cạnh còn có một cụ già trong trang phục Saman, đầu quàng khăn voan màu đen, khuôn mặt hơi gầy, mũi cao mắt sâu, để râu dài, hai tay chắp phía trước cung kính, vẻ mặt trang nghiêm khiến người nhìn phải nể sợ. Phía trước giường đá có ba thi thể đã khô quắt, cũng là hai nữ một nam, trang phục giống như hình vẽ trong tranh, trên thi thể chi chit những nốt đen.

Ba người này hẳn là người tùy táng, trên giường đá có vẽ hình dạng của ba người này cho thấy họ là người hầu thân cận của chủ nhân ngôi mộ. Người sống bị bắt uống thủy ngân rồi tùy táng, thì khi chết cơ thể mới có nhiều nốt chấm đen như vậy, thủy ngân giúp thi thể bảo tồn được nhiều năm mà không bị phân hủy. Nhìn lại cô gái nằm nghiêng trên giường đá, cô gái Khiết Đan được đeo mặt nạ vàng, hai bím tóc tết phía sau đầu, bên trên còn cài trâm bằng vàng, cô gái cúi đầu trên một chiếc gối hình thú, lưng đeo đai cài khuy Như Ý, tay đeo găng, chân đi hài thêu kim tuyến, cổ tay đeo một đôi vòng vàng hình đầu rồng, tai đeo hoa tai bằng đá quý, ngón tay đeo nhẫn vàng, bên hông đeo hai chiếc đao có cán làm bằng ngọc, trước ngực đeo chiếc vòng hổ phác lớn, kết bằng hàng trăm viên hổ phách và ngọc trai, toàn thân mặc chiếc áo dệt bằng sợi bạc, tay ôm một chiếc hộp bằng và có trang trí mã não. Mặt nạ vàng hẳn được làm mô phỏng lại diện mạo của cô gái khi còn sống, dùng những lát vàng mỏng dát thành, dù sao thì đó cũng không phải là khuôn mặt của người sống, nó chỉ là một chiếc mặt nạ lạnh lẽo suốt hơn nghìn năm, khi phản chiếu ra những tia sáng lấp lánh tiếp xúc với ánh đèn pin nhưng trong ngôi mộ lạnh lẽo này, tôi không hề cảm nhận được vẻ đẹp hay vẻ đoan trang của cô gái, mà chỉ thấy nó thật kỳ dị.

Tôi nghĩ bụng, chẳng trách người ta ví xác chết trong các ngôi mộ cổ là “bánh chưng”, cứ bao bọc từ trong ra ngoài tầng tầng lớp lớp như vậy làm sao mà xem diện mạo trước đây được. Trương Cự Oa nhìn thi thể cô gái Khiết Đan một lúc rồi hỏi tôi: “Anh à, cứ nhìn mãi thế này khiếp lắm. Em nói rồi mà, cô gái Khiết Đan này làm sao mà đẹp bằng chị em được.”

Sách Ni Nhi không hiểu gì, hỏi lại Trương Cự Oa: “Cậu vừa nói gì thế?” Trương Cự Oa giải thích: “Anh bảo, chị với cô gái Khiết Đan kia tướng mạo như nhau, nhưng em nghĩ xác chết kia làm sao đẹp bằng chị được….”

Sách Ni Nhi nghe vậy nổi cáu, véo tai tôi đay nghiến: “Anh dám so sánh em với người chết à?” Tôi đau đến thở hắt ra, vội phân bua với Sách Ni Nhi: “Em đừng tin mồm thằng Oa, chắc nó lại nằm mơ, rồi tưởng là thật đấy”, nói rồi quay sang liếc xéo Trương Cự Oa một cái. Tôi hỏi: “Phía sau chiếc mặt nạ kia là chân dung của cô gái Khiết Đan, mọi người có dám xem không?”

Sách Ni Nhi sợ hãi phản đối ngay: “Không cần….đừng xem, mặt người chết….có gì đáng xem đâu.” Tôi nói, Nhị lão đạo đã dặn rồi, không cần lấy đồ tùy táng gì khác vì bảo vật đích thực đều nằm trên người cô gái Khiết Đan kia, chỉ cần lấy chiếc hộp mã não khảm vàng trong tay cô gái, chuỗi vòng cổ mã não, chiếc mặt nạ vàng, ba thứ này là đủ. Đặc biệt là chiếc mặt nạ vàng có chạm trổ hình long phượng rất tinh vi, lại có hình dạng khuôn mặt của cô gái Khiết Đan khi còn sống, nên không có món đồ nào giá trị bằng nó cả.

Sách Ni Nhi nói: “Nhị lão đạo nói thì hay, sao ông ta không xuống đây mà tháo chiếc mặt nạ từ trên người cô gái Khiết Đan kia xuống?” Trương Cự Oa nói: “Sư phục em không dám xuống đâu, nếu xuống chỉ có nước chết.”

8 Tôi hỏi lại Trương Cự Oa: “Cậu nói thế nghĩa là sao? Sao lão đạo tặc kia xuống mộ lại chết?”

Trương Cự Oa kể cho tôi và Sách Ni Nhi biết, tổ tiên Nhị lão đạo năm xưa xem phong thủy cho ngôi mộ này đã thề độc rằng, ông và hậu thể của ông không được đến đào trộm mộ, nếu không sẽ bị chết. Tôi hỏi lại: “Cậu là đồ đệ của Nhị lão đạo, ông ta sợ chết, cậu không sợ chết à?”

Trương Cự Oa ngẩn người ra, rồi kinh hãi kêu lên: “Ối! em còn chưa nghĩ tới điều này!”. Tôi hỏi lại cậu ta: “Nhị lão đạo đã dạy cậu những thứ gì rồi?”

Trương Cự Oa nói: “Nhiều lắm, đạo trưởng dạy em, đào trộm mộ khởi nguồn từ lưu vực Hoàng Hà, phát triển trong dân gian, sau đó còn đưa vào cả trong kịch của người Đông Bắc, thông thường do nhóm hai người cùng làm việc…” Tôi mới nghe là đã biết, Nhị lão đạo là tên gian xảo, ông ta chẳng dạy gì cho Trương Cự Oa cả, mấy thứ này cũng chỉ có thằng ngốc như Trương Cự Oa mới tin thôi.

Trương Cự Oa ít tiếp xúc với xã hội, nhìn thấy vàng bạc châu báu trên cơ thể cô gái Khiết Đan thì nổi lòng tham, chẳng còn biết sợ là gì nữa liền giục tôi soi đèn cho cậu ta lấy đồ, cậu ta còn quỳ trước cô gái vái lạy, khấn: “Em gái, em chết rồi giữ mấy thứ này cũng chẳng để làm gì, thôi thì chia cho bọn anh một ít, coi như tích đức, anh đây xin đắc tội.” Trương Cự Oa niệm vài câu cho vững dạ, rồi giơ tay lấy những báu vật trên thi thể cô gái, vì vướng ba cái xác khô nằm phía trước giường đá, nên cho dù Trương Cự Oa cao to, tay dài thì cũng không thể với xa được, cậu ta đành dời ba xác chết sang một bên, người chết do uống thủy ngân sẽ rất nặng dù đã bị khô đét, Trương Cự Oa di chuyển hết sức chật vật.

Sách Ni Nhi cầm đèn bão và súng săn đi sát phía sau tôi, tôi cầm que hương mà Nhị lão đạo đưa cho vào khe gạch trên tường, cầm sẵn túi da rắn, soi đèn pin cho Trương Cự Oa. Lúc này, thời gia không khí lưu thông trong hầm đã khá lâu, nên phạm vi chiếu sáng của ánh đèn đã được mở rộng, có thể nhìn thấy bức tranh phía sau thi thể cô gái Khiết Đan. Đó là một bức bích họa, có điều nội dung hết sức kỳ lạ, khiến cho người xem khó lòng lý giải. Phần trên bức bích họa hình ảnh sói đang ăn mặt trăng, vầng trăng to tròn bị biến thành màu đen, hơn nữa lại to đến kỳ là khiến người xem sởn gai ốc, cảm tưởng chỉ cần nhìn thêm chút nữa sẽ bị hút vào bên trong. Góc trái vẽ hình con sói đói với bộ dạng to xù và hung ác. Theo quan niệm mê tín của người Trung Nguyên xưa, nguyệt thực là hiện tượng thiên cẩu ăn mặt trăng, còn người Liêu thì cho rằng là thiên lang; tức sói trời ăn mặt trăng. Cả hai cách nói này đều ám chỉ tới cùng một hiện tương. Nửa dưới bức bích họa vẽ một ngọn núi to, trong lòng núi có một chiếc quan tài bằng gỗ, bên ngoài quán mấy vòng xích sắt, xung quanh có mười mấy bức tượng bằng vàng. Phía ngoài ngọn núi có rất nhiều người với những khuôn mặt vô cảm, nam nữ lớn nhỏ đều có, không biết là còn sống hay đã chết, tất cả đều nằm ở phía dưới vầng mặt trăng đen kia.

Trương Cự Oa chỉ chăm chăm lấy vàng bạc châu báu, còn tôi và Sách Ni Nhi thì bị bức tranh hút hồn. Các bức vẽ trong ngôi mộ này phần lớn là tranh tả thực, duy có bức họa này hết sức cổ quái, lại được đặt ở vị trí phía sau nữ thần, nó mang ý nghĩa vô cùng rõ ràng. Tôi nhìn chăm chú một lúc, vẫn không nghĩ ra bức tranh này có ý gì, chỉ thấy thật khó hiểu.

Sách Ni Nhi lẩm bẩm một mình: “Bức họa này cứ như là giấc mơ của cô gái Khiết Đan.” Tôi nghe vậy bất giác sững người, Sách Ni Nhi đã nói đúng điểm trọng yếu, thi thể cô gái Khiết Đan được đeo mặt nạ vàng, nằm nghiêng trên giường đá, phía sau lưng là bức tranh, nó giống như đang thể hiện giấc mơ của chủ nhân ngôi mộ lúc còn sống, khiến người ta cảm thấy cô gái Khiết Đan này chưa chết, chỉ nằm ngủ một giấc dài miên man trong ngôi mộ âm u lạnh lẽo này. Nếu là một giấc mơ, thì đây quả là một giấc mơ rất kỳ dị.

Tôi nói với Sách Ni Nhi: “Không chừng em đoán đúng đấy. Người xưa hay mê tín, nghĩ rằng nằm mộng có thể gặp được thần linh, hơn nữa trái lành phải hung. Cô gái Khiết Đan khi còn sống thuộc dòng dõi hoàng tộc, lại là nữ thần Saman, khi còn sống chắc đã mơ một giấc mơ khiến cô không thể nào quên, giấc mơ này có thể rất quan trọng, nên cho đến lúc chết cô vẫn dặn dò mọi người vẽ lại bức tranh ấy trong hầm mộ của mình.” Sách Ni Nhi nhìn vào bức tranh rùng mình: “Đây là một cơn ác mộng không thể nào lý giải được…”

Trương Cự Oa lên tiếng: “Mọi người đừng nhìn mãi bức họa đó nữa, giấc mơ trước đây của người đã chết thì liên quan gì tới chúng ta, mau lại giúp em một tay.” Tôi quay lại thấy Trương Cự Oa đang giơ hai cánh tay run cầm cập ra phía trước, chuẩn bị nâng đầu cỗ thi thể để lấy chiếc vòng cổ hổ phách. Hai tay cậu ta đang bận ôm lấy đầu cô gái, nên không còn cách nào để lấy chiếc vòng.

Tôi nói với Trương Cự Oa: “Cô gái Khiết Đan là nữ thần Saman, lại là công chúa nước Liêu, thằng nghèo kiết xác như cậu lấy tư cách gì mà đòi ôm cô ấy hả?” Trương Cự Oa giọng run run: “Ôi anh ơi, anh đừng dọa em, em sợ sắp đái cả ra quần rồi đây này, may mà lần này em mang theo hai cái quần.”

Tôi thấy Trương Cự Ia đã sợ lắm rồi, đành không quan sát bức bích họa nữa, tắt đèn pin treo vào dây lưng, gọi Sách Ni Nhi cầm đèn tiến đến gần tháo chiếc vòng cổ trên thi thể cô gái ra, chiếc vòng rất nặng, tôi thuận tay cho luôn vào chiếc túi da rắn, nghĩ bụng: “Nhị lão đạo phen này đúng là vớ được món bở.” Trương Cự Oa rón rén hạ đầu cô gái Khiết Đan xuống, biết rõ đây là người chết, nhưng nhìn thấy ánh sáng phát ra từ chiếc mặt nạ vàng, cậu ta có cảm giác chỉ cần hơi manh động là thi thể cô gái Khiết Đan này sẽ ngồi bật dậy, nên đến thở cũng không dám thở mạnh.

Sau chiếc vòng hổ phách, chúng tôi phải gỡ chiếc mặt nạ trên mặt xác chết. Tôi không thể tưởng tượng được bên dưới chiếc mặt nạ kia là khuôn mặt như thế nào, cô gái Khiết Đan đã chết hơn nghìn năm, cũng bị đổ thủy ngân, sẽ là xác chết khô đét trên người đầy nốt đen như ba người tùy táng kia ư? Hay vẫn giữ được dung mạo như khi còn sống? 9

Thường ngày, Sách Ni Nhi nghe nhiều lời đồn về nữ thần Saman, giờ thấy chúng tôi chuẩn bị lấy mặt nạ thì sợ quá bịt hai mắt lại không dám nhìn mặt xác chết. Trương Cự Oa nói: “Chị đừng nhắm mắt đấy! Nhỡ bóp cò trúng em và anh thì bọn em thành ma chết oan.”

Tôi trấn an Sách Ni Nhi đừng sợ, khuôn mặt cô gái Khiết Đan không đáng sợ hơn ba xác chết dưới đất kia đâu. Theo lý thuyết thì bên dưới chiếc mặt nạ kia chỉ là một bộ xương khô, công chúa Mang Cổ có vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, cô rất yêu quý nhan sắc của mình, nên mới uống thủy ngân để mong thi thể không bị phân hủy, nhưng người chết và người sống hoàn toàn khác nhau. Trước đây, cũng chỉ có người hầu tùy táng thì uống thủy ngân để chống phân hủy, ngôi mộ cổ này lại không có quan quách gì, cô gái Khiết Đan đã chết hàng nghìn năm, bảo vệ tốt đến mấy cũng chỉ là một bộ xương khô. Trên người được bọc nhiều lớp vải, đeo mặt nạ vàng, nằm trên giường đá trông có vẻ như một người bình thường thôi, chứ phía dưới lớp áo liệm và chiếc mặt nạ đó có khi không có gì ngoài bộ xương khô cả. Sách Ni Nhi lại cho rằng nữ thần Saman không như những người bình thường khác, ít ra thì mái tóc của người chết vẫn đen dài, chỉ không được mượt như người sống mà thôi.

Nghe Sách Ni Nhi nói như vậy, Trương Cự Oa cũng không có gan mở mặt nạ vàng ra nữa, cậu ta với tay lấy mấy thứ trang sức bằng vàng và chiếc dao bạc có cán bằng hổ phách, đưa tất cho tôi bỏ vào túi da rắn, rồi gỡ cánh tay cô gái ra để lấy chiếc hộp vàng khảm mã não, chiếc hộp dài khoảng một thước. Tôi mở ra xem, bên trong có ba ngăn, ngăn đầu tiên chỉ để vài chiếc xương thú.

Sách Ni Nhi nói: “Em biết cái này, đây là Shagai của Mang Cổ” Tôi nghe kể, ở vùng Đông Bắc, các cô gái thích đeo một loại trang sức làm bằng xương thú, gọi là “Shagai”, người Quan Nội quen gọi nó là “Dương quải”. Người Quan Ngoại sử dụng xương đầu gối của lợn, còn người Quan Nội thì dùng xương đầu gối của dê, nhưng đều không phải thứ tôi đang cầm trên tay, cái này chắc có niên đại rất lâu đời, bề mặt sáng bóng như ngọc, bên trên có khắc ký hiệu những lá bùa, các mặt đều có đường viền đỏ, đen, xanh, trắng. Có thể là người Saman xưa dùng để bói quẻ hung cát. Hai ngăn còn lại của chiếc hộp đựng vòng ngọc và một viên ngọc trai to như mắt rồng. Tôi không biết vòng ngọc trị giá bao nhiêu, nhưng nhìn viên ngọc trai phát ra ánh sáng kỳ lạ dưới ánh đèn như muốn át hẳn ánh sáng của ngọn đèn bão thì biết giá trị của nói đúng là liên thành, thậm chí thông qua ánh sáng rực rỡ của viên ngọc có thể nhìn rõ được từng sợi tóc của cô gái Khiết Đan. Tôi nhớ đến lời lão Nghĩa mù, làm nghề đổ đấu thì không được nổi lòng tham, phàm việc gì cũng không được làm thái quá, vòng hổ phách, đao ngọc, hộp vàng đều là những thứ bên ngoài, lấy cũng không sao, còn mặt nạ vàng và chiếc gối ngọc thì tốt nhất là không nên lấy.

Tôi định gọi Trương Cự Oa dừng tay, thì nghe thấy Sách Ni Nhi kêu lên: “Sao em thấy bức bích họa có gì đó khác với vừa này”. Tôi bỏ chiếc hộp vàng vào túi da rắn, nhìn lên bức bích họa phía sau thi thể cô gái, quan sát một lúc lâu vẫn có cảm giác bị vầng trăng đen hút vào bên trong, nhưng không nhận ra bức tranh có gì thay đổi, nói chung nhìn vào bức tranh đó chỉ thấy một màu đen ngòm.

Lúc này, que hương cũng đã cháy gần hết, tôi cứ nghĩ que hương sẽ cháy được khoảng một tiếng, ai ngờ chỉ được hai mươi phút, tôi vội giục Trương Cự Oa: “Được rồi đấy, cậu không dám lấy chiếc mặt nạ thì chúng ta quay ra thôi, chỗ này không thể ở lâu.” Ban đầu, Trương Cự Oa rất sợ hãi, nhưng khi đã lấy được vài món trang sức trên người cô gái Khiết Đan mà không thấy có chuyện gì xảy ra thì to gan hơn, cậu ta lấy hết món này đến món khác, vì dù sao lấy một ít cũng là lấy mà lấy tất cũng là lấy, bây giờ không lấy sau này lại hối hận, nghĩ tới nghĩ lui cậu ta vẫn muốn gỡ chiếc mặt nạ vàng xuống. Chiếc mặt nạ có một khuy cài phía sau đầu, Trương Cự Oa dùng tay nhấc đầu thi thể cô gái Khiết Đan lên để tháo chiếc khuy phía sau ra, lóng nga lóng ngóng toát cả mồ hôi mà vẫn không tháo ra được. Lúc này que hương đã hoàn toàn cháy hết.

Tôi không hiểu vì sao Nhị lão đạo lại dặn dò phải ra ngoài trước khi que hương cháy hết, nhưng tôi bỗng có cảm giác bất an, vội lôi Trương Cự Oa: “Đừng lấy mặt nạ nữa, đi thôi.” Trương Cự Oa vẫn tiếc rẻ chưa nỡ buông tay, chiếc mặt nạ đã bị cậu ta lôi tuột ra. Lúc đó tôi và Sách Ni Nhi đứng phía sau, lại chỉ có mỗi ngọn đèn bão chiếu sáng nên không nhìn thấy mặt cô gái Khiết Đan, cũng không biết Trương Cự Oa nhìn thấy gì, chỉ nghe thấy cậu ta hét lên: “Ối trời ơi, khiếp quá!” vừa kêu lên thảng thốt, cậu ta vừa nhảy lùi ra sau.

Dưới ánh đèn bão chập chờn, chúng tôi nhìn thấy diện mạo cô gái Khiết Đan, vị nữ thần Saman có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành giờ cũng chỉ là cái xác khô như vỏ cây, hai hốc mắt và miệng sâu hoắm như ba cái hố đen sì, trông khủng khiếp chẳng khác gì vầng trăng đen trên bức bích họa. Cô gái Khiết Đan có thể lúc còn sống bị cơn ác mộng đó giày vò nên khi chết rất đau khổ, chẳng trách khiến cho Trương Cự Oa sợ chết khiếp. Tôi nhìn mà còn dựng hết tóc gáy, nói với Trương Cự Oa: “Bảo cậu đừng có gỡ mặt nạ thì không nghe, giờ sợ rồi chứ gì?”, nhưng quay đầu lại thì không thấy Trương Cự Oa đâu nữa, nếu cậu ta bỏ chạy ra ngoài không lẽ tôi không nghe thấy tiếng bước chân? Người sống sờ sờ ra vậy sao lại tự nhiên mất tích được.

Sách Ni Nhi cũng hoảng hốt: “Anh ấy đâu rồi? Chuồn rồi à?” Tôi nghĩ Trương Cự Oa không thể nào nhanh chân như vậy được, không biết phải trả lời Sách Ni Nhi ra sao, đành bấm đèn pin tìm xung quanh. Tôi giật bắn mình khi nhìn Trương Cự Oa đang bị bức bích họa cổ ăn thịt.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro