[Tâm sự] Vì sao fan Trung và Hiểu Hiểu đều yêu Tiết Dương?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


0.
Tôi muốn phân tích một vấn đề, nhưng đó lại không phải tình tiết truyện mà là một vấn đề thực trạng, nên chỉ đành gọi nó là tâm sự. Mục đích chỉ đơn giản là dựa vào những gì tôi nhìn thấy, đọc được và nghe thấy, phân tích một chút lý do một thằng phản diện vai phụ liên tục nằm chễm chệ trên top 3 nhân vật Ma Đạo hot nhất mấy năm qua. Nhắc lại, bài viết của tôi không nhằm mục đích tẩy trắng hay biến Tiết Dương thành shota bạch liên bông, chỉ là qua đợt vừa rồi, sau khi chứng kiến sức mạnh của quân đoàn anti Tiết Dương ở Việt Nam, tôi mới bắt đầu tự hỏi, tại sao thái độ của fan Trung với fan Việt về nhân vật này lại khác nhau tới vậy?

Cá nhân tôi không cho rằng rào cản ngôn ngữ đóng vai trò quá lớn. Sau gần một năm ở bên này, hiểu hơn về con người và vùng đất bồi dưỡng nên tác phẩm Ma Đạo, tôi không dám nói góc nhìn của mình là đúng đắn, chỉ là muốn đưa ra một khía cạnh khác cho những ai hứng thú suy ngẫm một chút vấn đề này mà thôi.

1.
Chương trình đại học năm nhất dành cho lưu học sinh tụi tôi có một lớp tôi rất thích, là môn "Đại cương Trung Quốc." Hồi cấp 3 bắt đầu học tiếng Hán, tôi cũng từng say sưa tìm hiểu về văn hoá Trung Hoa, nhưng đến khi chính thức đặt chân đến đây học, tôi mới dần nhận ra hoá ra mình chẳng hiểu gì cả. Mà quả thật, câu hỏi tại sao phía trên được đặt ra, cũng chính là vì chúng ta đều nghĩ, Trung Quốc và Việt Nam rất giống nhau. Bề ngoài, cả hai cùng là một trong số ít những nước trên thế giới duy trì chế độ xã hội chủ nghĩa, so với những nước còn lại, thì quả thực về chính trị hay văn hoá đều rất giống. Thế nhưng bề ngoài thì chỉ là bề ngoài, tư tưởng và cách sống giữa chúng ta và họ đều thật sự rất khác biệt.

Nói xa xôi một chút, 1/1/2016, Trung Quốc mới thực thi cho phép sinh 2 con, vì thế đại bộ phận 8X và 9X đều là con một. Chính vì vậy, cho dù là trai hay gái, họ đều là ký thác kỳ vọng, quan tâm và hạnh phúc duy nhất của bố mẹ, ông bà mình, họ hiểu rõ hơn ai hết chính mình bằng mọi giá phải sống hạnh phúc. Nếu như ở Việt Nam, hành vi cùng lời nói của một người vẫn thường bị gò bó trong quan điểm đạo đức xã hội lý tưởng, thì ở Trung Quốc, một cô gái có thể dõng dạc ở trên show truyền hình thể hiện quan điểm vật chất hoá của mình, tuyên bố cô ta thà khóc trên BMW còn hơn phải cười trên xe đạp. Tuy ngay ở Trung Quốc, phát ngôn này cũng kéo đến nghị luận gay gắt nhưng không thể phủ nhận, quan niệm này đang ngày càng thêm phổ biến.

2.
Cá nhân tôi cảm thấy, người Hoa nhìn chung có lối suy nghĩ thực dụng hơn người Việt. "Thực dụng" ở đây cũng không phải hoàn toàn mang ý xấu. Gần đây tôi nhìn thấy một lời nhận xét rất chuẩn xác: Suy nghĩ của người Việt giống như một cuốn sách giáo khoa, không có tính nghi vấn. So sánh với Việt Nam, người Trung Quốc có lối tư duy tỉ mỉ, chặt chẽ, và thực tế hơn rất nhiều cách tư duy dập khuôn, lỏng lẻo và sáo rỗng của người Việt. Ở bất kỳ một thành phố nào ở Trung Quốc, đều có chế độ đãi ngộ ưu tiên dành cho dân bản địa, không chỉ thi cử mà cả tìm việc cũng vậy. Tức là, giả sử nếu muốn đỗ trường trọng điểm X ở thành phố lớn A, bạn là dân bản địa, bạn cần đạt 200 điểm thì nếu là dân ngoại tỉnh, bạn phải đạt 220 hoặc 250 điểm mới có cơ hội đỗ. Cũng có nghĩa, nếu muốn vươn lên tìm lấy cho mình một cuộc sống khác, bạn phải là kẻ xuất sắc nhất, ưu tú và khác biệt hẳn với những kẻ còn lại, còn không, sẽ chẳng có ưu đãi nào hết, sống ở đâu thì cứ ở nguyên chỗ đó.

Trong tiếng Trung, bên cạnh "Thiên Tài", còn có một khái niệm gọi là "Quỷ Tài", mà Tiết Dương có thể nói chính là một ví dụ điển hình như vậy. Hắn lăn lóc đầu đường xó chợ, không cha không mẹ, một miếng bánh ngọt từ trên trời rơi xuống cho hắn còn chẳng có chứ đừng nói là một người nhặt về nuôi. Mở đầu Ma Đạo không phải có câu: "Nếu Nguỵ Anh không được Giang gia nhặt về nuôi nấng, thì đời này chỉ là một thằng lưu manh xó chợ" đó sao? Tiết Dương - thằng "lưu manh xó chợ", "không được Giang gia nhặt về" ấy, thế mà lại có thể một tay tự mình bò lên tận vị trí khách khanh Kim gia tôn quý. Vì thế chỉ riêng bằng điểm này, cho dù hắn có là một thằng phản diện cặn bã, cũng là một thằng phản diện cặn bã ưu tú, kì tài ngút trời!

3.
Cách đây nhiều năm, Trung Quốc từng chấn động vụ bé gái 3 tuổi bị xe cán nằm mấy tiếng trên đường không có người gọi xe cấp cứu. Nhưng chỉ trước đó 2 năm, cũng không ai quên được việc cậu sinh viên bị chính cụ già anh ta ra tay giúp đỡ vu cáo. Lại nghe nói, trước đây thái độ của cảnh sát chỗ tôi đang ở rất tệ, mấy năm trước, có một người đàn ông vì xung đột với viên cảnh sát vu khống mình trộm xe đạp, mấy ngày sau vác vũ khí tới đồn cảnh sát, giết chết 6 người công an. Thế nhưng, lúc đó có không ít người đều coi anh ta là anh hùng, bởi vì hiện giờ, thái độ cảnh sát ở thành phố này quả thực tốt lắm. Trung Quốc là một đất nước rộng lớn, có lẽ chính vì thế mà loại người nào cũng có, luật nhân quả cũng đến theo cách thức nhanh chóng và phong phú hơn chăng? Vậy so ra, việc một thằng bé 7 tuổi bị người ta lừa đánh, bị cán mất một ngón tay, mấy năm sau quay lại diệt môn kẻ đầu sỏ gieo hoạ năm xưa, có lẽ đối với họ cũng chẳng quá khó hiểu cho lắm.

Ở Trung Quốc, áp lực cuộc sống mà bọn họ phải trải qua thật sự vô cùng nặng nề, cũng vô cùng đau đớn, mệt mỏi. Vẫn là một luận cứ về giáo dục, giáo viên lớp đại cương từng hỏi tôi, thi cử ở VN có áp lực không, tôi nói có, cô lại hỏi, có đến mức chết người không, tôi tái mặt. Mỗi một năm, ở mỗi thành phố đều có một nơi cố định một chiếc đồng hồ đếm ngược đến ngày thi vào đại học. Có nơi đếm từ 30 ngày, 90 ngày, thậm chí là 300 ngày, đồng loạt đếm dần xuống, đến khi chỉ còn 2 ngày, 1 ngày, 15 tiếng, 30 phút, 15 phút. Đó là loại đè nén đến muốn mạng người, chứ không chỉ là kiểu chán đời hờ hững, không tìm thấy mục đích. Người như chúng ta, chỉ có thể chứng kiến, không thể lý giải. Gánh nặng vô hình ấy, dường như cũng giống với cô bé vô tội bị xe cán bỏ mặc, giống đứa trẻ đột nhiên bị đánh mắng bị mất đi ngón tay út, là một thứ mà bọn họ phải vô lý gánh chịu. Vậy nên, một kẻ như Tiết Dương, một kẻ có khả năng đi huỷ hoại nhân tố đã gây ra cho mình khổ sở đau đớn, có lẽ trong vô thức phần nào thoả mãn được tâm lý báo thù của họ, thậm chí còn khiến họ có chút ngưỡng mộ nữa.

Người Việt nói đạo lý miệng lưỡi rất lắt léo, thường muốn lấy lý ra để đôi co trước, đến lúc bí thì sẽ quay qua nói đến tình. Người Trung Quốc tuy góc nhìn đa chiều nhưng lập trường thì lại rất rành mạch, dứt khoát. Ví như người đàn ông giết hại 6 vị cảnh sát kia, về pháp lý, về đạo đức, anh ta chính là một tên sát nhân tiêu cực đến tàn bạo, thế nhưng người anh ta giết không phải họ, cũng không phải người thân của họ. Hơn nữa, ảnh hưởng của sự việc trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày của họ là tích cực, quả báo cho hành vi tàn nhẫn của anh ta cũng do pháp luật tới trừng trị rồi, thế nên họ sẽ không nhân danh chính nghĩa đi kêu gào chửi rủa lên án nữa. Cũng theo như lối tư duy này, việc Tiết Dương là một tên ma đầu khốn nạn hung ác, chẳng có can hệ quái gì đến việc hắn là một tay tình thánh cả. So với điểm nhìn của độc giả Việt, Tiết Dương trong tưởng tượng của độc giả Trung có lẽ còn cường đại, xuất sắc hơn nhiều lắm. Vì vậy bản án gần mười năm chôn chân nơi thành hoang, chết trong tuyệt vọng, không toàn thây của hắn không hề nhẹ nhàng dễ chịu, là một kết cục đủ thảm khốc không cần truy cứu thêm nữa.

4.
Vậy nhưng lại phải nói, bản án ấy có phải do ai định tội cho hắn hay không? Hay là tự chính hắn tuyên án cho mình?

Ngày hôm nay, cô giáo nói muốn cho chúng tôi xem một cuộc trò chuyện của hai cô gái, cả hai người đều rất xinh đẹp. Một người học đại học ở Canada, sau đó học thạc sĩ ở Anh, chưa bao giờ phẫu thuật thẩm mỹ. Một người là chủ viện thẩm mỹ, bắt đầu phẫu thuật lúc 14 tuổi và chưa từng ngừng lại, đã bỏ ra gần 400 vạn tệ để sửa khuôn mặt của mình. Trước khi xem, cô chỉ nói là, cô muốn chúng tôi xem xong, rồi nói cho cô biết, chúng tôi thích ai hơn. Tôi vẫn luôn nghĩ rằng tôi sẽ thích cô gái không phẫu thuật kia hơn, cô ấy xinh xắn tự nhiên, nói chuyện văn nhã, suy nghĩ sâu sắc. Thế nhưng khi xem xong cuộc nói chuyện đó, tôi nghẹn họng không thể phủ nhận, tôi thích cô gái phẫu thuật hơn. Trong suốt đoạn video 30 phút đó, cô thạc sĩ không ngừng hỏi "cô không sợ bạn trai chỉ thích cô vì ngoại hình à?", "100 năm nữa quan niệm về cái đẹp khác đi thì thế nào?", "phẫu thuật phải trải qua bao nhiêu đau đớn và tác dụng phụ, cô làm vậy chỉ vì đẹp, có đáng không?",... ý định thuyết phục người kia thay đổi lập trường. Cô chủ viện thẩm mỹ, không hề tẩy não, cũng không hề bao biện, chỉ nói: "Đây là việc mà tôi biết là sau khi thực hiện, nó khiến tôi cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Nếu là việc tôi đã nhận định, thì nó đáng để tôi không ngại phải trả bất cứ cái giá nào, cũng không cần quan tâm người đời sau này sẽ nói gì về tôi."

Quay lại vấn đề lúc trước, kẻ lãnh kết cục thảm khốc là Tiết Dương, mà kẻ tuyên án thực ra cũng không ai khác ngoài chính hắn. Tiết Dương là cặn bã, Hiểu Tinh Trần là quân tử. Ngay từ đầu người ta đã nhận định, những việc hắn gây ra cho Hiểu Tinh Trần là tội ác, còn những việc hắn làm vì Hiểu Tinh Trần là trừng phạt. Người ta có thể dễ dàng, giống như Nguỵ Vô Tiện, giống như Lam Vong Cơ, buông một câu hắn là ác nhân, không xứng với vị đạo trưởng thanh cao ấy. Thế nhưng đã có ai từng thử đứng ở vị trí của kẻ cặn bã đó, bằng góc nhìn của hắn, hỏi hắn, ngươi làm tất cả vì một kẻ ngươi gọi là kẻ thù, có đáng không? Có đáng vì luyện một cỗ hung thi để sai khiến, để báo thù mà vùi dập tương lai, chôn chân 8 năm trong thành chết? Có đáng vì một thanh kiếm, một nang khoá hồn mà mất mạng, mất tay? Có đáng vì một chút ngọt ngào đã từng có một người đều đặn trao cho ngươi mà giữ khư khư một viên kẹo hỏng đến chết cũng chẳng buông?

Nếu để Nguỵ Anh bằng cái danh ma đầu cùng hung cực ác của Tiết Dương mà nói, hắn đã nói, không đáng. Một kẻ thủ đoạn ngoan độc như Tiết Dương, không đáng để còn sống sờ sờ mà tai tiếng lại bị Di Lăng lão tổ lấn át, bị người đời đều tưởng rằng đã chết sau khi bị Kim Quang Dao thanh lý. Nhưng đối với Tiết Dương, tất thảy những việc hắn làm đều là vì để đưa Hiểu Tinh Trần về bên cạnh hắn, vì vậy tất thảy đều xứng đáng. Chỉ vì hai năm chung sống mà trả giá bằng tám năm thủ giữ, chỉ vì một người mà hành động lẫn lựa chọn đều cảm tính đến ngu dại, chẳng hề nói quá, Tiết Dương đúng là một tên tình thánh!

5.
Nhắc đến lựa chọn, nghĩ kỹ một chút, thực ra không chỉ có Tiết Dương, mà lựa chọn của Hiểu Tinh Trần thực ra cũng chẳng được lý tính cho lắm. Đại đa số chúng ta đều chưa từng trải qua quá khứ tương tự với Tiết Dương, mà theo như hắn nói, là bởi vì ngón tay đó không mọc trên người chúng ta, nên chúng ta sẽ không cảm thấy đau. Nhưng Hiểu Tinh Trần thì khác, y lương thiện thanh cao, từ nhỏ đã tiếp thu giáo dục đạo lý nghiêm cẩn, dễ dàng thu được đồng cảm của người khác, vì vậy, tôi vẫn không ngừng suy đoán, trong những phút cuối cùng của đời mình, y đã nghĩ những gì.

Trong vụ Bạch Tuyết Quan, thiệt hại là mấy chục mạng người cùng với đôi mắt của Tống đạo trưởng. Hiểu Tinh Trần, bị Tử Sâm phán là động cơ gây án, vì cảm giác áy náy và tội lỗi trong lòng, trả lại một đôi mắt và đáp ứng yêu cầu "không gặp lại nhau nữa" của nạn nhân, cố hết sức có thể để bù đắp cho người bị hại.

Thế nhưng, đến ải cuối cùng ở Nghĩa thành, y lại có vẻ không "cố hết sức" như vậy nữa. Theo lý mà nói, Tiết Dương chính là đầu sỏ lừa Hiểu Tinh Trần giết nhầm người vô tội, giết nhầm Tống đạo trưởng, cho dù không vì báo tư thù, giết hắn cũng sẽ diệt trừ được mối hoạ về sau, chí ít cũng sẽ giải thoát cho hung thi Tống Lam khỏi khống chế của hắn. Đây rõ ràng mới là bù đắp tốt nhất. Thế nhưng trừ nhát kiếm đầu tiên đâm vào bụng Tiết Dương hiển lộ được chút sát tâm ra (mặc dù sát tâm ấy cũng chẳng đủ chết nổi hắn), Hiểu Tinh Trần từ đầu đến cuối không hề có vẻ nỗ lực đi lấy mạng Tiết Dương. Dừng lại nghe phần kết câu chuyện của hắn, cố gắng cãi lý với một tên cuồng sát, rồi kết liễu sinh mạng của chính mình, so với miêu tả thiết lập "tâm như đá tảng" của y quả thực xuất hiện mâu thuẫn lớn. Ngoài ra, câu nói cuối cùng "tha cho ta đi" cũng là một dấu chấm hỏi. Trên tay cầm Sương Hoa, trước mặt là kẻ thù, cùng lắm thì đồng quy vu tận, cớ gì chưa đánh đã xin tha, cớ gì gục ngã buông xuống để lại một câu đớn hèn đến tột cùng như vậy?

Người đã đi rồi, hồn đã tán tận, câu trả lời không kẻ nào hay biết. Lúc xót thương cho Hiểu Tinh Trần, tôi thường hay nghĩ, giá mà lúc ấy giết chết mịa thằng họ Tiết kia đi thì có phải xong chuyện rồi không. Thế là tự dưng tôi chợt nảy ra một giả thiết: Có lẽ trong khoảnh khắc ấy, kẻ đang đứng trước mặt y, dằn vặt y, căn bản không phải là Tiết Dương, không phải là kẻ thù của y, mà chỉ là thiếu niên đã cùng y bầu bạn suốt những năm qua mà thôi?

Trong một cuốn sách, tác giả Anne Fine từng viết: "Không ai sinh ra đã là kẻ xấu, không ai cả." Nói Tiết Dương không xứng, ấy chẳng qua chỉ là lấy thân phận Minh nguyệt thanh phong và ma đầu Quỳ Châu đến nói. Xét từ điểm xuất phát cảm tình của bọn họ, không chỉ Tiết Dương giấu đi danh tự, đóng giả một người khác mà ngay cả Hiểu Tinh Trần, thực ra cũng không còn là Hiểu Tinh Trần trước kia nữa. Y mở lòng cười nói cùng với một kẻ "bèo nước gặp nhau", vì một góc khuất giữa muôn vàn khổ cảnh nhân gian mà y chưa từng chân chính chạm đến, tập thành thói quen mỗi ngày đưa cho hắn một viên kẹo.

Lúc đứng trước mặt Tiết Dương chất vấn hắn, Hiểu Tinh Trần dường như đã đem chính bản thân mình tách ra khỏi tất thảy ân oán hận thù của Tiết Dương, cố gắng dùng luân thường đạo lý của mình để lý giải hắn. Hiểu Tinh Trần nói hắn ghê tởm, đúng, nhưng y lại chẳng nâng nổi kiếm lên để diệt trừ kẻ ghê tởm đó, không phải sao? Chúng ta, cũng giống như A Thiến, chỉ thấy khi đó đối diện y là một con quỷ đội lốt người, một tên sát nhân tàn bạo. Nhưng chúng ta không hiểu, đối với Hiểu Tinh Trần, người trước mặt còn là thiếu niên hoạt bát, hóm hỉnh y đã từng tin tưởng, che chở, thương yêu, là người mà y đã giết chết hảo hữu của mình để bảo vệ. Nếu đó quả thật chỉ là Tiết Dương mà thôi, tôi tin rằng Hiểu Tinh Trần sẽ liều mạng để giết hắn. Nhưng nếu đó còn là một người y đã chẳng coi như chỉ là "bèo nước gặp nhau" nữa, thì việc Hiểu Tinh Trần không thể hạ sát thủ hoàn toàn có thể hiểu được. Vậy, cùng sống dưới một mái nhà trong một khoảng thời gian như nhau, thế nhưng đến tận khi sự thật đã bày ra trước mặt, Hiểu Tinh Trần vẫn chưa từng tin tưởng A Thiến, hoặc nói, y chỉ không muốn tin kẻ đó là Tiết Dương mà thôi. "Tha cho ta đi", thực ra vốn chẳng phải là lời đầu hàng trước kẻ đẩy y vào bể khổ, mà là giữa tận cùng quẫn bách vì không đành xuống tay đoạt mạng kẻ thù, cầu lấy một lối thoát buông tha bản thân y khỏi nỗi ám ảnh về hắn.

Hiểu Tinh Trần trong mắt người đời là cao lãnh chi hoa , không nhiễm bụi trần, thế nhưng đặt trước mặt Tiết Dương, lại bất quá cũng chỉ đến vậy. Con người thực ra đều giống nhau, ban đầu đều đặt ra quá nhiều kỳ vọng và khuôn mẫu cho lý tưởng của mình, nhưng rồi đến lúc ngoảnh đầu nhìn lại, kẻ mình muốn đi cùng đến thiên hoang địa lão, thực ra lại chẳng có gì tốt. Bản thân thế mà lại có thể vì hắn mà cười, vì hắn mà khóc, vì hắn mà ngọt ngào, vì hắn mà trầm luân vào tuyệt vọng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tiethieu