Ma lai rút ruột ???

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Ngày 30/4/1975 chính quyền tiếp quản Tp Saigon,chính phủ trong thời kỳ quân quản,mọi thứ đều xa lạ với người thành thị,ai cũng trở thành bà 8,nói đủ thứ chuyện trên đời,nào là bộ đội ra làm sao,Saigon thay đổi thế nào,rồi lính chế độ củ trình diện học tập ra sao,đủ thứ chuyện,ngày đó báo chí chưa có nhiều cho nên đại đa số sống với những tin đồn ác ý !!!
Đang yên lặng,tự nhiên có người la lên : tui mới nghe thằng H nói bộ đội vô trường học lấy máu học sinh để truyền cho lính của họ,lính họ bị thương nhiều quá,thế là cả xóm ùn ùn chạy ra đón con em mình về thiếu điều phá sập cánh cổng trường học luôn,rồi có thấy lấy máu gì đâu,thiệt đúng là rỗi hơi !!!
Trong các loại tin đồn đó 5 nhớ có một dạo người ta đồn rằng bộ đội miền Bắc từ rừng vào nên đem theo con malai !!!
Mèn ơi,con ma lai là sao ta? 5 hỏi bà già gần nhà,bả vừa ra chợ mua một bó xương rồng về treo tòn ten trước cửa nhà bả,thủng thẳng bả nói: con malai là một con ma trên rừng,ban ngày nó củng bình thường như mọi người,nhưng tối thì cái đầu nó bay đi ăn thịt hoặc ăn phân người ta,kéo theo ruột gan pheo phổi của nó !!! Nghe mà rùng hết cả mình,về đến nhà thấy mẹ của mình củng đã treo lủng lẳng bụi xương rồng tự bao giờ !!!!
Rồi có thấy con ma lai nào dính bụi xương rồng đâu,rốt cuộc mấy người bán xương rồng lời to thôi !!!
Thời gian cũng trôi qua,chuyện malai cũng rơi vào quên lãng,con người cần sống,làm việc, và tìm cái để bỏ vào mồm,người viết thì mỗi ngày mỗi lớn và già đi nhưng tuyệt nhiên chưa có bao giờ được hân hạnh diện kiến con malai.
Cho đến một thời gian sau,có việc tại Tây nguyên,5 đi lên phố núi hoang sơ,ghé dừng chân nghỉ xe gần Pleiku,uống một ly cà phê tại đây sao mà ngon tuyệt !,ngồi buồn hỏi thăm ông chủ quán bà chủ đâu sao mà bán một mình buồn thế thì mới nghe câu chuyện.......................................... ......
Quán cà phê anh Minh mở bên đường trước đây cả hai vợ chồng đều bán,sau một thời gian có phong trào buôn cà phê và tiêu tại miệt cao nguyên về TP kiếm lời,chị vợ xin phép chồng theo bạn hàng tranh thủ tháng vài chuyến kiếm tiền cho con ăn học,đi buôn mà,ăn ngủ trên xe,thì khi mót tài xế dừng thì tìm bụi cây nào đó mà xả vậy !!!
Chị đau bụng và đi đại tiện tại một mé rừng hoang,và không hề lấy cái que cắm vào bãi phân như tập tục tránh malai,tối đó nó ra ăn bải phân và chị về phát bịnh,bụng chị đau nhức không chịu nổi !!!
Quá trình phát bịnh của chị,chính người chồng đưa vợ vào SG đến các nhà thương lớn chữa vẫn không khỏi,sau cùng ôn hết mọi chuyện chị kể lại thì mọi người mới hồ nghi là malai đã ăn ruột cũa chị !!! chị chết sau đó không lâu!!!
Đó là lần đầu người viết nghe một người khẳng định về malai,vào internet tìm thì nhiều lắm,trong đó có những câu chuyện về người lính súng đạn đầy mình mà còn sợ ó malai,bạn nào quan tâm vào VN thư quán mà đọc.
Qua chuyện trên,người viết thấy vẫn còn những điều mê tín,tồn tại song song với những điều chưa lý giãi được,nhưng có một điều chắc chắn là khi các bạn vào buôn Thượng nên xem lại cổ mình có mấy ngấn,nếu 3 ngấn hoặc mắt của bạn đỏ quạch vì mất ngủ thì tốt nhất đừng nên bước vào !
Già làng mà nói bạn là ó malai thì tiêu đời !!!!!!
5SG


MA LAI

(truyện ko kể lúc nữa đêm)




Mệ ngoại nói hoài mà cậu Nậy cũng vẫn không tin. Mệ nhổ một bãi nước trầu vô cái ống nhổ bằng đồng, có nắp đậy, lấy hai ngón tay quẹt vô hai bên mép, cho sạch nước trầu, rồi thủng thẳng nói:
--Mạ noái cho biết, con nớ có cái cổ 3 ngấn nờ, hắn đi đi về về như ngựa chạy đường cái, mà không ai biết hắn đi mô. Con mắt của hắn thì đục như nước vo gạo! mỗi khi giận thì đỏ như lò lửa! Mi coi coi chừng! Hắn không là ma, thì cũng bà con chi với quỷ.
Cậu Nậy mặt mày đỏ au vì tức, cậu cố gắng nói giọng ôn tồn:
--Răng mạ biết o Nương là ma? bộ trên đời ni ai có cổ cao 3 ngấn là ma hết răng? Mắt người ta có chi mà mạ noái đục như nước gạo vo?Rứa mắt ai giận mà không đỏ mạ noái con nghe?!
Mệ nội lại nhổ toẹt một bãi nước trầu nữa, bà chỉ mặt cậu:
--Mi mà con cãi lời tau, ưng con nớ thì đi luôn cho khuất mắt!
Cậu Nậy lẩm bẩm, sợ mệ ngoại nghe:
--Ai mạ cũng chê! ai mạ cũng chê!

Cậu Nậy đổ lỗi cho mệ ngoại khó khăn nên đã 35 tuổi rồi mà cậu vẫn chưa cưới vợ. Vậy là cậu Nậy giận lẫy, bỏ cơm không ăn, nằm lì trong phòng. Mệ ngoại cũng giận không thèm nói với đứa con út một tiếng nào. Mạ tôi sợ mệ ngoại giận sanh bệnh, bà ngồi sau lưng mệ đấm bóp nhè nhẹ. Mắt mệ ngoại tối sầm. Tôi biết mệ buồn, nhưng mệ không muốn khóc. Tánh mệ cứng rắn như đàn ông. Mạ tôi cũng nhận xét mệ như vậy. Không cứng rắn sao nuôi được 2 đứa con nên người một mình? ôn ngoại tôi mê vợ nhỏ, bỏ mệ ngoại và 2 đứa con còn thơ là mạ tôi và cậu Nậy. Cậu Nậy là con út, cũng là con trai duy nhất. Mệ cưng cậu nhất vì vậy mệ lo cho cậu đủ thứ, từ manh quần, tấm áo, bữa ăn, giấc ngủ, ngay chuyện quen biết ai, mệ cũng theo dõi kỹ càng. Hàng xóm láng giềng nói cậu vẫn còn bám lai quần mẹ, không ai chịu làm vợ cậu hết. Cậu giận mệ ngoại, nhưng lại là đứa con có hiếu, nên sau mỗi mối tình không thành- mà phần đông vì mệ ngoại chê- cậu vẫn nghe lời và thương vẫn thương mệ lắm. Còn mạ tôi, từ khi ba tôi bị bệnh thương hàn, mất, cũng đã ở bên cạnh mệ ngoại nuôi con.

Khi nghe mệ ngoại nói o Nương có cổ cao 3 ngấn là ma lai, tôi hỏi mạ tôi ‘’ma lai là răng?’’ mạ nói ‘’ma lai’’ là con ma hằng đêm rút đầu ra khỏi cổ, kéo chùm ruột lê thê bay đi móc ruột xác chết của người hay ruột những con vật thúi rữa mà ăn ’’. Tôi rùng mình sợ hãi, tuy nhiên, tôi muốn nhìn kỹ lại cổ của o Nương, coi có đúng như vậy không . O Nương bán bánh khoái. Quán của O tuốt ở cuối xóm, phải đi qua cái truông dài toàn tre, tre dày dan nhau không thấy ánh mặt trời. Quán o lúc nào cũng đông khách, mấy anh thanh niên không biết mê o hay mê bánh khói mà lúc nào cũng đến đó tụ tập. Cậu Nậy coi bộ không vui khi thấy họ vừa ăn vừa nói chuyện bông đùa với o. Một lần cậu Nậy đem tôi tới hàng o, o đổ cho tôi một cái thật dòn, thật nóng, chấm với nước mắm ớt cay, ngon tuyệt. Lần đó, tôi không để ý tới o nhiều lắm, chỉ lo thưởng thức bánh khoái, không biết cậu Nậy với o Nương nói chuyện gì. Vừa ăn xong miếng bánh cuối cùng, tôi thấy mặt cậu Nậy đỏ gay, còn mắt o Nương thì lóng lánh lệ.

Từ khi nghe mệ ngoại nhiếc mắng o Nương là con ma lai và nói cổ của cô có 3 ngấn, và đôi mắt đục như nước vo gạo, tôi chưa được gặp lại o. Ðôi khi tôi tính làm bạo, đi một mình tới tìm o, nhưng nhớ tới cái truông đầy tre, dài thăm thẳm, tôi không dám đi một mình. Dạo nầy cậu Nậy lại cũng không rủ tôi đi thăm quán bánh khoái của o, nên sự tò mò của tôi không được đáp ứng. Tôi ngồi cố nhớ lại nét mặt o Nương để tưởng tượng cái cổ dài, trắng của o có 3 cái ngấn, dấu hiệu của ma Lai. A, mạ còn nói, khi ăn no nê những ruột gan của các con vật chết xong, nó sẽ bay về nối cái đầu vô cái cổ, vì vậy cái cổ mới có ngấn. Tôi cũng ráng nhớ đôi mắt o ra sao mà mệ ngoại mắt đục như nước vo gạo. Cũng chịu, không nhớ được, chỉ nhớ hôm nọ, mắt o có đỏ nhưng lúc đó hình như o mới khóc xong mà.

Cậu Nậy sau 3 ngày không thèm ra ăn cơm chung với mệ ngoại và mạ tôi-nhưng tôi biết mạ tôi có tiếp tế chuối, khoai lang- cuối cùng đói quá, nhưng chờ cho mệ ngoại đi khỏi, cậu mới vội vã đi xuống bếp. Thấy tôi ngồi ở hàng hiên đang đùa nghịch với đàn kiến lửa. Mạ nói có lẽ trời gần mưa nên nhiều kiến lửa , có những con kiến có cánh nữa. Cậu đang mệt, nhưng thấy tôi đang chơi với kiếng, cậu la:
--Răng mi chơi với kiến cánh? Vô nhà khôn thì kiến cắn chết! mạ mi giết đầu chừ! Ði với tau xuống bếp coi có chi ăn không?
Tôi nghe lời cậu đứng lên, đi xuống bếp. Cậu lục cơm nguội, chan nước cá nục kho ăn. Nhìn cậu nhai cơm nhồm nhoàm vì đói, tôi mỉm cười. Cậu hỏi:
--Mi cười chi rứa?
Tôi lắc đầu nói:
--Cười chi mô.

Cậu không thèm hỏi nữa ăn hết chén cơm. Ăn xong, cậu hỏi tôi mấy hôm nay có gặp o Nương không. Tôi nói không. Cậu nói cậu muốn tôi đưa một lá thơ cho o Nương. Tôi nhìn ra trời sắp chiều thì có ý e ngại.Tôi tính nhẩm trong đầu, bây giờ bắt đầu đi, tới hồi về, trời đã chạng vạng. Nghe mệ ngoại nói rất nhiều lần là lúc chạng vạng, tức là khi trời bắt đầu tối là lúc ma quỷ nhiều lắm. Thấy tôi ngần ngừ, cậu cau mặt:
--Mi không muốn giúp tau hay răng?
Tôi cũng nhăn mặt:
--Nhưng con...con sợ.
--Mi sợ chi?
Cậu à một tiếng rồi nạt:
--Mi lại nghe lời mệ ngoại rồi phải không? người ta là người mà nói chi vô hậu rứa tề. Mi cũng tin o Nương là ma răng mi?
Tôi lắc đầu:
--Con mô biết. Nhưng con nghe mệ noái cũng sợ. Mà cậu có sợ không?
Cậu lắc đầu:
--Noái bá láp. Noái tào lao thiên tặc. Hắn là người như mình chớ ma cỏ chi. Nói rứa là có tội!

Tôi biết cậu thương o Nương, nhưng cậu cũng sợ mệ ngoại tôi lắm, vì vậy mà mấy hôm nay cậu không dám đi gặp o Nương. Khi biết mệ và mạ tôi hôm nay phải ông việc bên làng bên cạnh, chắc tối mới về, cậu rủ rê tôi đi thăm o Nương. Tôi lắc đầu, nói tôi sợ đi ngang cái truông dài đó lắm và năn nỉ cậu đừng đi, đừng bỏ tôi ở nhà một mình. Tôi cũng tính kể cho cậu Nậy nghe chuyện mạ và mệ ngoại nói với nhau đêm hôm qua- mà hồi sáng tới giờ tôi quên mất, khi tôi đang nửa thức, nửa ngủ, tôi nghe mạ nói với mệ ngoại là bên kia sông có một ông thầy vừa là thầy bói, vừa là thầy trừ tà, ông có thể biết được người đó là ma hay quỷ nếu ông có một sợi tóc của người đó mà thôi. Tôi thắc mắc không biết làm sao mà mệ ngoại và mạ có được sợi tóc của o Nương mà đem cho ông thầy trừ tà. Không màng tới lời năn nỉ của tôi, cậu rửa mặt rồi bảo cậu đi một lát sẽ về, mệ có hỏi thì nói cậu đi qua nhà bạn. Cậu còn hứa nếu tôi đừng lẻo mép, mét lại với mệ ngoại, cậu sẽ mua cà rem cho ăn.

Tôi bật công tắc điện, cái bóng đèn néon chớp leo lét, không chịu sáng. Tôi ra phòng trước, bật cái ‘’công tắc’’ khác, điện cũng chỉ chớp chớp như người ngái ngủ nháy mắt mà không chịu nhướng sáng lên.. Tôi chán nản và lòng lo lắng, đã sợ ma, mà điện với đuốc như vầy là chết rồi.

Tôi ra ngồi ngoài hiên, bóng tối bắt đầu tràn tới. Muỗi bay vo ve, tôi lấy tay quơ quơ xua đuổi chúng, nhưng một lát, thì chân tay bắt đầu ngứa ngáy, rồi những con kiếng có cánh bay tới tấp, tôi đứng lên, đi vào nhà, đóng cửa lại. Ðóng cửa xong tội vén màn nhìn ra bên ngoại mong mệ ngoại và mạ về. Nhưng bóng tối đã xuống đầy mà bóng 2 người vẫn không thấy đâu cả. Tiếng con thằn lằn chắt lưỡi nghe rõ mồn một làm tôi càng sốt ruột hơn. Gió thổi có vẻ mạnh. Mạ nói đúng, kiến cánh xuất hiện là báo hiệu mưa đến. Gió thổi đập vào cái cửa rào, chưa đóng kỹ. Thôi chết rồi, phải đi ra đóng cửa rào mới được. Mạ đã dặn kỹ rồi, cửa rào trước, rào sau phải đóng cẩn thận, ngăn ngừa những kẻ trộm. Tôi ái ngại khi nhìn qua cửa sổ, ở ngoài trời tối như mực, mưa bắt đầu rơi lách tách. Thôi mặc kệ cái rào. Cứ ở yên trong nhà tốt hơn. Nhưng một tiếng động từ trong nhà, sau bức màn làm hồn vía tôi lại lên mây. Tôi nhìn dưới chân màn và tưởng tượng nếu thấy một bàn chân của ai đó thò ra thì chắc tôi sẽ ngã ra chết. Không biết trước khi chết, tôi có nên la lên hay không. Cái màn hình như hơi lay động. Tôi bặm môi, mắt đã rướm lệ, tôi ráng nhìn đi hướng khác, nhưng rồi lại vào chỗ cũ, gai góc nổi đầy người.

Mắt tôi nhìn xuống gian bếp. Trời ơi, sao bếp tối om vậy nè!? Không biết cửa sau bếp đã khóa chưa? Tôi muốn đi xuống bếp coi lại cái cửa, nhưng sự sợ hãi không cho tôi giở chân lên được. Tôi nghe có tiếng mèo kêu thảm thiết ở chái bếp. Trời ơi! tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực. Tôi cố gắng hết sức mình, bước ra sau. Tim tôi thót lại! cánh cửa chỉ có khép chớ chưa đóng lại. Tôi lo lắng, hồi nãy giờ mình ngồi ở trước, không biết có ai đã lén mở cửa vô nhà chưa? Tôi cầm cái cây gỗ đang để bên cạnh, gát ngang qua cánh cửa sau khi tôi móc cái móc lại. Móc xong cái cửa, tôi ba chân bốn cẳng đi lên nhà trên. Ði ngang qua bàn thờ ba tôi. Mắt của ba tôi hình như đang nhìn tôi chăm chăm. Tôi ngó lơ sang hướng khác. Cái đèn néon hôm nay cũng mắc chứng gì mà cứ lập loè không chịu sáng lên kìa?

Tôi cứ nhìn chằm chằm vào cái cửa. Tôi đã lấy cái cây gác ngang như mỗi buổi tối mạ tôi hay làm. Gió thổi mạnh làm cái cửa cũng rung rinh. Tôi nhìn vào trong, cái đèn vẫn chưa chịu sáng lên. Ðiện ở đây thật yếu, ít khi bật đèn lên mà đèn sáng liền. Một tiếng động như có vật gì ngã sau bếp làm tôi sợ muốn chết giấc. Tôi thầm cầu mong mệ ngoại và mạ tôi về liền. Còn cậu Nậy nữa, không biết cậu ra sao rồi? cậu đang ở đâu? đang ở quán o Nương? Giờ này hàng quán gì cũng phải dẹp chớ? Tôi nhớ đến cái truông dài thăm thẳm với những hàng tre kêu kẽo kiệt ở bến sông. Chắc giờ đây cậu Nậy đang đi qua cái truông đó. Tôi nhớ những câu chuyện ma dấu người trong bụi tre. Lỡ o Nương là ma thật, đem dấu cậu Nậy đi, làm sao mệ ngoại tìm ra được? Lòng tôi bồn chồn lo lắng. Và nếu o Nương là ma thật, ban đêm nó rút ruột bay đi tìm xác chết thì nó sẽ làm gì với cậu Nậy? Nó có ăn thịt người ta hay không?

Trời bên ngoài thì gió mà mồ hôi bắt đầu ra lấm tấm. Tôi lê chân ngồi xuống cái ghế gỗ, tai lắng nghe mọi tiếng động chung quang. Một tiếng chó sủa ở đầu ngõ, lúc đầu vài tiếng rồi nhiều tiếng liên tiếp, lòng tôi hy vọng mệ ngoại và mạ về. Cây đèn néo tự nhiên không còn chớp nháy nữa, mà phụt tắt, tôi la lên một tiếng nhỏ trong cổ họng, hình như tiếng la không thoát ra được...

Tôi thấy cậu Nậy đang nằm không nhúc nhích trong bụi tre, một bóng trắng có mái tóc dài, đang bay lơ lửng trên đầu ngọn tre. Tôi cố nhìn kỹ bóng trắng thì dễ sợ chưa, đó là cái đầu của o Nương. Một cái đầu không có cổ, chỉ có chùm ruột dài lòng thòng... Cái đầu đáp xuống trên mình cậu Nậy, mắt nó lập lòe màu đỏ, lưỡi nó lè ra thật dài, chắc nó đang tính moi ruột của cậu thì phải... Tôi la to "Ðừng!"

Có tiếng kêu to của mạ tôi "Thu! Thu! Răng túi như ri?" tôi nghe mùi dầu Nhị Thiên Ðường thoang thoảng qua mũi. Tôi giật mình, tỉnh giậy. Tôi đã gục xuống bàn thiếp đi và đã mơ một giấc mơ dễ sợ. Tôi thấy mệ ngoại và mạ đã về nhưng cậu Nậy thì vẫn không thấy tăm hơi đâu cả.

Mệ ngoại, và mạ tôi hỏi tôi liên tiếp là cậu đi đâu? tôi lắc đầu nói:’’con mô có biết !’’. Trời càng lúc càng khuya hơn, mệ ngoại bắt đầu mếu máo bảo mạ tôi đi qua chú Lịch và chú Cường bên cạnh nhờ đi tìm cậu Nậy. Trước tiên mọi người đến quán bánh khói của o Nương, hàng quán trống trơn, tới nhà o, ba o ra mở cửa. Ông cụ mù lòa khóc lóc noái con gái tui có làm chi mô. Không có cậu Nậy ở đó. Mệ ngoại vừa đi vừa khóc. Mạ và ngoại thức cả đêm tụng kinh, xin Phật phù hộ cậu được trở về bình yên. Hàng xóm thương tình cùng nhau đi tìm. Hai ngày sau mới tìm được cậu. Mệ ngoại nói, nhờ bác Cả đem theo chậu máu heo, chỗ nào rậm rạp, um tùm, bác rảy máu heo vô đó, cuối cùng, thấy cậu hiện ra. Cậu ở lổ, không có áo quần chi cả, tóc tai ướt đẫm. Khi lôi cậu ra, mình mẫy cậu bị gai và tre cào xướt hết. Cậu về nhà nằm liệt giưởng cả tháng. Ban đêm khi nằm ngù, cậu hay mơ, chắc ác mộng, miệng u ơ không ra lời. Một đêm mệ ngoại nghe cậu kêu ‘’Nương! Nương!’’ Mệ mím môi thở dài, nhưng nhất định không thua cậu. Chắc mệ nghĩ cậu giả đò bệnh để làm reo với mệ chắc!?

Rồi mệ ngoại tôi mất. Mạ tôi thắp nhang trước bàn thợ mệ ngoại, van vái, lạy lục xin mệ chấp nhận cho cậu Nậy ưng cô Nương, và mạ xin mệ cho phép mạ thay mặt, đứng ra làm đám cưới cho hai người. Bây giờ tôi tha hồ nhìn cổ o Nương cho thỏa tính tò mò. O có cái cổ dài như cổ cò, trắng ngần, có 3 gạch ngang rõ ràng. Mắt o vẫn sâu thăm thẳm như giếng nước, đôi khi giận cậu Nậy chuyện gì, tôi thấy mắt o đục như nước vo gạo và có ánh đỏ ngầu thiệt. Nhớ lời mệ ngoại tôi lại lo. Tôi hỏi mạ, răng mạ dám cho cậu Nậy ưng o Nương? mạ biết mệ ngoại không chịu mà! Mạ nói tội nghiệp cậu Nậy, từ hồi bị ma dú tới giờ, cậu như người mất hồn, cậu không nhớ chi hết chỉ nhớ có một mình o Nương mà thôi. Bây giờ nếu không cho cậu ưng o Nương thì tội quá. Ba o Nương thì tật nguyền, lại mù lòa, nên khi nghe o Nương có người xin cưới, thì ông vui mừng, rơi lệ và chấp thuận liền.

Khi mạ tôi mất, tôi rời quê, rời cậu Nậy và o Nương. Sau tôi nghe cậu báo tin, o Nương tự nhiên bỏ cậu đi đâu không biết. Tôi có thể thấy được gương mặt buồn hiu của cậu Nậy. Thỉnh thoảng tôi vẫn gởi tiền và thơ cho Cậu, cho tới khi cậu mất. Nghe một người quen mới qua Mỹ sau này quen với gia đình cậu Nậy, tôi tới tìm, họ cho biết cái chết của cậu Nậy có nhiều bí ẩn. Tôi hỏi bí ẩn ra sao? Họ nói cậu Nậy lên cơn giật tim, chết, khi đem vô nhà thương khám nghiệm, bác sĩ không thấy ruột gan cậu đâu cả!

-HẾT-

Ám ảnh chuyện "ma lai", "thuốc thư"

(VOV) - Không ai biết ma lai, thuốc thư là gì, nhưng nó vẫn âm ỉ tồn tại trong đời sống của cộng đồng người dân tộc ở Tây Nguyên, là nguyên nhân của nhiều vụ án giết người đau lòng

Theo lý giải của một số người Bana, Jarai: “ma lai” là một thứ ma không có hình thù cố định, chuyên bay đi để ăn nội tạng của người hay súc vật. Người có “ma lai” sẽ làm ra “thuốc thư”. Nếu ghét ai thì sẽ bỏ cho người đó đau ốm mà chết. Người bị nghi ma lai bị cộng đồng xa lánh, bị đuổi ra khỏi làng, thậm chí bị giết cả nhà. Những vụ án giết người hết sức đau lòng xảy ra trên địa bàn tỉnh Gia Lai thời gian qua đã minh chứng cho hủ tục lạc hậu và nhận thức còn hạn chế của đồng bào.

Những vụ án đau lòng

Làng Đắk Yă, xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai giờ là ngôi làng bình yên giữa bạt ngàn núi rừng Tây Nguyên. Thế nhưng cách đây 4 năm, hai vụ án mạng xảy ra làm 3 người chết và nhiều căn nhà, tài sản bị đập phá đã gợi lên những nỗi buồn vô hạn của người dân nơi đây về hủ tục thuốc thư.

Năm 2007, Duân và Kel đều 29 tuổi, trú ở làng Đắk Yă, thường ngày có hành vi trộm cắp vặt, gây gổ với một số thanh niên trong làng. Mọi người đến khuyên can thì cả hai đều cho rằng: “Tao đi ăn cắp của làng khác, chúng mày xen vào làm gì. Từ nay, đứa nào cản chuyện của tao, chúng tao sẽ thư chết”. Ai ngờ, câu nói trong khi ngà ngà say của cả Duân và Kel như lửa đổ thêm dầu vào những thanh niên trong làng vốn trước đây đã nghi ngờ Duân và Kel có “thuốc thư” . Trớ trêu thay, sau phát ngôn ấy được một tuần thì làng Đăk Yă có bà H’Blin lăn ra ốm và chết. Quá bức xúc, khoảng 21h ngày 10/3/2007, hàng chục người dân trong làng đã kéo đến nhà Duân đập phá tan hoang nhà cửa, tài sản. Vài tiếng sau, Duân đi uống rượu về thấy nhà mình bị đập phá nên đến nhà rông chửi bới, đe dọa những thanh niên đang ngủ ở đây. Thấy Duân cầm dao rựa rất hung hăng nên hàng chục thanh niên đã bao vây, đánh Duân cho đến chết rồi kéo xác vứt ở khu nhà mồ của làng.

Không chỉ dừng lại ở đó, sáng sớm hôm sau, nhiều thanh niên trong làng lại tiếp tục kéo nhau đến đập phá nhà cửa, tài sản của gia đình Kel. Sau đó cả nhóm thanh niên dùng bụi than, bôi vào mặt với mục đích giả những người bị thư chết về trả thù rồi kéo lên khu rẫy Đắk Ram đánh chết Kel cùng cha ruột Hnhêu (76 tuổi) khi họ đang làm rẫy.

Qua kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT, Tòa án nhân dân huyện Mang Yang đã đưa các đối tượng: Hlin (sinh năm 1980), Yưk (sinh năm 1984), Ngin (1989), Uônh (1987), Hưn (1982), Hlinh (1989), Kưh (1980) ra truy tố trước pháp luật với tội danh giết người và hủy hoại tài sản công dân. Trong đó, Hlin bị kết án 9 năm tù giam, những đối tượng khác đều bị kết án 7 năm tù. Ngày 2/9/2010, do ý thức cải tạo tốt, cùng với chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, cả 7 đối tượng trên đã được đặc xá trở về hòa nhập với cộng đồng xã hội và làm lại cuộc đời.

“Mình không biết thuốc thư là gì”

Không chỉ có Duân, Kel, Hnhêu, mà ở trong làng Đăk Yă còn có bà Pok, sinh năm 1937, người từng một thời bị xua đuổi vào rừng vì bị dân làng quy kết có “thuốc thư” hại người. Chúng tôi đến gặp bà Pok, ngôi nhà tuềnh toàng cũ nát như chính khuôn mặt rầu rĩ của bà sau bao sóng gió bị nghi là có thuốc thư. Bà Pok kể: “Mình sinh ra ở làng Plei Bong, xã A Yun, một xã nghèo nhất của huyện nghèo Mang Yang. Gần 50 năm trước mình đã lấy chồng về làng Đăk Yă, xã Đăk Yă. Trước đây, mình là thầy mo chuyên đi cúng cho dân làng để cầu cho mưa thuận gió hòa, bà con làm ăn thuận lợi. Năm 2006, không biết vì sao dân làng bảo mình có thuốc thư, từ đó bị mọi người đánh đập, xua đuổi. Sợ quá, vào một đêm mưa gió, mình phải trốn vào rừng lánh nạn”.

Tôi hỏi bà có biết thuốc thư là thế nào không, bà Pok trả lời: “Thuốc thư là gì mình cũng không biết mà. Mình là người, mình muốn ăn bát cơm, dân làng cũng là người, cũng muốn ăn bát cơm, tại sao mình phải hại họ chứ”.

Chỉ cho chúng tôi ngôi nhà đã bị bỏ hoang hơn 4 năm nay của Kel cùng cha ruột Hnhêu, anh H’Lây - Trưởng Công an xã Đăk Yă cho biết: “Gia đình ông Hnhêu từ bao đời nay sinh sống với bà con trong làng hòa thuận, nhưng năm 2007, cũng chỉ vì những hủ tục lạc hậu mà tình làng nghĩa xóm không còn, cả Kel cùng cha ruột là Hnhêu đã phải chết vì bị thanh niên trong làng đánh đập tại khu rẫy Đắk Ram. Kể từ đó đến nay, ngôi nhà bị bỏ hoang, không ai ngó ngàng tới”.

Chiều tối, chúng tôi đến nhà Hlin, một trong số 7 người đã gây ra cái chết đau lòng trong hai vụ án giết người vì thuốc thư. Tới nhà, Hlin vừa đi làm đồng về và đang ngồi uống rượu cùng với những thanh niên trong làng. Tôi liền ngồi xuống uống chén rượu suông với họ. Qua câu chuyện, Hlin cho biết: “Nghe dân làng nói đến thuốc thư nên em bức xúc kêu thanh niên trong làng kéo đến đánh hai bố con nhà Kel và Duân chết. Sau đó, em bị đi tù. Lúc đó, em đang làm Bí thư Chi đoàn làng Đăk Yă, nhưng cũng chẳng biết thuốc thư là gì”.

Tôi hỏi, không biết thuốc thư là gì tại sao lại kéo thanh niên đến đập phá nhà người ta, rồi đánh người ta đến chết, Hlin ậm ừ: “Thì dân làng bảo phải tẩy chay thì mình đến và hùa vào đánh thôi. Giờ đi cải tạo về rồi em rất ân hận vì đã gây ra lỗi lầm này. Lúc mới ra trại, em và 6 người còn lại đã mua con lợn đến gia đình họ làm thịt, thắp hương và xin lỗi họ rồi".

Để tìm lời giải cho thuốc thư, chúng tôi tìm đến nhà bà H’Nheo ở làng Đăk Trôk, xa Đăk Yă, người được coi là một thầy mo chuyên giải thuốc thư. Bà H’ Nheo cũng cho biết: “Mình có biết thuốc thư là gì đâu, dân làng ai đến nhờ mình cúng thì mình cúng thôi. Mỗi lần cúng xong, mình cho người ốm uống một cốc nước và ăn một quả trứng luộc, có người thì khỏi, có người không”.

Xóa bỏ hủ tục

Ma lai là gì, thuốc thư là gì, ngay cả những người nghi ngờ và những người bị nghi ngờ đều không ai biết khi trả lời câu hỏi của tôi. Vậy tại sao nó vẫn âm ỉ tồn tại ở vùng Tây Nguyên còn đầy rẫy vất vả khó khăn này?!

Đại tá Trần Văn Thọ, Trưởng công an huyện Măng Yang cho biết: “Mỗi lần nhắc đến chuyện thuốc thư, ma lai, chính quyền ở đây lại đau đầu. Lúc trước, ngoài thuốc thư, người ta còn đồn về loại ma lai chuyên bắt người ăn thịt. Nhiều năm qua, chúng tôi đã cố gắng giải quyết những lời đồn mê tín dị đoan này trong dân cư.

Mới đây nhất, vào tháng 7/2010, tại làng Đê Kôp, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang cũng xảy vụ mâu thuẫn về thuốc thư. Jêl quê ở làng Đăk Yă lấy vợ và về làng Đê Kôp ở rể theo phong tục của người Bana. Trong lúc rượu ngà ngà, Jêl nói với nhóm thanh niên là mình có thuốc thư. Một lần, do có mâu thuẫn trong bàn rượu, Jêl đã dùng một loại bột cây có độc tố và thổi vào các thanh niên cùng bàn khiến tất cả bị phù nề vì nhiễm độc. Dân làng đã kéo đến đánh và đuổi Jêl ra khỏi làng. Rất may chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã sớm vào cuộc và ngăn chặn được chuyện đáng tiếc xảy ra. Qua giải thích của cán bộ, dân làng hiểu rằng đó không phải là thuốc thư, mà là bột của một loại cây có độc tố. Nghe cán bộ giải thích có lý vậy, Jêl và gia đình đã nộp 10 ghè rượu và một con bê theo phong tục để xin lỗi dân làng. Giờ Jêl cùng dân làng rất hòa thuận và cùng bảo nhau làm ăn, phát triển kinh tế.

“Những người dân ở địa phương đều không ai biết thuốc thư, ma lai là gì, không có cơ sở khoa học để chứng minh nhưng vì sự thiếu hiểu biết, nhận thức lạc hậu đã dẫn đến nghi ngờ, thêu dệt, làm điều sai trái và vi phạm pháp luật. Đây là một hủ tục lạc hậu hết sức nguy hiểm đã và đang được loại bỏ khỏi đời sống xã hội” - Trưởng Công an huyện Măng Yang Trần Văn Thọ khẳng định./.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro