Tiếng rao

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nhà tôi ở trong hẻm.

Cũng như bao nhà khác, gia đình tôi tuy nhỏ nhưng lúc nào cũng ấm cúng.

Mẹ tôi tuy hay dễ nổi giận, nhưng cũng dễ quên.

Ba tôi thì hay pha trò, nhưng thật ra... lại là con người rất gia trưởng và nghiêm túc trong việc giáo dục con cái.

Như thế, mới có tôi của ngày hôm nay.

Câu chuyện sau đây tôi sắp kể cũng bình thường lắm, lại qua rất lâu về trước rồi.

Chỉ là do tôi hoài niệm.

Một ngày trưa oi ả chủ nhật, tôi đang ngồi một mình ăn dở bữa cơm.

Gia đình tôi như thế đấy, ai đói thì ăn trước, ai đến trễ thì ăn sau. Không cần thiết phải chờ đợi ai cả.

Như thế cũng hay, vừa có thể ăn sớm nghỉ sớm, cũng chẳng có điều lệ cấm xem tivi khi ăn cơm hay không được nói chuyện với cái mồm đầy thức ăn cả.

Ba mẹ tôi thực ra dễ dãi với con cái lắm.

Đôi lúc như thế...

Ba lúc đó đang xem tivi, tôi liền xách tô cơm ra ngoài ngồi cùng ba ăn.

Không biết ba xem cái gì nữa, Thách Thức Danh Hài à...

"Bá có coi này không?"

"Không! Ai biết đâu mở ra là nó có vậy đó."

Thế là tôi liền chuyển kênh.

"Giọng Ải Giọng Ai thì như nào?"

"Được! Bá coi gì cũng được hết."

Rốt cuộc cũng kiếm được tập có khách mời hài hước, nhiều lượt view, ăn dễ phụt cơm nhất để xem.

Vừa xem vừa ăn, ba tôi lại chuẩn bị hút thuốc nữa rồi...

Tôi liền dịch mông qua một chỗ có vẻ như được che chắn và quạt sẽ thổi ra hướng ngược lại để mà ăn tiếp.

Đầu quạt quay, sẽ thổi mùi khói thuốc của ba ra cửa, tôi sẽ dịch qua chỗ không có quạt. Tuyệt đối không được ở bên cạnh!

Nhiều lần tôi cũng nghe bạn bè kể rằng có ba ở nhà hay hút thuốc, nhưng hầu hết những đứa bạn mà tôi được kể cho nghe... ba của chúng đều lo lắng cho sức khoẻ của con cái mình mà đi chỗ khác hút, hay tạm dụi thuốc lá khi mẹ con hoặc người trong gia đình nhắc nhở.

Ai chứ ba tôi...

Không. đời. nào.

Ba rất ghét những khi ai nhắc ba về chuyện hút thuốc lá, về chuyện hại sức khoẻ cho mình và cả con, về chuyện bỏ thuốc.

Ba tôi thường chọn pha hài hước vào để mọi người chuyển đề tài đi.

Nhưng tôi biết được, ba rất ghét nó.

Vì thế ở cạnh ba, tôi cũng vừa vui... nhưng lại có chút muốn tránh xa.

Tôi không thích ba buồn nên chỉ giữ im lặng, cố gắng tránh né nó bằng cách giả vờ tự nhiên nhất.

Suy nghĩ mơ màng một hồi tôi đã ăn xong.

Lười phải đứng lên dẹp bát dĩa tô cơm mà tôi bày lên. Tôi chọn nằm trườn trên ghế salon, hai chân để sọc dưới đất.

Hai... coi xíu rồi đi cũng được mà, còn nhiều thời gian gớm.

Coi hết được vòng giấu mặt, Trấn Thành chọn đúng được người hát không hay, hát mà như đang cãi lộn ì xèo ở trên đấy.

Tôi bỗng nghe thoang thoáng ở đầu hẻm có tiếng xe đẩy.

Đẩy gì xem chừng nặng lắm, tiếng cót két và đồ lỉnh kỉnh trên xe cứ va vào nhau.

"Giép người nhớn, giép iem bé, cồ trang, bao vây, vớ chưn, bốn cái chăn mười ngàn đêy!"

Lịch kịch lịch kịch lịch kịch.

"Giép người nhớn, giép iem bé, cồ trang, bao vây, vớ chưn, bốn cái chăn mười ngàn đêy!"

Lịch kịch lịch kịch lịch kịch.

À à... ừm, ừ. Hmm...

Hiểu! Hiểu!

Ra là vậy, ra là vậy.

Ra là bán đồ này.

Có bán dép người lớn, dép cho em bé cũng có luôn, khẩu trang rồi bao tay rồi vớ chân nữa! Bán gì kiêm nhiều thế!

Bốn cái khăn mười ngàn à?

Chẳng biết khăn này ra làm sao, chắc bé tí tẹo đủ lau được cái mặt thôi nhỉ?

"Nó nói cái gì vậy?"

Ba tôi chợt quay sang hỏi.

Tôi phì cười.

"Nãy giờ bá cũng đang nghe nó sao!? Trời con tưởng nãy giờ có mình con đang ngẫm nghĩ lời văn của nó thôi chứ."

"Có! Nhưng bá nghe quài mà không hiểu nó đang bán cái gì nữa."

Ba tôi nhìn qua, nét mặt hơi nhăn nheo, chân chim nối ngay sau đuôi mắt khi ba cười với tôi.

Ba nhìn thật hiền.

"Dép người lớn, dép em bé, khẩu trang, bao tay, vớ chân, bốn cái khăn mười ngàn đey!"

Tôi vừa canh cái máy nó rao lên thì lại nói lồng vào. Tôi còn nhấn nhá thêm, luyến âm vài câu cho nó giống với cái máy, cứ tưởng tượng như mình đang rao bán đồ thật vậy.

"Ôi xời!"

Ba ngán ngẩm lắc đầu, vừa cười vừa tiếp tục xem tivi.

"Vậy mà bá ngồi ngẫm ngẫm quài: 'Ủa nó bán cái gì vậy ta?' Không biết nó nói cái gì luôn."

"Trời ơi dễ ẹc à là như vậy đó!"

Tôi vừa cười vừa khiêu khích, chê ba tôi dở quá đoán không ra.

Buổi trưa hôm đó, căn phòng khách nhỏ nhà tôi đầy ấm cúng một cách lạ kì.

Chỉ vì chiếc xe nhỏ đẩy hàng mỗi trưa cùng cái máy rao được thu âm từ một giọng nữ nào đấy mà đến giờ tôi cũng chẳng biết.

Cái máy có gắn chiếc loa, rao nghêu ngao khắp cả con hẻm nhà tôi.

Đi ngoài vào trong, rồi từ trong trở ngược ra ngoài.

Tôi đang đứng lên tính đi dẹp tô cơm đã ăn xong từ đời nào của mình. Thì mẹ tưới cây ở trên sân trước đi vào với khuôn mặt đăm chiêu hỏi hai cha con.

"Ủa, nó bán cái gì mà 'Bốn mươi lăm mười ngàn' là sao?"

Tôi nhìn ba, xong lại không nhịn được cười mà ha ha to vài tiếng, ba tôi đang tính tập trung cool ngầu ngồi xem tivi cũng phải bật cười lên.

Người có thể thay đổi, phương tiện có thể thay đổi. Nhưng giọng nữ Bắc cùng nội dung rao quen thuộc này... mãi vẫn không thể thay thế được.

Cái máy có gắn chiếc loa, rao nghêu ngao khắp cả con hẻm nhà tôi.

Đi từ ngoài vào trong, rồi từ trong trở ngược ra ngoài.

Mang theo kí ức cùng những tháng ngày hoài bão của tôi.

Thành phố nhộn nhịp, tấp nập người và tiếng kèn xe, chung cư đô thị, nhà lầu cao tầng...

Mấy ai còn nghe được tiếng rao tuổi thơ ấy.

Có người còn rao cả bằng chính giọng mình nữa.

Tiếng xe đạp lộc cộc, hay tiếng chuông, tiếng xe đẩy...

"Bánh mì êi..."

"Bánh mì sữa, đặc biệt thơm ngon, hai ngàn một ổ, bốn ngàn hai ổ..."

"Bánh mì Sài Gòn, đặc ruột thơm bơ, một ngàn một ổ, bánh mì..."

"Mua mô tơ, máy bơm nước, mua máy lạnh, máy giặt, máy hàn..."

"Ai... ve chai ôn..."

"Trung tâm ứng dụng công nghệ hoá màu, xin trân trọng giới thiệu, đó là một sản phẩm: keo dính chuột..."

"Teng, teng téng tèng... không có tiền, không có tiền, không có tiền là không có kem."

#23:12

#22022019

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro