Mâm ngũ quả ở Nam Bộ gồm những loại trái cây gì và ý nghĩa của nó?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mâm ngũ quả phải chăng là nét đặc trưng của Việt Nam hoặc của Nam bộ mà ta đã "bản địa hoá", địa phương hóa. Ðó là khái niệm chung của khu vực Ðông Nam Á, VÙNG LÚA NƯỚC. QUẢ là trái cây, nhưng theo chữ Hán, lại có nghĩa là "kết cục của việc" (Ðào Duy Anh, Hán Việt từ điển). Theo Tự vị Huỳnh Tịnh Của, in hồi cuối thế kỷ 19, không thấy chữ "mâm ngũ qủa". Theo tôi, số 5 trong mâm ngũ qủa là gợi ngũ hành, kim, mộc, thủy, hỏa, thổ bao gồm cả trời đất, 5 là con số nhiều, tượng trưng. Không nên hiểu đây là hai cái đĩa to, chưng trên bàn thờ, thường là cặp dưa hấu hay bưởi. Nói chung, mâm ngũ qủa là 5 thứ trái cây, hoặc nhiều hơn, đặt trong cái đĩa cầu mong sự giàu sang, thạnh lợi. Mâm này, đúng hơn là cái đĩa to chỉ chưng một mâm nhưng ở Sài Gòn, nhiều nhất là phía đồng bằng, nó đã biến dạng cho vui vẻ, gồm 4 thứ cây trái, kiểu chơi chữ: cầu, dừa, đủ, xoài nói theo dân gian thì là "cầu vừa đủ xài". Dịp tết, chỉ có mãng cầu xiêm, mãng cầu ta chưa có trái (quả na), thôi thì ta tìm vài trái mãng cầu xiêm còn non để chưng lên đĩa, trái dừa dễ kiếm, vì đĩa nhỏ nên bà con ta chọn trái càng nhỏ càng tốt. Ðu đủ thì dễ kiếm hơn. Ngày trước đây, xoài chỉ ra trái non từ tháng 3 âm lịch, nay tháng chạp đã thấy bày bán những trái xoài chín, vàng lườm nhưng ăn chua vì giú ép.

Nhiều người vì nghèo (hoặc vì ưa thích) ra chợ mua một mớ lá và trái sung, phải là trái sung có chùm, với trái chín, chưng trong cái đĩa nhỏ cũng đủ nhớ truyền thống ông bà. Sung là sung túc. Truyền thống là kỷ niệm, là thói quen, lắm khi không phải là của chính mình hấp thụ, nhưng được tập thể thôn xóm, cả khu vực, cả dân tộc truyền lại. Còn gọi là "ký ức tập thể". Ta noi theo cho giống như dân tộc ta đã làm từ xưa nay và sẽ còn làm trong mai sau.

______________________________-

Người Việt Nam luôn luôn trọng nghĩa. Bất kỳ lễ lạc nào đều có sắc thái đề cao tổ tông. Ngày Tết cũng vậy, nhà nào cũng có tục lệ bày soạn mâm quả để dâng cúng tổ tiên ông bà. Ngũ là năm (5) vì vũ trụ được tạo bởi năm nguyên tố căn bản: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Mâm ngũ quả thường gồm năm loại quả mà tên gọi có ý cầu mong một điều gì đó. Trong mâm quả thường hay có Mãng Cầu, tức là cầu chúc cho mọi điều đều như ý; có Dừa, vì âm "dừa" tương tự như là "vừa", có nghĩa là không thiếu; có Sung, vì gắn với biểu tượng sung mãn về sức khỏe hay tiền bạc; rồi Đu Đủ, vì đó có nghĩa là mang một năm mới được đầy đủ thịnh vượng. Ngoài ra còn có Xoài, vì tên "Xoài" na ná như là "xài", để cầu mong cho tiêu xài không thiếu thốn. Ngày nay, các mâm ngũ quả còn được chen thêm nhiều loại quả khác để cho thêm phần đẹp mắt, chẳng hạn như Dưa Hấu, Táo, Đào Tiên, Quýt ...

Tục Mâm Quả ngày Tết là một nét đẹp của dân tộc Việt Nam, nó biểu tượng cho lòng biết ơn ông bà tổ tiên của mỗi người Việt, cũng như lòng ước mong một năm mới an khang, nhiều may mắn, tốt đẹp.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro