Mạn đàm về Chuyện phiếm sử học

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chuyện phiếm sử học (Tạ Chí Đại Trường)
Không phải tiểu thuyết lịch sử. Là sách chuyên khảo về những vấn đề lịch sử của một cố sử gia lớn.

--- --- ---

Nhãn, lê, nho, chôm chôm, măng cụt và rất nhiều loại trái cây khác, theo lẽ tất nhiên, có người thích, có người không thích. Riêng đối với sầu riêng, cảm giác của người ta dường như không thể dừng lại ở thích - không thích đơn thuần nữa, mà đã được nâng lên một bậc, yêu - ghét. Cớ sự cũng tại cái mùi đặc trưng của nó. Cái mùi mà đối với người yêu thì thơm nồng quyến rũ không lẫn vào đâu được; còn đối với kẻ ghét thì nực nồng khó chịu đến đầu váng mắt hoa, thậm chí gây ra cả những chuyện dở khóc dở cười như "Sơ tán cả tòa nhà vì nhầm mùi sầu riêng là khí độc" (*).

Vâng, "hương" sầu riêng – một "mùi hương" gây nhiều tranh cãi.

Chuyện phiếm sử học của cố sử gia Tạ Chí Đại Trường ắt hẳn cũng có khả năng gây nhiều tranh cãi y hệt mùi hương sầu riêng vậy, vì nó "mang một phong cách (quá sức) độc đáo, với những phát hiện sắc sảo và quan điểm (quá sức) độc lập".

*** *** ***

Ấn tượng "khủng khiếp" đầu tiên...

Dăm trang đầu của quyển sách đã gợi cho mình ký ức không thể nào quên được về những tiết học ngữ pháp ở thời tiểu học. Nó như thế này này. Yêu cầu: Hãy phân tích thành phần của câu; câu: dài thườn thượt, đọc xong muốn ngất. Trong quyển sách này đầy rẫy những câu như thế.

"Vì kiêu ngạo với kinh sách học được, loại kinh sách từ nước lớn đưa tới vốn có bản chất độc tôn từ căn bản, nhưng đến đây lại được ứng dụng qua những thân xác mang địa vị thấp kém ở địa phương, nên các sử quan Việt tha hồ mắng chửi người vắng mặt – xa đời, đã chết, mà né tránh người có quyền chức đương thời."

Đọc một lần, hai lần, rồi ba lần, mình nghe đầu óc ong ong, đành ngậm ngùi dùng cách cũ – phân tích thành chủ ngữ, vị ngữ, trạng ngữ, bổ ngữ, định ngữ - thì mới có thể hiểu được. Hiểu được rồi lại khắc sâu quyết tâm – văn mình viết tốt nhất cứ theo lối 1 + 1 = 2.

... đến ngạc nhiên...

"... vẫn không thoát khỏi những sai lầm không nên có đến lúc này, chỉ vì cái thói quen lặp lại lời người khác, lặp lại luôn cả tinh thần huênh hoang về dân tộc, đất nước được đào tạo từ các trường học thời mới. Nếu không lặp lại thì có người lại suy đoán theo thiên kiến..."

"Giá đừng hợm hĩnh vô lối, đừng mang tinh thần đại đoàn kết tân thời ra giải thích lịch sử..."

"Gom góp sự việc vào một đề mục gọn ghẽ giúp cho người ta mau hiểu nhưng cũng khiến tập tính lười, lầm tưởng việc đời lúc nào cũng là giản dị như vài nét chữ gộp lại."

"Tập nghiên cứu hơi dày (958 trang) so với thực tế cần thiết, giá rút lại còn độ một phần tư thì tránh được cho tác giả khỏi mang tiếng về bản quyền."

" Tuy nhiên cũng có thể nghĩ rằng đã có một bậc con trời nào đó từng truyền nghề hối lộ thần thánh qua những vùng trung gian, lặn lội không biết mệt mỏi đến tận nơi xa điểm xuất phát cả hàng vạn dặm, bởi vì đã có sự tin tưởng vững chắc ở sự thành công trong xứ mình."

Những câu, đoạn văn rất trực tính, thẳng thừng chỉ ra cái sai, cái không hay của cách nhìn nhận vấn đề từ người xưa cho đến người nay làm mình khá bất ngờ. Bây giờ người ta nói giảm nói tránh, dĩ hòa vi quý nhiều hơn là nói thẳng nói thật.

... chuyển sang thích thú...

Kiến thức phong phú cùng với việc giải thích một vấn đề từ những sự kiện tưởng chừng chả liên quan gì đến nó của cố sử gia Tạ Chí Đại Trường làm mình nhớ đến Kinh tế học hài hước (Steven D.Levitt và Stephen J.Dubner). Đọc rất thích! Gốm Gò Sành, chùa ông Bổn, cuộc chiến chống Nguyên Mông, và những người Tống lưu vong - ngỡ chẳng liên quan mà lại quá liên quan.

Bên cạnh kiến thức sâu rộng và óc phân tích logic thì giọng văn thẳng thắn, dí dỏm, đôi khi có chút ngạo đời của tác giả cũng khiến mình khoái chí (chứ không hụt hẫng) khi ông lột bỏ vẻ hào nhoáng bên ngoài của những nhân vật, sự kiện lịch sử trả tất cả về với sự thật "trần trụi".

Tác dụng của việc lập 5-6 Hoàng hậu cùng một lúc ở thời Đinh, Lê là gì?

"Một quan là sáu trăm đồng, chắt chiu tháng tháng cho chồng đi thi." Sao một quan không là một ngàn đồng, năm trăm đồng, mà lại là sáu trăm?

Tại sao tiền chúng ta đang sử dụng được gọi là Việt Nam đồng mà không phải là Việt Nam xu, cắc, bạc, vàng?

Ai có quyền đúc tiền vào thời xưa?

Tại sao có một số địa danh cũ không thể xác định được vị trí cụ thể trên bản đồ đất nước ngày nay?

"Mượn đường sang đánh Chiêm Thành" chỉ là lời dối trá của quân Nguyên?

Vua thời Trần đúng ra phải gọi là "Quốc gia" chứ không phải "Quan gia"?

Tại sao Trần Ích Tắc hàng Nguyên nhưng vẫn được sử gia giữ lại những lời khen nức nở trước đó?

Tại sao Trần Quốc Tuấn đem chuyện cơ mật có thể mất đầu cả nhà (chuyện làm phản) ra hỏi ý kiến gia nô? Và tại sao sử gia lại biết chuyện động trời đó?

Tại sao con gái Trần Quốc Tảng (người con đã khuyên Trần Quốc Tuấn tạo phản và bị cấm nhìn mặt khi cha chết cho đến lúc đậy nắp quan tài) được chọn làm Hoàng hậu?

Nguyên nhân thật sự đằng sau việc Trần Quốc Tuấn bỏ qua lời trăng trối của cha là gì?

Lê Lai chết vì cứu chúa?

Phạm Ngũ Lão giàu nức đố đổ vách có cần ngồi giữa đường đan sọt để bán không?

Xác suất xảy ra việc đệ nhất minh quân trong lịch sử Việt Nam – Lê Thánh Tông – chết vì bệnh xã hội là bao nhiêu phần trăm?

Sự thật, ôi, những sự thật có thể giúp những-người-tin-vào-lịch-sử-đã-được-thần-thánh-hóa tỉnh mộng. Và cũng chính nó có thể tạo tra những tranh cãi không hồi kết vì họ bị buộc phải tỉnh mộng khi mà họ không muốn thế.

... rồi phải thừa nhận...

Thứ nhất, kiến thức về lịch sử Việt Nam của mình ít ỏi đến đáng thương. Chỉ cần tác giả gọi Dung Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung là "cô Hai họ Trần" (chắc là để tránh lặp từ) thì mình đã ngơ ra rồi. Hay tác giả viết "ông con trai giàu nhất của (Trần) Thánh Tông" thì mình cũng không biết đó là ông nào cả.

Thứ hai, cách phân tích thành phần của câu đôi khi cũng không thể giúp mình hiểu ý tác giả. "Khi Mông Cổ đòi Đại Việt để họ giao tiếp với thương nhân Hồi Hột vùng Trung Á đến buôn bán nơi này thì hẳn cũng chú trọng đến những người Nam Tống núp sau danh xưng kia khi cư ngụ ở nước Việt. Họ sẽ tiếp tục truyền thống thương mại của Tống, lần này có thêm sự thúc đẩy cường ngạnh chưa mất từ sa mạc, để đè áp lực trên các nước bên kia đại dương." Đọc câu đầu thì mình nghĩ là Mông Cổ muốn vờ-giao-tiếp-để-bắt-bớ những người-Tống-lưu-vong-giả-danh-người-Hồi-Hột đang sống trên đất Việt. Đọc đến câu sau lại thấy hiểu vậy không đúng. Người Tống lưu vong có liên quan gì đến các nước bên kia đại dương, bắt họ thì gây được áp lực gì? Chỉ có giao-tiếp-thật-sự với những người-bên-kia-đại-dương-thật-sự mới có thể gián tiếp gây ảnh hưởng đến các nước đó mà thôi. Nhưng nếu vậy thì đoạn "thì hẳn cũng chú trọng đến những người Nam Tống núp sau danh xưng kia khi cư ngụ ở nước Việt" phải hiểu làm sao? Mấy quả bí to đùng hiện lên trong đầu. Cuối cùng mình đành bỏ qua vì đọc tới đọc lui vẫn không biết phải làm sao mới có thể hiểu đúng ý tác giả. Và chắc chắn Google ca ca cũng không hỗ trợ được gì trong trường hợp này.

Thứ ba, khi kiến thức tác giả quá phong phú, có thể dùng tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Hán để nói tránh những từ thô tục hoặc minh họa một điều gì đó, thì độc giả chỉ biết mỗi tiếng Việt như mình muốn điên cả đầu. Cứ phải ngừng lại tra từ điển liên tục.

Thứ tư, dẫu số lượng câu dài loằng ngoằng rất nhiều, nhưng thật sự tác giả là người rất kiệm lời. Nội dung ẩn chứa trong những câu dài loằng ngoằng hoàn toàn có thể diễn đạt bằng những đoạn văn gồm nhiều câu ngắn, dễ hiểu và rõ ý hơn. Nếu so về số lượng từ, tác giả đã chọn cách dùng ít từ hơn. Khổ nỗi, cách này làm độc giả phải nghiền ngẫm nhiều lần mà đôi khi vẫn không dám chắc mình hiểu đúng.

... và kết quả cuối cùng.

Đặt quyển sách xuống, mình cảm nhận rõ ràng thái độ của mình đối với Việt Nam sử lược, Đại lược sử ký toàn thư, An Nam sử lược đã thay đổi hoàn toàn. Chúng không còn là những quyển biên niên sử khô khan nữa. Chúng sẽ biến mình thành nơi chứa mười vạn câu hỏi tại sao - tại sao ông này được chọn, tại sao lại không trừng phạt, tại sao lại có đủ thời gian để làm nhiều việc như thế, tại sao và tại sao...

Mình sẽ cân nhắc lại việc đọc Hội thề (Nguyễn Quang Thân). Lúc trước không chọn mua quyển này do đọc được một vài lời bình nói là tác giả đã khắc hoạ mối-mâu-thuẫn-không-thể-nào-có-thật vào đầu thời Hậu Lê, nhưng giờ đã được khai sáng, mâu thuẫn rành rành ra đấy, thật đến mức không thể thật hơn, nên sẽ tìm đọc.

*** *** ***

Trong mắt mình, Chuyện phiếm sử học chính là một quả sầu riêng - chỉ dành riêng cho những người biết cách tách lớp vỏ gai góc xù xì và cảm nhận được mùi hương quyến rũ của nó thưởng thức mà thôi. Đừng tò mò đọc thử nếu bạn không rành lắm về sử Việt hoặc đã quá quen với hình tượng thần thánh của những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử. Nó thật sự sẽ làm bạn khó chịu.

27/09/2018

--- --- ---

(*) Tên một bài báo trên báo Thanh niên, có thể hỏi Google ca ca nếu muốn biết thêm chi tiết. Wattpad không cho mình dẫn link trực tiếp đến đó, nên mình cũng lười chép link.

Phần mạn đàm này chỉ đăng duy nhất ở nhà yakikoza trên Wattpad. Trang doctruyenhot.com, truyenfun.com, yeudoctruyen.com, truyenkul.com đang trộm truyện của mình và những tác giả khác trên Wattpad hòng kiếm tiền quảng cáo. Xin các bạn đừng đọc truyện trên những trang này nhằm chung tay dẹp nạn trộm cắp trắng trợn và kiếm tiền trên công sức, đam mê của người khác. Rất cảm ơn!

VietchoChieu Nhờ huynh nha. Ta chỉ quan tâm đến đoạn trích dẫn trên kia thôi, vì nó dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro