Mạn đàm về Thiệu Bảo bình Nguyên (4)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

A: Bạn đã kể rất nhiều những điểm mình thích trong tác phẩm này. Vậy bạn thích nhất điểm nào trong số đó?

B ngơ ngác: Ơ... Ta chưa nói đến điểm mình thích nhất mà.

A chặm mồ hôi (Khen lắm thế vẫn chưa xong là sao?): Vậy điểm bạn thích nhất trong tác phẩm là gì?

B: Ờ, điều ta thích nhất chính là tính nhân văn của tác phẩm. Thiệu Bảo bình Nguyên đã kể về một cuộc chiến giữa người với người.

A: Bạn có thể giải thích rõ hơn không?

B: Như vầy. Bác Hồng Thái không thần thánh hóa quân ta và ma quỷ hóa quân địch như trong khá nhiều tác phẩm của tác giả Việt mà ta đã đọc trước đây, trước khi ta đọc lại truyện lịch sử đợt này ấy.

Quân ta trong đây có những người "thà nâng đỡ bước con trên đường đời gió bụi còn hơn vin vào tình mẫu tử mà níu giữ thân phận nam nhi quẩn quanh trong xó nhà để báo đền ơn nghĩa sinh thành"; có những kẻ vì ham quyền thế mà hàng giặc, cung cấp lương thực, dẫn đường chỉ lối cho chúng; cũng có những người "không có gan cầm gươm đánh giặc, cứ chui nhũi ở xó xỉnh nào đó cho yên thân còn hơn làm chó săn cho Thát tàn hại người mình".

Phe ta có tốt có xấu, chứ không phải tốt hoàn toàn. Tự bản thân mỗi người cũng vậy, có ưu có khuyết chứ không phải ưu tất tần tật.

Đơn cử như Trần Quốc Tuấn. Tác giả xây dựng nhân vật này là một vị tướng tài, đúng chuẩn ngồi trong trướng quyết sách ngoài ngàn dặm. Chỉ riêng kế sách chia quân ta làm nhiều mũi tiến công, mỗi trận đánh đều tìm cách dụ địch từ biên giới Việt - Nguyên và Việt - Chăm dồn về miền trung nước ta lúc đó, còn quân ta dùng đường biển làm đường chuyển quân chủ yếu bọc ra phía ngoài bao vây địch đã thể hiện được tài cầm quân xuất chúng. Bởi vì thường người ta chỉ bao vây khi chiếm ưu thế về mặt quân số, nhưng ông lại quyết định bao vây khi quân ta ít hơn rất nhiều. Sau đó lợi dụng sự am hiểu về địa hình, thời tiết, tiến hành đánh du kích rỉa dần binh lực địch, kết hợp với kế vườn không nhà trống, đợi đến khi khí trời thuận lợi thì tiến hành tổng phản công.

Dù vậy, hành binh trên giấy không bao giờ giống hoàn toàn với hành binh ngoài thực địa, nên vẫn có lúc ông tính chưa "tới" chỉ là nó không ảnh hưởng đến đại cuộc mà thôi. Chẳng hạn, ông nghi ngờ Trần Ích Tắc muốn phản nhưng không ra quyết định đúng lúc để hắn có cơ hội hàng Nguyên, gây dao động rất lớn trong tâm lý của quân dân ta. Hay lúc lên kế hoạch, hai vua sẽ rút khỏi Thăng Long theo đường sông Thiên Đức. Trên thực tế, có một đoạn sông hẹp, nước cạn, chiến thuyền không qua được, hai vua phải quay lại, cũng may nhờ vậy địch đã mất dấu quân ta.

Nói về quân địch. Đúng lịch sử, nhà Trần thắng quân xâm lược với binh lực chênh lệch nhau rất nhiều, nên tất yếu quân xâm lược phải có nhược điểm gì đó. Nhưng hẳn không phải chỉ toàn nhược điểm vì lịch sử cũng cho biết vó ngựa Nguyên Mông đã càn quét từ Á sang Âu.

Trong truyện này, tác giả cho rằng tham công báo cáo láo và không đoàn kết là điểm yếu lớn nhất của chúng. Giả thiết này rất hợp lý. Một đoàn quân chinh phạt với rất nhiều người là hàng tướng, vong tướng, vong nô xuất thân từ những dân tộc khác nhau, mang trong lòng những ước vọng khác nhau thì không thể nào có sự đồng lòng. Chúng thua vì thói vị kỷ cá nhân, luôn muốn giành công trạng về mình và đẩy nguy hiểm về phần kẻ khác, chứ không phải vì bất tài vô dụng.

Nói chung, đây chính là cuộc chiến giữa những con người, những con người rất thực.

A chặm mồ hôi (Đang làm rõ hay làm rối đây?): Ý bạn là...

B: Nói sao nhỉ?

Những quyển viết về chiến tranh ta đọc khá lâu rồi thường theo motif quân ta thông minh cơ trí, văn võ toàn tài, cần mẫn liêm khiết, nhân hậu trượng nghĩa, yêu nước thương dân,... Chính vì cái tốt đã bị giành hết rồi, nên quân địch thường ngu si đần độn, tham quyền cố vị, bạo tàn khát máu, thùng rỗng kêu to, ...

Nghe diễn tả thấy chúng xấu xa tệ hại ghê, đúng không?

A gật gật đầu.

B: Có lẽ vì vậy nên quân địch không được xem là người.

Ta luôn có cảm giác chờn chợn khi đọc những phân cảnh nhân vật phe ta hả hê sảng khoái "kiểm đếm" xem mình giết được bao nhiêu tên địch. Đôi khi cứ ngỡ rằng họ đang kiểm đếm xem mình "làm thịt" được bao nhiêu heo bò gà vịt gì đấy.

A: Vậy bạn muốn sao? Chúng là quân cướp nước mà. Giết xong phải khóc lóc tiếc thương, sau đó làm đám tang cho chúng à?

B: Không phải như vậy. Nhưng người xấu cũng là người mà. Hiểu không?

Dẫu người giết người thuộc về chính nghĩa và kẻ bị giết theo phe phi nghĩa, thì người giết người cũng hoàn toàn không phải là một chuyện đáng để hả hê sung sướng. Vì cả hai bên đều là con người. Mà con người không phải là động vật máu lạnh, không phải loài ăn thịt đồng loại.

Những con người sống qua thời chiến, hơn ai hết, họ phải biết quý trọng sinh mạng. Những con người may mắn sống trong thời bình cần phải hiểu rằng chiến tranh là điều không ai muốn. Bên kia chiến tuyến là những con người bằng xương bằng thịt, có cha mẹ vợ con, có anh em bè bạn. Hoàn cảnh và lý tưởng khác nhau không thể biến những người bên kia chiến tuyến thành heo bò gà vịt được.

Người lính ra trận giết giặc là tất nhiên, nhưng mục tiêu cuối cùng không chỉ đơn thuần là giết giặc. Vì còn được sống sót, vì những ngày tháng không chiến tranh sắp tới, vì giành lại được tấc đất quê hương, và vì nhiều lý do khác nữa. Tác giả viết về chiến tranh phải hiểu rõ mình đang viết về cuộc chiến giữa những con người, không phải cuộc chiến giữa con người với vật vô tri vô giác nào đó.

A chặm mồ hôi (càng giải thích càng rối): ...

B nhíu mày: Nói một hồi sao thấy xa chủ đề quá rồi, ta lấy ví dụ cho dễ hiểu nha.

A (Ơn trời).

B: Bác Hồng Thái kể về cuộc chiến tranh giữa những con người bằng hai bước.

Bước một, "thiết lập" những chi tiết để quân ta và quân địch đều là người, ai cũng có ưu nhược điểm, không bị thần thánh hóa hay ma quỷ hóa, như đã kể ở trên.

Bước hai, xen kẻ những tình huống nhắc nhở quân địch cũng là người khi độc giả lỡ quên mất điều đó.

Ta đọc truyện rất nhập tâm. Nói thật lòng, những đoạn văn như không còn cách nào khác, đành phải quyết tử; hãy hạ gục bọn chữa cháy, đừng lo bắn nhầm người của ta; bảy trăm năm mươi người chỉ còn lại ba mươi hai, họ lầm lũi bước đi trên con đường tìm về tuyến sau để tiếp tục cuộc chiến giữ quê hương, bỏ lại thân xác đồng đội trên những rẻo núi nơi địa đầu tổ quốc; Ô Mã Nhi sai lính lóc thịt cánh tay họ, để chảy máu cho đến chết... khiến ta ngấu nghiến những dòng tiếp theo với tâm trạng hoàn toàn mất bình tĩnh. Đầu óc cứ như có âm thanh đang réo gào phải giết, giết cho bằng hết. Lòng cứ hy vọng kế tiếp sẽ là những trận tàn sát mà xương địch phải chất thành núi, máu địch phải chảy thành sông để che mờ, để xoa dịu nỗi mất mát mà quân ta phải gánh chịu.

Nhưng không.

Tên lính già không đồng ý theo đoàn quân rút về nước, mà ở lại đợi bão tan rồi sẽ qua bên kia sông tìm lại đứa con đang theo tiền quân.

Tôi đã nói giúp ngài, Nguyên soái đã đồng ý. Khi ngài về đến đất Nguyên, hãy đưa tráp châu báu này cho thân nhân của tôi.

Một thân người bay ngang chắn giữa Thoát Hoan và mũi tên tẩm độc đang xé gió lao đến: "Ngài hãy chạy đi!" (*)

Giữa cơn say máu chiến tranh, những hồi chuông thánh thót bất chợt ngân lên khiến độc giả bàng hoàng nhận ra quân địch cũng là người, chúng ta đang giết người.

Giống như ngươi đã nói khi nãy, chúng là quân cướp nước và đây là chiến tranh, giết tất nhiên là phải giết, nhưng điều quan trọng mà ta muốn đề cập đến là cảm giác sau khi giết địch. Tác giả phải làm bật lên được mục đích cuối cùng của cuộc chiến - không phải là giết người, cũng không phải là trả thù, mà phải vì điều gì cao cả hơn.

Thật lòng phải thừa nhận vấn đề này không dễ khắc họa. "Gia vị nhân văn" nếu được nêm quá tay sẽ biến quân ta thành đạo đức giả, nếu non tay sẽ biến chiến tranh thành những cuộc tàn sát qua lại vô nghĩa.

Theo cảm nhận của riêng ta, Thiệu Bảo bình Nguyên cực kỳ "ngon miệng" vì được nêm "gia vị nhân văn" với liều lượng hết sức phù hợp. Rất hay luôn đấy!

A: ... Với một tác phẩm hoàn toàn là ưu điểm thì...

B: Khoan đã!!! Nãy giờ ngươi đã hỏi câu nào đến nhược điểm đâu mà dám bảo hoàn toàn là ưu điểm?

A chặm mồ hôi (Ôi trời, khen quá trời quá đất luôn mà vẫn còn chỗ chê nữa sao?): Xin hỏi, bạn không hài lòng về truyện ở điểm nào?

B: Nếu bỏ qua hơn chục lỗi chính tả, một vài sai sót về đánh máy, bìa mỏng nên sách dễ bị xoăn góc, phụ lục nhân vật được sắp xếp theo thứ tự xuất hiện thay vì thứ tự bảng chữ cái khá khó tra cứu khi cần, tranh minh hoạ mang hơi hướng Trung Quốc...

A chậm mồ hôi (1, 2, 3, 4, 5): Ơ...

B: Thông cảm chút đi, ta lỡ khen nhiều quá rồi, phải chê nhiều cho nó cân bằng lại chứ.

Ừm, không kể đến những vấn đề đã kể trên, truyện này có một nhược điểm to đùng kéo dài từ trang đầu đến trang cuối có thể làm độc giả tụt mood bất ngờ mà không kịp trở tay, nhất là những độc giả (khó tính) như ta.

Cách xưng hô - vấn đề muôn thuở của tiểu thuyết lịch sử Việt Nam - tác phẩm này hoàn toàn bị mất điểm vì nó.

Cách xưng hô trong truyện là sự kết hợp bất quy tắc của một rừng cách xưng hô không có quan hệ họ hàng với nhau, được sử dụng trong những thể loại truyện khác nhau - truyện cung đình Trung Quốc, truyện Việt Nam, truyện kiếm hiệp (huynh đệ, anh em, cha mẹ, phụ mẫu, chàng thiếp, các hạ, tại hạ, mỗ) - khiến độc giả không biết mình đang ở "thế giới" nào.

Thêm vào đó là cách đề cập "xách mé" của cháu về bác, em về anh khá xa lạ với văn hóa nước ta. Trần Nhân Tông (vai cháu) gọi Trần Quốc Tuấn (vai bác) là Hưng Đạo (không có chữ Vương) trong mọi hoàn cảnh thì đành tạm chấp nhận, vì dù sao Nhân Tông cũng là vua. Trần Quang Khải (vai em) gọi vậy cũng tạm chấp nhận luôn, vì ông là Thái sư đầu triều. Nhưng Trần Nhật Duật (vai em), Hoài Nhân vương (vai cháu), Trần Khánh Dư (vai cháu) cũng gọi bằng Hưng Đạo trổng không như vậy, nghe thật "lạ tai".

Khi đối thoại trực tiếp thì những người thuộc hoàng tộc họ Trần thường gọi nhau là huynh đầy khách sáo và đẫm chất giang hồ bất kể vai vế trong họ tộc ra sao, chức vị trong triều đình như thế nào. Với dàn nhân vật tương đối đồ sộ, lắm lúc ta cứ phải đọc lại xem mình có nhớ nhầm nhân vật này với nhân vật khác hay không. Khá là mất hứng!

Hết rồi đấy, chỉ có nhược điểm đó đáng được gọi là nhược điểm thôi.

A: Cảm ơn bạn đã...

B: Khoan đã! Ta còn có một câu hỏi.

A chặm mồ hôi (Gì nữa đây): ...

B: "Hắn thế nào, có tận tụy không? Sao vẻ mặt của nó ủ rũ vậy?" Hai câu này là đang đề cập đến 1 người hay 2 người? Xin cảm ơn trước!

A ngơ ngác: Ta chưa trả lời mà.

B: Ngươi không cần trả lời đâu. À, chốc nữa ngươi nên pha nước biển khô uống nha. Đổ mồ hôi nhiều sẽ mất nước đấy!

A: ...

25/08/2018

--- --- ---

(*) Đoạn này và đoạn trên trích không nguyên văn.

*** *** ***

"Đến trước là chủ". Nhưng điều mình thấy trước chưa hẳn là có trước.

Mình đọc truyện kiếm hiệp trước khi đọc truyện sử Việt Nam. Mình đọc truyện cung đình Trung Quốc trước khi đọc truyện cung đình Việt Nam. Mình quen với cách xưng hô anh - em, anh - chú của miền Nam trước khi biết được cách xưng hô anh - anh, bác - bác ở miền Bắc. Nên mình cho rằng lối xưng hô huynh qua - huynh lại mang đầy vẻ khách sáo và đẫm chất giang hồ hiệp khách trong truyện kiếm hiệp. Nhưng rõ ràng không có bất kỳ căn cứ nào để nói như vậy cả. Ở miền Bắc bây giờ mọi người vẫn gọi nhau bằng anh - anh, bác - bác, thì trước đây gọi nhau bằng huynh - huynh cũng không có gì là lạ.

Mình thấy lạ nên cho rằng nó đầy khách sáo và đẫm chất hiệp khách giang hồ thì đúng là quá phiến diện. Cái này là không đủ kiến thức mà cứ thích phê bình lung tung nè.

Rút kinh nghiệm từ chuyện xưng hô, nên đi tìm hiểu về mấy bức tranh minh họa. Kiểu quần áo, bới tóc, mũ mão, áo giáp đó thường gặp trong tranh minh họa của truyện Trung Quốc, không có nghĩa là nó không được sử dụng ở Việt Nam trước đây. Câu nhận xét về tranh minh họa mang hơi hướng Trung Quốc cũng rất phiến diện rồi.

03/11/2018

Phần mạn đàm này chỉ đăng duy nhất ở nhà yakikoza trên Wattpad. Trang doctruyenhot.com, truyenfun.com, yeudoctruyen.com, truyenkul.com đang trộm truyện của mình và những tác giả khác trên Wattpad hòng kiếm tiền quảng cáo. Xin các bạn đừng đọc truyện trên những trang này nhằm chung tay dẹp nạn trộm cắp trắng trợn và kiếm tiền trên công sức, đam mê của người khác. Rất cảm ơn!

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro