Marketing

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Nghiên cứu thị trường khi bắt tay vào kinh doanh

 

Bài học đầu tiên của bạn trước khi mở cánh cửa bước vào thế giới kinh doanh là tránh mắc sai lầm ngay từ khi lập kế hoạch nghiên cứu và tìm hiểu thị trường.

Khởi đầu cho một kế hoạch kinh doanh, cũng có một chút gì đó giống như khi mua một món hàng: bạn cần phải tiến hành một vài nghiên cứu trước khi đưa ra quyết định dứt khoát. Đầu tiên, hãy tìm hiểu xem liệu trên thị trường có nhu cầu cho sản phẩm hay dịch vụ của bạn không? Hãy thực hiện một phép phân tích tính cạnh tranh, tìm một địa điểm để mở cửa hàng và thiết lập một kế hoạch khác biệt hóa để chào bán sản phẩm/dịch vụ đó.

Tuy nhiên, trước khi quyết định đầu tư vào một nghiên cứu thị trường một cách chuyên nghiệp, bạn nên dành thời gian để thu thập các thông tin có sẵn được cung cấp miễn phí trên mạng Internet. Các trang web của các bộ, ngành hoặc cơ quan chính phủ, các hiệp hội doanh nghiệp hoặc các tổ chức phi chính phủ thường có rất nhiều thông tin và rất dễ dàng tiếp cận.

Bên cạnh đó bạn có thể nghiên cứu thị trường bằng các phương pháp riêng như tiến hành những cuộc khảo sát sử dụng bảng câu hỏi hoặc những buổi phỏng vấn ngắn. Việc này sẽ giúp bạn hiểu biết chi tiết về lĩnh vực riêng biệt của thị trường mà bạn muốn tham gia vào.

Nếu bạn làm tất cả những việc này với một sự cố gắng và cần cù, thì đó chính là sự khác biệt giữa thành công và thất bại và bạn không mất một đồng chi phí nào cả.

Nhưng nếu bạn muốn việc nghiên cứu thị trường trở thành một công cụ có ích cho quá trình kinh doanh sau này, bạn cần phải nắm chắc các khái niệm và ý tưởng kinh doanh. Khi đã có một cách chắc chắn, bạn mới xác định liệu có thể biến ý tưởng đó thành hiện thực hay không? Để làm được điều này, bạn cần phải đặt một số câu hỏi như sau:

 

1. Thị trường đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn đã bão hòa chưa? Ví dụ thành phố này có thực sự cần thêm một cửa hàng kinh doanh phần cứng máy tính hay một cửa hiệu bán hoa không? Hàng năm trong thành phố của bạn, mọi người đã tiêu tốn bao nhiêu tiền cho ngành công nghiệp mà bạn định tham gia? Có khoảng trống nào để thâm nhập vào thị trường này nữa không?

2. Những gì mà bạn sắp đưa ra chào hàng có đáp ứng được nhu cầu của thị trường không? Nếu như bạn đang nghĩ đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc hàng ngày cho những chú chó hoặc triển khai một dịch vụ trực tuyến cho các nhà kinh doanh thương mại, hay bất cứ một dịch vụ chăm sóc đặc biệt nào đó, điều trước tiên, bạn cần phải xem xét là dịch vụ của bạn có thật sự quan trọng và cần thiết đối với khách hàng không? Khách hàng sẽ như thế nào nếu không có sản phẩm/dịch vụ của bạn?

 

3. Đối thủ cạnh tranh của bạn hiện đang làm gì? Điều này rất quan trọng, bởi vì bỏ qua đối thủ cạnh tranh bạn sẽ không biết được các mối đe doạ tiềm ẩn đến hoạt động kinh doanh của mình. Biết được những thông tin về đối thủ sẽ đảm bảo cho bạn có vị trí vững chắc trên thương trường. Bằng cách biết được những doanh nghiệp khác đang làm gì, bạn có thể chắc chắn rằng giá cả bạn đưa ra là hợp l‎ý sản phẩm của bạn thu hút khách hàng.

Nghiên cứu đối thủ cạnh tranh có nghĩa là tìm hiểu xem họ là ai và sự khác biệt giữa hoạt động kinh doanh của họ với ý tưởng kinh doanh của bạn. Từ đó tìm cách đưa ra các sản phẩm/dịch vụ nổi bật hơn và để làm được điều này, bạn cần phải lợi dụng các điểm yếu của đối thủ cạnh tranh của mình.

Để có thể nhìn nhận vấn đề một cách có hệ thống từ những thông tin thu thập được, bạn phải sắp xếp chúng theo ba loại sau đây:

- Các điểm mạnh của đối thủ cạnh tranh so với bạn;

- Những lợi thế của bạn so với đối thủ cạnh tranh;

- Những điểm giống nhau giữa bạn và họ.

4. Bạn có thể với tới các khách hàng mục tiêu hay không? Bạn cần biết những thông tin về khách hàng như giới tính, tuổi, nghề nghiệp, thu nhập, lối sống, thái độ và tầng lớp xã hội. Và khi đã xác định được đâu là khách hàng mục tiêu, bạn cần phải biết:

- Họ là những ai, điều gì sẽ thu hút và hấp dẫn họ;

- Số lượng người sẽ nằm trong nhóm này;

- Sở thích tiêu dùng của họ thế nào;

- Họ đi mua hàng lúc nào và ở đâu.

Ví dụ, nếu bạn có ý định bán sản phẩm của mình cho các đối tượng khách hàng là người về hưu, già cả, bạn nên tìm hiểu xem số lượng loại người này trong thành phố của bạn là bao nhiêu, thu nhập của họ sau khi nộp thuế và đóng bảo hiểm là bao nhiêu?…

Một khi, bạn đã chắc chắn về ý tưởng kinh doanh của mình, hãy đào sâu nghiên cứu nó. Nguồn thông tin và thể loại thông tin tốt nhất mà bạn có thể thu thập phụ thuộc vào từng dạng kinh doanh khác nhau và trong từng hoàn cảnh cụ thể. Tóm lại, nó có thể bao gồm:

- Thông tin thương mại: ví dụ các Hiệp hội kinh doanh thương mại có thể là kênh thông tin trực tiếp mà bạn đang tìm kiếm. Các loại thông tin thương mại khác cũng có thể được tìm thấy ở trong sách và báo chí đã xuất bản dưới dạng in hoặc trực tuyến. Thậm chí, bạn cũng có thể thu nhận rất nhiều thông tin có ích khi đi thăm các gian hàng của một hội chợ thương mại.

- Các dữ liệu về kinh tế hoặc nhân khẩu học: nếu bạn ở nước Mỹ, thì các trung tâm nghiên cứu dữ liệu và kinh tế quốc gia là nơi có thể cung cấp các số liệu mà bạn cần về phạm vi tuổi tác, thu nhập của các tầng lớp trong xã hội, số lượng các loại hình doanh doanh theo khu vực địa lý và tổng lượng bán hàng đối với chủng loại sản phẩm/dịch vụ mà bạn định đưa vào kinh doanh. Ngoài ra, những người quản lý tại các thư viện lớn có thể chỉ ra cho bạn nơi cất giữ những cơ sở dữ liệu đặc biệt mà bạn cần hiện có trong thư viện.

- Thông tin từ các nhóm và hiệp hội kinh doanh: Phòng Công nghiệp và thương mại tại địa phương có thể giúp bạn tìm kiếm những thông tin mà bạn cần. Bạn cũng có thể thử tìm kiếm sự giúp đỡ của Trung tâm phát triển kinh doanh vừa và nhỏ được chính phủ tài trợ để hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ kinh doanh nhỏ.

- Thông tin từ các trường đại học tại địa phương: thỉnh thoảng, các giáo sư tại các trường kinh doanh cũng hay yêu cầu các sinh viên sắp tốt nghiệp ra trường tiến hành các nghiên cứu có tính khả thi về thị trường để lấy các chứng chỉ tốt nghiệp khóa học. Đó cũng có thể là một nguồn thông tin có ích cho bạn.

- Thông tin từ các đối thủ cạnh tranh tại địa phương: Nếu bạn đang định bắt đầu kinh doanh tại địa phương nào đó, hãy tìm các cửa hàng của các đối thủ cạnh tranh và thử tìm kiếm các website bán hàng của họ. Hoặc tìm hiểu một công việc kinh doanh tương tự trong một thành phố cũng tương tự như nơi mà bạn sẽ bắt đầu kinh doanh để gặp gỡ và trò truyện với những người chủ sở hữu nó. Điều này sẽ giúp bạn biết lý do tại sao họ bán sản phẩm/dịch vụ đó và những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thâm nhập thị trường và thu hút khách hàng. Đó sẽ là những kinh nghiệm quý báu đối với bạn.

- Thông tin từ các khách hàng tiềm năng: Đối tượng khách hàng tiềm năng mà bạn cần lấy thông tin không phải là bạn bè và những người thân trong gia đình bạn, vì có như thế bạn mới có cơ hội để nghe được sự thật từ họ. Đó là những thông tin giá trị về các mong muốn, sở thích của họ đối với sản phẩm/dịch vụ của bạn.

Giới thiệu: MÔ HÌNH MARKETING 7P

Dựa vào kinh nghiệm và sụ đúc kết nguyên lý marketing hiện đại, chúng tôi đã xây dựng một mô hình quản trị marketing đơn giản nhưng xúc tích và dễ hiểu mà hầu hết các nhà quản trị doanh nghiệp đều nắm bắt không quá khó khăn, áp dụng linh hoạt trong doanh nghiệp của mình trong việc xác lập bộ máy, xây dựng chiến lược và tìm ra những đối sách cạnh tranh hiệu quả toàn diện cho thương hiệu sản phẩm và cho cả doanh nghiệp.

CƠ SỞ HÌNH THÀNH MÔ HÌNH 7P:

Chúng ta gọi thời đại marketing là giai đoạn bắt đầu từ nửa sau thế kỷ 20 khi mô hình kinh doanh chuyển từ định hướng sản xuất sang định hướng thị trường và sau này nói chính xác hơn là định hướng khách hàng (chính xác hơn nữa là khách hàng tiêu dùng). Lộ trình chuyển đổi tư duy kinh doanh này hình thành một loạt các khái niệm và định nghĩa mới giúp marketing thực sự trở thành một môn khoa học ứng dụng hiệu quả.

Trong những thập kỷ gần đây, những doanh nghiệp thành công và bền vững đều là doanh nghiệp định hướng marketing (gọi là marketing oriented company), khác với hai thế lực doanh nghiệp khác là “doanh nghiệp thành công nhờ chính sách nhà nước” và “doanh nghiệp thành công dựa vào nguồn tài nguyên”. Tuy nhiên hẳn quý vị cũng đồng ý với chúng tôi rằng các thế lực này không phải là mục tiêu để chúng ta nghiên cứu, để noi gương hay theo đuổi trong tiến trình phát triển bền vững của các doanh nghiệp.

Quá trình này được đối chiếu về lý thuyết từ nhận thức của quản trị doanh nghiệp từ mô hình “5 thế lực” của Michael Porter lấy doanh nghiệp làm chủ thể sang mô hình “4P” lấy “khách hàng” làm trọng tâm mà Philip Kotler đã đúc kết. Các phép toán vĩ mô càng ngày càng trở nên rắc rối và khó hiểu theo sự tăng trưởng mức độ phức tạp của nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó là sự chuyển đổi trong nghiên cứu tâm lý từ quan điểm tâm sinh lý cá nhân (Pavlov và Sigmund Freud) sang Tâm lý Nhân văn mang tính cộng đồng của Abraham Maslow. Sự hiểu biết của chúng ta về Con người dưới góc độ tâm lý và nhu cầu mặc dù vẫn còn nhiều bí ẩn nhưng rất nhiều quy tắc ứng xử mang tính cộng đồng đã được ghi nhận dưới sự phân tích thống kê. Tuy nhiên Tương lai là một bí ẩn lớn nhất mà càng ngày nhà doanh nghiệp càng không thể chủ quan. Cả Michael Porter và các học giả Marketing ngày nay đều có chung quan điểm rằng chiến lược đúng là đi tìm “con đường riêng” cho mình để đáp ứng nhu cầu đa dạng và luôn bí ẩn của Con người.

Có ít người thừa nhận marketing ở cấp độ triết học. Họ cho rằng Tiếp thị là những trò rẻ tiền và khuyến dụ con người làm những việc mà người ta không mong muốn. Chúng tôi muốn cảnh báo với cộng đồng rằng Marketing là một ngành học thuật đã được nâng tầm triết lý, trong đó Brand Marketing là một đỉnh cao. Bản thân marketing không tự xác lập sứ mệnh cho mình mà Con người là động lực hình thành sứ mệnh của khoa học tiếp thị (hiểu theo nghĩa rộng).

Ngày nay lĩnh vực nào cũng có thể ứng dụng marketing, miễn là nó xác lập sứ mệnh phục vụ con người và vì sự phát triển của loài người. Marketing giúp hình thành Sản phẩm hay cách thức để thỏa mãn Nhu cầu của Con người; không những thế marketing giúp con người nhận ra những khát vọng (Nhu cầu chưa được thỏa mãn) để thúc đẩy họ vươn lên; marketing giúp con người nhận rõ bản thân mình với những người xung quanh, giữa sản phẩm (lợi ích, giá trị) này với sản phẩm (lợi ích, giá trị) khác.

Bởi vậy quý vị hẳn sẽ không ngạc nhiên khi Al Ries (học giả nghiên cứu marketing nổi tiếng Mỹ, thế hệ tiếp nối Philip Kotler) so sánh sự tiến bộ của brand & marketing song hành với thuyết tiến hóa của Darwin trong nhận thức của con người về thế giới vật chất, mối quan hệ trao đổi giữa các cá thể trong cộng đồng và việc xác lập vị thế cá nhân trong cộng đồng.

 

Mô hình 7P:

Mô hình Marketing 7P là một trong những lý thuyết theo xu hướng nâng cao vị thế của marketing trong quản trị doanh nghiệp và quản trị tổ chức.

Mô hình Marketing 7P này bao gồm 3 nấc: nấc 1 là “4P” tức 4 yếu tố cơ bản trong quản trị marketing. Đó là nhóm các giải pháp (hay chiến lược) Sản phẩm, từ ý tưởng cho đến sản xuất ra sản phẩm, trong đó không quên định nghĩa sản phẩm là một tập hợp các lợi ích; Nhóm kế tiếp là các giải pháp Giá, từ chi phí cho đến chiết khấu phân phối và giá tiêu dùng; Kế đến là các giải pháp về phân phối và bán hàng và sau cùng là các giải pháp Quảng bá thương hiệu sản phẩm (nên nhớ là quảng bá thương hiệu, trong đó có sản phẩm, chứ không phải quảng bá sản phẩm).

Ở cấp độ 2 (nấc 2), chúng ta quan tâm đến hai nhóm giải pháp lột tả tinh thần cơ bản của quản trị, đó là yếu tố Con người (P5) và yếu tố Hệ thống (P6). Ngày càng có nhiều các phương pháp tiếp thị định hướng con người trong đó có hai mảng quan trọng là tiếp thị dịch 3 vụ và PR (quan hệ công chúng). Cụ thể trong một doanh nghiệp hàng đầu thành công với hai nhãn hiệu bia quốc tế nổi tiếng tại Việt Nam, PR được vận dụng triệt để ngay từ những năm đầu họat động được phân tách bởi PR đối ngoại và PR đối nội. PR đối ngoại (External PR) nhắm đến việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ và hệ thống chăm sóc khách hang (CRM) đối với Nhà Phân phối, giới Báo chí; các Liên đo àn thể thao và các đơn vị sở hữu Truyền thông. PR đối nội (Internal PR) nhắm đến việc chăm sóc từng cá nhân và gia đình nhân viên làm việc cho công ty ở mọi cấp bậc công việc. Công ty có những chính sách đãi ngộ và hiếu hỉ cho từng nhân viên và giá đình tùy theo quá trình công hiến của họ; những nhân viên làm việc gắn bó với công ty được khen thưởng theo nấc thâm niên mà họ đã gắn bó với công ty. Đặc biệt Ngày hội Gia đình hàng năm của toàn thể cán bộ nhân viên công ty được tổ chức hết sức ấn tượng tạo ra không khí đoàn kết thân mật… tất cả tạo ra niềm kiêu hãnh của nhân viên và gia đình họ đối với những người xung quanh. Theo hệ thống “7P” nhóm giải pháp này nằm trong phạm trù P5 (People); và nói theo ngôn ngữ brand marketing thì mỗi cá nhân và gia đình Nhân viên cũng được “gắn nhãn” với thương hiệu chung của doanh nghiệp cũng như các thương hiệu sản phẩm mà họ đang nỗ lực gầy dựng từng ngày ở mọi nơi mọi lúc.

Với yếu tố P6 (quy trình hệ thống, hay tính chuyên nghiệp, tức process hay professionalism) doanh nghiệp phát triển luôn đặt những quy trình quản trị (điển hình là ISO9001) làm hệ thống quản trị làm nến tảng để thể chế hóa bộ máy làm việc, giúp luật hóa trách nhiệm cá nhân hay nói đúng hơn là “minh bạch hóa” vai trò và phạm vi trách nhiệm của từng người để cá nhân thấy rõ nhiệm vụ và quyền hạn của mình trong một tập thể quản trị. Tuy nhiên sự vận dụng hệ thống quản trị chuẩn mực (theo ISO) ở một số doanh nghiệp có hàm lượng chất xám va hạm lượng dịch vụ cao hay mang nhiều tính sáng tạo xem ra không chứng minh được hiệu quả. Marketing 7P giải thích hiện tượng này bằng một luận điểm rất cơ bản đó là xem tổ chức doanh nghiệp cũng là một sản phẩm trong đó người lao động thụ hưởng hai nhóm lợi ích (hay giá trị) là lý tính và cảm tính (rational và emotional). Nếu một doanh nghiệp có hệ thống quản trị (thể hiện qua sản phẩm đầu cuối mà doanh nghiệp tạo ra) thiên về lý tính hơn thì khả năng áp dụng các quy trình ISO (kinh điển) sẽ hiệu quả hơn; ngược lại nếu hệ thống quản trị doanh nghiệp thiên về sản xuất ra các sản phẩm cảm tính (dịch vụ, văn hóa nghệ thuật, truyền thông…) thì khả năng áp dụng quy trình quản trị kinh điển cần phải kết hợp với các biện pháp kích thích sáng tạo và mở rộng các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc (tức sản phẩm làm ra) một cách linh hoạt hơn thì nhân viên (người lao động trí tuệ) sẽ không cảm thấy bị gò bó và cảm nhận được đẳp cấp của nhà quản trị, từ đó mới thu hút họ là việc. Nói cách khác một quy trình ISO kinh điển liệu có thể quản lý quy trình sáng tạo (sản xuất) ra một tác phẩm âm nhạc hay không? Đó là một trong những tình huống thử thách điển hình đối với các quy trình chuẩn hóa quản trị theo tư tưởng thuần lý tính mà các mô hình quản trị marketing ngày nay có thể khắc phục, trong đó “7P” là một điển hình.

Ở cấp độ 3 (nấc 3), chúng ta tìm hiểu vai trò của tư tưởng, triết lý, văn hóa trong một tổ chức, hay cụ thể là trong một doanh nghiệp. Các giải pháp ở cấp độ này thể hiện bởi sứ mệnh hay tầm nhìn của doanh nghiệp, của thương hiệu; văn hóa, những thói quen ứng xử và chuẩn giá trị trong doanh nghiệp, cũng như giữa thương hiệu ứng xử trước cộng đồng; tư tưởng, tầm nhìn và giá trị của tổ chức cũng cần phải được thông đạt một cách hiệu quả đến với toàn thể cá nhân trực thuộc (stake holder) và kể cả đối với cộng đồng trong đó dĩ nhiên là có khách hàng, người tiêu dùng, đối tác, người thân của họ, hay nói rộng hơn là của to àn xã hội. Trong chiến lược phát triển bền vững, mô hình 7P càng ngày càng chứng minh hiệu quả của nó.

Hình ảnh minh họa mô hình “7P Marketing”:

PHẠM VI ỨNG DỤNG CỦA MÔ HÌNH 7P MARKETING

Mô hình marketing 7P có thể được ứng dụng trong khá nhiều lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên bằng sự cẩn trọng cần thiết đối với những lý thuyết mới, chúng tôi không mạnh dạn khẳng định mô hình “7P” có thể đáp ứng tất cả các dạng thức thự tiễn, và trong phạm vi hạn hẹp của bài viết cũng không thể đặt ra tất cả những điều kiện cần của mô hình này. Mô hình “7P” chỉ thực sự mang lại hiệu quả đối với doanh nghiệp hoạt động trong môi trường cạnh tranh lành mạnh không có (hoặc ít có) sự can thiệp của các cơ chế tạo độc quyền hoặc không lành mạnh (unfair trade).

Một số lĩnh vực mà “7P” có thể đáp ứng một cách hiệu quả như sau:

(1) Giải pháp Chiến lược Marketing Toàn diện.

Một tập hợp giải pháp chiến lược marketing toàn diện có thể được xem là một bộ giải pháp chìa khóa sử dụng cho tòan thể chiến lược phát triển kinh doanh của doanh nghiệp. Ở cấp độ này marketing đóng góp chiến lược cho tất cả các mặt họat động của doanh nghiệp, và hiếm có một bộ giải pháp nào có thể thay thế hiệu quả. Tuy nhiên việc lượng hóa toàn bộ hệ thống bảy nhóm giải pháp như đã đề cập trong phần giới thiệu “7P Marketing” không phải là mục tiêu nội dung đề cập trong bài viết này, và phần nhiều chúng tôi chưa có tham vọng biến nó thành một bộ công cụ (toolkit) mẫu có thể nhân rộng và thương mại hóa kiểu như ISO 9001 hay Balance Scorecard. Dù sao đây chỉ là một bộ giải pháp tòan diện dành riêng cho các quản trị gia trung cao cấp đi lên từ các vị trí then chốt của doanh nghiệp, tổng công ty hay tập đoàn. Chúng tôi mạnh dạn khuyến khích sự phối hợp hiữa tinh thần giải pháp chủ đạo của “7P” với hệ thống chuẩn mực quản trị phổ biến hiện hành để tối ưu hóa hiệu quả của quản trị, với điều kiện và chỉ trong điều kiện doanh nghiệp (hay tổ chức) xác định lấy những mục tiêu thị trường, khách hàng và ngừơi tiêu dùng (hay một cộng đồng cụ thể) làm trọng tâm.

(2) Cơ sở Lượng hóa Mục tiêu và Gía trị Doanh nghiệp

Chúng tôi mạnh dạn khuyến khích sự phối hợp giữa tinh thần giải pháp chủ đạo “7P” với hệ thống chuẩn mực quản trị phổ biến hiện hành để tối ưu hóa hiệu quả của phương pháp, với điều kiện và chỉ trong điều kiện doanh nghiệp (hay tổ chức) xác định lấy những mục tiêu thị trường, khách hàng và người tiêu dùng (hay một cộng đồng cụ thể) làm trọng tâm. Trong đó chúng ta cần lưu ý rằng lượng hóa là một tiêu chí quan trọng của quản trị hiệu quả và chuyên nghiệp.

Xét về khía cạnh giá trị, khái niệm P7 (philosophy) chính thức hình thành luận điểm chứng minh một tổ chức cần có một tinh thần chủ đạo và giá trị gốc để mọi cá nhân nhắm đến. Tổ chức ở đây hòan toàn có để được định dạng với quy mô từ Gia đình, Doanh nghiệp, Công đồng Làng xã, Hiệp hội, Tôn giáo cho đến phạm trù Quốc gia và Quốc tế.

 

(3) Cơ sở Lượng giá Thương hiệu và Đánh giá Doanh nghiệp          

Hệ thống “7P Marketing” cũng là cơ sở vững chắc để các chuyên gia lượng giá thương hiệu (brand valuation) tiến hành đánh giá marketing (audit) và lượng giá thương hiệu (valuation) một cách toàn diện. Đây là việc làm hết sức cần thiết trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp hay định giá tài sản thương hiệu nhằm các mục đích chuyển nhượng hay nhượng quyền. Đối chiếu với hệ thống marketing audit hiện hành (phổ biến nhất là của William M. Pride), hệ thống “7 yếu tố” ở đây cũng tìm được tiếng nói chung bởi các định nghĩa và phạm vi đánh giá xét tổng hòa phần nhiều là giống nhau.

(4) Chuẩn mực hay hình mẫu của một Marketing Plan

Lâu nay chúng ta đề cập rất nhiều đến kế họach marketing tòan diện, nhưng rất thiếu cơ sở để xác định một hình mẫu của Kế Hoạch Marketing. Như vậy một kế hoạch marketing đầy đủ là kế hoạch mà trong đó bao gồm cả “7 nhóm giải pháp” được lượng hóa theo tiêu chí SMART (*). Nhóm 7 giải pháp bao gồm (1) các giải pháp sản phẩm mới, sản phẩm toàn diện (lý tính & cảm tính), những điểm độc đáo của sản phẩm và cơ cấu các sản phẩm; cần lưu ý dưới quan điểm của tiếp thị thương hiệu một sản phẩm được xem là hoàn chỉnh sẽ được xem là một thương hiệu; (2) hoạch định giá (kể cả chi phí) chiết khấu kinh doanh hay phân tích những lợi ích kinh tế mà một sản phẩm (dù nằm bất cứ dạng thưc nào) có thể mang lại cho con người. Chẳng hạn một chương trình truyền thông xã hội chủ đề “tiết kiệm điện” có thể thuyết phục cộng đồng bằng sự thông đạt những dữ liệu “mỗi gia đình tiết kiệm một bóng đèn thì cả nước sẽ tiết kiệm 30 triệu KW điện năng” và dữ liệu này sẽ giúp người dân thấy rõ lợi ích “kinh tế” của việc thực hiện hành vi trách nhiệm của mình. (3) hoạch định phân phối cần thiết trong “tất cả” các kế hoạch marketing thực thi sứ mệnh “mang một sản phẩm, dịch vụ, lợi ích…” đến với con người (khách hàng, người tiêu dùng, công chúng…). (4) promotion (xin lưu ý) được hiểu là quảng bá (thương hiệu sản phẩm) chứ không phải là quảng bá sản phẩm và cũng không phải là khuyến mãi (sales promotion). Quảng bá là nhiệm vụ trọng tâm của truyền thông tiếp thị, là sứ mệnh mới đầy khó khăn của marketing trong một môi trường cạnh tranh (trong môi trường độc quyền bạn không cần quảng bá thương hiệu sản phẩm). Như vậy trong một kế hoạch tiếp thị đầy đủ không thể thiếu các giải pháp quảng bá. Phần còn lại là các giải pháp P5 (con người), P6 (quy trình hệ thống) và P7 (triết lý) mà chúng tôi đã đề cập trong phần giới thiệu “7P” trên đây.

Thay cho lời kết, chúng tôi một lần nữa muốn nhấn mạnh rằng mô hình “7P” sẽ hữu dụng trong một môi trường cạnh tranh và lành mạnh. “7P” sẽ rất thuận lợi cho các cá nhân nhà quản trị hay lãnh đạo doanh nghiệp (kể cả một tổ chức) đã lĩnh hội nguyễn nguyên lý marketing căn bản. Tuy nhiên đối với những người không phải là “dân marketing” việc nắm bắt mô hình 7P cũng không phải là quá khó khăn. Chỉ cần quý vị có một tư quy cởi mở.

Ghi chú (*):

SMART là viết tắt 5 tiêu chí đánh giá tính chuyên nghiệp của một kế hoạch, gồm Specific (cụ thể); Measurable (đo được); Achievable (khả thi); Related to Strategy (bám sát chiến lược) và Time-focued (lịch trình cụ thể).

Nội dung mô hình marketing 7P

Marketing trong thế kỷ 21 không còn bó hẹp trong công thức 4P truyền thống nữa mà đã và đang mở rộng ra thêm 3P thành Công thức 7P. Những nỗ lực Marketing sẽ được tiếp thêm nhiều năng lực và đánh bại các đối thủ cạnh tranh với công thức mới này. Một khi bạn đã xây dựng xong chiến lược Marketing, công thức 7P nên được sử dụng để liên tục đánh giá và tái đánh giá các hoạt động kinh doanh của bạn. 7P đó là Product (Sản phẩm), Price (Giá), Promotion (Chiêu thị), Place (Phân phối), Packaging (Đóng gói), Positioning (Định vị) và People (Con người).

Trong bối cảnh các sản phẩm, thị trường, khách hàng và nhu cầu thay đổi nhanh chóng, bạn sẽ phải không ngừng quan tâm tới 7 chữ P này để chắc chắn rằng bạn vẫn đi đúng con đường và đạt được những kết quả tốt nhất có thể cho doanh nghiệp trên thị trường.

 

1) Product – Sản phẩm

Để bắt đầu, bạn hãy tạo dựng thói quen nhìn vào các sản phẩm của bạn như thể bạn là một nhà tư vấn Marketing bên ngoài được công ty thuê để giúp đỡ quyết định xem nên hay không nên đưa nó ra thị trường vào thời điểm này. Có nhiều câu hỏi quan trọng cần đặt ra, chẳng hạn như: Sản phẩm hay dịch vụ hiện tại có tương thích và phù hợp với thị trường và với các khách hàng ngày nay?

Những thói quen đánh giá sản phẩm hay dịch vụ một cách chân thực và tự hỏi: Đó có phải là những sản phẩm hay dịch vụ thích hợp với các khách hàng của mình?” là rất quan trọng.

Hãy so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Sản phẩm hay dịch vụ của bạn có vượt trội ở một vài phương diện nào đó? Nếu có, đó là cái gì? Còn nếu không, bạn có thể xây dựng cho sản phẩm hay dịch vụ những vượt trội như thế? Bạn có nên đưa ra sản phẩm hay dịch vụ này trong thị trường hiện tại?

2) Prices – Giá

Chữ P thứ hai đó là Price – Giá. Hãy phát triển thói quen thường xuyên xem xét và xem xét lại các mức giá của các sản phẩm và dịch vụ bạn đang cung cấp để đảm bảo rằng nó luôn phù hợp với thực tế của thị trường hiện tại. Đôi lúc bạn có thể cần giảm giá các sản phẩm, dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp thấy rằng lợi nhuận của một sản phẩm hay dịch vụ nào đó không có sự tương đồng với các công sức và nguồn lực bỏ ra để sản xuất chúng. Bằng việc nâng giá, các doanh nghiệp có thể đánh mất một số lượng khách hàng, nhưng tỷ lệ % khách hàng còn lại có thể sẽ phát sinh lợi nhuận trên từng giao dịch bán hàng. Điều này có thích hợp với bạn?

Đôi lúc bạn cần thay đổi các điều khoản và điều kiện bán hàng. Đôi lúc bằng việc kéo giãn mức giá của bạn trong một vài tháng hay một vài năm, bạn có thể bán được nhiều hàng hơn. Đôi lúc bạn có thể phối kết hợp sản phẩm và dịch vụ cùng với nhau để có các chào hàng hay các xúc tiến đặc biệt. Đôi lúc bạn có thể đưa vào một hai khuyến mãi nhỏ nào đó mà ít tốn kém chi phí song khiến mức giá của bạn hấp dẫn hơn đối với các khách hàng.

Trong kinh doanh, đúng như bản chất của nó, bất cứ khi nào bạn thấy được một sự kháng cự hay thất vọng đối với bất cứ phần nào của các hoạt đông bán hàng hay Marketing, hãy sẵn sàng xem xét lại bộ phận đó. Hãy sẵn sàng với khả năng rằng cấu trúc giá cả hiện tại của bạn có thể chưa thích hợp với thị trường trong cùng thời điểm. Hãy sẵn sàng với nhu cầu đánh giá lại các mức giá nhằm duy trì tính cạnh tranh, sống sót và tăng trưởng trong một thị trường thay đổi nhanh chóng.

3) Promotion – Chiêu thị

Thói quen thứ ba trong Marketing và bán hàng đó là suy nghĩ về việc quảng bá sản phẩm. Quảng bá sản phẩm bao gồm tất cả các cách thức bạn có thể nói với khách hàng về sản phẩm hay dịch vụ của bạn và làm thế nào bạn có thể Marketing và bán chúng.

Những thay đổi nhỏ trong cách thức bạn quảng bá và bán sản phẩm, dịch vụ có thể dẫn tới những thay đổi lớn trong kết quả kinh doanh. Thậm chí cả những thay đổi nhỏ trong quảng cáo cũng có thể dẫn ngay tới doanh số bán hàng cao hơn. Các copywriter giàu kinh nghiệm có thể gia tăng tỷ lệ phản hồi của các quảng cáo lên tới 500% bằng đôi chút chỉnh sửa tiêu đề trên quảng cáo.

Các doanh nghiệp lớn và nhỏ không ngừng nghỉ thử nghiệm các cách thức khác nhau để quảng cáo và bán sản phẩm hay dịch vụ của họ. Và đây là quy tắc: Sớm hay muộn, bất cứ phương pháp Marketing hay bán hàng nào bạn đang sử dụng ngày nay sẽ ngừng hiệu quả. Đôi lúc nó không còn hiệu quả vì một vài lý do bạn biết và đôi lúc vì một vài lý do bạn không biết. Trong mọi trường hợp, các phương pháp Marketing và bán hàng của bạn cuối cùng sẽ không còn hiệu quả nữa, và bạn sẽ phải tạo dựng những chiến lược, chào mời và phương pháp Marketing, bán hàng và quảng cáo mới.

4) Place – Phân phối

Chữ P thứ tư trong Công thức Marketing 7P đó là cách thức phân phối/kênh phân phối sản phẩm hay dịch vụ. Hãy phát triển thói quen xem xét và suy nghĩ kỹ lưỡng về kênh phân phối, nơi các khách hàng gặp gỡ nhân viên bán hàng. Đôi lúc sự thay đổi trong kênh phân phối sẽ dẫn tới kết quả tăng trưởng doanh số bán hàng mạnh mẽ.

Bạn có thể bán sản phẩm của mình tại nhiều kênh phân phối khác nhau. Một vài công ty sử dụng cách thức bán hàng trực tiếp, cử các nhân viên bán hàng ra ngoài để tiếp xúc cá nhân và nói chuyện trực tiếp với các khách hàng. Một vài công ty sử dụng Marketing từ xa. Một vài công ty bán hàng qua catalogue hay thư đặt hàng. Một vài công ty bán hàng tại các hội trợ hay địa điểm bán lẻ. Một vài công ty bán hàng trong mối liên minh với các sản phẩm hay dịch vụ tương tự. Một vài công ty sử dụng các đại diện bán hàng hay các nhà phân phối đại lý. Và nhiều công ty kết hợp sử dụng một vài trong số các cách thức bán hàng trên.

Trong mỗi trường hợp, bạn phải có được lựa chọn thích hợp về cách thức phân phối thích hợp nhất cho các khách hàng để nhận những thông tin mua sắm thiết yếu về sản phẩm hay dịch vụ cần thiết cho những quyết định mua sắm. Kênh phân phối của bạn là gì? Bạn cần thay đổi những gì? Nơi nào khác bạn có thể giới thiệu các sản phẩm hay dịch vụ của mình?

5) Packaging – Đóng gói

Chữ P thứ năm trong Công thức Marketing 7P đó là Packaging – Đóng gói. Hãy phát triển thói quen đứng đằng sau và nhìn vào từng yếu tố hình ảnh trong bao bì đóng gói sản phẩm hay dịch vụ của bạn thông qua con mắt của những khách hàng tiềm năng quan trọng. Bạn cần nhớ rằng mọi người định hình nên ấn tượng đầu tiên của họ về bạn trong vòng 30 giây đầu tiên khi nhìn thấy bạn hay thấy một vài yếu tố nào đó của doanh nghiệp. Những cải thiện nhỏ trong đóng gói hay bao bì bên ngoài sản phẩm hay dịch vụ có thể dẫn tới những phản ứng hoàn toàn khác biệt từ các khách hàng.

Đối với đóng gói và bao bì sản phẩm hay dịch vụ, bạn nên suy nghĩ tới tất cả các yếu tố mà các khách hàng nhìn thấy đầu tiên trong các giao tiếp với công ty bạn theo tất cả các cách thức khác nhau thông qua quy trình mua sắm.

Đóng gói liên quan tới hình thức bên ngoài của sản phẩm hay dịch vụ của bạn Ngoài ra, đóng gói liên quan tới các nhân viên của bạn và cách thức họ ăn mặc. Nó cũng liên quan tới văn phòng làm việc của bạn, tới phòng đợi của doanh nghiệp bạn, tới các tài liệu Marketing và tới từng giao tiếp hình ảnh về công ty bạn. Tất cả mọi thứ cần được đưa vào. Tất cả mọi thứ sẽ có tác động tích cực hay tiêu cực. Và tất cả mọi thứ tác động tới sự tin tưởng của các khách hàng trong giao dịch với bạn.

Khi IBM bắt đầu kinh doanh dưới sự dẫn dắt của Thomas J. Watson, ông đã thấy rằng 99% hình ảnh về công ty mà một khách hàng thấy được là thông qua các nhân viên bán hàng của IBM. Do IBM bán những sản phẩm công nghệ cao, Watson biết các khách hàng sẽ phải có một độ tin cậy lớn khi tiếp xúc với các nhân viên bán hàng. Vì thế, ông xây dựng các chính sách ăn mặc và giao tiếp mà sau này trở thành các quy định không thể thay đổi tại IBM.

Kết quả là từng nhân viên bán hàng được yêu cầu phải trông như những chuyên gia ở mọi khía cạnh. Từng yếu tố trong quần áo của họ (bao gồm bộ vest đen, cà vạt đen, áo sơ mi trắng, tóc chải ngay ngắn, giầy đánh bóng, móng tay sạch sẽ) và nhiều đặc điểm khác đã tạo dựng một hình ảnh về tính chuyên nghiệp và có năng lực. Một trong những lời tán thưởng cao nhất mà một người có thể nhận được đó là: “Bạn trông như ai đó ở IBM”.

6) Positioning – Định vị

Chữ P tiếp theo đó Positioning – Định vị. Bạn nên phát triển thói quen suy nghĩ về cách thức bạn được định vị trong trái tim và tâm trí các khách hàng của bạn. Mọi người suy nghĩ và nói về bạn như thế nào khi bạn không có mặt? Mọi người suy nghĩ và nói về công ty bạn như thế nào? Sự định vị nào bạn có trong thị trường của bạn, về các từ ngữ cụ thể mọi người sử dụng khi họ miêu tả về bạn và về những chào hàng của bạn tới họ?

Hai tác giả Al Reis và Jack Trout trong cuốn sách nổi tiếng của mình là Positioning – Định vị đã chỉ ra rằng những suy nghĩ và nhìn nhận của các khách hàng về bạn là nhân tố quyết định thành công trong một thị trường cạnh tranh.

Học thuyết Đặc tính nói rằng hầu hết các khách hàng nhìn nhận về bạn theo một cách thức đơn lẻ khác nhau, tích cực hay tiêu cực. Đôi lúc đó là “dịch vụ”. Đôi lúc đó là “xuất sắc”. Đôi lúc đó là “máy móc chất lượng” như đối với Mercedes Benz. Đôi lúc đó là “động cơ lái tột bực” như đối với BMW.

Trong mọi trường hợp, mức độ những đặc tính này được in đậm và sâu trong tâm trí các khách hàng sẽ quyết định khả năng họ mua sắm sản phẩm hay dịch vụ của bạn, đồng thời quyết định họ sẽ mua bao nhiêu.

Hãy phát triển thói quen suy nghĩ về cách thức bạn có thể cải thiện mức độ định vụ của mình. Hãy bắt đầu bằng việc xác định vị thế mà bạn thích có. Nếu bạn có thể tạo dựng được ấn tượng thích hợp trong trái tim và tâm trí các khách hàng, nó sẽ là gì? Bạn sẽ cần phải làm những gì trong từng giao tiếp với các khách hàng để các khách hàng suy nghĩ và nói về bạn đúng với cách thức bạn muốn? Những thay đổi nào bạn sẽ cần tới trong lối giao tiếp với khách hàng ngày nay để được nhìn nhận là sự lựa chọn mua sắm tốt nhất?

7) People – Con người

Chữ P cuối cùng đó là People – Con người. Bạn hãy phát triển thói quen suy nghĩ về những con người bên trong và bên ngoài của bạn vốn chịu trách nhiệm cho từng yếu tố trong các chiến lược và hoạt động Marketing hay bán hàng.

Thật ngạc nhiên khi rất nhiều chủ doanh nghiệp hay các doanh nhân dành quá nhiều thời gian nghĩ về từng yếu tố của các chiến lược Marketing mà có ít sự quan tâm tới thực tế rằng mỗi một quyết định và chính sách được hiện bởi những con người cụ thể theo những cách thức cụ thể. Khả năng lựa chọn, tuyển dụng và giữ chân những con người thích hợp với những năng lực và kỹ năng tốt để hoàn thành công việc được giao phó là rất quan trọng.

Trong cuốn sách best-selling của mình, Good to Great – Từ tốt tới vĩ đại, tác giả Jim Collins khám phá ra rằng yếu tố quan trọng nhất được áp dụng bởi các công ty tốt nhất đó là họ luôn đưa được những con người tốt nhất lên xe và đưa những con người kém cỏi ra khỏi xe. Một khi các công ty này tuyển dụng được những nhân viên thích hợp, bước thứ hai đó là đặt những con người thích hợp đó vào những chiếc ghế thích hợp trên xe.

Để thành công trong kinh doanh, bạn phải phát triển được thói quen suy nghĩ về chính xác những ai sẽ thực hiện từng nhiệm vụ và trách nhiệm. Trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ chưa thể tiến lên cho đến khi bạn có thể thu hút và đặt những con người thích hợp vào những vị trí thích hợp. Không ít các kế hoạch kinh doanh tốt nhất được xây dựng song rồi bị bỏ vào ngăn bàn chỉ vì người xây dựng ra chúng không thể tìm kiếm những con người có khả năng thực thi thành công kế hoạch.

Thông thường 4P cơ bản sẽ vẫn là Product , Price , Place và Promotion. Tùy vào ngành nghề cũng như chiến lược Marketing của từng công ty mà ta sẽ phát triển các P khác nhau, có thể là People (Con người), Packaging (Đóng gói), Positioning (Định vị), Policy (Chính sách), Progress (Quá trình), Physical Evidence (cơ sở vật chất),PR (Quan hệ công chúng)…hoặc có khi sử dụng Philosophy (Triết lý kinh doanh). Tuỳ từng trường hợp cụ thể để có cách tiếp cận hợp lý hơn.

Ứng dụng Mô hình 7P Marketing phân tích chiến lược Beeline

Mô hình "7P Marketing" do chuyên gia thương hiệu khởi xướng từ năm 2001 đến nay đã từng bước được giới marketing đón nhận như là một mô hình tiên tiến mang tính kế thừa dựa trên nguyên tắc 4p của marketing mix truyền thống, mở rộng theo chiều dọc tạo ra kiến trức hình tháp (the 3 level hierarchy), ở nấc 2 đó là P5&P6 (people & process) và ở nấc thứ 3 là P7 (Philosophy).

BEELINE & CHIẾN LƯỢC TIẾP THỊ TOÀN DIỆN

Với xu hướng phát triển cũng như hướng đến tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, thì việc xuất hiện nhiều thương hiệu sản phẩm/dịch vụ của nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế làm cho bầu khí chung của một thị trường mới nổi như Việt Nam trở nên đa dạng, phong phú và sôi động hơn, từ đó người tiêu dùng có được nhiều sự lựa chọn phù hợp tùy theo sở thích cũng như khả năng tài chính của mình…

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay giữa các thương hiệu sản phẩm và dịch vụ trong tất cả các lĩnh vực và ngành hàng như: hàng tiêu dùng nhanh, hàng tiêu dùng công nghệ, có thể dễ dàng nhận thấy một nghịch lý là trong khi vật giá của các mặt hàng khác ngày càng leo thang thì lĩnh vực viễn thông đang có chiều hướng ngược lại. Các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động liên tục đưa ra các chương trình tiếp thị, khuyến mãi khá hấp dẫn, giảm giá nhằm thu hút cũng như mở rộng thị phần cho mình. Nhìn chung những tên tuổi lớn trong lĩnh vực mạng viễn thông di động đã có được vị thế trên thương trường cũng như vị trí nhất định trong tâm trí người tiêu dùng trong nhiều năm qua. Vậy thì vấn đề đặt ra là hướng đi nào, mô hình tiếp thị nào cho “người đến sau”? Hơn nữa trong thời điểm mà tác động và ảnh hưởng của sự khủng hoảng kinh tế thế giới là rất lớn, đây là một thách thức cho người mới gia nhập! Sự xuất hiện của Beeline là một thương hiệu mạng viễn thông di động lớn hoạt động mạnh tại các quốc gia và vùng lãnh thổ Đông Âu và Trung Á đã gây “sốt” đối với thị trường và cộng đồng trong những tháng vừa qua.

Chỉ sau hơn 1 tháng gia nhập thị trường, Beeline đã kịp “khuấy động” thị trường viễn thông và gây chú ý trong giới marketing, nhanh chóng có được sự nhận biết cao (78% độ nhận biết thương hiệu – CBI) cũng như những phản hồi tích cực từ thị trường, với kết quả TVC được yêu thích nhất của tạp chí Marketing, Thành Đạt, kết quả nghiên cứu thị trường của CBI & FTA. Điều đó chứng tỏ Beeline có được một nền tảng chiến lược khá vững chắc, hay nói đúng hơn là một mô hình marketing phức hợp dựa trên những nguyên lý marketing hiện đại trong việc hoạch định và tìm ra một đối sách cạnh tranh hiệu quả và phù hợp theo phong cách của mình.

Ngày nay không thể phủ nhận vai trò, tầm ảnh hưởng và sự ứng dụng của marketing trong các lĩnh vực khác nhau. Có thể dễ dàng nhận thấy qua những thập kỷ gần đây, hầu hết các doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững là những doanh nghiệp định hướng marketing (marketing oriented company). Marketing hiện đại thông qua mô hình 7P với xu hướng nâng cao vị thế của marketing trong quản trị doanh nghiệp và quản trị tổ chức, đã được thể hiện thế nào trong trường hợp tung sản phẩm Beeline.

Sản phẩm & Giá cả (Product & Price)

Đây là nhóm chiến lược mang tính nền tảng trong quản trị marketing mà Beeline đã định hình chiến lược Sản phẩm, từ ý tưởng cho đến khi hình thành một sản phẩm hoàn chỉnh đến tay người tiêu dùng, cùng với chính sách Giá cả hợp lý và được tung ra vào đúng thời điểm. Thị trường viễn thông di động Việt Nam có tiềm năng lớn với dân số hơn 80 triệu người, tỉ lệ dân số trẻ cao, và là một trong những lĩnh vực phát triển nhất trong nền kinh tế hội nhập. Khai thác “lỗ hổng” của thị trường khi người tiêu dùng vẫn chưa được đặt đúng vị trí của “thượng đế” và tâm lý trung thành chưa cao, Beeline đã tung ra sản phẩm hấp dẫn là gói cước Big Zero với “giá trị vô địch!” và “tha hồ nói quên ngày tháng!”. Đây là thông điệp thuyết phục về lợi ích của sản phẩm vì nó đáp ứng được sự mong đợi của người tiêu dùng một cách rõ ràng, cụ thể không lấp lửng và được hình tượng hóa bằng một số Không khổng lồ (Big Zero).

Đối với chính sách Giá cả, tất cả các cuộc gọi nội mạng của Beeline sẽ chỉ tính cước phút đầu tiên với giá là 1.199 đồng, mang tính gợi nhớ rất cao, vì 0199 cũng là đầu số của mạng Beeline. Cước tin nhắn của mạng này sẽ là 250 đồng/tin nhắn nội mạng và 350đồng/tin nhắn ngoại mạng và đây chắc chắn là gói cước rẻ nhất trong khối GSM hiện nay, thậm chí, mức cước gọi ngoại mạng của Beeline sẽ thấp hơn 20-30% so với các mạng GSM khác. Như vậy có thể nhận thấy rõ lợi thế cạnh tranh của Beeline là: (i) Nhà cung cấp dịch vụ mạng quốc tế (ii) Kinh nghiệm quốc tế trong Top 10 thương hiệu viễn thông toàn cầu, (iii) Chiến lược Sản phẩm, Giá cả phù hợp và hiệu quả.

Phân phối & Quảng bá (Place & Promotion)

Đối với chiến lược Phân phối, làm thế nào để bao phủ thị trường và đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh chóng, cũng như trưng bày hình ảnh và thông điệp sản phẩm,vật phẩm quảng cáo, trang trí quầy kệ…nhằm thu hút sự chú ý và tạo thuận tiện cho khách hàng lựa chọn. Trên phương diện này Beeline đã triển khai thực hiện thành công, góp phần đẩy mạnh độ nhận biết gói cước và thương hiệu. Mạng lưới phân phối của Beeline đã có tới hơn 3.000 điểm bán lẻ sim và thẻ cào, bao gồm cả các kênh phân phối truyền thống và các kênh phân phối mới tại thị trường Việt Nam là các quầy bán hàng di động được thiết kế đặc biệt theo chuẩn Beeline quốc tế. Các cửa hàng chính thức của Beeline sẽ được khai trương vào năm sau tại các thành phố lớn. Điều thú vị ở đây là các điểm bán hàng lưu động Beeline với thiết kế bắt mắt được đặt trên các đường phố lớn, rất dễ dàng tiếp cận đối tượng mục tiêu và đây cũng là nét mới lạ, sáng tạo trong hoạt động marketing ở Việt Nam.

Quảng bá hay truyền thông nhằm mục đích đối thoại ra bên ngoài cho người tiêu dùng, thị trường và cộng đồng nhận biết và cảm nhận được thông điệp chủ đạo của thương hiệu một cách tốt nhất, nhưng đây cũng là hoạt động tốn nhiều chi phí nhất! Thương hiệu mạng di động Beeline thể hiện tính tích hợp và đồng bộ cao với chiến dịch truyền thông tạo ra hiệu ứng tương tác tốt nhất giữa thương hiệu và nhóm khách hàng mục tiêu bằng cách tối ưu hóa các điểm tiếp xúc thương hiệu (Brand touch points) thông qua các kênh truyền thông như: Quảng cáo TV, Quảng cáo Báo, Quan hệ công chúng, Kích hoạt thương hiệu, Sự kiện tiếp thị…Chương trình xây dựng độ phủ thương hiệu (Brand visibility) bằng cách trang trí vật phẩm quảng cáo tại các kênh bán hàng, các biển quảng cáo ngoài trời như signboard, billboard… cũng diễn ra một cách nhất quán.

Con người & Hệ thống (People & Process)

Đây là nhóm chiến lược thể hiện tinh thần cơ bản của quản trị hiện đại đó là yếu tố Con người và yếu tố Hệ thống, có thể ví đây như là “phần chìm của một tảng băng”. Con người hay Nhân sự là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc hoạch định, thực thi và quản lý các chiến lược của doanh nghiệp hướng đến xây dựng và duy trì mối quan hệ với khách hàng và các bên hữu quan.

Qui trình hệ thống hay tính chuyên nghiệp nhằm chuẩn hóa bộ máy hoạt động cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy qua các hoạt động marketing trong thời gian qua, nói cách khác những gì thấy được từ “phần nổi của tảng băng” ít nhiều chúng ta có thể hình dung được sự chuyên nghiệp của Beeline VN.

Yếu tố Triết lý (Philosophy)

Ở cấp độ chiến lược này là cấp độ của tư tưởng, triết lý, văn hóa trong một tổ chức, bao gồm các yếu tố về sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp. Tiếp thị đầu tiên là một triết lý, một thành phần quan trọng trong văn hóa doanh nghiệp mà mọi thành viên phải hiểu và thực hiện, nó định hướng trong việc tìm hiểu nhu cầu và làm thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Beeline thể hiện điều này với ý tưởng quảng cáo ấn tượng thông qua hình ảnh của các chú gà con ngộ nghĩnh, kèm theo một thông điệp mang tính triết lý thú vị “live on the bright side”, phản ảnh sự thân thiện, vui nhộn, trẻ trung, hiện đại và phương châm sống tích cực, rất gần gũi với giới trẻ. Vì là lần đầu tiên trong lịch sử phim quảng cáo của Việt Nam sử dụng đồ họa máy tính kỹ thuật cao giống như công nghệ sử dụng trong thể loại phim hình ảnh động, Beeline đã tạo ra các nhân vật gần như rất thật và sống động, cùng với thông điệp chuyển tải rõ ràng một cách sáng tạo nên đã chiếm lĩnh vị trí số 1 trong bảng xếp hạng 10 TVC được người tiêu dùng yêu thích nhất!

Có thể thấy rằng Beeline đã và đang xây dựng, ứng dụng và triển khai mô hình chiến lược marketing 7P một cách toàn diện và hệ thống, bước đầu tạo nên một dấu ấn đối với khách hàng mục tiêu cũng như sự đón nhận tích cực từ phía thị trường và cộng đồng. Mong rằng Beeline sẽ tiếp tục mở rộng độ phủ sóng ngày càng rộng hơn, bên cạnh đó cũng nên liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ và luôn mang đến những hoạt động tiếp thị mới lạ, độc đáo, tạo sức hấp dẫn giữa thương hiệu Beeline và khách hàng trong thời gian sắp tới và đó cũng là nguồn gốc của sự phát triển bền vững và thịnh vượng.

(Phần bình luận của chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang) Tác giả bài viết đã vận dụng mô hình '7P Marketing' một cách triệt để và chính xác để phân tích chiến lược marketing của một trong những thương hiệu nổi bật, cá tính và được yêu thích nhất hiện tại (2009) kể cả việc phân nhóm 4P thành 2 nhóm nhỏ P1&P2 (Product & Price) và P3&P4 (Place&Promotion) 

Yếu tố chiến lược kế tiếp theo mô hình 7P đó là People & Process (P5 & P6) cũng được vận dụng rất tốt để phân tích nấc yếu tố quản trị trong mô hình 7P. Đây chính là 2 nhóm yếu tố bên trong công ty và như tác giả bài viết đã gọi là 'phần chìm của tảng băng' . Quản trị Marketing cần hội đủ tính sáng tạo (lateral thinking) và tính nguyên tắc (logical thinking) và kết hợp rất tốt vai trò cá nhân (P5) cũng như hệ thống và quy trình quản trị (P6).

P7 (Philosophy) là triết lý doanh nghiệp, bao gồm tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị và văn hóa doanh nghiệp. Nếu P7 được vận dụng tốt sẽ tạo ra một môi trường làm việc năng động, sáng tạo và nhất quán trong chiến lược hành động. P7 còn tác động sâu sắc đến những 'góc khuất quản trị' và ngay cả những quy trình chặt chẽ nhất cũng không phát huy tác dụng.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro