5

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mỳ vằn thắn cô Ý nấu rất ngon, chú Tuấn thỉnh thoảng hay trêu chọc mọi người rất hài hước và bầu không khí không hề gượng gạo như Lý Minh Hưởng tưởng tượng. Vì căn bản, cả anh và Đông Hách không ai nhắc đến những chuyện trước đây.

Ăn đã no, trò chuyện cũng lâu, mọi người bắt đầu đứng dậy dọn dẹp. Đúng lúc cô con gái út đang học bên nước ngoài gọi điện về, cô Ý chú Tuấn bỏ hết bát đũa mà ngồi ngoài phòng khách nghe con gái tâm sự. Bỏ luôn cả hai cậu trai (không) trẻ (lắm) ngại ngùng với nhau trong bếp.

- Anh Minh Hưởng dọn bát ra đi, em rửa cho. - Đông Hách cầm lấy đôi bao tay cao su, quay lại nói với Lý Minh Hưởng.

Minh Hưởng ậm ừ hai tiếng trong miệng, không biết nói gì tiếp đành cúi mặt thu dọn mâm bát thật nhanh. Cho đến khi cái bát và đôi đũa cuối cùng đã được anh đặt trong bồn rửa, Minh Hưởng mới thở dài một câu.

- Nhìn cô chú vui vẻ ra sao khi con gái gọi về, anh lại muốn chạy về với bố mẹ.

Đông Hách vừa tráng bát, vừa cười nhẹ.

- Lúc này mới thấy tác dụng của nhà đông con đấy anh. Trước em ghét và chê hai đứa em nghịch ngợm của em lắm, bây giờ ngày nào cũng thầm biết ơn vì chúng nó vẫn đang vui vẻ sống bên bố mẹ. Nếu không có chúng nó, bố mẹ em sẽ buồn lắm.

- Bố mẹ em vẫn khỏe mạnh nhỉ?

- Trộm vía cả hai đều không mắc bệnh gì, chỉ thỉnh thoảng cảm cúm thôi.

- Vậy là tốt rồi. Bố mẹ anh cũng thế, suốt ngày nhắn đòi anh về quê đi.

Hai người bất giác cười thành tiếng. Dường như câu chuyện về gia đình luôn là câu chuyện dễ nói nhất. Nhưng có lẽ điều đó chỉ đúng khi câu chuyện không hướng ngược trở lại người trong cuộc.

- Anh nhớ anh Lý cả của nhà Lý thứ hai làng mình không? Anh ý sắp kết hôn rồi. Mẹ em kể là vợ sắp cưới của anh ấy đang có bầu. Bây giờ mọi người cứ phải bầu xong mới cưới nhỉ?

- Thế á? Anh không biết đấy. Nhìn anh ấy không giống sẽ để vợ mình bầu trước khi cưới.

- Chắc anh ý 'chốt sổ' rồi nên mới vậy. Và vợ anh ấy cũng bằng lòng. Họ đẹp đôi lắm, là một cặp đôi yêu nhau thật lòng.

- Mẹ anh dạo này cũng toàn nói với anh về tư tưởng bầu cho chắc rồi mới cưới. Đó là một cách để tránh khi cưới rồi mà lại không thể có con.

- Ồ chắc mẹ anh cũng giục anh cưới rồi nhỉ? - Đông Hách bây giờ đã rửa xong bát đũa sạch sẽ. Câu hỏi của cậu bâng quơ, vu vơ là vậy nhưng lại khiến lòng Minh Hưởng như có tảng đá lớn đè nặng.

- Có giục, nhưng anh bảo anh chưa giải quyết được một số chuyện, nên có cưới ai cũng không toàn tâm toàn ý được cho người ấy. Tội người ta lắm. Mang tội cả anh nữa!

Minh Hưởng nói nửa đùa nửa thật. Anh thừa nhận bản thân thực sự chưa sẵn sàng tiến tới một mối quan hệ nghiêm túc với ai, chứ đừng nói là kết hôn. Nhưng lý do là một số chuyện kia, thực ra chỉ có một chuyện.

- Em thoát cảnh đó rồi. Bố mẹ em không giục em nữa.

Lý Đông Hách lau tay xong, quay sang nhìn Lý Minh Hưởng, nói hai câu chắc nịch. Cậu hất nhẹ cằm lên trên, như bản thân đạt được một chiến tích đáng tự hào, như đang muốn đối phương khen mình một câu, hỏi han mình một chút.

Lý Minh Hưởng không học truyền thông marketing để hiểu insight khách hàng là gì nhưng anh lại bắn trúng không chệch một li insight của đối tượng mục tiêu Lý Đông Hách.

- Ha ha, hay thế, anh nói như kia rồi mà mẹ anh vẫn nhắc khéo anh mấy lần. Bí quyết của em là gì vậy?

- Bí quyết của anh là gì vậy ạ? - 12 năm trước không phải Lý Minh Hưởng, mà chính Lý Đông Hách mới là người hỏi anh câu này.

Đây là buổi dạy kèm thứ hai của Lý Minh Hưởng. Hai người đã quyết định tiện học ở nhà ai thì sẽ qua nhà người đó học, địa điểm học không cần cố định chỉ một nơi. Lịch học cũng như vậy, miễn sao gặp nhau càng nhiều càng tốt. Bố mẹ hai nhà nghe chuyện đều ủng hộ hết lời, tuy Minh Hưởng kèm học Đông Hách, nhưng thực chất cả hai đều có thêm thời gian nghiền ngẫm sách vở, ít lêu lổng rong chơi bên ngoài.

Minh Hưởng tự nhận thấy trí nhớ của Đông Hách thực sự rất tốt. Từ mới tiếng Anh hay công thức Toán đều thuộc lòng sau một lần học và một lần làm bài tập. Chỉ riêng Ngữ Văn lại khá khó khăn. Anh luôn nghĩ một Đông Hách hay bày trò nghịch ngợm và đáp lời anh nhanh như chảo chớp không thể nào kém Ngữ Văn.

- Em vẽ bảng ra. Một cột là tác phẩm, cột bên là năm ra đời của tác phẩm, cột cuối cùng là hoàn cảnh sáng tác ứng với năm đó và kèm theo những dữ kiện gắn liền với tác giả. Hệ thống hóa kiến thức lại cũng là một cách để học.

- Anh vẽ bảng đó năm ngoái rồi đúng không ạ? Anh cho em mượn đi.

- Không nha mày. Khôn thế là cùng. Biết gì chưa? Một lần ghi cũng là một lần học. Anh chưa bắt mày vẽ 100 cái bảng ra là may mắn lắm cho mày rồi. Vì mày đã soạn hết văn năm nay nên anh lùi hạn cho mày xuống 1 hôm, coi như thưởng nhé. Ngày mai anh giảng toán. Ngày kia nộp bảng và anh sẽ kiểm tra 2 tác phẩm đầu. Nhớ lấy!

- Ôi thật ác mộng quá đi! - Đông Hách bắt đầu mè nheo. Tháng 7 cậu hừng hực khí thế bao nhiêu thì khi gặp Minh Hưởng cậu lại hoảng sợ bấy nhiêu. Minh Hưởng đúng là một người không có trình độ sư phạm.

- Bớt than lại. Hãy nhớ về những lời mày đã nói với anh trước khi chúng ta có buổi học này.

- Biết rồi ạ. Em sẽ nhớ cả giấy vẽ mục tiêu cuộc đời của mình nữa.

- Vẽ gì mục tiêu cuộc đời cơ? - Lý Minh Hưởng vừa dọn đồ, vừa nghe câu được câu mất. Anh nghĩ Đông Hách chắc mệt lắm rồi nên nói năng không còn tỉnh táo.

- Thôi thôi. Anh đi về đi. Mẹ anh sắp sang gọi rồi đó. - Đông Hách đánh trống lảng. Giờ mà kể ra thì bẽ mặt lắm. Lý Minh Hưởng sẽ bảo cậu là đồ ăn cắp chất xám.

- Ê bình tĩnh. - Lý Minh Hưởng chuẩn bị đóng cặp thì phát hiện ra một điều. - Anh chưa mua nhãn vở nữa. Mày còn không? Cho anh xin đi.

- Xin là xin thế nào? Em còn 2 tập nhãn vở lỡ mua thừa. Lấy bằng 1 buổi học đi.

- Hai tập nhãn vở mà đòi một buổi học? Mày có thấy mày đang bán rẻ tri thức không? - Lý Minh Hưởng không tin vào tai mình. Hai chân mày hải âu dí sát nhau trên mặt anh bày tỏ sự khó hiểu.

- Ơ, anh mới không thức thời. 2 tập nhãn vở của em đắt gấp đôi 1 gói bim bim đấy!

- À.

- À cái gì mà à. Thế có chốt không đây?

- Mày lại sắp sửa láo rồi đấy. Anh đây xin cảm ơn. Chốt là tính sang một buổi học nhé.

Thực ra, những người hay lời qua tiếng lại vì chuyện vặt vãnh lại là những người thoải mái với nhau nhất. Họ không nhún nhường, nghĩ gì nói đó. Quả thực, đâu phải gặp ai, ta cũng có thể nghĩ gì nói đó. Lý Minh Hưởng và Lý Đông Hách, lúc ấy, mới chỉ mười mấy tuổi nhưng lại hiểu được điều ấy, dần xác lập vị trí của đối phương trong lòng mình, luôn thầm dám chắc và đôi khi công khai, rằng bản thân sẽ không thể gặp được một người thứ hai như thế.

Mỗi buổi học kèm không chỉ dừng lại ở những băn khoăn của Đông Hách, những lần kiểm tra bài thở ngắn than dài của Minh Hưởng, mà còn nối tiếp với biết bao câu chuyện 'trời ơi đất hỡi' hai người gặp phải trên trường, trên lớp. Đông Hách tiếp tục vẽ lại bức tranh cấp hai đầy hoài niệm cho Minh Hưởng, còn Minh Hưởng lại tô đầy màu sắc cho trí tưởng tượng về ngôi trường cấp ba mơ ước cho Đông Hách. Cứ như vậy, 'thân thiết' không đủ để diễn tả mối quan hệ thăng cấp nhanh như điểm số của Lý Đông Hách này của hai người.

Phải dùng 'khăng khít'.

Đôi lúc, khăng khít quá lại gây nên nhiều đêm mất ngủ. Đêm mất ngủ đầu tiên của Lý Minh Hưởng sau khi 'khăng khít' với Lý Đông Hách chính là rạng sáng ngày 25 tháng 12. Lý do chỉ có một. Trước đó 5 tiếng đồng hồ, buổi học kèm diễn ra như mọi khi với khoảng giải lao sau mỗi bài tập khó.

- Anh Hưởng, anh không tin được đâu, hôm nay lớp em tổ chức Giáng sinh.

Lý Minh Hưởng đang khoanh nốt mấy câu trắc nghiệm tiếng Anh, không ngẩng đầu nhìn cậu mà chỉ ừ một tiếng nho nhỏ cho có. Lý Đông Hách mọi hôm sẽ đành hanh đòi anh chú ý đến mình, nhưng có vẻ Đông Hách không thể đợi thêm để kể chuyện này.

- Thì mọi chuyện chẳng có gì cho đến khi một đứa con trai lớp em bốc được số của một đứa con trai khác. Mặt đứa được tặng thì vui vẻ lắm, rồi nó bảo là nếu tặng cho đứa kia thì nó sẽ tặng thêm quà khác nữa. Em khó hiểu mới hỏi tại sao lại thế, chả giống luật trò chơi gì hết.

- Câu chuyện này mà kết lãng xẹt là anh đấm em đó. - Lý Minh Hưởng vì không chịu được âm lượng và tiết tấu kể chuyện quá nhanh của Lý Đông Hách mà đành phải dừng bút, chống cằm nghe cậu nói.

- Không phải drama tình ái đâu. Em chỉ muốn hỏi anh thôi. Tại vì khi em hỏi, đứa kia trả lời là vì bạn kia đáng yêu lắm, rất muốn tặng thêm bạn ấy quà. Em trích nguyên văn đó. Em thắc mắc là con trai cũng có thể khen con trai đáng yêu sao ạ? Trước đây em luôn nghĩ có thể. Nhưng chính tai nghe được lời đấy thì lại cảm thấy khó tin.

Lý Minh Hưởng, người tự nói thầm trong đầu không biết bao lần về sự đáng yêu của Lý Đông Hách sau khi cậu nghiêm túc học hành từ hè, giật mình nhẹ một cái.

- Đáng yêu nghĩa là gì? Em hãy nghĩ đơn giản là 'đáng được yêu', 'đáng để chúng ta yêu'. Đừng gắn nó với một giới tính hay hình mẫu cụ thể. Trai hay gái, lớn hay bé, thậm chí cả những người già, họ cũng có thể được người khác khen 'đáng yêu'. Và dù là trai hay gái, lớn hay bé, chúng ta đều có thể khen người khác 'đáng yêu'.

Lý Minh Hưởng lấy hết sự bình tĩnh và vốn Ngữ Văn của mình để giảng giải cho Lý Đông Hách. Đông Hách gật gù xem chừng đã hiểu, lại hỏi thêm anh một câu:

- Nhưng nếu xét góc độ lãng mạn, góc độ tình cảm, anh thấy con trai với con trai, có được không?

Không nhìn vào đôi mắt đen sâu của Đông Hách, Minh Hưởng chuyển qua nhìn xa xăm qua khung cửa sổ bên cạnh bàn học. Anh ngẫm nghĩ một lúc, anh nhớ lại lời của cô giáo dạy văn ở trường cấp ba, nói lại không sót chữ nào với Đông Hách.

- Con người đến với thế giới không được chọn trước bố mẹ, gia đình mình sẽ được sống và trưởng thành cùng. Giới tính cũng vậy. Trước khi chúng ta mở mắt cất tiếng khóc chào đời và trước khi chúng ta hiểu biết được cuộc đời này, không có ai đưa ra lựa chọn cho chúng ta rằng có thể chọn làm con trai hay làm con gái.

Ngừng một lúc, Minh Hưởng quay sang nhìn thẳng vào mắt Đông Hách.

- Và trong bao nhiêu con người đang có mặt trên đời với chúng ta, việc gặp được một người, thân thiết và yêu quý họ rất khó. Nên hãy cứ yêu quý họ thôi Hách à, anh nghĩ, con trai thì vẫn là người. Người với người, theo góc độ nào, cũng được cả.

- Em chẳng có bí quyết gì đâu. Em nói chuyện thẳng thắn với bố mẹ thôi, nói rằng em không thích con gái. Chỉ vậy thôi! 

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro