À ơi, hoa bay lên trời, cây chi ở lại

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mark - Hưởng

Donghyuck - Sáng

Chenle - Lạc

.

.

.

Một

"Anh không sợ ma à?"

Lần nào chạy xe qua hẻm nhà Hưởng, Lạc cũng hỏi một câu tương tự. Hưởng gật gù, lơ đãng nói:

"Họ bận phù hộ người nhà, không rảnh hù mình đâu em."

Nó vẫn hỏi, dù biết thừa anh sẽ trả lời thế. Nó chờ là chờ cử chỉ tiếp theo, lúc anh kéo tay nó vòng qua eo, dịu dàng dặn dò, "Mà em sợ thì ôm anh này". Con hẻm tối om om nằm kế bên nghĩa địa, Hưởng vừa giảm tốc để quẹo trái, vừa nhỏ tiếng an ủi "Không sao đâu, tới ngay" khi thấy thằng nhỏ đằng sau ngồi càng lúc càng sát.

Có mấy lần, Lạc cũng nghĩ đến chuyện cả gan nói toẹt, "Em ước đường dài mãi, để được ngồi sau, ôm anh hoài", nhưng lần lữa mãi, lại thôi.

Lạc không nhớ mình đã thương anh từ khi nào. Chắc là từ bữa học đầu, lúc anh vô địa phận nhà nó rồi mà cứ tưởng vẫn đang ở ngoài đường cái.

Đó là một chiều mưa bụi lất phất, từ đâu bước đến một anh gia sư, tay dắt con Cub hết xăng bước vào sân, vai đeo chiếc balo đen sờn thành một màu xám bẩn đã ướt nhẹp. Nó gọi anh vào mãi mà Hưởng cứ đứng tần ngần trong mưa chéo, đợi nó chạy ra sân năn nỉ, anh mới dám thú nhận, "Nhà đẹp quá, tui sợ làm dơ".

Đến giờ nó vẫn còn áy náy, sao hồi đó không chuyển bàn học xuống dãy phòng của mấy chị giúp việc cho anh đỡ mặc cảm. Đối với người khác, chắc nó đã ngúng nguẩy chửi "làm quá", nhưng nhìn vẻ thật thà của anh, nó không tài nào nặng lời được. Rồi bỗng một ngày, khi nó nghe tiếng anh thở bên tai thôi cũng đã thấy xao xuyến, Lạc choàng hiểu: Hóa ra, thứ tình cảm ngăn không cho nó nặng lời với anh không phải là "trò kính thầy", mà là "em mến anh".

Chính Lạc cũng trề môi khi nghe những chuyện trâm anh thế phiệt lại cảm mến chàng thư sinh nghèo. Vậy mà nó vẫn thương anh, muốn ở bên anh hoài, dù lắm bữa, anh không dám đi dép vào sân gạch nhà nó vì người ở chùi sạch đến soi được thay gương.

Chuyện mến thương dai dẳng đến độ đậu đại học rồi, nó vẫn tìm đủ cớ để anh tiếp tục ghé lại. Nó biết anh cần tiền, nhiều tiền. Nên khi nó ngỏ ý sẽ trả gấp đôi để được anh đèo sang nhà học, Hưởng đồng ý ngay tấp lự.

Xóm nhỏ đầy những ngôi nhà mà có để cổng mở toang thì ăn trộm cũng không thèm vào. Hưởng dừng lại trước cánh cổng thấp tè đã tróc hết lớp sơn xanh, cẩn thận chạy vô mảnh sân đầy những chậu cúc Tết người ta bỏ đi, giờ được tận dụng để trồng hành lá.

Lạc nhảy tót từ trên xe xuống. Nó còn muốn càu nhàu thêm chuyện Hưởng cứ hoài chưa đi thay nhớt xe, nhưng nghe tiếng loạt xoạt từ trong nhà òa ra, nó vội vàng nuốt ngược lại rồi treo lên nụ cười.

"Lạc đó hả em?"

Mãi thật nhiều năm về sau, khi có người gọi tên nó, Lạc vẫn vô thức so sánh với giọng nói cũ. Giọng nói mềm ẩm như xôi nếp mới, tiếng cười khúc khích như những sợi khói nhỏ bốc lên, chỉ nghe thôi là đã ấm từ trong ra ngoài.

Người ấy đứng ở cửa, tựa đầu vào song chắn. Chiếc mũ lông đội thấp không che được đôi mắt lúc nào cũng như loang loáng nước, Lạc nhào tới ôm, dụi đầu vào lòng:

"Dạ, em nè Sáng ơi!"

.

.

.

Hai

Lần duy nhất Hưởng lớn tiếng với Sáng là khi cậu nói với Lạc.

"Ừ, bọn anh là anh em. Anh em ruột, ba mẹ Lý đẻ ra."

Lạc vẫn là đứa con nít, và còn là một đứa con nít giàu có. Nó nghe phát là tin ngay câu chuyện nhân văn giữa đời thường, về anh trai nai lưng ra nuôi đứa em bệnh tật. Sáng nói tỉnh bơ, dửng dưng như kể chuyện của ai, không phải của mình. Hưởng chỉ biết ngồi chết trân, nhìn Lạc khóc trong lòng Sáng như thể nó mới là người bất hạnh ở đây.

Lạc về rồi, Sáng vẫn không ư hử gì với Hưởng. Mãi khuya, anh mới kéo cậu lại ngồi lên giường, hai đứa nhìn ra cánh cổng xác xơ mọc um tùm cỏ dại. Hưởng bảo:

"Em nói dối để chi?"

Hoặc chỉ có Hưởng nhìn về cánh cửa. Sáng vẫn âu yếm dõi mắt về chậu hành lá, thủ thỉ như kể chuyện cổ tích:

"Anh thấy cây hành lá kia không? Sau này em đi rồi, anh đem nó ra vùng đất rộng trồng để nó lớn thành cổ thụ nhé!"

Sáng biết Hưởng vẫn hi vọng Sáng sẽ quay trở lại viện. Nhưng cậu thấy ở nhà, cậu mới khỏe mạnh. Mới được trồng hành lá, quét nhà, nghe đài, đọc báo. Hưởng cũng không còn phải chạy đôn chạy đáo, đi làm về chí ít cũng có bát cơm nóng bỏ vào bụng. Sáng đau, nhưng nỗi đau thân thể này không xá gì với nỗi đau trong lòng khi nhìn Hưởng khúm núm trước tờ hóa đơn bệnh viện.

"Em là cái chậu cũ, rồi một ngày cũng phải bỏ đi." Sáng nói, thư thái, thong thả. "Kỷ niệm đến mấy thì cũng là thứ đã cạn kiệt sự sống. Anh là thứ còn sống, em yêu anh thế, sao ích kỷ bắt anh sống mòn được?"

.

.

.

Ba

Đáng ra họ đã không khổ.

Hồi trước lúc còn xạ trị, Sáng hay than yêu với Hưởng thế. Giá mà một trong hai đứa là con gái, chắc Hưởng và Sáng đã không túng quẫn đến cảnh bỏ chạy để được ở bên nhau.

Hưởng thường nói, nếu vậy, anh muốn được làm đàn bà. Làm đàn bà để Sáng không phải chịu những cái đau riêng của đàn bà. Mà không chỉ riêng cái đau quy định bởi giới, nếu được, anh ước gì mình có thể chịu thay Sáng mọi khổ đau trên đời. Mỗi lần anh nói vậy, Sáng chỉ bảo, may quá, ở kiếp này, em tự đau phần em.

Đó là điều ước Sáng nói trước mặt Hưởng. Còn khi ở một mình, khi chỉ còn lại mình với ta, Sáng ước gì Hưởng chưa từng yêu Sáng. Hoặc tốt hơn là đừng biết, đừng quen, để mất công thương với nhớ. Xuất phát điểm của anh không cao, nhưng chí ít ra, anh vẫn có gia đình làm điểm tựa. Nếu chưa từng biết Sáng, ít ra, anh sẽ có thể ngẩng mặt nhìn đời.

Bây giờ Sáng không còn nhiều thời gian nữa. Dù cậu có cười tươi cách mấy thì sự thật vẫn thế: Khối u đã di căn tới não. Gương mặt yêu kiều ngày xưa giờ méo mó, mũi chảy máu, lỗ tai chảy mủ xanh. Hưởng sợ soi gương trước cả khi Sáng kịp tự thấy ghê tởm ngoại hình mới của mình. Anh không chịu nổi cảnh người yêu nhận ra mình không còn là mình nữa rồi. Nhìn cái sàn nhà sáng bóng ở chỗ Lạc, anh chỉ muốn ngồi luôn xuống đó mà khóc.

Dạo này, Sáng xin Hưởng chở đi chơi nhiều. Cậu muốn nhìn thành phố, nhìn xe cộ, nhìn trẻ em. Nhìn người ta chửi nhau, mạt sát nhau. khạt nhổ. Nhìn những đôi bạn trẻ đồng giới may mắn hơn họ. Nhìn những thứ còn sống, để lỡ sau này đi rồi, cậu cũng không tiếc mình nhìn chưa đủ, ngắm chưa lâu.

Lúc đi qua khu nghĩa địa, Sáng nói Hưởng chạy chậm lại. Sáng biết nhiều đêm anh khóc giấu, vì không lo nổi 1 miếng đất chôn cho mình. Nhìn hoàng hôn đỏ ối đang đốt cháy vùng trời, tự nhiên Sáng nổi lên một ý:

"Mai này em đi, anh cho em về với bụi nhé. Rồi lựa một chiều nhiều gió, em muốn tung bay trên đồng."

Nếu có kiếp sau, Sáng ước mình được làm hoa. Tốt nhất là loài hoa dại, không có danh pháp khoa học lại càng hay.

.

.

.

Bốn

Giáo sư trên trường khen Hưởng. Thầy khen anh toàn năng, rồi chọc anh "Chắc không gì mà thằng này không làm được". Bữa đó chạy xe chở Lạc qua nhà học, anh phải dừng lại giữa đường, vờ chạy vô nhà vệ sinh của quán cà phê để khóc. Khóc đúng 1 phút rồi rửa mặt đi ra, lại chở Lạc đến nhà, lại dạy học.

Toàn năng cái gì, mà đến người mình yêu nhất cũng không giữ được.

Sáng nhạy cảm lắm. Sáng biết anh sợ cảnh cậu nằm im bất động, nên nhiều lúc cậu không dám ngủ trước lúc anh về. Tới cái nhỏ xíu vậy mà còn biết, làm sao Sáng không biết tình cảm của Lạc?

Bữa đó, Sáng giữ Lạc lại ăn cơm. Giữa bữa ăn, tự nhiên cậu hỏi:

"Lạc thấy anh hai của anh sao?"

Thằng nhỏ đỏ mặt. Sáng cười, nụ cười sáng hơn cả trăng rằm trung thu:

"Anh sắp phải đi rồi. Anh hai Hưởng anh để lại cho Lạc thương nhé."

Đau đớn làm Sáng khó ngủ dữ lắm. Đêm nào, cậu cũng phải lén nhét 1, 2 viên vô miệng cho qua cơn, dễ chìm vào giấc ngủ. Tự nhiên giao kèo với Lạc xong làm cậu thanh thản vô cùng.

Tối đó, sau khi làm điều mà cậu cho là đúng, Sáng ôm Hưởng vào lòng. Người anh ấm như ngọn lửa. Sáng thương anh vô cùng.

"Lạc ngoan lắm anh. Em thấy ba mẹ nhà bên cũng dễ."

"Thôi, Sáng!"

"Hoặc là về nhà anh nhé. Không có em về theo, ba mẹ vẫn sẽ thương anh như ngày đầu thôi."

"Ngủ đi em."

Phải lâu lắm rồi, Sáng mới thấy cay mắt. Cậu hỏi, trước khi mi mắt cụp xuống:

"Hưởng nói yêu em đi Hưởng."

"Anh yêu em suốt đời."

Bây giờ thì Sáng yên tâm ngủ rồi. Ngủ bao lâu cũng được. Ngủ một giấc muôn đời.

.

.

.

Năm

Cổ tích thì nên đẹp và ngắn. Để kể nhanh rồi còn đi ngủ, và để khi tỉnh giấc, thứ hậu vị còn lại là ngọt ngào.

Lạc không biết sao nó biết nữa. Nhưng nhìn cái cách Hưởng vốn cứng cỏi khóc như chết đi sống lại trong ngày đưa tang, tự nhiên nó hiểu. Đến cái họ cũng chung. Chắc ông trời khiến Hưởng mang tang chồng mình suốt đời.

Nếu có một ngày bạn nhìn thấy loài hoa lạ trong gió, hãy gọi cho Hưởng. Để anh báo tin rằng, lời hẹn trồng cây hành cổ thụ, anh sắp làm được rồi, Sáng ơi.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro