gió lòng

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng


sóng bắt đầu từ gió
gió bắt đầu từ:

viết bởi; SFRKINBAD
của; MARKHYUCK
oneshot; 16334w
06042022.

note;

[in nghiêng trong ngoặc này là lời trong sách]

"in nghiêng trong đây là lời trong thư"

xin chào, lại là mình, sfrkinbad.

ý tưởng truyện thuộc về chính chủ ©hivernia, mình chỉ là người dựa trên ý tưởng này để khai thác và triển khai thêm thôi. cảm ơn bồ vì đã tin tưởng giao phó plot này cho mình. 

để mình kể cho bồ nghe về thời gian mình viết câu chuyện này. thường thì với khối lượng chữ cỡ vầy chỉ cần mình thật sự muốn, có cảm hứng và có đủ một ngày rảnh rỗi thì mình sẽ xong nó thôi, nhưng không biết mình kể chưa, mình vừa mê mà cũng vừa sợ việt văn lắm.

thật ra không có khái niệm nào cụ thể cho lối văn phong thuần việt. mình từng đọc một bình luận rất ưng rằng chỉ cần bạn viết theo cách của bạn, không lậm bất cứ văn phong nước ngoài nào khác thì đã là việt văn rồi. mình thấy ưng nhưng lại có một cách nhìn cho câu hỏi "việt văn là viết như nào?"

khó lắm, với mình thì mình ngưỡng mộ ai viết được việt văn với lối văn phong đọc cái là thấy việt, thấy phố phường quận hẻm. nhất là những ai viết về thời chiến, mốc thời gian cụ thể và đi sâu vào lịch sử. với lịch sử, chỉ cần không cẩn thận, bạn sẽ đi sai ngay. nên mình thích mà không dám viết là vậy.

"gió lộng" có khoảng thời gian cụ thể nhưng không dám đi sâu vì thời đại mình nằm ở đây, năm 2022, không phải những năm kháng chiến nên mình không dám tiến sâu để rồi lỡ làng.

gió lộng ngắn hơn nanh tơ nhưng mình chỉ cần mười mấy tiếng tất cả để viết xong nanh tơ, nhưng viết gió lộng mình mất 3 ngày - nghỉ vài ngày chạy bài - lại tiếp tục viết thêm 2 ngày nữa. với mình gió lộng rất đô con = )))) nghĩ cái tên truyện thôi cũng khiến mình đau đầu.

mình không biết câu chuyện này có hợp lý với plot hivernia đưa không, nhưng ít ra mình mong mình không phá hỏng nó. plot thật sự rất hay, viết gần xong rồi thì mình nghĩ sang một hướng khác bi hơn, đó là hưởng trở về sau chiến tranh và bị mù- trong khi niềm khao khát của anh là được thấy mặt đông hách, thì khi gặp lại, anh không thể làm được điều đó nữa. nó như kiểu anh mãi mãi ở trong quá khứ dù vẫn sống và vẫn già đi vậy. vở kịch "kẻ khốn cùng" sẽ vận vào đời anh một cách nghiệt ngã và đắng cay hơn nhiều lần, nhưng dé, tại mình viết gần xong rồi nên không bẻ cua được... và nó cứ nhẫn tâm quá, mình thì không nỡ...

dù sao thì, đây là một món quà mình ăn mừng cùng một ngàn người theo dõi - cột mốc mà khi mình lập ra sfrkinbad, mình thậm chí còn chẳng hề nghĩ đến.

cảm ơn mọi người vì đã đến đây, ở lại, ủng hộ mình. mình chạy bài, nhìn số người theo dõi tăng mà cứ sợ không xong kịp quà. cảm ơn mọi người rất nhiều, vì mọi người đã cho mình cơ hội viết gió lộng - một bước tiến mới trên con đường viết fic của mình.

hãy thật khỏe mạnh, hạnh phúc, yêu thương bản thân và markhyuck thật nhiều nhé.

cảm ơn mọi người lần nữa.






































Nghe trời gió lộng mà thương.

[Tôi đón trời bằng một màu âm u ảm đạm của khói sương không biết là do tự nhiên hay từ những cái chết quánh đặc choán lấy bầu trời. Chúng tôi không dám thiêu xác vì sợ khói sẽ động địch, chúng tôi chỉ có thể nín nhịn chôn đồng đội vào một cái hố sâu, cái hố được đào trong đêm khuya thanh vắng cùng nặng nề thứ cảm xúc ngổn ngang khó chịu. Những cái xác chất chồng lên nhau, máu đã khô trên những làn da sạm màu. Chúng tôi vuốt xuống mấy đôi mắt vẫn chưa kịp nhắm, cố gắng lần tìm mạch đập ở cổ tay dù biết nó vô vọng. Chúng tôi thì thầm câu giã từ rồi thả họ xuống lòng đất mẹ. Đất nước đã đón chúng tôi chào đời và cưu mang chúng tôi đến tận giờ phút này, vì thế đây là cách chúng tôi đáp lại ân tình đó. Dẫu nó không sờ nắm được, chúng tôi vẫn thấy đầy tràn một tình yêu lớn lao với vòm trời trên đầu, với quần đảo ngoài sa, với mảnh đất dưới chân, với đồi vịnh tít tắp và với thung lũng phía trước. Tôi không được dạy rằng phải tận hiến mạng sống của mình nhưng tôi nhận thức được điều này. Đó là lý do mà tôi nghe theo tiếng gọi, vác ba lô lên đường ngay khi tôi vừa tròn mười tám.]

Tròn mười tám, Hưởng chỉ có gia đình, mạng sống và một mối tình trước khi tham gia chiến đấu vì mặt trận Tổ quốc.

Mối tình của Hưởng bắt đầu vào lúc cả hai nhận thức được việc ở cạnh nhau là điều mà cả hai đều mong chờ từng ngày, từng giờ, từng phút và từng giây. Mỗi khoảnh khắc đi qua khi mặt trời thức dậy rồi khi mặt trời lặn xuống, Hưởng đều cảm thấy chúng quý giá dẫu cho hoàn cảnh bấy giờ khốn đốn vô cùng. Cơm không đủ ăn, có những ngày phải nhịn đói, cậu bé đi cùng thủa bé thơ của Hưởng sẽ trốn mẹ để mang sang cho anh một bát cơm trắng. Cơm trắng thời đó quý hơn vàng, Hưởng thấy vậy. Bát cơm nóng hổi, thơm mùi gạo từ công sức của những người làm nông. Mồ hôi của con người và của đất trời thấm nhuần vào từng hạt cơm trong bát, Hưởng chỉ ăn cơm thôi mà vẫn thấy hạnh phúc cực kì.

"Anh gầy quá."

Em bảo với Hưởng. Em nhỏ hơn Hưởng một tuổi nhưng đôi lúc cứ cằn nhằn như thể lớn hơn anh cả đôi mươi. Em lo cho sức khỏe và vóc dáng của Hưởng hơn cả chính anh, bởi thời đó vóc dáng cũng là cái gì đó để đọ sức với đám con trai quanh làng. Nhà em khá giả hơn Hưởng một chút, anh vẫn luôn thấy may mắn khi hai đứa không bị cấm cản chơi với nhau. Sự dịu dàng của em đã có từ mùa xuân đầu tiên hai đứa đón cùng nhau. Tết điểm màu trên từng ngõ ngách của đất nước, trong lúc từng ngõ ngách đó vẫn ngập ngụa trong bom đạn, em đã đến bên và cười hiền hòa với Hưởng. Nụ cười của em cho Hưởng cảm giác yên bình và đầy tận hưởng vì được sinh ra ở chốn này, được gọi đất mẹ bằng hai tiếng quê hương, được ngắm nắng Sài Gòn buông mình trên phố phường, và được nghe ai đó ca rong về những cơn mưa miền Bắc đổ về trên bãi bồi sông Hồng.

"Anh vẫn khỏe mạnh mà."

Hưởng đưa tay lên, anh cố nặn ra chút cơ bắp trên cánh tay gầy guộc.

Em bật cười, đánh vào tay anh.

"Thôi đi, trông chẳng ra làm sao!"

Hưởng cười xòa. Anh vót vỏ một thân mía dài bằng cẳng chân, dùng răng cắn mạnh một cái rồi nhai nghiền nó, vị ngọt của mía tan trong miệng. Nhả bả mía nát nhừ ra cái bát mẻ màu nâu sẫm mình yêu thích, Hưởng hỏi em.

"Này, nếu anh đi lính, em có đợi anh không?"

Hưởng thấy em khựng lại. Đôi mắt sáng ngần của em chợt sa sầm như mây đen giăng kín trời, em im lặng cúi đầu vò vạt áo mình. Mãi không thấy em trả lời, Hưởng nghĩ em không thích nên không nhắc lại nữa.

Nhưng mà anh vẫn đi.

Hưởng đi vào lúc trời chỉ mới nhập nhoạng chút ánh sáng sau một đêm dài, sau khi anh thức trắng cùng người bạn đã lớn lên cùng anh. Đôi chân chỉ đi độc một đôi dép tưởng chừng có thể đứt quai bất cứ lúc nào, cổ họng khô đắng vì nghẹn ngào mắc kẹt nơi ấy, anh không dám nói bất kì điều gì về suy nghĩ luyến lưu của mình bấy giờ vì anh sợ anh sẽ không nỡ đi nữa. Nhưng cái nắm tay đã thay thế cho những lời luyến lưu. Đôi bàn tay nắm chặt, ghì chặt lấy nhau đến nỗi hằn lên vài đường vì người kia vô thức cắm móng tay vào tay anh. Thế mà Hưởng lại chẳng thấy đau. Có lẽ đau lòng đã dìm chết cơn đau xác thịt nhỏ bé ấy, và kìa sầu thương vương trên đuôi mắt như ánh hoàng hôn già nua rũ rượi trượt dần xuống chân trời, bị sấy khô rồi ép nằm lịm đi dưới lằn đêm buồn bã của người đối diện chỉ khiến đôi chân anh như lún sâu vào đất. Anh thấy mình chơi vơi giữa việc đi và ở, nhưng nỗi quyết tâm của anh trỗi dậy khi anh nghe người nọ bảo rằng sẽ đợi anh về.

Hồi mới đi Hưởng gầy gò, dáng người còm nhom như bị một cái chết lang thang trong thân xác. Cái đói nghèo nghiền nát sức sống thuở thiếu niên, trong lồng ngực phập phồng chỉ có một trái tim co bóp vì những thao thức tình đầu và mong ước không bỏ mạng ở chốn rừng thiêng nước độc. Thời ấy, Hưởng biết có vô vàn cái chết rã ra dưới mưa bom bão đạn, phanh thây, trào óc, hôi rình lạc trong bùn lầy nhơ nhớp, hòa lẫn với đống chất nhầy đến từ mưa, máu, bùn và xác phân hủy. Bầu không khí ngập trong mớ mùi ươn thối, khiến khứu giác chỉ muốn chết lặng đi, cùng những khuôn miệng cứ há ra rồi ngậm lại nhằm đớp vội mấy ngụm không khí dường như nồng nặc đến nỗi tới lưỡi cũng cảm nhận được. Ra đi có tên có tuổi, có người trông kẻ chờ, thế mà khi chết ở một nơi xa xôi và mất đi dưới hình dạng không còn hình hài, người lính ấy lại chẳng còn ai để thương xót mình. Cái tên không được khắc ghi, linh hồn phiêu bạt không chốn nương thân, máu rỉ xuống đất mà không biết gốc gác từ đâu, đầu bét nhè dưới một gốc cây hay thân mục nát làm phân bón cho đám cỏ dại, Hưởng không muốn mình chết vô danh như thế. Khao khát lớn lao nhất trong đời Hưởng là được sống, được trở về. Hưởng không cần rạng danh, Hưởng chỉ cần được trở về mà thôi.

Hoạt động trong trung đoàn khiến cho anh nhận lấy nỗi mất mát nhiều như tiếng đạn nã bên tai và tiếng bom dội trên đầu - trên mái hầm chắc nịch mà trung đoàn ngày đêm xây dựng. Mỗi ngày, Hưởng thức dậy với số người giảm dần và đi ngủ khi đồng đội đã nằm lại ở bãi đất nào đó phía sau lưng chặng đường dài. Ngày trôi qua cùng những con số không bao giờ có cơ hội được cố định lấy một lần. Mặt trời lên cao chót vót, cái nắng buông xõa trên triền núi nhưng không với được tới hang hóc của từng tiểu đội. Nơi cư trú u ám như dựng nhà trong sương mù mìn mịt, Hưởng không biết tương lai mình ra sao, hay vài giây sắp tới có còn được nghĩ đến tương lai không. Ra trận là đầu óc chẳng kịp nghĩ gì, chỉ biết nương theo đồng đội để đánh, theo những trận tập dợt hay điều lệnh của chỉ huy. Những cuộc vui hòa tan trong hơi thở nặng nhọc, mồ hôi bệt trên trán, mắt mũi cay xè, ngực run rẩy, tay chân tê dại nhưng vẫn phải vững vàng. Đồi núi trập trùng, dốc thoải, thân cây con nghiêng nghiêng theo những âm thanh rền vang thành gió, Hưởng ôm chặt thân súng trong tay, chân dợm bước cẩn thận để không đạp trúng mìn, trong khi mọi giác quan căng lên như mấy vết bỏng phồng rộp ứa nước.

Có những đêm nằm đung đưa trên võng, hồi hộp không ngủ được vì mai phải di chuyển từ sớm, Hưởng gác tay sau gáy, liếc mắt về phía mặt trăng bị khuất nửa dạng sau hàng cây cao. Tiếng rừng cây hòa tấu cùng tiếng gió xiết ré trong đêm đầy ma mị, như tấu lên khúc hành quân quỷ dị dọa người. Hưởng từng nghe đồng đội kể nhiều về những bóng ma luẩn quẩn xung quanh nơi họ canh gác, chúng cứ lượn lờ, thấp thoáng, lúc trắng lúc đen, lúc xa lúc cận, không biết là mơ hay thực, chỉ biết gai ốc nổi rần trên da thịt, và không khí xung quanh lạnh lẽo đi qua cả mấy vết muỗi đốt trên cổ chân. Hưởng thì chưa gặp, nhưng anh tin. Xung quanh anh, cứ bước vài bước là lại có một cái chết oan uổng đổ rầm xuống. Những cái chết không được chôn cất tử tế, những cái chết bất thình lình, mới tươi cười đây mà ngay giây sau đã nát tan không còn nguyên vẹn. Những cái chết tang tóc thương đau đó, chưa bao giờ là những cái chết có thể dễ dàng siêu thoát.

Vậy nên anh tin, anh hằng tin rằng đôi khi, những người đồng đội cũ vẫn ở đâu đó bên anh, thậm chí là sát cánh cùng anh cho đến khi anh tận mạng. Họ báo mộng cho anh trong những giấc chiêm bao chập chờn, chớp nhoáng như ánh lửa le lói mà chỉ huy trung đoàn đốt lên giữa đêm mù khơi. Giữa những thân ảnh mà Hưởng khắc ghi vào trí nhớ, có một dáng hình bước ra từ làn quá khứ, từ những năm tháng cả hai vẫn còn bên cạnh nhau như thể sẽ không có bất kì cuộc chia ly nào. Dáng hình làm anh rung động mỗi lần đốt đèn lên, mỗi lần anh bị muỗi đốt trên cổ, vết cắn làm anh ngứa ngáy, Hưởng đốt nhang muỗi mà lòng cứ rạo rực nhớ về người đó. Chẳng hiểu tại sao, khi những hoạt động thường ngày cứ đưa anh vào những ám ảnh triền miền. Dần dà, ngay cả lúc cúi đầu bước ra khỏi hầm trú để tiến đến những dẫy hào tiếp cận, điều đầu tiên Hưởng nhớ về không phải là dợt lại các điều cần nhớ hay kiểm tra vũ khí trên tay mình, mà là nụ cười đẹp như ngày Giải phóng, rực rỡ như lá cờ đỏ tung bay vào một ngày nào đó. Ngày mà anh chắc chắn sẽ thành, ngày mà anh hằng ước ao mình còn tồn tại để được chứng kiến, ngày mà anh chưa gặp đã làm anh nhung nhớ, ngày mà tiếng hô vang lớn hơn bao giờ hết, tự do được tháo xích dưới bầu trời Tổ quốc. Ngày mà anh được gặp người anh thương.

Thế mà chiến tranh lần nữa nhẫn tâm chia cắt. Hết chia cắt hai miền đất nước, giờ lại chia cắt lứa đôi vốn tưởng chừng sẽ lại được chung đường.

Ngày Hưởng đem vinh quang trở về, ngày mà nóc dinh Độc Lập phất cao công sức của những người lính đã khổ lực chiến đấu, ngày Hưởng mang một trái tim trong sáng về tìm người anh thương, bóng dáng ấy đã chẳng còn ở đây nữa.

Hưởng như chết lặng.

Anh vượt qua những ngày bão giông dài như hàng vạn thiên niên kỉ, vượt qua biết bao nhiêu trở ngại khó khăn, gắng gượng sống sót được chứng minh bằng vô số vết sẹo rải dài khắp thân thể, vậy mà ngày anh trở về, người anh mong mỏi được thấy nhất lại biến mất như chưa từng xuất hiện.

Cái tên của những người được khai sinh trong lúc đất nước chiến tranh mong manh như tà khói chênh vênh trước gió. Bởi lẽ trong tất cả tháng ngày được sống trên đời, họ chẳng biết lúc nào cái tên của mình đột ngột được khắc lên bia mộ. Mà đó vẫn là điều may mắn. Có những cái tên bỗng chốc trở thành vô danh, chỉ còn lầm lũi trong lẻ tẻ kí ức của vài người. Rồi thời gian sượt qua như cách những vết thương cứa lên da thịt, những cái tên sẽ dần phai mờ như dấu chân trên cát bị biển xô xát cuốn theo trùng dương. Hưởng từng sợ cái tên của mình sẽ phai phôi trong tâm trí người tình, nhưng giờ khi anh quay lại vùng đất vẫn là hiện thân cho thuở ấu thơ, anh lại chẳng còn được nghe cái tên mình vang lên từ người ấy thêm một lần nào nữa. Điều đớn đau nhất xẻ đôi tim anh là anh không biết người còn sống hay người đã qua, anh không biết người ấy giờ thế nào, có còn giữ nét hồn nhiên như những ngày xưa cũ hay không, hay giờ người đượm buồn như con cá nhìn đại dương của mình lâm vào hạn hán, như cỏ cây nhìn mái rừng bị lửa đốt trụi, như bầu trời chẳng còn được tỏa màu xanh. Cái thâm xám lạnh lùng phong tỏa lấy tim anh, làm cả người anh toát mồ hôi, tay chân run rẩy giống hồi mới tập cầm súng. Nhưng anh còn sợ hãi hơn cả lúc chân anh giẫm lên mìn.

Hưởng không biết cách nào để dò la tung tích hay tìm kiếm người thương. Những cái tên quen thuộc sau ngày Giải phóng cứ dần trở nên xa lạ và bị vùi vào miền quá khứ. Chiến thắng nở rộ trên mọi miền Tổ quốc, nhưng tình yêu của anh cứ thế héo rụi tựa một bông hoa đã tàn. Anh đem một cơ thể sống tìm lấy sự hàn gắn cho một linh hồn chết bằng cách bộc bạch câu chữ qua những nét mực xiên xiên trên giấy. Hưởng trở thành nhà văn sau khi kết thúc chặng đường chinh chiến của mình. Anh không nổi tiếng nhưng danh tiếng vẫn đủ để nhà xuất bản chấp nhận tên anh trên báo của họ. Độc giả của anh không nhiều, tuy nhiên thi thoảng anh vẫn thấy có thư đến cho mình. Bức thư luôn là một trang giấy ngả màu thời gian, giấy mỏng, vết mực đọng thấm qua cả mặt sau, nét chữ trau chuốt cẩn thận trên nền giấy, thẳng tắp và không bị nhòe dù chỉ một nét. Người đó dường như đặt hết tâm tình vào mỗi dòng thư từ. Mùa hè đầu tiên Hưởng biết mình có thư từ độc giả, anh cứ ngỡ mình là cánh chim chao nghiêng vào ngày Giải phóng.

Theo niềm tin vững chãi của anh, không có một cánh chim nào mạnh mẽ như cánh chim được tung bay quanh nóc dinh Độc Lập.

"Sao cậu lại thích đọc sách của tôi?"

Hưởng từng mớm hỏi độc giả ẩn danh của mình như thế. Thú thật, Hưởng ghét những thứ đến từ một người không tên. Sự mơ hồ về tên tuổi làm anh đau đáu một nỗi rầu rĩ. Nỗi rầu rĩ nối dài bằng rất nhiều cái tên từng băng qua đời anh mà anh biết rằng ngoại trừ anh, họ sẽ chẳng còn được nhớ thương ở bất kì một chốn nào khác. Anh muốn biết tên người ta nhưng anh không gợi hỏi, bởi anh biết người ta nào muốn khai ra tên thật của mình. Sự thoải mái sẽ biến mất một khi cái tên hữu hình trên trang giấy, và nhiều khi anh sẽ mất đi một độc giả quan tâm đến câu chuyện của anh như một người bạn, một người tri kỉ ngàn năm.

"Vì nó có hồn."

Hưởng thấy xúc động ngay từ câu đầu tiên trong đoạn thư người đó trả lời anh. Lâu lắm rồi anh mới thấy hồn mình lại trĩu nặng nhiều cảm xúc đến thế. Từ ngày trở về, cảm xúc của anh cứ bình bình như cách anh sống qua ngày. Thứ duy nhất mang cho anh nhiều phản ứng là từ chính những câu chuyện anh tái hiện qua nét mực trên giấy. Anh lao đao vì nó, lao đao mỗi lần hồi tưởng lại những hình ảnh cũ trong đầu. Tiếng bom quẫy đạp trong tâm trí, tiếng đạn bay với vận tốc đáng kinh ngạc rồi găm thẳng vào vai, tiếng đồng đội thét gào vì bị tra tấn mà anh không làm gì được. Tiếng thề thốt một lòng trung thành với Tổ quốc, tiếng cười đùa giòn tan vào mấy đêm hiếm hoi mới yên tĩnh lấy một đợt, tiếng muỗi vo ve bên tai, tiếng dế kêu như thức tỉnh, tiếng thời gian lạo xạo qua đi trên những tàn tích ngày một sẫm màu dần trên da, tiếng trái tim đập thình thịnh vì chung quanh quá tịch mịch, tiếng tháo lắp súng, tiếng chỉ huy hạ lệnh, tiếng bước chân đạp lên mớ lá khô, tiếng gió rít lạnh qua cổ áo, tiếng quằn quại phải lặng câm trong miệng mỗi khi phải chữa thương, và vô tận âm thanh khác đi qua trong cuộc đời, Hưởng viết mà cứ như dắt tay người đọc trở lại ngày tháng ấy cùng mình.

"Anh kể về những câu chuyện thời còn đi lính, đó vô tình lại là những câu chuyện mà tôi luôn ngóng trông."

Đó vô tình lại là những câu chuyện mà tôi luôn ngóng trông. Trên cõi trần này có bao nhiêu câu chuyện khiến người khác ngóng trông mà lại trùng hợp với tâm sự của một người nào đó? Cả hai chưa từng gặp nhau, không biết danh tánh thật sự của nhau. Độc giả gọi anh bằng cái tên Minh - anh không lấy tên thật mà lấy tên đệm làm nghệ danh của mình. Hưởng có đặt chút nguyện ước vào nghệ danh ấy. Anh mong sau này khi mình già đi, khi mái đầu đã bạc phai như tháng ngày sẽ không bao giờ trở lại, khi mắt kèm nhèm và khi những vết thương túa ra nỗi đau vào lúc cái lạnh rơi rụng trên mảnh đất này, anh chỉ mong mình sẽ vẫn còn minh mẫn để nhớ về con người ấy, về nụ cười, về ánh mắt, về đôi môi, về hơi ấm, về tiếng nói và về cái tên ấy. Hưởng chấp nhận mọi bệnh tật, chấp nhận ra đi vì tai nạn hay chấp nhận mình khốn khổ trong cái đói nghèo của thời non trẻ, nhưng anh không cho phép bản thân quên đi người mà anh hằng yêu thương nhất.

Gia đình anh chết trong chiến tranh, Hưởng nghe tin lúc còn đang ẩn nấp ở một vùng hẻo lánh hoang dại. Anh đau nhưng thậm chí còn không dám phát ra tiếng sụt sùi. Nước mắt ứa trên mi, tia máu hằn lên như dây gai quấn chặt vào tim, mắt đỏ dần và môi miệng dần đắng ngắt. Anh khóc trong nỗi uất nghẹn, đắng cay và chịu đựng. Từ thời điểm đó, mục tiêu của anh là bảo vệ cho được Tổ quốc và mảnh đất của người anh thương. Với hai mục tiêu đó, anh đã hoàn thành được mục tiêu đầu. Còn ở mục tiêu sau, anh không biết. Anh vô định và mơ hồ. Anh không biết. Anh hận mình vì anh không biết.

"Tôi yêu một người lính."

Cảm giác như đang trò chuyện cùng người mình thương. Cả hai trái tim luôn chộn rộn vì một người. Độc giả của anh chộn rộn vì một người lính, Hưởng cũng đã từng là một người lính. Trái tim anh chộn rộn vì một người, người đó cũng yêu anh khi anh còn dại khờ, khi anh còn là một đứa trẻ. Người đó vẫn yêu anh khi anh chính thức vác lên vai vận mệnh và trách nhiệm bảo vệ đất mẹ. Sau này, không rõ người đó còn yêu anh không hay còn sống để yêu anh không, dòng thư gửi đó vẫn khiến khóe mắt anh nóng rần. Anh khóc, dòng lệ lăn dài trên má như cách giọt mưa thườn thượt trên ô cửa sổ. Mặt kính mờ đi, tiêu cự trong mắt Minh Hưởng cũng nhạt dần.

"Ngày nào tôi cũng mở đài nghe tin nhưng cứ hoài bặt âm vô tín."

Từng lời từng chữ như đánh động vào tâm can anh. Cả người Hưởng run lên, bởi anh thấu hiểu nỗi thống khổ và sự tuyệt vọng này. Thấu hiểu từng li, thấu tận từng tí.

[Lần đầu tiên tận mắt nhìn thấy đồng đội banh xác trước mặt mình, máu thịt bắn ra khắp nơi, bắn cả lên mặt mũi mình, tôi bàng hoàng đến nỗi tưởng như mình đang âm thầm từ biệt chính mình. Tôi lặng người, câm nín như thể đã bị tước đoạt quyền được cất tiếng hay nấc nghẹn. Tôi trợn tròn mắt, để đồng đội khác lôi vào một chỗ nấp. Tiếng bom đạn vẫn rần rật ngoài kia, gần kề, ngay sát, váng đầu, dồn dập không ngơi nghỉ. Vị máu của đồng đội chảy vào môi, lẫn với nước bọt, tôi vô thức nuốt ực một cái mà cảm giác buồn nôn rờn rợn trong người. Tôi cố nhịn xuống nhưng nước mắt trào dâng. Tôi không muốn khóc, không muốn làm sự yếu đuối ảnh hưởng đến cảm xúc của những người xung quanh. Bất cứ ai còn giữ được mạng đều cần phải cứng rắn hơn, dứt khoát hơn dẫu người yêu mình thương yêu nhất vừa tan tành trước mắt. Những hình ảnh khiếp đảm đó trà trộn vào giấc ngủ của tôi, khiến tôi thâu đêm mấy ngày liền vì cảm giác sợ hãi vẫn kề cận như lưỡi dao dí sát yết hầu. Tôi run lẩy bẩy khi nghe tiếng rừng hoang hú đến rợn người, tuổi mười tám chuyển mình sang tuổi mười chín trong thứ cảm xúc chai nhờn với những cảnh tượng đó. Tôi vẫn thấy phẫn nộ và tủi nhục vì vẫn còn sống khi đồng đội mình vừa ngã xuống, nhưng tôi không còn kinh hãi hay mất hết lí trí như vài lần đầu nữa. Việc quen thuộc với những sự ra đi làm tôi ghê rợn chính mình. Để rồi khoảng thời gian ấy tôi trở nên ủ dột, yếm thế và tự cô lập bản thân khỏi mọi cuộc vui.

Chúng tôi có châm ngôn rằng hãy cứ vui cho đến khi chết. Bởi đâu ai biết tử thần sẽ gõ cửa xin mình một cuộc hẹn vào lúc nào? Vì thế chúng tôi cứ cười hềnh hệch để rồi ngày mai lại phờ phạc khi một người ngồi cạnh vừa ra đi. Chúng tôi là thế, cuộc sống cầm súng hai mươi bốn trên bảy của chúng tôi là thế. Chúng tôi được lựa chọn và chúng tôi đã lựa chọn. Vì vậy chúng tôi phải tập chấp nhận. Cho đến khi tôi có thể cười được ngay lúc mới chôn xác một đồng đội của mình vào lớp đất bị bồi cao lên chút so với mặt đất bằng sau lưng, tôi mới có thể thấy mình bình tĩnh và trưởng thành hơn nhường nào. Có lẽ đó cũng là lúc, tôi nhận ra mình đã trở thành một người đàn ông.

Không còn là thiếu niên hay thằng con trai nhát cáy khi thấy một lưỡi dao trượt qua làn tóc, tôi giờ đây mang trên mình tàn tích như đống phế tích sau chiến tranh. Những vết sẹo với đủ loại kích cỡ ở trên người tôi như cách mặt đất lắp đầy vùng không gian dưới chân nhân loại, và khắc sâu đến nỗi tôi nghĩ dù cho mình có lẩm cẩm đến tệ hại, tôi vẫn sẽ không bao giờ quên được cách chúng xuất hiện trong cuộc đời tôi.

Một vết đạn trên vai, tôi bị bắn lúc nhảy qua bụi cỏ, giáp mặt với bọn thám báo.

Một vết dao găm nông bên bụng trái, tôi gặp nó khi bắt tại trận một tên nội gián trong tiểu đoàn. Sự phản bội cùng gương mặt mà mới nãy thôi tôi còn ngồi băng bó cho cậu ta khiến lòng tôi đau nhói. Chính tay tôi phải loại bỏ kẻ giẫm đạp lên địa phận đất nước, giẫm đạp lên nơi chôn rau cắt rốn của mình, tôi đã bóp cò không hề run rẩy trong khi lòng tôi cực kì run rẩy.

Mà tôi cũng không rõ rằng mình run rẩy vì tức giận hay run rẩy vì buồn bã.

Hay là một vết sẹo kéo dài từ bên gáy xiên xuống gần đầu xương quai xanh bên phải, một vết rạch sau lưng, một vết trên bả vai, một vết trên gò má, một vết ở khóe môi, một vết rất gần động mạch ngay cổ tay, vài vết cả hai bên đùi, và rất rất nhiều vết khác. Thay vì để lại kí ức trong đầu, chúng để lại trên cơ thể tôi. Tôi không tàn tật nhưng một nửa trái tim tôi trở nên tàn tật. Những vết dị tật ăn mòn cảm xúc, nuốt chửng tôi trong những đêm trăng rằm, tôi nằm mơ thấy đồng đội mình bị phanh thây hay bị cưỡng hiếp ngay trước mặt. Nhưng họ vẫn chỉ cắn răng chịu đựng hoặc tự sát để không trở thành một kẻ nhục nhã bán nước. Đôi khi tôi tự hỏi rằng tại sao mình vẫn còn sống, tôi sống để làm gì, làm gì sau khi hơn ba phần tư đồng đội của tôi đều không còn nữa. Nhưng rồi tôi lại thở phào vì mình vẫn còn sống, còn sống để gặp em.]

Hưởng nghe tin làng nát vào một đêm đang trông nom cho đồng đội bị sốt rét, sốt rừng. Cái sốt quen thuộc như ngụm nước lã đựng trong chai mà ngày nào cũng uống. Mấy vết đốt do muỗi rừng cắn sưng to hơn muỗi nhà, càng gãi càng thấy ngứa, không sao làm dịu đi cảm giác khó chịu ấy được. Rồi càng gãi thì càng thấy cơn đau đi xuyên qua da thịt, lần vào trong cơn ngứa ngáy đó. Máu phụt ra một cái, vết cắn thành vết thương ngay thoáng chốc. Sau vài ngày thì đột nhiên trở bệnh, cả người nóng ran, thở dốc, lừ đừ là biết sốt.

"Làng mày bị đánh bom Hưởng ơi!"

Tin báo đến từ một nơi xa xôi, hẳn là vậy vì Hưởng đang ẩn mình trong rừng cùng đoàn đội. Tin đi từ ban sáng, sáng sớm, nghe bảo là lúc mặt trời còn chưa kịp lên, làng bị đánh bom bất đồ, không ai phản ứng kịp. Nhưng nghe đâu vẫn có vài người sống sót vì nghe lỏm được bọn Tây nó bảo nhau lúc đi nhậu, đã báo về cho làng nhưng cả làng không dám động ngay. Sợ động khẩn toàn bộ thì chúng nó biết rồi săn lùng. Bởi thế thay vì đi cả làng, mọi người chia nhau đi lén từng cụm nhỏ. Đâu ngờ chúng nó ác quá, đánh bom ngay tối muộn hôm đó, hầu hết không ai thoát được. Ngay cả mẹ Hưởng.

Gia đình Hưởng vốn không trọn vẹn. Năm anh lên tám, mẹ anh đã nghe tin cha tử trận lúc đang làm trinh sát. Tro cốt đựng trong một cái hũ nhỏ, Hưởng nhớ mãi tiếng khóc nấc nghẹn run lên bần bật của mẹ. Mẹ căm thù chiến tranh hơn là sợ hãi nó. Có lần nghe tin cô Sáu - bạn của mẹ bị lính Tây nó gác chặn ngay đầu con đường nhỏ dẫn vào làng nên không dám vào, sợ vào thì không còn nguyên vẹn để mà trở về. Làng lại không còn đàn ông, mẹ Hưởng mặc cho nhiều người khuyên can, bà vẫn dứt khoát đi đường vòng để cứu lấy cô Sáu. May mắn là hai người an toàn trở về sau một tiếng súng nổ rần trời. Nghe loáng thoáng đâu là mẹ Hưởng dụ bọn nó quay đầu về một hướng khác rồi tranh thủ lúc bọn nó bất cẩn nổ súng mà dắt tay cô Sáu tháo chạy về phía con đường vòng.

Mẹ Hưởng là một người phụ nữ kiên cường bất khuất, cha anh thì nằm xuống ở khu vực lực lượng đối địch chiếm đóng. Mọi thứ giống như chảy sẵn trong dòng máu. Tinh thần can đảm mạnh mẽ ấy lưu thông và lớn dần trong người anh từng ngày, để khi anh quyết định trở thành một phần của trung đội trinh sát - như cách mà cha anh đã từng, mẹ thẳng thắn nói lời từ biệt mà không hề rơi xuống một giọt nước mắt.

Có đêm Hưởng thấy một gương mặt hiện vào trong giấc mơ, gương mặt xa cách mà lại có cảm giác quen thuộc. Gương mặt mà từ năm lên tám, anh thấy người đó trên bàn thờ. Nghe rùng rợn làm sao nhưng thực chất thì nó quá đỗi bình thường. Những đáy tận chiêm bao có bóng hình ai ngoi lên hay những giọng nói u uất thều thào bên tai lúc ngủ là chuyện quá đỗi bình thường của người làm lính. Tiếng võng đung đưa kẽo kẹt trong lán, tiếng núi rừng u ám như một nồi nước đang sôi sục, tiếng cỏ cây xào xạc trong gió không lạnh nhưng cứ làm anh buốt từng cơn ớn đến tận gáy. Những cảm giác đó dần trở thành một phần trong cuộc sống của anh, mỗi đêm, mỗi giấc mộng. Hưởng mơ thấy cha mình vào cái hôm anh xuống tay với nội gián trà trộn vào tiểu đoàn. Ông chẳng nói hay dặn dò gì, chỉ mỉm cười nhìn anh rồi lặng lẽ rời xa dần. Giấc mơ đó ngắn ngủi mà làm Hưởng bồi hồi đến tận mấy ngày hôm sau. Cha anh đi trước cả khi anh chào đời, và Hưởng chưa từng nghĩ mình sẽ được gặp cha bằng một cách khó tin như thế.

Làng lụi đi trong khói lửa, Hưởng được gặp cha rồi hay tin về mẹ. Tựa một cách để an ủi và động viên anh khi chặng đường phía trước vẫn chưa biết hồi kết thúc, nhưng có một người luôn làm anh khắc khoải, trông chờ, ngóng mong mà mãi chẳng có lấy một tin tức gì. Thư từ không thấy biên, cả hai mất thông tin liên lạc của nhau từ lúc Hưởng lên đường. Không phải vì không muốn liên lạc, chỉ bởi Hưởng không mường tượng nổi nếu đường liên lạc gặp sự cố gì và việc nó có thể làm lộ ra bất cứ nơi cư trú nào của mẹ lẫn của em thì anh sẽ tự sát ngay tắp lự. Phải, của mẹ lẫn của em, nên anh chủ động cắt đứt. Thế mà dầu biết sẽ chẳng bao giờ được nghe câu "Hưởng ơi mày có thư", Hưởng vẫn trông em từng giây từng giờ, trông còn hơn tiếng gà gáy bình yên ở nhà thủa trẻ. Vào một nơi nếu không có lặng thinh thì chỉ có tiếng bom đạn ì xèo trên đầu, Hưởng cứ nhớ xiết mãi tiếng gà gáy bình minh ấy. Lúc anh còn bé thơ, nghe tiếng gà là nhỏm dậy chạy ra sau nhà rửa mặt để còn kịp đón em ở đầu làng. Hai đứa đi học với nhau, từ lớp vỡ lòng đến sau này, khi Hưởng nghỉ học vì nhà không đủ điều kiện, Hưởng vẫn giữ thói quen chờ em ở đầu làng rồi thẫn thờ nhìn em khuất xa dần.

Hay tin làng nát mà không biết gia đình em thế nào, Hưởng lo sốt vó mà không thể hỏi han từ ai. Chẳng ai quen biết em ngoài mẹ, mà mẹ thì không còn. Có đêm Hưởng ức quá, ngồi khóc đơn côi trong lán mà ráng để không bật tiếng nức nở ra ngoài. Mặt trăng trên cao tròn vành vạnh, cảm giác rùng rợn đeo đuổi hằng đêm, không bao giờ dứt, thường thế thì anh sẽ ngủ quách đi để tạm lảng tránh cái không khí đáng sợ này. Nhưng hôm ấy thì anh thức trắng, đêm thâu cùng những người đứng canh bên ngoài hay đang đi gác gần lán các tiểu đội. Mọi người không ai nhận ra anh còn thức, vì Hưởng cứ nằm lặng câm trên võng, gác tay sau đầu, vẫn cái tướng ngủ đầy cũ kĩ như thể đã phủ kín rong rêu không lẫn đi đâu được của anh, nên chẳng ai phát giác ra mấy hàng ấm nồng nhỏ ra từ mắt. Cứ lăn dài trên má rồi chạy vào trong cổ áo, ướt đẫm vào mồ hôi cả một vùng cổ. Nước mắt khô đi, cả mặt cứ khô róc khó chịu mà anh vẫn không muốn dậy. Hưởng để mình trầm mặc cả một đêm, và anh nhớ chưa đêm nào khiến anh thấy dài đến nhường ấy.

Hưởng có một niềm tin mãnh liệt rằng em vẫn còn sống, ở đâu đó thôi trên đất nước này. Chừng nào chưa nghe tin về em hay chưa tận tay ôm tro cốt em vào lòng, anh hằng tin em vẫn còn một trái tim đầy tràn sức sống, hơi thở đủ sức phả ngược vào cái rét lạnh của rừng sâu - thứ thi thoảng lại bó buộc vào người anh mãi chẳng rời.

Đi lính về, Hưởng hút thuốc nhiều. Hưởng biết hút thuốc từ mấy ngày ủ dột trong đoàn đội rồi giữ thói quen đó đến tận bây giờ. Đây không phải thói quen khó bỏ nhưng Hưởng vẫn giữ nó. Đôi khi, anh xem bao thuốc lá như một thân ảnh để bầu bạn lắm lúc cô đơn. Cái không gian tĩnh mịch dễ đày đọa lòng người, tâm lý sau chiến tranh của anh vẫn còn u hoài những người đồng đội và sự hóng vọng của một bóng hình xa, vậy nên anh chỉ biết tìm bạn qua những điếu thuốc lá.

Có ngày, Hưởng hút thuốc lúc soạn bản thảo. Bên ngoài trời mưa, vài vết sẹo đột nhiên nhức nhối lên như cơn ung thư di căn khắp nội tạng, Hưởng lại rút ra một điếu thuốc. Cái thời lính Tây chuộng hột quẹt Zip-po, dân mình chế tạo lại thành bẫy kích kíp nổ như một hình thức khác của mìn. Không toi tay thì cũng đi bố nó dung nhan vốn có, mấy bận cầm Zip-po mà Hưởng không dám bật nắp, anh lại mò về loại cũ, nhẹ tênh, lạc hậu, quê mùa song đỡ ám ảnh hơn. Anh đốt thuốc khi mưa chuyển dạ sang mức độ hiền hậu. Anh đốt thuốc vào mấy ngày hè nóng rực, trời đổ nắng như thứ dung nham bỏng rát rục rịch ngoi đầu khỏi miệng núi lửa. Hay anh đốt thuốc khi không biết làm gì, dăm ba câu văn tắt tiếng trong đầu, nỗi lòng rối bời xoắn xuýt vào nhau mà không sao gỡ gạc được. Triền nhớ nhung tràn khỏi đuôi mắt, kéo đuôi mắt anh trĩu xuống đầy buồn rầu. Bàn tay thô ráp lấn cấn những vết chai sẹo bám lên thành cửa, để màn đêm hắt lên đôi mắt, rọi chiếu vào đôi con người sâu thẳm, đã gần chục năm mà vẫn trong trẻo lạ thường. Chắc là do những nhu cầu xác thịt chưa làm phiền tâm trí anh, hoặc do anh lãnh đạm với chúng như với đủ loại cám dỗ cố đeo bám thời còn đi lính.

Chính vì thế mà Hưởng để mình va đập với đủ loại chấn thương, tựa một cách giữ mình tỉnh táo, sáng suốt và không trượt dài theo sự sa ngã. Càng đau, anh càng nhận thức rằng mình phải mau chóng kết thúc nỗi đau đó, chứ không phải để mình lạc lối vào những khoái lạc nhằm lấp liếm hiện thực bằng đủ thứ ảo mộng trên đời. Nỗi đau di trên da thịt Hưởng, đệm lại tàn tích của một thời kí vãng. Những dấu chân ấy không dẫn anh đến vườn địa đàng mà khóa anh vào bảo tàng chiến tranh. Niềm đau qua đi, đất nước yên bình nhưng những thứ nằm lại trên người anh không bao giờ cho anh có cơ hội đó. Chúng nhào lên, cắn xé anh vào mỗi đêm khi trí nhớ anh lật lại từng mảnh vụn vặt của hàng loạt chuỗi sự kiện tưởng chừng đã nằm lại ở hố đất năm nào. Vết cắt dài 5 centimet gần khuỷu tay là kết quả của cái chết thụi hụt vào người, khi anh né được một vụ nổ mìn nhờ người đống đội đẩy anh ra xa. Vết ngay khóe môi là bởi anh đỡ đòn từ một con dao găm chĩa tới. Hoặc Hưởng có một móng tay cái thụt sâu vào thịt, bị nứt xiên xẹo từ đầu móng đến cuối chân móng. Nó ngừng phát triển từ hồi nào thì anh không nhớ, anh chỉ nhớ nó xuất hiện lúc anh giáp lá cà với địch. Loay hoay một hồi trong trận chiến, khi trở về cả người máu me; máu của kẻ thù, máu của đồng minh, máu của mình trộn lẫn vào nhau thành một thứ hỗn hợp kì dị. Băng bó xong xuôi hết mới phát giác được chiếc móng tay nay đã trở nên què quặt, Hưởng đã từng không bận tâm tới nó.

Cho đến khi Hưởng nhận ra nó luôn nhắc nhớ anh về quá khứ - từ vô thức tạo thành thói quen, anh bắt đầu bật hột quẹt bằng ngón tay có cái móng bị xẻ đôi không cân xứng đấy, thỉnh thoảng anh còn ngắm nhìn nó dưới ánh đèn điện hiếm hoi mới bật lên một lần. Vì anh thường tận dụng ánh sáng từ ánh trăng, bắt ghế ra trước cửa nhà để thơ thẩn thả hồn theo vầng khuyết đang rạng đó. Có lần điếu thuốc trên tay cháy lẹm vào da, Hưởng giật mình buông điếu thuốc xuống. Tro thuốc màu chì vón cục dưới chân, Hưởng nhìn nó rồi nhớ đến mấy lần cùng em nướng khoai trước cửa nhà mình. Mấy củ khoai được bới lên từ đất đã được rửa nước qua vài lần, nướng trên củi lửa, cháy đen vài mảng nhưng lột vỏ ra thì vàng ươm một màu. Mùi khoai nướng thơm nồng nàn lượn vào không khí, bay đến khướu giác, cả hai cụng đầu củ khoai vào nhau như người lớn cụng mấy ly rượu nhỏ tí.

Những năm đầu 80, Hưởng chuyển đến sống giữa trung tâm Sài Gòn (anh quen miệng gọi thế dầu giờ thành phố đã có một cái tên mới). Anh ở trong một căn nhà nhỏ nằm trong khu chung cư, tầng bốn. Gần nhà Hưởng có một rạp bình dân diễn ra đủ loại nghệ thuật thập cẩm như hát bóng, cải lương, thoại kịch hay xi-nê-ma.

Hưởng sống bằng nghề viết văn, một tên nhà văn quèn không nổi bật mấy trên những trang báo song vẫn đủ sống qua ngày. Đôi lúc anh cũng làm nghề giao chính mấy số báo đó đến cho nhà khác bằng chiếc xe đạp sườn ngang, Hưởng đang dành dụm để mua một chiếc xe máy hẳn hoi. Tuy không khá giả là thế, nhưng cuối tuần nào anh cũng giành thời gian chạy ra rạp xoàng gần nhà để xem phim. Mấy bộ phim chiếu đi chiếu lại, đôi lúc còn gặp sự cố, hay ngồi đến ê ẩm trên mấy chiếc ghế gỗ, Hưởng vẫn đều đặn giữ thói quen đó chỉ vì anh xem nó là thứ xa xỉ nhất mà mình có thể tìm lấy.

[Đêm. Tôi ngồi cùng em ở nhà sau của gia đình em, nơi nối giữa mảng đất giữ chum nước và nhà trước. Em ngả đầu lên vai tôi, mái tóc đen mềm mại rũ trên vai, chạm vào cần cổ. Mùi hương nhẹ nhàng từ tóc em làm tôi say khướt, say như vừa nốc cạn một chum rượu to, đủ sức uống cho quên đất quên trời. Chúng tôi còn bé tí, mới mười bảy mười tám, cái tuổi e ấp ngại ngùng không dám nhìn thẳng vào mắt người khác giới, vì thế nên chúng tôi tìm vào mắt nhau. Song, tôi nhận ra tình cảm khác lạ mình dành cho em. Tuy nó rụt rè và cứ muốn lẩn tránh, nhưng mỗi lần thấy đôi mắt em sáng ngời trông vào mình, tôi lại thấy mình can đảm hơn. Tôi muốn thổ lộ, muốn phơi bày lòng mình, cho em thấy cảm xúc của tôi với em thế nào. Một mối quan hệ mà tôi chưa từng gặp ở nơi nào khác. Tôi cứ như một con ếch ngồi trong chum, nom ra bầu trời rộng lớn. Bầu trời của tôi rộng lớn chỉ bằng miệng chum, may mắn rằng tôi không tự phụ. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần, chân trời chỉ tí tẹo bằng miệng chum ấy, là dáng người bé nhỏ của em. Chúng tôi trong sáng, chỉ tìm đến hơi ấm trong lòng bàn tay nhau vài giây rồi vội buông ra. Chúng tôi không dám nắm lâu, vì ngượng. Rồi tôi nghe tiếng em thở dài, rồi tôi nghe tiếng lòng mình trượt xuống, như té ngã ở một con dốc, lọt thỏm xuống bãi sình lầy mà không ngóc nổi đầu lên được.

Gác trăng, gác tĩnh, gác ngủ. Tôi gác vật hữu hình đang tỏ trên trời, gác vật vô hình đang xoay vần chung quanh, gác giấc cho những người anh em trong lán. Gác với một tư thế cảnh giác cao độ, mà tâm trí thi thoảng cứ lơ đãng chợt nghĩ về em. Về đêm hôm ấy, chúng tôi chỉ ngả đầu lên vai nhau, thay phiên nắm tay nhau vài giây rồi nhìn trời dần sáng. Chưa bao giờ tôi mong trời tối mãi như thế. Mà chuyện gì tới cũng tới, lần đầu tiên, người đứng lại phía sau, giương đôi mắt rầu rĩ về bóng lưng đang xa dần là em. Cảm giác xa lạ, nhớ nhung bộc phát ngay khi tôi cách em chỉ vài bước chân nhỏ. Một câu em sẽ chờ gióng giả trong lòng tôi, như thúc giục, như đôn đốc rằng tôi phải đi nhanh để còn trở về. Để không phí hoài tuổi trẻ của em, để không khiến thời gian mài mòn đuôi mắt em, và để mái đầu em hẵng còn xanh, tìm về bờ vai tôi lần nữa.

Tôi viết về chiến tranh là phụ, về cuộc đời của mình là chính. Xen kẽ những câu chuyện đau thương từ vô số cái chết của đồng đội nơi đại ngàn hoang vu, từ quá nhiều lần tôi thấy máu mình rời khỏi da thịt như giấc mưa rơi vào lu hứng, từ những hồn ma vất vưởng tìm linh hồn sống để bầu bạn, câu chuyện về mọi miền kí ức của tôi không khác gì cuốn hồi kí nhằm tưởng niệm một cuộc đời sắp khép. Sắp khép lại qua những áng văn chương nhạt thếch, điểm đẹp đẽ duy nhất là đôi ba con chữ đậm đà dáng hình em.]

"Chắc anh yêu người đó lắm."

Một bức thư khác từ độc giả ở tập mới nhất của câu chuyện anh đang viết. Hưởng nhận nó vào một hôm chiều tà, sau khi trở về từ hàng báo nằm ở đầu con đường anh sống. Hưởng ngồi đọc nó hơn chục lần, cứ ngắm nghía chữ viết mà đột nhiên thấy tức thở. Cứ nhắc về tình yêu, anh lại thấy mình như bị xích giữa đường cao tốc, chỉ chờ cái chết xuyên qua bằng những mũi xe không ngừng lao tới với tốc độ kinh hoàng.

"Yêu chứ. Tôi yêu người đó đến nỗi khao khát trở thành nhà văn cháy bỏng trong tôi là vì tôi yêu người. Từ những thước truyện đến từ cõi thực tàn khốc song đã cũ, tôi dần ảo tưởng và mong những thước truyện do trí tưởng tượng của mình tạo ra sẽ trở thành sự thật. Tôi viết mãi về dòng chữ rằng tôi sẽ gặp được em vào ngày mai, thế mà ngày mai tới, tôi vẫn không biết em đang nơi chốn nào. Chốn vô định, chốn xa xôi, chốn mà tay tôi không tới, và đôi chân tôi không chạm. Tôi mòn mỏi, tôi bất lực, nhưng tôi chưa bao giờ ngừng hy vọng. Hy vọng của một người lính đã từng là Tổ quốc an yên, người yêu an yên. Còn giờ thì hy vọng của một nhà văn là được tìm về người tình. Người tựa phép nhiệm mầu, ủi an và vỗ về cho cuộc sống lạc loài này của tôi. Tôi chỉ mong sao mình gặp được người."

Thay vì gửi gắm nỗi niềm qua bản thảo, Hưởng nhận ra mình bắt đầu gửi gắm nỗi niềm qua những dòng thư. Thư đi, thư về, thư chạy cùng thời gian lật đật qua tay, thư đến lúc ngày sớm, thư gởi lúc ngày muộn, cứ như thế, Hưởng vô thức bộc bạch nỗi lòng qua đôi ba câu chữ ướt đẫm sau khi vật lại cơn bão về tình yêu trong lòng mình lần nữa.

Rồi anh biết độc giả của mình là thầy giáo. Thầy mới chuyển công tác từ Hà Nội vào, nhưng gốc gác thầy ở miền Nam, Hưởng lại tìm được một điểm chung bé nhỏ giữa hai người.

"Thầy, thầy có muốn coi kịch ở rạp phim không?"

Hưởng gửi thư đi trước khi nhận ra mình sẽ hối hận chừng nào. Anh dành sự tôn trọng kính cẩn cho những người làm thầy. Dẫu cho là một độc giả ái mộ hay một người biết đến anh qua những câu từ đơn giản, nếu là thầy giáo, anh không thể không gọi người nọ một tiếng "thầy". Người nọ không phàn nàn gì, cậu ấy để anh gọi mình như vậy và vẫn giữ cách xưng hô cũ. Thư biên về vào chừng hai ngày sau, lá thư ngắn nhất trong tất cả những đoạn tâm tình trước đó. Thầy giáo bảo anh giữ sức khỏe, tựa một cách làm nội dung lá thư không trở nên cụt lủn. Thầy đồng ý đi xem kịch với anh, đồng ý để cả hai gặp nhau sau mấy tháng thư từ qua lại.

Thời gian đó thể loại kịch đang rầm rộ vở "Kẻ khốn cùng". Hưởng từng đi coi một lần vào tuần trước, nhưng để mình giống như một kẻ "hợp thời", anh lại gợi ý cho thầy cùng mình đi xem vở kịch đó. Thầy để anh thoải mái lựa chọn, Hưởng nôn nao vì sắp gặp được người mà đã lâu lắm rồi, anh mới dám thảng thốt để hai chữ "tri âm tri kỉ" vụt lên trong đầu mình. Lòng anh vẫn một phương thôi, anh không thay đổi bất cứ điều gì về mặt tình cảm của mình. Anh vẫn thế, vẫn sẵn sàng trở về làm một đứa trẻ khờ dại chỉ để gặp được người ấy lần nữa. Chỉ để tìm lại cảm giác chân thật từ cái tựa đầu, tìm lại cảm giác đủ đầy từ cái nắm tay vội vã. Khi những kẽ ngón tay kín lại, không một khoảng hở nào, thời gian như ngưng đọng trong tiếng lửa tí tách. Nhưng tiếc thay, anh không quay về được. Vậy nên anh gắng tìm cho mình một người bạn để có thể tỉ tê rõ hơn về em, về những gì sâu thẳm nhất trong mình. Rằng anh nhung nhớ em chừng nào, rằng anh muốn thấy em ra sao. Anh muốn được khóc hết nước mắt cùng một người nào đó cũng có cùng nỗi lòng như anh. Một người bạn, một người thấu hiểu trọn vẹn cảm xúc đó.

Hôm hẹn, Hưởng mặc quần tây, áo sơ mi phẳng phiu màu trắng, xắn tay áo lên đến khuỷu tay. Anh không biết mình có nên sơ vin vào không, nhưng trông thế nào cũng kiểu cách và trang trọng quá mức. Thế là anh lại kéo vạt áo ra khỏi lưng quần, mang đôi giày có quai đạp xe đến rạp phim gần nhà mình. Cả hai coi suất lúc bảy giờ ba mươi tối, cứ mua vé thì được vào, chỗ ngồi được lựa tự do. Hưởng mua trước hai vé, đứng đợi trước cổng sắt của rạp. Trời thoáng đãng, mặt đường phía trước hầu hết là người tản bộ qua lại. Anh ngước mắt nhìn chiếc taxi nửa xanh nửa vàng chạy qua, mẩm nghĩ chắc đây là chuyến của một người khá giả. Bởi thời đó thì vẫn còn đói nghèo, hầu hết ngoài đường đều là xe đạp. Xe đạp đầm dành cho phụ nữ, xe sườn ngang dành cho đàn ông. Hưởng cũng có cho mình một chiếc để lưu thông trên đường, anh thích chạy chầm chậm gần lề, đôi khi rong ruổi theo sau đuôi của một chiếc xích lô rồi chợt nhận ra suýt nữa thì mình lạc đường về nhà.

Nói về vở "Kẻ khốn cùng". Đây là vở kịch được viết bởi một nhà soạn kịch người Việt, một nốt bổng hiếm hoi trội lên giữa hàng loạt các tác phẩm nước ngoài như Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ,... Vở lột tả hiện thực tàn khốc về người lính sau thời chiến, trở về với những mất mát trên cơ thể. Nó đánh mạnh vào những đôi chân mới trở về cuộc sống bình thường chỉ vài năm, và Hưởng thừa nhận rằng vở này miêu tả gần như chuẩn xác những gì mà anh từng trải qua. Tạo hình diễn viên chính trông đau thương vô cùng. Anh ta mất cả đôi chân, phải ngồi xiêu vẹo trên xe lăn, từ một người mang chiến thắng trở về, anh ta trở nên vô dụng và dành nửa cuộc đời chỉ đề ngắm nhìn bầu trời xế chiều. Trời buông màn tối, cuộc đời của anh ta cũng phủ xuống tấm màn trầm mặc.

Hưởng đứng dựa vào cột tường, anh rút ra một điếu thuốc lá, vẫn châm lửa bằng ngón tay có chiếc móng nứt rạn của mình. Ngọn lửa hiu hắt trong màn đêm, giữa tiếng cười đùa rôm rả của những người xung quanh. Gió thổi qua, luồn vào cổ và tay áo làm lưng áo sơ mi anh phồng lên, cong như lưng một con tôm sú. Tóc mái đổ về một bên, hất cao lên vì gió lùa. Anh vừa đốt thuốc xong, phả vào không khí một làn khói. Bỗng có bàn tay chạm nhẹ lên vai anh, Hưởng quay đầu nhìn sau khi giấu điếu thuốc xuống bên hông - đó là thói quen anh luôn làm mỗi khi có người khác ở gần, anh sợ họ không thích mùi thuốc lá.

"Anh Hưởng..."

Giọng nói này thâm nhập sâu vào tiềm thức như vết cắn của loài muỗi rừng, có tác dụng ngay lập tức. Anh cứng đờ cả người, tiêu cự rơi vào con đường đen trải trước mặt. Các âm thanh xung quanh như trở thành đống tệp âm hỗn loạn bâu lấy giọng của phát thanh viên đang thu âm để phát sóng cho đài sắp tới, Hưởng trầm mình vào giọng nói đó, để cả cơ thể nghệt ra, gương mặt biến sắc. Bóng tối phủ lên sườn mặt anh, nhưng đôi mắt anh vẫn thể hiện rõ cảm xúc đang dâng lên mãnh liệt hiện tại. Như thủy triều chạm đến cao trào, Hưởng chỉ có thể quay sang khi nghe tiếng đối phương gọi mình đến lần thứ năm sáu gì đó.

"Anh Hưởng ơi?" Giọng điệu đối phương cứng rắn hơn, bàn tay đặt trên vai anh hơi nắm lại. Hưởng dụi tắt điếu thuốc ngay lập tức rồi quăng nó vào thùng rác gần chỗ mình đứng. Anh hít một hơi thật sâu, quay mặt nhìn người vừa cất tiếng gọi tên mình dẽ dàng.

Hưởng bảo rồi, anh làm sao quên được thanh âm ấy. Thanh âm mang anh ngược về những tháng năm anh có người, có gia đình, có tiếng cười khúc khích và những giờ phút khoan khoái. Thanh âm mà anh tự tin rằng, nó đặc biệt đến nỗi chỉ cần nó trượt qua tai anh một lần thôi, anh sẽ nhận ra ngay tức khắc. Thanh âm như ánh mặt trời ấm áp, nhiệt độ vừa đủ để sương đêm vã dần. Thanh âm xoa dịu trái tim anh, để trái tim tàn tật được hồi sinh thêm lần nữa. Hồi sinh với hình hài khuất dạng một nửa, nhưng là sống trọn vẹn một đời.

Tâm trí Hưởng rối rắm, anh không biết nên mở lời điều gì trước tiên. Có quá nhiều thứ xoay vần, đâm vào nhau rồi cho ra một kết quả rỗng. Hưởng cứ há rồi đóng miệng, chẳng rõ mình nên nói điều gì mới phải. Cuộc hội ngộ bất ngờ như cách quân ta ập vào địa trận của địch, làm bọn chúng hốt hoảng không kịp trở tay. Hưởng cũng vậy, anh không kịp trở tay khi được nhìn thấy em, lần nữa, bao nhiêu năm, đã nhiều năm rồi. Năm năm? Không, gần mười năm đằng đẵng. Anh tưởng anh mất em trong một làn khói ngút trời nào đó, anh tưởng anh lạc em ở miền đất mà anh không thể gọi tên, may thay, em vượt qua mọi sự sợ hãi thời cuộc của anh để trở về bên anh lần nữa. Hưởng nhìn em chằm chằm, gương mặt thuở mười bảy, non choẹt nay đã trưởng thành hơn rất nhiều. Tháng ngày lả lướt trong đôi mắt em, khiến nó trở nên kiên định và tinh tường hơn. Hưởng có quá nhiều điều để nói, vậy nên thành ra giờ đây chẳng biết nên nói gì. Mọi thứ bung nở trong đầu cùng tiếng trống ngực đập thùm thụp, song lại tắc nghẽn nơi cuống họng và tan ra trong khoang miệng khô khốc.

Em cười, nụ cười mà anh từng đinh ninh rằng sẽ đẹp như ngày Giải phóng. Và trông xem, nụ cười này thật sự đẹp đẽ nhường vậy. Không vương chút bụi trần độc hại nào, trải qua quãng thời gian xa cách dài đến thế, nụ cười của em vẫn trong trẻo và trong lành vô cùng. Hưởng đã viết trong thư cách nhận diện anh - một người đàn ông tầm đầu ba, mặc áo sơ mi trắng và quân tây đen dài, giày có quai. Đặc điểm nhận diện gương mặt có thể khiến "thầy" muốn bỏ chạy, một vết sẹo mờ, ngắn cụt, ở khóe môi và một vết bên gò má. Hưởng tin rằng không ai có ngoại hình trầy trật giống mình. Và quả thật, nhờ thế mà em nhận ra ngay Hưởng là người em đang tìm gặp. Hưởng là Minh, Minh là Hưởng. Minh Hưởng. Minh Hưởng của em.

Em bảo chúng ta vào xem phim nhé, Hưởng gật đầu, lững thững bước theo em. Cả hai ngồi xuống đôi ghế gỗ đặt cạnh nhau. Hưởng đặt hai tay lên đùi, co lại thành nắm đấm. Dường như em biết cả người anh đang căng thẳng, em đưa tay qua, nhẹ nhàng nắm lấy nắm tay anh. Tay anh thả lỏng dần, em mỉm cười. Tay em mềm mại, ngược với bàn tay mang nặng dấu vết hung tợn của Hưởng. Sự trơn nhẵn đối lập với những vết chằng chịt, thậm chí có dấu chồng lên nhau, Hưởng thở phào vì em đang che mất nó. Vở kịch bắt đầu, cả hai để im lặng kéo dài xuyên suốt vở kịch đó. Em vẫn nắm tay Hưởng, thế thôi, một cách bình lặng, thân mật và thanh thản. Hưởng dần thoải mái hơn khi ở cạnh em, người anh không còn găng lên nữa. Cảm giác gần gũi với cảnh tượng đôi khoai nướng cụng vào nhau lại quay trở về, lênh đênh như con tàu ra khơi trong đầu Hưởng. Ánh đèn trong rạp ấm như ánh lửa, xung quanh thoáng mát thưa thớt, vở kịch này đang lên nhưng suất này lại vắng vẻ. Hàng ghế phía trước cả hai không có một ai ngồi, Hưởng cứ liếc nhìn qua em, thi thoảng, nhìn góc nghiêng của em, nhìn chóp mũi dường như đã cao lên một chút, và khuôn miệng cong lên như đang ngắm ước mơ của mình thành hình.

[Tôi viết về chiến tranh là phụ, về cuộc đời của mình là chính. Xen kẽ những câu chuyện đau thương từ vô số cái chết của đồng đội nơi đại ngàn hoang vu, từ quá nhiều lần tôi thấy máu mình rời khỏi da thịt như giấc mưa rơi vào lu hứng, từ những hồn ma vất vưởng tìm linh hồn sống để bầu bạn, câu chuyện về mọi miền kí ức của tôi không khác gì cuốn hồi kí nhằm tưởng niệm một cuộc đời sắp khép. Sắp khép lại qua những áng văn chương nhạt thếch, điểm đẹp đẽ duy nhất là đôi ba con chữ đậm đà dáng hình em.

Hách à...]

Từ bản thảo cuối cùng trước khi chính thức gửi đi của Minh Hưởng, bản thảo viết từ những gì đổ nát của đáy tận tâm can. Hưởng vô thức dứt nét bút hai tiếng thê lương, gọi tên người dấu yêu trong lúc lí trí anh tư lự ngồi trước buổi trưa hoang vắng, độ ba giờ chiều, trông vào con nắng đổ tràn ra khắp thềm cửa, ảm lên hoa văn của mấy lát gạch.

Em tên Hách. Đông Hách. Cái tên khắc sâu vào triền kí ức, liên miên theo những giấc chiêm bao, gắn bó trong từng giây phút của cuộc đời anh. Em không ở bên nhưng anh đòi hỏi em phải ở bên, dáng hình em không ở đây nhưng tên tuổi em mãi ở đây. Trong một căn phòng chỉ có vài ba thứ đồ dùng cần thiết, hình bóng em mười bảy vẫn đâu đó xung quanh - tự nhiên như đất trời sừng sững, tự nhiên như hơi thở mặn mà, tự nhiên như những lần anh hấp háy đôi mắt.

Em làm thầy giáo, đúng rồi. Nếu không làm thầy, Hưởng không biết có nghề nào khác hợp với em đến vậy không. Nghề đưa đò hợp với em như khuôn bánh, như cách thợ làm bánh đổ một chất sền sệt diệu kì ngọt ngào vào khuôn để tạo hình. Mọi thứ hoàn hảo đến từng ngóc ngách.

Gặp lại nhau, xem kịch cùng nhau, Hưởng thấy em khóc khi nhân vật chính trong "Kẻ khốn cùng" ngã oạch khỏi xe lăn. Chiếc xe đổ nhào xuống đất, thứ âm thanh ầm ĩ làm nhốn nháo căn phòng. Nhân vật chính diễn ánh mắt u buồn đầy tuyệt vọng, ngước lên một góc rạp, tròng đen như mất đi tiêu cự, đôi mắt vẫn sáng mà lại như đã mù lòa. Hách khóc, những giọt rơi dài trên má em, len qua hàng mì rũ xuống, và làm tay chân Hưởng cuống cuồng. Anh không biết nên dỗ em thế nào, hoặc tại sao em lại khóc nhiều đến thế. Anh đưa tay xoa trên lưng em, di tới lui những cái xoa dịu dàng, đi thật nhẹ nhàng như sợ rằng nó có thể làm đau em. Bàn tay anh cộm lên vì những vết sẹo và vết chai bởi cầm súng. Những đường xoa không được bằng phẳng, chúng hệt mấy khúc cua ngoằn ngoèo trên con đường mãi chưa thấy tu sửa, rải lên tấm lưng em, qua lớp áo sơ mi màu xanh da trời. Chợt, em ụp mặt vào lòng bàn tay, thân nhiệt em rời khỏi tay anh, cảm giác hụt hẫng như tiếng người diễn viên đổ ập xuống sân khấu, lòng Hưởng cũng đột ngột ngã xuống như vậy. Hưởng có thể nghe tiếng em thút thít trong lòng bàn tay, anh ngó quanh, mọi người vẫn không để ý. Có vài người khóc, cũng có vài người vẫn thản nhiên. Anh thuộc số những người thản nhiên, em lại thuộc số những người nấc nghẹn vì cuộc đời người lính trên kia. Mãi sau, khi cả hai ra khỏi rạp, khi Hưởng cuối cùng cũng hỏi được em rằng tại sao em khóc, em chỉ ụp mặt lên vai anh dù nước mắt đã khô trong không khí. Ánh sáng khuất sau lưng, bóng tối bao trùm cả hai như chiếc bao bố khổng lồ. Hưởng nghe em nghẹn ngào.

"Vì có lẽ anh cũng đã trải qua những điều đấy." Ngữ điệu em run lên như tiếng chuông điện thoại đổ dài trong vô vọng. "Cảm ơn anh vì đã lành lặn trở về."

Hưởng cụp mắt, anh đưa tay ôm chầm lấy em vào lòng.

"Anh cũng thế." Anh thầm thì, rồi bàn tay em khẽ trượt từ vai xuống ngực anh, cách trái tim anh một lồng ngực ấm. Có lẽ vì em nhận ra điều mà anh không nhận ra, rằng giọng anh trầm đi rất nhiều. Bão đạn mưa sa, bom rơi trên đầu, đạn ngay trước mắt, chông gai và những lần gào thét đến triệt giọng, chất giọng của anh khàn đi, đặc sệt tựa một thứ dung dịch quánh lại. Khói mù làm mất đi cái trong vắt thuở thiếu thời của anh, làm mất đi những cái ban sơ chưa biết gì, nhưng đổi lại là cách anh đưa em vào lối đường cuộc đời mình, tựa âm thanh của tiếng gió lạnh căm rít qua từng khối đá băng đồ sộ ngàn năm băng giá. Giọng anh cũng trầm, dày và thay đổi nhiều như thế. Đến mức nếu không nhìn thấy gương mặt này trước, có lẽ em sẽ mất chút thời gian để nhận ra anh.

"Anh cũng muốn cảm ơn vì em vẫn sống. Cảm ơn em vì vẫn là một em lành lặn trong vòng tay anh."

Vì anh không mường tượng nổi, khoảnh khắc thân xác em tan thành tro cốt trong lòng anh, cuộc sống của anh sẽ đóng lại theo thế nào...

Hưởng mời em về nhà dù trời đã tối. Hơn mười giờ, Hưởng dắt tay em lên chiếc cầu thang gỗ kêu kẽo kẹt mỗi khi đặt chân lên. Men theo hành lang, chỉ có hai bóng đèn vàng ở đầu và cuối hành lang bật sáng. Hưởng mở khóa, đẩy cánh cửa màu xanh, hiện ra đầu tiên là chiếc bàn gỗ tròn. Trên bàn gỗ để một xấp giấy, dưới gầm bàn là hai chiếc ghế cũng bo tròn tương tự. Hách quay mặt qua bên phải, nhìn sang một chiếc radio màu vàng rơm đặt trên nóc tủ chân ngắn khi Hưởng bật đèn, em thấy một khung ảnh nhưng tấm hình bên trong lại là hình vẽ. Hách bật cười, em biết dung nhan ấy là em. Cái thủa nghèo khó, Hưởng làm gì có hình em trên tay để mang ra chiến trường. Hình ảnh duy nhất anh có là hình ảnh tồn tại bằng kí ức trong đầu, dung nhan em vẫn thế, dường như chẳng bao giờ lớn lên dù thời gian đã băng qua được mười năm trời. Giờ thì Hưởng gặp em, anh đã biết mười năm sau em trông như thế nào.

Hách bước tới, cầm khung hình lên. Em miết nhẹ tay trên nụ cười mình. Hưởng vẽ ổn, bức vẽ là anh tự tay họa. Anh không tin tưởng vào bất cứ ai có thể họa được gương mặt và nụ cười thanh khiết của em một cách chuẩn xác nhất như kí ức của mình. Vì thế, bằng tất cả khả năng, Hưởng cố vẽ cho ra dáng hình em rồi lồng vào khung ảnh. Anh ngắm nghía nó mỗi ngày, từ trong khối óc rồi bằng đôi mắt.

"Anh có định vẽ lại em không?"

Hách hỏi. Vẻ ngoài em giờ đây khác nhiều. Em cao lên, gầy. Gương mặt góc cạnh hơn, khuôn hàm sắc, mũi cao lên, mái tóc cắt gọn gàng, tóc mái vuốt keo, bới ra sau. Chỉ có nụ cười và ánh mắt em vẫn thế. Cách em nhìn anh, cách em gọi anh. Em thay đổi mà như chẳng thay đổi.

Hưởng nhìn em, bao nhiêu tâm tư đổ tràn qua đôi mắt. Cửa sổ tâm hồn mở ra, soi chiếu bóng hình em vào đó. Có nhiều cách để anh lưu giữ hình ảnh em. Bằng đôi mắt, bằng trí nhớ, bằng bức vẽ, và Hách cũng muốn có ít nhất một tấm hình với anh.

Hách gợi ý.

"Hôm nào anh có thời gian thì mình đi chụp hình."

Đắt bao nhiêu cũng chụp, phải chụp để còn nhìn nhau thật kĩ mỗi lúc không có nhau bên cạnh.

"Mai em có lên lớp không?"

Hưởng cất lời lúc em nâng tay Hưởng lên, trông vào mấy vết sẹo trên bàn tay anh. Mấy vệt sẹo nom như một đoạn dây thừng, trên thân dây là những đường xoắn nối đuôi nhau. Chúng thuôn dần về hai đầu và phình ra như một túi khí bị bịt kín. Hưởng không muốn em xem, nhưng anh không thể từ chối bất cứ yêu cầu gì từ em được.

"Có." Em đáp. "Buổi chiều. Sao thế anh?"

"Gần đây không? Anh đưa em đi." Chẳng là Hưởng lại muốn được đứng lại nhìn về dáng lưng em lần nữa, giống tấm bé anh nhìn em đi học, giờ là nhìn em đi dạy. Sau này có lẽ là được nhìn em quanh quẩn bên cạnh mình. Một ước nguyện nhỏ nhoi mà không biết em có nghĩ giống anh không.

Thế rồi, Hưởng đâm lo. Anh chợt nghĩ, những hành động chạm khẽ vào nhau lúc bé có lẽ chỉ là một áng mơ hồ trong em. Em không nhớ về anh như cách anh thương nhớ về em, mà chỉ là nhớ về một người anh, một người bạn thân thiết. Hách xoa lòng bàn tay mình trên mu bàn tay Hưởng, anh lại muốn xoa tay mình lên gò má em.

Nếu em chỉ nghĩ về Hưởng là một người anh, có lẽ tương lai sau này sẽ khiến anh tàn rữa như chưa từng. Anh sẽ phải nhìn dáng lưng em dưới một hình thức khác. Nhìn em bước vào nhà thờ, trong lễ đường, nâng lên tấm khăn mỏng cho cô dâu của mình. Em rồi sẽ trở thành ông Lý và có một bà Lý. Hưởng cũng sẽ thành ông, nhưng là một kẻ già nua cô độc. Những màu xám ngắt đổ về cuộc đời anh tựa bão giông, Hưởng bị chôn vùi trong cơn bão mịt mù ấy, không sao thoát ra được. Vậy mà anh đâu dám tỏ lòng mình cho em nghe, anh sợ em chạy mất. Đến lúc đó thậm chí anh sẽ không còn được em nhớ về là một dáng hình thân yêu nữa, mà chỉ là một kẻ bệnh hoạn lạc loài mà thôi.

Đêm buông xuống, buồn hiu như cõi lòng Hưởng. Hách ngủ lại, em nằm bên cạnh anh, lặng im như tờ. Em nhắm mắt, nhẹ nhàng thả mình vào giấc mộng. Hưởng giật mình khi khuỷu tay cả hai chạm vào nhau, cảm giác bồi hồi chạy tứ tung trên cơ thể. Anh hít một hơi thật sâu, dán mắt lên trần nhà tối mù. Tiếng gió cựa quậy ngoài cửa, Hưởng hát một đoạn nhạc trong đầu mình.

Chiều một mình qua phố
âm thầm nhớ nhớ tên em
Có khi nắng khuya chưa lên
Mà một loài hoa chợt tím...

"Chiều một mình qua phố
âm thầm nhớ nhớ tên em
Gót chân đôi khi đã mềm
Gọi buồn cho mình nhớ tên."

"Em cũng hay hát bài này." Hách nắm hờ hai bên áo anh, ngồi đằng sau xe đạp Hưởng. Em nghe anh lẩm bẩm hát lúc cả hai đi ra khỏi con đường dẫn vào chung cư anh.

Hách nói thật. Cứ hôm nào, tầm chiều chiều, em đi dạy về, men theo con đường lại nhà, em lại nghĩ đến anh và bắt đầu cất tiếng hát. Chiều một mình qua phố, chiều một mình đơn côi bước đi dọc con đường, bên tai là tiếng bán buôn và sinh hoạt của người dân. Tiếng xe cộ, tiếng rao hàng, tiếng radio phát thanh từ một cửa hàng mình ngang qua. Tiếng gió thổi thốc, tiếng trí nhớ em lạo xạo rồi hiện lên gương mặt anh - gương mặt của mười năm trước, vì chính em cũng không rõ giờ trông anh như thế nào.

Hưởng cười, anh ước đôi bàn tay hai bên mình có thể vòng ra trước bụng, cho anh một cái ôm đúng nghĩa. Song anh chẳng hề hé môi, cứ để điều ước được trọn vẹn là một điều ước mà thôi.

Anh đưa em đến trường, mấy đứa học sinh tinh nghịch chạy đuổi nhau vào đến cổng. Hách leo xuống, tươi cười với anh một cái. Hưởng say mê nhìn em, muốn đưa tay lên miết nhẹ trên khóe môi đang cong lên của em. Nhưng khi anh còn mải đắm chìm, bên cạnh em đã xuất hiện một người khác.

Em giới thiệu với anh rằng đó là đồng nghiệp của em, chủ nhiệm một trong những lớp em đang giảng dạy. Hưởng cúi đầu chào, đồng nghiệp em cũng niềm nở chào lại. Hưởng nghe cả hai rôm rả về những điều mà anh chưa từng nghe, cảm giác lạc lõng tủi thân ùa vào lòng. Anh lẳng lặng leo xuống, nhấc xe quay đầu xe về. Hách chụp vội lấy tay anh, chào anh một câu trước khi cùng người kia vào trường. Anh lại đứng trông bóng lưng em, nay đang sóng vai cùng một bóng lưng khác. Anh thấy nụ cười của em rạng rỡ, và nụ cười người kia cũng vậy. Sự khác biệt ngoại hình giữa Hưởng và cậu ấy khiến anh muốn rụt mình vào chiếc vỏ vô hình trên lưng, lủi thủi như một chú rùa, bơi về với lòng đại dương sâu thẳm của nó.

Ta đã lớn lên mà không có nhau, thế nên dĩ nhiên mọi chuyện sẽ khác.

Hưởng bỗng muốn trốn chạy. Kì lạ thay, trong suốt những tháng năm đời người trong trận mạc, dù bị cám dỗ bởi phía ánh sáng lóe lên nơi cuối con hầm đào ngũ, Hưởng vẫn nhận thức được đó là điều sai trái và kéo bản thân về với hiện thực. Hưởng có thể để mình bỏ mạng nơi chiến trường chứ không bao giờ muốn trốn chạy vì bất cứ thứ ánh sáng hão huyền nào. Thậm chí có những lúc anh nghĩ mình đã đi dần đến cực hạn của bản thân, đến mức bật khóc không vì lý do gì. Có những hôm trời mưa, anh thấy uất nghẹn trong lòng. Nỗi nhớ luôn là thứ giằng xé, gặm nhấm và hành hạ con người hiệu quả nhất. Anh nhớ về những bóng hình mà anh biết dù anh có sống, anh cũng sẽ chẳng bao giờ được gặp lại. Là gương mặt lấm tấm những vết chân chim của mẹ, là âm thanh chuyện trò của xóm làng, là những người đồng đội cùng anh vào sinh ra tử, là em - là Đông Hách. Thế mà anh vẫn vượt qua được. Bằng một cách nào đó, giới hạn của anh dường như được kéo dài đến vô hạn. Nó dài mãi, dài mãi. Kéo ra đến mức độ khi một sớm anh mở mắt ra, đã được vài năm kể từ ngày Giải phóng.

Thời gian liến thoắng trên da thịt, cơ thể nhưng không làm mai một những vệt khốn khổ trên người anh. Hưởng không thể xóa bỏ ngoại hình mà anh cho là xấu xí. Anh ví như mình phải mặc một bộ giáp thô kệch mà không sao tháo gỡ ra được. Anh vô lực với nó, và anh phải chấp nhận chung sống với nó cả đời. Sẽ chẳng một ai chọn lựa kẻ xấu xí và bị chiến tranh vằm xé một nửa như thế. Một nửa có rất nhiều hình dạng. Mất đi chân tay là một nửa, mất đi người thân là một nửa, mất đi vẻ da thịt lành lặn là một nửa. Chỉ cần vẫn còn sống thì đã là một nửa còn sống, nhưng nào có trọn vẹn bao giờ? Hưởng có những định nghĩa kì lạ như thế, như cách anh từng cho rằng cảm giác anh dành cho Đông Hách là một cảm giác kì lạ và không có ai giúp anh giải quyết nó được. Vì lẽ đó, anh phải tự đối mặt với vấn đề của mình - một mình. Mọi vấn đề, tự đối mặt, một mình. Chưa từng có ai giúp được anh. Hưởng không biết nữa, có thể cuộc đời đang đưa ra tín hiệu với anh, rằng anh sẽ cứ như thế, đơn độc đến cuối cùng.

Nhưng Hưởng nghĩ, mình đã trải qua được chúng là bởi anh có động lực. Động lực của anh là em, là Đông Hách. Để khoảnh khắc anh nhận ra anh không tương xứng với em, để khoảnh khắc anh nhận ra sự chênh lệch về mọi phương diện giữa cả hai là nguyên do khiến anh không phải là người phù hợp để ở cạnh em, anh dường như đánh mất mọi thứ, vậy nên anh muốn trốn chạy. Anh muốn trốn đến một nơi thật xa, chạy đến một nơi anh được dừng lại và chỉ cần cố gượng để sống nốt cuộc đời nhạt nhẽo mà thôi.

Chiều, Hưởng lại chạy xe đạp đến đón em. Hách đợi anh trước cổng trường, cùng cậu Vinh - người vừa được em giới thiệu với anh ban trưa. Anh có mua cho em và anh hai ổ bánh mì trứng, bánh mì còn nóng hổi trên tay mà lòng anh như bị phủ một tầng sương nguội lạnh. Cậu Vinh dúi vào tay em hộp xôi, trông ngon lành hơn đôi bánh mì treo trên tay lái của anh nhiều. Thế là Hưởng cầm hai ổ bánh mì để ra sau lưng, cúi gằm mặt muốn quay đầu về.

"Anh Hưởng!"

Anh nghe tiếng Hách gọi anh, đột phát bên hông, khi anh chỉ vừa quay xe được một chút. Hưởng ngoái đầu nhìn em, vẽ lên môi một nụ cười gượng gạo, đắng ngắt và buồn sầu. Em nhận ra ngay lúc chạy về phía anh. Cậu Vinh bước liền theo sau em, Hách không hề tỏ ra phiền hà gì. Tà chiều rọi xuống, đôi bóng ngả lên vỉa hè, Hưởng rũ mắt trông hai cái bóng của hai người mà chỉ muốn ôm lấy cái bóng của mình. Hách bước đến, hiện hữu nhưng cứ xa vời trước mắt anh. Như đường chân trời ánh hồng, đẹp đẽ vô ngần, mà cũng cách xa vô tận.

"Anh sao thế?" Em mềm giọng, ôn tồn hỏi anh. Em đưa tay vén tóc mái Hưởng - mái tóc mà sau này, khi đã tạm biệt với súng và những ngày đánh trận, Hưởng cứ nuôi nó mọc dài mà chỉ cắt khi nó đã dài qua mắt, chắn đi tầm nhìn. Anh ngẩng mặt, lại cười với em. "Anh không sao." Hưởng hất cằm. "Em với cậu Vinh định ăn tối à?"

Hách lắc đầu.

"Em đang bảo mình sẽ ăn tối với anh."

Thấy Hưởng liếc qua hộp xôi trên tay mình, Hách quay người trả lại ngay.

"Cảm ơn Vinh, mình không định ăn xôi bây giờ."

Vinh cười trừ. Hưởng chợt thấy phấn chấn hơn một chút.

"Thế em muốn ăn gì?"

"Anh đã mua gì?" Hách nhón chân để tìm thứ Hưởng đang giấu sau lưng.

Anh đưa ra hai ổ bánh mì, Hách cười xoà.

"Đúng món em muốn ăn rồi."

Hưởng thấy liêu xiêu trong lồng ngực. Anh lại nở một cười vui vẻ, Đông Hách càng cười tươi hơn. Em chỉ tay về phía chỗ ghế bên hông trường để cả hai cùng ăn trước khi lại đèo nhau về. Cậu Vinh bị từ chối lúc ngỏ lời muốn ăn chung, Hách bảo em và Hưởng đã lâu mới gặp lại, vì thế nếu có thể, em chỉ muốn dành mọi thời gian rảnh rỗi để ôn chuyện với anh.

"Tập truyện Triền Xám là anh viết về anh đúng không?"

Triền Xám là tên cho những tập truyện mà Hưởng gửi đến tòa soạn báo. Hưởng đắn đo về cái tên rất nhiều. Một cái tên mà có thể đại diện cho tất cả hình ảnh, cột mốc quan trọng ghi dấu ấn trong cuộc đời Hưởng. Một cái tên ngắn gọn mà xúc tích, vượt lên trên cả hàng ngàn cái tên đầy mùi mẫn hay đanh thép khác mà anh có thể nghĩ ra. Anh chào đời mà không kịp thấy mặt cha, tám tuổi đón tin cha tử trận, mười tám tuổi đi lính, chập chững đầu hai thì nghe tin mẹ không còn, người yêu biệt tăm tích. Hưởng từng sống những tháng ngày với trọng trách nặng nề trên vai nhưng lại mang mục đích mơ hồ trong lòng. Hưởng thương nhớ một người mà anh chẳng thể biết rằng người còn sống hay không, Hưởng cũng chẳng cách nào bảo toàn được cho tương lai của mình sẽ sung túc. Hưởng phải chung đời với nỗi đau hiện hình là những dạng xấu xí trên thân thể, và chỉ biết lặng lẽ gửi gắm tình yêu qua mấy con chữ mà đôi lúc mới nhận được phản hồi từ độc giả một lần. Cuộc đời ở bên ngưỡng ngạch chơi vơi trơ trọi như thế, Hưởng tưởng hồn mình lạc đi đâu mất, chỉ còn thể xác hít thở như một cỗ máy tự động trên cõi trần này mà thôi. Bởi thế Hưởng lăn tăn nhiều đêm chỉ để nghĩ ra cái tên Triền Xám. Thời gian đã qua dốc như dải đất thoai thoải hai bên sườn núi, nặng trịch như đổ chì một màu xám ngắt tựa màu bom đạn khói súng, tựa màu thuốc lá lạc đi trong tiếng rầm vang, tựa màu chiêm bao hoài lởn vởn tâm trí, tựa hồn người đã vội tan trong bão lửa cháy, và tựa người tình chẳng biết có gặp lại được hay không. Hưởng đã đặt cái tên mà anh đã nghĩ rằng mình có thể cho mình vào cái tên đó, và biến nó thành mồ chôn của chính mình.

Hưởng gật đầu.

"Anh không biết làm gì mà lại cứ bị ám ảnh với quá khứ, nên anh chọn cách tái hiện nó qua bằng dáng hình của những con chữ."

"Trong thư em gửi anh, em từng bảo lý do em trở thành độc giả trung thành của anh là vì anh cho em những câu chuyện mà em luôn chờ."

Hưởng khựng lại, ổ bánh mì của anh mở ra. Mùi trứng ốp la như trở nên đậm hơn, lan đến đầu mũi. Hưởng tự trách mình rằng tại sao bấy giờ anh mới nhớ đến mấy lá thư? Rằng điều gì đã che mờ trí nhớ, khiến nội dung mấy lá thư ấy bị lấp vào quá khứ? Chính anh là kẻ đã bảo mình bị ám ảnh bởi điều đã xảy ra, thế mà cũng chính anh, lại vô tình bỏ qua điều có thể vỗ về mình.

Em đã bảo, "Tôi yêu một người lính".

Người lính duy nhất mà em ngóng đợi, người lính duy nhất khiến em ròng rã suốt mười năm, người lính làm em cười, người lính làm em khóc, người lính làm đôi mắt em lặng đi, người lính làm đôi môi em rạng ngời. Người lính đó không khá giả, sống trong một căn nhà nhỏ trong tòa chung cư, đi xe đạp và giờ là một gã nhà văn chẳng có gì nổi trội. Thế mà người lính ấy vẫn nắm giữ trái tim em, đem cho em biết bao nhiêu nhớ thương khắc khoải.

Hưởng chợt muốn khóc. Anh chưa từng muốn mình khóc khi còn tham gia chiến đấu, bị thương cũng cắn môi để máu chảy chứ nước mắt không rơi. Thế mà chỉ cần nhớ lại khoảnh khắc em thú nhận trong bức thư rằng em phải lòng một người lính, anh lại muốn dâng hiến hết nước mắt của mình cho em. Là những giọt cảm xúc vô tận và dào tuôn quanh năm.

"Anh có thể nghĩ người lính đó là mình không?"

Hưởng cúi đầu, nắm chặt ổ bánh mì trong tay.

"Anh nói gì thế?" Hách mỉm cười. "Người lính đó vốn là anh mà..."

Giọng em nhẹ đi, nhỏ dần về phía cuối. Tựa như khoảnh khắc anh bước đến ngày giờ vinh quang của Tổ quốc, mọi gánh nặng về cái chết cuối cùng cũng rệu rã dưới gót chân.

"Cảm ơn em." Hưởng lạc giọng, anh không khóc nhưng lòng anh đã nức nở. "Cảm ơn em, vì đã thương một người lính."

Cảm ơn em, vì đã chọn thương anh.

"Anh hút thuốc từ hồi nào thế?"

Hách ngồi với anh trên tấm chiếu mỏng lót lên giường gỗ có một bên chân trụ phải kê gạch. Chiếc đèn dầu đặt giữa bàn, trở thành trung tâm chiếu sáng cho cả căn phòng chỉ lác đác vài vật dụng cần thiết.

Cả hai nắm tay nhau, những ngón tay quặp lại, ôm khít vào mu bàn tay đối phương. Thi thoảng, Hách còn cạ đầu móng tay mình trên vết sẹo gần sát của anh. Giữa hai lòng bàn tay là một khoảng tối, Hưởng cố tính nắm chặt tay em hơn để khoảng tối đó dần lịm đi trong khoảng tối khác lớn hơn. Tựa như sự khắn khít ấy là một cái hố đen vũ trụ, nó nuốt trọn những gì xa cách nhất giữa cả hai.

Một cái nắm tay đầy khác biệt thời cũ. Khi lúc ấy, sự vội vàng và vụng về của một cái nắm tay chớp nhoáng không thể thỏa mãn được nỗi lòng mong chờ và khao khát nhưng lại chẳng thể thốt ra khỏi miệng, thì nay tựa một dấu chứng cho tuổi trưởng thành, được quyền quyết định tình cảm và mối quan hệ cả đời của mình, cái nắm tay lúc này làm xáo trộn cảm xúc trong cõi bờ tâm trí. Hưởng không muốn buông em ra, chỉ muốn ngồi cùng em, trong màn đêm tịnh mịch thế này lâu nhất có thể.

"Lâu rồi." Hưởng đáp lời em. "Tầm mười chín tuổi thì phải. Anh không tập tành, chỉ là anh nhận ra hương vị đắng ngắt của việc hút thuốc có thể xua bớt cái đắng trong lòng mình."

"Ở cuộc đời khác, nếu anh không đau khổ, anh đừng hút thuốc nhé." Hách tựa đầu lên vai anh. "Cũng đừng để bản thân gầy thế này, em xót lắm."

Hách không bắt anh bỏ thuốc, nó là thói quen và là vật kề cạnh trong suốt chặng đường của người lính của em, vì thế em chấp nhận chúng, tựa như cách em muốn nâng niu tất thảy vết tích trên người Hưởng vậy.

Thế rồi Hưởng nghiêm mặt, anh bảo nếu không có em, anh chẳng cần lấy một khắc đời sau làm gì. Em mỉm cười, nghiêng đầu nhìn anh. Em nói rằng vậy hãy đi tìm nhau, anh nhé. Anh đáp lại bằng một cái nắm chặt tay rồi thả lỏng về như cũ. Ân cần, khẽ khàng bằng một khoảnh khắc thôi song lại đủ để khẳng định một đời.

"Em hỏi anh một chuyện được chứ?"

Ngữ điệu Hách đột nhiên nghiêm lại, Hưởng vô thức dựng thẳng lưng. Nhận được cái xoa tay đi trên cánh tay mình, Hưởng dần thả lỏng hơn.

Anh gật đầu, Đông Hách lật lại vấn đề mà cậu đã nhận ra từ lúc mới gặp anh ban chiều.

"Sao hôm nay anh định chạy về trước vậy?"

Hưởng cắn môi, tạo một nỗi đau nhỏ lan trên môi mình. Nỗi đau hối thúc anh nghĩ ra một cái cớ thích hợp song đầu óc anh lại phản đối điều đó. Nó muốn thành thật. Mỗi lần bàn tay Hách mơn man trên cánh tay anh, anh chỉ muốn thành thật mọi thứ với Hách.

"Em thấy anh từ lúc anh băng qua đường nhưng Vinh gọi nên em không nhìn anh được nữa. Anh thấy không ổn ở đâu?"

Lời nói của Hách thấm nhuần vào anh, khiến Hưởng chậm rãi đổ gục trước em. Anh không dám nhìn thẳng vào mắt Hách vì anh sợ mình sẽ trở thành điều gì đó làm em phiền muộn. Hưởng biết em sẽ không thích suy nghĩ của mình, nó tiêu cực và như chống đối lại mọi sự cố gắng của anh. Chỉ là anh không thể xóa bỏ nó ra khỏi đầu. Nó tựa sóng xung kích của vô vàn đạn pháo xô nghiêng cơ thể anh, khiến bàn chân anh bứt rời khỏi mặt đất. Không ai là không bị ảnh hưởng tâm lý sau chiến tranh, Hưởng thấy mình yếu đuối như thể mọi giá đỡ mạnh mẽ nhất của anh đã tan tành ở hố đất nào đấy thời bom súng. Anh tự ti về ngoại hình của mình, anh không đổ lỗi cho tâm lý hậu chiến tranh nhưng anh tin hơi thở của thứ chất độc từ những làn khói mù đã xâm nhập vào máu anh, làm anh biến đổi, làm anh trở thành thế này. Rụt rè, lo sợ, không còn tin vào những điều giản đơn mà mình vốn có thể làm được. Tự tước mất cơ hội của mình, tự cho rằng những kết quả rồi cũng sẽ đi đến thất bại.

"Nói với em, nói cho em nghe đi, anh ơi?" Hách kéo anh ra khỏi guồng suy nghĩ. Em giống như chiếc phao bất ngờ xuất hiện giữa dòng sông chảy xiết, vớt anh lên mặt bờ yên ả không chuyển động. "Đã mười năm rồi em không được nghe anh nói, anh có biết em nhớ nhung âm thanh của anh đến nhường nào không?" Em rành mạch trong từng lời thuyết phục. "Giờ gặp lại nhau đây, anh không muốn nói gì với em sao?"

Đó là một cú đánh. Hưởng thầm nghĩ. Chưa từng có cú đánh nào làm lòng anh chao đảo đến thế. Nó buộc anh phải khai thác mọi điều, bới tung mọi thứ lên để phơi bày những gì thẳm sâu nhất trước người mình thương.

"Nhưng nó làm anh thấy xấu hổ. Anh không biết mình có nên kể em nghe không..."

"Hãy cho em biết mọi chuyện, Hưởng à." Hách nhẫn nại khuyên nhủ. "Anh là người em thương nhất ở chốn này. Em không muốn anh phiền lòng về những điều mà em không biết. Hãy chia sẻ với em, em sẽ lắng nghe và cho anh lời khuyên tốt nhất trong khả năng của em."

"Chuyện là-"

Hưởng vẫn chần chừ lắm, anh vò nhàu một bên vạt áo mình. Hách luồn mấy ngón tay vào trong lòng bàn tay đổ đầy mồ hôi đó, như thể bóc tách vỏ quýt, em bóc tách từng mảng tối rũ rượi cạn sức trong anh.

"Em nghe."

Giọng em êm dịu trong màn đêm, làm Hưởng lay động. Anh rút tay khỏi những cái siết chặt của em, bưng mặt mình hệt một kẻ ngây người sau một cơn chếnh choáng.

"Anh thấy mình xấu xí, Hách à. Cả người anh đầy rẫy sẹo, những vết sẹo với đủ loại hình thù trông đến là dị hợm và gớm ghiếc, anh không thể xóa chúng đi, đôi khi chúng còn khiến anh quằn quại thống thiết vào những đêm mưa trối trời."

Anh bộc bạch, giọng anh lên cao rồi lại lao xuống như một cánh chim bị bắn hạ trên bầu trời của nó. Chẳng một đám mây nào cứu nó, chẳng một cành cây nào đỡ lấy nó. Vết thương nó rỉ ra, máu nó loang dần, nhuộm đẫm lông cánh. Nó đau điếng, mệt nhoài mà vẫn phải gắng gượng để thoát khi tiếng đạn vụt nhanh qua đầu, sát bên đôi mắt đây thôi.

"Những đêm lạnh, cơn lạnh tràn vào cả giấc ngủ của anh, anh bị bóng đè, không sao lật qua lật lại được. Cả người anh co cứng, căng lên như bị chuột rút nhưng không sao thả lỏng. Mấy vết sẹo như có hồn, chúng la hét ầm ĩ trong tiềm thức của anh, chúng lôi anh về, quăng anh mạnh bạo vào những lần tay anh nhuốm máu và bên tai anh ù đi vì đạn lạc. Ý thức anh nhạt đi nhưng lại đậm màu vào những khoảnh khắc sắp chết. Anh nghĩ anh đã đối mặt với lưỡi hái tử thần nhiều đến nỗi không đếm xuể, thế mà anh còn chẳng sợ hãi tới vậy."

Chẳng còn gì bình thường nổi sau khi chiến tranh kết thúc. Dư âm của nó luôn là một trái bom phục sinh ngay sau khoảnh khắc nó phát nổ. Những người lính trở về, sà vào vòng tay gia đình hay lặng lẽ hiu quanh dưới mái nhà xập xệ thì cũng đều là nạn nhân của nó. Hầu hết, hầu hết đều cảm nhận được sự cô đơn lên men tâm hồn, những nỗi đau di chứng quanh trái tim, tất cả đều khiến lồng ngực nghẹt trong thứ mùi khói hư ảo rồi rã ra như bị phân hủy. Nếu không phải nỗi đau mọc rễ từ bản thân, nó sẽ là nỗi đau xuất phát từ bóng ma của đồng đội hiện về trong mỗi giấc ngủ. Hưởng bình lặn nhưng dường như lại phải trải qua cả hai. Đôi lần, anh nhớ về đồng đội khi có khúc ca bi đát từ đâu vang dội trong đầu, dồn dập tựa hàng ngàn bước chân hành quân, to dần, to dần, bao phủ lấy đầu óc. Cơn đau chạy quanh đầu, mang tai như vọng về hàng loạt tiếng trăn trối cuối cùng. Hoặc đôi khi, chính anh tự thấy mình quạnh quẽ trong căn phòng chẳng hề rộng lớn. Cái đẹp của "thời đại mới" khiến anh xa lạ. Một đôi mắt đã nhìn vào núi rừng rậm rạp hay những cái xác không nguyên vẹn quá nhiều nay không quen được với dáng vẻ tươi mới của phố phường. Nó làm anh thấy mình lạc lõng, như một kẻ chưa tiến hóa lạc vào một nơi đã phát triển hơn ngàn lần. Cái gì cũng quý giá hơn chính mảnh đất mà anh từng trân trọng, và cả con người, họ đẹp đẽ, vời vợi, sáng bừng tựa tia nắng ban mai, chứ không tối tăm như mây mù giống anh. Vậy nên anh thấy mình thua thiệt, và cái gì cũng là xa tầm với.

Kể cả em.

Hưởng không rõ tâm lý này có được gọi là một hội chứng không. Nhưng nó đay nghiến anh quá, dù anh xót đắng trong những lần tự bênh vực và động viên chính mình, anh cũng thấy không sao thoát khỏi nó được.

"Anh thấy em đứng cùng cậu Vinh. Cậu sáng ngời, trẻ trung, học thức và mặc áo sơ mi trắng, sơ vin trong quần tây đen dài có nếp, chỉn chu, chải chuốt, đẹp trai ngời ngợi. Cả hai nói về những chủ đề mà anh không tham gia vào được. Cậu Vinh nhìn em cười khác với nhiều người xung quanh em lắm, anh có thể nhận ra. Ở đây, nơi trái tim anh, anh ganh tị và anh tủi hờn, vì anh cũng nhìn em giống như thế, nhưng gương mặt anh tối hù vì hai ba vết sẹo như những lời nguyền rủa. Em có nhớ lần mình đi coi vở Kẻ khốn cùng không? Anh thấy mình y hệt nhân vật đấy, không xứng đáng với em nữa rồi. Mà thật ra, ngay từ đầu đã là không xứng đáng."

Những vết sẹo trong lòng bàn tay cọ lên mặt anh, khiến làn da anh lên án mối bận tâm đang cấu xé anh từng giây. Anh thở dài, dời mặt khỏi tay. Đôi mắt anh hấp háy nhìn vào ánh đèn dầu, không nhìn người bên cạnh đang lo lắng nhường nào. Anh buông thõng đôi tay mình, cảm nhận được hơi ấm từ em ùa vào bàn tay nhưng anh không đáp lại. Hưởng dựa lưng vào bức tường đã bong tróc mảng sơn lớn, tâm trí bỗng trắng xóa đờ đẫn. Anh nói hết rồi, cuối cùng cũng đã dốc hết đống đổ nát đè nặng trong lòng ra rồi. Hách có lẽ đã nghe, và nghe không sót một từ.

Sau này, một trong những điều may mắn nhất mà Hưởng nhận thức được đó là, vào thời khắc mà anh cảm thấy hoảng loạn vô cùng, Đông Hách - ở bên cạnh anh, vẫn dịu dàng, bình tĩnh.

"Anh nghĩ tại sao gia đình em xuất cảnh nước ngoài nhưng em vẫn còn ở đây?"

Hách hỏi anh. Sau khi nghe anh giãi bày khúc mắc, em chỉ hỏi anh một câu như thế.

Anh không trả lời vì vẫn lang thang đâu đó với sự nhẹ tênh bất ngờ, nhưng em biết anh vẫn nghe và hiểu những gì em nói. Hách quỳ lên, tiến gần đến bên anh, ôm lấy anh vào vòng tay của mình.

"Vì em đợi anh. Dẫu biết anh có thể sẽ không về, em vẫn muốn đợi."

Em xoa mái đầu Hưởng, ôm ghì lấy Hưởng hơn khi cảm nhận đôi tay anh đang chầm chậm đưa lên, vo lấy lưng áo mình.

"Hưởng, em thương anh mà."

Em nỉ non thay cho những động chạm ân ái lên tàn tích trên người anh. Nỗi đau này của anh, em biết nó sẽ còn kéo dài. Nhưng hãy tin rằng vì em ở đây rồi, nên dù dài đến đâu, em sẵn sàng dành cả cuộc đời của em để chữa lành nó.

Mười năm không đi được cùng nhau, em sẽ đền cho anh thật nhiều mười năm khác.

Bởi ít nhất thì, anh có em ở đây rồi.

Tập cuối của Triền Xám.

Cuối năm 1980, tôi gặp lại em sau mười năm xa cách.

Sau chiến tranh, tôi có di chứng. Đồng thời, tôi cũng chợt nhận ra mọi quyết định của tôi đều dẫn tôi đến gần em hơn.

Khoảnh khắc chuyển giao sang giây phút đầu tiên của Tết năm 1981, lịch âm, chúng tôi trao nhau nhiều cái hôn nồng, cùng đôi bàn tay mơn trên gò má. Gió xuân luồn vào nhà qua ô cửa sổ, không còn là tiếng gió cào của những đêm tôi động mình vì giấc chiêm bao. Tôi nằm cạnh bên em, khi hơi thở cuối cùng cũng có thể đều đặn trong một giấc ngủ dài.

Giấc ngủ đầu của tôi sau mười năm, yên ả, thanh bình, chẳng mộng mị và không có một bóng ma nào vây quanh.

Hỡi ôi, em là phép mầu nhiệm của đời tôi. 



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#markhyuck