Chương 2: Cuộc chia ly

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Mười ba năm trước.

Ngày ba mẹ Lam chính thức ly hôn, ông Hùng - bố của Lam dọn dẹp hết đồ đạc về quê nội. Trước kia ông cưới mẹ Lam, ông bà ngoại cắt cho hai vợ chồng trẻ một mảnh đất nhỏ để xây nhà. Hai vợ chồng cùng nhau làm ăn, cũng góp đủ tiền trả nợ và nuôi hai đứa con. Khi gia đình khá giả hơn đôi chút, ông Hùng bắt đầu dính vào những trận cá độ, lô đề không hồi kết, số tiền nợ ngày càng lớn hơn. Hai vợ chồng cãi nhau to, và cuối cùng quyết định ly hôn.

Nếu như ban đầu không có Lam, ông Hùng và bà Thủy sẽ chẳng cưới nhau, cũng sẽ không có bi kịch như hiện giờ. Lúc đó Lam vẫn còn nhỏ, một cô nhóc mười ba tuổi, chỉ biết rằng bố mẹ không yêu bản thân, em gái còn nhỏ nên được giao cho mẹ nuôi, vì thế bố mới phải nuôi cô.

Hôm về quê nội, ngồi trên chiếc xe khách đầy người, nóng bức và chật chội, Lam cảm thấy ngột ngạt, khó thở vô cùng. Chiếc xe khách đâm vào ổ gà liên tục, con đường uốn lượn, gồ ghề khiến toàn thân Lam lơ lửng, bụng cô bắt đầu nôn nao khó chịu, cảm giác ruột gan lộn hết lên rồi cuốn chặt vào nhau theo từng cú nảy.

Lam nhìn sang bố, bố cô dựa vào thành ghế ngủ ngon lành, cô không dám đánh thức bố thế nên Lam cố nhịn, cơn buồn nôn trào đến cổ họng cũng bị Lam cố nuốt xuống. Lam ôm chặt bụng, gục đầu vào ghế đằng trước, cả người cô khẽ run lên, khóe mắt hơi ươn ướt.

Nhưng cuối cùng, Lam cũng không chịu được, cô nôn hết ra bát mì mới ăn buổi sáng, bụng quặn lại, cổ họng bỏng rát, muốn ngừng lại nhưng cơ thể cứ như một cỗ máy, ép đống đồ ăn trong bụng trôi tuột ra ngoài.

Nhìn thấy con bé nôn, mấy người khách đứng cạnh vội vàng nhấc đồ lên và lùi lại, tránh xa "bãi chiến trận" của con bé, con bé vẫn nôn thốc nôn tháo, đống đồ ăn chưa kịp tiêu hóa trào ra, đầy trên sàn xe, cái mùi ngai ngái khó chịu ấy khiến ai ai cũng đưa tay lên che mũi. Một vị khách bực bội lên tiếng:

- Ôi cái con bé này nôn hết ra xe rồi, không biết lấy túi bóng à? Bố mẹ đâu rồi, nhanh ra dọn cho con đi này.

Cô lơ xe nghe thấy liền bước lại gần xem xét tình hình, còn bố Lam thì vẫn ngủ như chết, sáng nay ông nốc hết một cốc rượu trắng đầy, còn tỉnh táo mới lạ.

Cô lơ xe nhanh tay đưa cái túi bóng trắng cho con bé, cố cách xa đống bầy nhầy trên sàn, nhăn mặt tỏ vẻ khó chịu rõ ràng. Lam cầm lấy túi bóng hứng, nhưng cũng chẳng còn gì nữa, bụng cô trống rỗng nhưng vẫn nôn nao khó chịu kinh khủng. Ông bác to lớn ngồi sau vỗ vai bố cô thì ông mới tỉnh dậy, ngơ ngác nhìn đứa con gái của mình.

- Ôi bao nhiêu tuổi rồi còn đù thế này?

- Nôn không biết xin túi bóng à? Giời ơi, mùi kinh quá!

- Eo ôi, kinh quá, ra hết sàn rồi.

Những lời trách móc khiến Lam vừa sợ hãi vừa xấu hổ, cô cúi gằm đầu xuống, tay nắm chặt lấy cái túi bóng, trái tim đập liên hồi, dây thần kinh căng ra, mọi giác quan đều trở nên nhạy cảm đến lạ, cô nghe rõ được lời chê trách của mọi người, cảm nhận được rõ bản thân đang làm phiền đến rất nhiều người. Tất cả cảm xúc đều hóa thành những giọt nước mắt nóng bỏng chảy dài trên mặt Lam, nhỏ giọt xuống đầu gối.

Cô bé co rúm người lại, lo sợ rằng bố sẽ mắng cô, hoặc thậm tệ hơn là một trận đòn bằng cán chổi hoặc cây củi cứng ngắc. Nỗi lo sợ bao trùm, xen lẫn với sự xấu hổ khiến Lam run bần bật, hốc mắt cứ như vòi hỏng van, nước mắt chảy ra không thể ngừng lại được, cô nấc lên từng tiếng nghẹn lòng.

Một tờ giấy ăn hiện ra trước mặt Lam, cô hơi ngẩng đầu lên, đủ để nhìn thấy người đang đưa giấy cho mình là bố.

- Lau đi, say xe thì phải nói chứ. - Ông Hùng nhắc nhở Lam, hai hàng lông mày nhíu chặt lại, lòng mắt đã xuất hiện tia máu đỏ rực, sau đó ông quay sang nhìn cô lơ xe - Tôi xin lỗi nhé, con gái tôi còn nhỏ, tiền rửa xe bao nhiêu để tôi trả cho cô.

Sau đó cô lơ xe đành ra một cái giá để giải quyết mọi chuyện êm đềm. Xe dừng lại một trạm rửa xe, hành khách đều xuống xe vào quán nước chờ đợi, cái nóng mùa hè đổ lên đường nhựa, bốc lên hơi nóng khiến cho không khí cong cong như làn sóng trong suốt mờ ảo.

Mọi người chen chúc ngồi quanh bồn cây, tranh nhau cái bóng râm của cây trứng cá, tránh đi cái nắng bỏng rát da thịt của mùa hè, dưới nền gạch cả đống quả trứng cá đỏ mọng rụng đầy gốc, đôi quả bị dẫm lên chỉ còn cái xác thâm xì, mùi hương ngọt ngào lan tỏa trong không gian.

Lam vẫn cúi gằm đầu, hai tay nắm chặt vạt áo sơ mi trên người. Giờ đây cô trở thành tội đồ của cả chuyến đi này, cảm giác tội lỗi như sợi dây thừng trói chặt Lam lại, những giọt nước mắt vẫn cứ đua nhau rơi xuống.

Tiếng ve kêu rạo rực, tiếng xe cộ đi lại, tiếng nói chuyện ầm ã cả một vùng, khiến cho lòng con người ta não nề. Thỉnh thoảng lại có một vài vị lữ khách dừng lại, vào quán nước nghỉ ngơi giữa một chuyến đi dài. Cái nóng mùa hè cứ thế đổ xuống mặt đường, mồ hôi trên trán Lam vã ra, chảy đầy trên khuôn mặt cô, con bé khẽ chớp mắt khiến mồ hôi chảy vào mắt, cay xè.

- Mùa hè năm nay nóng thật đấy.

- Cả tuần chưa mưa trận nào rồi, cứ thế này thì chết mất.

Mọi người xung quanh đều đang than thở về sự nắng nóng khắc nghiệt của thời tiết, ai nấy đều dùng tay vẩy mạnh để cho đỡ nóng. Ông Hùng đi vào trong quán, mở tủ lạnh lấy chai trà xanh không độ rồi đến chỗ bà chủ đang ngồi nghe chiếc đài cát xét cũ. Ông nhét tay vào túi quần, lôi ra một tờ hai chục nghìn nhàu nát ra đưa cho bà chủ.

- Cho thêm một cốc trà đá nữa nhé. - Ông giơ chai nước lên cho bà chủ xem rồi nói.

Lam thu mình ngồi gọn một góc bên cạnh bồn cây, cơn gió hiếm hoi trong một ngày thổi qua, khiến vài quả trứng cá mọng nước rơi la liệt trên mặt đất. Con bé cứ nhìn xuống mặt đất, như đang nhìn một bức tranh tĩnh vật trong cuốn sách giáo khoa mỹ thuật. Hồn bay theo cơn gió, trở về thời điểm đêm hôm trước.

Khi cô giáo chủ nhiệm thông báo với cả lớp Lam phải chuyển đi, có người buồn, có người vui, mấy đứa bạn thân hay chơi cùng Lam cứ quấn lấy bên cạnh con bé, thủ thỉ về những kỷ niệm ngày trước.

Buổi tối trước hôm đi, mấy đứa nhóc cùng chạy sang nhà Lam, bốn đứa chen chúc trên cái giường ọp ẹp của con bé. Buổi đêm mùa hè ở vùng quê, tiếng dế kêu râm ran khắp nơi khiến mấy đứa trẻ nhớ những ngày cùng nhau chạy trên cánh đồng để bắt dế và châu chấu.

- Chúng mày nhớ lần mình đi hái trộm ổi nhà bà Năm, xong bị con Mực đuổi đến mức mất cả dép không? - Cái My giơ tay lên, đèn ngủ chiếu lên tường khiến bóng đen của tay nó hiện lên trên bức tường, con bé nhìn cái bóng trên tường, nghịch ngợm tạo thành hình các con vật ngộ nghĩnh.

- Nhớ chứ, con Mực cắn rách dép tao, làm bố đuổi đánh tao khắp xóm mà. - Lam lên tiếng, con bé nhớ lại đôi dép gấu đáng yêu bị chú chó nhà hàng xóm cắn đến đáng thương, lòng thấy tiếc hùi hụi.

- Nhớ lần thằng Sún trèo lên cây lấy diều cho con Lam, xong ngã gãy chân luôn không? - Cái Cẩm nhìn lên đỉnh cái màn cũ được chắp vá khắp nơi, lòng nó bồi hồi khi nhớ lại những kỷ niệm.

- Nhớ chứ, lần đấy tao sợ quá, khóc cả buổi luôn mà. - Lam nhớ lại ngày hôm đấy, nhớ những lần bọn nó nghịch dại cùng nhau, lòng cô bồi hồi khó tả.

Ba đứa vừa ôn lại những kỷ niệm tuổi thơ vừa cười vui vẻ, khắc lên màn đêm vùng quê một mảnh trời màu hồng xinh đẹp và đầy thơ mộng. Rồi chúng nó kể thêm về chuyện trên lớp, về bài văn thi cuối kỳ của chúng, về nhà vệ sinh ọp ẹp mà mấy đứa học sinh thà nhịn vệ sinh chứ chả muốn vào, nhưng cứ đuổi đánh nhau là nó lại trở thành nơi trốn lý tưởng của bọn nhóc.

Cứ thế chúng nó như đang tua lại thước phim tuổi thơ, với vô vàn kỷ niệm vui buồn. Kể hết chuyện, ba đứa lại ôm nhau khóc, vì chúng nó sắp phải xa nhau rồi, như cuộc chia ly của những con búp bê, đây là cuộc chia ly của chúng nó - ba đứa trẻ đã cùng nhau lớn lên trong cái xóm nhỏ ở tỉnh Hưng Yên.

- Lam đi mạnh giỏi nhá, thỉnh thoảng phải vào Facebook nhắn tin với bọn tao đấy! - Cẩm ôm lấy Lam và sụt sịt nói.

- Ừm.

Lam gật đầu, nước mắt lưng tròng, con bé không nỡ rời xa những người bạn cùng mình lớn lên. Lam cũng sợ khi đến chỗ mới sẽ chẳng thể quen thêm những người bạn thân như vậy. Con bé rất nhút nhát, khó khăn lắm mới mở lòng thân thiết với Cẩm và My. Vậy mà cô sắp phải xa hai đứa nó rồi.

- Tao sẽ nhớ mày lắm Lam ơi, hu hu... - Cẩm khóc to, lau nước mắt nước mũi giàn giụa vào vai Lam.

- Tao cũng nhớ hai đứa mày lắm. - Lam nghẹn ngào.

Lam nghĩ, có lẽ cô sẽ đem theo những kỷ niệm tuổi thơ tươi sáng ấy bên mình, như sự an ủi những tổn thương trong tim. Cô muốn mãi mãi khắc ghi trong tim, dáng vẻ của mình khi hạnh phúc là như thế nào, ghi nhớ những người bạn góp một phần sắc màu lên bức tranh tuổi thơ của mình.

Ba đứa ôm nhau khóc, chúng nó nghĩ chúng nó sẽ thức nguyên đêm, vì đây là đêm cuối chúng nó được ở bên nhau rồi. Nhưng đến gần sáng, khi gà trống đã bắt đầu gáy thì chúng nó ngủ thiếp đi, đến tận lúc bố Lam vào gọi con bé dậy để chuẩn bị đi. Cẩm và My vừa dậy đã bị bố mẹ gọi về ăn sáng.

Mẹ Lam thì dậy từ sớm đi chợ mua đồ, nấu mì cho hai bố con. Lam ngồi trên bàn nhìn theo từng hành động của mẹ, nhưng bà Thúy chẳng dám nhìn con bé, có lẽ là sự áy náy của một người mẹ khi không chăm sóc được cho con gái mình. Nhưng Lam thì vẫn nhìn mẹ, mong chờ một câu dặn dò, nhưng bà chẳng nói gì, chỉ để mì trên bàn cho hai bố con, rồi chui tiệt vào bếp, tất bật nấu cám cho lợn.

Trong lòng Lam lúc đó nghĩ rằng cô không quan trọng bằng đàn lợn của mẹ. Lợn bán còn được tiền, nuôi Lam chỉ tổ tốn tiền thêm thôi. Giá mà Lam cũng nói nhiều, hoạt bát và biết làm mẹ vui như cái Hồng thì tốt rồi.

Lam lặng lẽ húp mì, mùi vị đậm đà quen thuộc của món mì mẹ nấu khiến hai mắt Lam dưng dưng, món mì của mẹ cô nấu vô cùng đặc biệt, mùi vị mà cô thích mê. Nhưng có lẽ đây là lần cuối cô được ăn món mì này rồi.

Cái Hồng thức dậy, tay ôm con gấu bông bước ra ngoài phòng khách, vừa dụi mắt vừa ngáp ngủ. Con bé vẫn còn nhỏ, nó chẳng hiểu chuyện đang diễn ra với gia đình nó. Nó chỉ nghe mẹ nói, bố với mẹ không ở với nhau nữa, bố phải đưa chị nó phải về quê nội, ở mãi trên Thái Nguyên cơ.

Nó ngoan ngoãn bước đến ngồi xuống ghế, la lên gọi mẹ. Ông Hùng thấy cô con gái cưng, vội buông đũa, quay sang xoa đầu con bé.

- Dậy rồi à con, bố bón cho nhá! - Ông Hùng dịu dàng.

- Bố sắp phải đi rồi ạ? - Hồng chớp chớp mắt.

- Ừ, bố về nhà bà nội để chăm sóc bà. Bao giờ nhớ bố thì gọi điện thoại hoặc bảo mẹ đưa về chơi với bố nhé!

- Dạ, bố nhớ ăn nhiều, không được uống rượu nữa đâu, phải thật khỏe mạnh, lúc nào con nhớ bố con sẽ lấy điện thoại mẹ gọi. Bố phải nghe đấy!

- Ừ, con gái rượu của bố gọi thì bố phải nghe chứ! - Ông Hùng mỉm cười, bế hẳn cái Hồng lên đùi - Hồng nhà mình có nhớ số điện thoại bố không?

- Con nhớ ạ. - Cái Hồng giơ tay xoa xoa bộ râu lởm chởm của bố nó, thích thú cười khanh khách - Nhưng mà bố không được yêu chị Lam hơn con đâu.

- Ừ, yêu Ánh Hồng nhất!

Ông Hùng cụng đầu với con bé, hốc mắt đỏ hoe, ông yêu con bé Hồng lắm, tại vì con bé lanh lợi, hay sấn lại gần ông để vuốt ve bộ râu lởm chởm kia. Đứa trẻ duy nhất thích lại gần ông, cho dù khuôn mặt cọc cằn, làn da đen sạm, đôi lông mày nhíu chặt của ông khiến cho mấy đứa trẻ nhìn thôi đã sợ mà chạy đi mất hút.

Ánh Hồng là tia nắng nhỏ đem lại niềm vui cho tất cả mọi người, còn Vân Lam thì giống như một cơn mưa nặng hạt, bao trùm một màu xanh buồn man mác trên khuôn mặt nhỏ ấy.

...

- Ngồi đực ra đấy làm gì, uống nước đi, có tí chuyện thôi khóc với lóc cái gì? Mày bao nhiêu tuổi rồi mà như trẻ con thế hả Lam?

______

Truyện sẽ có ba giai đoạn: cấp hai, cấp ba và hiện tại (đã đi làm)

Và tôi nghĩ là mạch truyện đi chậm vì có nhiều idea quá, nhưng sợ mọi người đọc bị chán:)))))))


Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro