Thơ về Hoài Âm Hầu Hàn Tín

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Thói đời đâu thiếu trái ngang
Có câu "điểu tận cung tàng" (1) nghe chưa?
Tề Vương (2) trung nghĩa có thừa
Ấy mà vẫn phải chịu thua lòng người.

Tài năng thấy rõ mười mươi
Khuyên can Hạng Vũ chỉ cười không nghe (3)
Lại đem hổ thả cho về
Ngày sau thiên hạ mới về Lưu Bang.

Trương Lương là kẻ khôn ngoan
Biết ngay cơ hội hạ màn không xa
Bèn đưa đôi kiếm Tương - Tà (4)
Đi cùng anh kiệt mới là không sai.

Phạm Tăng nghe chuyện một hai
Khuyên rằng Hàn Tín có tài, phải tru (5)
Sở Vương (6) lúc ấy cười hừ
Không thèm dùng Tín, đem trừ cũng không.

Thế là cá chép hóa rồng
Đánh Tề phạt Triệu, một lòng trung trinh (7)
Theo vương chẳng nghĩ thân mình
Đem dâng thiên hạ, trả tình khi xưa. (8)

Nhưng ôi thế sự khéo đùa
Ta đem trả nghĩa, người lừa hại ta. (9)
Hay cho kẻ sĩ Tiêu Hà
Hay cho một đám đàn bà tiểu nhân (10)
Hay cho vua Hán vong ân
Hay cho những kẻ cận thần khua môi.

Thôi thì đã phận làm tôi
Mà tài át chúa, muôn đời thiệt thân
Cái gì khai quốc công thần
Tru di ba họ, còn cần hỏi sao? (11)

***

(1) Điểu tận cung tàng: Lấy từ câu  Phạm Lãi gửi cho Văn Chủng 高鳥盡, 良弓藏; 狡兔死, 走狗烹 (cao điểu tận, lương cung tàng; giảo thố tử, tẩu cẩu phanh) ý nói chim hết thì cung tốt cũng bị cất, thỏ chết thì chó tốt cũng bị nấu thịt. Ý nói thời loạn mới cần tướng giỏi, thời bình tướng giỏi liền thành họa ngầm, phải bị trừ khử.

(2) Tề Vương: ý chỉ Hàn Tín

(3) Hạng Vũ coi Hàn Tín là xuất thân nghèo hèn, nhiều lần bày mưu nhưng Hạng Vũ không dùng. Hạng Vũ bày Hồng Mông Yến định giết Lưu Bang, cuối cùng lại tha. Khi ra về, Trương Lương hỏi Hàn Tín, lúc ấy chỉ là một tên lính canh, đang cười, rằng vì sao lại cười. Hàn Tín bảo:"Phạm lãi uổng phí tâm cơ, Trương Lương giỏi biết chân chúa. Hôm nay thoát nạn Hồng Môn, ngày sau trấn giữ hoàn vũ." Ý rằng Hạng Vũ thả Lưu Bang, khác nào giao long nhập biển, thả hổ về rừng, sớm ngày có đại họa.

(4) Trương Lương lúc ấy muốn tìm một người giúp Lưu Bang cầm quân định thiên hạ, người đó chính là Hàn Tín. Ông giả làm người bán kiếm, tặng cho Hàn Tín Can Tương Mạc Tà, nói rằng người xứng với kiếm nên không lấy tiền, nhờ đó Hàn Tín nghe lời ông bỏ Sở theo Hán.

(5) Phạm Tăng khi nghe nói Hàn Tín có ý theo Hán, biết tài của ông bèn khuyên Hạng Vũ nếu không dùng Tín thì phải giết, nhưng Hạng Vũ coi Tín là kẻ thấp hèn, không dùng cũng không giết.

(6) Sở Vương: ý chỉ Hạng Vũ

(7) Hàn Tín sau khi theo Hán thì bình định Tam Tần, đánh Ngụy, lấy Triệu, thu Yên, phạt Tề, chiến Cai Hạ, vây kín quân Sở, Ngu Cơ chết trong thành, Hạng Vũ phải đâm cổ tự sát.

(8) Mặc dù khi có binh quyền trong tay, Khoái Triệt khuyên ông chia ba thiên hạ, nhưng ông không nghe. Có thể nói quá nửa giang sơn nhà Hán là Hàn Tín mang về. Các sử gia đánh giá rất cao công lao của ông, cho rằng Tín theo Hán thì Hán thắng, Tín theo Sở thì Sở thắng.

(9) Hàn Tín trước thì bị Lưu Bang cướp ấn tín, binh quyền, sau thì bị Lã Hậu lừa vào cung bắt trói, vu cho tội làm phản, bị hành hình xẻo mũi, róc thịt, ném xương cho chó ăn, ba họ đều bị giết.

(10) ý chỉ đám Lã Hậu, Tiêu Hà, Trần Bình.

(11) Tru di ba họ tức là giết ba họ: họ bố, họ mẹ, họ vợ. Đây là một hình phạt vô cùng tàn khốc, ở Việt Nam vụ án nổi tiếng nhất là án Lệ Chi Viên.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#tho