Mây Trong Gió

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

#1. Mùa mưa năm ấy, anh cho tôi sự quan tâm đầy ấm áp (Vân)

Tôi lên chuyến xe đi Sài Gòn vào một đêm mưa tầm tã. Những cái níu tay và lời dặn dò của ba mẹ không làm tôi bớt đi sự căng thẳng và hoảng hốt trong lòng. Xe chạy, bóng tối lờ mờ bắt đầu chiếm ngự cả con đường đất đỏ, vài vệt sáng từ những chiếc đèn đường lướt qua. Con đường quen thuộc mà tôi vẫn thường xuyên đạp xe qua lại bỗng trở nên xa lạ vào đêm nay.

Chiếc ba lô màu đen đã cũ mèm được tôi ôm chặt vào lòng. Mùi mồ hôi, mùi ẩm mốc của quần áo ướt, lẫn với mùi cơ thể của những người trên xe làm tôi khó chịu. Đường quê nhiều ổ gà ổ vịt, trời lại đang mưa nên xe xóc nảy đến rợn người. Tôi bấu vào chỗ tay cầm đằng sau của chiếc ghế, cố gắng nuốt vào thứ nước chua chua vừa xộc lên cổ họng.

Mưa ngoài trời vẫn không ngớt, nhưng đã ra quốc lộ nên đường ít xóc nảy. Xe chạy êm, mặc hạt mưa nghiêng nghiêng quất vào tấm kính chắn gió. Qua khung cửa sổ đã nhòe nước và trở nên mờ đục, những ánh đèn từ hàng quán bên đường đập vào mắt tôi, trông như những ngôi sao trên cao vậy.

Bác tài bật nhạc, không phải nhạc pop, cũng chẳng phải bolero. Hình như là nhạc cổ điển, bài hát tên gì tôi chả rõ, nhưng khá hay. Mọi hành khách cũng trầm mặc thưởng thức bài hát. Tôi nhắm mắt, nhưng vẫn không tài nào ngủ được.

Mười hai năm đi học, vừa chia tay mái trường cấp ba là đã phải vùi đầu vào tìm kiếm trường đại học, chìm trong những tập hồ sơ và mải quên ăn quên ngủ với những xấp đề cương thi tốt nghiệp cao như núi. Ai chưa trải qua ắt chẳng thể hiểu được thứ áp lực vô hình này làm con người ta mệt mỏi đến dường nào. Tôi đã không ngủ ngon giấc suốt hai tháng kể từ ngày làm lễ trưởng thành ở trường cấp ba cũ, những buổi phụ đạo và diễn văn định hướng thi đại học làm tôi choáng váng. Đối với tôi, một ngày hai mươi tư tiếng không bao giờ là đủ để tôi hoàn thành hết những công việc ấy, vậy nên tôi không dám cho mình một giấc ngủ trước bốn giờ sáng.

Tỉnh mà tôi ở là tỉnh nghèo, chỉ có vài mống trường cấp ba. Sau vài ngày lướt web với mấy đứa bạn, tôi quyết định thi vào Đại Học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Hồ Chí Minh. Tuy điểm đầu vào cũng khá cao, nhưng đúng chuyên ngành nên tôi cũng muốn thử sức một lần.

Vừa xong buổi lễ tổng kết, ba mẹ tôi đã hối hả mua vé xe tiễn tôi lên Sài Gòn, bảo lên sớm để làm quen với môi trường, biết đâu đậu nguyện vọng 1 luôn thì sao. Tôi ậm ừ, rồi vẫn theo ý ba mẹ mà ra đi.

Còn chưa đầy một tháng nữa là đã đến thời điểm thi tốt nghiệp. Tôi không dám lơ là việc ôn thi, cho dù là đang ngồi trên xe đi nữa. Đẩy đẩy gọng kính dày cộm theo thói quen, tôi vội lôi một xấp đề cương ra học. Những bóng đèn neon nhỏ trên trần xe không đủ chiếu sáng, tôi đành lấy chiếc điện thoại cục gạch ra soi rồi lại tiếp tục lầm bầm học.

Mùi thuốc sát trùng thoang thoảng hoà với mùi dầu gội X-men nam tính của người bên cạnh làm thần kinh đang căng thẳng của tôi bất giác thả lỏng. Tôi hơi tò mò, nghiêng đầu nhìn.

Đập vào mắt tôi đầu tiên là màu trắng tinh nơi chiếc áo sơ mi của người đàn ông. Thấy tôi nhìn, anh ta gật đầu, đuôi mắt hơi cong cong, môi nhẹ nâng tỏ vẻ thiện ý. Do thiếu ánh sáng, tôi không nhìn rõ diện mạo của anh, chỉ biết rằng anh có một đôi mắt rất đẹp và sống mũi cao thẳng. Ngây ngốc một lúc, tôi mới nhận ra mình đã ngắm anh rất lâu, hơi ngại ngùng, tôi cười cười và đưa ánh mắt đi nơi khác, chẳng dám nhìn anh nữa.

"Em lên Sài Gòn thi Đại Học đúng không?"

Một lát sau, anh chàng thì thầm vào tai tôi một câu hỏi. Lỗ tai có cảm giác như có một con sâu róm đang không ngừng bò ra bò vào làm tôi vội nhích ra một chút rồi ngượng ngùng gật đầu với anh ta. Hình như cũng phát hiện tôi không thích anh thì thầm vào tai mình, nên anh rút chiếc bút bi kẹp ở túi áo rồi viết lên lòng bàn tay tôi một hàng chữ.

"Ôn tập là tốt, nhưng đừng để đồng hồ sinh học bị đảo lộn, như thế sẽ dễ mệt mỏi và mất cân bằng sinh lí. Nên uống nhiều nước và hoa quả, bí đỏ cũng rất tốt cho hoạt động của trí não. Trước ngày thi nên đi đâu đó thư giãn một chút, đừng để thần kinh căng thẳng quá, làm bài không tốt đâu. Được rồi, chúc em thi tốt nhé."

Mấy kiểu thư giãn trước khi thi thì các anh chị khoá trước đã truyền đạt cho tôi rồi, chỉ là khi anh viết những chữ đó vào tay mình, tôi bỗng cảm động đến lạ. Tự hỏi bản thân, rằng trước kia đã có người con trai nào nói với tôi những lời như thế này chưa?

Anh ta có biết những chữ vừa rồi đã chạm đến nơi mỏng manh nhất trong trái tim tôi rồi hay không? Hay chỉ là lòng thương hại và cảm thông của một người đã trải đời làm anh viết ra dòng chữ này?

Mải miên man với những ý nghĩ mông lung, tôi không rõ mưa đã tạnh và mặt trời cũng lên cao từ lúc nào. Xe dừng. Bóng dáng anh khuất trong một chiếc taxi đỗ xịch bên đường. Tới lúc ấy tôi mới bần thần nhận ra bản thân quên mất câu cảm ơn. Vội vàng chạy theo, nhưng chiếc xe đã lăn bánh. Anh thậm chí cũng chẳng ngoái đầu nhìn một lần để biết được tôi đã hét câu "cảm ơn anh" giữa con phố đông đúc người qua lại như một con dở.

__

Sài Gòn nhộn nhịp và đông đúc hơn tưởng tượng trước kia của tôi rất nhiều. Xe cộ nườm nượp qua lại. Không khí cũng đặc quánh một "chất" riêng. Mẹ đã dặn tới nơi thì báo cậu Út ra đón rồi gọi điện về nhà nói tin bình an cho ba mẹ yên lòng. Tôi không dám cãi lời bà, vì thành phố này dẫu có nhộn nhịp thì cũng quá đỗi xa lạ với tôi.

Cậu là em trai út của mẹ, nhưng chúng tôi cũng chỉ gặp nhau đúng hai lần vào tết năm ngoái. Tiếc rằng hai lần gặp ấy không đủ khiến cho khoảng cách giữa chúng tôi gần lại. Nếu không có tiếng gọi cậu - cháu, ắt hẳn chẳng ai biết mối quan hệ giữa chúng tôi. Ngồi trên chiếc ô tô sang trọng, tôi bất giác lại nhớ tới anh chàng kia. Lòng bàn tay vẫn in hằn nét chữ của anh ta, tôi cố ghi nhớ thật kĩ, để không quên mất nó, rồi dùng bàn tay còn lại chà sát thật mạnh để những chữ ấy nhoè đi.

Cậu hỏi tôi có muốn ăn gì đó trước khi về nhà không, tôi đáp không. Bây giờ tôi chỉ muốn ngủ một giấc thật ngon, để bù cho một đêm thao thức và sự rệu rã của chân tay mà thôi.

..

Gia đình cậu đối xử với tôi rất tốt, nhưng có phần khách khí và xa lạ. Tôi cũng chẳng đòi hỏi gì hơn ở họ, vì bản thân tôi cũng chỉ duy trì được nụ cười khuôn phép ngoài miệng. Phần lớn thời gian tôi đều ngồi lì ở trong phòng để học, nên chưa kịp làm quen với môi trường sống mới này.

Mợ tôi là một người phụ nữ hiền lành và đảm đang, thỉnh thoảng mợ sẽ pha cho tôi chút sữa hoặc nước ép của một vài loại trái cây rồi đem lên phòng cho tôi. Mợ cho tôi hẳn một chiếc Oppo F1s, bảo nếu không nhận thì không xem mợ là mợ. Tôi đành bối rối nhận lấy. Nhưng rồi chiếc điện thoại ấy cũng bị vứt ở một xó, vì đơn giản, tôi không biết sử dụng, mà cũng chẳng có thời gian học cách dùng.

Những bộn bề học tập làm phai mờ đi những kí ức vụn vặt về anh chàng trên chuyến xe hôm nọ. Nhưng vào những ngày mưa tầm tã như ngày mưa mà chúng tôi gặp nhau lần đầu, hoặc những buổi chiều rảnh rỗi hiếm hoi với cốc cà phê nghi ngút khói trên sân thượng, kí ức về anh ta lại ùa về một cách rõ nét và ngoan cố, như một cách nhắc tôi nhớ đến sự tồn tại của anh. Những ngày qua, tôi làm theo lời dặn dò của anh ta một cách cố ý mà tỏ ra là vô tình. Tôi uống nhiều nước ép trái cây, bảo mợ nấu canh bí đỏ với đậu phộng cho tôi ăn, rồi cũng cố gắng đi ngủ sớm. Tất nhiên, trước khi thi tôi cũng làm theo lời anh, ra ngoài đi dạo thư giãn. Và, một hi vọng nhỏ nhoi trong tim tôi loé lên, biết đâu tôi lại gặp được anh chàng trên chuyến xe hôm nào, ở ngay cái thành phố mấy nghìn người này thì sao?

Con bé con cậu mới 10 tuổi, tên Ngân, nằng nặc đòi làm hướng dẫn viên cho tôi, thấy nó sốt sắng quá nên tôi đành đồng ý. Dù sao sự hiểu biết với thành phố này của tôi gần như nằm ở con số không, có Ngân đi chung vừa vui hơn lại vừa không sợ bị lạc.

Có lẽ những buổi gặp tình cờ giống như trong phim ảnh hoàn toàn không có thật, vì hai đứa một lớn một nhỏ chúng tôi đã dắt tay nhau đi hết nửa vòng thành phố rồi mà vẫn chẳng thấy bóng dáng anh chàng kia đâu. Hừm, phim ảnh quả nhiên chẳng đáng tin.

Bỗng nhiên, những đám mây trắng trên cao cuộn lại, va chạm vào nhau tạo nên những tia lửa điện. Mưa rơi, một cách đột ngột và có phần vội vã. Chúng tôi trú mưa trong mái lán của một quán cà phê ấm cúng. Anh chàng bồi bàn niềm nở hỏi rằng tôi có muốn uống một cốc cà phê sữa cho ấm bụng hay không, tôi gật đầu, tạm bỏ đi cái ý định tìm anh chàng hôm nọ.

Hai cốc cà phê sữa còn bốc khói nghi ngút được bê lên. Anh chàng bồi bàn đưa cho tôi một cuốn giấy nhớ nho nhỏ đã bị xé khá nhiều tờ rồi hỏi tôi có muốn viết gì đó hay không.

Tôi gật đầu: "Cảm ơn anh, tôi sẽ thử."

Ngân xin tôi một miếng sticker màu hồng. Trong khi chờ tôi xé giấy, con bé kể cho tôi một câu chuyện có thật mà cô bé nghe được ở quán này. Ngân nói với tôi, tên quán cà phê này là "Hope", tức là hi vọng. Rất nhiều vị khách trước chúng tôi đã viết những ước muốn của mình lên tờ giấy nhớ này, và ước mơ của họ đã trở thành sự thật. Ngân hình như rất tin tưởng vào điều này, vì khi tôi hỏi Ngân đang viết gì, cô bé chỉ cười cười rồi trả lời: "Viết ước mơ của em ạ."

Một câu trả lời như có như không, tôi chả thu nhập được chút thông tin nào từ cái ước mơ mà con bé nói. Tôi cũng lấy bút ra viết vài dòng, rồi kí tên hẳn hoi vào. Ngân nói nếu muốn ước mơ thành sự thật thì phải dán lên để chia sẻ cho người khác biết. Tôi cảm thấy trò đấy rất ấu trĩ và không đáng tin, nhưng rốt cuộc vẫn quyết định dán miếng giấy nhớ của mình lên.

"Tôi có thể ngồi ở đây được không?"

Một giọng nam trầm thấp vang lên sau lưng. Tôi sững người lại. Tấm kính trong suốt phản chiếu gương mặt tươi cười với đôi mắt hơi nheo lại và sống mũi cao thẳng, cùng mùi thuốc sát trùng thoang thoảng bên cánh mũi tôi. Giọng nói này...

"Không thể sao?"

Anh chàng dường như hơi thất vọng, lẩm bẩm câu gì đó trong miệng rồi toan bước đi. Không biết bị điều gì thôi thúc, tôi vội níu lấy tay anh: "Tất nhiên là có thể, anh cứ ngồi tự nhiên."

Anh mỉm cười, một nụ cười hơi uể oải. Tôi nhích vào chiếc ghế sát tấm kính, nhường cho anh chiếc ghế bên ngoài mà tôi vừa ngồi.

Ngân hết liếc tôi rồi lại liếc anh chàng bên cạnh, đôi mắt tinh ranh của cô bé hơi nheo lại như đang suy đoán mối quan hệ giữa chúng tôi. Một lúc sau, Ngân "a" lên một tiếng, vẻ mặt thích thú như thể vừa phát hiện ra điều gì thú vị vậy.

Mảnh sticker hơi nhàu vì bị tôi nắm chặt. Tôi không dán nó lên cửa sổ nữa, vì một phần ước mơ của tôi hình như đã trở thành sự thật, còn một phần khác, tôi nên tự hỏi anh thì hơn. Tôi gấp gọn mảnh sticker bỏ vào trong cuốn sổ nhỏ trong cặp.

Anh chàng bồi bàn cũng đưa cho anh một vài mảnh sticker nho nhỏ, rồi cũng hỏi anh có muốn viết gì đó lên không. Anh gật đầu, hí hoáy ghi chép.

Bàn tay tôi ôm lấy cốc cà phê ấm nóng, những ngón tay đan nhẹ vào nhau. Tôi lén nhìn gương mặt nghiêng nghiêng tuấn tú của anh. Đôi lần muốn mở lời hỏi anh, rằng anh có phải chàng trai trên chuyến xe hôm ấy, rằng anh có phải người đã viết lên lòng bàn tay tôi những lời khuyên chân thành? Nhưng rồi tôi cũng không có đủ can đảm để hỏi. Hoặc đúng hơn là tôi sợ hỏi rồi mà anh không phải người đó thì sẽ cảm thấy thất vọng.

Anh vòng ra sau lưng tôi, dán mảnh sticker lên tấm kính. Tôi vội nhìn theo như để xác định điều gì. Để rồi khi nhìn thấy nét chữ quen quen ấy, tôi bỗng dưng lại bần thần đưa tay lên, tháo luôn mảnh sticker của anh, rồi mặt dày xin xỏ: "Có thể cho tôi mảnh sticker này không?"

Anh gật đầu và không hỏi vì lí do gì mà tôi muốn có nó.

Mưa ngừng rơi một cách đột ngột, như cái cánh mà tôi đột ngột hỏi anh trước khi dắt Ngân ra khỏi quán cà phê: "Chúng ta sẽ còn gặp lại chứ?"

Anh gật đầu, mỉm cười nhẹ: "Vào những khi trời đổ cơn mưa."

___

Đó là toàn bộ cuộc nói chuyện không đầu không cuối mà tôi cho là có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình.

"Khi cơn mưa đẩy lùi ánh nắng, ta nghe lòng dịu lại sau những âu lo. Bỗng dưng cần một bạn tâm tình kể lể, cần một người chân thành lắng nghe, không quan tâm xuất thân, chẳng đắn đo được mất. Liệu có ai đưa đến cho tôi một người như thế, giữa đất trời trắng xóa cơn mưa?
tên: Phong"

Mảnh sticker màu lam nhạt chỉ chứa vài câu ngắn ngủi của Phong được tôi đặt ngay ngắn bên cạnh mảnh sticker của mình. Và xem đó như một điều kì diệu để tôi có thêm động lực cho kì thi.

Từ hôm ấy trở đi, mỗi sáng khi thức dậy việc đầu tiên tôi làm là kéo rèm cửa sổ xem có mưa hay không. Để rồi lại thất vọng kéo rèm lại. Vì suốt những ngày sau đó bầu trời trong xanh đến lạ, gió vờn những đám mây trắng bay xa tít tắp. Cái nắng ở Sài Gòn như thiêu như đốt, lòng tôi cũng nóng như bị ai áp vào một chậu than hồng.

Ngày tôi đi thi, cả nhà cậu người xách ba lô người dắt tay tiễn tôi vào tận cửa phòng thi mới ra. Người giám sát kiểm tra rất kĩ, và khi đã chắc chắn rằng trên người tôi hoàn toàn không có phao thi hay điện thoại gì mới cho tôi qua cửa. Những tấm phiếu dự thi tràn ngập những dấu chấm lửng chờ thí sinh viết câu trả lời được phát ra. Tôi hít một hơi thật sâu, cố nén cảm giác căng thẳng trong lòng rồi điền tất cả thông tin cần thiết vào tấm phiếu.

Liên tiếp mấy ngày thi, tôi không dám chợp mắt quá một tiếng mỗi ngày. Những lúc mệt mỏi tưởng chừng ngất xỉu, nước mắt tôi tuôn rơi ướt đẫm tờ đề cương. Tôi bỗng dưng rất nhớ nhà, nhớ món cá lóc kho tiêu thơm nức mũi của mẹ, nhớ giọng nói trầm trầm ấm ấm của ba, nhớ cả mùi thuốc sát trùng thoang thoảng trên áo Phong. Những lúc như thế, tôi sẽ áp mảnh sticker của Phong vào ngực. Rồi tự dặn với lòng, cố lên, ngày mai trời sẽ mưa, ngày mai tôi nhất định sẽ gặp được anh.

Rồi cái ngày ấy cũng đến, ngày mà tôi vượt qua kì thi một cách suôn sẻ, ngày mà ông trời ban tặng cho những nỗ lực của tôi bằng một cơn mưa như trút nước. Tôi từ chối đi ăn mừng với nhà cậu Út dù trước đó đã hứa, tôi chẳng rõ vì sao nữa, nhưng tôi rất muốn rất muốn gặp Phong. Hơn nữa tôi cũng không biết từ đâu mà mình xác định được là chắc chắn sẽ gặp được anh.

Phong đã ngồi ở chiếc bàn hôm đó từ lúc nào, anh vẫy tay với tôi, bảo tôi ngồi vào chiếc ghế đối diện. Phong đặt vào bàn tay hơi run rẩy của tôi một bịch sữa được ủ bởi lòng bàn tay ấm nóng của anh.

Tôi lúng túng gạt đi sợi tóc bị nước mưa làm dính bết vào trán: "Tôi... tôi thi xong rồi."

"Đừng lo lắng, nhất định em sẽ đỗ."

Một lời đảm bảo không có bất cứ cơ sở xác định nào. Nhưng tôi tin anh, tin bản thân mình. Sự căng thẳng trong lòng được lời nói của anh vỗ về, lơ lửng rồi rơi xuống. Phong đưa cho tôi một miếng giấy nhớ, tôi đưa bàn tay hơi ướt chùi chùi vào quần áo đến khi khô mới dám nhận lấy.

"Có thể cho anh biết tên em không?"

Tôi ngẩng mặt nhìn anh, nụ cười duy nhất sau chuỗi ngày căng thẳng nở rộ trên khoé môi.

"Hãy gọi tên em bằng một thứ anh thích, sao tên cũng chỉ một cách gọi thôi, phải không anh?"

Thật ra không phải tôi không muốn cho anh biết tên mình. Mà là, khi anh lấy thứ mình thích để gọi tên tôi, thì tôi sẽ trở thành "thứ" mà anh thích.

"Được, từ giờ anh sẽ gọi em Mây nhé?"

Tôi gật đầu, nụ cười còn tươi hơn khi nãy.

Chúng tôi "nói" với nhau nhiều điều, qua tờ giấy nhớ. Tuy nhiên khi những tờ giấy nhớ đã không đủ để chúng tôi viết hết những gì mình muốn nói, thì một cuốn vở hai trăm trang là một lựa chọn không tồi.

Phong biết nhiều về tôi, vì khi bên nhau tôi "nói" rất nhiều. Tôi kể với anh về ước mơ trở thành một nhà văn kiệt xuất - điều mà tôi chưa từng kể với ai khác. Tôi viết nhiều, thỉnh thoảng anh sẽ giúp tôi sửa lỗi chính tả và logic. Tôi nộp cho toà soạn tất cả những sáng tác mà mình có. Ngày mà tập truyện ngắn đầu tiên của tôi được đăng lên báo, nói chuyện với Phong tôi cười suốt. Như một thói quen đã ăn sâu vào máu, sau này khi có tâm sự thì người đầu tiên mà tôi nghĩ đến luôn là Phong.

Tuy nhiên ngoài cái tên và nghề nghiệp ra tôi hoàn toàn mù tịt về Phong. Bên tôi anh ít nói về bản thân, phần lớn câu chuyện mà chúng tôi nói với nhau đều xoay quanh một mình tôi, vậy nên tôi rất tò mò về cuộc sống và các mối quan hệ của anh.

Tôi và anh không trao đổi số điện thoại hay bất cứ thứ gì dùng để liên lạc khác. Bởi điều gì không rõ, cả hai đều muốn giữ mối quan hệ không rõ ràng này. Và trên hết, năm tiếng dành để viết những dòng chữ cho nhau vào mỗi ngày mưa đã đủ làm chúng tôi thoả mãn.

Những tờ giấy ghi lại cuộc trò chuyện của chúng tôi ngày càng nhiều, chúng được tôi cẩn thận dán trên nhật kí của mình. Và phía dưới là ngày tháng và một chút ghi chú về cuộc trò chuyện ấy. Thời gian trôi đi rất nhanh, tới lúc tôi phát giác ra mình đã lấp đầy ba cuốn nhật kí thì cũng là lúc mà những cơn mưa dần ngớt đi. Tôi bắt đầu sợ hãi thật sự, sẽ có những ngày tháng dài đẵng đẵng mà cơn mưa sẽ không còn ghé qua, vậy, tôi sẽ không còn được gặp Phong nữa hay sao?

..

"Anh thích mây."

Dù biết câu mà Phong viết là nói thích mây, chứ không phải thích Mây, nhưng tim tôi vẫn vô cớ lệch một nhịp thổn thức.

"Vâng, em biết. Thì sao ?"

"Mình gặp nhau vào những ngày nắng được chứ Mây? Anh nghĩ Mây cũng sẽ thích ngắm mây giống anh."

Tôi ngạc nhiên, lời đề nghị của anh... thật trùng hợp, hôm nay tôi cũng muốn nói với anh điều này.

"Anh biết không, em phát hiện mình hợp nhau kinh khủng luôn ấy. thôi, nói loằng ngoằng quá tốn giấy. Tóm, lại, , em, rất, thích, ngắm, mây :D."

Phong phì cười trước cái cách mà tôi cho những dấu phẩy vào câu của mình. Anh xoa đầu tôi, niềm vui dâng lên đáy mắt của cả hai.

..

Có điểm, tôi đỗ nguyện vọng một, chính thức trở thành tân sinh viên của trường đại học Khoa Học Xã Hội Và Nhân Văn Hồ Chí Minh. Tôi cũng đã trở thành nhân viên bồi bàn của quán cà phê Hope, một cách tình cờ thôi. Những ngày cuối cùng của đợt nghỉ hè, tôi xin làm ca sáng, khoảng độ từ 8h sáng đến 4h chiều. Sau đó cuộc trò chuyện bên chiếc bàn quen thuộc của tôi và Phong sẽ được duy trì.

Còn một điều nữa mà tôi thích ở quán này. Đó là khi tôi đưa cho thực khách những tập giấy nhớ, để họ viết những ước mơ của mình rồi dán lên cánh cửa đầy màu sắc như cách mà trước kia tôi vẫn hay làm. Những tờ giấy nhớ dần lấp đầy cánh cửa thuỷ tinh trong suốt, nhưng tôi không nỡ gỡ bớt chúng đi. Rồi tôi đưa ra một quyết định quan trọng: tôi sẽ là một "Hope" thứ hai, sẽ là nơi nuôi dưỡng và bảo quản những ước mơ ấy.

Một thùng, hai thùng, ba thùng đựng... giấy nhớ được tôi 'tha' hết về phòng mình, rồi dán chúng lên cánh cửa sổ, bức tường, hay thậm chí là góc bàn học. Ngân nói đùa với tôi, rằng phòng tôi sắp có nguy cơ trở thành bãi rác rồi. Tôi chỉ lắc đầu. Con bé không hiểu những ước mơ này đối với họ - những người viết ra chúng, và tôi - người lưu giữ chúng quan trọng và tốt đẹp đến nhường nào đâu.

#2. Người thắp lửa đam (Phong).

Tôi rời khỏi bệnh viện vào đúng giờ cao điểm của thành phố. Thần kinh căng thẳng trong suốt ca phẫu thuật mười mấy tiếng đồng hồ vừa được thả lỏng thì lại nhận được cuộc gọi từ mẫu thân đại nhân. Lại chuyện cưới xin!

Tôi không hiểu vì điều gì mà bà gấp gáp với chuyện cưới xin của tôi như vậy. Vì dù sao thì tôi cũng chỉ mới ra trường được khoảng vài năm, nói trẻ không trẻ mà nói già thì cũng chưa đến nỗi. Thế mà lần nào mẹ gọi cũng đều hỏi tôi đã có bạn gái hay chưa, hoặc nếu chưa có thì để mẹ tìm người giới thiệu. Cũng vì vậy nên mỗi lần thấy cuộc gọi đến hiển thị tên bà là tôi lại âm thầm thở dài.

Mẹ tôi nói làm bác sĩ lương cao sẽ rất dễ kiếm bạn gái, nhưng đừng để già quá rồi không có cô nào chịu ưng. Tôi bảo không ưng thì cứ để ế rồi chu cấp tiền lương cho bố mẹ sống sung túc là được. Tuy nhiên mẹ tôi vốn cố chấp, tôi dùng bao nhiêu lí lẽ ra nói mà bà vẫn cứ đặt lịch xem mắt cho tôi. Tôi cúp máy trong khi giọng bà vẫn đang réo rắt trong ống nghe, rồi mở cửa sổ quăng luôn chiếc điện thoại ra ngoài. Tất nhiên trước đó tôi đã kịp nói: "Xin lỗi mẹ, con sắp có cuộc phẫu thuật, con sẽ gọi lại cho mẹ sau."

Chả có cuộc phẫu thuật nào sất, nhưng đó là lí do duy nhất tôi có thể thoái thác chuyện ngồi nghe mẹ nói hết tên của các cô gái mà mẹ muốn tôi xem mắt.

Tôi lui xe, hoà vào dòng người đông đúc đang hối hả đi về. Bất giác cảm thấy tim mình quặn lại. Những người ngoài kia đều có chốn để dừng chân, có một ước mơ để phấn đấu. Còn tôi, sống cuộc sống trong mơ ước thuở nhỏ này, ngỡ là sẽ hạnh phúc, nhưng vì sao tôi lại cảm thấy mình như kẻ bị đánh cắp trái tim, trở thành cái bóng vô định hình và lạc lõng?

Theo nhận xét của đám bạn đồng nghiệp thì tôi là một bác sĩ khá giỏi, bất cứ ca phẫu thuật khó nhằn nào giao vào tay, tôi cũng làm dễ như ăn cháo. Tuy nhiên, họ nói tôi tuỳ hứng và không yêu nghề, đó là những khi tôi xin nghỉ không lí do và bất chợt đổi ca với đồng nghiệp hoặc từ chối chữa bệnh cho người không có tiền. Những lúc ấy tôi chỉ cười, yêu nghề sao?

Tôi đã từng yêu nghề bác sĩ này, phải, là 'đã từng' thôi, còn bây giờ thì không. Lòng đam mê và nhiệt huyết ban đầu của tôi bị thời gian và áp lực công việc mài mòn. Tự hỏi, yêu nghề thì rồi có được trả thêm tiền hay không?

Tôi tìm đến quán Hope, như một thói quen khó bỏ. Hôm nay lại là một ngày mưa, và khách trong quán khá đông. Mây vội nhét vào tay tôi một tờ giấy ghi mấy chữ rồi lại hối hả với những vị khách.

"Xin lỗi, anh chờ em một chút nhé? Một chút thôi. "

Tôi ngồi ở chiếc bàn quen thuộc, lặng lẽ ngắm Mây từ xa. Tôi không rõ vì lí do gì mà em luôn giữ được nụ cười rạng rỡ ấy, ngay cả khi những giọt mồ hôi phủ lên gương mặt em một tầng nước.

Khi nghe tôi hỏi điều này, Mây mỉm cười trả lời: "Làm công việc mang lại niềm vui cho người khác, em làm sao có thể cảm thấy mệt được hả anh?"

Mây nói sai rồi, công việc của tôi có đôi khi cũng mang lại niềm vui cho người khác đấy thôi, nhưng tại sao tôi vẫn cảm thấy mệt mỏi và bất lực như vậy?

Lần đầu tiên suốt hai tháng quen nhau, tôi kể với Mây về cuộc sống của mình. Về công việc làm bác sĩ mà khi bé tôi hằng ao ước, nhưng hiện tại chỉ mang lại cho tôi những mệt mỏi về cả thể xác lẫn tinh thần. Em chăm chú lắng nghe không bỏ sót một từ nào. Và khi tôi bất lực ôm lấy đầu, bàn tay em nhẹ nhàng vuốt ve lấy da đầu tê dại của tôi, "Chủ nhật này anh rảnh không? Em đưa anh đến một nơi. Đảm bảo tới đó rồi anh sẽ tìm lại được niềm đam mê ban đầu, anh tin em chứ?"

Tôi không rõ đó là nơi nào, nhưng vẫn đồng ý với em.

..

Mây đưa tôi đến một viện phúc lợi xã hội dành riêng cho trẻ em mắc bệnh tim. Mọi thứ ở đó đều nhẹ nhàng và bình yên đến lạ. Mặc cho căn bệnh tim quái ác nhiều lần khiến các em đau khổ, trên môi các em vẫn luôn giữ nụ cười thuần khiết và rạng rỡ. Vài đứa trẻ níu lấy tay tôi, rồi hỏi có muốn cùng chúng chơi rubik hay không?

Hôm đó cũng là ngày mà Thuận - cậu bé mắc bệnh tim giai đoạn cuối được đưa lên bàn mổ. Thuận là cậu bé da trắng với nụ cười yếu ớt. Nhưng lại là đứa giỏi Rubik nhất trong đám trẻ. Trước khi lên bàn mổ, Thuận vẫn kịp chỉ cho một vài đứa khác cách chơi rubik, rồi mới lịm đi dần vì liều thuốc mê. Nghe nói tỉ lệ sống sót của Thuận chỉ có 1/10, lẽ nào em không sợ hay sao mà trên môi vẫn nặn ra nụ cười thanh thản thế kia?

Tôi là bác sĩ chuyên khoa tim mạch, đối với bệnh tim cũng có những hiểu biết không nhỏ. Vì vậy sau một vài thủ tục, tôi được phép cùng các bác sĩ khác thực hiện ca mổ thay tim cho Thuận.

Là một ca mổ khó, tuy nhiên tôi và các đồng nghiệp đã thành công. Mặc dù không phải lần đầu thực hiện thành công một ca mổ với độ khó cao, nhưng lúc mà trái tim mới vang lên những nhịp đập đầu tiên trong lồng ngực Thuận, tôi đã vô cùng xúc động.

Đám trẻ, bao gồm cả Mây nhìn tôi như thể nhìn một vị anh hùng. Chúng hỏi han tôi rối rít, rằng có phải tôi đã cứu sống Thuận, rằng lúc thay tim cho em ấy tôi có bị run tay hay không và nhiều điều khác nữa mà tôi không nhớ hết. Tôi kiên nhẫn trả lời từng câu hỏi, lắng nghe những tâm tư còn non nớt của các em và cảm nhận được trái tim của các em chưa bao giờ lành lặn hơn thế.

"Tại sao em lại biết đến nơi này?" Tôi hỏi Mây sau khi rời khỏi viện phúc lợi.

"Lúc trước đi làm tình nguyện tình cờ biết thôi anh. Vả lại, dù nói là làm tình nguyện, nhưng em nhận được rất nhiều thứ khi đến đây, đặc biệt là lòng tin và nhiệt huyết."

Tôi cũng cảm nhận được, rằng mình đã nhận được nhiều thứ khi đặt chân đến viện phúc lợi này. Nhưng tôi nghĩ mình còn nhận được vô số thứ khác từ em - người con gái có trái tim nhân ái và giàu tình người. Và tôi biết, một ngọn lửa nhỏ vừa được nhen nhóm trong lòng tôi, ngọn lửa nhiệt huyết ấy sẽ rất dễ lụi tàn nếu không có chất xúc tác.

Chỉ là, tôi dường như đã tìm được chất xúc tác cho ngọn lửa ấy bùng lên.

**

#3. Một khắc chia xa, mãi mãi không bao giờ gặp lại (Vân).

Vài mùa mưa qua đi. Tôi đã không còn là cô gái mười tám tuổi nhút nhát mang trên mình nỗi lo sợ về tương lai trên chuyến xe buýt năm nào, mà đã trở thành một tác giả viết tiểu thuyết thanh xuân khá nổi tiếng trên tờ báo Hoa Học Trò. Duy chỉ có hai điều mà bao nhiêu lần mưa rơi cũng không thể gột rửa.

Đó là ước mơ của tôi.

Và những cuộc nói chuyện xuyên đêm với những tách cà phê và vài tập giấy đầy màu sắc của tôi và Phong.

Phong cũng đã trở thành người lưu trữ ước mơ khi anh tháo những mảnh giấy nhớ đã lấp đầy khung cửa kính quen thuộc đem về rồi dán ở nhà mình. Những ngày chủ nhật hiếm hoi mà anh và tôi đều rảnh, chúng tôi thường tới viện phúc lợi thăm những đứa trẻ. Tôi đem tất cả tiền nhuận bút từ những bài viết được đăng lên báo quyên góp vào quỹ phúc lợi để giúp những đứa trẻ sớm ngày được phẫu thuật. Phong cũng góp vào một khoản, và tất nhiên số tiền mà anh quyên góp hơn tôi rất nhiều.

Tôi vẫn làm ở Hope, nhưng chuyển qua ca tối vì ban ngày bận việc học. Cuộc trò chuyện của chúng tôi vẫn duy trì, tuy nhiên không nói được nhiều như trước kia nữa vì tôi bận chạy bàn.

Trong một cuộc trò chuyện vào một đêm mưa trước ngày tôi nghỉ hè, Phong bỗng thông báo với tôi một tin chấn động: anh chuyển công tác ra bắc.

Phong nói chuyến công tác chỉ kéo dài khoảng ba tháng, và chỉ đơn giản là một chuyến giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa bệnh viện ở hai miền. Anh còn bảo nếu không phải chuyến đi này trùng với lịch nghỉ hè của tôi thì anh đã không đi.

Tôi cũng chỉ hơi hoảng hốt lúc đầu, sau khi nghe anh nói những lời này thì sự hoảng hốt ấy cũng bay sạch trơn. Đêm ấy, tôi và anh nói nhiều, về những chuyện mà hai đứa sẽ làm trong khoảng thời gian xa nhau.

Tôi đâu biết rằng, lần xa nhau này là mãi mãi không bao giờ gặp lại.

..

Một tai nạn cực kì nghiêm trọng và nguy hiểm vừa xảy ra vào rạng sáng giữa một xe buýt và xe container khiến bảy người chết và mười lăm người bị thương nặng. Do xe container chở xăng nên sau vụ va chạm xăng bị tràn ra ngoài rồi bắt đầu cháy. Ngọn lửa bùng phát rất nhanh chóng, khiến tuyến đường giao thông quan trọng nhất của Phước An bị tắc nghẽn. Tiếng còi xe cảnh sát và xe cấp cứu réo lên inh ỏi, hòa lẫn với đó là tiếng xôn xao bàn tán của người đi đường.

Một tháng sau đó.

Mẹ đẩy chiếc xe lăn đưa tôi ra ngoài hiên nhà hóng gió theo lời đề nghị của tôi. Vụ tai nạn một tháng trước khiến tôi bị bỏng 70%, phải cắt đi đôi chân và một bên mắt nếu không muốn lây lan sang những chỗ khác. Theo cách nói của ba, giờ tôi là một người tàn phế vô dụng không hơn không kém.

Tôi thường xuyên phải vào viện để kiểm tra sức khoẻ và được biết tình trạng của mình đang dần chuyển biến xấu đi, nhất là bên mắt đã bị cắt bỏ của tôi giờ đã bị nhiễm trùng và hoại tử. Dù bác sĩ và ba mẹ giấu nhẹm đi, nhưng tôi biết mình chẳng còn sống được bao lâu nữa. Ở bệnh viện, tôi làm quen được một số bạn, có một em gái tám tuổi đang cần thay tim gấp. Tôi đã thương lượng với ba mẹ, đợi sau khi tôi ra đi, hai người hãy hiến tặng trái tim tôi cho cô bé ấy, để cô bé ấy tiếp tục giấc mơ hãy đang còn dang dở của tôi.

Họ hàng thân thích cũng được gia đình tôi báo tin xấu, và họ cũng đã về đây để đưa tiễn tôi đoạn đường cuối cùng. Trong những buổi chiều nắng đẹp như hôm nay, tôi thường dùng một bên mắt còn lại của mình ngước nhìn những đám mây trắng trên cao, và thèm được nghe tiếng Phong gọi tôi là Mây như ngày nào.

Những mảnh giấy nhớ và cuốn nhật kí của tôi được Ngân cẩn thận đặt ở đầu giường tôi, để mỗi khi tôi thức giấc đều có thể thấy chúng, để có động lực mà tiếp tục sống.

Mọi người trong nhà tôi khóc nhiều, mẹ tôi nhiều lần khóc đến xỉu. Nhưng tôi sẽ không khóc, ừ, sẽ không khóc đâu. Cho dù những vết thương đang dần lan sâu vào da thịt tôi, và mỗi lần vào viện là họ lại cắt đi một số bộ phận nào đấy trên người, tôi vẫn không khóc.

Tôi dặn Ngân rằng sau khi tôi đi, em hãy đem những mảnh giấy nhớ và nhật kí chứa đựng cuộc trò chuyện mà tôi chưa bao giờ dám quên gửi lại cho Phong, và nhắn với anh ấy vài lời.

Tôi nhớ Phong quá, phải làm sao đây?

#4. Mây Trong Gió (Phong).

Tôi về Sài Gòn trong một ngày thu với cơn gió heo may mát rượt thổi những đám mây đi xa. Nơi tôi đến đầu tiên khi quay về không phải nhà, mà là đến Hope, để gặp Mây của tôi.

Năm năm quen biết, có thể nói đây là lần xa nhau lâu nhất của tôi và em. Trước kia cứ vài ngày lại được gặp nhau nên tôi cũng không có cảm giác gì đặc biệt. Vả lại, bất cứ khi nào muốn gặp, tôi biết, em đều ở nơi này đợi tôi. Cho đến khi chuyển công tác tới một nơi xa xôi, nhớ không thể gặp, muốn nói đôi lời quan tâm lại không cách nào liên lạc với em. Lòng tôi bỗng bồn chồn lạ, bởi bây giờ tôi không biết em đang ở đâu, đang làm gì, có đang say giấc hay vẫn bộn bề viết lách.

Nỗi nhớ là khởi nguồn của thương yêu, trước kia có người từng nói với tôi như vậy. Bản thân tôi vẫn chưa dám chắc mình có thật sự yêu em, hay chỉ đơn giản là vì thói quen hình thành bấy lâu khiến tôi chẳng thể sống mà thiếu vắng em. Nhưng bất kể ra sao, tôi đã quyết định lần này trở về phải chủ động tìm hiểu mà không bị động được biết như trước kia. Ít nhất, nếu tôi thật sự yêu Mây, tôi sẽ ngỏ lời trước khi bên cạnh em có một người con trai khác.

Nhưng tôi lại không thể lường trước được, rằng nơi duy nhất mình có thể tìm được em bây giờ cũng không có bóng dáng em tồn tại.

Em, như bốc hơi khỏi thế gian này.

Thời gian, đôi khi có thể làm người ta xa mặt cách lòng, nhưng cũng có lúc sẽ trở thành một loại khảo nghiệm cho trái tim, khiến thứ tình cảm mơ hồ ngày càng trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết.

Nhưng dù ra sao, thời gian vẫn là một dòng chảy vô tình, cứ trôi đi mặc người ta đớn đau níu lại. Công việc bề bộn cũng không làm tôi tạm gác mọi nhung nhớ về Mây, nhưng càng nhớ, tôi lại càng phát điên lên vì mãi không tìm thấy em.

Mây dần xuất hiện trong những cơn mơ, khiến giấc ngủ của tôi ngày càng không đều đặn và đôi khi còn tỉnh lại giữa đêm.

Trạng thái tinh thần của tôi không tốt lắm, đôi ba lần còn suýt làm hỏng ca phẫu thuật.

Đồng nghiệp cũng nhận ra tôi bất thường, chỉ riêng tôi tự dối mình rằng bản thân vẫn ổn.

Vẫn đi làm đều đặn, vẫn đến Hope vào mỗi buổi chiều, và vẫn ngóng trông một kì tích có thể xảy ra.

"Anh... có phải là anh Phong không ạ?"

Tôi hơi giật mình, quay đầu lại. Giữa mùi cà phê thoang thoảng trong không khí và đám đông thực khách, hiện ra trước mắt tôi là một gương mặt non nớt có đôi ba nét khá giống Mây. Tự cười nhạo sự liên tưởng của mình, trước sự chờ đợi của cô bé, tôi khe khẽ gật đầu.

Đôi mắt cô bé ánh lên điều gì đó, tay chân nó cũng trở nên luống cuống cả lên. Nó vội vàng lục túi xách lấy ra một tấm ảnh đã cũ, hỏi tôi bằng giọng điệu hồi hộp: "Vậy, anh có biết chị gái trong hình hay không?"

Là Mây.

Tôi lại gật đầu, bắt đầu cảm thấy ngờ vực. Cô bé bất chợt nắm lấy tay tôi, hai hàng nước mắt lăn dài trên má: "Tốt quá! Tốt quá rồi! Cuối cùng em cũng tìm ra anh. Anh có thể ngồi đây chờ một chút không ạ? Chị ấy có đồ muốn đưa cho anh.

Cô bé nói gì đó với người bồi bàn, hai người cùng lôi từ trong góc tủ ra những cuốn vở dầy cộm nằm trong một thùng giấy bám đầy bụi. Cô bé đặt toàn bộ những thứ ấy trước mặt tôi, rồi dùng mu bàn tay lau lau nước mắt: "Trước khi ra đi, chị ấy nhờ em chuyển toàn bộ những cuốn nhật kí lưu giữ toàn bộ kí ức bấy lâu qua của anh chị đến anh. Đồng thời, cũng dặn em nhắn với anh vài lời."

"Người ta nói mây là của trời, riêng em lại cho rằng mây thuộc về gió. Bởi bầu trời nơi nào cũng thế, sẽ mãi ngủ yên một chốn và bao giờ cũng chỉ có một màu xanh dù sau cơn giông tố. Chỉ còn mây với gió, cùng nhau rong ruổi, cùng nhau bay lượn tới những miền xa xôi. Mây không yêu bầu trời, chỉ nặng lòng với Gió. Nhưng Mây là một thứ mỏng manh, dễ tan thành khói, dễ hóa thành sương. Mây đi rồi, nhưng hồi ức tươi đẹp năm xưa vẫn còn đó. Vậy nên đừng thương cảm, cũng đừng rơi lệ, hãy sống thật kiên cường, anh nhé!"

Tôi lặng người, quên cả việc hít thở. Chỉ cần không phải kẻ ngốc, khi nghe xong những câu này đều có thể hiểu được dụng ý đằng sau. Nhưng tôi thà rằng mình không hiểu, còn hơn là bất lực nhìn trái tim đổ máu, cơn đau buốt vào tận xương tủy.

Run rẩy lật mở những tập nhật kí đã cũ mèm vì bụi bặm của thời gian. Sức nặng của kí ức khiến các đầu ngón tay của tôi tê dại, chẳng thể mở sang trang kế tiếp. Hoặc giả, trang dưới đây chứa đựng một điều gì đó hoàn toàn nằm ngoài trí nhớ của tôi. Chính xác mà nói, là một sự thật mà tôi chưa từng hay biết trước.

"Tuổi mười tám, tôi nhận ra bản thân có quá nhiều những đắn đo với hiện tại, về con đường mà mình sắp phải đi. Tôi sợ chông gai khiến bản thân gục ngã, sợ lòng mềm yếu không tránh khỏi cám dỗ, sợ rằng "thành công" là hai chữ nằm xa tầm với. Tuổi mười tám, tôi nghe trái tim ngủ yên bấy lâu bỗng lệch một nhịp thổn thức. Bất giác rất muốn biết người con trai thốt ra lời quan tâm ấm áp với một kẻ xa lạ như tôi là ai? Vì chân thành hay chỉ là thương hại? Đã yêu rồi hay vẫn còn đơn côi?
tên: Vân."

"Khi cơn mưa đẩy lùi ánh nắng, ta nghe lòng dịu lại sau những âu lo. Bỗng dưng cần một bạn tâm tình kể lể, cần một người chân thành lắng nghe, không quan tâm xuất thân, chẳng đắn đo được mất. Liệu có ai đưa đến cho tôi một người như thế, giữa đất trời trắng xóa cơn mưa?
tên: Phong."

Thì ra, trong cái tuổi mười tám tươi đẹp của người con gái ấy, tôi đóng một vai trò quan trọng đến mức sánh ngang cả con đường tương lai của em. Thì ra, không phải chỉ mình tôi nghe tim mình đập vội vào lần đầu gặp gỡ.

Tôi bỗng chốc hiểu ra nhiều điều mà bấy lâu qua mình vẫn không hay biết. Chẳng còn thời gian đắn đo, tôi bảo cô bé dẫn mình tới nhà Mây, cô bé gật đầu. Chúng tôi bắt chuyến xe nhanh nhất về Đăk Lăk. Khoảnh khắc nhìn thấy nụ cười của em trên bức hình ở tấm bia mộ, tôi nhận thấy tim mình như ngừng đập. Nguyễn Ngọc Vân, cái tên được khắc trên tấm bia ấy sao mà quá đỗi xa lạ.

Ngân nói với tôi, Mây, à không, Vân đã rất kiên cường. Em đã không rơi một giọt nước mắt nào khi sống cuộc đời của một người tàn phế, cũng như luôn mỉm cười đối diện với những ca phẫu thuật cắt bỏ đi những phần da thịt bị thối rữa trên người. Em ra đi vào một ngày mưa tầm tã một cách thanh thản, và chỉ rơi đúng một giọt nước mắt khi thì thầm tên tôi trước khi nhắm mắt buông xuôi.

Lần đầu sau ba mươi năm, tôi muốn được khóc thật to. Khóc vì nhớ, vì đau, vì sự mất mát mãi không bao giờ được lấp đầy trở lại. Nhưng em đã dặn tôi phải kiên cường, nên tôi sẽ không khóc trước mặt em.

Tôi nhớ trước kia, vẫn là đối diện nhau thế này, hai chúng tôi cùng ngồi trò chuyện thâu đêm. Nhưng bây giờ chỉ còn lại mình tôi nói, em không trả lời, cũng không còn viết giấy gửi tôi.

"Trong chuyến buýt năm đó, giữa những con người đã bị hiện thực cuộc sống làm cho tăm tối, kể cả anh, thì sự thuần khiết của em là nguồn ánh sáng duy nhất. Bắt chuyện với em, không phải vì thương em học hành cực khổ, cũng không phải tham lam muốn nhận lấy sự ấm áp từ em. Mà chỉ đơn giản là vì, anh muốn nói chuyện với em, thật lòng đấy."

"Em hỏi anh "đã yêu rồi hay vẫn còn đơn côi?", thật ra, anh đã yêu rồi. Yêu một cô gái vừa thuần khiết trong sáng lại vừa mạnh mẽ kiên cường. Nhưng anh vẫn đang đơn côi, vì người ta chưa đợi anh nói lời yêu, đã bỏ anh mà đi rồi..."

"Em có biết không, từng có lúc anh muốn có một loại thuốc uống vào khiến người ta mất đi trí nhớ. Quên đi bản thân là ai, quên đi mình đến từ đâu, cũng quên luôn cả em, quên hết mọi kỉ niệm mà ta từng có. Như vậy, anh sẽ không còn đau đớn trước sự ra đi của em. Nhưng anh lại sợ hãi, lỡ như trí nhớ không còn, mà trái tim vẫn nhớ, đến lúc đó lại không biết người mình nhớ là ai, có phải còn đau đớn hơn hiện tại hay không?"

"Vậy nên, nếu như em yêu đủ nhiều thì đừng uống canh Mạnh bà nhé. Nếu thật sự có kiếp sau, em cứ dựa theo trí nhớ mà tìm đến, anh nhất định vẫn sẽ đứng đây chờ em."

"Nhớ lấy, anh nhất định sẽ mãi chờ đợi em..."

__

Tôi xin phép gia đình Vân, rồi trồng một cánh đồng hoa bồ công anh bên cạnh mộ của em. Như thế, khi mà bồ công anh nở rộ thì nhìn từ xa nơi này sẽ giống như một đám mây đang bồng bềnh trôi vậy. Chắc hẳn Vân sẽ rất thích.

Đơn từ chức của tôi đã được phê duyệt, tôi chính thức chuyển hẳn qua làm ở viện phúc lợi xã hội mà năm xưa tôi và em thường hay đến. Những đứa trẻ rất thích tôi, và chúng thường kéo tôi đi chơi trò rubik hoặc những trò chơi mất nhiều chất xám khác như cờ vua hay test IQ.

Tôi đã đến thăm cô bé được Vân hiến tặng trái tim và rất vui khi nhìn cô bé đang dần bình phục. Tôi nói với cô bé ấy, rằng người đã hiến tim cho cô bé là người con gái tuyệt vời nhất thế giới này. Và trái tim đang đập những nhịp vững chãi kia là trái tim đẹp nhất mà tôi từng thấy, nó đẹp bởi lòng nhân hậu và những đam mê hoài bão tuổi trẻ mà Vân muốn vươn tới. Tôi đưa cô bé đến Hope, cho em ấy thấy được những ước mơ được dán đầy trên khung cửa kính. Cô bé ấy đã trở thành một người lưu trữ ước mơ, như Vân đã làm, và như tôi đã làm.

Tôi lặng lẽ cất Vân vào tim, không đau buồn khi nhắc đến, và thời gian cũng sẽ không thể lấy đi kí ức của em trong tôi, bởi có những cuốn nhật kí dán đầy những cuộc trò chuyện của chúng tôi mà Vân đã cặm cụi lưu giữ suốt mấy năm qua.

Gió thổi những đoá bồ công anh bên mộ em bay bên, cánh đồng bồ công anh ấy, giống Mây nhỉ?

Tôi nằm bên em, ngước nhìn những cánh bồ công anh theo gió, mỉm cười thì thầm.

"Mây không yêu trời, chỉ nặng tình với Gió.
Gió chẳng thuộc về mưa, nguyện một lòng với Mây.
Mây đi rồi, nơi đây Gió vẫn đợi
Không duyên kiếp này, ta hẹn lại kiếp sau."

~Hoàn~

2:00

9/6/2018

Truy Quang

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro