MẸ CỦA BẠN CÓ THÍCH NẤU NƯỚNG KHÔNG?

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi biết đến tác phẩm “Hãy chăm sóc mẹ” của nhà văn Shin Kyung-sook đã hai năm mà đến hôm nay tôi mới đọc thử. Hay tôi phải nói là DÁM đọc thử. Bởi tôi biết, đọc thì tôi sẽ khóc nên tôi nghĩ nên để lúc nào tôi có cả thời gian ‘rảnh’ để khóc thì hãy nên đọc, tôi không muốn đọc giữa chừng, khóc lưng chừng và sực nhớ : “Ôi, bài tập ngày mai chưa làm!!!”… tôi sẽ khóc thê thảm hơn mất! (đùa thôi!).

Có lẽ ai cũng hiểu vì sao chúng ta luôn khóc khi xem phim, đọc những tác phẩm về mẹ. Hay thậm chí có những người nghe đến từ “mẹ” đã thấy cay sống mũi, lạnh sóng lưng và nứt ở trong lòng. Đó là nổi đau thật sự không lời nào nói hết, mất mác không thể nào bù đắp. Ngay lúc đó tất cả những gì chúng ta ước được làm là “bay đến nhào vào lòng mẹ khóc như khi còn nhỏ”. Chúng ta thì có định nghĩa “lớn” và “nhỏ”, “trưởng thành” và “trẻ con” còn với Mẹ, chúng ta là “CON” và mãi mãi cũng là “CON” dù cho “CON” còn trong bụng, “CON” đã ra trường, hay “CON” cũng có “CON”, thậm chí hay là “CON” tám mươi tuổi. “CON” vẫn là “CON” như ngày còn trong bụng mẹ. Tình yêu đó luôn vẹn nguyên, không bao giờ méo mó dù chính “CON” đã rất ‘méo mó’ rồi… phải không Mẹ?

Chúng ta cũng khóc vì nhận ra chúng ta có làm bao nhiêu chuyện cho mẹ cũng không bao giờ là đủ. Đến một ngày chúng ta nhìn lại, chúng ta vẫn sẽ hối hận. Vẫn sẽ muốn được làm thêm nữa, được cho nhiều thời gian nữa. Nhưng sự thật đau lòng nhất mà người Mẹ nào cũng đã chấp nhận đó chính là “Mẹ sẽ không bao giờ là người yêu thương nhất trong lòng con bởi vì người đó phải là con của con kìa!”…

Hôm nay tôi đọc được một nửa của “Hãy chăm sóc mẹ”, lời kể của cô con gái đầu đã làm tôi giật mình. Cô ấy nói từ nhỏ thì “mẹ là bếp, mà bếp cũng chính là mẹ”. Hình ảnh của mẹ luôn gắn liền với bếp núc. Thế nhưng những hai mươi mấy năm trời sau, đến khi đã trưởng thành cô mới hỏi “Mẹ có thích nấu nướng không?” và mẹ cô nói với cô là “Mẹ không nghĩ tới chuyện thích hay không thích ở dưới bếp. Mẹ nấu nướng vì đó là việc mẹ phải làm. Mẹ phải ở dưới bếp để nấu cơm cho các con rồi còn đi học. Làm sao mà ta có thể chỉ làm những việc mình thích được chứ? Có nhiều việc ta phải làm cho dù ta có thích hay không”… “Nếu chỉ làm những việc mình thích thì ai sẽ làm những việc mình không thích đây?”.

Đánh hết một vòng lớn, cô lại đơn giản hỏi mẹ: “Thế thì, sao chứ ạ, mẹ thích hay là không thích”…

Mẹ cô tỏ vẻ bí mật trả lời cô: “Có nhiều lần mẹ đập bể cả nắp chum.”

Đoạn tiếp theo rất dài tôi sẽ tóm tắt lại thế này: mẹ cô nghĩ công việc bếp núc như một cái vòng lẩn quẩn và nó không bao giờ kết thúc, “ta ăn sáng rồi ăn trưa rồi ăn tối rồi khi trời sáng thì lại ăn sáng…” nhưng món ăn thì chỉ có bấy nhiêu đó mà nấu, không chỉ người ăn mà người nấu cũng rất ngán ngẩm. Có lúc bà thấy bế tắc, nhà bếp chợt biến thành nhà tù và bà đi ra sau nhà đập bể một cái nắp chum để tìm sự giải thoát trong tâm trí, tiếng vỡ của chum khiến bà cảm thấy được tự do. Bà là một con người cần kiệm đến rau quả ăn trong nhà cũng tự trồng thế mà bế tắc đến phải phá hủy đồ đạc dù nó chỉ cái nắp chum đã nứt. Ngày hôm sau bà sẽ phải mua một cái mới để vào. Thành thật thì bà tiếc đứt ruột nhưng các cái sau nhà bà thường dùng để dự trữ thức ăn không thể không có nắp. Sau đó thì bà đã tìm được giải thoát ở một nơi khác, đó là trông thấy các con ăn ngon và ăn bất cứ thứ gì bà nấu như đó là món tuyệt nhất trên đời rồi. Có những ngày không có gạo, nấu được một nồi cơm cho các con ăn là tốt lắm, thích hay không thích nấu cũng chả quan trọng nữa. “Việc quan trọng nhất lúc ấy là ăn để tồn tại” – bà nói.

Thật sự đoạn đó so với cả một khoảng truyện dài phía trước không có nhiều từ ngữ hoa mĩ hay cảm xúc của người con khi lạc mất mẹ. Chỉ là lời kể rất chân thành của mẹ về cảm xúc thật của bà. Tôi tự nghĩ tôi cũng như nữ nhân vật trong truyện, tôi nghĩ tôi hiểu mẹ tôi cho đến khi tôi đọc lời nói thật lòng từ một người mẹ.

Tôi không thể đợi đến vài năm sau mới hỏi, ai biết được cuộc đời có bao nhiêu năm? Nếu tôi đã may mắn hơn nữ nhân vật kia thì tôi muốn hiểu mẹ sớm hơn một chút. Nên hôm nay tôi đã hỏi mẹ, tôi là người miền Tây nên tôi gọi mẹ bằng “má” và tôi đã hỏi: “Má, má có thích nấu ăn không?”. Lúc đầu má tôi cũng như người mẹ trong truyện, bà nhìn tôi như không hiểu tôi hỏi thế có mưu đồ gì… Tôi đã cố hỏi rõ hơn : “Má có thích nấu ăn không óh? Má nấu là do thích nấu hay là má phải nấu ?”. Tôi thực sự đã thở phào khi má tôi nói: “Má thích nấu”. Vì tôi thực sự nghĩ nếu má không thích tôi có thể làm gì cho hai mươi mấy năm bế tắc trong bếp của bà. Má tôi cũng là một người cần kiệm, tôi biết cho dù má có bế tắc thì một cái chén bà cũng không đập. Nên quyết định cuối cùng sẽ là chịu đựng. Chịu đựng của con người có bao nhiêu GB (gigabite)? Chịu đựng hết gần ba mươi năm thì tốn bao nhiêu GB nữa? Tôi không biết!

Nên tôi vô cùng… vô cùng… nhẹ nhõm vì mẹ tôi thích nấu nướng.

Còn Mẹ của bạn thì sao? Bà ấy có thích nấu nướng không? – Hãy thử hỏi đi, và nếu được hãy chia sẻ cảm nghĩ của bạn với mọi người nhé!

                                                                                               TPHCM, 25/6/2014

                                                                                                   Fanni Noustella

P.s: Bé Châu dành cho Má! Có thể con sẽ không bao giờ thành một nhà văn nổi tiếng nhưng con tin mỗi chữ con viết về má của con đều dát vàng…. Con yêu má ( dù con không thể xây cho đầy ba chữ đó được… Con cũng rất muốn nói ra…)

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#mẹ