Mình ơi...

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Hồi tám chín tuổi gì đấy, mấy chiều đi học về, tôi thấy ba đứng ngoài sân sau nép thân vào một góc khuất. Ông không bao giờ hút thuốc trước mặt người khác, nhất là trước mặt mẹ. Có một điều trùng hợp là mỗi lúc ba trốn thân vào gốc cây hút thuốc thì khi ấy mẹ tôi cũng trốn vào phòng ngủ bật khóc.

Tôi biết hôm đó ba mẹ cãi nhau vì khi đó đi sau hai chữ hạnh phúc đã xuất hiện cơm áo gạo tiền.

Có lần tôi hỏi ba, "Đàn ông lớn lên đều hút thuốc hả ba?"

Ba thả ra khói thuốc, nói: "Đàn ông lớn lên càng sầu, mày vô xem coi mẹ mày còn khóc không? Ba hết điếu này, đợi hết mùi thuốc rồi vào. Bả không thích mùi thuốc lá."

"Mẹ không thích, sao ba hút?"

"Ba biết, mỗi lần châm điếu thuốc lên, ba đều nghĩ đến mẹ mày nhưng cũng vì mẹ mày mà ba châm thêm điếu nữa."

Thực ra, đàn ông cũng chẳng thích giọt nước mắt của đàn bà, nhưng đàn bà vẫn khóc.

Trong phòng ngủ, mẹ cũng nói như ba: "Mỗi lần rơi nước mắt, đều nghĩ đến ổng nhưng cũng vì ổng mà mẹ rơi thêm giọt nữa."

Thế nên, người hút thì trốn dưới gốc cây, người khóc thì trốn rúc trong phòng ngủ nhìn ra gốc cây sân sau. Chỉ là....người thì có thể trốn vào gốc cây nhưng khói thuốc thì không thể, người có thể trốn vào phòng ngủ nhưng tiếng thút thít thì không thể.

Nhưng còn thấy được khói thuốc là còn thấy được lòng nhau, còn nghe được tiếng nức nở là còn nghe được tiếng mình ơi thương quen.

"Mình ơi, thôi đừng mua, tôi mặc áo cũ được rồi."

"Mình ơi, mai mình ăn gì tôi nấu."

"Mình ơi, tôi ủi cho mình cái áo, mai mình đi làm đừng làm dơ."

"Mình ơi, tôi đi nghe mình."

Năm tôi lên lớp 10, mẹ mất vào mùa thu, hôm giỗ đầu của mẹ, ba vội ra sân đốt vàng mã rồi ở ngoải một lúc lâu. Đến khi tôi lén bước ra ngó thử, thấy ba đứng ngay cái gốc cây đó dưới chân đầy đầu lọc.

Tôi im lặng, nghe giọng ba rất run:

"Mình ơi, tôi xin lỗi..."

"Mình ơi, sao mình đi bỏ tôi...ai nấu tôi ăn, ai ủi áo, mình ở đừng đi."

Vàng mã cũng cháy gần hết, để lại đống tro sắp tàn.

"Ba, mẹ hết khóc rồi, mình vô thôi ba."

Ba nhả khói, gật đầu nhìn tôi với hai mắt đỏ ngầu: "Mày vô coi nhang tàn chưa? Sắp đông rồi, ba ở đây đốt cho bả mấy cái áo ấm rồi ba vô."

Coi khói thuốc như là nước mắt đàn ông không sai.

Đàn ông luôn được cho là giống loài mạnh mẽ, nhưng dẫu có sắc đá khô cằn đến đâu, một khi trái tim còn đập thì còn có lúc yếu lòng. Phụ nữ đau buồn có thể khóc. Nhưng đàn ông thì không dễ gì rơi nước mắt. Điếu thuốc như là liều thuốc cứu cánh, không chắc nó khiến họ nguôi ngoai đi nỗi cô độc u uất bủa vây trong lòng nhưng nó có thể làm tê liệt thần kinh đau đớn.

Cũng kể từ năm 28, tôi bắt đầu hút thuốc, nhưng không bao giờ hút trước mặt người khác.

Để người khác thấy mình hút thuốc chỉ chứng tỏ mình là kẻ vô tâm với sức khỏe. Những lúc tìm đến điếu thuốc, hoặc là phép xã giao theo văn hóa của những người đàn ông thân thiết, hoặc là hôm đó tâm trạng tôi không ổn.

Mà tâm trạng không ổn thì có ai muốn người khác bắt gặp.

Mỗi một lần châm điếu thuốc để hút, tôi không thể nào quên cái lý do tôi châm điếu thuốc đầu của mình. Nhưng cùng vì cái lý do đó mà tôi châm thêm điếu nữa.

Chiều thu, từ vườn trái cây về lại Hạ Ru, tôi ra thẳng sân sau, chống tay lên lan can, nhìn ra núi mây chốn tỉnh lẻ tĩnh mịch. Móc bao thuốc ra, nhanh chóng rút một điếu đưa lên miệng, sau đó châm lửa bằng một động tác dứt khoát và thành thục.

Kéo một hơi...nhả khói....kéo thêm một hơi rồi lại nhả khỏi. Phả vào vùng trời vàng úa, cố nhìn mãi cũng không thấy rõ ngày mai.

Cứ thế cho đến khi chỉ còn lại đầu lọc ngắn ngủn. Dừng lại một lát, tôi chọn châm thêm một điếu nữa. Dù biết hỗn hợp khí độc hại theo khí quản tràn vào phổi rồi tàn phá cơ thể, nhưng vẫn không thể ngừng lại.

Mỗi lần rít thuốc, tôi cảm tưởng như đang tự đốt cháy cổ họng mình, đốt cháy mớ cảm xúc hỗn độn cùng đống suy tư đang chằng chịt như mạng nhện khắp mọi ngõ ngách của tâm trí.Và khi đẩy thứ khói trắng ấy ra khỏi vòm miệng, thực lòng cũng mong muốn rằng nỗi buồn theo đó mà thoát ra, tan biến theo làn khói.

Chực nhớ mai là giỗ mẹ, tôi dập vội điếu thuốc rồi lấy điện thoại gọi ba.

Ba nhấc máy, giọng khàn khàn a lô:

"Thằng MinGyu hả con?"

"A lô ba, sao con thấy tiếng ba khàn quá, bữa nào kêu thằng út chở ba đi khám đi, để lâu nó trở nặng thì khổ."

Ba cười hà hà: "Người già đổi mùa hay bị bệnh vặt, vợ chồng tụi nó lo cho ba lắm, ba còn khỏe hơn mày. Mai giỗ mẹ, sao giờ ba chưa thấy mày về?"

"Năm nay vườn trái cây có đợt kĩ sư mới cần chỉ dẫn, con không về giỗ mẹ được..."

"Ờ thôi, ở đó dạy tụi nó cho tốt. Ba cũng định nấu mấy món mẹ mày thích thôi, mày về...rồi lúc mày đi, ba lại không nỡ xa mày."

"Thằng út nó nghe ba nói vầy nó lại tị nạnh với con." Tôi cười, trong lòng vẫn thấy áy náy có lỗi vô cùng.

"Nó lớn có vợ có con rồi, đâu có thèm giành ông già này nữa. Giờ tới lượt ba tị nạnh với vợ con nó."

Tôi suy nghĩ một chút rồi nói: "Ba...hay ba lên đây ở với con đi? Ba con mình sớm tối thủ thỉ, có người nhậu với ba."

"Sao được mày? Ở đây là quê mình, tỉnh đó dù sao cũng là đất khách quê người."

"Chứ con thấy thằng út dù sao nó cũng ở cách ba một khoảng, ba một mình lủi thủi, con không an tâm. Ở đây, con cũng một mình, con cũng có nhà, con cũng làm sếp, con lo cho ba được."

"Ba biết mày lo cho ba được nhưng ba đâu có một mình lủi thủi, mày thấy ba một mình chứ ba không có buồn. Sáng sớm có vợ thằng út mua đồ ăn cho ba, ngày nào nó bận thì ba tự nấu. Ăn uống có là bao nhiêu. Nắng lên, ba đi tưới mấy bụi hoa hồng với mấy cái cây của mẹ mày, tưới một hồi trên văn phòng tỉnh có ai cần tài liệu phiên dịch thì ba nhận làm dùm. Chiều tối, mấy ông bạn nhậu rủ thì sang chơi uống vài ba ly để tối về dễ ngủ. Không phải ai cũng sướng như ba mày đâu."

Như thấy tôi còn lo, ba lại cười rồi nói thêm vào: "Căn nhà này chứng kiến một thời của ba mẹ, kỷ niệm vui buồn gì cũng ở đây, mày bảo ba bỏ nó, sao ba bỏ hả mày?"

"Ừa...khó bỏ thật ba ha.." Tôi thở dài, mùi khói phảng phất khiến sống mũi cay cay, "Xin lỗi ba, con cũng không thể bỏ Hạ Ru được, ở đây cũng có kỷ niệm của con, con chỉ biết đón ba lên đây."

Bên đầu dây phát lên tiếng bật lửa, vài giây sau tôi mới nghe ba đáp lời:

"Ba không trách con, ba muốn ở bên mẹ. Ba con mình đều khó rời bỏ nơi mình thuộc về, thôi con, ba chỉ mong con ở nơi khác vẫn khỏe, sống cho ý nghĩa. Ba ở đây...có mẹ phù hộ cho ba."

Ở nơi xa này, tôi cũng đứng lan can nhìn ra núi mây phía xa xôi, rút thêm điếu thuốc, tôi châm lửa. Khói chưa kịp nhả, mắt đã cay nhòe.

Tôi thở dài, "Hút một điếu thôi nha ba, mẹ không thích mùi thuốc lá."

"Ừ, một điếu rồi thôi..."

Sau đó ba không nói gì nhưng cũng không tắt máy, tôi cũng im lặng rít từng hơi thuốc. Cuộc tâm sự của người đàn ông ở hai thế hệ khác biệt, ở hai nơi khác biệt, có lẽ thứ thấy rõ nhất là khói thuốc và thứ nghe rõ nhất là...

"Ba à, con vẫn còn thương người ta nhiều lắm."

"Thôi con, tàn điếu rồi, mày đừng sầu nữa....ba thương."

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro