Công Chúa Của Ngày Mai (end)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Tôi sống ở quê suốt cả một thời thơ ấu. Gia đình tôi không đủ sức để tìm một chỗ trú nơi thành thị hoa lệ. Sống cùng ông bà và gió đồng hương nội, ấy cũng là một đặc quyền trời cho.

Trẻ con ở đâu thì cũng tinh ranh với đúng số tuổi ấy, đặc biệt ở những chốn như thôn quê thì còn khôn lanh hơn nữa. Sáng hôm ấy như biết bao buổi sáng khác, ông ngoại chở tôi trên chiếc xe đạp với cái gác ba ga không có đệm - ác mộng của trẻ con. Trên con đường đến trường mẫu giáo, tôi nhìn bất cứ thứ gì mềm mềm xốp xốp cũng hoàn toàn có thể làm cái mông tôi dễ chịu hơn là những ống sắt được ghép lại thành chỗ ngồi ấy.

Ông tôi đợi tôi vào đến tận lớp mới quay xe đi.

Dù có rất yêu ông và thương ông, tôi vẫn không thể nào yêu nổi trường mẫu giáo. Mấy cái đứa trẻ con này nữa, chúng nó giành lấy thìa sắt hình tên lửa và gối đầu mới, tôi khó chịu vô cùng. Trưa hôm ấy tôi xin đi rửa tay rồi luồn khe cửa chạy về.

Rồi đôi chân nhỏ xinh của tôi nhận ra, trên con đường này, tôi nguyện được ngồi trên gác ba ga sắt để ông ngoại chở đi suốt đời.

"Ê, đứng lại. Ê!"

Tôi giật mình hốt hoảng. Ấy chết, có khi nào cô giáo bắt lũ chúng nó đi tìm tôi không? Tôi sợ quá, nhắm mắt chạy bạt mạng, không biết trời trăng mây nước gì nữa.

Ngày hôm ấy, tôi chỉ nhớ được đến cuối cùng thì tôi bị bắt về, cô giáo đánh tay tôi, rồi tôi và lũ trẻ con lại sinh hoạt như một ngày mẫu giáo bình thường khác.

***

Cứ mỗi lần nhắm mắt nghĩ về một ngày đã xa rất xa, tôi thường thấy xao xuyến bâng khuâng, dẫu cho chẳng bao giờ nhớ nổi trọn vẹn một sự kiện gì.

Cũng giống như khoảnh khắc đứng trước con đường đất dài và đầy sỏi đá, một đứa trẻ nguyện được chở đi suốt đời dẫu cho yên xe đạp chẳng gì dễ chịu, thì giờ đây tôi cũng chẳng khác, mở mắt ra là một cuộc đời trước mắt, chỉ nguyện suốt đời được chở che, dù có gò bó, nhưng là được yêu thương một đời này không cần đáp trả. Cuộc đời này là một chuỗi vay mượn, không ai cho không ai cái gì, chỉ có kí ức là miễn phí và yêu thương của quá khứ là vô hạn, nhưng chẳng còn trọn vẹn vì đã đi rất xa, cũng chẳng còn đủ đầy vì chông gai của tuổi trưởng thành cứ dần lấy cắp đi hạnh phúc ấy.

***

Lúc tôi trở về nhà với đôi tay đỏ lựng, ông tôi chỉ cười khà khà. Hôm ấy tôi gan lạ, còn dám nói là ông mua ghế ghép đệm cho tôi nữa. Ông không nói gì cả, sáng hôm sau tôi thấy mấy cái vỏ chăn cũ độn hạt kê vào yên xe.

Mấy ngày sau con đường đến trường êm ru, mát mẻ lạ kỳ.

Có một hôm ấy, tôi để ý một thằng cu tôi chưa bao giờ nói chuyện trong lớp. Nó ngồi im trên ghế gỗ con trong khi mọi người đều ra sân tranh nhau cầu trượt. Tôi đến gần, phát hiện nó ngồi ôm chặt một cái hộp. Tôi hất mặt hỏi nó cho xem, nó chỉ lắc đầu. Tôi liên tục hỏi nó, nó chỉ gật với lắc, chẳng nói chẳng rằng. Tôi đoán là nó câm rồi. Những đứa giống nó ở quê tôi thường rất nhát và còn hay bị trêu.

Tôi cũng chẳng nghĩ được gì ngoài việc tỏ ra mình cũng giống như bọn anh chị khác, trêu chọc thằng bé này. Thế rồi sau một hồi giằng co, thằng bé lăn đùng xuống đất, chiếc hộp mở bung, bên trong là một miếng đồ gì đó màu trăng trắng. Lúc bấy giờ tôi mới nghe thằng bé hét lên :

"Đồ ngu si, đồ khốn nạn! Huhu..."

Tôi chỉ sững người, không biết làm gì khác.

***

Sau này tôi nhận ra, đôi khi nói quá nhiều cũng là lúc mọi thứ rơi vào bế tắc. Không nói cũng là một cách để làm dịu yên bầu không khí theo nghĩa đen, cũng làm nặng thêm một phần giá trị của hành động.

Tôi là một nhân viên ngành dịch vụ, một ngành cần phải nói. Nói chính là nhiệm vụ của chúng tôi, không muốn cũng phải nói. Nhưng chúng tôi không nói từ tiếng lòng mình, mà nói vì bộ mặt của người khác, vì danh dự và trách nhiệm của công ty. Người như tôi sẽ nhận hết mọi đắng cay nhục nhã đầu tiên, vì khi mọi chuyện xảy ra, người ta sẽ tìm đến nhân viên chăm sóc khách hàng, chứ chẳng mấy ai đủ khả năng gọi đến quản lý hay cấp trên hơn nữa.

Chưa bao giờ tôi mong ước được im lặng hơn bây giờ, chưa bao giờ tôi ước thế giới này hãy biết lắng nghe hơn thế.

"Sao em không đến gặp anh? Em thực sự không hiểu sao?"

Tôi bắt máy lên nghe tiếng nói giận dữ của người mà tôi gọi là bạn trai, nước mắt tôi lăn dài. Tôi đang ở trong bệnh viện sau khi được đưa đi cấp cứu vì va chạm giao thông, cũng chỉ vì vội đến với anh. Sau khi bị khách hàng rầy la, tôi đã muộn giờ hẹn đến nhà anh sau bao lần từ chối và lỡ hẹn.

Tôi đã cố gắng, và thất bại.

Tôi nhớ về ngày đó ông ngoại lặng thầm chăm sóc cho tôi, gia đình không đủ điều kiện mua cho tôi một chiếc ghế ghép đắt tiền, ông đã lẳng lặng mà cắt cho tôi một chiếc đệm êm ái. Tôi tự nhiên quý những sự âm thầm thấu hiểu ấy biết bao nhiêu.

Tôi biết tiếng nói là món quà đặc biệt mà tạo hóa dành tặng con người, nhưng tôi cũng tiếc thay, vì đó là món quà, có nó như một lẽ tự nhiên, nên chẳng mấy ai hiểu, đôi khi món quà này chính là sự trừng phạt nặng nề với tâm hồn người khác.

***

Hôm đó ông ngoại rất giận tôi, bởi vì cô giáo báo về nhà là tôi bắt nạt bạn khác. Ông đèo tôi ra chợ mua một gói kẹo vài nghìn bạc, thời ấy ít nhà nào dám mua, để tôi đem đến nhà bạn xin lỗi. Mà tôi nào biết nhà nó ở đâu, nó còn chẳng phải bạn tôi. Thế mà ông tôi giận kinh khủng, bắt tôi đi hỏi nhà nó cho bằng được, không biết cũng phải biết.

Ông tôi thương cháu là thế, nhưng nghiêm khắc thì cũng vô cùng. Ông nói đi nói lại với tôi, dẫu nhà ta có nghèo, tuyệt đối nhân cách cũng không được phép nghèo. Ỷ thế bắt nạt bạn bè chính là một sự suy đồi đạo đức làm người, cho dù tôi và đối phương là ai.

Chiều muộn ngày ấy, tôi hỏi thăm từng nhà một, đến gần xẩm tối mới tìm thấy nhà thằng bé. Ngày đó là giữa vụ lúa, ngọn chín cao ngang đầu tôi, để đến được căn nhà lụp xụp giữa cánh đồng, cánh tay tôi đỏ ửng những vết xước li ti.

Nhà nó hình như rất nghèo, còn nghèo hơn nhà tôi nữa. Căn nhà ngói vỡ lia xia chẳng thèm sửa, cổng nhà cũng không ra hình cái cổng, chỉ là tấm gỗ mục có thể đẩy ra đẩy vào. Trước nhà nó có một cây gạo rõ to, trông vô cùng đáng sợ.

Tôi đẩy cửa vào, thấy cái chõng tre đặt giữa sân, bên trên có mấy thứ đồ gì đó, tôi nhận ra miếng đồ trăng trắng và cái hộp mà tôi đã giằng lấy từ tay thằng bé sáng nay. Cái hộp không mở hết, bên trong vẫn còn gì đó, còn miếng màu trắng kia trông giống hình thù cái móng hổ, được xuyên qua một sợi dây. Tôi tò mò định cầm lên, thì thằng bé đã từ đâu chạy tới rồi giật lấy, nhìn tôi thù hận.

Tôi cố giải thích rồi xin lỗi, đặt gói kẹo vào tay nó để đền bù. Nhưng nó chỉ tức giận, hất rơi gói kẹo, đuổi tôi về. May mà lúc ấy có người về, trông có lẽ là bà của nó, bà nói với chúng tôi mấy câu, hai đứa mới có thể ngồi xuống chõng yên ả một lúc.

Tôi hết lời xin lỗi nó. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy cần phải được người lạ thứ lỗi đến thế, một phần là do ông ngoại, một phần nó giống như thử thách, nếu có thể lay động tâm trí thằng bé ấy, thì tôi thành công. Đó là một điều thú vị.

Tôi chẳng nhớ rõ sau đó cụ thể ra sao, nhưng tôi biết rất kĩ là sau sự kiện ấy, tôi có thêm một người bạn, một người bạn để nhớ đến mãi sau này.

***

Tôi nhận ra lớn lên rồi, tôi không còn cần đến sự tha lỗi của người ngoài nữa. Sự tự tôn của một kẻ trưởng thành ngăn tôi cầu xin sự thấu hiểu của người ta. Ấy vậy mà nay với công việc và đặc thù của nó, ngày nào tôi cũng phải cúi đầu xin lỗi. Tôi biết nó không xuất phát từ cái tâm của tôi, hay ít nhất là không phải sự thành thực giống như buổi chiều muộn ngồi bên cạnh thằng bé ấy.

Lớn lên rồi, còn có gì để đáng chân thành với nhau? Xã hội này luôn trân trọng sự thật lòng, nhưng chẳng ai có nổi một trái tim thơ ngây và một người xứng đáng được nhận những lời từ sâu trong đó.

Tôi trùm chăn kín mặt để giấu đi vài giọt nước mắt ủy mị đáng thương. Đau mà không dám nói cho người nhà vì sợ một nỗi xót lòng, nhưng cũng tủi thân vì họ là người duy nhất còn yêu tôi thật lòng trong đời này. Tối hôm qua tôi nhắn tin chia tay bạn trai. Chân tôi bó bột, nhưng chẳng đau hơn trái tim tôi là bao.

Tôi nhớ anh đến với tôi vô cùng tự nhiên vào một ngày đẹp nhất, hoặc là ngày tôi gặp anh chính là ngày đẹp nhất. Người ta nói phải, mọi thứ trên đời này cần phải có duyên mới thành. Tôi thấy anh có gì thân thuộc quá, phút chốc không kìm được mà thầm mong anh sẽ kề bên đến suốt đời. Anh trong mắt tôi cũng tựa một thiên thần, ít nói, dịu dàng, và quan trọng là mang lại trong tôi cảm giác thân quen rất lạ, tựa như bước ra từ chốn quá vãng xa xưa.

***

Thằng bé ấy nói nó hay được gọi là Hào.

Hôm ấy nó giận tôi không phải vì tôi bắt nạt nó, mà là tại tôi làm xước món đồ giống móng hổ của nó. Nó rất quý cái này. Tôi chợt nhận ra hình như ai cũng có một thứ gì để thích thì phải, giống như Hào có móng hổ, bạn nọ có bộ thẻ bài, bạn kia có tập hình xăm trong kẹo cao su. Tôi nghĩ mình cũng phải thích gì đó cho đặc biệt.

Hào bảo tôi rằng món đồ này có hai cái, một trắng một đen, trông giống móng hổ nhưng không phải là móng hổ, nhưng nó vẫn thích vì thứ này là nó được mẹ đi công tác xa đem tặng. Ngày nào nó cũng đem ra chùi cho bóng bẩy. Tôi xin mượn nhất quyết không cho.

Tôi thầm nghĩ nhất định mình cũng phải có gì đó quý giá hơn của chúng nó. Băng qua cánh đồng mới gặt trải đầy rơm, tôi đi về nhà mà chẳng phát hiện những sợi rơm xanh đã giắt đầy hai dép.

Tôi hỏi ông về những đồ gì quý giá, ông nói say sưa về bộ sưu tập bút lông của ông. Tôi chán nản ra vườn tìm kiếm với một hi vọng lỡ may tìm thấy một cái gì đó lạ lẫm hay ho.

***

"Anh là Kim Minh, rất vui được gặp em!"

Tôi chưa bao giờ gặp một ai có cái tên lạ như thế, vậy nên lòng hiếu kỳ trong tôi càng dâng thêm để muốn được tìm hiểu anh. Ngay lúc ấy, tôi nhận ra hình như tôi đã tìm thấy món kho báu quý giá của đời mình.

Nhưng tôi nhận ra càng quý giá, lại càng khó giữ lấy trong tay nếu như không đủ một cái tâm trân trọng. Yêu được anh không dễ dàng, và tôi cũng chẳng nhận ra bản thân mình trong cuộc sống này còn chẳng quán xuyến nổi, sao có đủ tư cách níu giữ lưu luyến ai?

Rồi điều gì cần đến cũng phải đến. Anh rất thông cảm và thương yêu tôi, yêu một cách rất nghiêm túc và sâu sắc, nhưng có lẽ tôi đã ỷ lại vào tình yêu đấy mà coi như điều đương nhiên, cứ nghĩ rằng mình chẳng cần phải đáp lại đúng những gì được cho. Trái tim của anh đập rộn ràng, còn trái tim tôi lần lữa để đập chung theo một nhịp cùng anh.

Đã yêu là phải có trách nhiệm, những thứ ngăn cản trách nhiệm chỉ là những điều nói ra để trốn tránh cho cách gọi "vô tâm".

Anh chỉ yêu cầu tôi một lần tới nhà anh. Anh không nói rõ lý do, nhưng tôi biết cảm giác của gia đình thì không cần một lý do nào hết. Hết lần này đến lần khác tôi khước từ, cho đến lần cuối cùng, khi những cái cớ đã thành thói quen, thì tôi chẳng thể nào thực hiện được điều mình cần phải làm nữa. Tôi đã bỏ lỡ một yêu thương.

***

Tôi nhớ khi bắt đầu học tiểu học, nhiều đứa con gái đã bắt đầu làm đẹp, đứa nào có chị lớn tuổi thì có vẻ còn nhiều kinh nghiệm trưởng thành hơn. Mỗi ngày tôi ngồi gần chúng nó đều được lĩnh hội vài điều thú vị mà gia đình bốn người lớn trong nhà đều không thể cho tôi được.

Thời ấy cả xã mới có một trường tiểu học, mỗi khối dồn thành một lớp. Tôi và Hào lại chung nhau một lớp. Ngày nào tôi và nó cũng cùng đường về nhà.

Một ngày nọ Hào đi xe đạp đến trường. Ai mà chẳng biết, đứa nào có xe đạp tức là giàu lắm. Lạ ở chỗ là nhà Hào không hề giàu như thế, tôi biết rất rõ. Sau này tôi biết, đó là quà của bố mẹ Hào từ thành phố gửi về.

Tự nhiên bạn tôi, từ một cu Hào ít nói trầm lắng biến thành đại ca, ai ai cũng xun xoe để được mượn xe của nó. Hào rất tốt bụng, đúng thế, ngoài những miếng vòng móng hổ của nó ra, thì cái gì cũng có thể chia sẻ. Tôi cũng được mượn đi thử, nhưng tôi còi quá, không leo lên nổi.

Rồi một điều dĩ nhiên xảy ra, chiếc xe đạp của Hào không còn lành lặn sau hàng trăm lượt ngồi thử. Và rồi mọi người lại dần dần không nịnh nọt thằng bé nữa, mọi thứ trở lại về mốc ban đầu. Hào cũng không quan tâm đến điều đó, không còn nhiều bạn xung quanh, nó vẫn hạnh phúc và vui vẻ như là ngày trước. Vốn dĩ cuộc đời nó không ồn ào, và nó cũng không thiết ồn ào đến thế.

Năm ấy tôi lên lớp ba, tôi mãi không đủ sức ngồi lên chiếc xe đạp mơ ước ấy. Tôi lại nghe lỏm đám con gái trong lớp kể chuyện người lớn với nhau, là con trai phải chở con gái trên xe đạp, thế mới lãng mạn. Vậy là tôi yên cầu Hào chở tôi đi cho thỏa nỗi tò mò.

Cảm giác không khác gì được ông ngoại chở đi học. Tôi vẫn quen cái cảm giác ấy đến thế. Vi vu trên bờ đê lộng gió, mùi cỏ và mùi đất bám trọn vào từng vòng xe quay, đáng yêu đáng nhớ đến nỗi lớn lên đến hàng chục năm sau tôi cũng không thể quên được.

***

Mùi ê te xộc vào mũi tôi đắng nghét. Tôi mới ở đây chưa đầy hai tư tiếng đồng hồ mà đã muốn chết đi mấy lần.

Tôi ngửa cổ nhìn bọc đường treo trên giường bệnh, từng giọt một truyền vào cơ thể tôi thay cho những bữa ăn.

Tôi mệt. Tôi không thể ngăn mình sống với chuyện xưa được nữa. Mỗi lần nhắm mắt, giọt nước mắt chảy ra theo dòng xót xa của hiện tại, nhưng đổi lại là mùi hương của quá khứ ngây ngất lòng người.

Giá như nhắm mắt hoài mà không cần tỉnh lại.

Giá như thời gian trôi hoài nhưng không đến ngày mai.

***

Tôi vân vê những thỏi đất sáp màu trong giờ thủ công, chợt trong đầu nghĩ ra gì đó.

Chiều hôm ấy về nhà, tôi mang thìa ra cào một góc vườn. Cào mãi mới thấy một lớp đất dày đặc, dẻo quánh, tôi xúc mấy thìa to, gói vào lá chuối đem giấu đi.

Ngồi trong chậu nhôm ngâm nước, tôi nghĩ xem mình có thể tạo nên được cái gì quý giá từ cụm đất sét mới đào được. Tôi cần có gì đó để đọ được với mấy cái vòng của Hào. Nghĩ mãi không ra, tôi đành gật đầu với ý tưởng vê tròn thành mấy viên, rồi đem đi nhờ đi tráng ở làng gốm sứ cách nhà cái chợ Cầu Tây.

Cầm thành quả đầy xinh đẹp và bóng loáng trên tay, từng viên đất sét nay nung cứng cáp, tô đầy sắc màu xuyên qua từng sợi dây sáp, tôi vui sướng muốn đem đi khoe ngay. Tôi đã đổi hai đôi dép tổ ong cho ngần này đồ. Hi vọng ông ngoại không sớm phát hiện ra.

Tôi đem cho Hào xem, mũi tôi hếch ngược lên trời khi thấy nó xuýt xoa, mắt long lanh soi từng viên sứ dưới ánh mặt trời vàng óng. Nó đồng ý cho tôi cầm chiếc móng hổ trắng lần đầu tiên, sau vài năm chung sống với xỏ xin năn nỉ mỗi ngày.

Thật ra Hào tốt chứ, không chỉ bây giờ hay là vụ chiếc xe đạp mới, nó còn rất biết quan tâm bạn bè, mặc dù tôi là người bạn duy nhất của nó. Ngày nào nó cũng đi qua nhà tôi gọi tôi đi học, tôi cho nó bắp ngô luộc, nó cho tôi củ sắn đường. Nói chung là cuộc sống của tôi ở chốn thôn quê này vậy là vui vẻ.

Có một hôm, tôi đổi cả thảy mười hai vòng viên sứ đủ màu để lấy một lần mượn chiếc móng hổ về chơi một hôm. Tôi bị thu hút bởi thứ đồ này kinh khủng, không chỉ vì nó làm từ ngà, quý là một chuyện, nó còn được ướp một mùi rất thơm mà mãi không hết được.

Tôi chỉ cần mượn thôi, ngắm một ngày là mãn nguyện rồi.

Thế nhưng Hào lại lưỡng lự. Dù nó có gật đầu đồng ý, nhưng suốt cả buổi ở nhà nó, tôi cảm thấy nó cứ bồn chồn úp mở gì đấy, trông khó chịu không tả được. Tôi đoán là nó không hề muốn cho tôi mượn.

"Không cho thì thôi, hừ!"

Tôi buông một câu gắt gỏng rồi chạy về nhà, mặc cho nó ở đằng sau gọi liên tục. Tôi những tưởng nó sẽ đuổi theo tôi, nhưng không, tôi không thấy nó nữa.

***

Tôi không còn thấy Hào nữa, từ đó cho đến tận bây giờ.

Hôm ấy là ngày cuối cùng nó ở lại vùng quê này, bố mẹ đã đón nó về thành phố kia, đưa bạn tôi, đưa cả tuổi thơ tôi đi mất.

Đến trước cái cổng gỗ mục ấy, tôi thấy một chiếc vòng hình móng hổ màu trắng ngà lắc lư, lắc lư đợi một người cầm lấy nó, đợi một người lau chùi nó mỗi ngày.

Ngày Hào đi chúng tôi mới học lớp ba, còn bé quá, chốn thôn quê còn xưa cũ quá, cứ đi thôi chẳng để lại cái gì. Không địa chỉ, không một bức thư gửi về, tuổi đẹp nhất của tôi có lẽ chấm dứt tại đó.

Tôi nhớ tôi đã về nhà và khóc thật nhiều trong lòng ông, ông chẳng nói gì cả, chỉ lặng lẽ xoa đầu tôi.

Đó là mảnh ký ức nguyên vẹn nhất trong đầu tôi ngay lúc này. Lần đau lòng nhất của tuổi thơ, tôi nhớ lại nó vào lúc chán chường nhất của tuổi trẻ. Lúc đó tôi buồn đến muốn chết đi, không còn bạn, mất một thói quen. Lúc này tôi cũng thế, muốn chết.

Tôi lại nhắm mắt, nhưng không còn ký ức đẹp để nhớ về nữa rồi.

Trong giấc mơ, tôi nhìn thấy mình nhỏ con bé tí của ngày bảy tuổi, nhìn thấy cậu bạn đang cầm một chùm mười hai dây viên sứ và chiếc móng hổ màu đen. Trên tay tôi là chiếc móng hổ màu trắng. Thì ra, hai chiếc "móng hổ" ghép lại thành một vòng tròn âm dương. Một ký hiệu của sự toàn vẹn và sự cân bằng của đất trời.

Tôi mơ thấy Hào cười giòn giã, còn mình thì nước mắt ngập ngụa, mặn chát như chảy ra từ trong tim, chảy ra từ hai mươi năm đợi chờ.

Khuôn mặt tôi chợt ấm áp, mềm mại, quá lâu rồi tôi mới thấy dịu êm như thế. Có bàn tay thật lớn, thật nhẹ nhàng lau đi từng giọt nước mắt của tôi, giọt nước mắt chảy từ giấc mơ chảy về hiện thực. 

Mở mắt ra, tim tôi chợt nhói tủi thân, miệng mếu máo, òa khóc.

"Sao bây giờ anh mới đến hả Minh? Em ở đây đau lắm, đau lắm..."

Kim Minh ở ngay trước mắt tôi, dịu dàng như vốn có, ôm tôi chặt cứng, vòng tay còn run run. Anh nhẹ nhàng nói một câu xin lỗi, rồi lặp đi lặp lại nhiều lần.

"A..."

Tôi chợt thấy đau ở ngực, có một vật cứng, hơi nhọn đâm vào tôi.

"Anh làm em đau à, anh xin lỗi..."

Tôi lần mò vào lớp áo khoác của anh, rồi áo trong, lôi ra được một chiếc vòng.

Tôi và Kim Minh yêu nhau chưa đầy bốn tháng, cả anh và tôi đều ngại ngùng khi tiếp xúc với nhau, và với sự chểnh mảng của bản thân tôi, chúng tôi rất ít khi bày tỏ cảm xúc mãnh liệt với nhau. Và cũng vì thế, tôi cũng chưa bao giờ ôm anh chặt đến nỗi, qua bốn năm lớp áo dày mà vẫn  cảm nhận được một đồ vật cộm lên như lúc này.

***

Anh đọc cho tôi một câu chuyện tìm được trên mạng, mang tên "Công Chúa Của Ngày Mai". Cô công chúa trong truyện trị vì vương quốc Tương Lai, nhưng lại tỏ ra mệt mỏi và chán chường, chỉ muốn rong chơi suốt tháng ngày ở thung lũng Quá Khứ. Mãi mới có người bạn dũng cảm dám nói với cô ấy rằng.

"Ở giữa kinh thành Tương Lai, cậu đã là một công chúa, và phải là một công chúa. Cậu có quyền lực quyết định tất cả mọi thứ, tuy hai vai cũng nặng gánh bộn bề. Dẫu ngày mai trời sáng xanh hay tối mịt, thì nó vẫn sẽ đến và công chúa vẫn phải đứng lên. Bởi nếu cậu không quyết định, thì vĩnh viễn vương quốc Tương Lai sẽ không thể phát triển, và kinh đô Hiện Tại cũng lâm vào ngõ cụt. Vậy nên, cậu hãy tạm gác lại việc rong chơi ở Quá Khứ, dựng xây đất nước có được không? Chúng mình luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ cậu trong công việc này!"

Tôi đã kể cho anh về việc liên tục nhớ về quá khứ thế nào, phải dựa vào nó ra sao để làm dịu đi nỗi đau hiện tại. Anh cười hiền dịu và chọn câu chuyện này để đọc cho tôi. Dù là một câu chuyện trẻ con, nhưng có lẽ cũng là lời mà anh muốn nói với tôi nhất. Anh ở đây, bố mẹ, ông bà tôi cũng ở đây mà, vậy tại sao tôi lại tự giày vò chính mình cơ chứ.

Tôi có tất cả, mà cứ tự mình phủ nhận điều ấy, vin vào nó để kiếm tìm quá khứ như một kẻ hèn nhát. Nhưng có lẽ tôi phải khác đi thôi. Tôi là một công chúa, và phải là một công chúa của ngày mai.

Mẹ tôi gọi điện cho tôi, tiếng ồn ã nơi bến xe khiến tôi biết ông ngoại, bà ngoại đã đến nơi rồi.

Tôi cười trong ngọt ngào, anh ôm tôi và cũng cười chung trong bầu không khí đầy đường mật ấy.

Trên bàn, hai chiếc vòng "móng hổ" ghép lại tròn trịa hoàn hảo, xung quanh là mười hai viên sứ sắc màu lung linh dưới ánh dương vàng.

_hết_

22h40p 290718.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro