Miền kí ức

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Chắc hẳn trong đầu nó đã quên đi hết kí ức về cha nó, về hình dáng, đường nét trên khuôn mặt, quên hẳn đi người mà lúc nhỏ nó luôn đeo theo sát bên cạnh. Có chăng nhớ chỉ là lâu lâu thoáng qua một chút sơ về ông, nhưng mà người của mười mấy năm về trước cơ. Trong thâm tâm không biết có còn tồn tại cha nó hay không? Cha nó chưa hề xuất hiện trong giấc mơ hàng đêm, cũng chưa từng xuất hiện trong các dự định tương lai của nó. Chưa từng một lần nào cả. Không phải nó cố ý gạt đi, nhưng mà nó đã quên thật. Mai sau nó ước sẽ có một căn nhà tại thành phố đông đúc, trong đó có nó và mẹ nó, có vợ con nó, và hiển nhiên sẽ là một căn nhà hạnh phúc. Mười mấy năm nay nó vẫn nghĩ gia đình nó chỉ có nó và mẹ nó. Nó có vô tâm với cha nó quá không? Có lẽ vậy. Nhưng mà cũng không hẳn, bởi cha nó đã không còn xuất hiện trước mặt nó mười lăm năm trời rồi, không còn bồng ẵm nó nữa, không còn dỗ dành nó nữa, nó quên đi là điều đương nhiên. Cái mà cha nó để lại mà nó nhớ nhất chắc là chính cái tên của nó: Bảo Nam. Cái tên cha đặt cho nó lúc chưa lọt lòng, xem nó như là báu vật của cả dòng họ.
Hai mươi năm trước, nó sinh ra trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, ông bà nội, bởi nó là con trai út của gia đình, là cháu đích tôn của cả dòng họ. Cha nó cưng nó không biết bao nhiêu mà kể. Nó lên ba tuổi mới biết nói chuyện được nhiều, nói ngọng nghịu nên cha nó càng cưng hơn. Đi đâu cha cũng chở nó bên cạnh. Nó đòi gì là được nấy. Có lần thấy thằng bé hàng xóm có các quạt máy đồ chơi, nó cũng đòi chị 2 nó chạy qua lộ để mua cho được. Rồi chị nó bị xe tông. Khi đưa chị đi nhà thương, nó ở nhà sợ quá đứng trốn sau cánh cửa, nhưng mà mọi người vẫn đưa nó ra an ủi không sao. Bà nội lại càng thương nó nữa. Đêm nó hay ngủ mớ, chạy xông thẳng ra lộ xe rồi khóc, bà nội phải bồng nó đi lòng vòng một hai cây số nó mới nín. Lúc bà té gãy tay vẫn gáng kè kè bên nó. Mỗi sáng sớm bà thường nấu canh khoai ngọt với gan heo bầm, món đó tới giờ nó vẫn còn nhớ mãi. Trưa nào bà cũng đi mua một ca cà phê, dắt nó đi lên trường cho chị 2 uống. Bà không xa nó được lâu, mấy lần nó về quê ngoại chạy tận miệt thứ, mấy hôm sau là bà đi đò xuống tới với nó. Cứ tưởng mọi việc êm xuôi kéo dài mãi, thế rồi bà nó phát bệnh ung thư. Nó chỉ vào được bệnh viện thăm bà nó một lần. Lúc đó bà vuốt đầu nó, nói với mấy cô bác: "Tao chết rồi hai chị em nó khổ lắm". Thế rồi bà nó đã ra đi. Vào một buổi trưa nắng tháng chín. Xe chở bà nó về nhà, nhưng bà không còn ôm nó như mọi ngày nữa. Bà nằm im trên chiếc giường bà ngủ thường ngày. Tiếng khóc của bác nó, cô nó, ông nó. Mẹ quỳ xuống chân giường cạnh bà. Hàng xóm kéo đến đông kín nhà. Lúc này nó mới biết người chết là thế nào. Nhưng trong suy nghĩ của một đứa trẻ mới bốn tuổi thì bà nó chết nghĩa là bà đang đi du lịch xa. Bà đi. Rồi một ngày nào đó sẽ về lại với nó, ôm nó, bồng nó đi chơi nữa. Nó vẫn hồn nhiên. Ngày đưa bà nó lên nghĩa trang, nó đòi ngồi trên xe rồng cạnh cái hòm của bà. Nó luôn đi cạnh bà tới lúc vào đến chỗ chôn. Ai cũng nói với nó rằng bà chỉ đi chơi, nó cứ nghe thế, nhìn theo cái hòm từ từ hạ xuống huyệt sâu. Thế là xong đám của bà. Ba hôm sau ngày mở cửa mả, nó lên thăm bà, nó lấy cát nắn thành một con cá chép nằm cạnh bầu bạn với bà. Lần nào lên nó cũng làm như thế.
Chỉ có điều nó thấy rõ là nhà nó đã trở nên đìu hiu hơn, thưa vắng người. Nó bắt đầu những ngày buồn hiu một mình. Không có bà, không còn ai giữ nó nữa. Nó tự chơi, nó chạy lòng vòng khắp xóm như một đứa lang thang, quần áo đất cát, mặt mũi lắm lem. Xong rồi thì nó ngồi dựa tường trước nhà đợi ai đó về. Mẹ thì đi bán vé số từ sáng sớm tới chiều tối mới về. Chị 2 đi học cả ngày. Cha cũng đi đâu miết. Có khi trưa đói nhà chẳng có gì ăn, cũng chẳng có vô tuyến để xem. Có khi có được hai ngàn thì chạy đi mua nước mía uống đỡ. Nhưng nước mía tăng giá lên ba ngàn. Bà chủ bán đại cho nó hai ngàn mà với vẻ mặt khinh miệt. Lúc đó nó nào nhận ra! Mẹ năm sáu giờ chiều mới về tới, thấy nó vậy phải tắm rửa, rồi nấu cơm, bật lò khè dầu lên mà luộc xào rau ăn cho qua cơn đói. Ngày ngày trôi qua như thế. Rồi nó không còn muốn ở nhà nữa. Nó muốn theo mẹ đi bán vé số. Mẹ nó không cho bởi cực quá. Nhưng nó cứ giẫy, thà đi cực còn hơn ở nhà buồn. Rồi lại bắt đầu những chuỗi ngày bán vé số. Rong ruổi từ đầu trên xóm dưới cả ngày. Vừa nắng vừa mệt. Mẹ nó phải đi xin từng người mua hết vé số để mau được về. Có khi phải lội vào từng hẻm hóc kiếm từng nhà. Không biết bao lần mẹ nó bị chó người ta cắn. Gặp người tốt thì họ chịu cho tiền vài mũi thuốc, còn không thì họ chẳng quan tâm gì đến. Mẹ nó vẫn ráng bán vé số suốt mười mấy năm trời để lo cho cả nhà. Lúc đó nó nào nhận ra những khổ cực như thế. Nó chỉ biết nhà nó nghèo hơn người ta, có thể là nhất khu đó. Có lần bán vé số ngang một tiệm bánh, nó thấy cái bánh bông lan để trong tủ kính. Lúc mẹ mời vé số người ta lựa, nó áp mặt sát kính nhìn thẳng vào cái bánh đó. Nó thèm lắm. Nhưng nó không dám xin mẹ mua. Nó không sợ mẹ la, nhưng trong đầu của nó lúc đó ý thức được rằng mẹ nó không có tiền mua, nó nghĩ cái bánh đó đắt lắm. Nó bước đi mà mặt vẫn nhìn vào cái bánh. Sự thèm thuồng, thiếu thốn lúc đó ám ảnh nó mãi sau này. Có khi đứa hàng xóm ăn nho, ăn vải, nó chỉ biết ngồi nhìn theo, thấy tội quá người ta cũng cho nó một trái mà ăn. Rồi nhà bên cạnh, sau cái cổng sắt cao đó, có mấy đứa nhỏ: bữa thì xe điều khiển từ xa, bữa thì xe hơi ngồi lái tự động,...Rất nhiều đồ chơi tụi kia có mà nó không dám ao ước tới. Nó chỉ ước có một cái con lân để nhảy múa chơi. Cha nó từng hứa mua cho nó, nhưng mãi sau này vẫn không có. Trò nó được chơi nhiều nhất có lẽ là chơi thả diều. Ở cách nhà nó không xa là cánh đồng lớn, có con kinh nhỏ chảy qua. Lâu lâu buổi chiều nó đi theo ông anh họ thả diều. Nó chạy cả khắp hết cánh đồng để cho diều bay lên. Con mà nó thích nhất là diều cá mập đen, còn to hơn cả thân người nó. Nhiều lúc nó còn sợ diều bay cao quá kéo nó đi luôn. Những buổi chiều như thế nó vui lắm. Nhưng rồi có đứa té xuống kinh đó chết, nên nó không còn được cho đi lại đó thả diều nữa. Và từ đó, mười mấy năm nữa nó không còn được thả diều nữa.
Từ từ nhà nó chẳng còn hạnh phúc gì nữa. Có những đêm nó thấy những trận đánh của cha nó vào mẹ nó mà nó sợ điếng người. Mẹ nó không dám chống trả, chỉ biết la và che đầu lại. Dần dần những đêm như thế càng nhiều. Không khí trong nhà lúc nào cũng căng thẳng, ngột ngạt. Rồi một ngày nó nghe cha nói đã có vợ khác, nó cứ tưởng là nói chơi. Nhưng nó cũng nhận ra cha mẹ nó li hôn. Mẹ lên ở nhờ nhà vợ chồng bác để chờ thủ tục cho xong xuôi. Bà ngoại cũng lên ở chung với mẹ. Căn nhà lúc này lại càng trống vắng hơn nữa. Nó chẳng còn là căn nhà nữa, không còn là gia đình nữa. Không còn những bữa cơm bình thường nữa. Nhà lúc này chỉ còn nó cùng chị hai và ông nội. Ba người quây quần trong căn nhà đìu hiu. Ông nó vẫn sáng nào cũng đi lượm ve chay. Một ông cụ gần tám mươi tuổi chống gậy, cầm bao nilong lựa từng đồ bỏ để đem về bán. Mỗi ngày được bảy, tám ngàn lẻ lại mua ly cà phê cho ba ông cháu uống. Nó ghê uống chung nên quay đầu ống hút lại làm ông cười. Những lúc không ai ở nhà nó chạy lên nhà bác với mẹ và ngoại. Đứa nhỏ mới sáu tuổi mà lúc đó dám chạy qua đường quốc lộ đầy xe tải để gặp mẹ. Con đường đó lúc trước nó chưa từng một mình đi qua. Lúc đó nó nhờ bà nó quá. Phải chi bà còn sống nó đâu một mình như thế. Dần dần nó lên ở hẳn với mẹ nó gần một tháng trời. Nó không còn được gặp ông nội nhiều nữa. Nó cũng ít gặp cha nó nữa. Lần cuối cùng nó gặp cha nó có lẽ là lúc nó và mẹ xuống nhà người phụ nữ kia, nó đi vào nhà và cha nó nói:" Con đi về với mẹ đi". Thế rồi là chia ly, không có cái ôm nào cả.
Ngày hôm sau nó theo mẹ và ngoại về quê ngoại ở, chị 2 nó còn ở lại học. Xe đò chạy ngang nhà nó. Nó thấy cha ngồi chải tóc cho chị. Chuyến đi này nó không kịp từ giã ông nó, từ giã cha nó, từ giã cả con mèo nó nuôi từ nhỏ. Và cũng không được thắp nhang lần cuối cho bà nội. Nó ráng nhìn lại căn nhà nhỏ mà nó ở sáu năm trời. Đối với nó chuyến đi này cũng như những lần về ngoại chơi. Nó không ngờ rằng sẽ mãi không về được nữa. Lần ra đi này nó và mẹ chẳng có thứ gì cả, nó chỉ có hai ba bộ đồ thun cũ, mẹ nó cũng vậy. Đi chuyến này dường như nó mất hết tất cả, gia đình, nhà cửa, mất cả giấy khai sinh và nó cũng quên luôn ngày sinh của nó.
Về tới nhà ngoại là lúc chiều tối. Quê ngoại nó là vùng rừng rú hoang vu. Nó quen sống ở thành thị nhiều xe cộ, đèn đường đủ thứ. Về đây nó lạ lẫm. Nhất là trời chạng vạng, tiếng tu hú kêu từng hồi ghê rợn. Bốn bề xung quanh là cây cối um tùm, cây tràm, cây sậy. Trong đó có khi có con quốc, con bìm bịp kêu làm nó sợ điếng người. Màn đêm phủ một màu u ám lên vùng quê đó. Không có điện, không có đèn, nhà ngoại chỉ đốt mỗi đèn cốc bằng dầu lửa, ánh sáng leo lét không đủ làm sáng căn nhà lá nhỏ. Tiếng tu hú kêu càng lúc càng gần, nó nằm trong nhà không có cửa, ôm chật mẹ và ngoại. Tiếng muỗi dò ổ kêu lấn át hết cả mấy tiếng khác, ngoại phải dùng củi, lá tràm đốt cháy lên cho ra khói đuổi bớt muỗi đi. Bởi vậy nên kí ức nó thường nhớ nhất về lúc đó những đêm đốt lửa xua muỗi, khói bay cay cả mắt, mình thì hôi đầy mùi khói. Ban ngày cũng vậy, cũng chẳng đi đâu xa được, bởi chỉ có con đường đất nhỏ, hai bên là cây tràm, bạch đàn che kín hết. Do đó nó chẳng có bạn nào chơi cả.
Quê ngoại nghèo, nhà ngoại nó cũng không khá giả gì. Ngoại không có tấc đất nào cả, chỉ nhờ vào cậu đi rừng bắt cá, ăn ong để có gạo ăn qua ngày. Căn nhà lá nhỏ, chẳng có cửa nẻo gì cả. Lá còn cũ nát, rách tả tơi. Đến mùa mưa, nước mưa dột khắp cả nhà, lá cũng tuôn theo dòng nước. Có lần trời mưa nó thấy ông bà ngoại phải dầm mưa để căng tấm bạt cao su che mái sau bếp cho đừng dột nữa. Năm nó về cũng là năm mưa to. Nước dâng lên ngập cả nhà mấy tháng trời. Phải khiêng bếp than ra nhà trước để nấu ăn. Nó nhớ cũng trong đợt lụt đó mà nó thèm ăn khô quẹt với rau muống luộc. Hôm sau mẹ làm cho nó, nó ăn liền mấy chén cơm, còn nói ăn ngon quá cho mẹ vui. Tội nghiệp mẹ nó, ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày nào cũng lội bộ đi bán vài chục tờ vé số để mà có tiền lo cho nhà. Đường rừng âm u chỉ có vài cái nhà, có khi có mấy mồ mả chôn sát đường nữa. Hôm nào về sớm thì năm giờ chiều; còn có hôm mẹ nó lội ra tới ngoài chợ để tự đi lấy vé số cho ngày mai bán (để đỡ tiền nhờ đò lấy giùm) thì chín mười giờ mới về tới nhà. Có khi về đến nhà mẹ bị đói, đau bao tử quằn quại. Khổ nỗi nó yếu ớt bị bệnh liên miên, bị nổi dời đầy khắp mặt, rồi lần nặng nhất là bị hạ can-xi xĩu nửa đêm. Nhà không có tiền phải đi mượn hàng xóm một chỉ vàng chở nó ra bệnh viện trị. Cuộc sống bấp bênh, nợ nần. Mẹ đành gửi nó lại cho ngoại, lên thành phố kiếm việc làm. Ngày mẹ xuống đò đi cũng là một ngày mưa. Buổi chiều đó mưa tầm tã, hai giờ chiều đò chạy ngang nhà, mẹ vội chạy xuống, chỉ kịp ôm hôn nó rồi đi. Nó nhìn theo khóc quá. Thế là từ đó nó lại xa mẹ, trong khi chỉ vừa xa cha nó vài tháng trước. Từ đó nó sống thui thủi với bà ngoại. Nhớ mẹ, nhớ cha, nhớ chị hai, nhớ cả nhà lúc trước nó nữa. Những buổi trưa nắng nó nằm võng bên chái hè, nghiêng mặt nhìn về hướng quê cũ, nhưng xung quanh nó chỉ là rừng với đồng ruộng, lâu lâu có những cánh cò bay lên, nó ước nó cũng là con cò để được về với nhà nó. Rồi một buổi trưa nắng hai tháng sau, chuyến đò đưa mẹ và chị hai nó cùng về. Nó mừng lắm đi theo chị hai nó suốt. Cũng hôm đó chị dạy cho nó viết. Chữ của chị đẹp nên nó bắt chước theo cũng đẹp. Nhưng mẹ cũng phải ra đi nữa. Từ lần đó nó gặp mẹ nó ít hơn. Giờ mẹ nó lo cho cả hai chị em nó nên phải làm nhiều hơn. Bà phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề, ai kêu gì làm đó, có lúc vào xí nghiệp làm tượng, làm giày, làm giấy, có khi đi trở lại bán vé số, bán chuối nướng, đi hái ớt,.v.v.. Mỗi lần mẹ về là nó thấy mẹ ốm hơn, da sậm đi nhiều hơn. Năm sau khi hai chị em nhập học, tiền cần lại càng nhiều, mẹ nó lại càng làm cực hơn. Nó mới lớp một đi học lần đầu đã phải đi một mình, về một mình không có ai đưa đón, bởi mẹ đang lo cơm áo cho nó, ngoại thì già yếu không lội đi xa nổi. Từ từ nó cũng quen, nó không lạ gì mấy bạn nó ai cũng đều có cha mẹ đưa rước hàng ngày nữa, nó cũng ngại khi được người nào đó cho giang trên xe. Nó cứ hàng ngày lội bộ như thế. Lâu lâu nó lại nhớ mẹ nó, nhớ cha nó, nhưng dần dần nó quên đi cha nó mất. Cha nó không còn hiện lên trong cuộc sống nó nữa. Khi khó khăn nó cũng không nghĩ tới sẽ về cha nó. Có năm gần tết rồi mà không có đồ mới, ngoại phải đi chợ bán chiếc nhẫn của dì cho ngoại, mua cho nó được cái áo sơ mi và cái quần kaki. Nhiêu đó là đủ cái tết cho nó rồi. Từ lúc bắt đầu cuộc sống xa cha, xa mẹ nó đã trở nên không đòi hỏi gì cả, thành một đứa trầm tính, không còn lì như trước. Chắc nó cũng hiểu phận của nó. Nó cũng ngượng khi người ta nói nó mồ côi, nghe người ta hát "Con không cha như nhà không nóc...". Nhưng lâu dần nó cũng quen, bởi họ cũng có phần đúng, nó còn cha đâu. Một lần nó nhớ tới cha nó nhiều là đầu năm lớp một, người nhà làm đơn xin giảm học phí cho nó vì nó mồ côi cha, nhưng trường không đồng ý vì cha nó vẫn còn sống. Giờ nó chỉ còn nhớ đến mẹ nó. Mỗi lần mẹ về là nó không muốn mẹ nó đi. Đến ngày đi nó chỉ mong là chuyến đò hôm đó sẽ không chạy. Khi mẹ bước chân xuống đò là nó khóc tới đêm khuya mới hết. Lúc đó nó cảm thấy cô đơn, nó không được bao bọc. Nó rất cần mẹ nó...
Thời gian trôi đi, nó cũng đi học với chị nó. Rồi chị nó cũng lấy chồng. Thế là nhà nó bốn người, giờ mỗi người một phương trời. Mười mấy năm trời nó lặng lẽ khôn lớn, tự học, tự trưởng thành. Dù lớn lên quên đi nhiều việc cũ, nhưng những kí ức buồn thời thơ ấu đã in hằn vào tâm trí nó như một vết sẹo lớn, hiện ra cả đôi mắt nó lúc nào cũng có nét buồn. Mười mấy năm trời nó chưa được về thăm quê cũ, thăm lại mồ ông bà nội. Lúc ông nội mất nó cũng không thể gặp, và đến bây giờ nó cũng chưa thắp được cho ông nó cây nhang nào. Căn nhà cũ đã không còn nữa. Nhưng khi đứng về lại chỗ đó, những ngày thơ ấu nó sẽ hiện lên: những ngày vô tư nó có một gia đình hạnh phúc.



Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#giaanh