Sài Gòn và Những Đứa Trẻ

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

Dành tặng anh họ của tôi - người bạn thân thiết nhất của tôi thuở nhỏ, người đã từng cùng tôi đánh nhau đến độ rơi ầm xuống mái tôn.

Và đặc biệt, dành tặng Sài Gòn - cái mảnh đất đầy hào hiệp đã cưu mang hàng triệu con người.

"Đã đến Sài Gòn rồi, cậu có nhận ra không?"

Phong hỏi tôi, nụ cười nở trên khuôn mặt cậu không giấu được niềm vui khi gặp lại bạn thân của mình sau một khoảng thời gian dài. Tôi ngả người về phía trước, áp trán dính chặt vào cửa kính như muốn thu hết hình ảnh một Sài Gòn hào hiệp vào trong tầm mắt.

"Có, có thay đổi nhưng không khác là bao"

"Cậu về đây khiến mình thiệt là bất ngờ đó, Son. Ái chà, mình có nhiều chuyện muốn nói với cậu đấy. Cậu định ở đây bao lâu? Một tháng? Hai tháng? Hay thậm chí là lâu hơn?"

"Mình chưa biết"

Tôi nghe một tiếng kêu như đang nghi ngờ của Phong. Trái tim tôi đập thình thịch. Trong lòng vang lên tiếng thống khoái trọ trẹ. Sài Gòn bây giờ không khác là bao so với trí nhớ của tôi. Vẫn vậy, vẫn luôn là một thành phố của sự hào phóng, nhộn nhịp và tấp nập. Nhưng đối với tôi, không vì vậy mà Sài Gòn luôn là mảnh đất không có góc khuất. Những điều đó đã tô điểm thêm cho Sài Gòn, tạo nên cái lớp "thành thị" của nó.

"Tại sao cậu lại về đây, mà còn đi một mình nữa"

"Mình chỉ không tiện nói"

Phong thôi không hỏi nữa. Tôi tưởng cậu ấy đã nguôi ngoai câu hỏi tò mò ấy, nhưng tôi đã lầm. Mãi một lúc sau, cậu ấy nhìn vào mắt tôi, cười cười.

"Mình biết rồi"

"Cậu thì biết gì chứ?"

"Cậu thích mình nên quay về tán tỉnh mình đúng không, Son"

"Thôi đi ông tướng, mình nói rồi đó"

Mặc dù nói vậy nhưng tôi vẫn bật cười thành tiếng. Phong vừa là người bạn thân nhất, vừa là hàng xóm của tôi khi gia đình tôi còn sinh sống ở Sài Gòn. Vì công việc, ba hay đi nhiều nơi, kéo theo gia đình sống ở nơi này chưa lâu mà đã chuyển đi nơi khác. 13 năm trước, gia đình tôi từ Hàn Quốc chuyển đến Sài Gòn vì công việc của ba, thời gian ở đây khá lâu nên cả nhà tôi đều phải học Tiếng Việt. Hồi đó chỉ có ba là bập bẹ nói đúng vài câu, còn tôi thì xin hàng trước loại ngôn ngữ này. Không ai khác ngoài Phong - cậu bạn Việt chính gốc này đã giúp đỡ tôi trong việc học, dẫu cho hai đứa chỉ có thể nhìn nhau mà cười.

Cái tính hài hước của Phong vẫn vậy, nhạt thếch.

Khi hai đứa đã xuống xe buýt, Phong vẫn còn lặp lại câu hỏi khiến tôi chóng cả mặt. Tôi thích giọng nói của Phong, giọng nói đặc sệt cái chất miền Nam. Cái chất giọng không ngọt như mía lùi, cũng chẳng có chút cục mịch, một chất giọng nhè nhẹ, tự nhiên và vui vẻ.

Lần đầu tiên tôi ghét cái giọng ấy ghê gớm.

"Mình bo xì cậu, Son"

"Cậu 20 rồi đấy, cứ như vậy thì làm sao có bạn gái đây. Mình chịu thua cậu..."

"...Mình không còn hứng thú trong việc vẽ, mình đang tìm nguồn cảm hứng, đi tìm cơ hội hạn hữu cho sáng tác"

Tôi là một họa sĩ. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ sự bất lực của nghệ thuật, của hội họa trong cuộc hành trình vĩ đại là cuộc đời. Những cảm xúc trơ lì, mòn sáo cứ chiếm lấy tôi, cọ vẽ trống rỗng không tên. Vẽ bao giờ cũng là một việc khó nhọc, kể cả tôi.

Làm sao thể hiện được tâm hồn cả bức tranh? Bức tranh chỉ chú trọng về kĩ năng quá nhiều lại vô hồn, cảm xúc. Cái khó của người nghệ sĩ là phải tìm ra vẻ đẹp ở những nơi chẳng ai ngờ tới, chắt lọc cái vẻ đẹp tinh túy ở những nơi kín lấp. Từ đó tạo ra những bức tranh có hồn, có chiều sâu và thật sự sống động, trường tồn với thời gian.

"Cậu quay về Việt Nam để tìm cảm hứng sáng tác sao?"

Phong hỏi lại một lần nữa như muốn khẳng định chắc chắn những điều vừa được nghe. Một họa sĩ bị cứng cọ vẽ? Tôi nghĩ Phong sẽ phá lên cười, nhưng đến cuối cùng cậu ấy cũng không làm vậy.

"Ừ, đối với mình Việt Nam nói chung và Sài Gòn nói riêng có gì đó cuốn hút mình tìm về. Có lẽ đây là nơi có nhiều kỉ niệm với mình"

Tôi dừng chân, thở dài. Trong tiếng thở của thời gian rất khẽ, Sài Gòn vẫn tiếp tục sự sống luân hồi của nó, rộn rang tiếng rao hàng đôi khi ngọt lịm, đôi khi the thé của người dân nơi đây. Cái nóng hừng hực của Sài Gòn hắt lên vai, cái nắng chói chang trải xuống đường vàng ươm như mật làm làn da tôi cháy bỏng, không khí đặc quánh, ồn ào rung chuyển theo tiếng bóp còi xe liên tục. Không hiểu sao lúc đó tôi như cảm nhận được cái thành phố này bằng mọi giác quan, từng tế bào một, cơ quan một.

---

Tôi thông báo cho tất cả người quen của mình ở Việt Nam về việc tôi quay về, chỉ riêng lý do quay về thì tôi chỉ nói với Phong. Tôi sẽ ở trọ nhà Phong một thời gian theo ý mẹ tôi, chắc có lẽ mẹ tin rằng những người bạn thân của mẹ sẽ chăm sóc cho con gái mẹ thật tốt. Nhưng lý do khiến tôi lo lắng không phải là vì thế, mà là do tôi phải ở chung với một người.

Đó là một cô gái người Nhật. Lần đầu gặp mặt, tôi bỗng có một cảm giác yêu mến người con gái này biết bao. Vẻ đẹp của cô ấy thật dễ gần, mái tóc ngắn đến vai, nước da trắng hồng, người lại mảnh khảnh. Cổ lại hay cười, một nụ cười duyên khiến tôi có chút xao xuyến. Vẻ đẹp của người con gái này như một bức vẽ khiến tôi trầm trồ, thán phục. Mà định mệnh làm sao khi cô cũng là một người theo đuổi nghệ thuật.

Nhưng cô ấy khác với tôi. Nếu tôi dùng cọ vẽ để phác họa cuộc sống, thì cô lại dùng ngòi bút của mình phản ánh hiện thực cuộc đời thông qua đôi mắt của mình. Người con gái này là một nhà văn.

Giờ đây tôi đã biết, chị tên là Myoui Mina, 27 tuổi, đã dành trọn 3 năm để sống ở Sài Gòn. Nhà Phong có một lầu dư, gia đình cậu cũng chẳng cần dùng tới mấy nên cho thuê. Nay tôi đột ngột trở về, làm cả gia đình người bạn thân không biết phải làm sao, không ai khác ngoài chị đã đưa ý kiến chia sẻ phòng với một người Hàn chưa quen biết.

Nỗi lo toan của tôi bị dập tắt mất tiêu. Chị nói được Tiếng Việt, tuy chưa sành sõi nhưng lại đúng câu cú, ít nhất là tôi hiểu được. Tôi còn tưởng mình với người đó chắc chỉ biết nhìn nhau mà cười, giọng chị ngòn ngọt, nhẹ nhàng, thanh thoát nghe cũng giống con gái miền Nam. Tôi bất giác tự cười trước suy nghĩ của mình.

Một Hàn, một Nhật nói chuyện với nhau bằng Tiếng Việt. Người ngoài nhìn vào cũng cảm thấy kì lạ thiệt ha.

---

Mối quan hệ của tôi và chị vẫn dừng lại ở mức quen biết nếu như tôi không thức dậy vào đêm đó.

Tôi nằm trên giường, chị còn tốt bụng chia sẻ giường cho tôi để tôi khỏi ngủ trên sàn. Cổ họng tôi khô khốc vì khát, tôi chẳng biết bây giờ là mấy giờ, cứ nằm xoay qua xoay lại mãi. Bất chợt, tôi nghe tiếng khóc thút thít, có lẽ người đó sợ tôi sẽ thức dậy nhưng nỗi đau trong lòng quá lớn, và việc rơi nước mắt sẽ giải tỏa đi đôi chút. Muốn khóc nhưng lại chẳng dám khóc mới thật là đau khổ.

Tôi bước ra ban công, chị dựa người vào lan can, hai vai run lên như gánh nỗi cô đơn từ tiền kiếp. Chị vẫn không quay lưng về phía tôi, chị nói:

"Xin lỗi, chị đánh thức em rồi"

Tôi bước đến cạnh chị. Ánh đèn đường gần đó soi rọi lên người chúng tôi như dò xét.

"Không sao, em cũng chẳng ngủ được"

"Em có chuyện gì sao?"

Chị cố nén nước mắt, tôi không thấy được khuôn mặt chị, mà thành thật tôi cũng chẳng muốn thấy. Tôi sợ tôi mềm lòng mà vỗ về, thân thiết nhiều với chị.

"Còn chị?"

"Chị hỏi em trước mà, Chaeyoung. Em phải nói trước thì chị mới nói chứ"

Bất chợt chị bẹo má tôi, điếng cả người. Chị cười, nước mắt khô từ đời tám hoánh nào. Chắc chị có sức mạnh điều khiển những ngọn gió để chúng che giấu cảm xúc của chị.

Tôi biết chị đùa, nhưng tôi vẫn mở lời trước.

"Chị Mina này, sự bất lực của nghệ thuật đáng sợ quá chị nhỉ? Em chính là một kẻ thất bại, chị à. Làm sao truyền vào bức tranh phần hồn của em đây hả chị? Em không phải, chưa bao giờ là một họa sĩ chân chính"

Tôi bị bất ngờ với chính mình. Không hiểu sao tôi lại dễ dàng thổ lộ điều này với chị. Phải chăng chị cũng là người của nghệ thuật như tôi ư?

"Nghệ thuật là một quả tim được đề cao. Cuộc sống này là một bức tranh đầy màu sắc. Rồi sẽ có ngày em nhận ra nó không giờ biến mất. Nó tồn tại trong mỗi con người"

"Tại sao chị lại nghĩ vậy?"

Chị né tránh ánh mắt của tôi. Tôi ngầm hiểu nên không hỏi nữa.

"Em biết không, nghệ sĩ được sinh ra để làm điều mình yêu thích, và mỗi ngày ta đều phải tiếp tục làm việc. Những bức vẽ chính là một (1)'chậu tưởng ký', nó phản ánh những điều, những suy tư đã xảy ra trong quá khứ, thảng hoặc như mây, như không. Bức vẽ đi vào lòng người phải sống động, có những khi hân hoan cuồng nhiệt, lại có khi trầm lặng, vô ưu. Đó mới là nghệ thuật. Nghệ thuật là lĩnh vực của độc đáo vì vậy nó đòi hỏi người vẽ sự sáng tạo phong cách mới lạ, thu hút người đọc."

Tôi nhìn đứa trẻ trước mặt. Người con gái tròn 20 đang đấu tranh với bản ngã nghệ sĩ trong tâm hồn. Em làm tôi tự hỏi có bao giờ tôi cũng cảm thấy giống em chưa. À, có. Tôi hiểu rõ cảm giác vô vọng của em, càng mân côi bao nhiêu càng thu mình lại bấy nhiêu. Muốn viết lại chẳng viết được, muốn vẽ lại chẳng vẽ xong.(2) Sự cẩu thả trong bất cứ nghề gì cũng là một sự bất lương rồi. Nhưng sự cẩu thả trong văn chương thì thật là đê tiện. Em hỏi tôi tại sao tôi lại biết điều đó, tôi muốn trả lời "Chị đã từng trải" nhưng rồi lại thôi.

"Vậy nên em đã về đây. Em đã nghĩ, em với Sài Gòn đã dứt duyên nợ, nhưng không phải vậy. Em muốn quay về đây, muốn tận hưởng cuộc sống ở đây. Có những người khi nhắc đến Sài Gòn thì nghĩ ngay đến cơm tấm với môn phái (3)"Sà Bì chưởng" chính hiệu, hay là những ly cà phê thơm ngon, có khi họ nhớ về thành phố này như một thành phố đầy lừa lọc, mưu mô, bụi bặm và ô nhiễm. Nhưng đối với em, Sài Gòn chính là một dĩa bắp xào hấp dẫn"

Chị cố nén tiếng cười, chắc chị sợ tôi sẽ giận. Nhưng chị đâu có biết tôi nào nỡ giận chị.

"Bắp xào? Em lạ quá đấy. Tại sao em lại nghĩ vậy?"

"Chị xem, nắng Sài Gòn chói chang gay gắt thế này không phải là cái màu vàng ươm của bắp hay sao. Còn những hàng cây xanh xanh hai bên đường mỗi khi ta đi qua chính là hành lá. Còn tôm khô lại làm em nhớ đến cái sức sống của thành phố này, chị à. Giống như bắp xào sẽ không ngon nếu như tôm khô, thành phố này sẽ không tồn tại nếu không có cái sức sống mãnh liệt đến vậy"

Chị nhìn tôi một lúc lâu.

"Chị cũng yêu Sài Gòn"

Tôi cười cười, hai vành tai tôi đỏ ửng lên. Tôi nhìn thấy đôi mắt chị lấp lánh trong đêm, có lẽ nó đang đào sâu vào tâm hồn chị về cái kí ức thuở nào cũ mèm ở Sài Gòn. Tôi bỗng nhận ra, tôi và chị đều đem lòng yêu Sài Gòn mất tiêu, cái cảm giác khi chúng tôi nói về Sài Gòn là cảm giác mà thằng bạn gốc Việt của tôi khó mà hiểu được.

Hai chúng tôi nói với nhau về Nguyễn Du, về Mayakovsky, về Leonardo da Vinci, về Pablo Picasso, đủ thứ mọi chuyện trên đời. Tôi với chị hợp nhau đến lạ.

Chị kể tôi nghe mối tình đầu trần trụi, nồng nàn của chị. Hai người yêu nhau say đắm, như cá với nước. Tưởng đâu chị đã tìm thấy bến đỗ đời mình, dè đâu trời run rủi hạnh phúc chẳng thể đến với chị. Anh chàng kia có tình mới, càng lúc quên đi, lạnh nhạt với một nhà văn chẳng ai biết tên biết họ. Rồi chị vô tình đến Sài Gòn, ở lại đây 3 năm nhưng bóng hình người cũ chưa thôi làm chị đau lòng. Chị đã thôi yêu nhưng sao lòng vẫn cứ quặn thắt. Nói đến đây, chị gục đầu lên vai tôi khóc hu hu. Tôi nghe hai má chị nóng hổi, nước mắt chị tràn ra, có lẽ chị đã kìm chế ghê gớm lắm.

Tôi tự hỏi, bao giờ thì ông kẹ đến bắt tôi và chị đi.

---

Mùa hè ở Sài Gòn nóng bức, tôi cảm nhận rõ cái nóng ở đôi tay hừng hực. Tôi cùng chị đi đến công viên, không hiểu sao chị lại muốn đến đây. Buổi sáng thành phố thức dậy, đường sá ùn ùn, hàng quán xôn xao, bọn tôi kêu tô hủ tiếu sớm, ly cà phê cóc và lật tờ nhật trình của ngày, bọn tôi mới sống phần hai của một ngày Sài Gòn, cái phần một kể trên đã vãn theo tia nắng mặt trời rọi lên thành phố, nhưng nếu đã từng sống cái phần đời đêm đó, bạn mới thực yêu Sài Gòn, mới thực nhớ Sài Gòn. Sài Gòn, đặc tính Sài Gòn, cốt cách Sài Gòn, liệu có bao giờ người ta nói được hết về nó chăng?

Khoảnh khắc Myoui Mina đứng trước mặt tôi cho những đàn hải âu những hạt thóc của một ngày mới sẽ mãi khắc sâu tâm trí tôi. Tôi bỗng nhớ về cái xe bán bánh mì sữa thơm phưng phức mà tôi từng đuổi theo mua cho bằng được, cái loại bánh mì ngọt lịm làm tôi mút sạch đầu ngón tay. Tôi không sợ ma hay quỷ, tôi chỉ sợ sữa dính lên tay chưa kịp mút mà mình chẳng biết. Tôi thấy thân cây xoài cao lớn bên nhà, mỗi lần nhìn lên là phải đưa mắt thật kĩ, sợ rằng mấy quả xoài xanh lẫn vào lá thì mai lại chẳng có xoài chấm muối tôm. Tôi cảm nhận được cả lá cây bàng mà hồi xưa tôi và Phong thích chơi trò đua thuyền. Cứ mong tới mưa, cống thì ngập, nước rút chưa hết nên lá bàng mà thả xuống chơi thì còn gì bằng. Nếu sợ thì bọn tôi chỉ sợ xe máy đi ngang làm sóng tấp vào bờ, làm cho chúng tôi phải vận động đi cứu lấy cái lá bàng. Tôi nghe cái mùa xôi gấc hấp dẫn, hạt xôi dẻo hòa vào cái màu đỏ đánh vào vị giác làm tôi rệu cả nước miếng. Cái quả gấc cầm lên mà đau tay ấy, cứ mãi đứng trước hiên nhà mà trông theo, trông cho nó đỏ kè như cục máu. Tôi có nhớ Phong đã sáng tác bài thơ này.

Gió ơi gió mau thổi
Cho trái gấc xuống đây
Ở đây bọn con hửi
Chứ bọn con không chơi.

Hồi đó, Tiếng Việt của tôi không giỏi như bây giờ, mà thật ra đến giờ tôi cũng chẳng giỏi cái ngôn ngữ này. Và vì thế, tôi đã tin sau này Phong sẽ trở thành một nhà thơ nổi tiếng với bài thơ con cóc của cậu.

Sự thô mộc thuần thuần phác mà tự nó như một chất ngọc, thứ chất ngọc không tự mình là ngọc. Con người ta khi trưởng thành, trên đường đời gặp nhiều bất trắc lắm gian nan mới bất chợt nhớ đến vẻ đẹp của nơi ta từng sống, nơi ta từng đi. Tuổi 20, trưởng thành vẫn là một thứ kì lạ với tôi, với chị và với bạn.

Tất cả thật sống động, như mới ngày hôm qua đây thôi. Nắng rọi lên đỉnh đầu tôi, tiếng chim hót líu lo cùng với tiếng xe máy di chuyển trên đường. Tôi lấy trong túi ra giấy vẽ, bắt đầu vẽ phác họa. Đó là những nét phác họa đầu tiên của bức tranh đã làm nên tên tuổi cuộc đời tôi. Bức tranh mang tên Sài Gòn và Những Đứa Trẻ.

Tôi nhìn sang Mina. Chị vẫn đang mỉm cười, ánh mắt chị hướng về những chú chim bồ câu xinh đẹp lúc nãy. Tôi đọc thầm trong đầu bốn câu thơ trong bài Chiếc Lá Đầu Tiên của Hoàng Nhuận Cầm.

Chùm phượng hồng yêu dấu ấy rời tay
Tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước
Con ve tiên tri vô tâm báo trước
Có lẽ một người cũng bắt đầu yêu.


Chú thích:

(1) Một đồ vật trong "Harry Potter" của nhà văn J.K.Rowling. Nó cho phép người dùng du hành về quá khứ

(2) Trích từ câu nói của nhà văn Nam Cao

(3) Nói láy là sườn bì chả. Là một món ăn biểu trưng cho Sài Gòn

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro