Miyamoto Musashi-Yoshikawa Eiji (Chuong 69-73)

Màu nền
Font chữ
Font size
Chiều cao dòng

CHƯƠNG 69

KHÚC GỖ

Bộp !Trái mận xanh rụng ngoài vườn kêu một tiếng khô khan. Trong phòng, dưới ngọn đèn dầu thông hơi rung rung theo nhịp thở, Musashi mải miết đưa lưỡi dao sắc trên một khúc gỗ cũ. Vỏ gỗ mỏng rải rác trên mặt kỷ và khắp nơi quanh chỗ hắn ngồi. Musashi mới dọn từ quán Mã Đề sang tạm trú tại một phòng sau xưởng mài kiếm của Kosuke. "Thằng bé này khó tính !". Lời nói của mẹ, hắn thường nghe lúc nhỏ vì mỗi khi không vừa ý điều gì hắn lại khóc ré lên, đòi cho bằng được thứ mình muốn, còn ăn sâu vào tiềm thức như vết sẹo không xóa được của một cái mụn nhọt hắn mang trên đầu thuở thiếu thời. Những kỷ niệm xưa liên tiếp theo nhau qua ký ức, nét mặt và hình dáng mẹ hắn lúc nhạt nhòa, lúc rõ rệt hiện lên như một người mẫu. Mắt Musashi chăm chú, tay thoăn thoắt đưa đi đưa lại trên khúc gỗ. Hắn cố phổ lên đó những nét dịu dàng, yêu thương của mẹ hắn còn giữ được. Musashi đã hứa và cố tạc cho xong pho tượng Quan Âm để đổi lấy thanh kiếm của Kosuke. Hắn làm việc vội vàng suốt từ chiều sau khi vừa thu xếp xong chỗ ăn ở. Vì không sẵn gỗ bạch đàn và theo sở thích riêng của Kosuke, hắn đồng ý tạc tượng trên một khúc gỗ cũ do Kosuke để dành từ lâu và trìu mến đưa hắn: "Ba năm trước, tại hạ hành hương ở phương bắc, thấy thợ thuyền đang phá một ngôi đền cổ thì dừng lại xem. Đền đổ nát gần hết, nhưng không phải là không giá trị. Họ không biết gì cứ phá bừa. Tiếc quá, tại hạ xin một khúc gỗ làm kỷ niệm. Khúc gỗ này đây, chắc phải lâu hàng mấy trăm năm, thớ gỗ mềm, vân đẹp, đại hiệp xem dùng được thì dùng". Musashi nhận lời, nhưng thấy Kosuke băn khoăn lo lắng về khúc gỗ gã coi như vật gia bảo, Musashi đôi khi không giữ được bình tĩnh. Tay hắn hơi run và đã mấy lần phải sửa lại toàn bộ hình thể bức tượng.Gần sáng, bức tượng tưởng như sắp thành hình, bỗng gặp phải một đường nứt ngay phía trên đầu. Không phải là một nhà điêu khắc chuyên môn, không biết kỹ thuật sửa chữa thế nào cho khéo để che vết nứt, hắn cứ gọt bớt. Khúc gỗ trước dài hơn hai gang tay, nay chỉ còn độ gang rưỡi và không ra hình thù gì nữa. Chán nản, Musashi bỏ dao gục xuống kỷ. Ngọn đèn lụi dần. Ngoài kia, tiếng chim vành khuyên đã bắt đầu lích chích. Hắn thiếp đi lúc nào không biết. Tỉnh dậy, Musashi thấy trong người dễ chịu hơn, tinh thần bớt căng thẳng. Hắn ra giếng súc miệng rửa mặt rồi trở vào tiếp tục công trình bỏ dở. Ngọn đèn dầu được khêu to thêm. Musashi đưa lưỡi dao nhẹ nhàng trên khúc gỗ, linh cảm sự sống động của từng thớ cây mềm, tưởng chừng qua mỗi đường dao gọt những thớ gỗ ấy lại phát hiện ra bao nhiêu thăng trầm của lịch sử ngôi cổ miếu. Nếu không cẩn trọng, những đường dao của hắn là những đường dao vô ích làm hỏng cả khúc gỗ, biến khúc gỗ quý báu thành đống vỏ bào vô dụng. Liên tưởng và so sánh lịch sử ngôi cổ miếu với lịch sử dân tộc, Musashi bỗng giật mình. Và hắn sợ. Những đường kiếm của hắn sẽ để lại gì ? Xây dựng hay chỉ là phá hoại ? Băn khoăn, nghi hoặc, hắn dừng tay thừ người suy nghĩ. Nhưng một chốc lại thấy Musashi cúi xuống, lưỡi dao sắc đưa lia lịa, cuồng nhiệt. "Lần này phải thành công", hắn cố moi ký ức, hình dung ra nét mặt mẹ hắn, những nét hiền hậu hắn muốn phổ vào bức tượng lịch sử này, nhưng không thể nào bắt nổi ... Nó nhạt nhòa như sương khói. Nó lãng đãng như ở một nơi xa xôi, vô thức nào hắn không sao đến được. Trước sự bất lực và giới hạn của chính mình, Musashi tức giận hét lớn. Ngọn đèn phụt tắt. Chủ nhân bước vào: - Musashi đại hiệp ! Sao thế ? Musashi nhìn khúc gỗ. Nó chỉ dài độ bằng ngón tay giữa đống vỏ bào Kosuke vãi trên mặt kỷ và xung quanh chỗ ngồi. - Bức tượng đâu ? - Hỏng rồi ! Ta đã làm hỏng khúc gỗ. Hắn gục xuống kỷ. Có tiếng chân dồn dập trong phòng và hình như hắn đang được nâng dậy. Nỗi xót xa vừa tỉnh cơn ảo mộng giảm bớt. Thay vào đó, một màn sương đục trùm lên toàn thân và bọc kín lấy hắn. Dần dần trí não Musashi chỉ còn là một khoảng trống vô hạn. oo Trưa hôm sau, len lỏi trong đám mã phu dẫn ngựa, Sannosuke trèo vội vã lên thang gác quán Mã Đề, mồ hôi nhễ nhại, quần áo bám đầy bụi đất. Qua cửa văn phòng, mụ quản lý gọi giật lại: - Thằng bé kia, đi đâu ? - Lên gác. Tôi trọ với thầy tôi trên gác mà. - A, ta nhớ ra rồi. Mày đi khỏi quán từ hôm nào ? Sannosuke lẩm nhẩm tính: - Từ hôm trước ngày hôm qua. - Thế là đã ba ngày, hai đêm phải không ? Sannosuke gật đầu:- Phải. - Từ đây đến phủ Yagyu mà ba ngày hai đêm ? Mày thấy có lâu quá không ? Hay là bị cáo nó bắt hồn ? Sannosuke đáp liền: - Sao bà biết ? Hay bà cũng là cáo đấy ? Tìm được lời trả miếng mụ quản lý, nó cười khanh khách, tiếp tục lên thang. - Thầy mày không ở đây nữa. Lời nói như gáo nước lạnh dội lên đầu. Sannosuke đứng sững nhìn mụ rồi tỏ vẻ không tin, chạy ba bước một lên gác. Trở xuống, nét mặt nó ngơ ngác: - Ông ...ông ấy đổi phòng rồi hở bà ? - Thằng này lạ ...Thì ta đã bảo thầy mày đi rồi ... - Đi thật à ? Sannosuke hốt hoảng hỏi lại. - Không tin thì sổ đây, xem đi. - Tại sao ...tại sao ông ấy lại không đợi ... - Tại mày đi lâu quá chứ sao ! La cà cho lắm vào ... Sannosuke hỏi như mếu: - Bà biết thầy tôi đi đâu không ? - Không biết ! Ta nghĩ ông ấy bỏ mày lại vì thấy mày vô tích sự. Sannosuke tái mặt. Nó chạy ra hiên, hết nhìn đầu phố lại cuối phố rồi nhìn lên trời, nước mắt ứa ròng ròng hai bên má. Mụ quản lý mỉm cười quay vào, lấy gương soi rồi lấy bông phấn ra thoa lên mặt: - Ta đùa đấy. Ông ấy chẳng đi đâu xa, dọn sang xưởng mài kiếm bên kia đường ấy. Đến đấy mà tìm. Người ta dẫn Sannosuke vào phòng Musashi. Sư phụ nó nằm trên chiếu, hai tay khoanh lại đặt sau đầu, thiêm thiếp như ngủ. - Thưa thầy, con đã về. Musashi yên lặng. Trong phòng, không khí buồn tẻ. Những mảnh vỏ bào Kosuke vãi khắp nơi, lấm tấm trắng trong bóng tối. Đĩa đèn dầu thông tắt đã lâu vẫn còn nguyên trên kỷ gỗ. Không thấy sư phụ nói gì, Sannosuke lại nhắc: - Thưa thầy, con đã về. - Ai đấy ? Musashi mở mắt nhìn: - A ! Sannosuke hở ? Đoạn thoang thả ngồi dậy. Sannosuke quỳ rạp xuống chiếu: - Con về trễ, xin thầy tha tội. Nhưng Musashi lặng thinh, gần như chẳng có phản ứng gì trước sự hối lỗi của đồ đệ. Một lát mới nói: - Ra mở cửa sổ, dọn phòng xong rồi đi tắm. Nói xong khoác áo lững thững bước ra vườn, ngồi dưới gốc mận. Sự thất bại sáng nay của hắn chứng tỏ khả năng con người chỉ có giới hạn, và một mình hắn, đơn phương, chưa chắc làm nên chuyện gì hữu ích. Musashi tự hứa sẽ suy nghĩ về điều này kỹ càng hơn trước khi đem lưỡi kiếm phục vụ minh chủ mình chọn lựa. Quay vào phòng, nhìn đồ đệ quỳ trước cửa chờ lệnh, Musashi ân cần hỏi: - Con đi đường có mệt không ? Có thư phúc đáp gìcho ta không ? Thấy không bị quở trách, Sannosuke vui vẻ: - Dạ có, thưa đây. Nó lôi trong bóc ra cuộn thư còn lấm tấm vệt mồ hôi trình sư phụ. Musashi bật niêm, đọc: "Yagyu đại nhân rất tiếc, vì chức vụ, không thể so kiếm cùng đại hiệp. Tuy nhiên, Yagyu Hyogo, một trong những người thấu đáo về kiếm học nhà Yagyu, có thể bồi tiếp. Chỉ tiếc hiện nay Hyogo đã đi Yagyu để săn sóc chủ, chưa biết bao giờ mới về. Vậy xin hẹn dịp khác". Musashi mỉm cười, tự nhủ "Cũng được !". Yagyu Hyogo là ai, hắn không biết. Hắn chỉ muốn thử tài với Yagyu Munenori, người đã được vời vào giảng huấn về kiếm học cho trưởng nam đương kim lãnh chúa. Nếu không được thì thôi, Musashi chẳng tha thiết gì tranh tài hơn kém với người mang tên Hyogo nào đó. Để cuốn thư lên kỷ, hắn hỏi đồ đệ: - Sannosuke, chắc ngươi đi lạc ? - Dạ. - Lạc đường tới những ba ngày, ngươi thấy có lâu quá không ? - Con bị cáo nó dụ. - Cáo nó dụ ? Ngươi sinh trưởng ở thôn quê, lạ gì con cáo mà bị nó dụ ? - Dạ ...dạ ...Con không rõ, nhưng đúng con bị cáo dụ đi loanh quanh mất hai ngày đêm. - Hừ ...lạ thế ! - Dạ, đúng vậy. Có lẽ cáo ở Edo này nhiều và tinh khôn hơn cáo ở miệt Hotengahara, thành ra con bị nó bắt. Musashi nghiêm mặt nhìn đồ đệ: - Nó bắt ra sao ? - Thưa thầy, nó định theo hại con vì con đánh nó bị thương. Con đã lấy nước bọt bôi lên lông mày để làm phép nhưng vẫn bị nó bắt được và trừng phạt. Trước sự ngây thơ và tin tưởng thành thật của thằng bé, Musashi không nỡ quở trách, chỉ ôn tồn bảo: - Không phải con cáo trừng phạt con đâu. Chắc con có làm điều gì đáng lẽ chẳng nên làm nên bị lương tâm con trừng phạt đấy. Thôi sửa soạn đi tập buổi chiều. Ngoài kia, trời ầm ì như sắp bắt đầu một trận mưa lớn.

CHƯƠNG 70

TIẾNG MUỖI ĐÊM HÈ

Mỗi ngày theo thông lệ, điểm tâm xong, Tadatoshi thường ra đại sảnh hỏi han mọi việc xảy ra trong lãnh địa, duyệt phê những tờ trình của thuộc cấp rồi vào thư phòng đọc sách hoặc cùng với các tham vấn luận bàn về tư tưởng của Nho gia, buổi chiều tập luyện ở thao trường; đến tối rảnh rỗi, đàm luận võ nghệ với các thuộc cấp thân cận cùng trang lứa. Tadatoshi còn trẻ, tính tình khoáng đạt, nên trong những cuộc mạn đàm như vậy, không khí bên khay trà hay chiếu rượu thường cởi mở, tự nhiên. Ông mặc áo mỏng bằng vải gai, hàn huyên cùng thuộc cấp thật thoải mái. - Này Okatani, nghe nói ngươi giỏi về môn trường thương, không mấy ai địch nổi, đúng chăng ? - Bẩm, quả vậy ! Thấy lời đáp ra vẻ đắc ý, không tỏ chút khiêm nhường nào, Tadatoshi mỉm cười: - Ngươi tự tin lắm nhỉ ! - Bẩm thiếu gia, cho đến nay chưa ai qua mặt được tiểu nhân thì hà tất phải chối cãi làm gì ? Tadatoshi gật đầu: - Ừ phải, để đấy. Có ngày ta sẽ thử tài cho ngươi biết. - Xin đa tạ. Tiểu nhân mong ngày ấy sớm đến. - Nếu ngày ấy không đến thì may cho ngươi lắm đấy ! Mọi người ha hả cười. Okatani lại nói: - Thiếu gia chắc đã nghe câu đồng dao trẻ con hát ngoài phố ? - Chưa, câu gì thế ? - Câu hát ngụ ý ca tụng tiểu nhân. - Vậy hả ? Đọc ta nghe thử. Sử thương nhiều kẻ Năng luyện ắt tinh Vạn người khôn địch Thương Okatani Goroji. Nghe đọc vừa dứt, Tadatoshi đập tay vào đùi cười sằng sặc: - Hay lắm ! Khéo lắm ! Nhưng ai đã sửa câu ấy thế ? - Sửa ? Bẩm có ai sửa đâu ? Câu ấy do người nhà tiểu nhân nghe được rồi về thuật lại đấy chứ ! Tadatoshi vẫn không nín được cười. Lát sau mới lập nghiêm, bảo thuộc hạ: - Câu này trong một truyện về đời Hậu Hán, dân gian đặt ra để ca ngợi Hàn Lý Thanh, một võ tướng vô địch trường thương đương thời chứ đâu phải tên ngươi. - Vậy tiểu nhân không rõ, xin thiếu gia tha tội. - Ta cũng đoán không phải chính ngươi sửa mà là một kẻ nào đó đặt ra để phỉnh ngươi mà thôi. Nhưng nên thận trọng, tự tin là một đức tính, nhưng tự mãn thì không. Đoạn quay nhìn xung quanh, Tadatoshi hỏi: - Trong các bằng hữu đây, có bao nhiêu người chuyên về trường thương, bao nhiêu chuyên về kiếm thuật ? Bảy người thì năm người cúi đầu đáp sở trường về thương pháp, chỉ có hai chuyên về kiếm thuật. - Trường thương lợi gì mà nhiều người học thế ? - Thưa đó là võ khí có nhiều ưu điểm lúc lâm trận. Nó dài nên chiếm lợi thế hơn kiếm, miễn đừng dài quá khó sử dụng. Thương dùng đâm, chém, đỡ gạt được cả. Khi chẳng may thất bại, có thể bỏ thương dùng kiếm, còn nếu chỉ dùng kiếm, không may kiếm gãy, sinh mạng coi như trứng để đầu đẳng. Như vậy, kiếm bổ túc cho thương ... - Không hẳn thế ! - Một kiếm sĩ vội vàng lên tiếng phản đối - Sự nghiệp của chúng ta không phải chỉgiới hạn trong những trận chiến ở sa trường. Huống chi kiếm là linh hồn của kiếm sĩ. Kiếm học giúp ta giữ tâm đoan chính trong khi đi tìm tinh hoa của kỹ thuật, và đó mới là căn bản của mọi sự học tập. Nếu giữ được cái tâm cho ngay thì với võ khí gì, dù cả với hỏa khí nữa, ta cũng không phạm vào những lỗi lầm ngu xuẩn và vô luân. Cho nên kiếm đạo có những áp dụng rất phổ quát ... Tadatoshi cắt ngang: - Quan niệm này ta đã nghe ở đâu rồi. - Thưa đó là quan niệm của tiểu nhân và cũng có thể tất cả những ai lưu tâm đến kiếm đạo. - Như những ai ? - Như Koetsu tiên sinh và một danh kiếm đương thời Kojiro. Cả hai đều khẳng định như vậy. Nhắc đến tên Kojiro, Tadatoshi mới sực nhớ ra chưa quyết định dứt khoát có nên gọi hắn vào để thử tài không. Mặc dầu đã được Sado đề bạt qua trung gian của Kakubei, Tadatoshi thực ra vẫn chưa rõ sở học cùng tài năng Kojiro. Với tuổi ấy, xét lương bổng chỉ cần hơn ngàn gia. lúa mỗi năm cũng đủ. Nhưng vấn đề không phải ở đấy. Vấn đề, như lời thân phụ Tadatoshi đã nói, chính là xét kỹ người trước khi dùng và khi đã dùng rồi thì đãi ngộ trọng hậu. Xét người kỹ không những về tài năng mà còn cả về khuynh hướng đạo đức nữa. Nếu họ không hòa đồng được với chính sách chung của tộc đảng thì cũng vô ích. Ông đã nói: "Lãnh địa này ví như một tòa lâu đài được xây cất bởi nhiều phiến đá. Nếu phiến đá nào không đẽo gọt được để có thể cùng ghép chung vào các phiến đá khác, tạo nên bức tường thành vững chắc chống đỡ cho lâu đài khỏi đổ, thì phiến đá ấy dù có tốt đẹp hay to lớn đến đâu cũng bằng vô dụng. Ở trên núi, ở đồng hoang, thiếu gì những phiến đá như thế bị bỏ lại". Xét khía cạnh này, Kojiro có một ưu điểm. Gã còn trẻ, có thể đẽo gọt để trở thành phiến đá tốt chống đỡ lâu đài họ Hosokawa. Tadatoshi lại nghĩ đến kẻ kia, người kiếm sĩ tên Miyamoto Musashi đã không may để vuột mất. Nếu những điều Sado tham vấn nói là đúng thì kiếm sĩ ấy quả là người dùng được. Tiếc thay ! Chẳng biết bây giờ hắn lưu lạc phương nào ? Nhưng thật khó mà đánh giá. Tài năng cả hai chỉ căn cứ vào những lời đồn đại, có gì chính xác đâu. Xét gia thế, Kojiro được hai lợi điểm: hắn sinh trưởng tại Suo, lại là môn đệ của Jisai, một danh kiếm mà tài năng ai cũng phải kính phục, tất nhiên sở học vững vàng hơn Miyamoto Musashi, xuất thân từ một gia đình kiếm sĩ tầm thường ở thôn Mimasaka cô lậu và không có căn bản vững chắc về kiếm học. Bèn quay sang tả hữu, hỏi: - Các ngươi có ai biết Miyamoto Musashi không ? - Phải chăng thiếu gia muốn nói đến Miyamoto Musashi ở Miyamoto, đất Harina ? Một Ronin cách đây non bốn năm đã giao tranh với Phái Yoshioka ? - Ta không rõ lắm nhưng đại cương hình như thế. Mọi người nhìn nhau không hiểu rõ ý chủ soái nênngài ngại chưa đáp. - Có chuyện gì ? Các ngươi định giấu ta chăng ? - Xin tha lỗi. Về Miyamoto Musashi, bọn tiểu nhân nhận được nhiều tin tức trái ngược, nhưng tựu trung chẳng ai biết diện mạo hắn ra sao mà tin tức cũng không có gì làm bằng chứng nên chưa dám mạo muội. - Thì ta cũng thế. Nghe nói hắn là một kiếm sĩ dũng mãnh, lại có lòng cứu khốn phò nguy, giúp dân khai hoang nên được mến chuộng lắm phải không ? - Chuyện đó thì bọn tiểu nhân không biết, nhưng hình như hắn là người rất tàn ác. Khi còn ở Miyamoto, nơi sinh quán, hắn giết người không gớm tay. Lúc giao tranh với Phái Yoshioka, hắn đã nhẫn tâm chặt đầu cả một đứa trẻ mới tuổi. Tadatoshi chau mày: - Thật thế ư ? - Và ngay bây giờ đây, ở Edo này, cũng có yết thị gọi đích danh hắn ra đối chất với một lão phụ cùng làng về một chuyện điếm nhục gì đó, hình như cướp đoạt vị hôn thê của con trai bà và phá hoại danh dự gia tộc bà thì phải. - Bảng yết đã lâu chưa ? - Bẩm cũng mới vài tháng. - Thế hắn có ra mặt không ? - Không ! Không thấy động tĩnh gì. Có thể hắn không biết và cũng có thể hắn trốn luôn. Người ta nói trong những trường hợp kém thế, hắn thường lủi mất. Đã mấy lần xảy ra như vậy, nhất là trong lần giao tranh với Yoshioka, sau cùng hắn cũng bỏ chạy, ẩn trốn trên núi mãi về sau mới lộ diện. Tadatoshi nét mặt đăm chiêu. Những tin tức ông vừa được thuộc hạ cho biết thật khác xa với những tin tức của Sado thuật lại về vị anh hùng khẩn hoang mà nông dân vùng Hotengahara hàng ngày thờ phụng. Hình ảnh người kiếm sĩ ông ngưỡng mộ mờ dần, thay vào đó là mối nghi hoặc mỗi lúc một lớn. Tadatoshi cáo mệt đứng lên lui vào hậu thất. Là người không chịu chấp nhận những điều chưa rõ rệt, Tadatoshi tự nhủ "Con người đó có thể là một kỳ nhân. Ta sẽ tìm hiểu hắn kỹ hơn". Hôm sau, ở thư phòng ra, gặp Sado, Tadatoshi không ngần ngại kể lại những tin tức mới biết và yêu cầu ông đặc biệt lưu tâm, nếu có gặp Musashi thì tìm cách dẫn hắn vào dinh ngay. "Vãn sinh muốn biết mặt hắn thế nào và nó i chuyện với hắn một lúc". Đến chiều, ở thao trường, Kakubei lại nhắc tới Kojiro. Đặt mũi tên trên dây cung, Tadatoshi nói: - Ờ, ta quên khuấy đi mất. Cứ dẫn hắn lại đây, lúc nào cũng được. Còn chuyện thu nạp hay không thì sau sẽ xét. oo Ngồi trong phòng riêng nhà Kakubei, Kojiro rút "cây sào phơi" ra ngắm nghía. Suy đi tính lại, hắn đổi ý không muốn sửa thanh kiếm ấy nữa. Nó tuy dài quá thật, nhưng dùng đã quen, đối với người khác có lẽ gặp khó khăn nhưng trong tay hắn lại là một võ khí cực kỳ lợi hại. Nên hắn đã sai người đến xưởng mài kiếm lấy về. Dĩ nhiên kiếm vẫn còn nguyên hình cũ, nhưng rút rakhỏi bao mới thấy khác rõ rệt. Từ màu xanh đen, lưỡi kiếm bây giờ sáng loáng, nhuyễn, mịn như gương. Các đốm nhỏ rỉ sét bằng mũi kim đã biết đi hết và hình vẽ sóng gợn dọc theo chiều dài lưỡi kiếm hiện lên, rõ nét như cắt. Ánh thép bóng ngời toa? hào quang, tưởng như mang theo trong lòng nó bao chiến công hiển hách của hàng thế kỷ trước. Toàn bộ lưỡi kiếm rực rỡ tựa tia nắng mai khiến Kojiro không khỏi thốt lên một tiếng "Ồ" ngạc nhiên thích thú. Càng nhìn lâu, hắn càng đắc ý. "Ta có cảm tưởng như mới được trông thấy nó lần đầu. Khác trước quá !". hắn đứng lên múa thử vài chiêu. Không ! Vẫn là lưỡi kiếm đó. Sự khác lạ có chăng chỉ ở bên ngoài, và lần này xoay trở thanh kiếm trong lòng bàn tay, hắn lại có cảm tưởng như vừa được hội ngộ với cố nhân, vừa được nắm một bàn tay quen thuộc. Tra kiếm vào bao, nghe tiếng "cắc" khô và gọn, Kojiro gật gù: "Được lắm!", rồi vỗ nhẹ vào bao kiếm, hắn thấy dậy lên trong lòng một niềm tin tưởng vô biên vào người bạn chí thân ấy. Mải thử kiếm, Kojiro không để ý và cũng không ngờ có một bóng người đứng ở cổng từ bao giờ nhìn hắn qua khung cửa sổ mở. - Kojiro - Ồ, Honiden lão bá ! Đến từ bao giờ, sao không lên tiếng ? Tiếng cười khe khẽ qua cái miệng móm: - Đến từ lâu. Đại hiệp luyện võ chăng ? - Không, vãn bối thử kiếm. Thanh kiếm mới đưa người ta sửa lại. Mời lão bá vào trong này. Nhà Kakubei ở trên cao, tại một nơi được gọi là đồi Lãm Nguyệt, nhở cảnh trí khoảng khoát, từ lưng chừng đồi đã có thể ngắm trăng một cách dễ dàng ngay từ khi trăng mới tỏ. Phòng Kojiro ở trông ra vịnh đằng xa. Những đêm trăng sáng, mây với nước cùng màu, mặt biển đẫm ánh trăng lung linh mờ ảo không phân biệt được đâu là trời đâu là nước, đẹp lạ lùng. Nhưng Kojiro không bao giờ để ý. Cụ Osugi rửa chân xong, bước vào nhà, ngó quanh quẩn: - Chà ! Đại hiệp có căn phòng mát mẻ quá ! Không sợ đâm lười ra ư ? Kojiro mỉm cười cải chính: - Nhà này của Kakubei, vãn bỗi chỉ ở nhờ. Vả chăng, vãn bối đâu phải là Matahachi ! Cụ Osugi không nhận ra lời nói chọc, hay có nhận ra cũng vờ như không biết. Bà cúi tìm trong thắt lưng một mảnh giấy đưa cho Kojiro rồi nói: - Chả có gì làm quà, có bài kệ hiếu tử để đại hiệp đọc những lúc nhàn rỗi. Ta chép một ngàn bài cơ đấy ! - Một ngàn bài ! Nhiều thế ? Kojiro cầm tờ giấy liếc qua đoạn đầu: Trên mọi nẻo đường đời Vạn sự do nhân duyênNhân chính là hạt giống Duyên xúc tác môi sinh Nhìn vào thân chúng ta Duyên chính là cha mẹ Khổ nhọc thuở sinh ra Dưỡng nuôi từ tấm bé. ... Hắn đặt tờ giấy xuống: - Hay lắm, cảm ơn lão bá, để rồi vãn sinh sẽ xem sau. - Quạ còn biêt tha mồi mớm cho mẹ, vượn biết săn sóc cho già, con người mà không có lòng hiếu thì thua cả loài cầm thú. Ta thấy bây giờ lòng người đen bạc, tình cha con, nghĩa vợ chồng hỏng cả, nên bỏ công chép bài kệ này phổ biến. Đại hiệp thấy ai muốn có kệ tụng thì cho ta biết, ta mang đến. Kojiro quay đi giấu nụ cười thầm và hỏi sang chuyện khác: - Tấm giấy cáo thị vãn sinh viết cho lão bá, lão bá đã cho người đem dán khắp nơi chưa ? - Lâu rồi, nhưng chẳng thấy kết quả gì. Nó vẫn trốn chui trốn nhủi ở đâu chứ có ra mặt đâu. Đoạn hạ thấp giọng: - Này, khi đến đây, ta thấy có một người khả nghi lắm. Gã cũng mặc rách rưới kiểu kiếm sĩ lang bạt như thằng Musashi, nhưng không phải nó. Thấy ta, gã nhìn một lúc rồi lủi vào bờ giậu mất. Kojiro nhíu mày: - Ai vậy kìa ? - Gã này đã đứng tuổi. Đại hiệp nên cẩn thận. Kojiro gật đầu cám ơn, gọi người nhà mang dưa ra đãi khách. Cả hai vừa ăn dưa vừa chuyện vãn. Cụ Osugi than thở đã lâu lắm, có đến mấy năm nay chẳng gặp mặt con, tuổi già càng ngày càng yếu nên mọi việc đều trông cậy cả vào Kojiro chứ chẳng mong gì ở thằng Matahachi. Bà vừa nói vừa khóc. Chán ngấy vì đã nghe chuyện gia đình bà nhiều lần, lại không hiểu kẻ nào theo dõi mình nên trong lòng băn khoăn nên trong, Kojiro chỉ đưa đà cho có lệ. Câu chuyện trở thành nhạt nhẽo. Ngoài kia trăng đã lên, lấp ló ngọn cây. Thấy không tiện ngồi thêm, cụ Osugi đứng dậy cáo biệt. Tiễn khách ra cổng xong trở vào, Kojiro khoanh tay gối đầu nằm ngửa trên chiếu, mắt xa vắng. Đèn chưa thắp, muỗi bay vo ve hắn cũng mặc kệ. Qua khung cửa sổ mở, ánh trăng chênh chếch chiếu vào in bóng những ngọn cây rung động lên vách. Chiều xuống đã lâu mà Kakubei chưa về. "Chắc đêm nay hắn phải ở lại trong dinh", Kojiro nghĩ thầm rồi dần dần thiếp đi trong tiếng muỗi cùng những tiếng côn trùng ri rỉ quanh hè. Dưới chân đồi, một bóng đen vừa nhảy qua hàng giậu. Đêm khuya, trăng lơ lửng giữa trời, vằng vặc. Lẩn trong những lùm cây thấp, bóng đen phủ phục, chờ đợi. Rồi như một con ếch, gã bò vào, nhích từng bước, từng bước, sau mỗi bước lại dừng lạinghe ngóng. Kojiro vẫn ngủ say, tiếng ngáy đều đều khiến bóng đen vững dạ. Gã đưa lưỡi kiếm luồn qua khe cửa, nhẹ nhàng đẩy sang bên. Khung cửa lùa mở hé, êm như ru, bóng đen bò vào, mất hút trong căn phòng tối. Tiếng ngáy thưa dần, có tiến sột soạt của người vừa trở mình. Bên ngoài, ánh trăng vẫn chan hòa đổ trên những lá trà đen cứng như phủ lên đó một lớp bạc lỏng. Yên lặng kéo dài chẳng biết bao lâu, một khắc hay mười khắc ? Ý niệm về thời gian mất hết. Chợt tiếng thét như xé toang màn đêm yên tĩnh và sau đó là tiếng mũi kiếm cắm phập xuống chiếu ngay chính giữa chỗ Kojiro nằm. Một bóng người vọt ra ngoài cửa sổ. Tiếp liền đó, Kojiro, tay trái còn giữ bao kiếm, tay phải trỏ mũi "cây sào phơi" vào cổ họng bóng đen đứng thở hổn hển. - Ngươi là ai ? Giọng Kojiro hết sức bình tĩnh. Như bức tượng đá, hắn không tỏ vẻ gì ngái ngủ hoặc bị khích động sau cuộc tập kích. Bóng đen vẫn đứng yên không đáp. - Nói ngay ! Ngươi là ai ? Tên gì ? - Ta thất bại thì ngươi giết ta đi, cần gì hỏi danh tính. Nhưng báo cho ngươi biết phái Obata sẽ không để ngươi yên. Kojiro cười nhạt. Thì ra tên này thuộc phái Obata đến để trả thù cho đồng bọn bị hắn giết tại bờ sông Sumida đây ! Một cái xoay tay nhẹ. Lưỡi kiếm loáng lên như lằn chớp dưới ánh trăng. Tiếng rú tắt nghẹn trong cổ họng và một thây người đổ xuống trước nụ cười thỏa mãn chưa tắt của Kojiro.

CHƯƠNG 71

CHIM BẰNG KHOE VUỐT

Hôm sau trên đường từ dinh Hosokawa về tư thất, Kakubei dừng lại dưới chân đồi, giao ngựa cho vợ chồng người mã phu già trông giữ. Vợ chồng nhà này không con, ngụ tại căn lều gỗ, sinh nhai bằng nghề cho thuê chuồng ngựa và săn sóc những con ngựa được người thuê gửi ở đấy. Vừa bước vào cổng, Kakubei đã được lão mã phu lật đật ra đón, ghé tai nói nhỏ: - Tôn khách biết chuyện chưa ? Tối qua lại có vụ giết người, xác còn nằm ở chân đồi đó ! - Lại trộm chứ gì ! Dạo này trộm cướp ở Edo, chẳng ngày nào mà không có. - Không biết có phải không, nhưng cứ thế này lão cũng ngại lắm, chả biết có bảo toàn được ngựa cho quý khách không ! Kakubei trấn an: - Không sao đâu, lão đừng lo ! Nếu xảy ra chuyện gì, cứ chạy lên nhà ta, báo cho Kojiro hiệp sĩ biết. Ông ấy ở không có đến cả năm nay rồi, chân tay ngứa ngáy cứ than thở chẳng có việc gì làm. - Kojiro hiệp sĩ phải chăng là Sasaki Kojiro ? - Chính thị. Sao lão biết ? - Ai chứ Kojiro thì giới Giang hồ lạ gì. Người ta bảo ông ra chiêu xuất quỷ nhập thần. Nhưng chẳng biết có chịu giúp cho những kẻ như nô tài này không ?Lời ca tụng của người mã phu già khiến Kakubei rất vừa ý. Ai cũng biết một trong những bổn phận của thuộc hạ Ở dinh Hosokawa là phải tìm kiếm và đề bạt những kẻ có tài, nhất là về võ học. Kojiro, người được Kakubei bảo trợ, không những còn trẻ, lại quả có tài. Nếu hắn được kết nạp, chức vụ hiện nay của Kakubei không những coi như vững chắc mà còn hy vọng thăng tiến nữa. Tuy thế, không bao giờ Kakubei tỏ ra vì lợi riêng mà vận động cho Kojiro. Lúc nào hắn cũng nói chỉ vì mong muốn lãnh địa Hosokawa được hưng thịnh và trường tồn mà tha thiết lo tròn bổn phận ấy. Cho nên, nếu Kojiro được mọi người biết đến thì chính là một điều tốt, góp phần vào việc nâng cao giá trị của hắn. Kakubei bước vào nhà. Thấy Kojiro đang ngồi uống trà, hắn cười hớn hở, chào hỏi xong báo có tin vui, nhưng lại vội vào phòng tắm rửa mặt thay áo đã rồi mới trở ra. Gọi gia nhân, không ai đáp. Hỏi thì Kojiro nói: - Hôm qua, vì không có việc gì, thằng bộc xin về thăm mẹ, tại hạ đã cho nó nghỉ. Quái lạ, sao bây giờ vẫn chưa trở lại. Vì có họ xa với vợ Kakubei nên Kojiro vẫn giữ lễ trong cách xưng hô, tuy nhiên đôi khi hắn cũng tỏ ra lạm quyền như trong vụ cho tên bộc về nghỉ. Kakubei không nói gì. Chắc trong lúc vui, hắn không để ý. Chỉ thấy rót rượu ra hâm, mang lại trước mặt Kojiro rồi cả hai ngồi đối ẩm. - Hôm nay tại hạ có tin mừng. - Tin gì ? Kojiro hỏi. - Như đại hiệp biết, tại hạ nhiều lần đã nêu danh tính đại hiệp ra trước mặt thiếu gia nhưng mãi đến hôm qua mới được ngài lưu ý. Ngài nói mời đại hiệp đến gặp ngài. Thật là một vinh hạnh. Tưởng như thế cũng đủ để Kojiro vui mừng. Không ngờ hắn chẳng nói gì. Kakubei bồi thêm: - Thuộc hạ trong dinh chẳng thiếu. Ai cũng sẵn sàng giới thiệu người của mình, nhưng dường như thiếu gia đã có chủ ý, muốn hội kiến với đại hiệp trước. Kojiro rót rượu ra chén, đưa cho Kakubei: - Xin phép tôn huynh, mừng tôn huynh một chung rượu. - Hà hà ! Mừng đại hiệp mới phải chứ ! Đoạn giơ cao chén rượu lên "khà" một cái cạn chung. Thấy Kojiro vẫn ngồi im, không đổi sắc mặt, Kakubei thầm khen con người khí phách, biết tiết chế cảm xúc. Kojiro lại tự rót rượu ra chén, bưng uống. Lát sau mới nói: - Đa tạ tôn huynh. - Có gì đâu ! Xin đừng khách sáo. Đối với kiếm sĩ tài ba, tương lai rạng rỡ như đại hiệp lẽ dĩ nhiên tại hạ phải lo tiến cử lên chủ soái. Đó chỉ là bổn phận, còn riêng đối với đại hiệp, đó là nghĩa tương tri. Có gì mà phải bận tâm. - Tôn huynh quá khen. Xin biết cho, tại hạ chẳngphải vì lương bổng mà muốn phụng thị họ Hosokawa nhưng chính vì lòng ngưỡng mộ người trong họ ấy, là đương kim lãnh chúa Tadatoshi, thân phụ ngài là Hosokawa Tadaoki ... - Vậy bao giờ đại hiệp có thể vào yết kiến thiếu gia ? - Lúc nào cũng được. - Ngay ngày mai được không ? - Được. Khí nói chuyện, nét mặt Kojiro bình thản, không lộ vẻ háo hức hay băn khoăn mà chỉ tỏ niềm tự tin vững mạnh lạ lùng. Kakubei lại tiếp bằng một giọng cố làm ra thản nhiên: - À, chắc đại hiệp cũng rõ thiếu gia chỉ quyết định thu nạp hay không sau buổi hội kiến và sau khi đã lượng định khả năng. Thủ tục ấy mà, tại hạ tin sẽ không có gì trở ngại. Đặt chén rượu xuống, Kojiro nhìn trân trân vào mặt Kakubei. Rồi với một vẻ lạnh lùng gần như thách thức, hắn gằn giọng: - Nếu vậy tại hạ không vào. Rất tiếc đã làm phiền tôn huynh. Mặt Kakubei đã đỏ vì rượu lại càng đỏ thêm. Những tia máu xung quanh vành tai hắn như sắp nổ tung. Hắn lắp bắp: - Sa ... sao ? Đại hiệp nói không muốn vào gặp thiếu gia nữa ư ? - Phải. Tại hạ không thích nữa. Kojiro chỉ vẻn vẹn nói có thế, không giải thích thêm. Sự bất ngờ và thất vọng làm Kakubei ngồi trơ như phỗng. Hắn nhìn kẻ bảo trợ mà lòng muốn điên lên được, nhưng cố nén tức giận. Cả hai không nói thêm lời nào. Uống hết chung rượu dở, Kakubei đứng dậy về phòng riêng, quên cả cáo biệt. Một mình trên chiếu, Kojiro cũng đã say, dựa đầu lên kỷ lặng lẽ cười thầm. Hắn biết Kakubei giận lắm vì đã bị đặt vào một tình thế khó xử. Biết nói năng ra sao với vị chủ soái đây ? Nhưng hắn bất cần. Tuy bảo không quan tâm gì đến lương bổng nhưng thực ra không phải thế. Là một người rất nhiều tham vọng, Kojiro muốn có địa vị và tiền tài càng nhanh càng tốt. Mà ngày nay cách nhanh nhất là bằng lưỡi kiếm. Hắn biết khả năng của mình nên không dễ gì để cho sự khiêm nhượng thao túng. Hắn chỉ làm cao một chút thôi, nhằm mặc cả thêm chút danh vọng, và vì đã dự trù hướng đi của mình từ lâu một cách thông minh và khôn khéo, hắn lùi một bước để tiến hai bước. Kakubei tuy lớn tuổi hơn hắn nhưng còn ngây thơ và dễ xúc động lắm. Trong cơn say, Kojiro mơ thấy mình đang ngụp lặn trong cảnh vinh quang và tiền bạc như nước. oo Phần Kakubei, tuy có cảm tình với Kojiro, hắn cũng không sao ngăn nổi bực mình. Ngồi trong phòng riêng, sau khi đã tỉnh rượu, Kakubei loay hoay mãi không biết xử trí ra sao. Vấn đề không phải là phải đối phó cách nào với người bà con bên vợ và cũng là kẻ bảo trợ của hắn, nhưng chính là phải giải thích làm sao với chủ soái.Ai cũng biết Kojiro đã được hắn vận động tận tình để được thu nạp vào dinh, bây giờ sự thể thế này, tất nhiên uy tín của hắn không còn nữa. Là người có óc quyền biến, Kakubei thử phân tích thái độ mới đây của Kojiro và xét thái độ ấy qua một nhãn quan khác. "Có lẽ Kojiro muốn chứng tỏ là một nhân vật đặc biệt chăng ? Địa vị người khác, tất đã nhảy vào nắm lấy cơ hội rồi. Để xem !". Càng suy nghĩ, Kakubei càng tin Kojiro, tuy kiêu ngạo nhưng là kẻ có thực tài đáng được nâng đỡ. Như vậy thì vừa có lợi cho mình, vừa có lợi cho hắn. Bèn mưu tìm cách khác thuyết phục. Ngày kế đó, Kakubei ở luôn trong dinh. Sáng hôm sau về nhà, hắn đến gặp Kojiro, tươi cười bả lả như không có chuyện gì xảy ra. - Kojiro đại hiệp, trong mấy ngày nay, thiếu gia vẫn hỏi thăm tại hạ về đại hiệp. Mỗi đầu tuần thường có cuộc tranh tài bắn cung, sao đại hiệp không đến tham quan, coi xem thuật bắn cung của tộc Hosokawa ra sao ? Kojiro chỉ mỉm cười không đáp. - Thiếu gia nghe danh đại hiệp đã lâu. Ngài muốn gặp, đó là việc thường tình, có gì mà phải câu nệ ? - Đành rồi, nhưng giả dụ ngài không vừa ý thì có phải tại hạ khó xử không ? Nếu bị từ khước, tôn huynh đã biết tại hạ đâu phải hạng người đi hạ mình cầu cạnh ... - À ra thế. Vậy lỗi ở tại hạ đã không nói rõ. Chuyện ấy không hề có, không bao giờ thiếu gia có ý ấy. - Ngài đã nói gì ? - Chưa có điều gì nhất định, nhưng ngài tỏ vẻ sốt ruột ... Suy nghĩ một lúc, Kojiro đáp: - Đa tạ tôn huynh giúp đỡ. Tại hạ thật áy náy để tôn huynh phải lâm vào tình trạng như thế này. - Đại hiệp thử xét lại xem: đến gặp ngài một lần, nếu không bằng lòng thì thôi, ngại gì ? Kojiro gật đầu: - Vậy cũng được. Kakubei mừng lắm: - Ngay ngày hôm nay, được không ? - Sớm thế ? - Hôm nay đầu tuần, có thí võ. Thiếu gia chắc thế nào cũng dự kiến. - Thí võ lúc mấy giờ ? - Thường thì vào khoảng sau giờ ngọ. - Vậy để tại hạ chuẩn bị. Kakubei ra khỏi phòng, hối hả trở lại dinh. Kojiro tắm xong, chọn mặc một chiếc quần bằng hàng ngoại hóa đắt tiền, một kimono gấm, bên ngoài phủ áo chẽn rộng vai màu đỏ khé, hồ bột cứng, chân đi dép da mới và quấn xà cạp màu vàng nghệ. Thanh trường kiếm dài đặc biệt đeo chéo sau lưng, đoản kiếm giắt ngang hông trông đường bệ, rõ ra một kiếm sĩ phục thị cho một đại gia, lương bổng đồng niên vạn gia. lúa. Hắn hỏi tên bộc: - Nhà có sẵn ngựa không ? - Dạ có, nhưng để ở tàu ngựa dưới đồi.Xuốn đến tàu ngựa, không gặp lão mã phu. Quanh ra sau lều, thấy đám đông. Hỏi ra mới rõ người ta đang lo việc tống táng cho cái xác vô thừa nhận bị giết hai hôm trước. Xác còn nằm trơ, mắt mở trừng trừng chẳng ai vuốt, ở cổ vết thương sâu hoắm, máu đọng đen lại. Lão mã phu cũng có mặt trong đám người phục dịch ấy. Kojiro bước tới vỗ vai lão: - Ta là khách của Kakubei đại nhân ở trên đồi. Hình như lão giữ ngựa cho Kakubei đại nhân ? Nhìn cách phục sức của thanh niên kiếm sĩ, lão mã phu cũng một phần đã đoán ra là ai rồi, sợ hãi líu ríu: - Dạ, dạ. Đoạn hối hả trở về tàu, dắt ra một con ngựa lông xám tro đốm trắng. Kojiro cầm dây cương, vỗ nhè nhẹ lên bờm ngựa, khen: - Con này được đấy ! - Dạ. Nó thuộc dòng ngựa hay, đại nhân vẫn thường cưỡi, nhưng hôm nay không hiểu sao người lại chọn con ngựa hồng. Kojiro gật đầu, nhảy lên yên, rút ra một túi bạc nhỏ, lấy ba đồng ném cho lão và nói: - Để mua hương hoa, còn thừa giữ lấy ! Ngạc nhiên, lão mã phu hỏi lại: - Mua hương hoa làm gì ? Kojiro hất hàm về phía đám đông: - Kẻ chết đó ! Đoạn giật dây cương phóng đi trong tiếng ngựa hí. Qua khỏi chân đồi Lãm Nguyệt, Kojiro khạc và nhổ mạnh bãi nước bọt để xua đuổi cái cảm giác lợm giọng khi nhìn thấy gương mặt đen xạm của tử thi lúc nãy. Hắn có cảm tưởng cái xác hình như đã cử động trong manh chiếu, đôi mắt trắng dã phóng theo hắn. Kojiro thúc ngựa chạy nhanh hơn. Đến dinh Hosokawa, trời đã xế trưa, chờ ở nhà khách đã lâu, ngồi đứng không yên, chợt thấy hắn, Kakubei chạy vội ra nắm lấy dây cương, vui mừng nói: - May quá, đại hiệp đến đúng lúc. Hãy nghỉ một chút chờ tại hạ vào bẩm với thiếu gia. Rồi gọi gia nhân mang nước thơm để Kojiro lau mặt và một khay thuốc lá đặt lên kỷ. Khi gã hầu cận tới dẫn Kojiro ra thao trường, hắn tháo trường kiếm trên lưng trao cho người hầu cận, chỉ mang theo thanh đoản kiếm giắt ngang hông. Tadatoshi mải bắn cung. Mỗi buổi tập, ông đã tự hứa bắn hết trăm mũi tên, số tên chưa hết, không ai dám cắt ngang nên Kojiro cũng như mọi người khác, đứng xa xa nhìn. Tadatoshi dé chân chèo, mặc quần ống rộng chùng đến mắt cá, cánh tay trái để trần cầm cung, tay phải mang bao da, dáng trang nghiêm đĩnh đạt nhưng không gò bó. Mắt ông nhìn thẳng, mỗi phát tên bắn đi, nhanh và mạnh trúng hồng tâm. Tiếng reo hò của thuộc hạ nghe vang động cả thao trường. Kojiro gật gù tán thưởng, nghĩ thầm: "Thật danh bất hư truyền, không hổ với tổ phụ !".Bắn xong trăm mũi tên, Tadatoshi gác cung lên giá. Gia nhân mang nước và khăn lại, thuộc hạ vây quanh thoa bóp tay chân, ông pha trò cười giỡn. Kojiro thấy những điều hắn dự đoán về Tadatoshi sai lạc cả. Có lẽ vì còn trẻ nên vị tiểu lãnh chúa này không có cái phong thái kiểu cách như phần đông các lãnh chúa khác. Kakubei tiến tới trình điều gì, Tadatoshi khẽ gật. Ông chỉnh lại y phục, đến ngồi dưới lá cờ lệnh của tộc Hosokawa, vẽ huy hiệu một vòng tròn lớn với tám vòng tròn nhỏ bao quanh, tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng và các vì tinh tú. Kakubei vẫy Kojiro lại gần. Hắn quỳ gối trước mặt vị tiểu lãnh chúa để làm lễ ra mắt rồi được mời ngồi trên ghế đối diện coi như thượng khách. - Tráng sĩ quê ở Iwakumi ? - Dạ phải. - Trước trận Sekigahara, tộc Mitsuhiro ở vùng đó nổi tiếng khôn ngoan, giỏi nghề cai trị. Lệnh nghiêm có phục thị trong tộc đó không ? - Thưa không. Tiểu nhân nghe nói tiên phụ vì sức yếu nên sớm ở ẩn và quy tiên tại quê nhà. Sau vài câu thăm hỏi thêm về gia thế, Tadatoshi lại tiếp: - Nghe nói tráng sĩ muốn phục thị tộc ta. Vì lý do nào lại chọn lựa như thế ? - Hosokawa là một đại tộc tiểu nhân ngưỡng mộ nên muốn sống chết với tộc ấy. Ngoài ra không còn lý do nào khác. Tadatoshi gật đầu, xem chừng vừa ý về lời đáp trên. - Tráng sĩ có những chiêu kiếm nào đặc biệt ? - Tiểu nhân vẫn thường sử chiêu Trảm Nhạn và Chiết Liễu. - Trảm Nhạn và Chiết Liễu ? Ta không nghe nói bao giờ ! - Thưa đó là những thế kiếm do chính tiểu nhân phát kiến. - Đành vậy, nhưng cũng phải có tiền tích ra sao chứ ? - Tiểu nhân học kiếm Vạn Mai, sau theo Jisai tiên sinh. Những chiêu kiếm học được, tiểu nhân đã tự biến hóa để chém những cánh nhạn bay thấp và chẻ các nhành liễu rũ ở bờ sông. Tadatoshi gật gù: - Phải, phải. Tỉnh Suo nhiều không ngòi, chỗ nào cũng trồng liễu. Chắc tráng sĩ luyện kiếm ở một khúc sông gần nhà ? - Dạ chính thế. - Ta muốn xem một vài chiêu kiếm của tráng sĩ, được chăng ? - Xin tuân lệnh. Tadatoshi quay nhìn thuộc hạ: - Trong các ngươi, ai muốn so tài với Kojiro tráng sĩ ? Thuộc hạ Tadatoshi ở thao trường bấy giờ có đến vài chục người. Họ đứng đằng sau ông, chăm chú theo dõi cuộc thẩm vấn, thấy Kojiro còn trẻ, chẳng biết tài năng ra sao nhưng thái độ và ngôn ngữ huênh hoang tự phụ thì có ý ghét. Vài người địnhbước ra, nhưng Tadatoshi đã chỉ Okatani Goroji: - Okatani ! Ngươi đắc ý về môn sử thương của ngươi. Hãy chứng tỏ cho mọi người biết. - Dạ, tiểu nhân sẵn sàng nếu được tráng sĩ đây cho phép. - Dĩ nhiên, tại hạ rất hân hạnh. Câu đáp lễ phép nhưng hết sức lạnh lùng. Trong ánh mắt Kojiro, lóe lên một chút tàn ác. Tadatoshi vẫy tay cho gia nhân dẹp chỗ trong thao trường. Ghế ngồi và các giá binh khí được tạm chuyển đi nơi khác. Không khí đột nhiên căng thẳng hẳn lên. Cuộc thi tài, tuy bề ngoài là một cuộc biểu diễn kiếm thuật, nhưng mặc nhiên, qua thái độ của các đối thủ, có thể sẽ xảy ra rất ác liệt. Thuộc hạ của Tadatoshi chỉ có kinh nghiệm ở thao trường, không mấy khi được dự kiến một cuộc giao đấu như lần này. Sinh mạng đôi bên không còn quan trọng nữa, đối thủ phải trông vào khả năng của chính mình, chỉ trong chớp mắt hoặc một chút lầm lẫn, thân bại danh liệt như chơi. Đâu đây xem chừng đã phảng phất mùi tử khí. Đám thuộc hạ nhìn Okatani, đặc biệt tin tưởng vào bạn đồng đạo. Okatani lui vào hậu trướng thay áo lót mới theo đúng truyền thống của kiếm sĩ: mỗi sáng và trước mỗi cuộc giao tranh, bắt đầu bằng một nụ cười và y phục tề chỉnh vì đến chiều, chẳng biết hình hài có còn nguyên vẹn hay không ! Phần Kojiro, gã đã nhờ Kakubei mượn cho một thanh mộc kiếm. Đứng ở góc thao trường, tay khoanh trước ngực, gã nhìn đám người bận rộn xung quanh như chim bằng nhìn đàn quạ. Lòng tự tín của Kojiro có thể nói, gần như vô giới hạn. Thái độ ấy không qua khỏi mắt của một số người và họ thầm lo cho tính mạng của Okatani. Okatani y phục tề chỉnh, vén màn bước ra khỏi trướng, tay phải lăm lăm cây thương dài non một trượng, tay kia một cuộn vải ẩm. Hắn dừng lại, quấn vải quanh mũi thương sắc như lưỡi chủy thủ và dài có đến ba tấc. - Các hạ làm gì vậy ? Kojiro hỏi. Nếu sợ tại hạ bị thương thì xin cứ yên tâm. Mũi thương sắc hay nhụt cũng thế thôi, đối với tại hạ chẳng quan hệ gì. Một lần nữa, trong lời nói lễ độ có hàm ý khinh mạn. Okatani liếc xéo đối thủ, mặt cau lại, dữ dội: - Chắc không ? - Chắc. Tadatoshi và đám tùy tùng không ai nói gì nhưng đưa mắt nhìn Okatani dường như ngầm bảo: "Đã thế thì cứ cho nó nếm thử vài mũi thương trần ..." Okatani gật đầu, lập tức xoay nhanh cán thương, gỡ lần vải quấn ra. - Được ! Nếu các hạ muốn. Nhưng hãy dùng thiết kiếm. Tại hạ không muốn một đặc quyền nào. - Không sao, thanh mộc kiếm này cũng hợp với tại hạ lắm. - Không. Ta không chấp nhận một cuộc giao đấu chênh lệch như vậy ! - Sao ? Các hạ bắt ta dùng thiết kiếm trước mặt thiếu gia đây hay sao ? Ta là khách, đâu dám vô lễnhư thế trước mặt ngài. - Nhưng ... Tadatoshi vội xen vào: - Okatani ! Có ai bảo ngươi khiếp nhược đâu mà phải đắn đo mãi không chiều ý tráng sĩ. Cả hai đấu thủ bèn bước vào giữa thao trường, cúi đầu trước Tadatoshi tỏ ý tôn kính rồi nghiêng mình nhìn nhau thi lễ. Vừa dứt, Okatani nhảy né sang bên, phóng đầu mũi thương vào gáy Kojiro trong một cuộc tấn công tiên thủ chớp nhoáng. Một tiếng "cắc" khô khan, cây mộc kiếm gạt cán thương bắn lên cao, Kojiro đã tiến sát bên đối thủ. Thừa dịp cánh tay đối phương còn vướng chưa kịp thu về, Kojiro thi triển chiêu: "Chẻ liễu" đưa kiếm phạt chéo ngực Okatani. Nhưng Okatani chẳng phải tay vừa, uốn cong người tránh đòn chí mạng đó rồi lại nhảy sang bên với ý định luôn luôn giữ khoảng cách một ngọn thương giữa hắn và Kojiro. Biết điểm đặc thù này là nhược điểm của lối sử dụ ng trường thương, Kojiro không ngớt khai thác, bỏ lỡ một cơ hội nào mà không tấn công xáp lá cà. Không để Okatani chiếm ưu thế, hắn nhảy theo bám sát, lúc trước mặt, lúc sau lưng, lúc hai bên sườn, lúc nào cũng sát nách, khiến đối thủ hắn phải cầm ngắn cây thương lại chỉ lo thủ thế. Thành ra cây thương dài một trượng của Okatani hó a vô hiệu, lại còn vướng víu. Trong khi đó thì Kojiro liên tiếp tấn công như vũ bão bằng kiếm ngắn, thi triển vài chiêu rất ngoạn mục, kể cả chiêu trảm nhạn, khiến Okatani ban đầu còn chống đỡ, sau cứ nhảy lui dần, lui dần. Trông Okatani bấy giờ chẳng khác gì một con chim ưng nhỏ bị chim đại bàng đuổi theo mổ tới tấp. Chợt một tiếng rắc vang lên, cây thương gãy hai. Mũi thương bắn ra xa, trong tay Okatani chỉ còn một đoạn gỗ ngắn. Cùng lúc, tiếng kêu đau đớn như xé màng tai của gã. Người ta tưởng tiếng rú của kẻ sắp hồn lìa khỏi xác cũng chỉ bi thương và ghê rợn đến thế ! Cuộc so tài ngắn ngủi chấm dứt. Một thuộc hạ khác của Tadatoshi định xách kiếm bước ra nhưng vị tiểu chúa ngăn lại và nói: - Như vậy cũng đã đủ ! Ông đứng dậy bỏ vào hậu sảnh, nét mặt đăm chiêu, trong khi bạn hữu và gia nhân xúm quanh Okatani xem xét vết thương tìm cách cấp cứu. Tối hôm ấy, khi Kakubei về nhà, Kojiro hỏi: - Trước mặt thiếu gia, tại hạ biểu dương kiến thức có quá đáng không ? - Không. Rất đặc sắc. Ngài rất lưu ý đến kỹ thuật của đại hiệp. Tuy vậy trong lòng Kakubei hơi khó chịu. Đã biết tài của Kojiro, hắn có cảm nghĩ con chim hắn đang ấp ủ trong tay, sau này có thể trở thành một loài nghịch điểu, biết đâu chẳng gây cho hắn những tai họa bất ngờ. - Ngài có thể nói thêm gì không, hay chỉ lưu ý đến kỹ thuật của tại hạ thôi ? - Không nói thêm gì.- Thôi mà tôn huynh, chẳng nên giấu nhau nữa. - Ta giấu làm gì ? Ngài chỉ truyền trị thương và săn sóc cẩn thận Okatani mà thôi. Ngài có vẻ xúc động. Thất vọng, Kojiro ngồi im, lát sau mới nói: - Thiếu gia xem ra là người có kiến thức và đức độ. Trong tình thế này, nếu cần phụng sự một ai, tại hạ sẽ chọn lựa vị ấy. Nhưng dĩ nhiên, sự quyết định đâu phải ở tại hạ. Kojiro chỉ nói có thế. Những năm gần đây hắn đã trưởng thành và cả với Kakubei, nhiều khi cũng không muốn tiết lộ hết những suy tư thầm kín. Theo hắn, chẳng sớm thì muộn, hai tộc Hosokawa và Tokugawa thế nào cũng xung đột, nhất là khi Hosokawa Tadaoki Ở Osaka, tuy bề ngoài làm như ở ẩn nhưng thật ra vẫn chiêu binh mãi mã và thế lực ngày càng bành trướng. Không thể tiên đoán được kết quả ra sao, nhưng có điều những người như hắn, nếu không khôn ngoan mà chọn lầm chúa thì sau này sẽ có thể lại trở thành lang bạt, ăn cơm thí, ngủ đầu hè và sinh mạng nhiều khi cũng không giữ được chỉ vì miếng cơm manh áo. Hai hôm sau, có tin Okatani đã tỉnh. Nội tạng bị chấn động và xương hông bị giập nát, hắn vẫn còn trong tình trạng khẩn trương nhưng có lẽ không nguy đến tính mệnh. Nghe tin, Kojiro không xúc động. Hắn bình tĩnh tự nhủ nếu sau cuộc thử tài hôm trước không nhận được một chức vụ gì như ý mong ước thì ít nhất hắn cũng đã tạo được danh tiếng. Nhưng tuần sau, Kojiro ngỏ lời muốn đi thăm Okatani. Rồi không giải thích vì sao lại đột nhiên có lòng tốt như thế, hắn đích thân đến nhà nạn nhân. Đang nằm dưỡng thương, Okatani cảm động rơi lệ: - Chiến đấu thì thua được là lẽ thường. Tại hạ sở học còn kém, dĩ nhiên không địch lại được các hạ, đâu dám phiền trách. Các hạ đến thăm thật quý hóa. Xin đa tạ ! Kojiro ra về rồi, Okatani còn tỏ lòng ngưỡng mộ, nói với người thân: - Trước ta tưởng hắn chỉ là một tên hợm hĩnh, nham hiểm, không ngờ cũng là tay khá, có tài và nhã nhặn. Đó là phản ứng Kojiro đang mong đợi. Điều đó, hắn cũng đã xếp đặt sẵn trong kế hoạch: làm cho kẻ thua hắn phải ca ngợi hắn để danh hắn được vang động Giang hồ và ảnh hưởng thuận lợi đến quyết định của Hosokawa lãnh chúa. Mấy ngày sau, Kojiro lại đến thăm Okatani. Một lần còn sai gia nhân mang đến tặng một con cá tươi lớn.

CHƯƠNG 72

NHỮNG QUẢ HỒNG XANH

Tiết đại thử, sau mùa mưa, trời nóng như thiếu đốt. Cua trong lỗ lổm ngổm bò ra, trèo lên cả đường phố. Mấy tấm bảng gỗ thách Musashi ra mặt đối chất với cụ Osugi, cái thì bị đánh cắp đem về làm củi, cái thì bị gãy, nước mưa cuốn đi mất tự bao giờ. Tình cờ qua khu này ở ngoại vi Edo, thấy đói bụng, Kojiro nhìn quanh tìm hàng quán. Đây không phảicổ thành nên ít người qua lại, nhưng chỗ bán trà nước kèm điểm tâm như ở Kyoto còn hiếm hoi lắm. Tuy vậy hắn cũng tìm được một quán ăn, nếu không mua được cơm tất cũng có bình trà giải khát. Quán chẳng lấy gì làm khang trang. Dựng dưới gốc hòe cỗi, có hàng lau ngang ngực che khuất như một bình phong thiên nhiên, quán xem ra cũng mát. Giữa trời hè nóng nực, chỗ nghỉ chân thế này thì thật quý ! Ngoài cửa, sát hàng lau, cắm biển gỗ đề ba chữ "Don-Ji-Ki" đọc nghe tương tự như "Tonjiki", khẩu phần cơm nắm của lính trận ngày xưa. Trong quán, bên chiếc bàn dài, hai gã Ronin đang ngồi ăn cơm. Kojiro bước vào, kéo ghế: - Ông quán, có gì ăn không ? - Dạ, có cơm và rượu. - Biển ngoài kia đề ba chữ "Don-Ji-Ki". Tên quán hay món ăn gì vậy ? - À ... à ... dạ ... thưa lão cũng không rõ. - Không phải ông viết sao ? - Dạ không. Năm ngoái khi quán mới dựng được một tháng, có ông khách ghé ăn cơm, khen ngon, lúc ra về viết cho mấy chữ, lão còn cắm đó ! Kojiro chú ý, ngắm lại tấm biển rồi gật gù: - Nét chữ sắc sảo lắm ! - Khách đã đứng tuổi, nghe nói ưa du ngoạn, thăm các đền chùa, đến đâu cũng cúng đường, có vẻ mộ đạo lắm. - Ông biết khách là ai không ? - Dạ, hình như là Da ... à, Daizo ở Nara. - Vậy hả, ta nghe tên quen lắm. - Don-Ji-Ki, lão cũng chẳng biết nghĩa là gì nhưng thấy người mộ đạo lại sang trọng như Daizo viết thì chắc tránh được bần hàn nên cứ để bảng hiệu từ bấy đến nay. Khách trong quán cười tủm tỉm, ông quán cũng cười theo. Kojiro gọi cơm với cá, chan nước trà, cầm đũa xua ruồi rồi bắt đầu ăn. Một trong hai kiếm sĩ ngồi bàn bên dùng bữa xong, ngó ra ngoài, chợt kêu lên: - Kìa, phải thằng bán dưa không ? Người kia bỏ đũa ngẩng đầu nhìn ra. Ngoài cửa quán, một gã quẩy gánh dưa da ếch, đi lặc lè, đầu hơi cúi, chiếc đòn gánh nặng trĩu trên vai đỏ ửng. - Đúng rồi ! Chính nó đấy ! Cả hai bèn hối hả chạy ra. Một tên chẳng nói chẳng rằng, rút phắt gươm ché m một nhát đứt luôn dây quàng gánh. Gã bán dưa mất đà ngã chúi về phía trước, dưa theo nhau lăn long lóc đổ đầy đường. - Ô hay, các chú làm gì thế ? - Làm gì hả ? Chưa kịp bò dậy, gã bán dưa đã bị mũi kiếm dí vào gáy và chân của tên cầm kiếm dậm trên lưng. - Con bé đó đâu ? - Con bé nào ? Ta đâu có biết ! - Không biết ? Này không biết ... Gót chân ấn xuống mạnh hơn. Gã bán dưa mặt đỏ như gấc, vừa tức vừa sợ, định vùng dậy. Bỗng nhói một cái, mũi kiếm hình như đâm vào gáy gã. - Ngươi mang nó đi đâu ? Mặt mũi thế này mà cũngbiết cuỗm vợ người ! Để ta trói lại xem còn chối nữa không ? Dứt lời tên ấy quỳ ngay xuống, dùng đầu gối đè lên lưng gã bán dưa, một tay bẻ quặt tay gã ra sau lưng, một tay với tìm sợi dây quàng gánh. Bỗng có tiếng ằng ặc phía sau như lợn bị chọc tiết. Nhìn lui, bạn hắn đổ xuống tựa khúc gỗ mục, máu ở cổ phun ra có vòi. Đứng bên là Kojiro. Hốt hoảng, hắn đứng phắt dậy: - Ngươi là ai, sao dám giết người giữa thanh thiên bạch nhật ? Không nghe đáp, chỉ thấy thanh trường kiếm của Kojiro tựa con mãnh xà vung lên trước mặt hắn. Hắn lui một bước né tránh, kiếm tiến thêm một bước. Hắn tránh sang bên phải, kiếm cũng theo sang phải. Quay sang trái, kiếm chận bên trái. Hình như Kojiro không cố tình, hay chưa có ý định giết hắn, nên lúc nào mũi kiếm cũng ở cách mặt hắn chừng non một tấc. Hắn chửi thề, vung kiếm phản kích. Một chiêu, hai chiêu, ba chiêu ... rồi năm, sáu chiêu liên tiếp. Quái lạ ! Chẳng ăn thua gì, đánh như đánh vào quãng không vậy, không mảy may đụng vào địch thủ mà thanh trường kiếm tựa con rắn vẫn nhảy múa trước mặt. Như mèo vờn chuột, Kojiro thích thú trước sự khiếp sợ của đối phương, tiếng cười hăng hắc khiến người nghe sởn gáy. Gã bán dưa ngồi dậy. Một lúc, hoàn hồn định chạy, bỗng gã giương mắt ngạc nhiên, mồm há hốc: - Kojiro ! May quá, đại hiệp cứu tiểu nhân với ! Nghe tên Kojiro, gã kiếm sĩ kia kinh hãi, biết gặp phải tay ghê gớm, xoay mình chém bậy một chiêu rồi nhảy vào đám sậy định trốn. Nhưng đã trễ, kiếm quang loáng lên, "cây sào phơi" đã xẻo đứt tai gã và phập xuống cắt luôn cổ gã đến gần gáy. Gã gục xuống chết ngay tức khắc. Kojiro lau kiếm lên áo nạn nhân, đoạn quay hỏi gã bán dưa: - Matahachi, lâu lắm không gặp ngươi. Bây giờ đi buôn dưa đấy ? Matahachi bẽn lẽn nhìn xuống đất. - Làm gì mà để hai tên này vây đánh ? - Chuyện dài lắm. Đại hiệp vẫn khỏe chứ ? - Dĩ nhiên là khỏe. Chỉ có ngươi chắc không được như ý phải không ? - Dạ ... dạ ... Rồi như tránh không muốn nhắc đến một chuyện đau đớn, Matahachi lặng thinh cúi xuống nhặt dưa bỏ vào sọt. Chủ quán chạy ra, mặt tái mét, lắp bắp: - Khách quan ! Khách quan ra tay thế này không ai trông thấy, quan quân hỏi, lão biết trả lời làm sao ? Kojiro đáp: - Không hề gì, lão cứ yên tâm. Đoạn trở vào quán, theo sau là Matahachi và chủ quán. Bảo lấy giấy bút, Kojiro viết: "Ta là Sasaki Kojiro, ngoại hiệu Ganryu, xác nhận đã giết hai tên côn đồ này trong khi chúng bắt nạt người lương thiện".- Đây thế này được chưa ? Nếu quan quân hoặc có ai khác muốn hỏi gì thì cứ bảo gặp ta trên đồi Lãm Nguyệt, ta sẵn sàng tiếp. Rồi lại thêm: - Gã này quen biết với ta, ông quán cho gã gửi tạm hai sọt dưa ở đây, mai lấy. Chủ quán líu ríu: - Dạ ... dạ ... Đoạn gấp tờ giấy bỏ vào bọc và quay vào mang ra hai bình nước trà. Ngồi đối diện Kojiro trước bàn, Matahachi đầu cúi gầm như đứa trẻ có lỗi. Trước sau gì rồi cũng phải kể hết chuyện cho Kojiro nghe. Mà chuyện gì đây ? Toàn những việc xấu xa không đáng nói, nhưng vốn tính nhu nhược, Matahachi không thể từ chối. Từ khi Otsu vuột khỏi tay hắn, càng ngày hắn càng chán nản chẳng thiết làm gì, đàn đúm với bọn vô lại ăn cắp, ăn xin, được đồng nào lại mua rượu uống say sưa tối ngày. Gần đây, túng quẫn quá, phải nhận gánh thuê cho người ta chứ làm gì có tiền mà buôn bán. - Thế còn hai tên kia, lý do gì ngươi bị chúng đánh ? Matahachi thở dài: - Cũng chỉ vì một con bé ... Kojiro mỉm cười. Thì ra cái tên vô tích sự này vô tích sự Ở đâu chứ với gái thì đào hoa quá ! Hay là cái nghiệp của hắn đấy ? Bèn hỏi: - Con bé tên gì, ở đâu, nói rõ ta nghe. Matahachi cứ cúi gầm mặt xuống, vặn hỏi mãi mới đáp: - Con bé làm ở một trà thất nhỏ cách đây chừng một dặm. Chỗ đó đông khách, đủ mọi hạng người, kể cả hai tên lúc nãy. Tại hạ tới uống rượu đôi ba lần, được con bé để ý. Nó bảo vị hai tên đó cứ theo chọc ghẹo hoài mà lão chủ thì sợ không dám làm gì nên muốn đi chỗ khác mà chẳng biết đi đâu. Thấy tại hạ hiền lành ít nói, nó nhờ dẫn nó đi trốn. Chuyện chỉ có thế ... - Hừ ! Kojiro cười khẩy. Ta nghe có vẻ khả nghi lắm ... - Gì mà khả nghi ? - Thế tên nó là gì ? - Ờ ... Ờ ... Tên nó là ... Kojiro cắt ngang: - Mà thôi, ở đây nóng quá, dẫn ta về nhà, ngươi kể ta nghe rõ ngọn ngành sau cũng được ! Matahachi giật mình đánh thót. - Có gì phiền chăng ? - Nhà tại hạ quê mùa hủ lậu, đại hiệp đến làm gì ? Kojiro ngạc nhiên, nhưng nhìn nét mặt thiểu não của Matahachi, hắn thôi không không hỏi nữa, chỉ nói: - Cũng được, để khi khác vậy. Ta ở đồi Lãm Nguyệt, nhà Kakubei, lúc nào cần việc gì, cứ đến. Matahachi mừng như mở cờ trong bụng: - Thế thì còn gì bằng ! Thế nào cũng phải có dịp đến vấn an đại hiệp chứ ! - À, trong những tháng gần đây, ngươi có thấy cáo thị nói về Musashi không ?- Có. - Trong cáo thị có nêu tên thân mẫu ngươi, sao ngươi không tìm thăm ? Matahachi gãi đầu, bối rối: - Tại hạ như thế này đến thăm sao được ! Vả lại ... vả lại ... - Ngươi là đứa con bất hiếu. Tưởng tượng xem mẹ ngươi sống được bao lâu nữa ? Rồi nếu gặp Musashi, biết chuyện gì sẽ xảy ra ? Bấy giờ ngươi sẽ hối hận suốt đời! - Ờ, có lẽ tại hạ cũng phải nghĩ đến chuyện đó. Nói thế, nhưng thật ra Matahachi sẽ chẳng bao giờ nghĩ đến chuyện tìm gặp mẹ. Mọi người, kể cả kẻ vừa mới cứu mạng hắn, xét cho cùng, chẳng hiểu gì về những liên hệ tình cảm giữa mẹ con hắn cả. Hai người chia tay nhau. Matahachi đi đường nhỏ sang phía tây, còn Kojiro dọc hướng đông nam về thành phố. Nhưng được một quãng, Kojiro quay trở lại đuổi theo Matahachi, vừa đi vừa ẩn trong các lùm cây ven đường không để gã biết. Đến một nơi cỏ tranh mới cắt lam nham, chỗ đất còn cháy xém, màu than đen loang lổ từng đám, chỗ cỏ mọc đã cao, hiên ra chục căn nhà dài mái rạ, vách ván lẩn giữa những cây hồng dại, quả vàng quả xanh lẫn lộn. Đó là chỗ ở của một số công nhân làm đủ nghề trong các dinh lãnh chúa đang xây cất ở Edo: thợ nề, thợ mộc, thợ vác đá, thợ đào giếng ... Mỗi căn chứa được năm hộ, có khi sáu, bảy. Edo bành trướng nhanh, thợ thuyền đến lập nghiệp mỗi ngày một đông, mạnh ai nấy sống, tranh nhau đốt cỏ khai quang thêm mãi ra. Ngoại vi Edo này có đến hàng trăm xóm như thế. Matahachi, may có người giới thiệu, len lỏi vào cũng chiếm được khoảnh đất nhỏ, đương nhiên trở thành kẻ ngụ cư trong xóm. Về đến nhà, một thiếu phụ lật đật ra đón. Nàng là cô bé Matahachi kể cho Kojiro nghe lúc nãy. Tưởng ai, hóa ra Akemi. - Giao hết chỗ dưa rồi hả ? Thay áo đi tắm đi ! Matahachi vui vẻ gật đầu. Nghèo và bị chèn ép như hắn, nhưng đôi lúc hắn cũng thấy vui, cuộc đời đáng sống lắm. Akemi bỏ hắn đi mấy lần, tưởng chẳng bao giờ gặp lại, ngờ đâu số mệnh run rủi, hoa xưa ong cũ lại tìm thấy nhau. Hàng xóm toàn thợ thuyền bình dân nhưng chất phác chẳng phiền hà hắn bao giờ. Hắn thấy hạnh phúc. Nước tắm đã pha xong, Matahachi cởi trần, đóng vỏn vẹn cái khố, vừa bước vào bồn vội rút ngay chân ra. - Chà chà ! Nóng quá ! Gọi Akemi đến, đổ thêm nước lạnh vào rồi ngồi trong bồn gỗ, hắn thở phào, khoan khoái. Lão ông hàng xóm chạy sang, bắc ghế đẩu kề bên, bắt đầu chuyện gẫu. - Hôm nay ngoài phố có chuyện gì lạ không ? - Không. Như mọi hôm. - Giao hết dưa rồi hả ? Nắng thế này, chắc dưa bán chạy.- Chắc thế. Nhưng còn để một số ở quán Don-Ji-Ki. - Nếu bác nghe lão, xin chân đào giếng trong dinh thì có phải giờ khá hơn không ? - Dạ ... dạ ... nhưng Akemi đâu để tại hạ làm việc đó. - Sao vậy ? - Còn đào giếng thì còn phải ở trong thành, đâu ra ngoài được. Nàng than một mình buồn, chẳng ai bầu bạn. Ông lão cười hinh hích: - Hạnh phúc nhỉ ! Lấy nhau lâu chưa ? - Ối ! - Gì thế ? - Có quả hồng xanh rơi lên đầu ! Matahachi cầm quả hồng xanh đưa ông lão coi. Tiếng cười lớn hơn: - Chả khoe vợ yêu nữa đi ! Trời phạt đấy ! Matahachi cũng cười. Những tâm hồn giản dị thường dễ thông cảm với nhau về những chuyện không đâu. Akemi mang khăn ra. Matahachi bước khỏi bồn tắm và ông lão hàng xóm cũng bỏ về, chẳng muốn làm phiền đôi vợ chồng mà ông cho là có hạnh phúc. Thay áo mới xong, đứng trước hiên, Matahachi kể cho Akemi nghe câu chuyện xảy ra hồi nãy. Nàng tái mặt: - Chàng gặp Kojiro hả ? Có nói thiếp ở đây không ? - Không. Ai ngu gì mà nói ! - Hắn có đòi đến nhà này không ? - Có, nhưng ai ngu gì mà cho hắn biết. Akemi thở dài. Matahachi cầm tay nàng để lên đùi mình: - Nàng yên tâm, ta không đời nào tiết lộ cho hắn biết chỗ ở của nàng đâu ! Thằng vô lại đó sẽ theo dõi ... Thình lình, một quả hồng xanh nữa lại đập đến bộp vào má hắn. Lần này mạnh hơn, thịt hồng vỡ tung tóe. Matahachi giơ tay xoa má, không biết rằng ở đầu nhà, một bóng người cao lớn đang men theo những bụi cỏ tranh, bước vội ra đường cái.

CHƯƠNG 73

THẦY TRÒ

Thầy trò Musashi rời khỏi xưởng mài kiếm của Kosuke đã hai hôm, đi mãi về hướng đông qua mấy xóm tiều xơ xác, lèo tèo vài căn nhà gỗ hoặc đôi ba cái chòi rạ. Đến đồng Musashimo, cỏ cao ngang bụng, con đường mòn ít người qua lại hình như bị lấp kín từ lâu, chỉ còn lờ mờ dấu vết. Lầm lũi đi trong đám cỏ cao, Sannosuke ngẩng lên bỗng không thấy sư phụ đâu nữa. Nó hốt hoảng gọi: - Thầy ! Thầy có đấy không ? Tiếng Musashi từ phía trước: - Ta đây, sao chậm thế ? Nghe tiếng sư phụ, Sannosuke thở phào, bẽn lẽn vì đã sợ hãi vu vơ. Nó bước nhanh để theo kịp thầy, sỏi dưới chân kêu rào rạo, mồ hôi thấm vào những vết xước trên da hơi xót.- Con đường này đi đâu hả thầy ? - Ta cũng không rõ, nhưng chắc không phải đến một thị trấn đông đúc. - Sao mình không đến chỗ nào đông vui ? - Mình không tiện ở những chỗ đông vui. - Thế mình ở những chỗ như thế này à ? - Sao lại không ? Mình cần học, con còn phải tập luyện nhiều, không tiện ở những nơi đô hội. Vả ta cũng không thích. Sannosuke ngước nhìn trời, nhìn khoảng mênh mông của khung cảnh trước mặt rồi nghĩ đến sự trống rỗng buồn tẻ khi phải sống trong cảnh ấy. So với nếp sinh hoạt nhộn nhịp vừa trải qua, nó thấy lòng ngao ngán. Nó xịu mặt. Nhìn Sannosuke, Musashi biết ngay đồ đệ đang nghĩ gì, nhưng không nỡ quở trách. Tuổi trẻ ham vui, cũng như hắn khi xưa, lúc còn nhỏ. Musashi để tay lên vai thằng bé, cũng nhìn trời và nói: - Sannosuke ! Sắp vào thu rồi. Trời sẽ đẹp bao nhiêu, gió gợn sóng hoa lau bạc trắng và mỗi sáng sương đọng trong vắt trên nền cỏ trước nhà ! Musashi nói với Sannosuke mà như nói với chính mình. Trong đáy lòng con người lang bạt có một tâm hồn đa cảm lạ lùng và không biết cuộc đời hắn đang sống đây là do tâm hồn ấy xui khiến hay do lòng yêu thiên nhiên thúc đẩy. Có lẽ cả hai. - Trước nhà ? Xung quanh đây có nhà nào đâu ? - Ta sẽ tìm chỗ làm nhà chứ ! - Như ở Hotengahara ấy hả thầy ? - Ừ. Nhưng lần này ta không làm ruộng nữa. Ta muốn có thì giờ suy tư và tập luyện cùng dạy con về võ nghệ nhiều hơn. Có lẽ cũng cần phải tìm một chố nào hẻo lánh nhưng đừng xa thị trấn lắm. Chúng ta còn phải nhờ cậy vào xã hội nhiều. Tối hôm đó, như những con thú hoang, hai thầy trò lại ngủ ngoài trời, bên một dòng suối gần cạn, sau bữa ăn đạm bạc gồm cơm khô với cá nướng. Hôm sau lên đường, qua trấn Kashiwagi, tạt vào quán mua ít thực phẩm khô xong, Musashi và Sannosuke lại tiếp tục trở lại đường mòn, đi mãi. Vào sâu, đồng cỏ dường như khác dần. Đã có cây sồi và giẻ gai điểm lác đác. Xa xa là bìa một khu rừng thưa, tùng trắc xanh đen chen lẫn với màu lá phong, chỗ đậm chỗ nhạt, không còn làm chán mắt. Đến nơi, lại thấy dòng suối nhỏ, nước róc rách qua những tảng đá xanh rêu dưới vòm rễ cây đan nhau chằng chịt. Musashi rất lấy làm thích ý, gật gù: - Chỗ này được đây. Ta tạm nghỉ rồi ngày mai sẽ bắt tay vào việc. Sáng hôm sau, mặt trời mới ló, thầy trò Musashi đã vào rừng hăng hái chặt cây dựng nhà. Sannosuke tính vẫn như xưa, lo xa và cần kiệm, nhặt những cành nhỏ bó lại để dành phơi làm củi. Trong khi nấu cơm cho cả hai thầy trò ăn, nó không khỏi không nhớ lại thời kỳ ở Hotengahara, những lúc vui buồn với Musashi, những ngày bão lụt và chống cự bầy sơn quỷ. Lòng tri ân, yêu mến sư phụ dào dạt. Sannosuke, trong khi chờ cơm chín, pha một bình trà mang vào rừng để sư phụ giải khát. Hai thầy trò ngồi dưới tàng thông uống nước, ôn lại chuyện những năm qua, tình sư đệ càng thêm khắng khít. Chẳng bao lâu đã hết hạ sang thu. Khi những chiếc lá phong đầu tiên đổi màu thì căn nhà Musashi dựng lên cũng vừa hoàn tất. Gọi là nhà, thực ra chỉ là một cái lều gỗ để nguyên cây ghép lại, vỏ còn xù xì chưa róc, mái cỏ tranh do Sannosuke cắt ở cánh đồng ngay đấy phơi khô, ken lại thành từng tấm đem lợp. - Chẳng khác gì lều của những kẻ đốt than. - Musashi cười bảo đồ đệ - Nhưng cũng còn hơn không có gì để che mưa nắng. Những ngày sau đó, ngoài công việc nấu ăn thường nhật, thời biểu luyện tập của thầy trò Musashi được ấn định rõ ràng và buổi trưa, đôi khi tiếng đọc sách của Sannosuke át cả tiếng ve cuối mùa ngoài đồng vắng. oo Đối với Jotaro, đồ đệ cũ trước đây, Musashi không khắt khe đến thế. Hắn để mặc Jotaro được tự nhiên, chỉ hướng dẫn và giải thích chứ không ngăn cấm. Áp dụng cách ấy vào việc giáo dục Sannosuke, hắn thấy dường như kết quả không được như ý muốn. Tác phong tốt mất dần, đồng thời tật xấu xem chừng bắt đầu nảy nở như cỏ dại ở vườn hoang. Nếu không nhổ hẳn đi, sau này khó mà trừ được. Trong những thập niên gần đây, các sứ quân thắng trận liên tiếp lên cầm quyền Người nào cũng chỉ biêt xây dựng uy thế trên võ lực và củng cố uy thế ấy để giữ quyền lợi cho đảng tộc mình mà thôi. Dân chúng ít được lưu tâm đến, nếu có cũng chỉ được coi như một giai cấp thấp hèn được sinh ra để phục vụ. Trận chiến Sekigahara đã mở mắt cho nhiều người và Tokugawa Ieyasu hình như cũng có ý muốn theo con đường sửa đổi chính sách. Đó là một điều hay để đưa các từng lớp xã hội từ chỗ hỗn loạn đến trật tự, từ chỗ chia rẽ đến thống nhất và từ chỗ phá hoại đến xây dựng.Musashi cũng chủ tâm theo hướng ấy khi luyện tập cho Sannosuke thành một kiếm sĩ có khả năng nhằm mục đích góp phần vào công việc đào tạo giai cấp lãnh đạo sau này. Song song với việc luyện kiếm, hắn bắt đồ đệ phải đọc sách để thêm kiến thức và tu dưỡng tâm tính trong những buổi diện bích suy tư. Vì vậy kỷ luật gắt gao hơn, không còn lơi như những năm trước. - Sannosuke ! - Dạ. - Mặt trời sắp lặn. Đã đến giờ tập. Mang kiếm ra đây ! Sannosuke đem hai thanh mộc kiếm lại, một dài một ngắn, quỳ dâng trước mặt sư phụ. Musashi cầm kiếm, bảo đồ đệ đứng dậy, đưa nó thanh kiếm ngắn và ra lệnh thủ thế. Thầy trò nhìn nhau yên lặng, kiếm giơ ngang tầm mắt. Vệt sáng cuối cùng của ngày tàn còn đọng lại ở chân trời, nhưng gần căn lều Musashi và Sannosuke ở, bóng tối đã tràn ngập. Sau lùm cây trắc lá đen dày, mảnh trăng thượng huyền mới mọc lấp ló. - Mắt ! Giọng Musashi sắc và gọn. Sannosuke mở to mắt. - Mắt ta ! Nhìn vào mắt ta ! Sannosuke nhìn mắt sư phụ. Trong bóng tối, mắt Musashi sáng như sao, có ánh đỏ. Nó sợ, chỉ muốn quay đi, nhưng dường đoán được ý nó, Musashi quát: - Mắt ta ! Nhìn mắt ta ! Không được quay chỗ khác ! Sannosuke bủn rủn chân tay, thanh kiếm gỗ rung động. Nó cố chú mục vào mắt thầy nhưng mới chỉ một thoáng đã đầu váng mắt hoa, kiếm trên tay nặng trịch chỉ chực rớt. Musashi tiến một bước, ánh mắt không rời khỏi mắt đồ đệ. Sannosuke định bước lui mà chân cứ chôn chặt xuống đất, không tiến mà cũng không lui được. Người nó nóng ran. Sự tức giận như muốn nổ tung. Dường cảm nhận được sức mạnh của nguồn nội lực bộc phát trong lòng Sannosuke, Musashi lại quát: - Tấn công ! Sannosuke giật mình nhảy tới. Lưỡi gươm chém bậy lên đầu địch thủ trong một phản ứng hỗn loạn vì thói quen chứ không vì chủ đích. Vù một cái, Musashi đã cúi mình, thu vai lại, trườn mình như cá đến sau lưng nó, mũi gươm kề sát nách đồ đệ. - Đủ rồi ! Tạm ngưng ! Sannosuke hoàn hồn, quỳ xuống chân sư phụ. Musashi chống kiếm, nghiêm khắc nói: - Vừa rồi ngươi đã thấy sự thiếu bình tĩnh và sợ hãi mang đến kết quả như thế nào. Trong cuộc chiến, đôi mắt hết sức quan trọng. Nếu sử dụng đúng lúc, nhãn quang có sức mạnh ghê gớm khôn lường, có thể làm tâm ý địch thủ tổn thương ngay từ đầu, chưa đánh đã nắm chắc phần thắng. Đừng để tinh thần dao động vì khiếp nhược, vì khiếp nhược là chết. - Dạ. - Bây giờ ra kia, ta tiếp tục.Hai thầy trò quần thảo với nhau trong bóng tối chập choạng, yên lặng không thốt một lời. Chỉ nghe tiếng thở mỗi lúc một mau của Sannosuke và đôi lúc tiếng mộc kiếm chạm nhau kêu lách cách. Sương xuống ướt đẫm bãi cỏ ven rừng và vầng trăng cong tựa sừng trâu đã lên khỏi ngọn cây trắc cao nhất. Mỗi khi có cơn gió mạnh, côn trùng lại tạm ngưng điệu nhạc ri rỉ buồn bã. Thu đã về. Những bông hoa dại ban ngày trông không rõ, ban đêm hiện ra run rẩy, xôn xao dưới ánh trăng, trong sương đêm tỏa hương nhè nhẹ. Musashi cùng đồ đệ ngừng tập, bước vào nhà thắp đèn. Bỗng nghe tiếng ngựa hí, Musashi cau mày: - Ai vậy ? - Chắc lại một lữ khách nào lỡ đường. Để con ra xem. - Ừ ra xem ai. Một lát, Sannosuke trở vào. Musashi hỏi: - Lữ khách ? - Dạ không. Ông này muốn đến thăm thầy. Ông xưng danh là Shinzo, đồ đệ của Obata Kagenori. - A ! Ta nhớ rồi. Ra mời vào đây ! Tuy không quen thuộc gì với Shinzo, nhưng Musashi có biết hắn khi còn ở trọ tại xưởng mài kiếm của Kosuke. Kosuke thường liên lạc với các học viên của trường dạy binh pháp Obata. Sau lần Kojiro ra tay giết một số học viên của trường này bên bờ sông Sumida rồi sau đấy lại tận diệt mấy người khi bọn này tìm đến báo thù cho bạn đồng môn thì Kosuke xem chừng phẫn nộ lắm. Vì không muốn dính dáng đến những chuyện ân oán Giang hồ như thế, Musashi bỏ đi, không ở trọ nhà Kosuke nữa. Bây giờ Shinzo lại đến tìm hắn, chẳng hiểu có mục đích gì ? Musashi ra đón khách ở cửa ngoài. Tuy gọi cửa ngoài nhưng thực ra căn lều không có cửa. Những hôm gió lộng, mưa to, chỉ có tấm liếp cỏ được dùng để che chỗ nằm cho hai thầy trò và những vật dụng linh tinh cùng sách vở. Góc bên kia là bếp. Thành ra chủ khách phải đứng ngoài hiên đàm đạo. - Túc hạ đến có việc gì ? Sao biết tại hạ Ở đây mà tìm ? - Đại hiệp tha cho tội đường đột. Câu chuyện còn dài xin để kể sau. Vả lại đấy không phải là việc chính. Việc chính là có một vị hiện đang là tân khách của gia phụ muốn được gặp đại hiệp. - Ồ ! Ai vậy ? Shinzo mỉm cười: - Không tiện tiết lộ danh tính. Vị đó bảo muốn dành cho đại hiệp một sự ngạc nhiên thích thú. Musashi cũng cười: - Ra thế đấy ! Thế vị đó đâu, sao không mời vào ? - Hiện ở tại tệ xá. Và đó cũng là lý do tại hạ vâng nghiêm mệnh đến đây thỉnh đại hiệp ... Musashi cau mày. Ở Edo hắn chẳng quen ai nên tò mò gặng hỏi, thì chỉ được đáp người đó biết hắn từ khi còn nhỏ. "Ai thế nhỉ ?". Musashi nghĩ thầm. Chẳng lẽ Matahachi, hay có thể một người nào đó ở Mimasaka, hoặc Takuan hay Otsu. Hắn không tin làOtsu, nhưng trong thâm tâm ước mong người đó sẽ là nàng. Niềm hy vọng tràn ngập trong lòng, Musashi hớn hở như đứa trẻ sắp được kẹo. - Đại hiệp đến không ? - Ngay bây giờ ư ? Shinzo gật: - Ngay bây giờ. Đêm nay có trăng, trời mát mẻ. Tại hạ đã dẫn theo một con ngựa buộc ngoài kia chờ sắn. Musashi gọi Sannosuke tới dặn dò mấy câu rồi ra khỏi nhà. Shinzo hỏi: - Obata Yogoro, con trai duy nhất của Obata Kagenori mới bị Kojiro giết chết, đại hiệp biết chưa ? - Chưa. Tại hạ Ở chỗ cô lậu này, hàng tháng chẳng có người qua lại, như ếch ngồi đáy giếng, có rõ gì đâu ! - Yogoro đến chỗ Kojiro trọ trên đồi Lãm Nguyệt định ám sát hắn, không ngờ việc chẳng thành nên vong mạng. Musashi lắc đầu. Những chuyện oán cừu như thế nếu không tìm rõ ngọn ngành để giải tỏa, chắc còn nhiều người chết. Kể từ ngày bọn đệ tử Obata bị mất mạng trên bờ sông Sumida, rồi năm học viên của trường bị giết, cộng với Yogoro tử thương mới đây, tất cả có trên mười người thuộc phái Obata bị Kojiro tàn sát. Và như thế chứng tỏ Kojiro chẳng phải tay vừa. Tiếng ngựa hí nghe đã gần. Shinzo tới tháo cương ngựa cho Musashi, yên cương đã bắt đầu ẩm. Musashi nhảy lên ngựa cùng với Shinzo sóng đôi đi sâu vào rừng qua các lùm trắc cao, chẳng mấy chốc đã bị sương đêm che khuất dạng. Sannosuke ngồi trước hiên trong bóng tối của căn lều, giữa sự cô tịch của cảnh vật xung quanh. Nó đã sống trong cảnh hoang vắng từ nhỏ, nhưng sao đêm nay Sannosuke bỗn thấy sự hoang vắng ấy rõ nét như chưa bao giờ thấy. Tiếng côn trùng nhỏ hơn, hàng trắc sau nhà cũng im phắc, không nghe rì rào như mọi lúc. Sannosuke nhớ đến những lời sư phụ khi nãy: "Mắt ta ! Nhìn vào mắt ta !". Trước đây nó không hiểu tại sao khi tập luyện, sư phụ thường bắt nó nhìn vào mắt người. Bây giờ mới vỡ lẽ, không những chỉ để dằn xúc động và sợ hãi mà còn để chế ngự kẻ địch nữa. "Đừng để tinh thần dao động vì khiếp nhược", ôn lời sư phụ dạy, Sannosuke chợt thấy trong bóng tối, trên lùm trắc cao, một đôi mắt đang chằm chằm nhìn nó. Đôi mắt tròn xoay, đỏ quạch nhìn nó không chớp một cách ma quái. Sannosuke cau mày. Tuy không giống mắt sư phụ nhìn trong những lúc giao đấu nhưng tia mắt cũng ghê gớm như thế, khiến nó rùng mình, da nổi gai ốc. Ở những nơi hoang vu như thế này, xưa kia biết đâu chẳng là chỗ chiến trường, oan hồn vô số lẩn quẩt bên bờ lau, bụi cỏ. Cũng như con cáo trước đây đã dẫn nó đi lạc ở Higakubo là hiện thân của loài ma quỉ nào đó, bất luận người hay vật có đôi mắt tròn đỏ lạ lùng như thế kia chắc không phải là bạn. Sannosuke định bước vào nhà, tránh nhìn đôi mắt khiến nó rợn người, nổi gai ốc như khi nghe tiếng dao cạo vào cật nứa. Nhưng bỗng ý thức sự hèn kém của mình, Sannosuke không đứng dậy nữa. Nó ngồi yên, trừng trừng nhìn lại đôi mắt đang nhìn nó. "Ta không sợ", Sannosuke tự nhủ. "Dù mày là ai, oan hồn hay yêu quái, ta cũng không sợ". Kỳ dị thay ! Trong một sự tranh thắng lạ lùng, đôi mắt kia dường như cũng nghĩ như vậy và trở nên sáng hơn, mục lực mạnh hơn như xoáy vào mắt nó. Sannosuke nhìn lại, không chớp, tinh thần căng thẳng, vận toàn lực buộc đôi mắt kia phải bỏ cuộc. Thời gian trôi đi bao lâu không rõ, Sannosuke tưởng đã phải nín thở suốt trong thời gian ấy. Và trong một sát na, nó biết là nó đã thắng. Đôi mắt không còn ở đó nữa. Có tiếng lá động sột soạt và tiếng chim vỗ cánh bay đi, nhẹ như gió thoảng. Trán Sannosuke ướt đẫm mồ hồi. Bây giờ nó thấy người dễ chịu hơn và tự hứa lần sau luyện kiếm với sư phụ sẽ nhất quyết không để bị khiếp nhược. Sannosuke bước vào nhà, tắt đèn, nằm lên chiếu như thường lệ, thanh kiếm gỗ để bên. Bên ngoài lều, cỏ lóng lánh sương, phản chiếu ánh trăng màu nguyệt bạch. Nó thiếp đi. Trong giấc mơ, Sannosuke tưởng nhìn thấy một điểm sáng nhỏ xíu giữa bóng đen vô tận. Điểm sáng to dần mãi ra, chuyển từ màu lục sang màu hồng rồi đỏ chói, vàng sậm, tím ngắt quay tròn như hào quang của một chiếc cầu vồng không có đầu mà cũng không có cuối làm nó choáng ngợp. Giật mình tỉnh dậy, trở mình trên chiếu, Sannosuke nhìn qua khung cửa mở thấy trên cao, tít từng cao, hai vì sao xanh biếc đang nhìn nó.

Bạn đang đọc truyện trên: Truyen2U.Pro

#boong